Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Một lời biện hộ cho thơ

Marcel Reich-Ranicki

Trương Hồng Quang dịch

Image

Xin cứ nói thẳng: Thơ ư, có thật cần không? Hàng triệu người sống không thơ mà có sao đâu. Họ chẳng biết gì đến thơ mà vẫn hoàn toàn hạnh phúc. Họ chẳng thấy thiếu gì hết và còn tránh được khối điều phiền toái. Bởi thơ là một thể loại văn chương vô cùng đáng ngờ – và có đủ lí do để nhắc nhở ta hãy coi chừng nó. Trong văn xuôi người ta đánh bài ngửa, còn trong thơ nhiều khi lại đánh lận con đen. Thơ vốn luôn là chốn dung thân của những kẻ chẳng có gì đáng nói song lại thích được người khác nghe, những kẻ chuộng hát bởi không biết nghĩ, những kẻ buộc phải gieo vần bởi viết là thứ rào cản mà họ không sao vượt nổi.

Cái không tiêu thụ nổi trong văn xuôi lại được nhiều tác giả bày bán xổi trong thơ và cũng tìm được khách mua. Điều quá rồ dại để có thể nói xuôi thì họ lại thích đem ra để ngâm nga. Phải chăng thi sĩ là những ca sĩ giọng nam cao trong giới cầm bút? Có một điều chắc chắn là âm giai êm ái của ngôn từ – hay ít ra là cái được cho là êm ái – có thể dễ dàng che đậy sự nghèo nàn của trí tuệ.

Ai trịnh trọng ngâm và xướng, kẻ đó không cần sợ bị chất vấn về ý nghĩa và mức độ thông minh trong lời lẽ của mình.Vâng, người ta yêu cảnh mờ tỏ và cái bí ẩn hơn là sự rõ ràng và tỉnh táo, tin vào bùa chú hơn vào phân tích. Những nhà tư tưởng ở đất nước này được đánh giá cao nhất khi họ làm thơ và những nhà thơ trước hết được ca ngợi khi họ không còn biết suy nghĩ. Việc lợi dụng hình thức thơ để lẩn tránh vào sự không rõ ràng và mơ hồ, để rút lui vào một tình trạng không thể kiểm soát và xa vời đến tận các huyền thoại về Đức Thánh mẫu đã và có lúc vẫn đang còn là một tai ương cố hữu trong nền văn học của chúng ta. Và như vậy, ở Đức, thơ là chốn ẩn mình của những tác giả có tài và bất tài, song đều chung nhau ở một điểm là ít dính dáng đến trí tuệ. Và của một công chúng dễ dãi chấp thuận yêu cầu: đến đây để hát theo, chứ không phải đến đây để cùng suy ngẫm! Sở dĩ chúng ta, dân tộc của các thi sĩ và các nhà tư tưởng, lại có được cái quan niệm rằng người ta chỉ có thể hoặc là thi sĩ, hoặc là nhà tư tưởng chứ khó lòng là cả hai, là do ảnh hưởng của một nhân vật lớn, người đã gieo rắc biết bao tai hoạ bằng vô số ý kiến của mình về văn chương, đặc biệt là về thơ và phê bình. Tôi đang nói về Goethe.

Trong tác phẩm “Phương châm và suy ngẫm” ta thấy nhận định nguy hiểm sau đây: “Thông qua tư duy người ta đạt đến nghệ thuật và khoa học; với thi ca thì không như vậy, bởi thơ là ngẫu hứng…” [1] Xin đừng tưởng bở: Đây không phải là một sơ suất ngoại lệ. Đáng tiếc là Goethe vẫn thường nhắc đi nhắc lại những điều tương tự. Chẳng hạn trong khi trò chuyện với Eckermann ông đã tuyên bố không hề ngượng ngập như sau: “Một tác phẩm thi ca càng độc nhất vô nhị và khó nắm bắt đối với trí tuệ bao nhiêu thì lại càng hay bấy nhiêu”. [2]
Suốt một thể kỉ ở nước Đức những câu văn như vậy đã được trích dẫn một cách sùng kính. Nối tiếp mạch của Goethe, người ta luôn biện hộ cho cảm hứng, dè bỉu lí trí và khẳng định một cách hoàn toàn nghiêm trang rằng làm thơ sẽ gây rối mạch tư duy, và tư duy về phần nó cũng sẽ làm tổn hại nghệ thuật thi ca yêu kiều. Cơ sở cho thái độ này có lẽ là đức tin về sức mạnh giải thoát của thi ca.

Thế nhưng thi ca nào đã giải thoát được ai. Nó cũng ít phù hợp với mục tiêu sư phạm. Ai muốn khai sáng hay truyền thụ cho người cùng thời thì nên viết một bài báo hay một luận văn, thay cho việc viết một khúc tụng ca. Xin nói thêm ngay: còn ai cho rằng những vần thơ có thể tác động vào tiến trình của lịch sử, người đó theo đuổi những ảo tưởng thật ấu trĩ. Không, nhà thơ không thể nào thay đổi được thế giới. Người vẫn thường nói không mệt mỏi về điều này, Bertolt Brecht, chí ít còn có thể tự khen rằng những bài ca công nhân của mình do Hans Eisler phổ nhạc đã được lưu truyền rộng rãi vào những năm cuối của chế độ Cộng hoà Weimar. Tuy nhiên “Bài ca về tình đoàn kết” chẳng hề xây dựng nổi tình đoàn kết của giới thợ thuyền, và “Bài ca về Mặt trận thống nhất” cũng không gây được ảnh hưởng nào đến Mặt trận thống nhất, cũng như những khúc hát trong “Vở Opera ba xu” chẳng thể cải tạo được giới công chúng sân khấu tư sản Berlin.

Vậy sẽ ra sao nếu nhà thơ được trao cho mình quyền lực để thay đổi thế giới? Liệu đây có thực là điều đáng mong muốn? Đã có quá nhiều lần họ phục vụ cho bạo quyền, qua bao thế kỉ họ đã truyền tụng quá nhiều điều điên rồ dưới lớp vỏ bọc không ít khi hấp dẫn để người ta – dù chỉ trong một tích tắc – có thể coi đây là một câu hỏi nghiêm túc. Ngay Platon cũng từng muốn tránh thật xa các thi sĩ. Vậy chúng ta cũng hãy nên cẩn trọng trước những kẻ sĩ ít đáng tin cậy nhất này. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu ta có thể từ bỏ họ, liệu ta có cần đến họ ngày hôm nay, đặc biệt trong ngày hôm nay?

Nhà thơ La Mã cách đây hai nghìn năm đã không nhầm khi tự hào tuyên bố rằng với các bài tụng ca của mình đã dựng nên một tượng đài có độ bền vững hơn cả đồng. Thật vậy, các tác phẩm thi ca, những cấu trúc mong manh được chế tạo từ một thứ nguyên liệu dễ mai một nhất là lời nói, lại có thể trường tồn qua hàng thiên niên kỉ, hơn mọi thứ miếu đền và cung điện. Cũng không thể phủ nhận rằng thi ca có lúc có khả năng – cho dù không thay đổi được ngay thế giới – song có thể làm cho thế giới đó trở nên dễ chịu hơn. Vâng, nó có thể lay động con người khỏi trạng thái thờ ơ, và thậm chí có thể đánh bật nó khỏi những lối mòn tư duy cố hữu.

Thật là thừa, nếu không nói là ngớ ngẩn, khi chúng ta định tìm cách xếp thơ vào một vị trí cao hơn so với kịch hay văn xuôi. Thơ không hay hơn mà cũng chẳng sâu sắc hơn các thể loại văn chương khác. Thơ mang đặc tính khác, nó đi xa hơn. Nhà thơ không thể giấu mình, trong thơ anh ta phải đối diện với chính bản thân. Thơ là hình thức nhiều rủi ro nhất và vô liêm sỉ nhất trong mọi thể loại văn chương. Một nhà thơ – Goethe từng nói như vậy và lần này ông đã không nhầm – có tự giấu mình cũng bằng thừa, bởi “thơ tức là phản”. Nhà thơ là những kẻ khoả dục chuyên nghiệp, có khác chăng là không phải họ thi ca hoá sự loã lồ của mình, mà họ tự bóc trần bản thân trong thi ca. Chính vì vậy mà thông thường ta có thể chấp nhận một vở kịch tồi hay một cuốn tiểu thuyết trung bình hơn là một bài thơ nghèo nàn. Nhà viết kịch tìm cách kéo sự chú ý của người đọc vào nhân vật của mình, và nhà tiểu thuyết thu hút sự quan tâm của chúng ta đối với thế giới mà ông ta muốn mô tả. Còn nhà thơ ngược lại luôn luôn và trước hết chỉ hướng sự quan tâm đến chính bản thân. Thế nhưng loã thể là khiêu khích môi trường xung quanh. Tác phẩm kịch, có thể nói như vậy, là một lời mời chào và tiểu thuyết là một cuộc hẹn hò, còn thơ – đấy đã là một sự khiêu khích.

Gần đây tôi có đọc một nhận xét cho rằng nhà thơ giống như một kẻ đang bơi và hình thức chính là chiếc phao cứu hộ anh ta. [3] Hình ảnh này xem ra không được may mắn lắm. Bởi nếu vậy thì người ta cũng có thể nói rằng chiếc phao cứu của nhà vĩ cầm chính là cây đàn vi-ô-lông. Không, tác phẩm thơ không thể náu mình dưới mái nhà che chở của hình thức, bởi chính bản thân nó đã là hình thức. Và chỉ với hình thức, nó mới có lí do để tồn tại.

Mặc dù vậy người ta vẫn phải phản bác Stefan George, người từng có lần viết: “Giá trị của thi ca không được quyết định bởi nội dung (nếu vậy thì nó đã là sự thông thái, sự uyên bác), mà bởi hình thức”. [4] Tôi cho rằng người ta phải tối kị việc dùng cái này để đối chọi với cái kia: Sự chia cắt thật đáng tiếc, nếu không nói là là đầy tai hại thường có trong văn chương giữa nội dung và hình thức, trở nên thừa trong thơ. Bởi hình thức – đó chính đã là nội dung của thơ. Phải chăng thế giới của chúng ta – cái vốn đem đến cho nhà tiểu thuyết, và ở một mức độ cao hơn nữa cho nhà viết kịch, những khó khăn lớn và thường là không thể nào khắc phục – lại không khước từ sự diễn đạt của thơ: Khi nhà viết kịch câm lặng và nhà tiểu thuyết dường như phải bó tay, thi sĩ chính là người mang thiên chức nói về nỗi đau của bản thân họ, nói về nỗi đau của chúng ta.

Người ta vẫn hay trách thi ca đương đại rằng nó thường quá ảm đạm, quá bi quan và thậm chí hư vô. Thế nhưng chủ nghĩa lạc quan, chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa hư vô – với những phạm trù như vậy ta chưa bao giờ tiếp cận nổi thi ca. Liệu Hölderlin có phải là người bi quan? Heine hay Brecht là những người lạc quan chăng? Benn có phải thật sự là một kẻ hư vô? Chỉ cần đặt những câu hỏi như vậy đã đủ thấy chúng không thích hợp và tầm phào hết sức. Ngày nay chính những bài thơ ảm đạm lại hàm chứa những bước đột khẩu và đem đến cho ta những tia chớp sáng. Một cách nghịch lí, thường bóng tối chính lại là nơi khởi đầu của ánh sáng.

Nhưng có thể quy nguyên nhân cho cuộc phục hưng của thơ mà có người đã gọi một cách dè bỉu là “đợt sóng thơ” về chỗ nào? Thời đại của chúng ta càng vô vọng bao nhiêu, viễn cảnh tương lai của chúng ta càng ảm đạm bao nhiêu, thế giới vây quanh ta càng xáo động và hỗn mang bao nhiêu, nhu cầu của chúng ta lại càng lớn hơn, nhu cầu về… Ừ, nhu cầu về cái gì nhỉ? Nhu cầu được an ủi chăng? Có thể là như vậy, song thi ca sẽ không mang đến cho chúng ta sự an ủi. Cung cấp thuốc an thần và giảm đau cho dân chúng, đó không phải là nhiệm vụ của thi ca mà là của ngành dược phẩm.

Không, thơ không thể an ủi và vỗ về lòng ta. Tuy nhiên chỉ với sự hiện hữu của nó, nó đã xác nhận sự ghê tởm của ta trước cảnh hỗn mang. Hay thậm chí ta có quyền nói rằng, nó đáp ứng nhu cầu hướng đến cái trật tự của chúng ta? Chắc chắn có một điều này: Ai làm thơ, người đó kháng cự sự hỗn mang và tuỳ tiện. Làm thơ tức là lập trật tự. Trong khúc thứ tám của “Bi ca Duineser” có câu rằng: “Ta lập trật tự. Trật tự tan rã. Ta sắp xếp lại trật tự, và chính bản thân ta cùng tan rã.” Những lời này của Rilke trước hết có ý nghĩa đối với các thi sĩ.

Một khi trật tự là phương châm của thơ thì người ta chẳng nên ngạc nhiên khi thấy những người mà nhờ có họ chúng ta có được những hình ảnh riêng tư nhất, chủ quan nhất, mong manh nhất của văn chương lại cũng chính là những kẻ không hề ngần ngại phân tích và đánh giá một cách công khai các sản phẩm thi ca của những người đồng thời và đồng nghiệp. Khác với các nhà tiểu thuyết và sáng tác kịch, thi sĩ hầu như cũng luôn luôn đồng thời là nhà phê bình thơ. Và điều đó trước tiên gắn liền với ý thức sâu sắc về hình thức của họ.

Ý thức nổi bật về hình thức của các nhà thơ của chúng ta cũng giúp cho việc những lời đơn giản như “Thơ hôm nay” hàm chứa nhiều hơn là một ước vọng hay một sự bày tỏ – nó gần như đã là một thứ cương lĩnh bướng bĩnh. Thi ca vẫn thường xuyên là sự phản kháng và chống đối. Ai làm thơ, người đó nổi loại chống lại cái vô hằng. Ngay cả khi nó báo trước về sự sụp đổ, tôn thờ cái chết và ca ngợi sự suy tàn, thi ca – dù nó muốn hay không – vẫn bác bỏ sự sụp đổ, cái chết và suy tàn. Thơ là sự khẳng định cuộc sống. Vì vậy mà hôm nay vai trò của thơ ngày càng lớn: Sự thừa thắng của nó, sự thừa thắng mang vẻ sầu muộn mà khối người chưa hề để ý hoặc chỉ miễn cưỡng ghi nhận, có nguyên do sâu sắc nhất ở đây. Rõ ràng là câu trả lời của văn chương mà chúng ta đang trông đợi giữa đe doạ và hiểm nguy dường như chỉ có thể đến từ thể loại triệt để nhất của nó – thi ca.

Tuy nhiên nhà thơ chạy theo sau thời cuộc sẽ chẳng bao giờ đuổi kịp nó mà thường sẽ bị thời cuộc nghiến nát. Còn nhà thơ nhắm mắt làm ngơ trước thời đại sẽ bỏ lơi nghĩa vụ của mình. Những người kế tục của Heym và Trakl, Benn và Brecht không để mình mắc lỗi lầm nọ hay lỗi lầm kia. Có những bài thơ Đức trong những năm tháng này chỉ hướng tới những chi tiết nhỏ nhặt của thực tại mà đã nhắm vào tâm điểm của nó. Và nếu như ngày nay ở những nhà thơ rất khác nhau, trẻ cũng như già, ngày càng thấy rõ khuynh hướng tìm đến hình thức chặt chẽ hơn – hướng tới những khuôn mẫu cổ điển của thi ca, của vần khổ, hướng tới những nguyên tắc lập trật tự của thơ, thì ta đừng hiểu đấy là sự chạy trốn khỏi thời gian, mà có lẽ đấy là phản ứng trực diện và tự tin trước sự rối ren của thời đại, trước những thảm hoạ và sự ghê rợn của nó.

Cho dù người ta nhìn nhận cách nào đi nữa thì thi ca vẫn là một thực thể hai mặt. Sự cảnh báo của Platon có những cơ sở vững vàng của nó. Vâng, thể loại văn chương lâu đời nhất, mà cũng đáng ngờ và nguy hiểm nhất này đồng thời là thể loại táo bạo và triệt để nhất, nhạy cảm nhất. Tuy nhiên ở đây ta cần phải suy nghĩ, liệu không có mặt này thì mặt kia có thể tồn tại được không. Heine có lần đặt câu hỏi rằng, liệu thi ca có phải là một căn bệnh của nhân loại, “như viên ngọc thực ra chỉ là tác nhân khiến loài trai khốn khổ.” [5] Nếu Heine có lí thì thi ca hẳn là căn bệnh lạ lùng, và có thể nói là căn bệnh đẹp nhất của nhân loại. Và có lẽ chưa bao giờ chúng ta cần đến cái đẹp nhiều hơn là ngày hôm nay. Thế nhưng liệu nó chỉ đẹp thôi, hay còn hữu ích? Thường thì thi ca cũng hữu ích, hữu ích bởi vì đẹp.

_______________________
Marcel Reich-Ranicki, sinh năm 1920, người ở Đức được mệnh danh là “Giáo hoàng văn học”, là nhà phê bình văn học đương đại quan trọng nhất của CHLB Đức. “Một lời biện hộ cho thơ” là bài thuyết trình đọc vào ngày 30.11.1980 nhân dịp ra mắt Tập 5 của “Tuyển thơ Frankfurt” trong khuôn khổ chuyên mục thơ của nhật báo “Frankfurter Allgemeine Zeitung” (FAZ) mà tác giả là chủ biên phần văn học từ 1973 đến 1988.

(c) Bản dịch tiếng Việt: Trương Hồng Quang

Chú thích của tác giả:

[1] `Johann Wolfgang Goethe: “Artemis-Gedenkausgabe” (“Bản in tưởng niệm Artemis”). Tập 9, tr. 602.

(2] Johann Peter Eckermann: “Gespräche mit Goethe in den letzten Jahren seines Lebens” (“Trò chuyện với Goethe vào những năm cuối đời”), do Ernst Beutler chủ biên và giới thiệu. “Artemis-Gedenkausgabe”. Tập 24, tr. 636.

[3] Cách diễn đạt này là của Harald Hartung trong bài viết đáng chú ý “Das Gedicht und die Regel” (“Tác phẩm thơ và niêm luật”). Xem: “Merkur” 1980, số 10.

[4] an George: “Werke” (“Tác phẩm”). Tác phẩm gồm bốn tập. NXB Deutscher Taschenbuch Verlag, München 1983. Tập 2, tr. 310.

[5] Heinrich Heine, “Sämtliche Schriften” (“Toàn tập tác phẩm”). Do Klaus Briegleb chủ biên. NXB Carl Hanser Verlag, München 1968 và các năm tiếp theo. Tập 3 (1971), tr. 441.

Nguồn: drtruong.wordpress.com