Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Chân dung tự vẽ

Truyện ngắn Nguyễn Lệ Uyên

Phu_ ba_n 4

Tranh của Đặng Xuân Hòa

Ba Xanh đấm tay xuống bàn đánh rầm, trợn mắt:

-Nói rồi, nhứt định tao không gả mày về nhà đó.

Cô Mai tựa bậu cửa, khóc thút thít, không có phản ứng nào rõ rệt. Ba Xanh liếc nhìn cô con gái, vờ đưa tay lên quai ấm như thể chuẩn bị rót nước ra chén, hoặc sắp lia chiếc ấm trà về phía cô con gái cứng đầu, lú lẫn trong thứ tình yêu không do ông lựa chọn.

-Mày có biết nhà đó thế nào không? Thằng cha nó, Tư Nghĩa ấy, vốn là tay đãng tử, giang hồ tứ chiến. Ỷ có vài ba chữ Tây trong đầu không coi ai ra cái giống gì. Thằng chả đi “du học” tận Sài Gòn, nhưng té ra là học nghề hớt tóc với lại nhảy đầm và làm tay sai cho địch. Về xứ mở cái mỹ viện gì đó lép nhép như đít vịt, chuyên rờ mông, rờ ngực mấy con me Mỹ và gái bán Bar, kỳ thực đấy là ổ gián điệp, cung cấp tin tức để triệt hạ các cơ sở của ta. Lại còn con mụ vợ của nó nữa, con mẹ thằng Hậu, cậy có chút nhan sắc, nhỏng nhảnh coi đám thanh niên làng lép nhẹp dưới đôi guốc sơn của con mẻ.

Nói một thôi dài, Ba Xanh có vẻ như khô cổ thực sự, lật bật nghiêng miệng vòi rót nước. Nước chảy lóc róc, âm thanh nghe như mấy cục sạn tự khua trong chiếc lon sắt. Ông ngửa cổ uống một hơi hết sạch, đặt chén xuống bàn. Khu chén chạm vào mặt gỗ nghe cộc một tiếng đanh khô. Ông ngó mặt con, nạt:

-Khóc gì mà khóc. Chấm dứt! Không yêu thương gì cái đồ bá xàm bá láp, cái giống mèo mả gà đồng đó. Nó cũng khuôn đúc như thằng cha và con gái mẹ nó thôi, cộng với cái lý lịch đen thui! Làm ăn gì? Khổ. Khổ cả đời con ạ.

Cô Mai ôm mặt khóc hu hu chạy vụt ra sân, băng qua vườn cây, ra ngồi tuốt ngoài góc rào kín bưng những lùm bông bụt. Cô vò nát chéo áo, đưa lên miệng cắn như thể cái chéo áo kia là kẻ thù ngăn cách mối tình của cô với Hậu.

Chỉ còn một mình ông ngồi lại trên chiếc đẩu láng bóng mồ hôi, trên vách cao là hình lãnh tụ bị nước dột từ mái làm nhòe lệch nửa miệng và phía mắt trái gần như bị chọt thủng có chút xíu nước mắt vướng bên khóe, nghiêm nghị nhìn xuống. Không còn ai để trút cơn giận khiến ông ấm ức như người không hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó.

Ba Xanh nhớ lại thời trai trẻ, thời mà ông và Tư Nghĩa học cùng một lớp. Hết bậc tiểu học, thằng Nghĩa và con Mai thi đậu vào trường công, còn ông thì lủi thủi ra trường tư. Tư hay công thì chẳng tội nợ gì, cũng không có gì đáng nói. Điều khiến ông phát cuồng là ngày ngày, hai đứa đạp xe đạp sóng đôi tới trường, nói cười coi bộ tâm đắc. Thằng Nghĩa được tiếp cận làn da trắng bông bưởi, cặp mắt biếc và hai lúm đồng tiền, làm ông đau nhói lên những ghen tị lúc mỗi dày thêm như những đám mây mùa đông sà xuống thấp. Không chịu nổi, ông luôn tìm cớ gây sự với thằng Nghĩa. Có lần ông chặn xe nó ngay đầu con mương nước dẫn ra đường lớn; định tát mấy cái vào mặt cho hả giận, nhưng vô phúc nó biết chút võ, mới chỉ định xô Nghĩa té xuống đất rồi đè lên, thụi vào mặt mũi, bẻ cốp tay chân thì nó đã né sang bên, quét ngang bàn chân nhẹ nhàng đủ làm ông té lăn cù xuống mương nước. Vậy là Ba Xanh này thua, ông thừa nhận. Nhưng thực tế ông vẫn có thể thắng keo khác. Đó là mới vào năm học Đệ Ngũ, ông kêu học không nổi nữa, “cha mẹ cưới vợ con làm ăn!”. Hương Bổn trợn tròn mắt, ngạc nhiên: “Mới chừng ấy tuổi mà vợ con. Mày định lấy ai?”. Ba Xanh gãi đầu, ấp úng: “Con cũng mười bảy, mười tám rồi”. “Ai không biết mày mười bảy, mười tám? Như nhà nẫu thì đã thi đít lôm, ra làm sở Công chánh, Lục lộ hay chí ít cũng ông giáo, làng xóm kêu thầy Ba, giáo Ba có sướng đời không? Mà mày định lấy ai?”. “Dạ, con Mai con bà Tư Bủng bán bánh bèo chỗ chòi mòng dưới gốc da đầu làng đó”. Hương Bổn giật nẩy lên như có ai dí sợi dây điện vào mông đít, thầm trách “Mụ nội nó, quả báo nhãn tiền rồi. Mình đi lại với con mẻ từ hồi chồng chết trên đường đi dân công. Giờ sui gia, coi sao được?”. Ông thở dài đánh sượt như cây gai găm vào lốp xe, hơi xì ra. Suy nghĩ một hồi, ông lên tiếng, giọng rít lên: “Không được!”. “Sao không được?” Ba Xanh hỏi lại. “Tao nói không được là không được”. “Nhưng phải có nguyên do chớ cha?”. Ông trợn mắt: “Thằng hỗn, dám cãi cha mẹ. Mày muốn nghe chớ gì? Được. Con mụ Tư Bủng đó nhăng nhít đi lại với nhiều người, cả làng này ai không biết? Bản thân mụ như những chiếc bánh bèo, ai muốn nhai, muốn cắn, sờ mó chi cũng được ráo. Con gái mụ cũng giống cái nòi đó thôi, đồ trắc nết. Dẹp đi. Chớ nghĩ ngợi lung tung. Ráng học, kiếm cho được cái bằng đít lôm rồi tao lo cho”. Nói và ông phủi đít đứng dậy, ra đầu chái vác cuốc đi thẳng ra đồng, bên hông lủng lẳng bọc thuốc rê gói trong mo cau, có sợi dây gai nối hai đầu.

Ba Xanh coi như thua thêm một keo nữa, ngày ngày cút kít trên chiếc xe đạp lên tỉnh học với nỗi buồn chất chứa, đau nhức tựa mụt nhọt đang mưng mủ. Ba Xanh suy tính làm sao để giành bằng được con Mai từ tay thằng Nghĩa: Đi lính để vác súng về bắn nó? Không dễ. Mang vòng vàng ra òn ĩ bà Tư cho con Mai theo mình vô Sài Gòn làm ăn? Cũng không xong. Mà vàng thì cha mẹ ông chôn cất chỗ nào, nào ai biết? Những ý nghĩ ấy cứ lởn vởn đến nỗi đầu Ba Xanh muốn nổ tung ra, chẳng thiết tha tới lớp. Cứ sáng đi chiều về, tập vở cuốn tròn nhét túi sau không thêm chữ nào và chiếc xe đạp đã mòn thêm vài dem, sợi xích khô dầu rên cót két mà cha mẹ ông đâu có hay?

Không ai hay biết chuyện Ba Xanh bỏ học, cũng không ai hay biết ông biệt tích chốn nào, không chút tin tức.

***

Sau ngày 30.4, me Mỹ, gái bán bar tự động biến mất như cột khói bay vào thinh không. Dân thường cũng không đủ can đảm bước vô thẩm mỹ viện Ngọc Mai. Cuộc sống bị đảo lộn. Tất cả đều tung hê lên, lộn tùng phèo, giữ được cái mạng sống là phước ba đời, nói chi chuyện làm đẹp? Cái thẩm mỹ viện lừng danh một thời nay bỗng thành ngôi miếu hoang phụng thờ nhan sắc. Chủ nhân của nó bị ghép tội dùng cơ sở làm ăn này để cung cấp thông tin cho địch. Vậy là a lê hấp, nhà cửa bị tịch thu vì tội làm tay sai cho địch. Tư Nghĩa xách túi đi cải tạo, cô Mai ngậm ngùi dắt con về nhà ngoại.

Về nông thôn, tưởng đâu có thể tạm rau cà với mẹ, yên ổn qua ngày. Khổ nỗi, cô có học, có chút nhan sắc, nên trên cho người xuống vận động cô tham gia vào hội phụ nữ xã. Anh cán bộ trẻ nhìn xoắn vào người cô như muốn lột truồng ra, vừa nói: “Đất nước ta đã sạch bóng quân thù. Nhiệm vụ của chúng ta là góp công sức vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí không thể đứng ngoài, phải xốc tới, phải nhào vô để làm cho nước ta giàu hơn thằng Mỹ, mạnh hơn thằng Mỹ...”. Cô nghe một bên tai, ừ hữ tưởng cho qua chuyện, không ngờ mấy ngày sau ông giao liên già, khật khưỡng bước vô sân. Con chó thấy kẻ lạ chồm lên sủa, gầm gừ xua đuổi. Ông giao liên sẵn chiếc loa cuốn bằng tấm tôn xáng vào đầu con chó. Nó quay tít một vòng vãi ra cứt đái trên khoảng sân gạch. Cái màu lem nhem, khẳm khẳm đó giống màu nước sơn lâu ngày bị anh họa sĩ không nảy ra đề tài mới, tức mình nhúng cọ rãy bừa xuống sàn nhà. “Mẹ cứt! Đón tiếp đồng chí đồng bào kiểu gì như kẻ thù!”. Ông kẹp ống loa vào nách, thò tay vào túi áo lôi tờ giấy bèo nhèo ra kêu lớn: “Cô Mai ơi, cô Mai! Có giấy triệu tập”. Bà Tư lạch bạch từ nhà bếp ló ra: “Ai đó? Có chuyện chi vậy?”. “Chào đồng chí chị Tư, cô Mai có giấy trên gửi”. Nói và ông nhét tấm giấy vào tay bà Tư nheo mắt cười cười, quay lui, bước thẳng ra ngõ. Ống loa tôn kẹp nách quất qua lại theo nhịp bước của ông già đã ba đời làm chức mõ làng!

Tan buổi chợ, Mai quảy gánh về đã thấy mẹ ngồi trước hiên nhà, xoay ngang xoay dọc tờ giấy trong tay. Cô đặt đôi quang gánh xuống đất, chạy lại hỏi: “Giấy gì thế, mẹ?”. “Tao chẳng biết, Bảy Lợm vừa đưa lúc nãy”. Mai cầm tờ giấy trên tay mẹ, vuốt thẳng, lẩm nhẩn đọc rồi nhét vào túi áo bà ba. Bà Tư chồm tới: “Có chuyện chẳng lành?”. Mai lắc đầu: “Lành dữ chưa rõ, những chắc là mệt, phiền”. “Chuyện gì thì nói phức ra. Lại bắt đi cải tạo như chồng mày chứ gì?”. “Không”. “Chuyện gì?”. “Trên cử con vào Hội Phụ nữ lâm thời xã”. “Dà...àoo”, bà Tư thở hắt ra quày quã bỏ ra nhà sau.

Hai lệnh, rồi ba lệnh triệu tập nhưng Mai chùng chình, không muốn tham gia. Nội chuyện lo cho ba miệng ăn trong thời buổi khốn khó này còn chưa xong, chuyện phải tích góp chút đỉnh để thăm nuôi chồng định kỳ đến tối tăm mặt mũi, còn ham hố chi hội với hè. Nghĩ vậy và buồn, Mai nằm khoèo ở nhà, không nhón chân thay mẹ gánh cà, mướp ra chợ như những ngày trước...

Đêm xuống nhập nhoạng. Tiếng chó sủa ngoài ngõ. Ba bóng đen lù lù bước vô sân. Chó sủa rộ. Mai vặn cao bấc đèn, bưng đưa ngang mặt. “Chào đồng chí phụ nữ”, tiếng nói vang ngoài sân khàn đục, cố rướn lên như để chứng tỏ sức mạnh quyền uy một cách lạnh lẽo.

Cả ba bước lên thềm. Mai mời họ ngồi và vặn ngọn vừa đủ sáng để muội khói không tỏa ra mùi hôi nồng nặc. Lúc ngẩng mặt lên, Mai suýt kêu thành tiếng, không rõ cảm giác mừng vui hay sợ hãi. Người đàn ông ngồi trước mặt rõ ràng là Xanh. Ba Xanh, bạn học một thời. Anh ta biến mất hồi đầu năm học Đệ Ngũ nay bỗng lù lù ngồi trước mặt, ngay trong nhà mình, mặc bộ Tôn Trung Sơn màu cứt ngựa, nón cối kéo sụp, chiếc sắc cốt lòng thòng bên hông, ngang thắt lưng nổi cộm lên vật cứng mà cô đoán là cây súng ngắn. Anh ta đến nhà trong tư thế này, hẳn không thể là sự biểu lộ tình bạn, mà chính xác là một cán bộ cách mạng đến hỏi tội trì trễ của mình đây. Mai rót nước ra ly, mời họ và kéo ghế, khẽ khàng ngồi xuống, chờ đợi. Người đàn ông mà Mai nhận ra là Xanh ngó nghiêng khắp lượt, mới chịu hắng giọng: “Mạnh giỏi cô Mai, còn nhớ tôi không?”. “Dạ cũng thường. Lâu quá mới gặp lại anh, không ngờ... ”. “Nghe nói anh nhà đang cải tạo?”. “Dạ”. Ba Xanh ngó chăm chăm vào bộ ngực phập phồng của Mai dưới làn vải phin trắng, hạ thấp giọng: “Cải tạo là tốt. Có vậy thì mới thấy hết tội lỗi của mình. Được cách mạng giáo dục thì mau tiến bộ, rồi đứng về phía nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng chỉ chừng ấy thôi vẫn chưa đủ. Cả người thân cũng phải tích cực tham gia thì anh nhà mới mau trở về, trở về như một chiến sĩ cách mạng chân chính”. Mai dạ một tiếng nhỏ, không chắc lọt vào tai Ba Xanh. Nhưng có lọt hay không, không thành vấn đề. Vẫn giọng đều đều ấy, Ba Xanh nói như rù rì, rủ rỉ như chỉ có hai người với nhau: “Cô Mai à, tôi rất cảm thông hoàn cảnh của mẹ con cô. Tôi chỉ muốn giúp vợ chồng cô sớm đoàn tụ. Anh nhà có được về sớm hay không là tùy thuộc vào cô. Rồi lý lịch con cô nữa, tội nghiệp nó”. Mai nhỏ nhẹ: “Dạ, về sớm hay muộn là do ảnh có giác ngộ, học tập lao động tốt hay không chứ sao lại tôi?”. “Cô không biết đấy thôi, mọi sự vật đều có liên quan một cách hữu cơ, biện chứng. Cái này tác động vào cái kia, đẩy cái kia theo vòng trôn ốc tiến lên, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội!”. “Dạ, cái trôn ốc tiến lên, phận tôi đàn bà không hiểu thấu, nhưng chắc chắn được cách mạng giáo dục, thế nào anh Nghĩa cũng tiến lên cái chủ nghĩa gì đó như anh vừa nói thôi, tôi tin vậy”. “ Đúng là cô không hiểu nổi – rồi ông khục khặc trong cổ như đang có cục đờm to tướng bám cứng lấy thanh quản – nghĩa là cô phải hồ hởi, phấn khởi tham gia công tác đoàn thể để thay chồng lập công chuộc tội!”. “Tôi làm được gì trong những hội đoàn đó?” – Mai dè dặt. “Cô không phải lo lắng. Đảng sẽ mở các lớp tập huấn chính trị, cô theo học, nắm rõ mục đích, ý nghĩa, nâng cao lập trường quan điểm thì đá tảng cũng biến thành ruộng cày mà”. Ba Xanh nói chừng đó, háy mắt với hai du kích vai đeo súng rồi đứng dậy. Trước khi bước xuống bậc cấp, Ba Xanh còn với một câu: “Tất cả đều phụ thuộc vào một mình cô đó”. Mai lịch sự đứng dậy tiễn họ ra sân. Ba Xanh cố ý đi chậm. Khi hai du kích ra tới truông tối, Ba Xanh thấp giọng: “Chẳng gì tụi mình cũng một thời bên nhau lúc còn nhỏ. Có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Tỉ dụ hồi đi cổ động hũ gạo nuôi quân, tụi mình mặc độc có mỗi chiếc quần, lẫm chẫm chạy theo đoàn. Tôi nhớ Mai đưa củ khoai lang lùi tro, vừa cho vào miệng nhai, vừa há miệng hô theo khiến sặc muốn chết”. Mai không nhớ chuyện củ khoai lang lùi, người bạn cũ vừa nhắc. Nhưng cô nhớ mùa đóng nước tu bổ nông giang, cả đám xách gàu đi tát cá, bùn đất lấm lem như trâu ngoi. Cô buột miệng: “Hồi đó cũng vui, nhiều chuyện buồn cười quá”. Ba Xanh phụ họa: “Vui, vui đậm. Giá mình còn giữ được mãi mãi... bên nhau. Thôi cô cố gắng lên”. Ba Xanh nói giọng phấn khích rồi bước nhanh theo hai người du kích.

***

Họp hành, hội nghị liên tịch, học tập nghị quyết... liên miên từ ngày này sang ngày khác khiến Mai không còn đủ thời gian giúp mẹ chăm sóc mảnh vườn. Những cây cà, dây bí xơ xác, vàng chân như người bị bệnh phù thũng. Đầu óc Mai căng cứng, mệt phờ phạc, nhưng cũng cố tranh thủ ra giếng kéo cần vọt xách từng gàu nước đổ vào các hốc cây như bón nước sâm cho người ốm. Xong việc, lua vội chén cơm nguội ngắt rồi lăn ra ngủ, không còn sức để mắt tới chuyện học hành của Hậu.

Bà Tư ái ngại nhìn dáng người hốc hác của con gái, thốt lên: “Hay con xin nghỉ quách cho khỏe, tội nợ gì. Không chó thì mèo, không mèo thì chó, mất ai”. Mai ngước nhìn mẹ, lòng xốn xang: “Đâu được mẹ. Như vậy tổ chức kêu là đầu hàng, là phá hoại, là chạy theo địch... khổ lắm mẹ ơi”. “Xì, làm như mày cầm súng bắn lại người ta không bằng”. “Chuyện đó cũng y như bắn vậy”. Bà Tư bĩu môi: “Tổ chức cái con mẹ gì lạ kỳ vậy, có tổ...”, bà kịp dừng lại.

Mai chán ngán, loay hoay tìm lối ra. Nhưng càng vùng vẫy thì càng bị thít chặt hơn. Tối nay lại có cuộc họp liên tịch gì nữa đây. Họp mãi, làm mãi nhưng nào có thấy “mỗi người dân trong bữa ăn có ly bia, có thịt... mỗi nhà có ti vi tủ lạnh” như từng học tập nghị quyết đâu? Chỉ thấy trong nồi cơm, càng ngày sắn mì chiếm hơn chín phần. Mấy hột gạo khép nép như những cánh hoa héo núp dưới tán lá rậm rịt! Hết khoai lang hầm tới bo bo cứng như nhai sỏi. Đã có một vài cán bộ rụt rè đề đạt ý kiến thắc mắc của dân thì được trên giải thích: “Làm cách mạng phải biết hy sinh. Đó là con đường ngắn nhất để tiến lên chủ nghĩa xã hội vững chắc”. Ngồi bên dưới, Mai cảm thấy chột dạ.

Mai tới sớm. Ngang qua hội trường trống trơn, cô quay lại vừa đụng mặt Ba Xanh. Ông cười hề hề đưa bàn tay thô nhám ra nắm lấy tay Mai lắc lắc và giữ lại thật lâu. Mai rùng mình. “Cách mạng nhìn người không lầm. Cô đúng là phần tử nhiệt tình, tiến bộ thấy rõ”. Mai chưa kịp định thần xem coi mình tiến bộ chỗ nào thì Ba Xanh hớn hở nói: “Vô đây, vô đây uống miếng nước cái đã”, và không đợi Mai có ưng hay không, lôi tuột cô vào phòng: “Ngồi xuống, cô ngồi xuống đây”, nói và ông tự kéo ghế ra như một người lịch lãm. “Anh nhà yên ổn cả chứ?”. Mai lúng túng: “Dạ, cảm ơn, cũng thường”. “Ảnh sẽ về thôi, không lâu nữa đâu”. Ba Xanh hạ thấp giọng. “Dạ”. Mai trả lời và cảm thấy có điều bất thường sắp xảy ra. Người cô nhột nhạt, cứng đờ. Im lặng một lúc khá lâu ba Xanh mới lên tiếng, lần này thì ngập ngừng, ấp úng: “Tôi... Cô có biết... Tôi thương cô chừng nào không? Vậy mà cô nỡ lòng...”. Ba Xanh nói nhiều, rất nhiều nhưng Mai không nghe được gì. Tai cô ù lên, mắt hoa. Trước mặt là một khoảng không trắng lốp rồi biến thành màng đen dập dềnh. Đầu óc ong ong quay cuồng. Cô nhắm mắt lại, hít thở thật sâu cũng vừa đúng lúc Ba Xanh đứng lên, ôm choàng lấy Mai. “Cô đừng hy vọng thằng Nghĩa trở về. Tội gián điệp của nó chỉ tù rục xương. Cô hãy lấy tôi. Tôi yêu cô như cuồng như dại từ khi còn đi học. Tôi bỏ đi cũng chỉ vì cô. Tôi đặt tên con là Mai chỉ vì tôi không thể nào quên cô. Em là cả cuộc đời của tôi. Xin em đừng phụ tôi”. Liền theo đó là những cọng râu đâm xuống má như cả một dề gai bàn chải ấn mạnh vào. Mai có cảm giác như ngực mình cũng đang nhàu nát tựa trái cam bị bóp dập nhễu nước. Cô vùng dậy với tất cả sức mạnh còn lại, phóng ra khỏi phòng, chỉ kịp nghe tiếng ghế đẩu ngã lăn, kêu khô khốc dưới sàn. Đầu tóc xổ tung, cúc áo bung ra trông như một con mụ điên.

Ra tới đầu hồi hội trường, Mai ngồi bệt xuống đất, gục đầu lên hai cánh tay vòng qua hai đầu gối. Nước mắt chảy ròng ròng như thể trinh tiết của cô bị xé toạc, máu me chảy dầm dề giữa hai đùi.

Một vài cán bộ đi về phía hội trường. Chiếc đèn bão treo lủng lẳng trên cây xà không đủ sáng để nhận rõ mặt người. Ngoài xa Bảy Lợm xách chiếc măng xông đung đưa qua lại, vừa rên ư ử câu bài chòi nghe như người nuốt củ khoai lang bị nghẹn. Mai chùi mắt, vấn lại tóc, cài khuy rồi đứng lên. Lúc Bảy Lợm trông thấy Mai từ xa, ông đổi sang giọng xuân nữ: “Ối em ơi, sao em nỡ phụ tình phụ nghĩa, sao em ham tiền ham bạc, đi lấy người ta mà bỏ anh rày... ày...ày...”. Bảy Lợm dừng lại trước mặt Mai: “Uở, đồng chí phụ nữ tích cực đi sớm quá hén?”. Mai không trả lời, bước vào ngồi sau băng ghế cuối cùng.

Cuộc họp toàn cán bộ, đoàn thể xã, có đại diện lãnh đạo huyện tỉnh về dự, mục đích là phổ biến chủ trương vận động nhân dân đóng góp tư liệu sản xuất, tình nguyện vào hợp tác xã. Buổi họp kéo dài tới khuya. Đầu óc Mai đông cứng, không nghe, nhớ được điều gì...

***

Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được phát động rầm rộ. Trước hết các trường học tập trung tất cả học sinh đi cổ động. Chiếc trống trường như bụng con voi được hai em nhỏ khiêng đi sau lá cờ đỏ, ráng sức nện tùng tùng. Hai hàng học sinh nối tiếp nhau rồng rắn, trên tay cầm lá cờ tự chế, gắn vào que tre bay lơ phơ vì mảnh giấy quá nhỏ và thiếu gió, hoặc cầm lâu quá, mỏi. Bụi tung mù mịt.

Ngồi trong nhà, bà Tư Bủng nhìn ra chỉ thấy màn bụi dày ôm choàng lấy các em học sinh lếch thếch tách ra từng đoạn, vì đường xa, nắng nóng và nước miếng dẻo quạnh trong cổ họng. Bà chỉ nghe những âm thanh lục sục, rệu rạo từ những chiếc miệng há to như miệng con chim con đói mồi: tiến lên... tiến lên... tiến lên...phấn khởi...phấn khởi... phấn khởi... vững chắc... vững chắc... vững chắc... Những âm thanh dập dềnh trôi nổi bị sức nóng và sự mỏi mệt chặn lại có lúc bà nghe như tiếng gào của bầy người hợp sức than khóc ai đó vừa chết một cách tức tưởi. Bà bỗng nhớ lại những năm Việt Minh nổi lên cướp chính quyền, lập tức các đoàn thể tổ chức đi cổ động chào mừng cách mạng thành công. Cờ xí rợp trời. Hoan hô đả đảo khản cả cổ. Vui. Vui như ngày tết, bởi thực dân, tay sai lăn quay ra rồi. Vui là phải, đèn đuốc sáng trưng, hò hét thâu đêm. Không ngờ những cây đuốc hừng hực khí thế kia lại mang đến tai họa cho cả làng: Máy bay địch phát hiện, ném xuống hàng loạt bom xăng. Đám người bỏ chạy nháo nhào. Nhiều phụ nữ ngã lăn quay kêu la thất thần. Bà Tư Bủng cũng ngã, nhưng cú ngã không bình thường. Bà ngã nhào xuống như nhiều người đã ngã. Bà vừa bò, nước đái, cứt tự động chui ra lầy nhầy, sền sệt trong đũng quần. Nhưng bà chỉ có cảm giác mát đít chứ không ngửi thấy mùi thúi thông thường. Nhớ lại, mắc cỡ lạ lùng, như thể bà đang vãi ra ngay lúc này.

Đoàn học sinh cổ động qua đi, để lại một màn bụi dày đặc, lửng lơ trên những tàu lá chuối trong vườn.

Sau đợt cổ động, Mai tham gia vào đoàn công tác, vận động bà con nông dân tình nguyện làm đơn vào hợp tác. Dựa vào tài liệu trên đưa xuống, Mai cố gắng giải thích. Nông dân nghe xong nhăn mặt càu nhàu, đốp chát lại cô cán bộ chỉ còn da bọc xương, mắt sâu hoắm. Nhiều câu hỏi họ đặt ra Mai không thể nào giải đáp nổi, mà nếu có trình lại trên, chắc trên cũng không tìm ra lời giải xuôi tai. Địa bàn cô phụ trách chỉ có 98 hộ dân, nhưng trầy trật mãi cũng mới được 13 hộ làm đơn tình nguyện, số còn lại hoặc ngó mặt nhau, hoặc chống đối ra mặt. Cô khổ tâm vô cùng. Đôi lúc Mai muốn bỏ trốn. Nhưng trốn đâu? Mẹ còn đó. Con còn đó. Anh Nghĩa còn đó. Thế nào họ sẽ không ghép tội? Nghĩ tới nghĩ lui không lối ra, Mai nhét tập tài liệu và đơn tình nguyện in sẵn, nhủ lòng: mặc kệ, tới đâu thì tới, rồi đạp xe lên Ban chỉ đạo.

Thoáng thấy Mai, Ba Xanh (nay kiêm nhiệm chức trưởng ban chỉ đạo) hớn hở chìa tay ra từ xa. Hai tay vẫn ôm khư khư cặp tài liệu, Mai nói ngay để ngăn chặn chuyện đẩy đưa của Xanh: “Báo cáo lãnh đạo, địa bàn tôi phụ trách không xong, dân thắc mắc này nọ, tôi không thể giải quyết nổi”. “Cô nói thế là thế nào? Cô phải đả thông tư tưởng, quán triệt nghị quyết trên đưa ra chớ?”. Mai rời một tay khỏi chiếc cặp da, vén lại cụm tóc lòa xòa trước mắt: “Tôi đã làm đúng các bước hội nghị đã đề ra, nhưng có lẽ, tôi không đủ sức làm việc này do năng lực kém, xin lãnh đạo bố trí người khác thay thế, chuyển tôi qua chỗ nào cũng được. Tôi sẽ hết lòng”. Ba Xanh hơi sững người một chút, vì kế hoạch sắp tới của ông sắp vỡ. Ông định bụng hôm nào thuận tiện sẽ xuống địa bàn Mai để kiểm tra đột xuất, rồi sau đó... thừa cơ ứng biến, nhắc lại chuyện ngày xưa. Giờ thì vỡ thật, hết hy vọng.

Không thấy Ba Xanh nói gì, Mai nhỏ nhẹ: “Báo cáo lãnh đạo, ngày mai tới kỳ thăm nuôi, tôi muốn xin phép lãnh đạo cho tôi vắng mặt 4 ngày cả đi và về. Mấy tháng nay công tác lu bu, đã trễ mấy chuyến rồi. Không biết tình trạng ảnh ra sao, xin lãnh đạo rộng lượng với người bạn cũ”. Nghe nhắc “bạn cũ”, máu bốc lên mặt, ùn ùn như khói nhà cháy, nhưng ông kịp ghìm xuống, nghĩ bụng vẫn còn cơ hội: “Cô khéo lo, ban quản giáo đã nghĩ đâu ra đó, có bỏ đói ai đâu?”. “Dạ, đành vậy, nhưng trên núi rừng, có thể ảnh bị bệnh này nọ...”. Ba Xanh cắt lời: “Cô nói sao, bộ chúng tôi ở trên rừng năm này qua tháng khác, trường kỳ kháng chiến đều lăn ra chết hết? Cách mạng vẫn giành thắng lợi đó thôi”.

Biết không thể đôi co lại Xanh, Mai cúi chào, nộp biên bản, báo cáo cho bộ phận tổng hợp. Ba Xanh nhìn theo vừa ngậm ngùi, vừa tức giận.

***

Sau chiến dịch vận động, Mai bị kiểm điểm phê bình gắt gao vì thiếu trách nhiệm, có tư tưởng lệch lạc, không nhiệt tình cách mạng... và ngồi nhà chờ lệnh mới. Mai đón nhận với vẻ mặt hớn hở. Hóa ra bị gán cho mấy cái tội kia trong công việc lại hóa hay, không mất lòng bà con chòm xóm, khỏi phải lặn lội con cà con kê với dân trong khi họ muốn đuổi xéo mình đi ngay lập tức. Mai có tham gia hay không thì cái hợp tác hóa kia không thể không thành hình và đi vào hoạt động một cách trơn tru như cỗ máy vừa lắp ráp, nhặt chỗ này con ốc, chỗ kia cây láp, chỗ nọ cái bu gi, pít tông... nối lại, châm dầu, giựt máy cho xịt khói và chạy...

Buổi ra quân đầu tiên, cờ xí đỏ trời. Trống thúc liên tu bất tận, inh ỏi từ làng trên xuống tận xóm dưới. Tổ cày thì tay cầm roi xua đàn bò tiến tới, vai vác những chiếc cày nặng trịch trên vai, hàng lối ngay ngắn, thẳng tiến ra cánh đồng cày mẫu. Tổ thủy nông, cuốc trên vai cũng hàng lối thẳng tắp tiến về phía các con mương tiêu. Tổ cụ lão ngồi quanh sân đình sửa lại bồ cào, tra cán cho những chiếc trang đất, đóng lại răng bừa... Khí thế hừng hực, sôi nổi bởi tổ nào cũng kèm theo anh hay chị cán bộ thông tin hết đọc các văn bản hợp tác hóa lại quay ra ca hát các bài quân hành qua ống loa cuốn lại bằng tôn. Hết hát lại sang đọc. Đọc như cuồng.

Sau ngày ra quân rầm rộ, tiếp đến là chuẩn bị xuống đồng. Lệnh truyền xuống: là các hộ chăn dắt trâu bò tập thể phải cho ăn uống đầy đủ để hoàn thành tiến độ cày bừa vượt mức kế hoạch, gieo sạ kịp thời vụ. Các tổ đều phải ra sức thi đua lập công. Nơi nào cũng một không khí rộn ràng.

Nhưng đúng một tuần trước khi xuống đồng, ban Chủ nhiệm hợp tác nhận hết hung tin này tới hung tin khác: Bò cày tự dưng chướng bụng lên ngã lăn quay. Hiện tượng gãy chân phổ biến hơn. Hơn hai trăm đôi trâu bò cày có đến một phần ba lâm vào tình trạng xấu. Ban chủ nhiệm và lãnh đạo xã họp ngày họp đêm, trong khi các hộ chăn dắt lo thanh toán những con bò què, sình bụng vì hết phương cứu chữa. Trong khi cán bộ họp bàn phương án đối phó, cả làng gát lại chuyện cày bừa hợp tác, hào hứng tham gia mổ xẻ, chia thịt. Khói bếp vươn cao, mùi thịt nướng, thịt xào... thơm lựng bay theo. Rượu đế tăng giá vùn vụt. Cả làng ăn uống vui say cả đêm lẫn ngày, cứ như ngày tết! Có rượu tất có hát hò. Đờn cò, đờn dây lôi ra đệm theo những câu hô bài chòi nhão giọng vì đầy men. Có anh cao hứng xắn tay áo diễn tuồng cổ, ca cải lương. Bảy Lợm vốn người ba lơn, ham vui, liệng ống loa ngoài góc rào sán lại đám đờn ca: “Để Bảy này diễn lại đoạn tuồng Mạnh Lệ Quân cho mấy người nghe”. Bảy Lợm xăng tay áo, guộn lưng quần, xuống tấn, ra điệu bộ lúc thua trận, cất giọng ồ ồ: “Ôi đại bại nhất thời đại bại. Ta bại lần này... ợ...ờ...ờ.. bày tiếp trận sau...ơ...ơ...”. Tiếng vỗ tay rào rào nổi lên, chỉ còn thiếu những chiếc thẻ ném ra và tiếng trống chầu nữa thì đã thành gánh hát bộ rong!

Tội nghiệp Bảy Lợm , học hành lèm nhèm vài ba chữ đủ đọc lá thư chứ đâu biết mình mắc tội. Mà tội gì mới được chứ? Rõ ràng câu ca tối hôm qua ông hát lên có sẵn trong tuồng tích chớ nào do ông tự bày ra. Vậy mà chú công an xã gầm ghè: “Nhất thời đại bại. Ai đại bại? Mà sao lại nhất thời? Kẻ nào bày cho ông đi tuyên truyền, phá hoại công cuộc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp?”. Bảy Lợm cãi lại: “Ai bày biểu. Chú về hỏi lại ông già chú đó. Mấy năm trước ổng theo tui lên Quảng Hoà coi đám hát hiến. Kép nó hát rõ ràng vậy mà. Cha chú cũng thuộc nằm lòng, không tin chú về hỏi ổng coi. Tôi có đặt ra đâu?”. “Không ai bày biểu thì ông cứ ngồi nhớ lại rồi viết kiểm điểm”. Bảy Lợm gát ống loa lên bàn, lòng căm hận muốn nhổ toẹt bãi nước miếng vào mặt thằng nhóc chỉ đáng tuổi con cháu. “Đồ dóc phách”, Bảy Lợm gầm lên trong cổ, nhưng cũng ngồi vào bàn, cặm cụi đúng một buổi sáng, nắn nót được nửa trang giấy mà không hiểu mình viết gì. Người nhận tờ kiểm điểm của ông hết xoay ngang lại xoay dọc, không tài nào đọc ra con chữ, chỉ vì chữ ông viết giống như giun dế bò, y như chữ Lào, chữ Miên. Chịu thua, thả ông về.

Ban chủ nhiệm cho ghép lại các đôi bò để điền vào những con đã chết hoặc bị giết thịt. Chúng vẫn thản nhiên đi ra đồng như mọi khi, nhưng khi mắc hai con vào quải (ách) thì con này húc con kia, quay đầu lại chọi nhau, khiến ba cây cày bị gãy chui, một xã viên cày bị thương. Đội cày lại báo cáo. Chủ nhiệm hộc tốc chân cao chân thấp chạy ra đồng, ra lệnh cửa hàng thương nghiệp cung cấp dây thừng, buộc chặt sừng mỗi con một bên vào tay quải, không cho động cựa. Giải pháp này xem ra hữu hiệu khi mới ấn lưỡi cày, cày chừng trăm mét. Nhưng lúc tới bờ, anh đội cày nghiêng người nhắc thá thì cả hai cứ thẳng tiến, bước đều đều lên phía trước, khiến lưỡi cày cắm chặt vào bờ đất, làm bắp cày rời khỏi mỏ. Đôi bò mang bắp cày thủng thỉnh bước tới như kéo một thanh gỗ nhỏ về làng, ông xã viên thì nắm phần chuôi cày vừa tách rời, đứng giữa ruộng la ơi ới, rồi cắm cổ chạy về không thèm đợi kẻng xổ báo hết giờ lao động.

Sinh hoạt của làng lúc này là tiếng kẻng. Đều đặn ngày bốn bận kẻng gióng lên báo hiệu giờ lao động hoặc nghỉ. Một ngày nông dân làm 8 tiếng, đúng theo luật quốc tế. Như vậy cũng đã tiến bộ một bước đáng kể. Nhưng cái cảnh kẻng báo giờ nghỉ trưa hay hết ngày nom như những hình nhân trong đoàn kịch câm: Người đang vung cuốc, nghe kẻng báo hết giờ cứ để nguyên tư thế đó rồi thu cuốc lên vai; người đang gánh đôi thùng tưới lãnh thuốc nam, nước chỉ mới tưới phân nửa thùng, nghe kẻng thì đổ nhào phần còn lại ra đất, đủng đỉnh quảy đôi thùng rỗng trên vai bước lên bờ. Cảnh tượng buồn cười ấy cứ lặp đi lặp lại mãi không tài nào chữa khỏi, như mắc chứng nan y.

***

Cô Mai do công tác phong trào kém, nên trên điều sang công việc khác. Công việc cô sắp đảm trách rất phù hợp với cô. Chẳng là cô đã từng mở cái mỹ viện gì đó trên tỉnh, chuyên cắt, uốn, ép, sấy, nhuộm... nên cô về làm cửa hàng trưởng Cửa hàng Hớt Tóc Nhân Dân là hợp lý. Rất hợp lý. Trên rất sáng suốt, ai ai cũng tán đồng.

Mai quản lý 8 ông thợ hớt tóc; già xấp xỉ 60, trẻ nhất cũng 23, vốn là chủ các tiệm hớt tóc trong làng. Các tư liệu sản xuất của họ như tông đơ, kéo, gương, lược, dao cạo, bàn ghế, thậm chí tấm vải choàng cũ mèm, hôi mốc đều tập trung vào Cửa Hàng Hớt Tóc Nhân Dân, đặt trong ngôi miếu thờ thành hoàng được nới rộng ra. Họ đến cửa hàng theo tiếng kẻng. Ra về cũng phải chờ kẻng. Lúc không có khách cũng phải ngồi tại cửa hàng không ai được phép bỏ đi. Mai phân chia đều khách đến cắt tóc cho mỗi thợ, rồi chấm công điểm, ghi vào quyển sổ chấm công, cuối tháng báo cáo lên ban chủ nhiệm. Ngồi trong mát, nhàn nhã nhưng ngày kiếm nửa cân thóc. Sướng chán. Chẳng bù với mấy anh thợ cày cắm mặt dưới nắng mưa suốt ngày này qua ngày nọ.

Rồi cũng giống như cảnh của các tổ đội khác, hễ nghe tiếng kẻng báo hết giờ lao động, tất cả các đồ nghề đều ném lên mặt bàn, mặc cho khách chỉ vừa mới cắt một bên mái, hay vừa cắt xong nhưng chưa kịp cạo mặt, ngoáy tai... Khách hàng la oai oái. Nhưng mặc. Đã hết giờ lao động. Luật nói vậy. Nội qui đã đề ra. Lắm khách từ cửa hàng ra về với một bên nửa đầu trắng ởn, nửa kia rậm rịt đen như nùi giẻ lau xe. Khách kêu trời, than oán cách làm ăn của Mai và đám nhân viên bất nhân. Họ đòi đập nát cái cửa hàng hớt tóc nhân dân kia. Họ chửi tạt vào mặt Mai và mấy người thợ là lũ ăn hại, bọn tay sai do địch cài lại, phá hoại...

Tiếng kêu thấu tai trên, lập tức Ba Xanh được cử xuống quan sát, nắm tình hình. Đây cũng là dịp tốt để Ba Xanh gần gũi cô Mai. Từ ngày vợ ông hy sinh, Ba Xanh luôn tơ tưởng có ngày được ôm ấp tấm thân ngà ngọc của Mai trong vòng tay. Nhưng khốn thay mơ ước cháy bỏng kia chưa chịu đến, khiến ông buồn nẫu ruột.

Lần này ông đến cửa hàng với tâm trạng buồn vui lẫn lộn, nhưng cũng cố đè xuống tận đáy, để có thể nắm bắt tình hình, kịp thời uốn nắn.

Ba Xanh lựa đúng vào thời khắc chỉ còn nửa tiếng là hết giờ lao động để vào cắt tóc, cốt xem rõ cách thức làm ăn của họ thể nào.

Mai không ngẩng lên, cũng không chào khách. Cô cặm cụi biên tờ phiếu rồi đưa cho ông già Phi Sơn đã có hơn 40 năm tuổi nghề. Ba Xanh nhăn mặt khi nhìn thấy ông già ốm nhách, mặt xanh mét không còn thần sắc lừ đừ đứng dậy. Nghi ông mắc bệnh lao kinh niên, Ba Xanh nghiêng đầu hỏi Mai: “Sao đồng chí không phân công các đồng chí trẻ lại để ông cụ già tội nghiệp này hớt?”. Mai đáp tỉnh rụi: “Báo cáo lãnh đạo, ai cũng được phân chia đều công việc. Không ai nhiều, không ai ít, vì nếu làm vậy là bất công, là bóc lột sức lao động...”. Ba Xanh phẩy tay, ép mình ngồi xuống chiếc ghế ọp ẹp. Ông Phi Sơn hấp háy cặp mắt lèm kèm, cầm tông đơ, chậm rãi đưa lên đưa xuống nửa bên trái mái tóc bắt đầu có sợi bạc của ông Xanh. Thỉnh thoảng răng tông đơ kẹp dính sợi tóc lúc thao tác, khiến Ba Xanh đau điếng. Một lần ông còn chịu được. Đến ba bốn bận như vậy, ông nổi cáu: “Hớt cái con mẹ gì như nắm tóc người ta giựt, như lột da đầu ra vậy? Đau thấy con mụ nội!” Ông già xuýt xoa xin lỗi vì tông đơ chưa đến kỳ tu sửa, tổ mài dũa chưa chịu nhận. “Khỏi, hớt nhanh lên”. Ba Xanh vừa liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo trên tay vừa giục. Kim đồng hồ nhích dần, nhích dần. Nửa bên trái được cắt xong, cắt vội vã, còn những đường tóc đen nổi đậm, nhưng nhìn sơ, không đến nỗi tệ. Chỉ còn nửa bên phải. Mai nháy mắt với anh thợ trẻ. Điều này có nghĩa là phải tranh thủ, ưu tiên cho cán bộ. Anh thợ trẻ hiểu vậy và nhanh nhẹn cầm tông đơ phụ với ông già phần tóc bên phải. Hai chiếc tông đơ đua nhau lóc chóc, lóc chóc trên mái tóc Ba Xanh như hai con ngựa gõ móng xuống mặt đường phi nước kiệu. Ba Xanh tỏ vẻ ngạc nhiên về cách cắt tóc này. Trên đời này đâu có kiểu hai thợ xúm nhau trên một đầu tóc khách hàng? Nó chưa từng xảy ra với ông, với cả làng này? Hay Mai đúng là “nghệ sĩ hớt tóc” như lời quần chúng đồn đãi? Ba Xanh nghĩ thầm và ngồi yên chịu đựng những nhát bứt tóc từ chiếc tông đơ của ông già Phi Sơn. Ngựa chạy, hết đường chạy thì dừng lại. Hai chiếc tông đơ cũng dừng lại khi mảng tóc cuối cùng rớt xuống tấm vải choàng quanh người, để lộ chỗ đậm chỗ lợt trên mái tóc phía phải Ba Xanh. Kẻng xổ tràng dài. Ba Xanh nghiêng qua nghiêng lại đầu tóc trước chiếc gương lớn, đã tróc thủy vài chỗ. Ông ngạc nhiên khi thấy cả hai người thợ không chịu tiếp tục công việc còn lại trên đầu tóc mình, quay lui nói: “Nghỉ sao?”. Ông Phi Sơn nhỏ nhẹ: “Dạ thưa, đã hết giờ lao động, xin mời đồng chí sáng mai tới sớm, tui sẽ cắt nốt phần còn lại”. Ba Xanh giận dữ giật mạnh tấm vải choàng quanh người làm tóc văng tung tóe, văng tục: “Mẹ cứt, làm ăn gì lạ vậy? Phải cho xong đầu tóc người ta chứ?”. “Dạ - giọng Phi Sơn khúm núm, nhưng dứt khoát, rành rọt – Xin mời ông xem bảng nội qui treo trên vách kia”. Ba Xanh không cần dòm cũng biết bảng nội qui đề ra cho các tổ đội sản xuất, cửa hàng... là do chính tay ông thảo. Vậy mà khi từ trên xanh về, ông dò la tin tức cô Mai, người làng nói “cổ là nghệ sĩ hớt tóc trứ danh trên tỉnh đến nỗi các quan bà, me Mẽo cũng chết mê chết mệt dưới bàn tay tài hoa của cổ”. “Cứt. Nghệ sĩ với tài hoa củ cứt” ông buột miệng gầm lên trong cổ họng. Âm thanh bị nén lại nghe như tiếng rít của con rắn vồ trật con mồi. Không ai hiểu ông nói gì, rồi ông xẵng giọng trong lúc mọi người trong tư thế bồn chồn, chuẩn bị ra về: “Có ai dư cái mũ nào không?”. Mai hỏi lại: “Thưa, để chi ạ?”. Ba Xanh trổ quạu: “Chụp cái đầu lại chớ còn chi nữa, còn đứng đấy hỏi. Cô coi, vác cái đầu tóc này mà đi được à?”.

Mọi người nhìn nhau, chẳng ai đội mũ. Mai nhanh nhẹn lấy chiếc nón lá treo trên móc đưa bằng hai tay: “Đội tạm cái này ạ”.

Tự dưng khuôn mặt Ba Xanh dãn ra, dịu dần lại khi chạm vào chiếc nón có mùi người đàn bà trong tay. Vạt nắng nhảy nhót trước miếu thành hoàng bỗng sáng choang, hắt lên màu nắng quái, khiến Ba Xanh quay tít, ngất ngây đến tê dại.

(trích từ tập truyện cùng tên, Thư Quán Bản Thảo, Hoa Kỳ, 2010)