Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

PHÁC THẢO MỘT BUỒN XƯA

Truyện ngắn

Kinh Bắc

1. Tôi dẫn xe tới cửa, dòm vô thấy Sáu Bá đang nằm coi sách. Tôi biết liền đó là sách gì. Cả đời ổng chỉ đọc có hai bộ truyện là Thủy Hử và Tam Quốc chí. Cứ đọc hết bộ này lại trở qua bộ kia. Nếu không có cây đờn hai dây mà lâu lâu ổng dạo qua vài tiếng, giữa đêm khuya nghe não ruột, thì tôi nghĩ ông già này khùng !

Cái tiếng đờn rầu đau ghê gớm đó, có lần tôi hỏi chú Sáu đờn bài chi mà nghe buồn tận mạng? Ổng ngó vô gốc cây mai kiểng chớ không dòm tôi, trả lời:

-Nam Ai mày. Mà mày con nít, không biết đờn, thì hỏi chi!

Thiệt tôi không biết đờn, không biết một nốt nhạc. Nhưng con Năm nó biết.

Nó tên Phương, con Sáu Bá; cũng gọi con Út. Nó biết đờn ca.

Sáu Bá là dân “tài tử”, có bạn bè nhiều, ưa tụ tập ăn nhậu hát hò. Những lúc đó, con Năm được cha nó kêu ra “xướng họa” góp vui.

Hồi thuở ấy, tôi đang là một đứa học sinh trung học, không biết bất cứ một món văn nghệ nào cả. Vậy mà nghe tiếng đờn, tiếng Năm ca, tôi tự nhủ mai này mình phải đi theo gánh hát. Tôi nghĩ tới ông già đầu trọc lóc, ốm nhom là kép chánh của cái đoàn hát bộ căng rạp mãn mùa tại đình ông Hổ. Ông này ban đêm làm vua, ban ngày bán rau cải ngay hẻm chợ Lò Đúc, Phú Nhuận.

Tôi vừa dựng xe, bước vô thì nghe con Năm trở mình, kêu cái hự. Sáu Bá xua tay, nói tôi mày ra ngoài kiếm chỗ nào đứng chơi, đề tao coi nó muốn gì.

Căn nhà Sáu Bá thuê trọ, nhỏ như cái hang chồn, nằm sâu hút trong một con hẻm sình lầy. Từ ngày con Năm bị tai nạn xe, chấn thương sọ não và cột sống, phải nằm một chỗ, cuộc đời Sáu Bá cũng xuống cấp luôn. Bây giờ tiền bạc không có, bạn bè lặn đâu mất hết, hai cha con đưa nhau vô cái vũng sình này tạm trú- để, như Sáu Bá nói : “Nằm đây chờ chết!”.

Sáu Bá là tay đờn ca tài tử nổi danh từ quê xứ Bạc Liêu lên tới Sài Gòn. Mấy chục năm không làm gì, chỉ đi tới đi lui chơi bời ca cẩm nhưng nhờ có ngón đờn “độc nghệ” mà được mọi người tán thưởng đón đưa, cung phụng.

Rồi cũng bởi cái tật giang hồ lãng mạn đó mà Sáu Bá có tới năm sáu bà vợ, còn lại mèo mỡ ra vô nữa không kể. Ổng cứ rong chơi đây đó và xoay tua ở nhà bà này bà kia… Nội nhiêu đó cũng đủ nuôi ổng ấm sườn, năm này qua tháng khác.

Song số trời đã định, Sáu Bá nói. Bà ở Phong Điền cho tao con Phương tài hoa đẹp đẽ, nhưng cuối đời nó “phụ” tao. Trời quả báo! Tao nhiều vợ nhiều con mà không lo cho ai hết… Tội tao lớn lắm!

Hút hết điếu thuốc, tôi quay vô nhà hỏi Sáu Bá : “Có gì hôn?”. Ổng đáp trong tiếng nghẹn:

-Nó thấy mày vô, nó khóc! Nó biểu con thấy anh Hai mà con nhớ hồi xưa quá!

Tôi bước cận giường, cầm tay Phương nói:

-Em đừng suy nghĩ chi nữa, Năm à. Kiếp người có số cả. Lâu lâu anh lui tới thăm em…

Nó khóc!..

Tôi kêu Sáu Bá ra ngoài bờ mương, chỗ cây trứng cá, đứng hút thuốc. Ổng nói tôi:

-Nè mày; con út nó thương mày lắm đó.

Tôi nói Chú Sáu ơi; biết sao giờ ! Mọi chuyện dở dang hết ! Nói thiệt chú Sáu nghe, hồi đó tôi cũng thương em Phương…

Sáu Bá nói Ừa; tao biết.

***

2. Mới hồi trưa này, Sáu Bá gọi cho tôi, nói mày có rảnh ghé qua tao chút. Tôi hỏi có gì không, chú Sáu ? Lóng rày lo công chuyện nhiều quá, tôi chưa sắp xếp đi thăm chú với em Năm.

Đầu dây bên kia, tôi nghe tiếng thở dài, kèm một tiếng nấc cụt. Hình như Sáu Bá đang khóc.

-Út nó chết rồi mày! Đi hồi sớm nay!

Tới phiên bên này tôi khóc.

Tôi nói trong nỗi đau buồn thảng thốt:

-Chú Sáu ơi ! Chú đờn dùm tôi một bản Nam Ai với nhịp nào buồn hơn hết thảy từ trước tới giờ nghen.

Tôi còn nhớ ngày xưa, lúc em chừng mười hai mười ba tuổi, chú ưa kêu em ca bài “Tương biệt hành”. Em ca bài này hay quá. Giọng ca em trong trẻo, mượt mà…

Bữa nào chú chép lời bài đó cho tôi. Nhưng tiếc rằng tôi không biết đờn, biết ca. Cái điệu Nam Ai, Nam Xuân mà ngày xưa chú nói, nó là sao nhỉ!..

Đêm 14/5/14