Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (69): Kinh Kha, Con Chủy Thủ và Đất Tần Bất Trắc

Truyện ngắn

Dương Nghiễm Mậu

photo-0231.

- Anh có tin là mình thoát được không, cái khó nhất đã qua nhưng còn đoạn đường dài từ đây xuống dưới đó.

- Tin hay không tin cũng chẳng ích gì, vượt được chừng nào thì vượt chừng đó, cùng lắm bị bắt trở lại, và mình có bổn phận là tìm cách vượt qua, dễ chừng từ trước tới nay anh chưa bao giờ phải vượt khỏi, phải trốn đi…

- Chưa.

- Thật là một người may mắn, với tôi đây là lần thứ bảy hay thứ tám gì rồi, chúng nó nghĩ mang tôi tới một vùng như thế này thì tôi không làm cách nào mà vượt được, tôi nhớ lại những điều mấy thằng nó nói với nhau, chúng nó tưởng tôi không biết đây là đâu, chúng làm như bọn mình đang sống trong một vùng thuộc tỉnh Vân-nam, tôi đã áng chừng từ hôm mới tới, rừng như thế nào, núi như thế nào, tôi lại dò ra ngọn sông thì tôi yên tâm. Trông anh có vẻ mệt rồi…

- Tôi yếu ít lâu nay, vốn không quen kham khổ, nếu không ở giai đoạn đặc biệt thế này có khi tôi không biết núi rừng, kham khổ là gì, cũng may tôi không đến nỗi mất tinh thần như những người khác, một số bạn tôi đã ngã lòng, chúng tôi không đủ một niềm tin, không kiên trì.
– Đa số hàng ngũ những người quốc gia đều thiếu cái đó, mình nhiều cảm tính quá và thường hoài nghi anh thấy đó, nếu bọn mình nghe được nhau, tin được, phối hợp được thì bây giờ đâu đến nỗi này… mình đã mắc những lầm lỗi lớn, đó là một bài học, bọn mình đã bỏ mất nhiều cơ hội …

Giọng người đứng tuổi trầm xuống hơi buồn, người trẻ tuổi lặng thinh nhìn ra dòng sông trước mặt, ánh trăng xanh trải trên mặt sông rộng, những gợn sóng lóng lánh như bạc, bên kia dòng sông những lau sậy trải ngút ngàn như chạy tới tận chân dãy núi đen sẫm phía xa, không khí vây quanh tịch mịch, nền trời như không một gợn mây, gió nhẹ thoảng qua làm xao động những lùm cây, dòng sông này sẽ xuôi đến đâu.

- Mình phải đi thôi, có lẽ mình đã ra thoát vòng vây chính rồi, nhưng mình còn phải qua nhiều vòng vây nữa. Anh đang nghĩ gì vậy?

- Nhớ tới gia đình…

- Một mái nhà, một ông bố, một bà mẹ, một người vợ, một người con, những bữa cơm đầm ấm trong gia đình, nhiều lúc nghĩ đến tôi muốn rớm nước mắt, nhưng lựa chọn ở lại trong khung cảnh ấy chắc mình sẽ khổ tâm về những điều khác. Nghĩ đến cha mẹ già nhiều lúc thấy mình bất nhẫn…

Tiếng người trẻ tuổi ngâm khe khẽ:

“Gió hiu hắt chừ sông Dịch lạnh
Tráng sĩ một đi chừ chẳng trở về…”

Tiếng gió lay động những lá cây, vẻ tịch mịch bao quanh tưởng như giữa chốn hoang đảo nào. Tiếng người lớn tuổi:

- Anh tưởng con sông này là sông Dịch sao?

- Tôi nhớ lại chuyện Kinh Kha sang Tần, Tư Mã Thiên đã viết cảnh qua sông của chàng Kinh thành một thiên anh hùng ca, chắc anh cũng đã đọc qua.

- Anh cũng muốn làm một Kinh Kha nữa sao, tiếc đây không phải là dòng sông Dịch, tiếc tôi không phải là Cao Tiệm Ly, là chủ quán thịt chó hay Thái-tử Đan, và tiếc bên kia sông cũng không có cả một Tần Thủy Hoàng cho anh tới mà hạ con chủy thủ… Để chọn làm một Kinh Kha thì sướng quá đi rồi, hoàn cảnh này đâu còn thích hợp cho Kinh Kha nữa, nhưng tôi vẫn không nghĩ rằng giết Tần Thủy Hoàng là mục đích chính của chàng Kinh, ca tụng cái hành động đó người ta đã giết Kinh Kha để thỏa mãn sự bất lực của mình, để làm hài lòng tự ái của mình. Tôi hỏi anh, một người như Kinh Kha mà lại không nghĩ tới hậu quả khi cầm con dao nhọn sang Tần sao?

- Tại sao không, nhưng chắc chàng ta không nghĩ tới hậu quả mà nghĩ tới kết quả.

- Kết quả là nước Yên bị làm cỏ, những người như chàng Kinh mà hành động là phải nghĩ tới cùng một lúc những thất bại, và những thành công, anh nghĩ giết được Tần Thủy Hoàng là thành công rồi sao. Tôi nghĩ chắc chắn khi cầm mũi nhọn sang Tần chàng Kinh phải nghĩ tới sau khi đã giết được Tần Thủy Hoàng và nếu việc giết thất bại. Giết Tần Thủy Hoàng rồi làm gì với một nước Tàu rối loạn? Giết một kẻ tàn bạo không chết hắn sẽ làm gì với võ lực trong tay hắn?

- Tôi thấy các chính sử chỉ chép hành động của Kinh Kha: giết một kẻ bạo tàn, sự bạo tàn mà về sau này ai cũng thấy, như vậy hành động như Kinh Kha không đáng ca ngợi sao?

- Coi chừng anh nghĩ sai điều tôi nói, tôi không hề không tán đồng hành động của Kinh Kha, nhưng tôi không tán đồng lý do người ta đưa ra, lý do khiến Kinh Kha hành động… Trước đây tôi được một người kể lại cho nghe về một cuốn sách viết về chàng Kinh, một cuốn sách mà những sự việc trong đời chàng Kinh khác hẳn những điều mình đã đọc.

- Sao lại có nhiều Kinh Kha thế?

- Kinh Kha thì chỉ có một người, nhưng những sự thật về Kinh Kha khác nhau, sự thật tùy thuộc con mắt nhìn của kẻ khác. Đọc về Kinh Kha do Tư Mã Thiên viết hay thì hay thật, hào hùng thật nhưng tôi không khỏi thấy hành động của chàng như hành động của một kẻ mà thành ngữ của mình gọi là anh hùng rơm, nếu không thì tôi cũng nghĩ Kinh Kha là một kẻ tầm thường chỉ hành động để thỏa lòng tự ái, tự ái vì hành động của Điền Quang, của Phàn Ô Kỳ, của Thái-tử Đan, nếu hành động vì nghĩa lớn, chàng Kinh đã không hấp tấp sang Tần với một kẻ giết mướn là Tần Vũ-Dương mà chàng phải đợi người bạn có đường kiếm tuyệt luân, chàng cũng không thể có những hành động ăn chơi, mê người đẹp như là cố hưởng cho hết những lạc thú trên đời để rồi chết. Kinh Kha sang Tần không phải vì mắt xanh của Điền Quang, của Thái-tử Đan, của Phàn Ô Kỳ, lại càng không phải vì cái đầu của Phàn Ô Kỳ do chính tay Kỳ chặt lấy, chẳng phải vì đôi tay người yêu của Thái-tử Đan, một người như chàng Kinh từng qua chơi khắp các chư hầu kết bạn với hết cả những bậc hiền sĩ trong thiên hạ, Điền Quang thấy không phải là người thường, luận kiếm với Cát Nhiếp, Nhiếp dọa bằng mắt mà lặng lẽ bỏ đi, vừa thân với những danh sĩ, vừa có thể thân với một tên chủ quán thịt chó; chơi với rượu mà tính thâm trầm ham đọc sách, lại có thể nghêu ngao hát giữa chợ như chỗ không người thì đâu phải là một người thường. Như vậy khiến tôi tin những điều tôi đã được nghe về chàng Kinh.

Giọng nói trầm trầm của người lớn tuổi đầy vẻ say sưa, người trẻ im lặng lắng nghe, trăng giữa tháng vằng vặc trên nền trời đầy sao lấp lánh, con sông như một dòng nước bạc óng ánh, người trẻ nói:

- Anh đã đọc được những gì về Kinh Kha mà anh cho là khác hẳn với những sử sách đã viết về chàng?

- Tôi không được đọc, tôi chỉ được nghe lại do một người anh cả nói cho nghe, anh ấy nói đã được đọc cuốn sách khi lưu lạc bên Quảng-châu.

- Liệu đó là một cuốn sử hay là một tập truyền kỳ?

- Tôi không rõ, nói theo bây giờ, theo người thật, nó như một cuốn ký sự lịch sử, không có tên tác giả, người ta khám phá ra nó giữa những sách được cất giấu khi Tần Thủy-Hoàng ra lệnh đốt hết những sách lưu truyền bấy giờ, cuốn sách có ba chương với cái tên là: Ba lần gặp Kinh Kha, cuốn sách chừng như chưa viết xong và được bỏ lửng. Trăng còn sáng quá, tôi có thể kể lại cho anh nghe trong khi chờ đợi mình lên đường.

2.

Được tin của Kinh Kha tôi vội vàng đeo hành lý lên đường, nhưng khi tới nơi Kha đã đi trước đó một ngày. Thôi thế là hỏng hết mọi chuyện, gặp Cao Tiệm-Ly trong quán rượu chúng tôi chỉ than thở với nhau, tôi nói:

- Đã nhắn tôi sao hắn không chờ tôi?

- Hắn chờ quá, lần lữa mấy ngày nhưng vẫn không thấy gì, hắn cũng như tôi nghĩ rằng một là anh không muốn nhận chuyến đi, hai là người ta không tìm thấy anh, sau nữa Thái-tử Đan có ý ngờ Kha không muốn lên đường vì sợ chết. Trong lúc quân Tần đã ngấp nghé ngoài biên thùy, làm sao để Kha có thể nói được trong một hoàn cảnh như thế, khi xuống thuyền với Tần Vũ-Dương, Kha có ý không vui.

- Tần Vũ-Dương là người thế nào?

- Một kẻ sinh ở đất mường mán, năm mười ba tuổi đã giết người, không ai dám nhìn mặt. Thái-tử Đan cho đó là một dũng sĩ có thể giúp Kha giết được Tần Thủy-Hoàng một cách dễ dàng, Kha đã quát lên với Tần Vũ-Dương: Sao Thái-tử lại sai đến mày, đi mà không về là tại thằng nhãi này, cầm một con chủy thủ vào đất Tần bất trắc phải là một dũng sĩ chứ đâu phải là một kẻ giết người như mày.

Nghe Cao Tiệm-Ly nói tôi chỉ biết thở dài, chúng tôi đều linh cảm thấy công việc của chàng Kinh đã hỏng và chúng tôi chờ đợi để nghe tin chàng chết, ngọn lửa hung bạo lại được tưới thêm dầu, chúng tôi không thể tưởng tượng hậu quả phải gánh chịu. Bây giờ Kinh Kha đang trên con đường tới Hàm-dương, tôi quanh quẩn chỗ này chỗ khác nghe người ta nói tới những ngày chàng Kinh còn ở lại đây, nào là cái chết của Thầy Điền-Quang, dũng khí của Phàn Ô Kỳ tự tay cắt lấy đầu mình cho chàng Kinh mang qua đất Tần mong được gần bạo chúa, người ta nói đến Thái-tử Đan chỉ nghĩ tới việc diệt Tần đã hy sinh ngay cả người yêu để làm vui lòng chàng Kinh. Ngồi uống rượu bên sông Dịch, nghe tiếng tiêu của Tiệm-Ly khiến tôi không khỏi bồi hồi xúc cảm, cái cảnh hơn ba ngàn tân khách, mấy vạn người dân mặc áo tang đã ra đây tiễn chàng đi, tôi tiếc đã không được hưởng khung cảnh ấy, tiếc đã không được cùng chàng lên chiếc thuyền nhỏ qua sông, bao nhiêu năm tập luyện để làm gì, lưỡi kiếm truyền lại từ nhiều đời để làm gì khi đã bỏ lỡ mất cơ hội của nó.

Tôi nhớ lại lần gặp gỡ năm xưa, cũng trong một quán rượu như thế này, lần đó Kha vừa rời khỏi Hàm-đan trên đường sang Yên, tôi nghe tiếng chàng từ lâu nên gặp nhau rất mừng rỡ và chúng tôi thân với nhau ngay, tôi thấy rõ chàng không phải là một người thường, tôi hỏi tại sao lại rời Hàm-đan, Lỗ Câu-Tiễn không dung được anh sao? Kha nói hắn mới quát mắng tôi chỉ vì ganh nhau khi đánh song lục, với những người như thế mình nên đi khỏi là hơn, lúc trước tôi cũng đã phải đi vì Cát-Nhiếp dọa tôi khi luận kiếm thuật với hắn, mỗi lần bỏ đi như thế chắc họ tưởng tôi hèn lắm, nhưng trong những trường hợp đó tôi chọn làm kẻ hèn, tôi đi tìm một kẻ để tôi xách dép cho họ nhưng tôi chưa thấy một người làm tôi nể, tôi nghe nói đất Yên có Thầy Điền Quang rất đáng kính, và Thái-tử Đan có mắt thấy được kẻ sĩ nên sang đó xem sao, trông Tần bạo ngược tôi không yên lòng được, anh có sang Yên cùng với tôi không? Tôi nói tôi không cùng đi được, tôi muốn về thăm mẹ già, nhưng tôi hẹn nếu cần đến tôi thì hãy tin cho tôi biết. Chúng tôi ở với nhau ít ngày luận bàn kiếm thuật rất tương đắc, Kha uống rượu rất nhiều, uống bao nhiêu cũng được và chừng như không bao giờ say, càng uống khí dũng của Kha càng như mạnh thêm, chàng vừa uống rượu vừa múa gươm, giọng ngâm thơ hào sảng, khí khái, tôi chưa được gặp một ai như chàng. Kha nói với tôi: luyện kiếm để làm gì, tôi nói tôi nghĩ tới Tần Thủy-Hoàng, Kha cười, chàng nói: anh có biết Cát-Nhiếp, Lỗ Câu-Tiễn luyện kiếm để làm gì không, tôi nói không, Kha cười lớn, họ luyện kiếm để dọa tôi, họ cầm lưỡi kiếm trong tay với sự đùa giỡn, nước loạn chính vì những kẻ không đáng cầm kiếm đã cầm kiếm trong tay và khoa lên với một đầu óc khoa trương rỗng tuếch, bao nhiêu lưỡi kiếm quý đã phải tủi hờn, tiếc thay.

Giọng Kha trầm trầm, tôi không phải là kẻ đánh gươm có tài, nhưng tôi muốn được dùng tới gươm một lần cho thật xứng đáng. Tôi nói tôi cũng ao ước như thế nhưng chưa được thỏa lòng, thực là một kẻ đánh kiếm không bao giờ nói đến đánh kiếm trừ trường hợp gặp tri âm, tôi đã nhầm khi đánh kiếm, luận kiếm với những kẻ như Lỗ Câu Tiễn hay Cát-Nhiếp, quả là tôi chưa có mắt thấy được người, cũng từ đó tôi bắt đầu sợ khi thấy những kẻ đeo kiếm bên mình, tôi sợ cho những người khác và cho chính hắn mang họa vì lưỡi thép vô tri, cầm một mũi nhọn, cầm một ngọn bút trong tay đâu phải giỡn được.

Ngồi bên quán nơi Kha đã ngồi, uống rượu với những kẻ Kha đã uống, nhìn con sông Kha đã qua tôi bồi hồi lo âu, mũi nhọn trong tay chàng sang đất Tần liệu có mang được gì về, tiếng nói của chàng như còn văng vẳng bên tai tôi. Chúng tôi chỉ gặp nhau mấy ngày rồi chia tay, tôi lên đường trở về cố hương, Kha lên đường sang Yên với lời hẹn gặp lại, nhưng có lẽ không bao giờ chúng tôi còn gặp lại nhau nữa. Ngày ngày chúng tôi ngồi uống rượu bên sông chờ tin người đi, có lúc Tiệm-Ly hỏi tôi:

- Nếu hắn không về chúng ta phải làm gì?

- Đừng vội nghĩ đến điều đó. Tôi tin hắn trở về.

- Anh nghĩ vào đất Tần dễ vậy sao?

- Không, tôi không bao giờ nghĩ vậy, tôi không muốn nghĩ rằng hắn thất bại. Nay Tần đã diệt Hàn, chiếm Sở, lấn Triệu, quân Tần đã đến biên giới nước Yên rồi, nếu hắn thất bại thì không quá một ngày gót quân Tần đã tới đây, chúng ta nào còn được ngồi yên đây, Thái-tử Đan liệu có chạy thoát, cảnh huống nào người dân nước Yên phải chịu, và thân hắn liệu có còn hay đã tan thành muôn mảnh. Vào một đất Tần bất trắc hiểm nghèo tôi vẫn mong hắn có thể trở về được.

Chúng tôi chờ đợi từng ngày nhưng tin từ Hàm dương vẫn biệt tăm, không ai biết những chuyện gì đã xảy ra ở đó, quân Yên dưới quyền Thái-tử Đan đã được điều động để phòng bất trắc có thể xẩy ra, tôi nghe tiếng tiêu của Tiệm-Ly không còn hay nữa, thịt rượu không còn ngon miệng nữa, luyện lưỡi gươm trong bao nhiêu năm đến lúc phải dùng lại không dùng được, đêm đặt mình không sao nhắm mắt. Chợt một đêm kia chúng tôi nghe tiếng gọi cửa, khi ra tới nơi thì thấy Kha, tôi rợn người hỏi:

- Anh thác rồi sao?

Kha cười khan:

- Không đâu, sao anh tới muộn thế, nhưng không sao.

Kha đưa tay cho tôi cầm và biết Kha còn sống, Kha nói:

- Tôi về đây để gặp Thái-tử Đan. Tôi bắt sống được Tần Thủy Hoàng rồi.

Chúng tôi đều tưởng mình sống trong một giấc mơ, nhưng đó là sự thực, Kha nói:

- Tôi muốn nghe câu trả lời của Thái-tử Đan: giết được Tần Thủy-Hoàng rồi thì Thái-tử làm gì với nước Tàu này?

- Anh hãy thuật mọi chuyện cho tôi nghe.

- Tôi vẫn có ý đợi anh cùng đi, nhưng đợi mãi không được tin gì của anh, quân Tần đã lấy Triệu, Thái-tử Đan không còn kiên nhẫn được nữa khiến tôi phải lên đường. Tới Hàm-dương tôi phải mang tất cả vàng bạc đút lót cho kẻ sủng thần của Tần là Mông-Gia để được vào bệ kiến Tần Thủy-Hoàng, với cái đầu của Phàn Ô Kỳ và tấm địa đồ đất Đốc-căng chúng tôi vào bệ kiến vua Tần. Giữa chốn triều đình uy nghiêm, vượt qua bao nhiêu tầng canh gác Tần Vũ-Dương kinh sợ khiến suýt bị bại lộ, may sao con chủy thủ trong tấm bản đồ đã không lộ ra, một kẻ giết mướn làm sao đủ sức để giết được một kẻ như Tần Thủy Hoàng, tôi đứng lên sát tận ngai vàng dâng tấm bản đồ, thừa cơ cầm chắc lấy mũi nhọn túm lấy ngực vua Tần, cả triều đình kinh hoàng nhưng không ai có khí giới trong tay, lệnh vua Tần cấm không cho bất cứ ai mang võ khí vào triều, quân phía ngoài phải có lệnh vua Tần mới được vào, tôi rút lấy kiếm của vua đưa cho Tần Vũ-Dương ra lệnh cho các quan không được nhúc nhích, tôi kề mũi nhọn vào cổ vua Tần, ý tôi muốn bắt sống mang về Yên làm thịt cho hả lòng Thái-tử Đan, sau là moi gan hắn ra tế Phàn Ô Kỳ. Tôi hơi ngạc nhiên về thái độ bình tĩnh của Thủy Hoàng, hắn nói không ngờ trong thiên hạ còn có những dũng sĩ như anh, tôi nói đừng có nịnh ta, ta chẳng phải là dũng sĩ gì, ta là người đánh gươm rất dở, dù vậy những người trong thiên hạ như ta không thiếu, họ không chấp nhận được sự tàn bạo của nhà ngươi và chỉ vì vậy họ thừa can đảm liều mạng tới đây. Nhà ngươi không sợ chết sao? Tôi bảo nếu tôi chết sẽ có kẻ khác noi theo, cho tới khi nào giết được nhà ngươi. Vua Tần gằn giọng: thôi ta chịu chết, nhưng ta hỏi: giết được ta rồi nhà ngươi làm gì với nước Tàu này.

- Thế bây giờ hắn ra sao, anh chưa giết nó?

- Chưa, nhưng hắn ở trong tay tôi lúc nào mình muốn giết thì giết, có điều tôi muốn biết Thái-tử Đan sẽ làm gì với một nước Trung-hoa sau khi tôi đã giết hắn. Câu hỏi đặt ra không những cho Thái-tử Đan mà cho cả tôi lẫn anh, cho những ai không vì địa vị, không vì quyền bính mà chỉ hành động cho chính nghĩa, hành động vì đời sống hạnh phúc của dân chúng. Không chấp nhận sự tàn bạo của Tần Thủy-Hoàng, nhưng tôi cũng không chấp nhận một xã hội rối loạn phân tán, chia rẽ, một nước Trung-hoa hùng vĩ bị chia ra làm nhiều mảnh nhỏ cho mỗi kẻ hùng cứ một phương, lâu lâu kết bè kết đảng đánh lẫn nhau gây cảnh chiến tranh không bao giờ dứt, không thể chấp nhận để một nước Trung-hoa có văn hóa bị chia cắt ra từng vùng văn minh, lại để cho mình bị yếu hèn với sự đe dọa của mọi phương bắc. Bây giờ chính là lúc phải nghĩ tới việc thống nhất một nước Trung-hoa để đối địch với dân Mông cổ, mở lại ảnh hưởng ở miền Nam, như thế phải chấp nhận phá bỏ chế độ liệt quốc, đối với tôi việc giết Tần Thủy Hoàng không phải là điều quan trọng mà chính là phải làm gì sau khi đã giết hắn? Tôi đã bắt mang theo Tần Thủy Hoàng và giao cho Tần Vũ-Dương canh chừng trên đoạn đường từ Hàm-dương về đây, vua Tần đã giải thích cho tôi nghe những việc ông làm, hắn muốn làm những việc mà tôi đã nói với anh ở trên, thống nhất một nước Trung-hoa trong mọi lãnh vực …

Chỉ gặp chúng tôi trong một thời gian rất ngắn, chàng Kinh vội từ biệt để đi gặp Thái-tử Đan, sau một ngày trời chàng Kinh trở lại vẻ thất vọng, chàng nói: các anh phải sang Triệu đi, không thể ở đây được, tôi phải trở lại Tần. Tôi nói anh trở sang Tần làm gì, Thái-tử Đan đã trả lời anh ra sao, tôi phải sang Tần, tôi chưa thể trả lời anh được, còn Thái-tử Đan, thật đáng thất vọng, Thái-tử nói trả đất lại cho chư hầu, mỗi kẻ hùng cứ một phương, và nước Tần phải bị tiêu diệt. Không, tôi không chấp nhận một hành động như vậy, tôi phải trở lại Tần và hẹn lại các anh sau. Và Kinh Kha đã đi.

3.

Người lớn tuổi ngừng kể, gió núi thổi mạnh hơn, trên nền trời những vạt mây theo gió trôi qua mặt trăng có lúc bầu trời tối hẳn đi, khuôn mặt người bạn lạnh như một pho tượng dưới ánh trăng, dòng sông nước bạc vẫn lờ lững trôi. Tiếng thú rừng lạc lõng vẳng xa. Người lớn tuổi đứng lên:

- Mình phải đi thôi, mình phải ra khỏi vùng này trước khi trời sáng.

Người trẻ tuổi đứng lên theo:

- Rồi sau đó ra sao, chẳng lẽ câu chuyện lại ngừng lại ở đó, cái kẻ xưng tôi kia chắc chắn là người bạn mà Kinh Kha đã đợi để cùng sang Tần, trong Sử-ký Tư Mã Thiên có nói đến nhưng không cho biết đó là ai, trước tôi nghĩ là Cát-Nhiếp.

- Không phải Cát-Nhiếp, là một kẻ vô danh.

- Như vậy thì Thủy-Hoàng đâu phải là một kẻ tồi gì, nhưng tại sao sau đó hắn lại có nhiều hành động bạo tàn như thế. Thủy-Hoàng chết rồi, cho đến nay trải qua bao nhiêu thời đại mà tội ác của hắn vẫn được coi là kinh hoàng nhất trong lịch sử Trung-hoa, những tội ác không ai có thể bào chữa được, bao nhiêu kẻ đã chết ở Vạn-lý trường-thành, bao nhiêu kẻ sĩ bị chôn sống, sách vở của thánh hiền đều bị đốt, các chư hầu đều bị thanh toán, nếu quả Kinh Kha đã tha chết cho Tần Thủy-Hoàng thì Kinh Kha đáng là kẻ phải chịu trọng tội và ngày nay người ta sẽ không còn ca tụng Kinh Kha như một dũng sĩ nữa.

- Câu chuyện đâu đã dứt, để rồi tôi kể tiếp cho anh nghe, tại sao phải xây Vạn-lý trường-thành, tại sao phải chấm dứt sự chia cắt, tại sao phải đốt sách chôn học trò, chính là phải đặt mình trong hoàn cảnh của nước Trung hoa thời đó, lại đặt mình trong cương vị của Tần Thủy Hoàng may ra mới thấy được điều đó, phê phán lịch sử một thời phải đặt mình trong hoàn cảnh của lịch sử đó. Tôi hỏi anh, nếu bây giờ anh là người nắm vận mạng của nước ta anh phải làm gì?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó.

- Anh cứ thử đặt mình vào trong một hoàn cảnh như thế.

- Không, tôi không thể đặt được, lớn lên với những ý nghĩ cao đẹp, nào giành lại độc lập, thống nhất, nào kiến tạo tự do hạnh phúc, ai cũng nói thế mà nay anh em giết lẫn nhau, tự do hạnh phúc chưa thấy đã thấy trại giam, đói khổ, độc lập chưa thấy đã thấy gót giày ngoại xâm, tôi chẳng cần giấu anh, ngày nay nhiều lúc tôi buồn chán ngã lòng, sức mình chẳng làm được gì, anh thấy đó, may mà anh với tôi không đến nỗi chết ở đây, nhưng rồi những ngày tới này ra sao?

Giọng người trẻ tuổi buồn buồn xúc động. Người lớn tuổi giọng vững vàng:

- Anh ít tuổi hơn tôi mà còn thấy vậy, nếu anh là tôi anh sẽ thấy còn đáng buồn hơn nhiều, nhưng đã nhận cho mình một trách nhiệm thì không có quyền được ngã lòng. Nhìn ra những khó khăn, những sự thật chắc chắn Kinh Kha cũng ngã lòng và chàng chắng muốn mình là một kẻ sĩ nữa, chàng muốn là một kẻ thoát ra khỏi đời sống nhưng làm sao để sống một cách yên lòng với hạnh phúc nhỏ bé của mình trong giữa một cõi đời đầy những đau khổ, làm sao để ăn miếng cơm mà thấy ngon giữa những kẻ đói khát, làm sao để thấy mình ấm áp giữa mùa đông đầy những người không có tấm áo che thân, làm sao để yên lòng phiêu diêu giữa một xã hội đầy những nhà giam, những đàn áp, bóc lột, bị tước đoạt tự do. Làm sao để yên ngủ với những mộng đẹp triền miên khi đất nước khói lửa, khi ngoại xâm giày xéo, khi đất nước bị những kẻ vô đạo, bất nhân cai trị … Cũng như bây giờ tôi hay anh có đang nhiên mà ngồi nguyên được không? Chúng ta chống Tây để rồi nhận Tàu sao, chúng ta chống chế độ thực dân hà khắc để nhận chế độ độc tài đảng trị sao, chúng ta bằng lòng nhìn sự thay thế tinh thần quốc gia bằng một tinh thần quốc tế sao?… Bao nhiêu câu hỏi đặt ra cho mình, thất bại nhưng không được bỏ cuộc, tôi vẫn nhủ thầm với tôi như thế, mình còn nhiều cơ hội, dù thế nào cũng không thể ngồi yên được.

Hai bóng người yên lặng len lỏi trong lối đi hẹp, một con đường mòn luồn dưới những hàng cây rậm rạp, ánh trăng thấp thoáng qua những bóng lá.

- Còn câu chuyện chàng Kinh?

- Đoạn tôi vừa kể lại với anh là hai phần đầu của cuốn sách, tôi kể lại theo một người kể cho tôi nghe, chừng như tôi đã toát lược thêm đi một phần, tôi không phải là một người có tài kể chuyện, tiếc rằng anh không được nghe người anh cả của tôi kể, câu chuyện anh ấy kể trong một đêm cũng có trăng sáng như đêm nay trong chiến khu ở Vĩnh-yên, thời gian chúng tôi phải sống những ngày đêm dài nhất trong cuộc chống trả lại Việt-Minh, rồi anh thấy đó, chúng tôi thất bại, mỗi kẻ lưu lạc một phương, người anh cả chúng tôi sau đó đã bị giết một cách bí mật, có người không tin anh đã chết, nhưng tôi có nhiều bằng chứng để tin anh không còn lại với chúng tôi nữa. Tôi nhớ rõ khuôn mặt anh, tôi còn nhớ tiếng anh nói, giọng tha thiết, ấm, mạnh khỏe, tôi tiếc không nhớ hết và nói được cái giọng của anh ấy cho anh nghe, không bao giờ tôi còn được thấy lại anh, không bao giờ được nghe giọng nói đầm ấm thiết tha và đầy tin tưởng ấy nữa.

Hồi bấy giờ anh cũng ngừng câu chuyện ở lại đó, anh hỏi chúng tôi: nếu đã nắm được quyền lãnh đạo trong tay rồi chúng ta phải làm gì, anh nói chúng ta hành động không phải chỉ để hành động, chúng ta hành động để giữ lấy vai trò lãnh đạo, với quyền lãnh đạo chúng ta mới thực hiện được cuộc cách mạng chúng ta mong muốn, tạo dựng một xã hội chúng ta hằng mơ tưởng, chúng ta không hành động như một kẻ nổi loạn hư vô, chúng ta muốn tiến tới một đổi đời… Những điều anh ấy nói trong đêm trăng ngày nào vẫn còn văng vẳng bên tai tôi, không bao giờ tôi quên những điều đó, chính nó như ngọn đèn cháy mãi soi sáng cho tôi… Và sau đó anh kể tiếp câu chuyện chàng Kinh.

4.

Chẳng bao lâu Tần đã thu tóm thiên hạ về một mối, thống nhất luật lệ, cân đo, chữ viết, cải tổ toàn thể cơ cấu xã hội, thanh toán những kẻ chống lại chế độ, bắt dân chúng xây Vạn-lý trường-thành ngăn rợ phương bắc, cải cách điền địa… tạo thành một nước Trung-hoa hùng mạnh chưa từng có trong lịch sử. Nhưng những đau khổ mỗi ngày một chồng chất lên dân chúng. Chúng tôi đã rời khỏi ngay nước Yên khi chàng Kinh ra đi. Câu chuyện ngày nào còn như một giấc chiêm bao đối với chúng tôi, chúng tôi vẫn hỏi nhau có thực Kinh Kha đã bắt được vua Tần, có phải người hôm gặp chúng tôi thật là Kinh Kha hay chỉ là một hình bóng trong giấc mộng chúng tôi, chúng tôi hỏi nhau như thế nhiều lần nhưng không sao trả lời được. Chỉ biết sau đó ít ngày tin dữ từ Hàm-dương đưa về: Kinh Kha đã nát thân dưới lưỡi kiếm bạo chúa, đâu đâu cũng nghe nói tới chuyện chàng Kinh khi tiến lên dâng địa đồ đất Đốc-cang đã thừa lúc bất ngờ cầm con chủy thủ định giết vua Tần nhưng việc không thành, nhiều chi tiết trái ngược nhau được nói đến, có người nói tại Tần Vũ-Dương mất can đảm nên để lộ cơ mưu, có người nói vì chàng Kinh không biết đánh gươm, nhưng ai cũng cho đó là số trời không cưỡng lại được, dân chúng còn phải lầm than nên mưu toan của chàng Kinh bất thành. Có điều chắc chắn là sau đó không bao lâu vua Tần phái Vương-Tiễn mang quân sang Yên, thế quân như nước lũ, gót quân Tần đến đâu cỏ không mọc lên được, chưa đất nào bị giày xéo như đất Yên, chừng như vua Tần muốn trả cái thù của Kinh Kha, không đầy một năm thành trì của Yên đã lọt vào quân Tần, vua Yên nghe lời vua Đại-Gia rằng Tần chỉ căm giận Thái-tử Đan, nếu giết Đan dâng cho Tần thì sẽ tránh được chết, nhưng dù giết Đan vua Yên vẫn bị giết theo.

Tiệm-Ly như phát điên: phải trả thù cho hắn, trả thù cho những kẻ đã bị tàn sát, phải giết tên bạo chúa. Tôi nói thì giết tên bạo chúa nhưng sau đó… Tiệm-Ly kêu: hãy giết hắn đã rồi sau sẽ hay, nghĩ mãi rồi làm sao mà hành động, trông những việc hắn làm đó mà ngồi yên được sao. Chúng tôi sống chui nhủi, bôi mặt đổi tên để tránh sự lùng bắt của quân Tần vì từ sau khi bị mưu sát vua Tần đã cho lệnh lùng bắt những bạn hữu của chàng Kinh mà giết đi, Tiệm-Ly nương náu nơi nhà Tống-tử, nhờ tài thổi ống tiêu được tiến vào cung vua Tần, nhưng có kẻ nhận ra mặt nói cho Thủy-Hoàng biết, vua Tần tiếc tài cho khỏi chết, khoét mắt chàng bảo thổi ống tiêu, dần dần Tiệm-Ly được ngồi gần Thủy-Hoàng, chàng liền đổ chì vào ống tiêu, nhân lúc ngồi gần liền giơ ống tiêu đánh vua Tần nhưng không trúng, từ đó Thủy-Hoàng không bao giờ gần người ở các nước chư hầu nữa. Hai người bạn thân đều đã chết, còn lại người chủ quán thịt chó, chúng tôi lang bạt khắp nơi mong có ngày nhà Tần bị diệt.

Còn đâu tiếng tiêu của Cao Tiệm-Ly, còn đâu tiếng nói, khí phách một người vào đất Tần bất trắc với một mũi nhọn. Tôi cô đơn trong niềm bất lực đau đớn. Tôi không còn chàng Kinh nữa. Tôi tưởng tôi đã có trách nhiệm trong sự thất bại của chàng, nếu tôi đi được chắc tôi đã không để cho hắn sống.

Một ngày kia khi đang ở nước Hàn, lang thang ngoài chợ bỗng nghe tiếng gọi, tôi ngạc nhiên không nhận ra người trước mặt.

- Kha đây.

Tôi kinh hoàng nói:

- Tôi tỉnh hay mê vậy?

- Tỉnh, tôi thật đây.

Vừa nói Kha vừa nắm lấy tay tôi: Tôi đang đi kiếm các anh, khi tới Triệu thì tôi nghe Tiệm-Ly đã chết, tôi nghe ở Hàn có hàng thịt chó rất ngon, đoán chắc các anh ở đó, quả không sai.

- Hóa anh chưa chết, tôi không hiểu được. Sau khi anh đi chúng tôi hỏi nhau hôm gặp anh thực hay mơ, và cho đến bây giờ vẫn vậy, anh đã tha chết để cho hắn hành động như vậy sao?

Chàng Kinh lặng đi, chúng tôi trở về quán, nhìn thấy một chiếc ống sáo của Tiệm-Ly còn để lại chàng Kinh cầm lấy mà khóc:

- Tôi đâu nào sợ cái chết, giết hắn đâu phải là khó với tôi, nhưng chính là tôi đã nghe người, quả tôi không có mắt thấy được người.

Bây giờ chàng Kinh tóc đã có những sợi trắng, má đã nhăn, nhưng khí dũng vẫn còn cương cường. Trong cảm xúc nghẹn ngào Kha đã nói lại với chúng tôi:

- Chắc chắn sau này sử sách sẽ viết rằng: năm ấy, ngày ấy có một tay dũng sĩ tên là Kinh Kha đã mang một con chủy thủ vào đất Tần bất trắc mưu mô giết vua Tần nhưng việc không thành. Nào phải thế, như tôi đã nói hôm gặp lại các anh trên bờ sông Dịch đó. Giữa chốn triều đình nhà Tần, tôi đã tay trái túm lấy ngực hắn, tay phải áp con chủy thủ vào cổ hắn, tôi muốn mang hắn về Yên cho Thái tử Đan hài lòng, sau là moi gan hắn mà tế anh linh của Thầy Điền-Quang, Phàn tướng quân, tôi cũng muốn như Tào Mạt xưa kia bắt hiếp Tề Hoàn-Công ký giấy trả đất cho chư hầu. Tôi nghe hắn hỏi tôi: nhà ngươi sẽ làm gì với một nước Trung-hoa này, ta không muốn chết một cách ân hận. Lật bỏ một chế độ là người ta muốn có một chế độ tốt đẹp hơn. Xô đổ một ngai vàng là để lập một ngai vàng mới, nhưng ngày nay ai là kẻ đáng mặt lên ngôi? Tôi so sánh giữa hai chế độ: những ngày đầu tiên trong chế độ nhà Tần và tình cảnh Trung-hoa trong chia cắt, phân tán, mỗi kẻ hùng cứ một phương tác oai tác quái, nỗi khốn khổ của dân chúng kéo dài quá lâu. Tôi không muốn thấy mãi một tình trạng tranh chấp liên miên, không muốn thấy một thời liệt quốc mới. Tôi muốn có một nước Trung-hoa thống nhất, một nền cai trị mạnh, hữu hiệu, sáng suốt. Thủy-Hoàng nói với tôi cũng muốn vậy đó là lý do khiến ông tiến tới thống nhất Trung-hoa, phá bỏ các chư hầu. Chúng tôi thảo luận với nhau và tôi đồng ý tha chết cho Tần Thủy-Hoàng để cùng nhau bàn kế hoạch, chúng tôi làm việc hoàn toàn bí mật: phải thống nhất một nước Trung-hoa, phải thay đổi hẳn căn bản xã hội, phải làm lại hết cả…

- Anh đã đồng ý để chôn học trò, đốt sách?

- Từ sau thời Thầy Trọng-Ni tư tưởng của Thầy đã bị không biết bao nhiêu kẻ làm sai lạc, sách vở nhảm nhí không biết bao nhiêu, để những sách ấy tôi hỏi anh di hại biết đến bao giờ. Phải chỉnh lại văn hóa, cuộc sống chỉ yên vui được khi xã hội chỉ sống với một tư tưởng, một cuốn sách cho một chân lý, một lẽ phải. Còn chôn sống học trò thì không đúng, giết hết những người có học thì lấy ai để điều khiển guồng máy cai trị. Nhưng không thể dung túng những tên khuyển nho những kẻ có học mà sống xa nghĩa sách thánh hiền, học ba chữ thánh hiền chưa vỡ mà tưởng mình đội đá vá trời được, muốn nước hùng mạnh xã hội trật tự cuộc sống hạnh phúc thì phải chôn đi những kẻ không chấp nhận sự tiến bộ, chôn đi những kẻ mãi mãi muốn duy trì địa vị quyền lợi của mình.

- Anh chấp nhận để xây Vạn-lý trường-thành bằng xương máu của người dân?

- Chúng tôi nhân danh sự bền vững muôn đời, sự sống còn của nước Trung-hoa mà xây trường thành. Muốn có đời sống buộc mọi người cùng nhau đóng góp hy sinh… Nhưng thôi anh đừng hỏi tôi nữa, tôi là một kẻ có tội, tôi cũng đã bị phản bội… Mộng tưởng của tôi chỉ là ảo tưởng, Tần Thủy-Hoàng đã đổi thay, Hoàng-đế nhà Tần ngày nay không phải là kẻ mà xưa kia tôi đã tha chết cho hắn.

- Vậy ai đã chết thay cho anh?

- Như tôi đã nói đó, tôi thất vọng với Thái-tử Đan nên đã thấy Tần Thủy-Hoàng có lý, chúng tôi cộng tác với nhau, Thủy-Hoàng nguyện thi hành những kế hoạch tôi đã đề ra, để cho vua Tần có thêm uy thế chúng tôi vẽ ra cái chuyện Kinh Kha nát thây dưới lưỡi kiếm vua Tần. Nhưng ai ngờ khi đã thu thiên hạ về một mối, dẹp tan các chư hầu, ổn định được tình thế thì vua Tần thay lòng đổi dạ. Khi đã thống nhất được giang sơn, diệt hết các địch thủ hắn không còn nghĩ tới lý tưởng tới đất nước nữa, hắn nghĩ tới hắn, hắn nghĩ tới trường sinh bất tử, tôi biết tôi đã bị phản bội, không làm cách gì khác hơn là bỏ đi.

Chàng Kinh lấy ra con chủy thủ mỉm cười:

- Anh nhớ cái này không?

- Nhớ.

- Nó nguyên là của Từ Phu-nhân nước Triệu, lúc trước Thái-tử Đan mua với giá một trăm lạng vàng, đã được tẩm thuốc độc, tôi còn giữ nó đây và đi tìm các anh. Bây giờ mình phải bắt đầu lại, bắt đầu lại trong khó khăn, thiếu vắng bạn hữu và một chế độ đã được củng cố… Xưa kia cầm con chủy thủ vào một đất Tần bất trắc tôi chỉ nghĩ tới lúc giết được bạo chúa, nhưng nay cũng với con chủy thủ này vào một đất Tần bất trắc gấp trăm lần tôi nghĩ tới một xã hội sau khi đã giết được bạo chúa, điều đó khiến tôi yên tâm hơn, nhất nữa nay tôi không phải vào đất Tần với một tên giết mướn mà vào đất Tần với anh…

5.

Hai người dừng lại, người đứng tuổi ngồi xuống một cành cây, trăng đã ngả xuống, ánh sáng đục hơn, trước mặt họ con sông vẫn lờ lững chảy, người trẻ tuổi nhận ra họ đã đến một bến sông, hai bên bờ sông có mấy quán lá xơ xác, không một bóng người, dưới bến có một chiếc thuyền cột vào một gốc cây. Người lớn tuổi nói:

- Người kể câu chuyện cho tôi nghe đã dừng lại ở đó. Tôi hỏi rồi sau đó ra sao? Người anh cả trả lời: không biết, tôi chỉ thấy cuốn sách hết ở đấy. Còn sử chép: Thủy Hoàng chẳng hề bị giết mà sau chết vì dư máu, như thế có nghĩa rằng chàng Kinh Kha kia đã thất bại, nhưng đó đâu phải là kết luận của cuốn sách.

Người trẻ tuổi tư lự:

- Tôi cho rằng đây là huyền thoại do một người nào đó tạo ra để gửi gắm tâm sự của mình. Lịch sử còn chép rành rành ra đó.

- Anh tin sử ký đều là sự thực?

- Chẳng lẽ nó đều là những điều dối trá sao?

- Tôi không nói vậy. Đó là sự thực theo một con mắt nào đó. Anh cũng đã từng tham dự vào một số những biến động lịch sử trong những ngày gần đây, anh đã biết những vụ Ôn Như-hầu, Cổ-am, Vĩnh-yên… vô phúc lịch sử lại được viết bởi những người vừa bỏ tù chúng ta thì anh sẽ thấy, có khi chúng ta còn được gọi là những kẻ phản quốc nữa. Những người sau này đọc còn biết đâu là sự thật. Nếu những người đã chết đều đội mồ mà sống lại được thì chắc lịch sử còn được làm sáng tỏ nhiều uẩn khúc. Có thể câu chuyện chàng Kinh tôi vừa kể với anh chỉ là một huyền thoại, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn tin rằng một kẻ như Kinh Kha đâu chỉ hành động để hành động hay hành động để lấy chết.

Hai người im lặng theo đuổi những ý nghĩ riêng, họ đưa mắt nhìn lơ đãng xuống bến sông mơ hồ trước mặt, mấy quán lá quạnh hiu trong màn sương đục, bên kia sông lờ mờ hình bóng những lũy tre mỏng đi như nét bút vờn nhẹ trong bức tranh thủy mạc đã lâu đời. Người lớn tuổi nói:

- Chúng ta phải chia tay nhau thôi.

- Sao vậy?

- Nơi chúng ta đang đứng đây người ta gọi là vùng tự do hay vùng giải phóng; còn bên kia sông được gọi là vùng địch hay vùng tề. Muốn cộng tác với Pháp thì qua sông, muốn sống trong giam hãm, đày đọa hay chết thì ở lại đây. Anh thấy chưa, bây giờ đâu phải là thời của Kinh Kha, còn Kinh Kha thì Kinh Kha cũng bó tay. Bây giờ có nhiều đất Tần bất trắc, nhiều Tần Thủy-Hoàng, nhiều sông Dịch phải vượt qua… Chiến sĩ một đi không trở lại, tôi không chấp nhận quan niệm ấy, lên đường là phải nghĩ đến ngày trở về, nhưng đó lại là chuyện khác, bây giờ anh qua sông hay ở lại?

- Còn anh, anh lựa chọn đường nào?

- Tôi từ chối lựa chọn cả hai con đường ấy. Ai buộc chúng ta phải chấp nhận những con đường có sẵn?…

(1962)

Dương Nghiễm Mậu

(Văn số 58 ngày 15/5/1966)

Nguồn:http://www.hocxa.com/Truyen/KinhKhaConChuyThuVaDatTanBatTrac_DuongNghiemMau.php)