Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Câu chuyện thứ tám: Cho cậu kiện, tôi xử

Vũ Trọng Khải

Ấy là câu nói của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Văn Lộc với tôi hồi cuối năm 1969, năm Kỷ Dậu, khi tôi mới 24 tuổi đời, 2 tuổi nghề.

Chuyện là thế này:

Năm 1968 là tròn 10 năm tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc. Bộ Chính trị giao cho Ban Nông nghiệp Trung ương Đảng tổ chức tổng kết 10 năm hợp tác hóa nông nghiệp. Ban Nông nghiệp lại giao cho Bộ Nông nghiệp việc tổng kết về chính sách của nhà nước khuyến khích phát triển nông nghiệp trong khu vực kinh tế tập thể của nông dân (không bao gồm các nông, lâm trường quốc doanh do Bộ Nông trường Quốc doanh quản lý). Ông Nguyễn Văn Lộc lại giao việc này cho Thủ trưởng trực tiếp của tôi là ông Nguyễn Văn Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, kiêm Trưởng Phòng Chính sách – Giá cả, thuộc Vụ Kế hoạch.

Tôi là cán bộ nghiên cứu của phòng này từ khi tốt nghiệp đại học (tháng 8 năm 1967). Ông Minh vốn là thiếu tá quân đội chính ủy lữ đoàn, chuyển ngành về Bộ Nông nghiệp. Ông vốn là một nông dân “nguyên chất”, tuy không được đào tạo bài bản, nhưng do tâm huyết với nông dân, nông nghiệp, vốn lại thông minh, nên thường có những ý tưởng mới, sắc sảo, độc đáo. Hạn chế của ông là không tư duy hệ thống, viết và nói không rõ ràng nên thường gây hiểu lầm. Mọi người bảo ông lẩm cẩm. Nhưng tôi thì không. Ông Minh tin tưởng tôi hoàn toàn, nên giao mọi việc nghiên cứu tổng kết chính sách cho tôi, từ thiết lập đề cương nghiên cứu, biểu mẫu điều tra, tổ chức khảo sát thực tế ở các hợp tác xã, hộ xã viên trên các vùng sản xuất nông nghiệp khác nhau, sưu tầm tư liệu thứ cấp, xử lý tư liệu, viết báo cáo và cả trình bày báo cáo trước Bộ trưởng Lộc và Đảng đoàn (lúc đó không gọi là Ban Cán sự như hiện nay) Bộ Nông nghiệp. Để thực hiện việc này, Bộ đã trưng dụng một số cử nhân kinh tế nông nghiệp vừa tốt nghiệp khóa 9 năm (1968) của Đại học Nông nghiệp Hà Nội, tham gia tổ công tác do ông Minh phụ trách. Những cử nhân này phải là cán bộ được cử đi học đại học (không phải là học sinh phổ thông vào thẳng đại học), phần lớn là đảng viên. Còn tôi thì không phải là đảng viên và vốn là học sinh phổ thông vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế – Kế hoạch Hà Nội, ngành kinh tế nông nghiệp, năm 1967, chưa hết tập sự. Do được ông Minh giao nên trên thực tế, tôi là người chỉ huy tổ công tác này, gồm những cử nhân hơn tôi cả chục tuổi đời.

Ngày 30 tháng 4 và cả sáng ngày 1 tháng 05 năm 1969, Bộ trưởng Lộc và các ủy viên Đảng đoàn đã nghe báo cáo tổng kết 10 năm chính sách của nhà nước khuyến khích phát triển nông nghiệp trong khu vực kinh tế tập thể (hợp tác xã).

Ông Minh nói với lời phi lộ, rồi để tôi trình bày trong suốt buổi sáng 30 tháng 4 năm 1969. Sau đó các ủy viên Đảng đoàn thảo luận đến trưa 1 tháng 5 thì nghỉ mà không có kết luận. Người sắc sảo và có học nhất (tú tài Tây) là Thứ trưởng, Ủy viên Đảng đoàn, ông Nguyễn Chương phát biểu đại ý: Tán thành những điểm trong nội dung báo cáo, nhất là phần đề xuất thay đổi chính sách trong thời gian tới, nhưng không thể gửi báo cáo này cho Ban Nông nghiệp Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đảng với tư cách là chính kiến của Đảng Đoàn Bộ Nông nghiệp. Còn Bộ trưởng Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn không phát biểu gì mang tính kết luận cuối cùng, chỉ khen động viên mấy câu. Như vậy, có thể hiểu ngầm ý kiến của ông Nguyễn Chương là kết luận (?).

Bản báo cáo dài gần 200 trang in roneo trên khổ lớn (như khổ giấy A4 bây giờ) của tôi tưởng đã đi vào quên lãng. Không ngờ, mấy hôm sau, tôi đang ngồi làm việc, thì có một cán bộ ở Viện Kinh tế Việt Nam sang tìm, ông tự giới thiệu là Phạm Mạnh Tiến, Thư ký tòa soạn tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, được ông Trần Phương cử sang gặp tôi. Ông Trần Phương khi đó là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (tiền thân của Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ngày nay) kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và kiêm Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Kinh tế (sau này, thời “giá – lương – tiền”, ông là Phó Thủ tướng Chính phủ). Ông Tiến yêu cầu tôi chuyển báo cáo tổng kết này thành bản nghiên cứu để có thể đăng trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế (theo chỉ đạo của ông Trần Phương). Để làm điều đó, tôi phải “thêm mắm, bắt muối” cho bài báo cáo. Đó là thêm phần lý luận Mác – Lênin – Stalin, cho có vẻ khoa học, bớt một số thông tin mà thời đó cho là “bí mật quốc gia”. Ví dụ điển hình là tỉ giá đồng rúp và đồng Việt Nam trong thanh toán mua vật tư (phân bón, xăng dầu, máy kéo…) giữa Liên Xô và Việt Nam. Hồi đó cái gì cũng bí mật! Đến mức muốn sang Bộ Ngoại thương do luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng (ông không phải đảng viên Đảng Lao động) để xin các số liệu này, tôi phải lấy thư tay của ông Lộc với tư cách Bí thư Đảng đoàn Bộ Nông nghiệp (không phải Bộ trưởng) gởi Bí thư Đảng đoàn Bộ Ngoại thương lúc đó là Thứ trưởng Lý Ban!

Lúc đầu gặp tôi, ông Phạm Mạnh Tiến không tin tôi là tác giả của báo cáo này, vì nhìn cái mặt tôi có vẻ còn “hôi sữa”! Tôi phải chứng minh bằng cách cho ông Tiến xem bài viết tay của tôi dài hơn 200 trang, tương đương khổ A4 bây giờ.

Thế là bài báo cáo của tôi được đăng vào sổ tháng 12/1969 trên tờ Nghiên cứu Kinh tế với 34 trang, chiếm ½ tổng số trang của tờ tạp chí. Thời đó, tạp chí này 2 tháng mới ra 1 kỳ và chỉ có những “gạo cội” trong giới kinh tế học mới có hy vọng được đăng bài trên tờ tạp chí duy nhất và cao nhất về khoa học kinh tế ở miền Bắc lúc đó.

Trong cuộc họp cuối năm 1969 của chính phủ, ông Đỗ Mười, Phó Thủ trưởng phụ trách tài – mậu (tài chính – thương nghiệp), cầm tờ tạp chí có đăng bài của tôi quát ông Lộc: ai cho Trần Phương đăng bài này? (Thật vô lý). Ông Lộc về thuật lại câu chuyện ấy và hỏi tôi: Mày viết cái gì cho lão Trần Phương đăng trên tạp chí mà hôm nay ông Đỗ Mười mắng tao thế đấy. Tôi phải trình bày sự tình đầu đuôi câu chuyện.

Nguyên nhân làm ông Đỗ Mười tức giận là vì chính phủ vừa ban hành Nghị định 84CP do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký: “Nhà nước thống nhất quản lý lương thực, tiến tới xóa bỏ thị trường tự do về lương thực”. Tất nhiên bản nghị quyết này do Ban Tài – Mậu Trung ương, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Đỗ Mười, soạn thảo và trình ông Phạm Văn Đồng ký. Nghị định này không chỉ quy định việc nhà nước độc quyền phân phối lương thực, mà còn bao cấp cho cả nông dân về lương thực “tối thiểu 13, tối đa 18”. Điều đó có nghĩa là ở hợp tác xã nào, xã viên chỉ được phân phối dưới 13kg lương thực quy thóc/1 nhân khẩu/1 tháng, thì nhà nước sẽ bán bù cho đủ 13kg, với giá rẻ “như cho”, còn ở hợp tác xã làm ra nhiều lương thực, xã viên cũng chỉ được phân phối tối đa 18kg/1 nhân khẩu/1 tháng. Thế mà trong bài báo trên, tôi lại kiến nghị “Hợp tác xã và xã viên sau khi hoàn thành nộp thuế nông nghiệp bằng lương thực, bán lương thực theo mức và giá nghĩa vụ (giá thấp “như cướp”) do nhà nước giao, họ được tự do lưu thông buôn bán không giới hạn số lượng và địa giới hành chính” (lúc đó nhà nước thu mua có 0.30 đồng/ 1 kg thóc (ba hào), còn ở thị trường tự do (bị gọi là thị trường chợ đen), giá cao gấp 7-8 lần, có khi 10 lần giá bán theo nghĩa vụ).

Thế là tôi đã mắc tội “xét lại, mất quan điểm, lập trường”,  “đòi khôi phục kinh tế tư bản”. Nghe ghê quá. Nếu lúc đó tôi không phải một thằng trẻ con, dưới con mắt của tổ chức, thì đã bị bắt tù theo nhóm “xét lại” rồi. Thời đó, tướng Đặng Kim Giang, Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Nông trường Quốc doanh (Bộ trưởng là ông Nghiêm Xuân Yêm, đảng viên Đảng Dân chủ) sau khi khảo sát ở Liên Xô, đã kiến nghị cho công nhân nông trường quốc doanh có đất làm kinh tế phụ gia đình như xã viên hợp tác xã. Thế là ông bị quy là “xét lại”, bị tù đày, quản thúc không có án hàng chục năm cho đến chết. Còn mấy anh chuyên viên ở Vụ Tổ chức nghe được chuyện ông Đỗ Mười nói vậy đã không tha cho tôi. Họ nói với ông Minh ý định thu hồi quyết định hết tập sự của tôi. Tôi phải lên báo cáo Bộ trưởng Lộc. Ông đang ngồi ở góc phòng, tay vỗ vỗ ống điếu cày, kêu bộp, bộp, rồi ngẩng mặt lên bảo tôi “Cậu kiện đi, tớ cho cậu kiện, tớ xử”. Nhưng tôi chẳng kịp làm gì, mà thực ra cũng chẳng dám kiện ai, thì mọi việc đã được giải hòa. Chả là vì ông Tòng, thư ký riêng của Bộ trưởng Lộc nghe hết câu chuyện và cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Lộc và tôi, rồi “phôn” cho Vụ Tổ chức – Cán bộ của Bộ Nông nghiệp, truyền đạt ý kiến của ông Lộc cho phép tôi kiện lên Bộ trưởng nếu Vụ Tổ chức thu hồi quyết định hết tập sự của tôi.

Thế mới biết cái tuổi của tôi, Ất Dậu 1945, tôi vẫn được “quý nhân” phù trợ đúng vào năm Kỷ Dậu 1969, khi tôi mới 24 tuổi.

Ông Nguyễn Văn Lộc thì cứu tôi khỏi án kỷ luật dưới hình thức thu hồi quyết định hết tập sự. Ông Nguyễn Văn Minh đã tạo ra “bầu trời” để tôi được tự do tư duy bằng bộ óc của mình, ông Trần Phương thì làm tôi thành kẻ trẻ nhất, có bài “góc cạnh” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, còn tôi có thể được gọi là người đầu tiên đòi quyền tự do lưu thông lương thực nói riêng và nông sản nói chung cho nông dân, như trước đây nó vốn vẫn tồn tại trong nền kinh tế nước ta, dù là sản xuất hàng hóa nhỏ. Ấy vậy, cái điều tưởng như đơn giản ấy, mãi đến 1986, nó mới trở thành hiện thực, tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” mới được gỡ bỏ.

1/2014

V. T. K.