Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

THẢO LUẬN DẠY-HỌC NGỮ VĂN (3): THỬ TÌM HIỂU VIỆC DẠY-HỌC VĂN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG ÂU MỸ

Hoàng Hưng

sa_ch HS 1-Trước khi nói về môn Ngữ Văn, xin có một ý kiến chung về kế hoạch cải cách chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) đang được bàn luận mãi chưa dứt từ diễn đàn Quốc hội đến các phương tiện truyền thông. Điều đáng lo nhất là cho đến nay, ý tưởng cấp tiến “Một CT, nhiều SGK” được cấp lãnh đạo cao nhất (Bộ Chính trị ĐCS) thông qua, nhưng thực tế vẫn chưa được hiểu đúng ở mọi cấp, mọi giới. Dẫn chứng gần nhất là một trong bốn vị “tứ trụ”, đã đến “công đoạn” nghe báo cáo về phương pháp thực hiện ý tưởng này rồi mà vẫn còn thốt lên: “Đa thư loạn mục!”, thì có nghĩa là vị ấy không hiểu gì về bản chất vấn đề!

Việc có một hay mấy bộ SGK tất nhiên tùy thuộc tình hình, yêu cầu thực tế từng nước, nhưng xu hướng tiến bộ nhất, phổ biến ở các nước tiên tiến, vẫn là: Chỉ tập trung thống nhất Chuẩn Cốt lõi hay Chương trình, mà mở rộng cho nhiều loại SGK. Nguyên nhân lớn nhất là do nguyên tắc sau đây của giáo dục hiện đại: Việc dạy phải phù hợp sát với đối tượng người học. Ngày nay nhiều nước còn đưa ra yêu cầu giáo dục “cá biệt hoá” đến từng học sinh. Ở nước ta, chưa dám tham vọng “cá biệt hoá” như thế, nhưng chỉ riêng sự khác biệt vùng miền rất lớn (thành thị - nông thôn – miền núi, Bắc – Trung – Nam…) đã cho thấy rất nên có nhiều loại SGK. Chưa kể những sáng kiến phong phú về phương pháp dạy trong giáo giới chưa được khai thác, phát huy do tình trạng “bao cấp tư duy” kéo dài, nếu được “cởi trói”, có thể cho ra nhiều kiểu SGK rất đa dạng, hiệu quả.

Từ quá nhiều năm nay chúng ta đã bỏ mất thói quen các cá nhân, các nhóm chủ động soạn SKG, bây giờ phát động lại là cả một khó khăn lớn lao. Vậy mà yêu cầu đến 2016 có SGK mới, trong khi đó cuối 2014 vẫn còn… cãi nhau nên có mấy bộ sách, Bộ GD nên hay không nên soạn sách, trong khi chưa ai nói gì đến chính sách cụ thể để tạo điều kiện, khuyến khích xã hội hoá việc soạn sách! Và ông Bộ trưởng chưa cho ai làm SGK đã cứ luôn miệng khẳng định sẽ chẳng có mấy ai tự nguyện làm đâu, khác gì “trù ẻo”. Ông không hề nhắc đến (hay không biết đến) có một nhóm “liều mình” “làm chùa” SGK trong suốt 5 năm nay là nhóm Cánh Buồm!

Cứ đà này, thật khó tin sẽ có đến… 2 bộ SGK được “duyệt” vào năm 2016. Và mọi việc sẽ lại… “vũ như cẫn”: Sẽ chỉ có Một Bộ SGK duy nhất (của NXB Giáo dục của Bộ) là đạt yêu cầu!

Bao người đã nhắc nhở: Việc của BGD là tập trung lo soạn được bộ “Chuẩn” (hoặc cụ thể hơn là bộ CT) cho đàng hoàng cũng đã đủ thành tích với quốc dân rồi ạ!

Thôi, nói mãi cũng thế. Bây giờ xin đi vào “chủ đề”.

Gần đây, do tham gia nhóm Cánh Buồm (nhóm mạnh dạn viết SGK tiểu học, chủ yếu là môn ngữ văn, theo tinh thần mới), tôi có thử tìm hiểu qua chương trình dạy bộ môn Ngữ Văn ở mấy nước Âu Mỹ. Xin đánh bạo nêu một vài ghi nhận ở đây để các vị hiểu biết sâu hơn về chủ đề này chỉ giáo, nhằm cung cấp thêm những gợi ý có thể hữu ích cho việc soạn thảo chương trình, sách giáo khoa Ngữ Văn sắp tới ở nước ta.

Xin lưu ý:

· Ở những nước như Anh, Pháp, Mỹ… không có bộ môn Văn (literature/ littérature) độc lập, mà chỉ có một bộ môn chung dạy Tiếng (English ở Anh; English Language Arts & Literacy – xin hiểu là Các môn học về ngôn ngữ Anh & Học đọc, viết - ở Mỹ; Francais ở Pháp…). Trong bài, tôi chỉ tập trung nói về những nội dung liên quan nhiều đến Văn học như ở VN thường hiểu, những nội dung này nằm nhiều nhất ở các mục Reading (Đọc), Writing (Viết), Spoken Language/ Speaking and Listening (Ngôn ngữ nói/ Nói và Nghe)…

· Ở Mỹ, thậm chí không đặt ra một chương trình dạy (curriculum) bắt buộc mà chỉ quy định Bộ Chuẩn Cốt lõi Chung (Common Core Standards) với một bản gợi ý chương trình “mẫu” phân bổ các Unit (đơn vị) để thực hiện được bộ chuẩn ấy.

· Vì nội dung Chương trình (Anh, Pháp) hay Bộ chuẩn (Mỹ) hết sức cụ thể, chi tiết, tôi chỉ xin dẫn làm thí dụ một số nội dung ở một lớp hay một cấp học.

I/ TRÍCH LƯỢC MỘT SỐ NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH/ BỘ CHUẨN ÂU MỸ

ANH: (CHƯƠNG TRÌNH BỘ MÔN TIẾNG ANH 2014)

Lớp 3 – 4: Đọc –Hiểu

- Nghe và thảo luận nhiều loại truyện hư cấu, thơ, kịch, phi hư cấu.

- Đọc những sách có cấu trúc khác nhau và các mục đích khác nhau

- Dùng từ điển tra nghĩa các từ

- Làm quen dần các loại sách khác nhau, gồm cổ tích, thần thoại, và kể lại.

- Nhận dạng các đề tài, quy ước trong những loại sách khác nhau.

- Làm thơ, viết kịch để đọc và trình diễn

- Thảo luận các từ, câu có sức lôi cuốn và tưởng tượng.

- Hiểu những gì đọc trong sách tự đọc một cách độc lập bằng cách: kiểm tra ý nghĩa sách, thảo luận cách hiểu, giải thích từ ngữ trong văn cảnh; suy luận: tình cảm nhân vật, ý nghĩa và động cơ hành động (dẫn chứng); đoán xem điều gì có thể xảy ra qua các chi tiết; nhận ra những ý chính qua các đoạn và tóm tắt; nhận dạng ngôn ngữ cấu trúc và cách trình bày đóng góp cho ý nghĩa

- rút ra, ghi lại những thông tin từ sách phi hư cấu

- tham gia thảo luận về những sách được đọc trong chương trình và những sách tự đọc.

PHÁP: CHƯƠNG TRÌNH BỘ MÔN TIẾNG PHÁP BẬC TRUNG HỌC 2008

· Nguyên lý và mục tiêu:

Đọc:

Tạo lập một văn hoá nhân văn ở trường trung học, học sinh phải thu nhận được một văn hoá mà môi trường xã hội và truyền thông hằng ngày luôn luôn không đủ để xây dựng. Việc dạy môn tiếng Pháp cung cấp cho mỗi học sinh những yếu tố được làm chủ của một văn hoá cần thiết cho việc hiểu các tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc và mỹ thuật. Các bài học trên lớp cho phép khai tâm về huyền thoại, cổ tích và truyền thuyết, những văn bản sáng lập [như Kinh Thánh, Kinh Coran…] và những kiệt tác của di sản. Chúng cũng được liên kết với lao động về từ vựng và khám phá những hình thức và thể loại văn học. Chúng khơi gợi suy nghĩ tại chỗ của cá nhân trong xã hội và suy nghĩ về những thực kiện của văn minh, đặc biệt là thực kiện về tôn giáo…

Học sinh một mặt học cách định vị tác phẩm trong hoàn cảnh lịch sử và văn hoá, mặt khác phân tích theo chức năng các thể loại và hình thức… Những quan hệ với các hình thức khác liên quan đến hoàn cảnh văn hoá hay đề tài được chứng minh để xây dựng một văn hoá có cấu trúc và được chia sẻ.

Việc đọc các hình ảnh tĩnh hay động cũng đóng góp vào việc xây dựng một văn hoá nhân bản. Nó tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu tác phẩm văn học được học, đề cao những sự nối dài trong nghệ thuật và làm tinh tế cảm nhận về hoàn cảnh lịch sử và văn hoá.

Đọc hình ảnh cung cấp cho học sinh những biểu trưng của thế giới hiện tại và quá khứ, đóng góp hữu hiệu vào việc tạo lập văn hoá và trí tưởng tuợng của trẻ, làm thuận lợi việc diễn đạt cảm xúc và phán đoán cá nhân, ngoài ra còn củng cố việc luyện tập các phương pháp phân tích. (Trong nội dung đọc hình ảnh, khuyến khích kiến thức về tác phẩm điện ảnh).

Hình ảnh cũng được phân tích như ngôn ngữ. Nó quan trọng để cho học sinh – mỗi ngày đều đứng trước vô vàn hình ảnh đa dạng - cảm nhận được rằng hình ảnh ấy là các biểu trưng có nghĩa và có mục tiêu và có thể vạch rõ. Học sinh phải học cách tự hỏi về những gì mình nhìn thấy và quan sát hình ảnh trước khi nói về chúng. Khi đó ta có thể dẫn dắt học sinh đi từ một tiếp cận trực giác đến một diễn giải lý tính và cho học sinh khai tâm dần với những ý niệm về phân tích.

Lịch sử nghệ thuật: các nghệ thuật về cảnh tượng sống được dạy song song với nghệ thuật ngôn ngữ: sân khấu và các nghệ thuật không gian.

BỘ CHUẨN VỀ CÁC MÔN HỌC TIẾNG ANH CỦA GIÁO DỤC MỸ: (Common Core Standards 2013 bang California):

Đọc ở cấp Tiểu học (nói chung các loại hình văn bản):

· Những ý tưỏng và chi tiết mấu chốt:

1. Xác định văn bản nói gì một cách rõ ràng, suy luận logic từ đó; dẫn chứng từ văn bản để nâng đỡ kết luận về văn bản.

2. Xác định những ý trung tâm và những đề tài và phân tích sự phát triển; tóm tắt những chi tiết và ý tưởng nâng đỡ chủ đề chính

3. Phân tích vì sao và như thế nào các cá nhân, sự biến và ý tưởng phát triển và tương tác trong dòng chảy của văn bản.

· Thủ pháp, cấu trúc:

4. Diễn giải từ ngữ, câu; xác định các nghĩa kỹ thuật, nội hàm, tượng hình; phân tích cách chọn từ ngữ tạo thành nghĩa hay giọng điệu như thế nào.

5. Phân tích cấu trúc văn bản, những câu, đoạn, phần liên quan thế nào với nhau và với tổng thể.

6. Nhận định về quan điểm hay mục đích hình thành nội dung và phong cách như thế nào

· Tích hợp kiến thức và các ý tưởng

7. Tích hợp và lượng giá nội dung được trình bày trong những phương tiện và định dạng khác nhau, bao gồm tính thị giác và định lượng cũng như trong từ ngữ.

8. Mô tả và lượng giá luận điểm và những tuyên bố trong văn bản, bao gồm tính hiệu lực của lập luận cũng như sự thích đáng và đầy đủ của chứng cứ.

9. Phân tích 2 hay nhiều văn bản khác nhau cùng nói lên những đề tài hay chủ điểm như nhau để xây dựng kiến thức hay so sánh những cách tiếp cận khác nhau.

Đọc ở lớp Ba (về tác phẩm văn học):

1. Hỏi và trả lời các câu hỏi để chứng tỏ hiểu bài văn, lấy dẫn chứng trong bài làm cơ sở trả lời.

2. Kể lại câu chuyện (ngụ ngôn, chuyện dân gian, huyền thoại), từ những nền văn hoá khác nhau, xác định thông điệp trung tâm, bài học, luân lý và giải thích nó được chuyên chở thế nào qua những chi tiết chủ chốt.

3. Miêu tả các nhân vật (những nét tính cách chính, động cơ, tình cảm), giải thích các hành động của nhân vật đóng góp thế nào vào diễn biến các sự kiện.

4. Xác định nghĩa của các từ và câu được sử dụng trong bài, phân biệt ngôn ngữ văn học và phi văn học.

5. Dẫn chiếu các phần của chuyện, kịch, thơ khi viết hay nói về một bài, dùng những thuật ngữ như chương, cảnh, khổ thơ, miêu tả mỗi phần liên tiếp được xây dựng trên cơ sở những đoạn trước như thế nào.

6. Phân biệt quan điểm của bản thân với quan điểm của người kể chuyện hay của nhân vật

9.So sánh tương phản các đề tài, khung cảnh, cốt truyện của cùng một tác giả về cùng một nhân vật hay những nhân vật tương tự.

10.Đến cuối năm: đọc và hiểu chuyện kể, kịch, thơ một cách độc lập và thành thạo.

Viết ở lớp Ba (về văn học):

1. Viết ý kiến về một chủ để hay bài văn, ủng hộ một quan điểm với các lý lẽ.

2. Viết bài thông tin hay giải thích để xem xét một chủ để và đưa các ý tưởng và thông tin vào một cách rõ ràng.

3. Viết bài kể chuyện để phát triển những trải nghiệm hay sự kiện có thật hay tưởng tượng, sử dụng kỹ thuật hữu hiệu, chi tiết miêu tả, diễn biến hay sự kiện.

4. Với sự giúp đỡ của người lớn, viết bài văn trong đó phát triển và tổ chức thích đáng với nhiệm vụ và mục đích.

5. Với sự giúp đỡ của bạn học và người lớn, phát triển và tăng cường bài viết bằng cách đặt dàn ý, kiểm tra lại bài, biên tập.

6. Với sự giúp đỡ của người lớn, sử dụng công nghệ và xuất bản bài viết [trên mạng] cũng như tương tác và hợp tác với những người khác.

II. MẤY SUY NGHĨ CỦA NGƯỜI TÌM HIỂU

1/ Tuy không có bộ môn Văn độc lập, nhưng nội dung dạy Văn tích hợp với dạy tiếng được ngành giáo dục Âu Mỹ đặt ra rất nghiêm túc, và yêu cầu rất cao, dựa trên sự tin tưởng ở năng lực trí tuệ và cảm nhận của học sinh, không coi học sinh là “trẻ con” khó tiếp nhận những kiến thức “cao” hay “hàn lâm”:

Thí dụ:

- GD Pháp xác định học mục tiêu rất cao của phân môn Đọc Văn là “xây dựng văn hoá nhân văn” của học sinh. Nó cũng xác định mục tiêu rèn luyện “năng lực xã hội và công dân”, “năng lực tự trị và sáng kiến” cho người học ở phân môn Nói, thể hiện một nhà trường “mở” và “khoan dung”.

- Để thấy mức độ “khó” của kiến thức, hãy thử coi bản Danh mục tác phẩm Thơ đọc ở cấp Tiểu học của Pháp cho GV tham khảo:

Thơ Pháp: Eluard (Liberté – Tự do, tạm coi có mức độ khó tương đương như bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi), Apollinaire, Rimbaud, Prévert… Các tác giả đương đại khó: Cendrars, Jabet, Michaux, Queneau, Char, Maulpoix, Bonnefoy… Tuyển: 128 bài thơ từ Apollinaire đến 1968; Cuộc nổi dậy của các nhà thơ; Lời của các nhà thơ hôm nay…
Thơ nước ngoài: Tuyển thơ Trung Hoa, thơ Nga, châu Phi, Da đỏ, Hikmet (Tuyết rơi), Omar Khayam, Ritsos… Ngàn năm Thơ

- Để thấy học sinh tiểu học Mỹ nắm vững những gì được học về Văn thế nào, hãy đọc lá thư email của một học sinh từ VN qua Chicago bắt đầu học lớp 1 (chưa biết gì tiếng Anh), vừa mới học xong lớp 3, trả lời câu hỏi: Con học gì về đọc, viết ở lớp 3? (cháu viết trả lời ngay trong 20 phút, viết bằng tiếng Anh khá chuẩn):

“Ở lớp 3 chúng con học nhiều về đọc và viết.

Ở môn viết, chúng con học viết một bài thơ, về một thiên tai, một câu chuyện bí hiểm, và viết thư cho một người tàn tật. Về thơ, chúng con học làm thơ haiku, lowku [người đặt câu hỏi, một nhà thơ và dịch giả VN, thú nhận không biết lowku là gì!], câu đố, thơ tự do, và thơ 5 dòng. Về thơ haiku, chúng con viết về đất từ núi non đến bụi bẩn, từ hổ báo đến sâu bọ hay viết về các mùa. Về thơ lowku, chúng con viết những gì mình rất ghét và ghê tởm. Ở câu đố, chúng con viết một câu đố và câu trả lời phải có vần [cháu cho thí dụ]. Ở thơ tự do, chúng con học viết những bài thơ về bất cứ cái gì mình thích và có thể có vần nếu mình muốn. Chúng con nhìn một tấm hình và cả lớp cố gắng làm một bài thơ về tấm hình. Ở thể thơ 5 dòng, chúng con có thể viết về bất cứ gì mình thích hay yêu nhưng phải có 5 dòng [cháu dẫn chứng một bài thơ của mình].

Ở môn đọc, chúng con học về suy luận, tìm manh mối trong những Chuyện Bí hiểm, về “stop and job” [ngừng và ghi chú nhanh – một kỹ thuật mà người hỏi cháu nghe thấy lần đầu!], đọc sách mỗi ngày, chọn đúng những sách không quá khó cũng không quá dễ. Về suy luận, chúng con học rằng: dự báo là khi ta nói ra cái điều ta nghĩ sẽ xảy ra hay điều ta nghĩ là đang xảy ra trong sách hay nhân vật đang cảm thấy thế nào ở phần này, và nếu ta thêm vào “bởi vì” thì đó là suy luận. “Tôi cho rằng… bởi vì…”

Khi ta đọc một chuyện bí hiểm, ta luôn đi tìm những chi tiết đánh lạc hướng, những manh mối, kẻ tình nghi, chứng nhân, và kẻ xấu (tội phạm).

[cháu giải thích cụ thể từng khái niệm…]

“Stop and jot” là khi ta ngừng đọc ở một chỗ trong sách vì tiếng nói bên trong của ta bắt đầu nói với ta, thế là ta ngưng lại và viết ra điều mà tiếng nói bên trong ta nói (thí dụ: Mình ghét làm chuyện này!).

Có một lịch đọc sách mà ta đem về nhà và đem lại lớp hàng ngày. Việc phải làm là đọc ít nhất 20 phút hay hơn tùy ý, viết tên sách và thời gian đọc. Ta cũng học cách tìm đúng cuốn sách hợp với mình, không quá khó hoặc quá dễ. Mỗi học kỳ ta có một bài đo nghiệm trình độ đọc, đi từ A đến Z, A là dễ nhất, Z là khó nhất.”

2/ Dạy Văn là dạy nghệ thuật ngôn ngữ và các biện pháp sáng tạo đặc thù của các thể loại văn học, thể hiện qua các yêu cầu cụ thể trong bộ chuẩn Mỹ hay chương trình Anh, Pháp.

3/ Dạy Văn gắn chặt với dạy các môn nghệ thuật khác (điện ảnh, nhạc, hoạ…). Pháp đặc biệt nhấn mạnh dạy Đọc Hình ảnh song song với Đọc Chữ, vừa để bổ trợ tích cực cho việc hiểu văn bản, vừa để giúp học sinh thích ứng với thế giới hiện đại – một môi trường thị giác áp đảo.

3/ Coi trọng việc học sinh suy nghĩ độc lập, có chủ kiến cá nhân.

4/ Quan hệ biện chứng giữa học kiến thức và phát triển năng lực. Ta thấy nội dung chương trình Anh, Pháp hay bộ chuẩn Mỹ không nêu cụ thể các tác giả, tác phẩm phải học mà chỉ nêu yêu cầu học sinh phải biết làm gì (phân tích, so sánh, suy luận…), như thế không có nghĩa là coi nhẹ truyền thụ kiến thức (không ít người ở VN tỏ ý lo ngại chương trình cải cách sắp tới đi vào hướng này). Thực ra không thể luyện “kỹ năng rỗng”, mà luôn phải dựa vào nội dung văn bản. Hơn nữa, trong thời đại thông tin tràn ngập qua mọi phương tiện, nguồn kiến thức không khó kiếm mà năng lực xử lý mới là quyết định.

5/ Coi trọng việc “làm để học” (học sinh học viết, biên tập, xuất bản bài viết của mình…).

6/ Vai trò của việc đọc sách hằng ngày. Học sinh tiểu học ở Mỹ ngay từ lớp Một đã được yêu cầu tối thiểu mỗi tuần đọc 1 cuốn sách và trả lời một số câu hỏi đơn giản về cuốn sách đó. Đến lớp 3, được khuyến khích mỗi ngày đọc 1 cuốn (em nào đạt được điều này là có thưởng). Lớp 4 thì yêu cầu bắt buộc mỗi ngày đọc sách tối thiểu 20 phút.

Để học sinh có điều kiện đọc sách, hệ thống thư viện trường học và thư viện công cộng ở Mỹ là tuyệt vời. Mỗi khu phố đều có 1 thư viện công cộng với số đầu sách có thể thoả mãn cho mỗi học sinh mượn một lần số sách không hạn chế và thời hạn mượn tới ½ tháng. Và danh mục sách viết riêng cho trẻ em từ sách hư cấu đến sách phi hư cấu, phổ biến kiến thức… là khổng lồ, số lượng tác giả chuyên viết cho trẻ em rất lớn.

Tất nhiên điều kiện dạy-học của nước ta rất khác với các nước Âu Mỹ phát triển, nhưng tôi tin rằng các nguyên tắc dạy-học Văn thể hiện ở những nhận xét trên hoàn toàn mang tính phổ quát đối với trình độ tư duy và điều kiện thu nạp kiến thức của học sinh trong thời đại ngày nay, thời đại thông tin liên mạng (internet) và liên bộ môn (interdisciplinary).

Tài liệu tham khảo:

- Bulletin official general No 6 du 28 Aout 2008 (Ministère de l’Éducation Nationale – France)

- http://eduscol.education.fr/cid50485/litterature.html

- California Common Cores State Standards 2013

- http://www.reddit.com/r/books/comments/1lzheu/a_list_of_fantastic_prek12_banned_books_organized

- https://www.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/335186/PRIMARY_national_curriculum_-_English_220714.pdf

sa_ch HS 2

Ảnh: Một quyển sách in các câu chuyện (thủ bút) và minh hoạ do học sinh một lớp Ba trường Netelhorst ở Chicago viết và vẽ, được một NXB địa phương in và phát hành.