Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Treo đầu dây Quan Họ

Kịch

(tiếp kỳ trước)

Nam Dao

Phu_ ba_n 8

Tranh Lê Thiết Cương

Cảnh 2

Hộ ông bà, ông ngồi bàn đối diện mợ

MỢ: Ðấy, cháu nói hết rồi... Có sang được thì cũng như sang sông, sang sông cũng phải có gì cho hà bá.  Nào là cơ quan, là phường, là quận. Chạy lên chạy xuống cũng mất một cây. Vợ chồng nó hai cây, ông nhận giúp thì năm chỉ. Cháu chỉ lấy được mười bảy mét vuông, giá thế là giá thị trường, là giá đổi mới, thoáng và đúng qui luật. Sang được, chỉ có cháu với ông bà, đỡ đông đỡ ầm đỡ ngột. Thế là hai bên cùng có lợi, vậy thì ông còn ngần ngừ gì nữa?

ÔNG (ngần ngừ): Nhưng mà dạo này có nghe thấy tiếng họ... ấy nữa đâu.

MỢ  (nói một mình): Có chứ. Cái giường vẫn cọt kẹt...

ÔNG (cười tủm): Cọt kẹt khác kẽo kẹt. Nhà nào giường chẳng cọt kẹt. Ðến cụ tôi tám mươi nằm giở mình trong kia cũng cọt kẹt!

MỢ: Nhưng mà... vẫn khó chịu. Cứ tưởng tượng ra là khó chịu rồi. Thôi, phần ông năm chỉ.  Ông làm giấy, chạy lên cơ quan anh ta hộ. Cháu xin kèm vào biếu thêm nửa năm sữa Vạn Thọ cho cụ... nhé.

(Mợ nhìn ông, cười cười)

ÔNG (im lặng): Mợ để tôi xem.

MỢ: Còn xem gì? Thế là phải quá đi rồi...

ÔNG: Giả dụ như vợ chồng anh ta không chịu thì sao?

MỢ: Thì sẽ có biện pháp. Ta có cách của ta mà! Cái đầu tiên, là cả ông bà lẫn cháu khiếu nại với phường vì ồn, vì ăn ở thiếu vệ sinh, cứ nghĩ ra gì thì khiếu nại cái ấy! Tạo áp lực là vừa...

ÔNG: Khoan, để tôi ướm thử xem sao đã.

Ðèn sân khấu tắt. Hai ngày sau, vẫn cảnh cũ.

Mợ bước vào. Ông bỏ tờ báo xuống.

MỢ: Sao? Ông ướm thì thế nào?

ÔNG (ngập ngừng): Không phải dễ!

MỢ (gắt): Sao lại không dễ?

ÔNG: Họ chân ướt chân ráo tới đây, họ còn sợ...  họ chẳng biết xoay xở thế nào!

MỢ: Úi dào. Hay họ đòi hơn?

ÔNG: Cái đó thì tôi không biết!

MỢ: Thế ông đã làm giấy khiếu nại lên phường chưa?

ÔNG: Chưa! Tôi chẳng biết có nên không?

MỢ: Hay là ông cũng muốn thêm, năm chỉ chưa đủ?

ÔNG (lắc đầu): Không phải thế...

MỢ (cười nhạt): Ông không khiếu nại thì cháu sẽ khiếu nại chính ông!

ÔNG (ngạc nhiên): Khiếu nại gì tôi?

MỢ: Rồi ông sẽ biết.

Ðèn sân khấu tắt.

Chuyển cảnh

Buổi tối đêm không trăng, hộ giữa.

Anh chồng và chị vợ ngồi.  Mợ bước vào.  Cả hai đứng dậy. Chị vợ ngồi mép giường.

ANH CHỒNG (rót nước): Mời chị xơi nước.

MỢ (tươi cười, đon đả): Sao, cháu bé lớn vồng lên rồi, nhưng vẫn cứ hay nhè nhỉ! Tôi qua nói chút chuyện với vợ chồng cô chú... Ðấy, ông bên cạnh đã nói qua với chú rồi. Chuyện tiền bạc, như thế là phải chăng lắm. Chỉ còn có cái việc là lên cơ quan chú chạy cho một chỗ ở khu tập thể xưởng, như thế chú đi làm lại càng gần! Chuyện đó, cũng cứ để tôi lo cho. Gì chứ liên lạc ngoại giao (cười giả lả), tôi quen công quen việc rồi...

Mợ ngừng nói, nhìn anh chồng, mắt thăm dò

ANH CHỒNG  (ngần ngừ): Chúng em đã khắc phục được vấn đề... vấn đề... tiếng động.  Có gì làm phiền chị nữa?

MỢ (ngắt lời): Còn cháu, nó cứ khóc nhè, nửa đêm nó khóc, tôi thức dậy lại ngồi cho đến sáng... (thở dài, vờ vịt). Ðấy, khổ cho tôi, cái tật hễ thức là chịu không ngủ lại được.

CHỊ VỢ (nhút nhát): Cháu được tám tháng rồi. Cháu càng lớn thì càng ít dậy ban đêm, chỉ một hai tháng nữa chắc ngủ qua đêm thôi.

MỢ (đáo để): Một hai ngày cũng khổ, nói gì một hai tháng!  (tiếp tục, lại cười) Mới lại, cô chú đào đâu ra hai lạng vàng ở cái đất Hà Nội này. Công nhân như chú, để đến bao giờ mới dành dụm được ngần ấy. Cháu lớn lên, cô cũng phải làm cái gì ra tiền chứ. Hai lạng ấy, ít thì cũng là cái vốn ban đầu. Này, đan len hay nuôi thỏ đang «ra» lắm. Cả cái « qui-gai-xốp » nữa, có người chỉ làm một buổi mà tháng kiếm cả trăm, gấp hai lần lương công nhân có nghiệp vụ đấy! Nếu cô chú không bằng lòng khu tập thể tôi sẽ lo cho cái hộ hai mươi nhăm mét vuông, rộng rãi hơn đây, ở Láng...  Cũng gần thôi, và lại chẳng xa chỗ chú công tác là mấy! Nghe chị, có cái vốn làm ăn là quan trọng, (nhìn chị vợ) đồng ra đồng vào mới mở mặt ra với người ta.

ANH CHỒNG  (bẻ ngón tay, hoang mang): Chị cho chúng em suy nghĩ bàn bạc với nhau. Vả lại, hộ này là cơ quan phân, cơ quan quản...

MỢ (cười): Ðã bảo đừng lo việc đó mà! Muốn xem cái nhà dưới Láng, mấy ngày nữa chị em cùng đi, xem rồi chắc là dễ quyết định hơn...  Nhé!  Nhớ nhé!

Mợ đứng dậy, ra.  Ðèn sân khấu tắt.

Chuyển cảnh

Hộ ông bà. Mợ bước vào, ông bỏ tờ báo xuống.

MỢ (giọng lạnh lùng): Cháu đã nói thẳng với vợ chồng chúng nó.  Cháu lại đề nghị là không muốn ở khu tập thể thì cháu cho một căn hộ khác ở dưới Láng. Thế, chắc làm gì chẳng xiêu, có thêm hai lạng bỏ túi, sướng quá đi chứ lị! Nhưng còn ông, vẫn chẳng thấy ông làm đơn khiếu nại phường...

ÔNG (bỏ kính ra): Tôi nói quá, mợ bỏ cho. Nhưng tôi vẫn chưa biết tại sao mợ nhất định lấy căn hộ giữa, nên chần chừ. Nói là có tiếng... ấy, thì không phải. Ồn ào, thì chỗ nào ở Hà Nội chẳng ồn, chẳng đông. Ngày xưa, Hà Nội có ba trăm nghìn người, nay lên đến ba triệu, đi đâu cũng chỉ thấy người...

MỢ (đanh đá, cười nhạt): Cháu thừa vàng, muốn đổi lấy đất. Có thế thôi!

ÔNG (chậm rãi): Không phải chỉ có thế. Cách đây lâu rồi, hình như vào lúc trước Tết, có bà Thi làm chỗ Intershop ở Giảng Võ với mợ. Bà ấy ghé đây tìm nhưng lúc đó mợ về quê. Bà ấy hỏi tôi là tôi có muốn để lại căn hộ của chúng tôi cho bà ấy không. Chuyện một lúc, tôi vỡ lẽ là bà ấy muốn mở một quán cà phê. Ðây là địa điểm trung tâm, quanh lại thiếu hàng thiếu quán. Dẫu phải vào cái ngõ, bà ấy bảo chẳng hề gì, cứ cà phê ngon là đông khách ngay. Bà ấy cũng đề nghị chuyển cho hai vợ chồng tôi xuống Láng.

MỢ (cong cớn): Chuyện đánh «quả» là chuyện chúng tôi.

ÔNG (giọng kể lể): Nhưng thế, thì rồi hai vợ chồng chúng tôi sống làm sao? Quán cà phê ngay cạnh, chỉ tháng sau là mợ không bảo, chúng tôi cũng phải bán xới tìm chỗ khác. Nói mợ biết, cái nhà này là nhà bố mẹ tôi cho tôi, chết thì thôi chứ sống, chúng tôi không đi chỗ khác đâu...

MỢ (mặt đanh lại, mắt nghếch lên khiêu khích, nhưng giọng nói lại trầm xuống, đe dọa): Cháu có tin vui cho ông bà đây. Hai tuần trước, công an phường có báo cho cháu biết là cậu quí tử  cháu đích tôn của ông bà bị bắt khi xuống thuyền ở Bãi Cháy định vượt biên.

ÔNG (há miệng, trợn mắt, rồi nghẹn cổ): Hả, hả. Mợ nói cái gì...

MỢ (cười nhạt): Ấy là công an thông báo với cháu. Phường định gọi ông bà lên, hỏi ý cháu là tổ dân phổ. Cháu cản họ, nói rằng cứ để cháu tìm hiểu đã...

Một con quạ bay vào đậu trên cây sồi, kêu váng lên trong tiếng gió xào xạc. Tiếng nước đổ vào bể nước nghe uồm uồm như trời sắp giông. Tiếng chân người đi ra ngõ, rồi im lặng lại trùm lên bao phủ căn nhà.

MỢ (một lúc sau, nói tiếp, giọng mai mỉa, tỉnh khô): Cháu bảo điều căn bản là xem về phần đạo đức ông bà thế nào. Bà thì gì cũng cứ chín bỏ làm mười, vô tư thôi, vẫn giữ bản sắc dân tộc... Phần ông, ông đứng lên theo cháu.

Mợ đi vào góc buồng, tường tiếp giáp với nhà vệ sinh, cũng là nhà tắm. Ông bước vào. Mợ chỉ vào.

MỢ: Phần ông, ông chọc cái lỗ này để xem cháu tắm, đấy tang chứng đấy... Ông đứng lên cái ghế đẩu này, (tay chỉ) cứ nghe tiếng dội nước là ra xem thoát y miễn phí. (Mợ lại cười).

ÔNG (cúi đầu, lí nhí): Sao mợ biết mà cứ để thế...

MỢ (lại cười): Ông ngốc lắm. Xem thì có mất gì. Với lại, đàn bà nào lại chẳng thích được thèm muốn. (nói nhỏ lại như nói cho mình nghe) Ai thèm muốn cũng được, để còn cảm thấy mình là đàn bà. (bỗng cứng giọng) Ðấy, thế nhưng từ ngày có con bé bên cạnh, là ông cũng phụ gái già này ngay... Buổi trưa, về dội nước, không thấy mùi thuốc lào và tiếng ông thở nữa. Ðúng là có mới nới cũ, nó lại trẻ, vú vế căng ra như sừng trâu, mà lại vẫn miễn phí...

Mợ quay ra, đứng cửa.

MỢ (cong cớn): Ðấy, đạo đức của ông là như vậy. Ðể cháu ra đầu ngõ nói với bà.

Ông ôm mặt, gục xuống bàn. Tiếng ho khan, rồi tiếng rên của cụ.

Chuyển cảnh

Gốc cây sồi. Trời màu trắng sữa, trăng lưỡi liềm. Ðèn hắt qua cửa cả ba hộ.

Chị vợ và bà ngồi ở gốc cây đang rửa bát.

CHỊ VỢ (giọng lí nhí): Chắc chúng cháu phải đi thôi. Mợ ấy cho xem cái đơn khiếu nại của ông. Chẳng ai muốn chúng cháu ở đây (nghẹn ngào, rấm rứt khóc).

BÀ: Ông ấy đặng chẳng đừng. Anh chị đi trước, chúng tôi rồi cũng phải đi sau thôi...

CHỊ VỢ: Cháu muốn về dưới quê. Cháu sợ Hà Nội lắm rồi!

BÀ: Tôi cũng muốn về dưới quê. Tôi thì sợ con người lắm rồi!

Gió xào xạc. Lá sồi lại rụng.

BÀ: Dưới quê nay thế nào nhỉ?

CHỊ VỢ: Như làng cháu, có đông lên nhưng cày cấy cũng còn ít đất. Chỉ khổ là làm mười ăn bốn, sáu phần còn lại là nộp thuế. Thuế tỉnh. Thuế huyện. Rồi đóng góp vào quĩ. Quĩ cải thiện cái này cái nọ. Nào là giáo dục, y tế...

BÀ: Không, tôi hỏi cái khác. Có còn kết bạn quan họ với nhau không?

CHỊ VỢ (ngơ ngác): Cháu chẳng nghe thấy nói bao giờ cái hội ấy.

BÀ: Thế cái Xuyến bu cháu không hát bao giờ nữa à?

CHỊ VỢ  (lắc đầu): Không. Thuở cháu còn bé, thỉnh thoảng bu có hát...

(cười, dịu dàng): Hát thế nào?

CHỊ VỢ: Cháu nhớ không rõ. Hình như có cái câu «Xa xôi xích lại cho gần. Làm thân con nhện mấy lần chăng tơ».

(xa vắng): Ngày xưa, bu chị, bác Tình với chỗ làng tôi kết bạn quan họ đấy. Bu chị tiếng trong veo, cất tiếng hát như nước sông Phượng Nhỡn, trôi đi như lụa. Còn bác Tình, bác hát thì con sâu cái kiến cũng động lòng... Mà này, chị có hay lên bác không?

CHỊ VỢ: Dạ có. Ngoài giỗ tết ra, cháu cứ tháng tháng lên thăm bác. Bác cháu không vợ không con, ở có một mình mà.

(giọng run run, nhỏ đi như thầm thì, nghẹn ngào): Bác làm gì để sống?

CHỊ VỢ: Bác cháu khi còn khỏe cũng ra đồng. Sau này, bác cháu ở nhà làm giấy vàng, giấy bạc, bỏ bán trên chùa Cổ Pháp!

(ngập ngừng): Có bao giờ bác hát không?

CHỊ VỢ: Không. Bu cháu bảo bác đã thề từ lúc còn trẻ là bác không hát nữa.

Bà quay đi, nước mắt chảy ra, tay quệt, im lặng.

Ðộc thoại:

- Ối anh Tình ơi, em dẫu có ôm cầm thuyền khác thì cũng là do anh. Anh cứ sợ em khổ, chứ xưa anh nói một câu là em bỏ tất, bỏ làng bỏ xóm, bỏ mẹ bỏ cha, hai đứa mình đi đâu thì đi, sống chết có nhau. Anh lại làm khổ anh, thề bồi làm gì, để cả cái xã Ðình Bảng mất đi một tay quan họ. Hỡi anh Tình của em ơi!

Tiếng hát vẳng lên:

«Mây mưa biếng để lá vàng

Yêu ai nên xót, xót nàng một thân

Xa xôi xích lại cho gần

Làm thân con nhện mấy lần chăng tơ

Ví dù người có lòng chờ

Những công lênh ấy bao giờ dám quên

Yêu nhau giữ lấy lời nguyền

Xin đừng xẻ ván bắc thuyền cho ai»

Quạ ở đâu bay ngang, tiếng kêu như dọa nạt. Có tiếng khóc đứa bé. Tiếng anh chồng ru à ơi.

CHỊ VỢ  (đứng dậy): Thôi cháu vào!

(nắm tay kéo xuống): Ðể tôi hỏi thêm một tí... ( bà ngập ngừng ) Thế hôm bác mất, có ai ở bên cạnh không?

CHỊ VỢ  (hơi ngạc nhiên): Có chứ ạ. Bác cháu ốm cả mấy tháng. Bu cháu với cháu thay phiên nhau lên nấu nướng cho bác. Hôm bác mất, cả bu cháu lẫn cháu đều ở đấy! Bác đưa cho cháu một cái lược, dặn «Có chôn, chôn cả cái này». Bu cháu khóc ầm lên. Bác lại thều thào bảo bu cháu «Cô nhận ra được à, của cái Xoan đấy. Ðừng khóc! Tôi sống chẳng để được cái gì cho Xoan cả!»  Từ đấy, bác cháu lịm đi, đến sáng thì để tay vào mũi không thấy thở nữa!

Bà gục đầu, vai rung rung, lại quay mặt đi.

CHỊ VỢ  (ngạc nhiên): Thôi cháu phải vào!

Chị vợ đứng dậy đi, ngoái lại

CHỊ VỢ: Bà ơi, bà có biết bà Xoan nào không?

Bà lắc đầu, cúi  gằm mặt  xuống. Im lặng. Tiếng đàn đại hồ cầm vẳng lên thê lương. Trong  đêm trăng, bà ngồi ở gốc cây sồi, bóng đổ xuống sóng xoài trên mặt sân. Một lát sau, bà lẩm nhẩm...

BÀ: Tội nghiệp cho chúng mình, anh Tình ơi!

Ngước nhìn trăng lưỡi liềm lơ lửng, mặt bà chan hòa nước mắt. Bà khấn.

BÀ: Anh ơi, sống khôn thác thiêng, có ông trăng trên đầu chứng giám tình em gửi anh, trên đời này cũng như ở những đời khác... Ngày nào em qua thế giới bên kia, em sẽ tìm anh cho bằng được. Sống đã lìa nhau, chỉ chết mới đoàn tụ, nhưng xin anh đừng phụ tình em như ở trên cái dương gian này, anh Tình nhé!...

Ðèn tắt dần. Văng vẳng tiếng hát quan họ

MÀN III

TIẾNG THÉT

Cảnh 1

Hộ giữa. Chị vợ ngồi góc giường ôm con

ÔNG: Mợ ấy đưa tiền để nhà tôi đi chợ mua con gà về thịt để liên hoan đấy. Thế, anh đã nhận rồi à?

ANH CHỒNG: Dạ, nhận trên nguyên tắc. Cũng phải đợi giấy tờ thủ tục cho xong đã. Ông bảo, về ở Láng cũng được, nhưng có gì chắc đâu. Mợ ấy chỉ hứa. Trên cơ quan con, họ không phản đối...

ÔNG: Thời buổi này, nén bạc đâm toạc tờ giấy. (thở dài) Cái kế hoạch cà phê của mợ ấy hình như cũng thông lắm. Trên phường họ thì thào là sẽ lắm anh được uống cà phê miễn phí (lại thở dài). Còn chúng tôi, cũng rồi chẳng biết thế nào... ( ngập ngừng ) Anh xem, tôi cũng chẳng làm gì được!

ANH CHỒNG: Con tưởng cứ chữ nghĩa như ông, lại có cơ quan truyền thông sau lưng, ông không muốn thôi chứ đám con buôn làm gì được ông (cười nhạt ).  Ông cũng ngã giá được năm chỉ mà...

ÔNG: Ấy, nói tội cho tôi. Tôi chả có chỉ nào cả. Tôi  vào cái thế há miệng ra không được!

ANH CHỒNG (mỉa): «Bề trên ở chẳng kỷ cương... Cho nên kẻ dưới lập đường mây mưa».  Chúng  con vốn nhà nông chân lấm tay bùn, chỉ mong những người có chữ có nghĩa nhìn xuống mà xử cho công minh. Ông dạy thế, con tin thế. Nhưng ông hưu rồi, ông bênh thì ông viết cho cái đơn đưa lên giải thích. Chẳng thế, chính ông đi khiếu nại...

ÔNG (khổ sở): Tôi không làm, thì người ta khiếu nại tôi.

ANH CHỒNG (cười): Ông có ở cái tuổi thanh niên đâu mà mợ ấy kiện về cái tội giường kêu kẽo kẹt được!

ÔNG (nằn nì) : Không vì cái tội ấy, nhưng... Thôi, anh cho tôi xin, nói ra không được anh thông cảm.

ANH CHỒNG (nổi cáu): Ðến bây giờ con mới hiểu anh em thợ cứ bảo, nói ông tha lỗi, bọn trí thức thư lại là bọn ăn cứt không biết thối!

CHỊ VỢ (hốt hoảng): Ấy chết, ai lại nói thế...

ANH CHỒNG (gằn): Thôi, ông về đi. Ðể sức tối nay mà liên hoan.

Ông lủi thủi đi ra, nói với lại «Tội cho tôi, tội cho tôi ...»

Chuyển cảnh

Hộ ông bà. Ông ngồi trên ghế, tay ôm đầu, chăm chăm nhìn xuống tờ báo, vẻ như đọc.

Ðộc thoại :

- Nhục, nhục quá. Ăn biết là thối, nhưng không ăn không được. Ăn rồi, biết là nuốt không trôi.  Ðấy, cứt cứ ở lưng chừng thực quản, ngậm miệng cũng thối, há miệng cũng thối, thối sực lên đầu thế này thì sống làm sao... Cháu ơi, đi đâu mà lại lạc vào tay chúng nó. Mày đẻ ra, tao ghi ngày ghi giờ, số mày thế mà sao lại bị bắt. Cung di tốt nhất họ. Thiên mã đóng ở đấy. Xem lại, tiểu hạn lại có Long Phượng Cái Hổ. Giời ơi, giời triệt nó à hả giời! (khóc nức nở, vai rung lên).

Bây giờ, nó bắt nọn. Cái tội xem trộm nó tắm thì không sợ. Nó biết, nó còn quay lại cho xem.  Có hôm, nó thò tay vào nó vuốt ve, mặt nó dại đi, môi nó run lên. (Ông chép miệng, thè lưỡi liếm môi ) Thế có nghĩa là nó khiêu dâm mình, cái con khốn nạn. Sợ gì, mỗi người một miệng, cứ nói thì ai biết đâu mà tin ai. Hừ, giả vờ đóng vai kẻ cả, kể ra cái kế hoạch cà phê của nó là xong, ai chẳng tin là nó định chiếm nhà mình nên bịa ra chuyện. Dĩ nhiên là trừ bọn trên phường. Chúng nó một cánh với nhau. Nhưng mình dọa nói với cơ quan cũ, chắc chúng nó cũng phải co lại. Báo chí đang đổi mới mà. Ðồng chí tổng bí thư có dặn là phải tự cứu. Thời này là thời cởi trói... thời nói thẳng nói thật. Chết. Nói thẳng nói thật cũng phiền lắm. Phiền lắm chứ. Như mình, nói thật thì chết. Còn nói thẳng, nói thẳng chuyện người ra thì được, chớ nói chuyện nhà mình, phải bí mật...

Bà đi chợ về, tay xách con gà, vào. Nhìn ông mắt đỏ hoe, bà nói.

BÀ: Ông lại lo cho cháu. Mợ ấy dặn tôi là đang chạy hộ, đòi dưới Quảng Ninh giả nó về công an phường ở đây. Có về đến, thì có thể là trót lọt được, nó khỏi phải đi cải tạo.

ÔNG (nhẹ giọng): Mợ ấy đâu chạy cho mình miễn phí đâu. Bà nghĩ mợ ấy đòi hỏi gì? Tôi đồ là mợ ấy muốn chiếm cả căn hộ này (tay chỉ...).

(buồn buồn): Thì đứt đuôi con nòng nọc đi rồi, có thế mới mở quán cà phê được chứ!

Bà ngồi xổm, loay hoay mở gói

ÔNG (giận dữ): Thế mà bà cũng mua gà mua qué về liên hoan được à?

(nhẫn nhục): Ông bảo tôi phải làm sao? Một đàng, ông cứu thằng cháu thì tất mất nhà.  Ðàng khác, ông giữ nhà thì cháu ông đi cải tạo ba năm, năm năm. Muốn chạy cho nó, cũng hai, ba cây vàng. Bán nhà đi cũng chỉ thế... Kinh tế thị trường nó vậy. Phải mua vừa bán, tù tội cũng có giá của nó.

ÔNG:  (tuyệt vọng): Con dại, cái mang. Bố nó chết, mẹ nó bây giờ đi đâu mình cũng chẳng biết, thì ông bà làm sao bỏ nó được. Ði cải tạo là vào lý lịch, sống cho đến lúc chết nó là kẻ có án, cả đời sẽ nhục nhã khốn nạn. Thôi, đành. Chỉ có cái là đi đâu bây giờ?

BÀ: Tôi về dưới quê. Dưới đó thì may ra còn có kẻ đùm bọc...

ÔNG: Chịu, tôi chịu. Tôi quen trên này, về dưới đó buồn chết được. (hoảng hốt ) Tuổi này, không có bà thì sống dở chết dở. Lại còn cụ nằm trong kia (tay chỉ vào trong buồng).

Lại tiếng ho, rồi tiếng rên hừ hừ.

ÔNG (rấm rứt): Để tôi xem. Hay là cứ lên cơ quan cũ tình thực khai hết, nhờ họ giúp cho.

(bật cười, buông thõng): Thôi đi ông ơi. Thế là lại rách việc đấy.

Chuyển cảnh

Hộ của mợ

MỢ: Mời ông vào (tay chỉ ghế ).

Ông lẳng lặng vào, ngồi xuống. Mợ kéo ghế, ngồi trước mặt, tay rót nước.

ÔNG (ngần ngừ, mắt nhìn xuống): Thưa mợ, tôi qua trình bày với mợ, mong mợ thông cảm.  Tôi xin nói thẳng. Tôi có mỗi một đứa cháu, như mợ biết nó từ ngày mợ về đây... Ðúng là cháu nó xuống Quảng Ninh, theo bạn theo bè. Ðến khi cháu đi rồi chúng tôi mới biết, sợ nên phải nói là cháu đi kinh tế mới. Mợ đừng hiểu lầm, tội cho tôi, tôi nào muốn dối trá. Bây giờ, mợ nói tôi mới biết là cháu nó bị bắt. Mợ thương cho, cháu nó còn trẻ còn dại. Tôi biết nói gì hơn...

MỢ: Cháu đã trao đổi với bà. Ðể nó đi cải tạo là khổ cả đời nó, lý lịch thế ai bôi đi cho được!  Nhưng khó lắm, chuyện quan nha lúc nào cũng phức tạp, sai «đường dây» là xôi hỏng, bỏng không, lắm khi bị cột cái họa vào mình nữa.

ÔNG (vội vã): Ấy, thế mới phải thưa với mợ. Mợ xem thế nào?

Mợ ghé gần ông thì thào. Ông nghe, chỉ gật gù, miệng kêu nhỏ «dạ, dạ». Mợ ngừng nói, với tay lấy chén nước. Ông ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

ÔNG (não nề): Tốn kém thế, chúng tôi tiền đâu? Chỉ còn cách là chúng tôi sang cho mợ căn hộ chúng tôi, nhưng thế thì chui rúc vào đâu bây giờ!

MỢ (thản nhiên): Cháu nói để ông nắm thông tin. Còn phần cháu thì vốn liếng đổ ra hết cho vợ chồng hộ bên rồi. Cuối cùng, ngã giá là cái căn phòng ở Láng cộng với hai lạng ba chỉ.  Dĩ nhiên là cháu chịu cả tốn phí với phường, quận, hợp tác xã ở Láng, rồi cơ quan anh ta, cái xưởng cơ khí hai gì đó. Tính tất cả, cháu mất bay đi bốn lạng chẵn, cạn hết vốn rồi ông ạ. Thế nên ông có sang cho, cháu cũng chịu, tiền đâu mà có!

ÔNG (lúng túng): Chết, chết. Tôi làm thế nào bây giờ.  Mợ bảo cứ ít là hai cây mới lo được cho cháu thì tôi đào đâu ra? Hay là mợ hỏi giúp cái bà Thi hộ tôi. Tôi chẳng biết bà ấy ở đâu cả...

MỢ (đứng dậy, cười giả lả): Chuyện đâu còn đó, ông cứ để tính toán từ từ, không đi đâu mà vội. Tối nay, cháu tổ chức liên hoan cái chuyện ngã giá với vợ chồng ở hộ bên, mời ông sang chơi. Ông cứ vui lên, cứ bình tĩnh. Cháu sẽ lo giúp ông cái việc cậu cháu đích tôn. Tối, nhờ ông viết hộ cái «hợp đồng» với vợ chồng bên cạnh, và nhờ ông làm nhân chứng cho... Nói thêm với ông là cái hứa năm chỉ để ông, cháu vẫn nhớ. Ðể xem công việc kia ra sao rồi sẽ tính một thể cho tiện. (Mợ cười, tay giơ ra chai rượu để dưới bàn) Tối nay liên hoan có cái này, Ararat đấy.  Rượu tây nhé, nút có bọc giấy thiếc  hẳn hoi, bảo đảm không phải là rượu «zỏm» đâu.

Chuyển cảnh

Tối, hộ mợ. Anh chồng, chị vợ, ông, bà, và mợ ngồi trên giường, xung quanh một cái mâm bày đầy thức ăn. Mợ cầm bản «hợp đồng» giơ lên, rồi gấp lại làm tư, bỏ túi.

MỢ (tươi cười): Ðây là thắng lợi của tình hàng xóm, nghĩa láng giềng, trên quan điểm tôn trọng lẫn nhau, trao đổi hai bên cùng có lợi. Vì thế, hôm nay có ông bà là người lớn, thế hệ cha anh, rồi có cô chú, thế hệ kế thừa cách mạng, và tôi... đã tồn tại sau hai cuộc kháng chiến, chúng ta cùng nhau nâng chén (mợ nâng ly lên) uống mừng cho... (mợ chựng lại) mừng cho... (mợ nhìn ông, cầu cứu) mừng cho... (mợ nói một mạch như máy) thành quả cách mạng thắng lợi, cho tương lai xán lạn, thành công xây dựng xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người mới, khâu chính yếu trong ba nhiệm vụ cách mạng hàng đầu... ( mợ hụt hơi, miệng lúc một ngượng, ngừng nói, nhìn khắp lượt ).  Nào, xin mời ông bà, cô chú (đưa tay lên môi uống một hơi).

Mọi người đều nhắp rượu, gượng cười.

MỢ: Rượu ngon đấy, cay xè. Cái này phải cấp giám đốc mới được phân. Tôi chạy mãi mới có.  Nào, nào... Ở miền Nam, họ dùng chữ hay lắm, họ hô «zô, zô». Mời ông bà, «zô» đi chứ.

ÔNG: Mời mợ.

Bà gắp một miếng thịt gà.

BÀ: Cám ơn mợ. Lâu lắm tôi mới lại thấy thịt gà. (Nhìn chị vợ) Ăn đi cháu...

MỢ: Cứ tự nhiên nhé. Bây giờ là người nhà với nhau cả mà. Sau cô chú có đi đâu thì đi, cứ tết nhất là phải về đây với ông bà và chị một bữa... Hà, hà. Cái ông nhà văn Liên Xô nào, ông Tôn Toi hay Tôm Tươi gì đó, có nói thế này «... Tình chỉ đẹp khi bụng còn dang dở...» phải không ông?

ÔNG (ngượng): Tôi không nhớ, mợ ạ!

MỢ (quay sang anh chồng): Chú nhớ bổ túc văn hóa nhá. Các nhà văn Liên Xô vĩ đại lắm, chú phải đọc. Cái câu tôi vừa nói đấy, dễ hiểu lắm. Bọn bụng đã no rồi, thì làm gì mà có tình với nhau. Ý là đã thành tư bản thì hỏng hết, cạn tình sạch nghĩa với nhau ngay... (mợ gắp vào bát chị vợ).

MỢ: Còn cô nữa.  Phụ nữ chúng mình bây giờ phải tranh thủ chức năng cách mạng, không xin mà chủ động dành cái quyền của chúng mình. Như bà đây, (nhìn bà) bà miệng cứ hô chín bỏ làm mười, nhưng khi bà ra lao động ngồi bán thuốc lá thì thu nhập có kém gì ông đâu. Thế, muốn gì thì muốn, phải bình đẳng kinh tế trước...

ÔNG (cúi đầu, ngượng ngập, nói lảng): Chết, tí tôi quên. Tôi có mang về ít báo, (tay với đằng sau, đưa ra một xấp ) để mợ với cô chú đọc. Trong này, có một bài nói về nữ quyền. (nhìn anh chồng ) Bây giờ mà các ông thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ thì Tòa án Nhân dân có quyền truy tố đấy. Báo kể là một ông đánh vợ, vợ ra khai «Thưa các đồng chí, quả em mình mẩy có thâm tím một tí, nhưng không phải là lỗi nhà em». Tòa hỏi «Thế là lỗi ai?», chị vợ ngập ngừng «Thưa, lỗi em ạ!». Tòa gặng mãi. Chị ấy bảo «Tại em thích thế, anh ấy đánh theo yêu cầu!».  Tòa xử «Ðánh vợ dẫu theo yêu cầu cũng không được, phạt sáu ngày lao động, ba mươi đồng».  Phần chị vợ, Tòa cảnh cáo đã vi phạm nếp sống văn minh, nếu còn tái phạm, sẽ có biện pháp trừng trị!

Tất cả đều cười rộ lên.  Anh chồng bắt chước, tợp một cái hết ly rượu.

MỢ (nhìn): Con trai khỏe mạnh phải uống như thế. Zô là zô, ra là ra. Chỉ một hơi, lúc nào cũng cứ định là làm. Còn con gái, (nhìn chị vợ) ta «ba đảm đang cải tiến»... Này em có biết «cải tiến» là thế nào không?

Chị vợ nhút nhát, lắc đầu

MỢ (cười, đặt đũa xuống): Chắc cả nhà biết, (nhìn quanh, hát ) «Từ ngày anh đi, việc nhà em đảm đang » chứ?

Tất cả gật đầu.  Mợ cười, tiếp

MỢ : Ba đảm đang cải tiến là ( mợ hát, giọng chua như dấm) « Từ ngày anh đi, việc nhà em đảm ( ư ) đang. Ðẻ đứa con trai, nó giống cả làng...»

Mợ cười ngặt nghẽo

Anh chồng, chị vợ, ông cũng cười

Bà im lặng, nhìn xuống, nhếch mép

Ðộc thoại (của bà):

-Xuyến ơi, con em đây mà chị chẳng làm gì được cho nó, để người ta cướp của nó chỗ ăn chỗ ở. Anh Tình ơi, cháu anh đấy. Em nhìn nó, em lại tan nát cõi lòng. Thì ra anh chôn theo cái lược của em tặng anh ngày rằm, ngày anh hát ghẹo em cái câu «Cầu tre ai bắc gập ghềnh. Quan họ đi khéo, kẻo ngã lấm mình ai thương!». Anh Tình ạ, giờ đây đường đi nước bước chỗ nào cũng gập ghềnh, em ngã, anh ngã, rồi cháu anh cũng ngã. Ngã không đỡ được...

Mợ đứng dậy, tay lấy một cái băng cassette bỏ vào máy, loay hoay bật lên.

MỢ (vui vẻ): Nhạc vàng đấy. Bây giờ hiện đại là vàng. Còn nhạc xanh nhạc đỏ thì hết thời rồi.  Nào, lại zô, zô nhé. Nhạc vàng nghe phải lơ mơ mới thú.

Nhạc nổi lên. «Môi nào vẫn thơm, cho ta phơi cuộc tình...». Tiếng mợ hỏi «Hay chưa?»  rồi i ỉ hát theo, «Môi nào vẫn còn thơm, cho ta say cuộc tình... Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên».

ANH CHỒNG (cố giấu bực bội): Không phải say mà là phơi, phơi cuộc tình.

MỢ (tỉnh bơ): Cậu trẻ thế mà giáo điều văn bản cứ như là đi làm chính trị ấy. Còn tôi ấy à, tôi không phơi mà say cơ, nhân dân mà... (đùa cợt) Phơi lại phải canh kẻo ăn cắp nó lấy mất.

Tiếng nhạc nhẹ xuống, văng vẳng... Tiếng hát quan họ “người ơi người ở đừng về ...» lên cao, nhưng vẫn nghe văng vẳng, át dần...

Ðộc thoại (của bà)  :

- Ngày em về nhà chồng, em đã nguyền rủa cả đất lẫn trời. Anh chị quan họ biết chuyện cũng chỉ ngậm tăm, chỉ cái Xuyến là nó không giấu nổi nước mắt, cứ rũ người ra khóc. Nó khóc vì đêm trước anh đã định bỏ em đi khỏi thế gian một mình. Sáng sau, Xuyến nó chẳng biết anh mệnh hệ thế nào. Còn em, em đâu biết gì, em nguyền rủa cả anh lẫn em, chỉ muốn lăn ra chết ngay mà thôi... Ới anh Tình ơi!

Bà lẩm nhẩm «Người về em vẫn ư ừ ứ ư (có mấy) khóc (ư) thầm. Ðôi bên (là bên song như) vạt áo, (mà này cũng ứ a ướt đầm ), ướt đầm  như mưa...»

MỢ: (nghe thấy, phá lên cười)  Ấy, bà cũng văn nghệ nhỉ...

Mợ mở to cassette. Tiếng nhạc Trịnh Công Sơn to lên «Hương trầm có còn đây. Ta thắp nốt chiều nay. Xin ngủ trong vòng nôi. Ta ru ta ngậm ngùi...»

Ngoài sân, trăng tròn, màu pha lê rũ xuống những nhánh cây sồi đâm ra khẳng khiu tựa những cánh tay ma quỉ đang chụp bắt nhân gian. Tiếng nhạc Trịnh Công Sơn ảo não, nhỏ dần, đồng thời đèn sân khấu tắt lịm đi.

Ðêm về. Ba căn hộ như ngủ say. Vẫn chỉ có ánh trăng, tiếng côn trùng. Tiếng gió bỗng nỗi lên xào xạc lá.

Thình lình, đèn ở hộ giữa bật lên sáng trưng.

Tiếng thét thất thanh : ối giời ơi!

Cửa hộ giữa mở. Anh chồng độc có cái quần đùi chạy ra kêu to «Ối giời ơi!».  Ðèn hai hộ bên cùng mở lên một lúc. Anh chồng đấm thình thình vào cửa hộ ông bà.

ANH CHỒNG: Ông ơi, bà ơi... ( khóc ngất ) Ối ông ơi!

Ông chạy ra. Theo sau là bà. Mợ cũng mở cửa, áo quần mỏng mảnh, tóc xõa, ngơ ngác. 

ANH CHỒNG (run giọng, hoảng hốt): Ông bà ơi, nhà con... ( tay chỉ ) Nhà con...

Ông chạy vào. Giữa chiếc chiếu giải trên nền nhà cạnh cái giường, chị vợ nằm lõa lồ, trên mặt có cái gối ụp vào.

(kêu thất thanh):  Sao?  Sao?... Có chuyện gì vậy...

Màn hạ nhanh. Tiếng đàn đại hồ cầm ở đâu vẳng lên, mỗi lúc một to, kêu gào thảm thiết rồi nhẹ hững đi như rên rỉ.

Cảnh 2

Chiều hôm sau. Ánh nắng tàn trên ngọn cây sồi. Trong hộ giữa, tiếng trẻ con khóc. Bà ôm đứa bé, vừa ru vừa bước quanh bước quẩn:

BÀ: (hát nho nhỏ )

«Trông nước, (thì như) nước chảy

Trong bèo (là) bèo trôi

Người ơi người ở đừng về...»

Anh chồng ngồi thu lu  một góc, ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhìn bà không nói năng gì... Trên giường, xác chị vợ đắp một mảnh vải trắng, trắng xóa, rộng ra mênh mông như biển.

ÔNG (thở ra): Chắc phải lo phần thủ tục. Sống đã lo, chết lại càng phải thủ tục. (Nhìn anh chồng) Bây giờ khai làm sao?

ANH CHỒNG (nước mắt ràn rụa): Chúng cháu sợ nên mỗi lần... cháu úp gối vào mặt nhà cháu để khi kêu, không ai nghe tiếng. Mấy tháng nay như thế. Hôm qua, ( nức nở ) lúc xong thì... ông ơi! (khóc ngất).

ÔNG (chậm rãi): Anh cứ bình tĩnh...

ANH CHỒNG (hổn hển): Ông ơi, cháu gọi «Này, nhà nó...», không thấy tiếng động.  Cháu lay.  « Nhà nó ơi!». Cháu tưởng nó đùa. Cháu mặc. Cháu quay lưng lại. Thế nào nó cũng giẫy lên, nhưng không. Năm phút. Rồi mười. Cháu quay lại, lay nó. Ôi chao, người nó lạnh ngắt. Cháu thò tay cù. Nó không cười. Ông ơi, cháu bỏ tay vào mũi nó. Chắc nó nín thở. Cháu lại cù. Nó vẫn không cười. Ông ơi, nó bỏ cháu một mình rồi. Cháu kéo nó. Nó nhũn ra. Nó ngã xuống.  Mặt nó xanh lè. Mình ơi, nhà ơi dậy đi. Nó không trả lời. Nhà ơi, tôi đây... Nó không trả lời.  Nhà nó ơi, tôi van nhà, nhà nói một câu. Nó ngã vật xuống, như là cả thế giới này ngã vật xuống, vô tri, thản nhiên. Ông ơi! Kinh khủng. Cháu sợ. Nhà ơi! Dậy, dậy... Cháu đứng lên, cháu mở đèn. Mắt nó còn trợn ngược lên, mồm há hốc. Em ơi, em làm sao vậy! Cháu tung cửa ra, cháu gọi ông, gọi bà...

Ðộc thoại  (của bà, đệm vào là tiếng quan họ văng vẳng)

-Phải, tôi vào. Tôi đắp chăn cho cháu. Mắt nó vẫn mở, nhưng mặt nó sao lại vừa đau đớn, vừa mãn nguyện. Tôi vuốt mắt cho nó. Anh Tình ơi, em vuốt mắt cho cháu anh đây. Vuốt mãi, mắt nó không nhắm. Em khấn, có linh thiêng, anh ơi, anh giúp cho cháu nó đi được thanh thản.  Khấn xong, em lại vuốt. Mắt cháu nhắm lại, dịu dàng, lặng lẽ, như ngủ mơ.  Lúc đó, rõ ràng tai em nghe có tiếng thở dài bên cạnh.  Có phải anh về không hả anh Tình của em? Ðúng, đúng là anh!

Tiếng hát câu ghẹo «Cầu tre ai bắc gập ghềnh. Quan họ đi khéo, kẻo ngã lấm mình  ai thương!» to lên, rồi từ từ lắng xuống, rồi tiếng khúc khích nghịch ngợm mơ hồ vọng lại.

MỢ (bất ngờ bước vào, nhìn mọi người, đanh giọng): Ông sang ngay bên cháu.

Mợ quay ngoắt ra.

Chuyển cảnh

Hộ nhà mợ

Ông ghé vào tai mợ rì rầm. Mợ cười nhạt.

MỢ: Không phải là ngộ sát.

ÔNG (ngạc nhiên): Ngộ sát, thật mà.

MỢ: Tôi bảo là không phải. Thật hay không, đó là do chúng ta...

Ông ngẩn người, mặt nghệt ra

MỢ: Sự thật của con người ta là ở cái mồm. Nói, cứ nói, nói như đinh đóng cột. Ðứa nào nói trái lại thì tiêu diệt nó. Nói thế, gì cũng thành sự thật.

Ông im lặng, mắt nhớn nhác.

MỢ: Vì thế, tôi bảo không phải là ngộ sát, mà là... có ý đồ.

ÔNG: Nghĩa là cố sát?

MỢ: Hôm nay, vấn đề đã thay đổi.  Ta lại đứng trước một tình huống mới. Phải linh hoạt, uyển chuyển đáp ứng, đó là bài học lớn của Cách mạng.

MỢ  (đổi giọng, nhẹ nhàng): Ông ngồi xuống, cháu nói ông nghe.

Mợ ghé lại, rì rầm. Ông nghe, cứ lắc đầu.

MỢ: Ông về nói lại với bà xem, thu vén như thế có gọn không?

Ông ra.

Chuyển cảnh

Hộ nhà ông bà. Bà vẫn ôm đứa bé. Tiếng ho khù khụ. Tiếng khóc đứa bé. Bà đung đưa. Ông ghé vào tai bà rì rầm. Bà ngẩn người ra, lắc đầu, miệng mím chặt.

(cương quyết): Tôi thì tôi chịu. Xác con bé còn quàn ở bên kia, ai lòng nào...

ÔNG: Bà biết. Muốn cứu cháu khỏi cải tạo, thì mình mất nhà. Mất trắng, thì đi ở đâu? Bây giờ, mợ ấy đề nghị một mặt vẫn chạy cho thằng bé, mặt khác, mình dọn đi thì cái hộ ở dưới Láng dành cho mình về đó...  Còn cậu kia, nay góa vợ, cứ giữ lấy con ở lại đây, mợ ấy giúp.

(chua chát): Mợ ấy giúp lần này miễn phí nhỉ...

Tiếng đứa bé lại khóc. Tiếng ho khan của cụ. Bà ru, giọng nho nhỏ: «Con kiến mày kiện củ khoai. Mày chê tao khó lấy ai là giầu...». Mợ bước vào, nhìn bà, mắt có chiều dò hỏi.

MỢ (quay sang phía ông): Ông đã nói với bà chưa?

ÔNG: (ngập ngừng, cúi đầu nói nhỏ) Xin mợ giải thích thêm cho nhà tôi!

(ngửng phắt đầu, giọng rắn rỏi khác hẳn lúc bình thường): Mợ bất tất phải nói nhiều. Tôi chỉ bảo xác con bé còn nằm ngay bên kia, cạnh đây, mợ lòng nào mà chẳng những cướp nhà mà còn phỗng luôn cả chồng nó! Ăn ở thế thì có xuống đến bẩy tầng địa ngục cũng chưa đủ để mà xóa cái ác… Chết đi đến chín mười kiếp sau cũng chẳng lên làm người được!

MỢ (ngạc nhiên, nhìn ông, thình lình đanh giọng, quát nhỏ): Ai khiến bà dậy tôi nhân đức! Vợ chồng với nhau, tôi để ông dậy bà thế nào là sống. Sống là vật lộn, đè đứa khác xuống mà ngoi lên! Cách nào cũng được, miễn là đạt thành quả. (miệng hừ, rồi gằn ) Còn muốn chết, tôi cho chết hết… Chết cho đến thằng cháu đích tôn của ông bà rục xương chết tù chết tội!

Dứt lời, mặt cong cớn, mợ quay ngoắt đi ra, miệng cười nhạt. Ông đến cạnh bà, mắm môi, bất ngờ dang tay tát vào mặt bà.

ÔNG (gầm gừ): Ngu như chó!

Bà ngã chúi xuống đất, rú lên.

(tóc đổ xõa ra, ngồi  dậy, kêu thảm thiết): Ối giời ơi là giời!

Chuyển cảnh

Buổi tối, hộ của mợ. Anh chồng ngồi, tay ôm đầu. Mợ ngồi bên cạnh.

MỢ (thủ thỉ): Chết ngột như thế thật là đáng... đáng tội. Nhưng thôi, giời bắt thì phải chịu chứ làm sao được. Chú ạ, chú phải bình tĩnh vượt sóng vượt gió. Chị thương chú như em. ( Ngập ngừng) Thôi, từ nay chú cứ ở đây, chẳng phải dọn đi đâu nữa.  (Tay mợ như vô tình quàng nhẹ  qua vai anh chồng) Còn đứa bé, chị thề có bóng đèn trên đầu là chị coi nó như con đẻ của chị... (mợ thò tay vào túi, lấy bản «hợp đồng» ra, giơ lên)  Bản hợp đồng này, coi như là không có.  (Mợ xé vụn ra) Cái nhà này là của... (ngần  ngừ , rồi vội vàng) chúng ta rồi!

ANH CHỒNG (ngạc nhiên, ngồi lùi ra, nhìn chăm chăm vào mợ): Chị nói gì, em không hiểu...  Ở đây sống với cái kỷ niệm kinh hoàng này, em chịu thế nào nổi!

MỢ (ráo hoảnh): Ðấy, mấy ngày đầu thì thế thật. Nhưng ông giời ông ấy chẳng phải chỉ sinh ra có oái oăm mà còn làm phúc tạo nên cả thời gian.  Có thời gian, chuyện gì cũng phai nhạt đi.  Nghe chị...  em làm sao mà gà trống nuôi con được? Em còn trẻ, sau có tìm lấy ai thì cũng là rổ rá cạp lại, phức tạp chuyện con tôi con anh!

ANH CHỒNG (nghẹn ngào):  Cho tôi xin, tôi có lòng dạ nào mà nghĩ đến chuyện ấy đâu.

Ðộc thoại ( anh chồng)  :

-  Kiếp trước tôi làm gì mà kiếp này giời hành tôi thế này. Ăn không đủ, đến ngủ cũng phải dè.  Tối qua, mất nhà lại phải uống rượu mừng! Cái rượu tây gì đó, Ararat à, quả là ghê thật.  Vài ly mà choáng cả đầu. Về, vợ nó bảo, anh say rồi. Say đâu mà say? Kéo nó vào ôm, nó đẩy ra, nhăn mũi, kêu là sặc mùi rượu. Mình bảo, sợ gì, sắp phải bán xới khỏi đây rồi, có gì mà phải dè xẻn giữ gìn. Nó cười, trải chiếu xuống đất, kêu «ông tướng ạ!». Ông tướng đâu mà ông tướng.  Tướng gì mà gặp một mụ nạ dòng chưa đánh đã đầu hàng. Thôi được, mình nói vào tai vợ «Tướng lên ngựa ra chiến trường đây!».  Nó dặn, lấy cái gối, lúc em không kìm được mà kêu thì cứ để lên mặt như mọi khi nhé. Nó rên, mình biết là lại sắp sửa rú lên rồi, lấy tay bịt miệng, tay kia úp cái gối lên mặt nó. Rồi cứ thế. Rượu Ararat mạnh thật. Ánh sáng xung quanh như choãi ra, lỏng đi, chao đảo. Cứ thế, hệt như trời đất vào cơn hỗn mang, không còn gì để nắm bắt, để trụ lại.  Cứ thế cho đến lúc mình ngã vật ra, nằm lịm đi. Lúc sau, mình lay vợ. «Này, này, nhà nó... ». Một lần, hai lần, cù nó nó cũng ì ra. Vùng dậy nhìn, giời ơi, mắt nó trợn ngược lên... Giời ơi là giời!

MỢ (tay vuốt tóc anh chồng): Chuyện không nghĩ trước thì cũng phải nghĩ sau. Bây giờ việc cần làm ngay là khai tử thế nào. Khai sự thật à?  Chỉ cần một đứa nào nó đâm bị thóc chọc bị gạo thì ai tin là ngộ sát. Mà đã không ngộ sát thì hóa ra cố sát. Công an làm biên bản, lên cơ quan chú, về dưới quê, thế là rách việc... Ông bên hộ kia cũng bảo vậy. Tốt hơn cả là ta cứ lờ đi, hàng xóm láng giềng đồng lòng hợp tâm với nhau, làm chứng cho là cô ấy trúng gió độc. Chú thì cứ ở lại đây với chị, ( tay mợ vuốt đùi anh chồng ) bình tĩnh cho qua cơn sóng gió...

ANH CHỒNG (vùng đứng dậy, vừa chạy ra vừa kêu): Giời ơi! Qua cơn sóng gió, qua cơn sóng gió...

MỢ (ngạc nhiên, nhìn theo): Ðàn ông mới đàn ang, phát rồ à? (chép miệng).

Chuyển cảnh

Hộ giữa. Bà bế đứa bé. Ông ngồi cạnh bàn. Trên chiếu, vải trắng phủ thi thể của chị vợ. Anh chồng ngồi mép giường. Mợ đứng cửa. Tiếng trẻ khóc ti tỉ mơ hồ.

MỢ: Lấy tư cách người trách nhiệm tổ dân phố, cháu trình bày với ông, bà và chú đây những khúc mắc của tình hình mới rồi. Chỉ mai, trên phường họ xuống làm biên bản, chúng ta phải nhất trí chứ nếu không, rách việc (tay chỉ thi thể chị vợ), lại khổ thêm cho chú ấy... Tội nghiệp!

ÔNG (chép miệng): Vâng, tội nghiệp!

Bà thở dài, mặt cúi gầm, miệng mím chặt, tay đung dưa ru đứa bé.

Ðộc thoại (bà) : 

- Nhưng tội nghiệp nhất, có phải là cháu anh không anh Tình?  Nó chết, có còn biết gì nữa đâu.  Nó chết trong vòng tay chồng nó chứ còn em đây, em đã sống năm mươi năm nay ngoài vòng tay anh. Sống như thế với bao nhiêu là cực nhọc: tản cư, rồi về Thủ Ðô, hòa bình lập lại, nửa làng di cư vào Nam...  Rồi chiến tranh chống Mỹ, đánh bom Hà Nội. Xong là vượt biên,  đổi mới, bung ra...  Sống bằng ấy cái bèo bọt mà có đâu được một lời anh an ủi, chẳng nói gì đến cái vòng tay chỉ ôm được độc cái nỗi trống không của cuộc đời cả hai đứa chúng ta...  Sống như thế, có hơn gì cái chết, hả anh Tình ơi?

Tiếng khóc đứa bé. Bà lại nhìn nó, đung đưa, miệng cười nhưng nước mắt lã chã rơi xuống. Bà khụt khịt.

MỢ (dịu giọng): Cháu đề nghị là ta cùng khai là cô ấy (nhìn xuống mảnh vải phủ thi thể chị vợ) ốm sẵn, lại trúng gió độc, chết bất đắc kỳ tử. Nhân tiện, «hợp đồng» hôm qua cháu xé rồi.  Việc của ông bà nay dễ giải quyết hơn. Cái nhà dưới Láng, phần của ông bà, nhưng ông bà phải nhượng cho cháu lại căn hộ bên cạnh. Phần cháu, cháu sẽ chạy trên công an đưa thằng cháu đích tôn của ông bà về đây, rồi khai là nó đi vào chơi Sài Gòn. Dĩ nhiên, chuyện gì cũng tiền trao, cháo múc.  (nhìn anh chồng ) Ðấy, nếu không giải quyết toàn bộ như vậy thì... tôi mặc.  Công an họ xuống, muốn khai gì thì khai. Tôi bình chân như vại, cứ làm cái nhiệm vụ quản lý  tổ dân phố. Lúc ấy, muốn cứu ai cũng chẳng còn làm gì được nữa...

Anh chồng ôm đầu, khóc rưng rức.

MỢ (giọng kẻ cả): Tiền ma chay, tôi cho chú mượn. Ít nữa ông bà dọn đi, nhà rộng nên chú cứ ở lại, tôi chu toàn cho.

Bà vội đặt đứa bé xuống chiếu, tay ôm lấy ngực ho, rồi oặn người ngồi xổm, nôn ra.

Ông quơ tay với phích rót chén nước, tay đưa

ÔNG: Bà uống, uống đi. Làm sao vậy?

Bà nôn ọe.  Tay bà chìa ra cầm chén nước, mắt nhìn lên.  Bà bỗng đứng dậy, rú lên, hoảng hốt

BÀ: Ối giời đất ơi! Sao thế này. Tay ông nó đang mọc lông... Nhìn này, nó đâm ra, đen nhánh, chĩa ra như lông nhím...

ÔNG: Bà điên à?

Mợ bước lại, cầm tay ông nhìn

MỢ: Có gì đâu bà. Mắt bà hoa rồi!

BÀ: Không, đấy. Cả mợ nữa, lông nó đâm ra trên mặt như lông hổ… Ối giời ơi!

Bà chạy vào một góc, nhớn nhác

ANH CHỒNG: (đứng lên, nhìn hoảng hốt ): Ðâu, có gì đâu? Lông lá chỗ nào?

(rú): Cả anh nữa, nhìn cái tay anh kia kìa. Ở cổ nữa, nó đâm ra như lông đười ươi. Nó dài ra...   (bà như mất hồn, nói như trong một cơn ác mộng, giọng kinh hoàng) Cớ sao con người lại mọc lông mọc lá ra thế này? Giời Phật ơi! con người lại có thể quay ngược về thời ăn lông ở lỗ sao? Ô, cái lòng tham, (nhìn mợ rồi xoè tay che mặt)… tham vàng, tham dục, nó sai khiến đến độ mờ mắt mù quáng đâm đầu vào thế giới còn man dại hơn cả hổ beo. Hổ beo nào có ăn thịt hổ beo. Còn sự hèn hạ vì sợ vì hãi (quay nhìn ông và anh chồng, bà trừng mắt, đay nghiến), nó đẩy đám đàn ông này quị chân xuống, hệt một lũ đười ươi trong đám xiếc, phục tùng để có được miếng ăn và tránh được ngọn roi của bọn dậy thú vật làm trò… ( Bà bỗng mơ màng, giọng nhẹ xuống, tha thiết) Anh Tình ơi! Anh có linh thiêng anh hãy hát lên đi! Chẳng phải cho mình em mà cho cả cái thế giới này đang cần tiếng hát. Phải mất bao nhiêu thời gian để tiếng gầm thét của hổ beo, tiếng khụt khịt của đười ươi mới thành ra tiếng hát Quan họ? Có lẽ nào chỉ cần một thoáng mà từ tiếng Quan họ loài người quay trở về khụt khịt gầm thét lên ngôn ngữ dã thú?

Bà nhắm mắt, tai bỗng nghe thấy giọng hát của Tình, giọng da diết, hát lên: Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh. Quan họ đi khéo, kẻo ngã lấm mình ai thương…

Anh chồng, ông và mợ cùng xô đến, mặt mũi ngơ ngác, vây quanh bà. Bà mở mắt , ngước nhìn lên.

(thét giật giọng): Cứu tôi với, giời ơi, cứu tôi với!

Bà gục xuống, bất tỉnh. Tiếng khóc đứa bé. Tiếng ho khù khụ bên cạnh. Ðèn tối dần. Tiếng hát của Tình lại vẳng lên, kéo dài, rồi  từ từ lịm xuống, tắt dần.

Ðêm về.  Trên trời, vẫn mảnh trăng lưỡi liềm ma quái tỏa sáng, hắt bóng những tàn lá sồi lung linh,  chập chờn, trên mặt sân, bờ tường. Ðèn tắt. Cả ba hộ chìm đắm trong bóng trăng. Tiếng ho khan. Tiếng côn trùng tấu lên bản dạ khúc muôn đời vẫn chỉ một tiết điệu nghe như than van kể lể.

Bóng đèn bỗng lóe lên trong hộ giữa. Anh chồng bước ra sân. Anh đi về phía cây sồi. Bỗng nhiên…

ANH CHỒNG (thét lên): Ối giời ơi!

Cứ thế anh thét lên như điên như cuồng. Tiếng thét làm ánh trăng lay động đến độ trăng lìa trời rơi xuống,  tựa một vì tinh tú hụt hẫng, rời quĩ đạo chao đảo trong hư không.

Ðèn hai hộ bên bật sáng trưng. Mợ tất tả chạy ra đứng cạnh anh chồng. Ông cũng đâm bổ ra sân. Tất cả bất động, mồm há hốc, nhìn lên.

Trên cành sồi mọc ngang mái, đầu một giải lụa điều buộc ngang lưng trang phục liền chị Quan Họ xưa, bà ngoẹo cổ, mắt nhắm nghiền, tay buông thõng, chân đưng đưa trong gió đêm thản nhiên thổi tới chốn nhân gian vốn vẫn nhiều nước mắt.

KẾT

Bóng tối vẫn mênh mang. Lại văng vẳng tiếng hát quan họ «Trèo lên quán dốc...» cứ nhỏ dần.  Sau tiếng thở dài, lời cây sồi  thắm thiết:

Lời cây sồi :

- Bên cạnh những cái chết, niềm an ủi của mọi cuộc tồn sinh là sự quên lãng. Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, cứ lan ra xa như vết nhăn trên mặt ao sau cái đuôi cá quẫy lên gợn nước của định mệnh. Nhìn kỹ gợn nước, tình cờ có. Không tình cờ cũng có.

Căn nhà trong ngõ phố Lò Sũ chẳng phải không có trí nhớ. Trí nhớ của gạch, của ngói, của cây sồi khác trí nhớ con người. Cách ứng xử cũng khác. Hai năm sau khi đã có liền hai cái chết, cái nọ cách cái kia đúng một ngày, mợ quyết định chặt tôi - cây sồi. Người chặt cây ra chặt vào chân tôi, máu đổ đầy mặt sân nay đã lát gạch hoa. Ðêm hôm đó, mợ la hét, cứ chợp mắt lại thức dậy, rồi lại la hét, mặt xanh lè vì sợ. Sáng hôm sau, mợ không cho chặt cây nữa. Từ đó, tôi yên thân, chỉ lo làm bóng rủ xuống những bàn cà phê nay chiếm cứ mặt sân.

Anh chồng ngày xưa nay đã bỏ việc ở xưởng cơ khí hai, đứng làm chủ quán cà phê có cái tên rất hay, quán Gió Bụi. Tên đó do mợ nghĩ ra. Mợ bảo nó vừa vàng như nhạc, vừa vàng như loại kim con người thèm thuồng, nhưng được cái là mang bộ dạng bất cần rất có tính nghệ sĩ. Quán khá đông. Cứ năm năm kể được là một thế hệ thì anh chồng đã qua được quá hai thế hệ rồi. Mọi sự có vẻ đổi cả. Bề ngoài rất dễ thay. Như cái quần, cái áo, mái tóc… hôm nay thế này chỉ mai là khác ngay nếu muốn. Nhạc cũng đổi. Dạo này, người ta nghe Michael Jackson hát và thì thào «muốn trắng thì khó gì, cứ tiền là mầu da cũng đổi được».

Khách, lại càng đổi. Ðây, xin quí vị nhìn xem cảnh trưa hè.

Màn kéo lên.

Dưới gốc cây sồi, một cặp nam nữ ngồi, quần áo màu mè, rất mốt chứ không như ngày xưa. Cô con gái môi thoa son hồng, giầy cao gót, quần jean ngồi sát vào cậu con trai tóc dài xõa xuống gáy.

Cô con gái (CCG) (ngồi ở gốc sồi ): Em cứ thấy lành lạnh sau lưng.

Cậu con trai (CCT): Em cứ hay là tưởng tượng! Mùa hè tối nóng thế này.

CCG (tay mân mê cái thìa): Này, Tình ơi, thế anh nghĩ thế nào. Em với John chưa ra đâu vào đâu, mặc dầu là nó đã nhờ ông anh em nói với ba me em muốn hỏi cưới đàng hoàng. Anh nghĩ thế nào...

Cậu con trai xoay tách cà phê, im lặng.

CCG: Nó có trang trại ở Tasmania bên Úc, nghe nói nuôi đàn ngựa cả trăm con... Dĩ nhiên, cứ mỗi năm nó hứa là để em về đây ăn tết. Này, Tình ơi, anh nghĩ thế nào...

Cậu con trai xoay tách cà phê, vẫn im lặng.

CCG: Nó bảo nếu em thích thành phố lớn thì lên ở Sydney, nhà nó to bằng nửa cái khách sạn Mêtrôpôn... Em muốn đẻ thì đẻ, không cũng không sao.  Mỗi năm đi Âu châu một lần, sang Luân Ðôn nó có ông chú, thoải mái. Này, Tình ơi,  anh nghĩ thế nào...

Cậu con trai xoay tách cà phê, nhìn lên.

Ðèn sân khấu tắt.

Lời cây sồi tiếp :

- Thưa quí vị, câu chuyện đến đây có hai hướng. Mỗi hướng dẫn đến một ngả tương lai, và tùy ý quí vị chọn lựa, thích hướng nào xin cứ vỗ tay. Chỉ lưu ý là quí vị có lỡ chọn lầm, quí vị vẫn có thể chọn lại được, và dĩ nhiên được miễn phí, bằng cách vỗ tay to hơn. Còn như cậu con trai và cô con gái thì khác, vì lầm lỡ nào cũng có cái giá phải trả...

- Ðây, hướng thứ nhất :

Ðèn sân khấu lại sáng lên. Vẫn dưới gốc cây sồi. Anh chồng chủ quán cà phê  bước ra hỏi, cậu con trai và cô con gái lắc đầu, không muốn uống gì thêm.

CCT: Còn em, em nghĩ thế nào?

CCG: Ðầu óc em lung tung lắm. Me em thì chịu quá. Me bảo em đi trước, rồi sau mang hai đứa em đi du học. Me em nói thế là cứu được cả gia đình...

CCT: Sao em lại nói với anh, quyết định gì là tùy em!

Nhạc đánh ầm lên, và tiếng hát của Michael Jackson cao lanh lảnh ma quái.

CCG (giọng có nước mắt): Thế thì hỏi anh để làm cái gì mà anh không biết ư?

Cậu con trai quay mặt đi. Cô con gái một mình đứng dậy bước ra. Nhạc to lên, lời Michael Jackson hát át lời kể chuyện.

- Và đây là hướng thứ hai :

CCT: Còn em, em nghĩ thế nào?

CCG: Ðầu óc em lung tung lắm. Me em thì chịu quá. Me bảo em đi trước, rồi sau mang hai đứa em đi du học. Me em nói thế là cứu được cả gia đình...

CCT: Sao em lại nói với anh, quyết định gì là tùy em... 

Cậu con trai bỗng ngưng nói. Trầm ngâm một lúc, cậu ngước lên, cương quyết nhưng dịu dàng, tiếp:

CCT: Không! Anh thì em biết rồi, tương lai của anh (xòe tay ra)  ở trong này, chẳng cứ phải là thiên đường. Nhưng anh chỉ hứa rằng nếu ta phải trải qua cảnh địa ngục, cũng không bao giờ anh để em một mình.

CCG (cắn răng, ứa nước mắt, miệng cười): Này, Tình ơi, thật thế phải không anh?

Tiếng hát quan họ vẳng lên, lớn dần. Hát rằng:

«... Trèo lên quán dốc

Ngồi gốc ( ới a )cây đa

Rằng tôi lý ( ới a ) cây đa

Rằng tôi lý ( ới a ) cây đa

Ai đem ơi à tính tang, tình rằng

Cho đôi mình gặp

Xem hội cái đêm trăng rằm

Rằng tôi lý ( ôi à ) tháng giêng

(Rằng tôi lý ( ôi à ) tháng giêng)...»

Cậu con trai dắt tay cô con gái. Hai người dựa vào nhau cùng  đi ra. Tiếng hát nhỏ dần, nhưng văng vẳng, và cứ thế cho đền lúc đèn tắt đi mơ màng.

MÀN HẠ