Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết

Hoàng Minh Tường

IMG_0203

Nhà văn Hoàng Minh Tường « hóa » bản thảo « Nguyên khí » dưới chân tượng Học sĩ Nguyễn Thị Lộ (bên trái là GS Chu Hảo, TS Nguyễn Quang A)

2. NGUYỄN KHUÊ

Quân thân chưa báo lòng canh cánh

Tình phụ cơm trời áo cha

(Ngôn chí - 8 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi )

Bấy giờ là mùa thu Nhâm Tuất (1442), Đại Bảo năm thứ ba, đời vua Lê Thái Tông. Khắp kinh thành Đông Kinh, dân chúng đều kháo nhau về ông vua trẻ mới chớm hai mươi tuổi đã có tới sáu vợ và sinh liền trong hai năm ba hoàng tử. Bọn trẻ con chăn trâu vùng Kẻ Mui truyền nhau bài đồng dao rằng:

Thả đỉa ba ba

Con gái đàn bà

Gặp nhà vua trẻ

Liền sinh con rồng

Vua phong Hoàng hậu

Rồi phế như không

Vua lập Thái tử

Lấy rắn thay rồng

Ai muốn vận may

Muốn truyền ngôi báu

Thì về kinh ngay...

Bài đồng dao này ám chỉ Lê Nguyên Long, tức vua Lê Thái Tông.

Số là, năm Quý sửu (1433) sau khi vua Lê Thái Tổ băng, theo di chiếu, người kế vị ngôi báu, được truyền cho Lê Nguyên Long, con thứ, lúc đó mới 11 tuổi.

Trước đó, các quan trong triều và dân chúng trăm họ đều đinh ninh rằng, nhất định đức Thái Tổ sẽ truyền ngôi cho con trưởng là Quốc Vương Tư Tề, đã 24 tuổi, võ nghệ cao cường, trí dũng mưu lược. Tư Tề tuổi trẻ nhưng chí cao, từng theo cha trên khắp nẻo đường chinh chiến, chưa đầy 20 tuổi đã theo kế sách của Nguyễn Trãi cùng Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin để kết thúc cuộc binh đao trong hòa hảo. Quốc vương Tư Tề từng được các đại thần như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú và Nguyễn Trãi phò tá, tiến cử làm người kế vị ngôi báu. Vậy mà kết cục lại không phải như vậy. Đức vua Lê Thái Tổ, cho tới lúc lâm chung vẫn không thể quên lời nguyền với Huệ phi Phạm Thị Ngọc Trần, mẹ Nguyên Long, bên bờ sông Khả Lam năm nào...

Lê Nguyên Long lên ngôi vua trong sự phò tá của các đại thần Lê Sát, Lê Ngân, Lê Thận,Lê Vấn, Đinh Liệt... Nhà vua trẻ tư chất thông minh, nhưng vốn được nuông chiều, ham chơi và đam mê sắc dục. Năm 12 tuổi vua lấy Lê Ngọc Dao, con gái quan Đại Tư đồ Lê Sát. Năm sau lại lấy Bùi Quí nhân Lê Thị Mai, năm sau nữa lấy Lê Nhật Lệ, con gái Thượng trụ quốc Lê Ngân. Rồi cung phi Dương Thị Bí lọt vào mắt vua, được vua sủng ái, năm Kỷ mùi (1439) đẻ hoàng tử Nghi Dân. Bùi quí nhân Lê Thị Mai đẻ hoàng tử Khắc Xương. Năm Canh thìn (1440) Thần phi Dương Thị Bí được phong Hoàng hậu, Nghi Dân mới hơn ba tháng tuổi đã được lập làm Hoàng thái tử. Ai ngờ bà phi Nguyễn Thị Anh vừa vào cung, vua lập tức mê mẩn ngày đêm không dời. Bất chấp luật lệ, vua đã biếm ngôi Hoàng Thái tử của Nghi Dân. Đến khi Thần phi Nguyễn Thị Anh sinh hoàng tử Bang Cơ, vua liền phế Hoàng hậu Dương Thị Bí xuống làm thứ nhân, để Nguyễn Thị Anh lên ngôi Hoàng hậu và tấn phong Bang Cơ mới hai tháng tuổi lên ngôi Hoàng Thái tử.

Chuyện thay ngôi đổi chủ vừa tạm lắng xuống thì cả kinh thành một lần nữa lại xôn xao bàn tán khi Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, vợ thứ sáu của ông vua trẻ, sắp sửa lâm bồn tại chùa Huy Văn.

Ngọc Dao là con quan Thái bảo Ngô Từ. Ông là khai quốc công thần, theo Lê Lợi từ thuở khởi sự Lam Sơn, chuyên trông coi việc quân lương. Cha ông là Ngô Kinh, gia thần của cụ Lê Khoáng thân sinh của đức Thái Tổ. Ngọc Dao có chị là Xuân được tiến vào cung vua. Một lần Ngọc Dao đến chơi với chị, vua Thái Tông nhìn thấy dung nhan nàng tươi tắn, hoa nhường nguyệt thẹn, dáng vẻ mặn mà, liền mê, giữ lại bên mình không dời, rồi phong cho làm Tiệp dư, được ở cung Khánh Phương. Mấy tháng sau thì có thai.

Một Tiệp dư cành vàng lá ngọc, sắc nước hương trời như thế, cớ sao phải sinh con ở chùa?

Nguyên là, sau vụ Huệ phi Lê Nhật Lệ vì tội cúng bái mê tín dị đoan mà bị phế truất, đến lượt Tiệp dư Ngọc Dao cũng bị tố giác là có trò yêu thuật yểm bùa trong phỏng ngủ, nhằm phù chú cho được sinh hoàng tử. Người tố giác vụ này, không ngoài ai khác là phù thủy Trần Văn Phương, người đã cúng bái và yểm bùa cho Lê Nhật Lệ. Lúc này Nguyễn Thị Anh đã lên ngôi Hoàng hậu và đang được vua Lê Thái Tông sủng ái. Ngay sau khi phù thủy Trần Văn Phương mật báo, Nguyễn Thị Anh đã tâu vua ghép Ngọc Dao tội voi dày, cho tiệt mầm mống hậu họa. Nể tình quan Thái bảo, nhà vua chỉ ghép Tiệp dư tội phát lưu, đày đi Hoan Châu. Bấy giờ Kim tử Vinh lộc đại phu Trịnh Khả đang làm Tổng quản vệ Nam Sách hạ mới được vua triệu về triều giữ trọng trách thay chức hai quyền thần Lê Sát, Lê Ngân vừa bị xử tội chết. Quan Thái bảo Ngô Từ vốn là thông gia với Trịnh Khả, đến nhờ ông kêu giúp với nhà vua, giảm tội cho con gái.

Tháng ba năm Nhâm Tuất, nhân việc Nguyễn Trãi từ Côn Sơn về triều nhận lệnh vua làm Chánh chủ khảo khoa thi Hội đầu tiên để chọn Tiến sĩ của triều đình, Trịnh Khả liền bàn với Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ tâu với vua xin giảm tội cho Ngọc Dao, thay án phát lưu bằng án giam quản thúc ở chùa Huy Văn, tổng Hoàn Nghiêm, huyện Thọ Xương. Án giam lập tức được thi hành. Đây là ngôi chùa mái lá, nằm ở phía tây nam hoàng thành bị giặc Minh đốt cháy khi chuẩn bị tháo chạy về nước, mới được dựng lại. Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh sốt sắng cho quân lính đến dựng một ngôi nhà ngang sau chùa cho Ngọc Dao, kỳ thực đó là một nhà lao trá hình. Thị Anh lại sai người trà trộn làm sư, làm vãi suốt ngày canh chừng, nhất cử nhất động đều bẩm báo với chánh cung Hoàng hậu.

Mờ sáng ngày 19 tháng bẩy, có tin mật báo đến tai Hoàng hậu rằng Tiệp dư Ngọc Dao bắt đầu trở dạ. Lập tức một đội cấm vệ do quan Vệ úy Lê Nguyên Sơn, tay chân thân tín của Hoàng hậu được tăng cường canh gác quanh chùa. Trước khi truyền lệnh, Hoàng hậu bí mật cho gọi quan Vệ úy đến mà rằng:

- Nếu ả Ngọc Dao đẻ con trai như lời đồn đại về tiên đồng giáng thế thì ngôi Hoàng Thái tử của Bang Cơ con ta khó bề giữ nổi. Quan Vệ úy chắc biết rõ nguy cơ này. Vì thế bằng mọi giá phải loại trừ hậu họa. Nếu ả sinh con gái thì tha. Nếu sinh con trai thì thủ tiêu ngay.

Giờ Tý ngày 20 tháng bẩy, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao hạ sinh quí tử.

Suốt từ đấy, cả làng Huy Văn, và các làng Văn Chương, An Trạch, Hào Nam... dường như không ngủ. Tiếng chó sủa dồn từ đầu xóm Đông đến cuối xóm Đoài. Người ta rì rầm rỉ tai nhau. Người già thắp hương trên ban thờ, thắp hương ngoài đầu ngõ. Các vãi già nhiều người khăn áo lên chùa tụng kinh niệm Phật.

Quán rượu lão Cả Ngỗi ở đầu làng Huy Văn có người cậy liếp, thì thào:

- Làm một chén rượu mừng đi. Tiệp dư sinh Hoàng tử rồi.

Chủ quán nhận ra phù thủy Trần Văn Phương. Cả thành Thăng Long, ai còn lạ gì gã. Phương nổi tiếng về trò bói toán, xem phong thủy và trấn yểm bùa. Phương cùng bà đồng Nguyễn từng lập đàn tràng thờ Phật Bà Quan âm và cúng bái hầu đồng ở nhà quan Thượng trụ quốc Lê Ngân để mong cho con gái là Huệ phi Lê Nhật Lệ được vua yêu và sinh hoàng tử. Có người mật báo, sự việc bị phát giác, Nhật Lệ bị phế làm thứ nhân, Lê Ngân vốn bị vua ghét vì tham lam, lộng hành, nay bị xử tội ép tự vẫn, giống như Lê Sát mấy tháng trước. Phù thủy Trần Văn Phương được Hoàng hậu xin với Hoàng thượng, thoát tội chết, bị điều làm lính dọn chuồng voi, nhưng chứng nào tật ấy, gã vẫn theo nghề phù thủy kiếm ăn.

Lão Cả Ngỗi vểnh tai nghe ngóng, rồi vừa rót cho Phương một bát rượu vừa hỏi:

- Tiệp dư Ngọc Dao đẻ trong chùa Huy Văn à? Chập tối qua tôi thấy hai thầy trò bà Lễ nghi Học sĩ vào chùa. Lại thấy cả gia nhân nhà quan Thái bảo cũng đến….

Phương nói:

- Quả nhiên Tiệp dư sinh quý tử vào giờ Tý như lời Thánh phán. Tôi vừa vào chùa cúng bà mụ và chuyển quà mừng của Hoàng hậu ban tặng cho hoàng nhi. Một vòng bạc chạm ngọc lưu ly và một tấm hoàng bào nhé. Lão biết không, tôi bị điều làm lính quản tượng mà quan Thái bảo Ngô Từ vẫn cho người mời tôi đến yểm bùa và cúng xin Trời Phật phù hộ cho Ngọc Dao sinh hoàng tử. Trước ngày mang thai, Tiệp dư nằm mơ thấy mình sinh Tiên đồng. Giấc mơ ấy giờ đã là sự thật. Này, nói riêng với ông thôi nhé, Hoàng tử sau này ắt ở ngôi thiên tử.

Chủ quán bịt miệng Phương:

- Ông giữ mồm, kẻo vạ miệng. Hoàng tử Bang Cơ con Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh mới được lập Thái tử tháng Một năm ngoái ( 11/1441), còn chỗ đâu cho con bà Tiệp dư?

- Rồi ông sẽ ngẫm lời tôi nói – Trần Văn Phương rít thuốc lào sòng sọc, rồi chìa bát để Cả Ngỗi rót thêm rượu và nói – Thì gương Nghi Dân con bà Dương Thị Bí tày liếp ra đấy. Thế gian biến cải khôn lường. Cuộc tranh giành ngôi báu bây giờ mới găng đây. Đã xuất hiện các thế lực cừu địch. Đằng sau Bang Cơ bây giờ là Nghi Dân, phía trước là hoàng nhi mới sinh. Ngôi Hoàng Thái tử rất khó giữ, nếu các đại thần Trịnh Khả, Đinh Liệt, Nguyễn Xí,… và đặc biệt là vợ chồng ông bà Nguyễn Trãi không ủng hộ. Này ông, có nghe thấy trẻ con làng Bưởi hát gì không?“ Vua lập Thái tử. Lấy rắn thay rồng”…Chà chà. Thế lực cừu địch tuôn ra luận điệu xuyên tạc và bịa đặt, nhằm bôi nhọ Hoàng hậu. Sắp loạn to rồi…

Trần Văn Phương ngửa cổ dốc hết rượu vào mồm, nói tiếp:

- Nhưng Hoàng hậu không dễ bị bắt nạt như bà Bí đâu. Bà này còn hơn cả Võ Tắc Thiên bên Tàu. Dám làm tất cả. Nếu bà Tiệp dư đẻ công chúa thì bà ta để yên, nhưng giờ biết tin chùa Huy Văn vừa xuất hiện người sẽ tranh ngôi Thiên tử với con mình thì …

Phù thủy Trần Văn Phương bỏ lửng câu nói, đưa tay cứa ngang cổ.

Bỗng tứ bề như có đám cháy. Đèn đuốc như sao sa. Tiếng ngựa hí, tiếng chó sủa liên hồi. Tiếng quan quân rầm rập. Tiếng quát tháo, nạt nộ.. Giáo mác tua tủa.

Loáng cái, tay phù thủy đã biến mất. Cả Ngỗi chưa kịp khép cửa, một bàn tay như sắt tóm gáy lão, rồi lính cấm vệ xông vào.

- Chủ quán? Mi vừa nói chuyện với ai? Mi chứa bọn người từ chùa Huy Văn đến trốn ở đây phỏng?- Viên võ quan xoay bàn tay sắt bẻ ngoặt mặt lão Cả Ngỗi về phía ông ta.

- Dạ, thưa…- Chủ quán ấp úng. Lão nhận ra quan Vệ úy quân cấm vệ Lê Nguyên Sơn.

Mới hơn một năm nay, đang từ chân quản lĩnh đội cấm vệ gác vườn thượng uyển, Sơn nhảy một phát lên hàng quan võ. Người ta đồn Lê Nguyên Sơn là chi thứ cụ tổ Lê Khoáng, lại đẹp trai, cùng quê với Hoàng hậu, nên được sủng ái và cất nhắc. Có người lại ví Sơn như Phạm Lãi mà Thị Anh như Tây Thi. Nhờ có Phạm Lãi mà Ngô vương Phù Sai mới có được người đẹp giặt lụa bên sông Trữ La. Nhờ có Lê Nguyên Sơn mà nhà vua trẻ Lê Thái Tông mới gặp được người đẹp Nguyễn Thị Anh của vùng Bố Vệ, Đông Sơn.

Số là hồi Lê Nguyên Sơn được tuyển vào làm quản lĩnh đội cấm vệ, biết tính ông vua trẻ thường bỏ học, rủ lũ con quan bày nhiều trò nghịch ngợm, như câu cá, bắt dế, leo trèo cây, bắn chim...Sơn thường ngấm ngầm bày trò, khiến vua rất thích. Có lần anh lính quản, bạn của Sơn thấy nhà vua dùng cung bắn chim, liền can ngăn:“ Xin bệ hạ đừng làm vậy. Tiên đế đã có lệnh cấm”. Lê Nguyên Long tức giận, dương cung bắn anh lính bị thương. Lần ấy, chính Lê Nguyên Sơn đứng ra nhận lỗi thay cho vua. Lần khác, vua tập cưỡi voi, thúc chú voi con mới thuần chạy khắp vườn. Bỗng gặp một con sơn dương do một hào trưởng châu Mục Sơn dâng tặng, vua liền cho voi đấu. Con sơn dương hoảng hốt bỏ chạy. Vua thúc voi truy duổi. Đến góc tường, bị dồn đến bước đường cùng, sơn dương quay lại liều chết lấy sừng húc. Chú voi con sợ hãi, lùi dần, rồi bất ngờ tụt xuống giếng, hất văng nhà vua xuống nước. Vừa lúc ấy Lê Nguyên Sơn đến kịp, ào xuống cứu nhà vua. Từ đó ông vua trẻ coi Sơn như bạn tương giao, chuyện gì cũng thổ lộ.

Một lần Sơn theo quan Nhập nội Thiếu úy Lê Thận về lộ Thanh Hóa tuyển quân cấm vệ, gặp cô gái Nguyễn Thị Anh người cùng làng, mười bẩy tuổi sắc nước hương trời, hoa nhường nguyệt thẹn, Sơn mê mẩn mấy ngày liền. Nghĩ tới ông vua trẻ thích gái đẹp, Sơn liền có ý định mang Thị Anh tiến vua. Quả nhiên, vừa gặp Thị Anh, nhà vua đã hồn xiêu phách lạc. Khác hai cô gái con quan Đại tư đồ Lê Sát, Thượng trụ quốc Lê Ngân, khác hẳn cả Hoàng hậu Dương Thị Bí, Bùi Quí nhân Lê Thị Mai mà quần thần đã sắp đặt cho vua, khác hẳn hàng trăm mỹ nữ cung tần trong tam cung lục viện, Thị Anh nổi bật như phượng hoàng giữa bầy gà, chim công giữa lũ quạ. Vua phong ngay Nguyễn Thị Anh chức Thần phi, ôm ấp ngày đêm không rời. Chuyện này hai quan thái giám Đinh Thắng và Định Phúc đều biết rõ.

Bây giờ nói về lão chủ quán đang cứng lưỡi trước quan Vệ úy.

- Sao? Mi không có lưỡi à?- Quan Vệ úy gằn giọng, bóp mạnh cổ lão Cả Ngỗi.

- Dạ thưa quan, tôi không biết…Đêm qua tôi mất ngủ…Tôi tính dậy sớm nhóm bếp đón phiên chợ Giám…

- Mất ngủ vì lo cho con ả Ngọc Dao vừa sinh đêm qua, hả?

Cả Ngỗi đáp:

- Dạ, bây giờ quan lớn nói tôi mới biết.

Quan Vệ úy hất bàn tay cứng như sắt, cằm lão chủ quán nghẹo đi.

- Đừng vờ vịt. Con rồng chứ phải con liu điu đâu mà dân thành Đông Kinh này không biết. Vậy mà loáng cái, bầy choa vừa thay ca, mẹ con Tiệp dư đã biến đâu mất.

- Tôi tưởng người đẻ phải ba ngày mới ra khỏi ổ ?…- Cả Ngỗi nói.

- Tưởng cái mả cha mi. Bọn tau canh chừng suốt ngày đêm, như giăng lưới thiên la địa võng mà mẹ con nhà nó vẫn tẩu thoát. Hay là mụ Ngọc Dao và…ông con trời này có tài độn thổ?

Một tên lính đưa đến cái bát uống rượu.

- Bẩm quan. Có người vừa uống. Vẫn còn nồng hơi men.

Vệ úy Lê Nguyên Sơn đưa cái bát lên ngửi, rồi nói:

- Đúng là thằng phù thủy Trần Văn Phương vừa ở đây rồi. Nó ở đâu?

- Dạ không…Tôi không …- Chủ quán ấp úng.

- Chỉ có tên phù thủy đó mới phù phép để hai mẹ con Ngọc Dao trốn khỏi chùa Huy Văn được. Quân bay! Trói lão chủ quán, giải về nhà lao. Ta muốn xem cái lưỡi của lão dẻo đến đâu.

Trong khi hai tên lính cấm vệ trói lão Cả Ngỗi, một tốp lính khác chạy đến tâu:

- Bẩm quan, lùng sục khắp làng, chỉ có hai đứa trẻ mới sinh, nhưng đều là con gái.

- Bẩm quan, một mụ già ở chỗ cây gạo nói, lúc canh tư thấy mấy người dắt díu nhau từ cổng sau chùa Huy Văn đi về phía làng Văn Chương. Mụ ta còn nói, trong tốp người ấy, có quan Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ.

Quan Vệ úy Nguyên Sơn gầm lên:

- Ta đoán không sai mà. Nhất định có bàn tay của bà vợ ông Nguyễn Trãi. Mụ già ở đâu? Đi bắt mụ cho ta. Bắt tất cả sư sãi chùa Huy Văn. Lùng sục kỹ từng nhà. Nếu không tìm ra mẹ con Ngọc Dao, ta sẽ đốt cả làng Huy Văn, cả tổng Hoàn Nghiêm này.

***

Trống canh vọng lâu phía bắc thành điểm năm tiếng.

Trong khi Vệ úy Lê Nguyên Sơn và quan quân triều đình ra sức lùng sục, bắt bớ khắp chùa Huy Văn và mấy xóm quanh hồ Văn Chương thì nhóm người đưa mẹ con Tiệp dư Ngọc Dao đi trốn đã qua bờ đê Nhật Tân, ra phía bờ sông Cái.

Thực ra nhóm người chia làm hai, đi cách nhau chừng nửa canh giờ.

Tốp đi đầu có hai người đàn ông và một người đàn bà. Họ đóng giả những người đi chợ phiên bên kia sông. Người đàn bà chính là ni cô Tiểu Mai chùa Huy Văn. Ấu chúa mặc hoàng bào bằng nhiễu La Khê, đeo vòng bạc cẩn ngọc mã não, được địu trước ngực ni cô bằng một tấm cẩm y bằng gấm Long Vân đeo vòng qua cổ, ngoài choàng một tấm khăn lớn bằng lụa tơ tằm Vạn Phúc. Mặc dù hoàng nhi được đeo khá chắc chắn, nhưng Tiểu Mai vẫn luôn một tay nâng, tay kia mở một khoảng nhỏ để lấy dưỡng khí. Hai người đàn ông đi sau, một trung niên một trẻ tuổi. Người trẻ tên Nguyên Phong, khét tiếng võ nghệ siêu quần vùng sông nước Bạch Hạc. Chàng gọi Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn là ông nội, được Tả tướng quốc dạy võ từ năm lên bẩy, khi ông về an trí ở phủ Lập Thạch. Người đứng tuổi chính là Nguyễn Khuê, hiệu Thượng Phúc, con trai trưởng của quan Nhập nội Hành Khiển Nguyễn Trãi.

Nói về Nguyễn Khuê, còn gọi là Cả Khuê, thầy Cống Khuê, Đồ Khuê. Ngày ông nội Nguyễn Phi Khanh và chú Nguyễn Phi Hùng bị giặc Minh bắt giải qua ải Nam Quan về Yên Kinh, Nguyễn Khuê mới tròn năm tuổi. Tuổi thơ của Khuê và các em Nguyễn Ứng, Nguyễn Phù… dưới ách giặc Minh, vô cùng lầm than cơ cực. Bị giam lỏng trong thành Đông Quan, Nguyễn Trãi tìm cách thoát sự dòm ngó của giặc Minh bằng nghề chữa thuốc và mở lớp dạy học. Hai nơi ông thường đi về là quê gốc Nhị Khê và trang Cổ Mai. Ở Nhị Khê, lớp học của ông nội Nguyễn Phi Khanh, được Ức Trai và các chú nối nghiệp, cũng là lớp học khai tâm của Khuê. Thật diễm phúc cho Nguyễn Khuê và các em Nguyễn Ứng, Nguyễn Phù, rồi sau này là Nguyễn Bảng, Nguyễn Tích, Nguyễn Thị Trà…được cha dạy chữ, dạy làm người từ vùng quê nghèo khó này.

Những năm Nguyễn Trãi vào Lam Sơn phò tá Lê Lợi dựng cờ cứu nước, mẹ con, anh em Khuê sợ bị giặc Minh trả thù, phải tứ tán khắp nơi, tìm kế sinh nhai. Đó là những năm cả Khuê phải thay cha chăm mẹ, nuôi các em. Rồi bà Trần Thị Thanh bệnh trọng, mất sớm. Mười chín tuổi, cả Khuê đã thay cha quyền huynh thế phụ. Hai em Nguyễn Ứng và Nguyễn Phù theo chú Trần Nguyên Hãn học võ, kịp có mặt trong đoàn quân của Bình Định vương vây thành Đông Quan, nhìn tận mắt thấy đoàn quân bại trận của Vương Thông thất thểu rút qua sông Cái về nước.

Chí hướng nối nghiệp cha của Cả Khuê đã một lần được thi thố, nhưng rồi chỉ dừng lại với việc đỗ đầu khoa thi hương. Hoàn cảnh gia đình, khiến Nguyễn Khuê không thể thi tiếp mà đành ở nhà mở trường dạy học. Người quanh vùng quen gọi ông là Đồ Khuê, hoặc Cống Khuê. Suốt những năm Ức Trai tiên sinh giữ trọng trách trong triều, cả những lúc được vua Thái Tổ tin dùng, cả những khi bị thất sủng, thậm chí bị vu thông đồng với Trần Nguyên Hãn, bắt hạ ngục, Nguyễn Khuê vẫn luôn là người con trai cả mẫu mực của quan Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi. Ngay trong những ngày tháng bẩy năm Nhâm Tuất này cũng vậy. Nhận được lệnh cha cho người từ Côn Sơn về gọi Khuê xuống để lo giúp cha sửa lễ nghênh giá trong dịp nhà Vua đi tuần miền đông và duyệt quân ở thành Chí Linh vào thượng tuần tháng tám sắp tới, Nguyễn Khuê đã thu sếp công việc và chuẩn bị cuối tháng sẽ đi. Nhưng rồi có tin gấp của dì Lộ nhắn lên gặp ở chùa Huy Văn. Thì ra là chuyện Tiệp dư Ngọc Dao lâm bồn. Dì Lộ giao cho Nguyễn Khuê nhiệm vụ, nếu Tiệp dư sinh Hoàng tử thì lập tức phải hộ giá ra bến đò sông Cái để đưa đi trốn ngay.

Khi tiếng trẻ khóc oa oa và có ai đó reo lên: «Tiệp dư sinh Hoàng tử rồi », thì sư thầy Thích Chân Như trụ trì chùa Huy Văn từ trên điện thờ, xuống nhà chay, rỉ tai Nguyễn Khuê :

- Quan Lễ nghi Học sĩ vừa từ đây về. Người không tiện gặp ông. Người nhờ tôi nói lại, ông cứ theo lời quan Hành Khiển đã dặn, đưa hoàng nhi đi ngay, không thể chậm trễ.

Đồ Khuê biết lệnh của dì Lộ, cũng là lệnh của cha. Mặc dù dì Lộ chỉ hơn ông bẩy tuổi, nhưng bao giờ ông cũng quí mến và kính trọng bà như một người mẹ kế mẫu mực. Ông cũng rất biết tính mạng của Hoàng tử và Tiệp dư lúc này hoàn toàn tùy thuộc vào ông và những người tháp tùng, trong đó có bà chị cả của Ngọc Dao, ba ni cô và hai gia nhân nhà quan Thái bảo Ngô Từ.

Nguyễn Khuê chắp tay, «A di đà Phật », rồi bái lạy sư thầy Thích Chân Như đi ra sau chùa. Lặng lẽ đi sau ông là một người thấp lùn, dáng cổ quái, kỳ dị, hai mắt to như mắt trâu, râu hùm tua tủa, hai nắm tay như hai quả trùy vung vẩy bên người. Nguyễn Khuê giật mình quay lại. Suốt từ lúc đến đây, con người kỳ dị này dường như không lúc nào dời mắt khỏi ông. Nguyễn Khuê chợt nhớ ra: Đây có phải là lão Câm, đồ đệ của sư thầy Đạo Khiêm, mà lần về Nhị Khê vừa rồi Ức Trai đã nói với Khuê ?Sư thầy Đạo Khiêm là bạn học của Ức Trai thuở trước, nay tu hành tại Hoa Nghiêm tự thuộc Chí Linh. Năm ngoái, sư Đạo Khiêm đã dẫn lão Câm đến Côn Sơn thăm Ức Trai, ở chơi với người một đêm, hôm sau Ức Trai có bài thơ « Tống tăng Đạo Khiêm qui sơn » ( Đưa nhà sư Đạo Khiêm về núi) (1). Lão Câm là đại lực sỹ của Hoa Nghiêm tự, có võ nghệ cao cường, sức khỏe phi thường, tay không có thể địch muôn người, khi lâm trận thường sử dụng hai cây đoản côn, có thể quất bay đầu người như kiếm sắc. Nếu đúng con người này thì mẹ con Tiệp dư chắc chắn sẽ được bảo vệ chu toàn.

Thấy Nguyễn Khuê dừng lại, người kỳ dị lùi một bước, gầm gừ trong mồm những gì không hiểu. Sư thầy Thích Chân Như chạy tới, bảo với Đồ Khuê :

- Ông cả cứ đi tự nhiên. Đây là lão Câm, người tin cẩn của chúng ta được sư thầy Đạo Khiêm gửi từ Hoa Nghiêm tự về. Lão Câm không nói được, nhưng thông hiểu mọi điều.

Nguyễn Khuê vái lạy rồi đi vòng ra búi tre, nơi đó có một cửa hầm bí mật đủ cho một người chui, mọi ngày bị lá tre phủ kín, nay mới được mở ra. Nguyên Phong đã đứng đợi sẵn ở đó.

Số là,cách đây bốn tháng, hồi tháng ba, Ức Trai tiên sinh nhận lệnh vua triệu hồi, từ Côn Sơn về kinh để tổ chức khoa thi Tiến sĩ, có về quê Nhị Khê hai ngày. Khác hẳn những lần về quê trước đây, lần này Ức Trai tự mình sắp xếp lau dọn lại bàn thờ tổ. Người soạn kệ sách, xếp lại toàn bộ trước tác của Người vào một hòm lớn, bảo sắp tới sẽ chuyển xuống Côn Sơn. Người dẫn mấy đứa cháu nội, trong đó có thằng cháu đích tôn Nguyễn Nghĩa Tương, con của Khuê, mới lên sáu, ra gò Mai chơi cả buổi chiều.

- Ông nội ơi, đổi tên cho con đi - Thằng Tương phụng phịu, nài nỉ - Bọn trẻ trong làng cứ trêu con là tương mắm, thối inh.

- Sao lại đổi ? Tên con hay lắm đấy. Tương có nghĩa là nước mắt của người đàn bà, là con sông Tiêu Tương…

- Ứ ừ… Con không thích nước mắt đàn bà…

- Được rồi. Để ông nghĩ… Với lại, cũng phải làm lễ để xin đổi tên khác. Ông sẽ giao việc này cho bố Cả Khuê.

Mấy ông cháu dẫn nhau đi quanh gò Mai, ra vườn chuối ven sông. Ức Trai kể cho các cháu nghe câu chuyện ngày trước cha ông là cụ Nguyễn Phi Khanh cùng học trò phát cỏ dựng trường, gặp một con rắn mẹ với một bầy rắn con, cụ đã sai mang ổ rắn đi nơi khác … Ông đọc cho bọn trẻ nghe bài thơ vừa làm đêm qua, khi ông ngồi dưới trăng khuya lặng ngắm khóm chuối đầu nhà:

«Kịp bén hơi Xuân tốt lại thêm

Đầy buồng lạ, màu thâu đêm

Tình thư một bức phong còn kín

Gió nơi đâu, gượng mở xem ».

Ông bảo bài thơ này ông viết tặng bà Lộ vì bận việc triều đình không về Nhị Khê cùng ông được. Ông lại bảo bài thơ này ông viết tặng cả cho thằng cháu nội Nguyễn Nghĩa Tương. Mai này ông có đi xa, chỉ cần ra vườn chuối sẽ đọc thấy thư ông viết gửi lại… Sau đó, Ức Trai đi thăm hết lượt chú bác anh em trong làng, như muốn thu hết quê hương trong tầm mắt, như muốn trăn trối một điều gì.

Vào buổi sáng trước khi lên kinh, Nguyễn Trãi bỗng nói với con trai:

- Có việc này thầy muốn cậy anh.

Nguyễn Khuê đáp :

- Dạ, con xin nghe lời thầy dạy.

Ức Trai định nói, rồi lại khoát tay :

- Nhưng chuyện này không nói ở đây được. Thôi, anh cứ đi với thầy.

Trưa ấy, đích thân Ức Trai dẫn Nguyễn Khuê đến chùa Huy Văn gặp sư trụ trì Thích Chân Như và đi thăm thú khắp chùa. Người nói :

- Con ạ, cụ ngoại Trần Nguyên Đán và ông nội con, rồi đến thầy đều rất gắn bó với chùa Hun, tức là Thiên Phúc tự. Khi thầy xin về Thanh Hư động an trí, nhà vua cho thầy kiêm chức Đề cử Côn Sơn tư phúc tự, cũng vì lẽ đó. Ngôi chùa Huy Văn này rồi cũng sẽ gắn bó với thầy, với dì Lộ như chùa Hun vậy. Bởi vì nơi đây sẽ là nơi mà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao sinh chân chúa… 

Nguyễn Khuê kinh ngạc nhìn cha :

- Thưa thầy…Đức vua đã có sắc phong Hoàng thái tử Bang Cơ...

Nguyễn Trãi buồn bã lắc đầu rồi ghé tai Nguyễn Khuê thì thầm rất lâu.

Theo lời cha dặn, tháng sau, Nguyễn Khuê đã bàn với nhà sư trụ trì, bí mật tìm người đào một chiếc hầm từ phòng Tiệp dư đi ngầm ra bụi tre sau chùa. Người đào hầm, không phải ai xa lạ, chính là lão Câm mới được điều từ Hoa Nghiêm tự về. Như vậy là chỉ có bốn người: Lão Câm, sư thầy Thích Chân Như, Nguyễn Khuê và Tiệp dư biết căn hầm bí mật này.

Bây giờ, Nguyễn Khuê cùng Nguyên Phong đang đứng trước cửa hầm bí mật.

Đúng giờ Sửu, theo đường hầm, ni cô Tiểu Mai bế hoàng nhi bước ra. Ánh trăng lúc sáng lúc mờ thấp thoáng một đôi mắt phượng đẹp mê hồn, khiến tráng sĩ Nguyên Phong bỗng giật mình. Rồi một làn hương thơm ngát từ chiếc địu trước mặt người đàn bà tỏa ra khiến Nguyễn Khuê và Nguyên Phong cùng bàng hoàng. Nguyên Phong đưa tay định bế hoàng nhi, nhưng Tiểu Mai gạt đi.

- Ấy chớ. Quan Lễ nghi Học sĩ dặn không để ai chạm vào hoàng nhi. Phải giữ, kẻo bà mụ trộm vía ngài.

Nguyễn Khuê hỏi :

- Tiệp dư đâu ?

Tiểu Mai nói :

- Thưa ông Cả, Lễ nghi Học sĩ dặn chúng ta phải chia làm hai tốp. Tiệp dư sẽ đi sau nửa canh giờ nữa. Nơi hẹn đã biết rồi. Quân lính đang vây chặt cửa chùa. Nguy hiểm lắm. Ta rước hoàng nhi đi thôi, không thể chậm trễ.

Ba người men bờ rào duối, men bờ ao, đi theo lối tắt ra đê sông Cái. Đoạn đường này Nguyễn Khuê quá thông thạo. Ngay chiều qua chính ông đã đi thăm dò một lần nữa để chuẩn bị cho chuyến đi này.

Chừng nửa canh giờ thì họ vượt qua quãng đê Quảng An. Trăng hạ tuần như cũng chiều người, sáng vằng vặc. Ngay chếch đỉnh đầu, chòm tua rua cũng nhấp nháy sáng, báo đã sang canh tư. Nguyễn Khuê nhẩm tính, bằng cách nào cũng phải rước hoàng nhi sang sông trước khi trời sáng.

Bỗng phía sau, từ khu cấm thành vọt lên mấy tia pháo hiệu. Rồi tiếng vó ngựa rầm rập trên đường đê. Nguy rồi. Quan quân đã phát hiện ra rồi. Liệu Tiệp dư và tốp sau có chạy thoát được không? Ni cô Tiểu Mai quay lại nói trong nước mắt:

- Cầu cho Tiệp dư hãy mau đến với hoàng nhi.

Rồi nàng nâng hoàng nhi ép vào má chạy thốc vào bãi dâu khiến Nguyễn Khuê và Nguyên Phong phải chạy đuổi theo.

***

Bây giờ nói về Ngọc Dao.

Khi ni cô Tiểu Mai bế hoàng tử xuống hầm, Tiệp dư muốn gào khóc lao xuống theo, nhưng bị mọi người giữ lại. Người ta bắt nàng phải nằm ôm một bọc vải giả làm hoàng nhi để tránh những con mắt thù địch. Một khắc tưởng như một ngày, một tháng. Cho tới khi sư thầy Thích Chân Như đến choàng vào cổ nàng chuỗi tràng hạt và bảo:

- Đã đến giờ lên đường. Xin Tiệp dư và hoàng nhi bảo trọng. Hãy lần tràng hạt và cầu Trời Phật phù hộ dọc đường. Giờ này, ông Cả Khuê và hoàng nhi đang chờ các vị ở cây gạo bờ sông.

Tốp đi sau gồm Tiệp dư, chị cả của nàng, hai ni cô chùa Huy Văn, và hai gia nhân nhà quan Thái bảo. Tiệp dư nằm võng, giả làm người ốm để hai gia nhân khiêng. Hai ni cô vai đeo tay nải hành lý theo sau. Trừ Ngọc Dao và chị gái, còn bốn người đều có võ nghệ cao cường, hai ni cô theo phái Hầu quyền, tay không địch muôn người, còn hai gia nhân nhà quan Thái bảo, vốn là bộ tướng của Lưu Nhân Chú, từng tham gia trận chiến chém đầu Liễu Thăng ở ải Chi Lăng năm Đinh mão (1427), chỉ với hai cây đoản kiếm mà khiến cho thần khóc quỉ sầu.

Tiệp dư Ngọc Dao và tốp người ra khỏi chùa chừng nửa canh giờ thì đội quân cấm vệ của quan Vệ úy Lê Nguyên Sơn đến. Cổng chùa bị giật đổ. Các sư, vãi trong chùa vờ như đang ngủ say, nhưng tất cả đều bị dựng dậy.

Lê Nguyên Sơn, ngày thường là một võ quan trẻ, gương mặt tuấn tú, dáng vẻ hào hoa phong nhã, giờ hiện nguyên hình là một kẻ võ biền hung bạo. Nhìn đôi mắt vằn đỏ của chàng, nghe tiếng gầm và những lời tục tĩu của chàng, sư thầy Thích Chân Như lại tưởng như mình đang đối mặt với bọn tướng giặc Vương Thông nhà Minh năm nào.

- Nhà chùa, ông nói ta nghe, Tiệp dư Ngọc Dao ở đâu? – Lê Nguyên Sơn tuốt kiếm, chỉ thẳng vào mặt sư thầy.

- Mô Phật - Hoà thượng Thích Chân Như chắp tay kính cẩn - Bần tăng chỉ là người tu hành, ăn chay niệm Phật. Dưới nhà ngang là nơi bậc mệnh phụ quốc mẫu lâm bồn, bần tăng dặn các tăng ni không được lai vãng.

Lê Nguyên Sơn văng một câu tục, thét quân lính lừa hết sư sãi ra tập trung trước sân chùa, rồi chia quân đi lùng sục, đào bới tứ tung khắp từ trên điện thờ đến nhà chay, nhà tổ và các ngóc nhách xung quanh.

Chú thích

(1) Bài «Tống tăng Đạo Khiêm quy sơn » trong Ức Trai thi tập :

«  Ký tằng giảng học thập dư niên

Kim hựu tương phùng nhất dạ miên

Thả hỷ mộng trung phao tục sự

Cánh tầm thạch thượng thoại tiền duyên

Minh triêu Linh phố hoàn phi tích

Hà nhật Côn Sơn cộng thính tuyền

Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã

Lâm kỳ ngã diệc Thượng thừa Thiền »

( Nhớ từng giảng học hơn mười năm/ Nay lại gặp nhau suốt một đêm/Hãy mừng trong chiêm bao đã vứt bỏ được việc trần tục/ Lại tìm lên núi để nói chuyện tiền duyên/ Sáng mai bác về bến Chí Linh/ Ngày nào mới lại cùng nhau nghe suối reo ở Côn Sơn ?/ Già rồi tôi hay nói những chuyện ngông cuồng, bác đừng lấy làm lạ/ Đến chỗ rẽ của đường đời, tôi cũng phải theo phái Thượng thừa thôi)