Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Miền Hoang Tưởng (kỳ 7) – Tiểu thuyết của Đào Nguyễn

IX

  Ngà ơi!

  Anh thèm viết thư cho em quá. Anh hứa với Mai sẽ không bao giờ gửi cho em một dòng chữ. Anh nhất định sẽ không gửi. Nhưng có ai cấm anh viết những “ lá thư không gửi” đâu. Nhiều người ở nông trường về bảo em rất buồn. Người ta nói con vượn dạo này hú trên đầu nhà em rất nhiều. Có khi nó hú suốt đêm. Mai giết chồng nó, con nó, nó oán hờn Mai. Kẻ yếu đang dùng tiếng khóc để giết kẻ thù. Người ta kể lại rằng Mai đeo súng trên vai suốt đêm ngày. Anh ta định dùng súng để dập sự oán hờn. Mai đêm ngày chỉ nghĩ đến máu ấy chắc chắn rất điềm tĩnh. Mai là con người luôn điềm tĩnh và tự tin vào sức mạnh của mình đến mức cuồng nhiệt. Con người sùng bái sức mạnh ấy đã đeo súng đến gặp tôi. Có lẽ anh ta nghĩ súng đẻ ra tình yêu. Với một khẩu súng và một gói bạc, anh ta gặp tôi đường hoàng quá.

  Bông hoa ban trắng trong mảnh dẻ của anh ơi! Chẳng lẽ con người như Mai lại đem đến cho em sự bình an.

  Chúa Trời đêm qua đến gặp anh:

” Con thấy chưa? Con không chịu giã từ những suy nghĩ điên rồ, con không chịu noi theo đường ta, nên bây giờ con là kẻ thất bại.

Tôi im lặng, chẳng muốn tranh cãi với Chúa về câu chuyện cũ rích ấy nữa. Còn Chúa thì tươi cười, hôm nay Chúa có bộ mặt vui vẻ khác hẳn mọi khỉ. Chúa hớn hở rút trong ngực ra một vòng hoa, vòng hoa nhiều màu tím, vàng, trắng đỏ… vòng hoa tươi tắn, vui mắt, đẹp đẽ và đậm đà đến nỗi sắc màu của nó thoát ra khỏi hồn hoa để tạo thành một vầng sáng lấp lánh quyến rũ.

” Con coi vòng hoa này đẹp không?

” Thưa Chúa, nhìn nó tâm hồn con ngây ngất.

” Lòng của Cha các con bao giờ cũng rộng rãi. Con người rơi xuống hỏa ngục, Cha các con còn giơ tay cứu vớt. Ta ban cho con chiếc mũ đội đầu, cái mũ xua tan những buồn phiền trần tục. Đó là vòng hào quang ta tặng thưởng những người có linh hồn trinh bạch. Con lạc đường nhưng con vô tội, con lạc đường nhưng lòng con bao giờ cũng hướng về sự tốt lành. Ta yêu con, ta muốn ban cho con hạnh phúc. Con hãy đón nhận và đội lên đầu món quà thưởng. Ta hiểu con là kẻ xứng đáng….

  Sao Chúa tôi nói ngọt ngào đến thế ! Nghe những lời hứa hẹn ban phát dịu dàng, mà chưa một lần tôi được hưởng, lòng tôi bỗng ngây ngất. Tôi cảm động:

” Thưa Chúa: Con là kẻ có tội.

” Con vẫn xứng đáng được đội vòng hào quang rực rỡ.

  Tôi băn khoăn, ngạc nhiên vì thái độ quảng đại hiếm có ấy. Tôi cúi xuống. Chúa âu yếm đặt vòng hoa lên đầu tôi. Chao ôi! Choáng váng! Cảm giác như vừa được uống một ly rượu quái dị chưa bao giờ từng nếm. Đầu óc chợt như quên phiền muộn. Nhưng tính tôi khiêm nhường, tôi cảm thấy ngượng với vòng hoa sáng chói trên đầu. Tôi lúng túng gỡ vòng hoa rực rỡ khỏi đầu. Bỗng nhiên, tôi thoáng nhìn thấy nét mặt Chúa cau lại.

  Kỳ lạ chưa! Tôi bỗng nhiên phát hiện ra được một điều lý thú: Đội vòng hoa lên đầu, tôi thấy gương mặt Chúa sao mà đẹp đẽ. Tháo vòng hoa ra, bộ mặt hiền vui của Chúa lập tức thay đổi ngay.

  Chúa có hai mặt sao? Tôi sợ hãi cầm vòng hoa trên tay, lòng bối rối: “ Có phải đây là vòng hoa ma quái mà Chúa định lừa dối tôi? Hay là đôi mắt đau ốm của từ ít lâu nay đã làm tôi nhìn sai lệch?”

  Tôi còn đang mải suy nghĩ bỗng nghe thấy tiếng chim hót lanh lảnh trên đầu. Ngẩng lên, bỗng trông thấy con sơn ca quen thuộc, con chim ủ rũ trong bức tranh  “Chúa chơi chim” của Minh. Con chim trước kia bị Chúa ràng buộc bằng sợi dây xích sắt, giờ đây chim đã được tự do. Sợi dây xích đã biến mất. Con chim đang lượn vòng quanh Chúa mà hát một bài tụng ca. Ca rằng:

  Cảm ơn Chúa đã cho ta đời sống

  Cảm ơn Người đã vạch lối ta đi

  Cảm ơn Chúa Trời, Người là chân lý

  Trên đầu con chim sơn ca của Minh cũng thấy đội một vầng hào quang. Cầm chiếc mũ lóng lánh của Chúa ban trên tay, tôi nhận xét sự vật được bình tĩnh hơn. Trong đầu tôi bỗng nảy ra một so sánh. Chiếc dây xích buộc chim sơn ca đã biến mất, thay vì vào đó là chiếc mũ hào quang. Trước kia chim u buồn, bây giờ chim ca hát. Tôi chợt hiểu ngay tác dụng màu nhiệm của vòng hào quang. Tôi hiểu chúng ta đang bị Chúa cầm tù bằng sự ngọt ngào. Con chim khi bị cầm tù bằng sợi dây xích, nó u buồn phản đối. Nhưng khi bị cầm tù bằng ánh hào quang rực rỡ, lập tức chim liền hát bài tụng ca Chúa. Ôi chiếc mũ hào quang! Nhiệm màu thay vòng hào quang!

  Trong khi hai thầy trò Chúa và chim còn đang mải mê ca hát với nhau, tôi lặng lẽ lẩn vào bóng tối mất. Tôi sợ ánh hào quang tạo – nô của Chúa. Ánh hào quang làm họ quên hết, say tiếng ngọt ngào họ quên trời đất, say tiếng tụng ca họ quên nốt cả tôi.

….  ….

Mới đi được nửa tháng, Ngọ đã trở về Hà Nội. Gặp tôi, Ngọ dẫn ngay đến quán bia. Anh tâm sự:

     – Mình không thể sống xa Hà Nội, bây giờ Lan cũng nhận ra điều ấy. Mình là “phó thường dân” không có giấy tờ. Mà ở đâu người ta cũng đòi hỏi mình phải có một mảnh giấy chứng nhận. Mình đến nhà một người bạn ở Yên Bái. Vùng ấy đất rộng. Người bạn bảo sẽ tạo cho mình một mảnh đất. Nhưng mới đến hôm trước, hôm sau đã có người đến hỏi giấy. Mình nhũn nhặn trả lời: “ Báo cáo thực với ông, tôi không có giấy tờ gì cả”. Người cán bộ xã kinh ngạc: “ Sao? Con người ở thời này mà lại không có giấy tờ?’’Anh ta lạ lùng tròn mắt nhìn mình từ đầu đến chân. Mình vạch đùi, vạch bụng phô bày những vết sẹo ở chiến trường ra và nói : “Báo cáo đồng chí, tôi chỉ có thứ giấy tờ này chứng nhận’’. Anh cán bộ xã cười rộ: “Những vết sẹo không có mồm. Làm sao chứng minh nổi cho công trạng của anh và đảm bảo nổi về mặt chính trị cho anh”. “ Sẹo không có mồm, nhưng tôi có mồm”. Mình liền kể cho người hỏi giấy nghe những từng trải trong chiến trường miền Nam của mình. May thay, anh cán bộ này cũng đã là bộ đội cũ và cũng đã ở chiến trường B. Một vài nơi mình kể anh ta đã đi qua. Ngôn ngữ bộ đội lại có màu sắc riêng biệt, nên anh ta dễ nhận ra ngay. Anh bảo : “Cũng may mà anh gặp tôi. Anh không có giấy, nhưng tôi công nhận đúng anh là người đã tham gia đóng góp cho Tổ quốc. Thôi ! Anh nên về Hà Nội. Ở đây không có lợi cho anh. Gặp người khác, dù anh giở những vết sẹo này ra, người ta cũng không thể thông cảm được”.

Mình nghe anh ta. Hôm sau, hai vợ chồng rời ngay khỏi đấy. Đi bộ trở về. Không dám vào nhà ai nữa. Suốt mấy hôm liền, vợ chồng ngủ ngoài đồng vắng. Chúng mình đã yêu nhau giữa đồng. Mình thì chẳng sao, nhưng đối với Lan, chuyện đó thành vấn đề. Lan tế nhị, cô ấy không muốn thân thể bị lõa lồ dưới ánh trăng. Lan thuộc dạng người đàn bà yêu đằm thắm, nhưng phải có bóng tối che chở. Lan mảnh dẻ quá ! Bây giờ mình mới hiểu thế nào là giá trị của một cái “Vòm”. Mình buồn phiền biết bao, nhất là sau lúc yêu đương. Lan thì thầm bảo: “Dù có cái nhà chỉ là một túp lều rách em cũng quý. Có cái nhà mới thành vợ chồng được. Chúng mình lấy nhau, ăn ở với nhau song em có cảm giác như đôi ta chỉ là một cặp tình nhân vụng trộm”. Nghe cô ta nói, lòng mình cứ nhoi nhói.

     -  Vậy bây giờ anh định tính sao ?

    – Còn ra sao ? Bây giờ Lan phải tạm về nhà cha mẹ cô ấy. Còn mình thì lại ngủ ga. Ngọ cười.

Một thanh niên ăn mặc rất hợp thời trang đi qua hỏi:

    -  Anh Ngọ cười gì thế ?

    -  Xin chào anh bạn! Cười vui thôi.

Tôi hỏi Ngọ:

    -  Ai đấy ?

Ngọ nói nhỏ vào tai tôi:

     -  “ Mú chim”

Một người cầm một cuộn sách dầy cộp trên tay, điệu bộ như ông nhà văn Hoàng Liên Sơn con gật đầu chào Ngọ:

    -  Sao lâu nay vắng mặt anh ở quán bia ?

    -  Tôi có việc bận ít ngày.

Tôi hỏi lại:

    -  Ai đấy?

    -  “ Mú văn hóa”

    Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Ngọ ghé miệng vào tai tôi:

    – Có lẽ ở quán bia, men vào, người ta hay nói nhiều. Vả lại, ở đây, đông cánh văn nghệ, thêm vào đó là những kẻ kiếm được nhiều tiền, cho nên công an ở đây khá nhiều. Ví dụ tay mặc áo bờ lu dông bộ đội kia là một, tay béo phị, đầu hói, đeo kính trắng là hai, tay lực lưỡng đang cười kia là ba…Nói chung mình quen biết họ, và nói chung, họ nể mình.

  – Nể ông ?  Tôi ngạc nhiên rồi thành thực buột miệng một câu đến ngốc nghếch.  Có lẽ cậu cũng là “mú” ? Có thể cậu giả vờ làm “ phó thường dân”?

Ngọ bật cười to :

    -  Ở đây rất nhiều người cũng nghĩ như thế. Họ tưởng mình là “ mú”. Cả đến “mú” cũng tưởng mình là “mú”. Logich là thế này: Thằng Ngọ suốt ngày ở quán bia, nó sống bằng gì? Tại sao nó đàng hoàng như vậy? Ai chu cấp cho nó? Ai cho phép nó được nói năng một cách tự nhiên và tự do về nhiều vấn đề? Hắn sống được như thế chắc chắn chỉ vì hắn là “mú”. Thì cứ cho người ta tin như thế, mình thản nhiên sống đàng hoàng. Họ thích gán cho mình là gì cũng được. Mình sống rất bằng vai phải lứa với các loại người. Mình đi lại chơi bời với “mú”, coi họ cũng giống như mọi người. Và mình càng tự nhiên như thế thì mọi ngươì càng tin mình là “mú”. Mặc cho ai nghĩ về mình thế nào cũng được. Điều chắc chắn là những ý nghĩ ấy cũng không thể làm thay đổi mình đi. Có người khinh mình, có người yêu mình, có người phục mình, thậm chí có người nể mình. Mình là người ở ngoài lề cuộc sống nên những đánh giá ấy hầu như là những ngộ nhận, vì thực ra có ai hiểu mình đâu. Điều quan trọng là phải gìn giữ sao cho mình vẫn là mình.

Ngọ im lặng rồi hỏi tôi:

     -  Người ta nghĩ như thế, còn riêng anh, anh có tin tôi như thế không ?

     -  Riêng tôi không tin.

     -  Vì sao ?

     -  Khó phân tích. Tôi cảm thấy thế… Nhất là sau khi đọc “Đi tìm nhân dạng…” của anh.

Ngọ nhìn tôi:

    – Cháu Lê…

    -  Vâng, cháu Lê cho tôi đọc. Xin lỗi Ngọ. Đáng lẽ phải mượn Ngọ mới đúng.

    -  Thôi, không sao. Sở dĩ tôi chưa muốn cho mọi người xem vì thực ra tôi còn đang lần mò…suy nghĩ

Ngọ chợt ngồi im lặng tư lự, anh nhìn cốc bia trước mặt mà anh chưa hề nhấp môi. Hình như anh nghĩ đi đâu, lãng quên cả mọi người chung quanh. Hồi lâu, bỗng anh sực tỉnh, anh lặng lẽ móc túi lấy ra một tờ giấy :

    -  Nhân tiện… tôi đưa anh thử đọc một đoạn tôi vừa ghi chép trong chuyến Yên Bái.

Nạn hồng thủy

Hàn Phi Tử là nhà lý luận, người tổng kết của phái Pháp gia.Thương Ưởng là người đã thực hành lý thuyết đó trước Hàn Phi, thời Tần Hiếu Công. Ông là người sáng tạo ra phép “ Ngũ gia liên bảo”. Năm nhà thành một nhóm kiểm soát lẫn nhau, tố cáo lẫn nhau. Nền pháp trị Thương Ưởng lúc đầu đã làm nhà Tần hưng thịnh lên. Nhưng càng về sau lòng dân càng ta thán. Thương Ưởng nằm trên đống lửa mà không biết sợ. Khi mà Tần đổi chủ, Thương Ưởng trốn chạy, không có chốn dung thân. Chính nhân dân đã tố cáo Thương Ưởng. Phép Ngũ gia liên bảo do ông sáng tạo nay chính nó lại giết ông.

Điều đáng quan tâm hơn hết ở đây không phải là số phận Thương Ưởng. Cái nghiêm trọng là: ông ta, trong pháp trị, đã khơi dậy cái tâm lý hèn kém và dã thú của người dân. Đó là lòng đó kỵ moi móc; đó là sự tố cáo,vu khống, đó là sự nghi ngờ tràn lan đến nỗi người chẳng tin người.

Cái hại trước mắt có khi không thấy. Thậm chí người cai trị thấy lợi vì dân nem nép sợ sệt. Cái di họa mới là khủng khiếp. Con người sẽ quen thói bạo tàn ti tiện. Con người chỉ chăm lo dòm ngó đố kỵ đồng loại, dẫm đạp lên xác đồng loại mà tiến. Tâm lý ác được khơi gợi và dung túng dẫn đến chỗ phá tan rường cột đạo lý. Con tố cáo cha, vợ tố cáo chồng. Rồi lường thầy phản bạn…Tâm lý độc ác dã thú thống trị.

Ôi nạn đại hồng thủy!

Chợt nhớ tới một ông vua nước Pháp đã có câu nói trắng trợn nổi tiếng: “Sau ta là nạn hồng thủy”. Đó là sự nổi tiếng về sự vô trách nhiệm, phi đạo lý. Chỉ cần cái trước mắt thôi ư ? Sau ta, là nạn hồng thủy cũng mặc xác ư ? Đáng đào mồ lên kẻ nào dám nghĩ trong lòng câu nói đó.

Kìa trước mặt tôi, trên đỉnh Hoàng Liên Sơn thấy một đám cháy. Người ta đang đốt rừng làm nương. Hỡi kẻ đốt rừng ! Ngày mai ngươi sẽ được củ sắn, nhưng ngươi có biết rằng, mười năm sau hoặc vài chục năm sau, những vạt rừng cháy sẽ gây nên những cơn lũ lớn. Những vạt rừng cháy sẽ gây nên nạn hồng thủy.

Hỡi kẻ đốt rừng ! Ngươi đang đốt đỉnh nhà chúng ta đó. Ngươi có biết không.

….  ….

Tôi giật mình khi bước vào xưởng họa của Minh. Hai bức tranh sơn dầu khổ to được treo cạnh nhau trên mảng tường chính giữa nhà. Bên trái là bức tranh cũ “Chim ngủ trên tay bé nghèo” màu nâu. Em bé gầy, mắt to thơ ngây chìa bàn tay xinh xắn cho con chim sẻ lông sù đậu. Hình như con chim đang chiêm chiếp giải khuây cho cô bé gầy với vẻ mặt ưu phiền.

Bức tranh bên phải là bức tranh vẽ  mới. Màu chủ đạo của bức tranh là màu xám nhạt. Điều làm tôi giật mình chính là bức tranh này. Không biết có một cách giao cảm nào cả mà Minh lại vẽ đúng cái cảnh đêm hôm qua tôi gặp Chúa. Chúa cầm cây thánh giá nơi tay. Trên vai Chúa, con chim đội vầng hào quang đang đậu. Điều lạ lùng: Tôi thấy hình như con chim đội hào quang kia đang xòe cánh, quay đầu về phía con sẻ lông sù trên bàn tay em bé nghèo và mắng mỏ:

    -  Em sẻ lông sù! Sao em khóc?

   -  Em có khóc đâu, em hát đấy. Em và chị bé nghèo cùng hát. Chúng em hát bài hát ru của mẹ. Buồn lắm hả chị Sơn ca? Chị nghe buồn, nhưng khi hát bài hát ấy thì lòng chúng em lại vơi nhẹ.

   -  Sao em chả nghe chị? Bỏ chị bé nghèo mà bay đi… chị sẽ dạy em hát bài của Chúa. Bài hát diệu kỳ! Chị hát lên là Chúa vui mà mình cũng vui. Xưa kia chị ngốc nghếch, chị không chịu học bài ca của Chúa, chị cũng hát như em. Chúa bảo chị hát bài buồn là còn nhớ rừng sâu. Chúa thích loài Sơn ca nhà chị, nhưng Sơn ca chỉ ưa đồi cao, rừng thoáng, không con nào chịu ở với Chúa. Chúa đành phải giữ chị lại bằng sợi dây. Bây giờ, chị được tự do, chị lại được đội mũ thiên thần có hào quang lóng lánh.

Ôi ! Nghe chị nói em sung sướng quá và sinh thèm muốn. Nhưng chị Sơn ca ạ. Nếu em bỏ chị bé nghèo ra đi với chị, thì chị bé nghèo sẽ buồn chết mất. Chị bé nghèo làm lụng khổ sở suốt ngày. Đêm về phải sẽ hát ru lời mẹ cho chị nghe… Mẹ chị ấy chết rồi.

    -  Mặc chị bé nghèo. Em hãy lo lấy thân em.

    -  Em không bỏ bạn đâu… Nghèo em cũng chịu. Chắc Chúa sẽ hiểu em.

    -  Anh lẩm bẩm gì ? – Minh hỏi tôi

Tôi giật mình tỉnh lại. Tôi đang mê ư? Sao nghe Minh nói, hai con chim bỗng dưng đối thoại. Không phải tôi mơ, rõ ràng hai con chim trong tranh biết nói. Kìa mắt con Sơn ca đội mũ hào quang còn đang lóng lánh nhìn, ý như đe dọa không cho phép tôi tiết lộ bí mật! Hừ! Con chim ma quái! Tôi hỏi Minh.

    -  Tại sao anh không cho con sơn ca đeo xích như lần trước.

   -  Chúa là bậc đại trí, người rất thâm trầm. Sợi dây chỉ là mối ràng cơ học. Khối óc mới là mối ràng buộc máu thịt, nhất là khối óc được đội ánh hào quang.

Đôi mắt con Sơn ca bỗng nhìn tôi hằn học, tay tôi run lên.

Đêm ! Chúa từ bức tranh bước ra. Con Sơn ca bay xung quanh tôi ra lệnh:

     -  Anh hãy đàn đi cho Chúa vui.

Tôi cầm cây ghi ta, đánh đoạn Trương Chi mà tôi mới sửa lại. Chim Sơn ca hét lên giận dữ :

    -  Hỏng! Hỏng to! Chẳng qua anh là con sẻ lông sù. Anh hát lời quỷ dữ. Hãy bật tiếng đàn và nghe ta dạy từng nét nhạc. Nào, hãy tấu nhạc đệm lên!

    … Cảm ơn Chúa đã cho tôi đời sống

Cảm ơn người vạch lối ta đi

Cảm ơn Chúa trời, người là chân lý.

Tôi run lên, vừa tức, vừa sợ. Tôi không đàn nổi, tôi hoảng hốt vác đàn lên vai lồm cồm chạy trốn. Con chim ma quái vỗ cánh đành đạch và hô hoán:

-  Bắt lấy nó! bắt !bắt!

Tôi như tuyệt vọng, hết lối, trước mặt tôi là bức tường đen kịt. Chính lúc ấy,bỗng một bàn tay ấm áp nắm tay tôi. Có tiếng người dịu dàng :

      -  Anh đi đâu?

     -  Cứu tôi với ! Kìa! Anh Minh!

    -  Anh mê ngủ hay sao ?

    -  Tôi không mê. Tôi đang tỉnh táo.

Ánh điện bật sáng. Tôi nhìn vào bức tranh. Con Sơn ca đã bay về đậu trên vai Chúa hiền từ. Nó nhìn tôi vẫn bằng cặp mắt đe dọa. Nhưng tôi không sợ! Đã có Minh, ông chủ bức tranh này đây rồi. Nếu cần, tôi sẽ bảo Minh xóa sạch con chim quỉ quái ấy đi bằng một nước sơn dầu trắng toát.

Tôi về nhà Hưng với tâm trạng lo lắng, khắc khoải cao độ. Cả chiều nay, tinh thần tôi căng thẳng như sợi dây đàn được vặn hết cỡ, đến giới hạn. Tôi giở quyển sách nhạc định sửa lại mấy nét nhạc mà tôi đã ghi chép từ mấy hôm trước. Không viết nổi lấy một nốt. Tôi vứt bút, bỏ đi chơi, và không thể phân tích nổi tại sao lòng mình lại bồn chồn đến thế.

Ốm ư? Không! Sáng nay tôi ăn rất ngon ba bát cơm. Tôi lang thang đến mấy nơi quen thuộc. Mấy tay nghệ sĩ cuồng đương khật khưỡng nói những câu to tát. Nghe họ huênh hoang, càng thấy mệt thêm. Thấy mình vô duyên, mà họ thì lẩm cẩm. Lại càng chán ngán!

Hay tại chiều nay trời nóng quá? Trong nhà 38 độ. Hà Nội như sốt. Không gian hầm hập lò nung. Cái nóng, cái oi bức làm đầu óc sưng tấy nhức nhối. Những cây me, cây sấu, cây phượng đứng im tăm tắp. Hồ Gươm mặt phẳng lừ. Thêm một sợi gió – Thôi ! Đi tắm giải nồng. Nhưng lạ thay! Ở nhà tắm ra vẫn cứ lo lắng, bồn chồn.

Hay tại bức tranh “Chúa chơi chim”, vì con Sơn ca ma quái cứ ốp lấy tôi ? Đến lúc này, không ở nhà Minh, không đối mặt với bức tranh, mà vẫn nhìn thấy trong óc đôi mắt láu lỉnh của con Sơn ca thần linh. Đôi mắt ấy lúc này hiện ra, tinh quái nháy tôi.

“ Ái chà ! Cứ ra  vẻ! Cứ làm điệu ! Chúa cho mũ hào quang sao không đội? Anh tưởng dễ được Chúa ban cho mũ ấy hẳn. Phải là bậc đại trí, hoặc đại ngu, hoặc đại nhân, hoặc đại ác, hoặc đại thông minh, hoặc đại điên loạn… mới hòng được Chúa để mắt tới. Anh bạn ngẩn ngơ của tôi ơi! Hãy thôi đi cái trò lẩm cẩm…”

Hay là tại không khí nhà Hưng ?…

Cách đây mấy hôm, một anh bộ đội trẻ đến thăm gia đình Hưng. Với dáng điệu tần ngần, anh bộ đội nói:

   -  Cháu cùng học Bách khoa với Hùng, cùng xung phong nhập ngũ một ngày với Hùng…

Hưng sung sướng được gặp bạn của đứa con trai. Anh không phải là người sành tâm lý, nỗi sung sướng làm anh mất đi khả năng quan sát. Anh không nhận ra cách nói ấp úng, tần ngần của anh bộ đội.

Nhưng vợ Hưng thì nhận ra ngay. Người đàn bà, người mẹ đêm ngày nhớ thương con, nên những giác quan luôn luôn được mài nhọn. Chị nghe tiếng anh bộ đội trẻ nói chợt rùng mình. Chị vội vã bỏ nồi cơm, lên nhà. Chị đứng ở cửa và nhận ra ngay cái dáng cúi đầu buồn bã của người khách trẻ, nhận ra cả hai bàn tay run run của anh ta đương xoay đi, xoay lại chiếc mũ. Chị hốt hoảng chạy tới, dồn dập hỏi :

      -  Thằng Hùng… con của cô…nó làm sao rồi phải không?

Thế là anh bộ đội đứng ngây ra, không nói nổi nữa.

-  Hùng ơi! Con ơi!

Người mẹ bỗng dưng hiểu hết. Chị không đợi trả lời nữa. Chị òa lên khóc nức nở. Anh bộ đội trẻ cũng rơm rớm nước mắt.

Anh bạn Hưng của tôi, ngốc nghếch nhưng can đảm hơn bà vợ. Can đảm phi thường. Khi nghe tin về cái chết của đứa con anh, Hưng mời anh bộ đội trẻ đi uống cà  phê. Họ không vào cửa hàng mậu dịch. Uống cà phê chui ở cái quán bẩn thỉu trong một ngõ hẻm. Chủ quán là một lão nửa già nửa trẻ, râu rất dài mà lại đen nháy. Mất điện. Đèn thắp là một chai dầu hỏa tuôn giẻ vào làm bấc. Trong cái không khí kỳ dị ấy, anh bộ đội kể lại.

… Chúng cháu đã tham dự những trận chống càn hiện đại. Đánh nhau với lĩnh Mỹ. Trực thăng rợp trời như lũ chuồn chuồn… Xe lội nước…Máy bay đổ đạn bom xuống đầu chúng cháu. Trong một trận, Hùng một mình đã hạ hai trực thăng. Cậu ấy được thưởng huân chương.

Những trận to như vậy thì chẳng hề gì. Hùng bị chết trong khi tiểu đội anh đi lấy gạo. Họ đã rơi vào ổ phục kích của một trung đội ác ôn ngụy. Bị bao vây bất ngờ, nhưng họ đã anh dũng chống trả. Đánh giáp lá cà. Vì bị phục kích trong khi đã mệt mỏi và trên vai còn mang nặng nên toàn tiểu đội người bị giết, người bị bắt. Quân Sài gòn treo ngược năm người lính bị bắt lên cành cây và giết họ rất dã man.

     -  Dã man?

    -  Vâng! Chúng đã cắt tiết cả năm người, mổ bụng lấy gan. Khi chúng cháu đến hãy còn thấy những chiếc ống bơ đựng máu và những xác người bị treo ngược, cổ bị cắt, bụng bị phanh.

Từ hôm nghe tin con chết, chị Hưng đâm ra cáu gắt. Bất cứ ai chị cũng gắt gỏng, không kiêng nể. Chị mắng chồng là lóng ngóng, chị mắng con gái là lười biếng khi bữa ăn chậm, chị mắng đứa con út, đứa trẻ mà chị vẫn dỗ dành  chiều chuộng là hư đốn là lêu lổng chơi bời, chị mắng con chó vàng là suốt ngày chạy rông,  chị đá con mèo vì ăn vụng cá kho, chị vạc cả với bà hàng xóm vì vay mì không chịu trả đúng hạn, chị phê bình gay gắt bà giám đốc phân xưởng bánh kẹo, nơi chị làm việc, là sự tư lợi khi bà này mua quá tiêu chuẩn hai quả cam. Và còn tôi… thi thoảng chị lại bĩu môi, lẩm bẩm…

Trong nhà Hưng như cơn mê hoảng. Vợ Hưng cáu gắt mắng mỏ, la hét suốt ngày. Có mặt chị là có tiếng nói ồn ĩ. Bệnh cáu kỉnh lây sang cả cô con gái nhu mì của chị. Tuần lễ vừa qua, thiếu gạo, bệnh la hét lại tăng thêm độ trầm trọng.

Nỗi buồn phiền làm Hưng không muốn ở nhà nữa. Tối nào anh cũng vác xe đạp đi biến. Anh lại tái phát bệnh lang thang cố hữu. Anh đến nhà bạn bè, để rồi ngồi lì ra câm lặng. Anh có nghe mọi người nói chuyện, hay chẳng nghe ai nói, cũng chẳng biết nữa. Đi chán, anh quay về nhà, suốt đêm vùi đầu đọc sách. Anh Hưng, niềm kiêu hãnh của chị bây giờ chị cũng luôn gây chuyện, rồi mắng mỏ. Mới đầu chị còn mắng nhẹ, hômqua mắng to. Chị bảo anh là lẩm cẩm, là mọt sách, là vô tích sự, là sự chẳng nghĩ đến con cái, là vô trách nhiệm để gia đình nghèo túng. Lần đầu tiên anh Hưng nổi xung, anh bảo chị là ngốc, anh bắt chị “câm họng đi”. Anh gầm lên, con sư tử tàn nhẫn bắt đầu thức dậy trong anh. Không gian nhà anh bỗng dưng chết lặng cái ấm cúng, và ngấm độc hằn thù.

Đêm, anh khóc. Tôi nằm cạnh anh, run lên đau đớn, cứ nghĩ xa nghĩ gần : “Không gian ta đang ở đang bị ô nhiễm tàn nhẫn, tình thương vào lúc này ai nói đến là thằng ngốc, thậm chí còn mắc tội. Chúa nhân danh tình thương cũng nhắc đến sự tàn nhẫn. Tàn nhẫn đã len lỏi để đột nhập vào căn nhà nhỏ của Hưng, thánh đường của tình thương. Sẽ giúp gì được cho bạn? Giúp ai? Thân giúp thân còn chả xong. Bao nhiêu người đã băn khoăn lo lắng về vấn đề này, để cuối cùng lại buông tay, tự an ủi: Nó cũng chỉ như một cơn sốt thôi, cơn sốt cao ắt phải thế, nóng xong nhiệt độ ắt phải hạ. Có thực như vậy không? Người ta đã quên nhắc tới trường hợp: Nóng cao quá, tim sẽ đập rối loạn, mạch đập rất nhảnh rồi trầm đi, mạch yếu ớt, chân tay sẽ lạnh toát, mồ hôi sẽ vã ra, và con bệnh sẽ thở nhẹ, thở nhẹ dần cho đến lúc hơi thở biến mất, và cuối cùng bóng tối sẽ trùm xuống… Tôi không thích hơi thở nhẹ dần và bóng tối. Vậy thì hãy hết sức tận lực chống chọi cho đến những khả năng cuối cùng… Hãy đắp nước vào trán, hãy châm cứu, hãy tiêm thuốc hồi sinh, hãy cho uống thuốc giảm nhiệt, và nhất là hãy dùng kính hiển vi mà soi, mà tìm, mà truy lùng cho ra giống vi trùng, giống virus nào đã gây nên căn bệnh hiểm  nghèo hiện đại này”.

Trong cơn khắc khoải, tôi bỗng nhớ cây đàn. Tôi trở về nhà anh chị Trần, trở về với cây đàn. Một phút sung sướng đầu tiên trong ngày. Cảm giác được nghỉ ngơi, được xa lánh cái bồn chồn quái đản cứ bám dính lòng tôi. Cảm giác được trở về quê nhà. Cảm giác sắp được gặp gỡ một người bạn hiền lành đã chia tay từ lâu và vẫn luôn mong gặp lại. Cây đàn, nơi ở ẩn của tâm hồn tôi. Khúc Trương Chi còn dang dở, khúc nhạc yêu dấu, đứa con mang nặng trong lòng từ bao lâu chợt lại hiện ra.

… Anh Trương Chi đang nằm trong con đò nát. Anh hấp hối. Hầu như anh không hát nổi nữa. Trương Chi mặc cho con đò trôi ngang lầu hoa, để được ngắm những chiếc đèn lồng, để được chiêm ngưỡng cái dáng cao kỳ của người đàn bà đã đẩy anh tới bên bờ cái chết. Tiếng hát Trương Chi, cái sức mạnh đặc biệt nhất của anh đã làm đảo điên trái tim người đàn bà đẹp nhất trần gian ấy, chẳng lẽ lại đành bặt lịm hay sao? Con vật sắp chết vùng vẫy mạnh mẽ nhất. Tiếng hát lúc sắp chết cũng phải hay nhất, và thế là Trương Chi cất tiếng… Anh mới chỉ hát một câu thôi… Người đàn bà kiêu kỳ kia bỗng ôm lấy mặt, gục xuống bên chiếc đèn lồng. Trương Chi hộc ra một bát máu – Bóng tối lan dần rồi trùm xuống ánh mắt anh… Phải chăng sự tàn nhẫn đã thắng thế?