Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Một bài báo của Phan Khôi về Phan Châu Trinh

Lại Nguyên Ân sưu tầm và giới thiệu

PCT_500

Phan Khôi

Theo sự tìm hiểu của tôi, sau khi buộc phải ngừng tuần báo Sông Hương (1936-37) và bán lại giấy phép cho nhóm cộng sản ở Huế, Phan Khôi trở lại làm việc theo lối viết bài cộng tác với các báo như trước. Tờ Đông Dương tạp chí của Nguyễn Giang ở Hà Nội đăng tải khá đều các bài viết của ông, kể từ cuối năm 1937 cho đến khi tuần báo này ngừng hẳn, trong năm 1939.

Ở bài viết về Phan Châu Trinh dưới đây, có một điều đáng chú ý. Lương dân truyện của Phan Châu Trinh mà Phan Khôi nhắc tới, hiện vẫn là tác phẩm chưa ai biết tới trong di sản cụ Tây Hồ. Bởi vậy, cùng với thông tin do Phan Khôi cung cấp, các chuyên gia về Phan Châu Trinh nên tìm tòi thêm.

HẠNG “LƯƠNG DÂN” CỦA PHAN CHÂU TRINH

hay là: từ Nguyễn Thuật, Hồ Lệ, đến ông Bùi Bằng Đoàn

Trong một mẩu thời sự của Đông Dương tạp chí số 25 vừa rồi, có dẫn một đoạn văn của Việt báo, [a] đại ý là trách các báo quốc ngữ sao không chịu tán dương mấy ông quan lớn của Nam triều mà theo ý họ cho là đáng tán dương. Tôi không sợ phiền mà trích đoạn văn ấy vào đây lần nữa:

“Ông Bùi Bằng Đoàn, thượng thư bộ Tư pháp của triều đình Huế, lúc nào cũng ăn ở như người dân thường, không nhà lầu, ô-tô, không đồn điền, trại ấp, mà trong túi không bao giờ có thừa đến hơn chục bạc; ông Hồ Đắc Điềm làm đến tổng đốc mà không bao giờ chịu nhận lễ vật của một người dân hay của một vị thuộc quan nào tuy đã giúp cho những quan, dân ấy được việc; ông bố chánh Cung Đình Vận nhiều khi trá hình giả dạng, quên cả tính mệnh trong những cuộc xông pha bắt cướp để giữ gìn sự yên tĩnh cho dân. Những gương sáng trong quan trường như thế, kể ra không phải ít và không phải không thể kể được; nhưng những chính kiến hay, chính sách tốt của những người đáng vị “mục dân” ấy chẳng bao giờ được các nhà cầm bút tuyên dương”.

Đông Dương tạp chí đã sống lại với cái linh hồn của kiếp trước nó (tôi muốn nói cái linh hồn ưa trực trị), [b] tự nhiên là sau khi dẫn mấy lời ấy, nó không chịu biểu đồng tình với Việt báo.Nhưng tiếc thay, không muốn nói thẳng, người viết mẩu thời sự cỏn con ấy chỉ phản đối bằng một giọng lơ lửng mà rằng:

“Riêng về phần chúng tôi, vì lẽ chúng tôi chưa bao giờ có dịp đến xin hay là đến vay cụ thượng Bùi Bằng Đoàn một chục bạc để mà biết rằng cụ không lúc nào có một chục bạc trong túi; chúng tôi chưa từng đem lễ vật đến dâng ông Hồ Đắc Điềm, chúng tôi chưa từng được ông Cung Đình Vận giữ gìn tài sản cho chúng tôi… thì chúng tôi không dám có lời tuyên dương”.

Bạn đọc nào có đầu óc sỗ sã, đọc qua mấy câu trên đây chắc lấy làm dễ lọt tai lắm, vì nó thực tình, không úp mở. Nhưng cái cớ mấy ông quan “tốt” không hề được các báo tán dương có phải chỉ tại thế mà thôi chăng, điều ấy vẫn đáng ngờ. Đáng ngờ bởi ở chỗ, như tôi đã nói, người viết không muốn nói thẳng.

Nói thẳng là như ông Phan Châu Trinh đã nói về hai ông Nguyễn Thuật và Hồ Lệ, thượng thư triều Thành Thái.

Sự nói thẳng, một phương diện, đôi khi được khen là dạn miệng, nhưng một phương diện khác lại luôn luôn là khờ. Ông Phan Châu Trinh, như chúng ta vẫn biết, là người chẳng tính lợi hại, chẳng quản cái “khờ” của mình, cho nên ông hay nói thẳng. Còn tôi, khi thuật lại lời của ông ra đây, chẳng những chẳng phải là khờ mà là “khôn”, vì tôi chỉ thuật lại mà thôi.

***

Tôi thường nói: Xứ ta vào thời này, ngó như là mới mẻ lắm, mà kỳ thực có nhiều cái tư tưởng hủ bại đời Tự Đức đến bây giờ vẫn còn nguyên. Thì hôm nay, tôi càng tin lời ấy của tôi là đúng. Đọc đoạn văn của Việt báo khiến tôi nhớ lại chuyện ông Phan Châu Trinh đả đảo một cái tư tưởng sai lầm của sĩ phu đối với mấy vị đại thần hồi triều Thành Thái, cách đây ba mươi năm. Đã ba mươi năm mà hình như cái tư tưởng ấy còn sống y nguyên trong đầu Việt báo, cho nên mới nẩy ra được đoạn văn dẫn trên đó.

Nhớ đâu vào triều Thành Thái năm thứ 13 hay 14, [c] bấy giờ ông Nguyễn Thân đã phải trả chức thủ tướng lại và đi về rồi, nhà nước mời ông Nguyễn Thuật ra làm thượng thư bộ Lại, ông Hồ Lệ ra làm thượng thư bộ Binh. Hai ông đều là người Quảng Nam chúng tôi, và đều có ý chống với ông Nguyễn Thân từ trước; bởi vậy khi ông này lên chấp chính thì hai ông kia phải về nằm nhà. Vả trong mấy năm ông Nguyễn Thân ở ngôi thủ tướng, có làm nhiều việc mà người ta lấy làm bất bình lắm; đến nay hai ông nọ vốn là tay cừu địch với ông kia, được vời ra thay thế, ai nấy nghĩ rằng thế nào cũng sẽ có một phen cải cách lớn về chánh trị, nên hết sức hoan nghinh.

Trong sử Tàu hồi vua Thần Tôn nhà Tống,[d] Vương An Thạch làm tể tướng, thi hành tân chánh, nhân dân bị khốn đốn một lúc lâu. Đến sau, An Thạch bãi tướng, Tư Mã Quang là tay chình địch với An Thạch lên thay, khắp cả nước đều mừng rỡ. Quả nhiên những việc làm hại dân của An Thạch bày ra đều lập tức trừ bãi, trăm họ lại được thong thả làm ăn. Thì ở nước ta bấy giờ, lúc hai ông Nguyễn và Hồ tái khởi, người trong nước cũng có cái tâm lý như thế. Nhất là bọn nhà nho, họ càng có hy vọng hơn ai hết, vì họ tin chắc cái việc đã xảy ra ở bên Tàu thuở nhà Tống thì cũng phải xảy ra ở lúc đó trong nước mình.

Các ông nghè, ông bảng ở Huế, người thì làm thi ca tụng, kỳ vọng hai ông ấy làm nên bậc “danh tướng” buổi “trung hưng”, người thì dâng thư điều trần, xin hai ông chấn hưng việc lợi này, trừ khử mối tệ nọ… Rộn như bướm bay! Rền như pháo nổ!

Thực sự, từ sau khi lập Bảo hộ, quyền nội trị đã về hết thảy trong tay quan Khâm sứ; vua và các đại thần không có thể thi thố mọi việc theo ý mình. Như thế, các ông đại thần, dầu là người tốt mấy đi nữa, cũng không làm sao cho ích quốc lợi dân được; còn người xấu, cố nhiên là có thể làm hại.

Cái thực sự ấy ngày nay thì rõ ràng dễ thấy lắm, nhưng lúc bấy giờ hầu như không có người nào thấy cả, trừ một mình ông Phan Châu Trinh.

Ông Phan bấy giờ đương làm thừa phái bộ Lễ. Giữa lúc cả triều quan lớn quan nhỏ ngửng cổ trông vào hai bậc hiền tướng, nô nức chờ xem khí tượng mới của triều đình, thì ông ngó họ bằng cặp mắt lạnh lùng, chế riễu bằng cái cười “miếng chi”. Người ta vẫn còn chưa hiểu, nên ông phải nói thẳng ra trong một truyện ngụ ngôn, làm kẻ nào đọc đến đều tỉnh người và cụt hứng, tức là Lương dân truyện.

Ông Phan đã viết cái truyện này bằng chữ Hán, sau đó ít lâu tôi có nghe đọc một lần, bây giờ chỉ còn nhớ đại khái.

Đại khái tác giả đem một người dân lành ví với một vị đại thần hiền đức mà người ta đương mong cho làm nên công nghiệp vẻ vang trong thời ấy. Kết luận, tác giả cho rằng dù có vị đại thần ấy cũng chẳng làm gì được, hết sức cũng chỉ như một tên dân lành mà thôi, vì thế gọi là Lương dân truyện.

Một người dân cứ ban ngày đi cày (nghĩa là không đi chém trâu đốt nhà ai); ban đêm ngủ với vợ (nghĩa là không ngủ với vợ kẻ khác); đến bữa thì ăn; đến kỳ sưu thuế thì đóng góp; không rầy rà với ai; không làm mếch lòng đứa con nít; ở trong nhà, vợ con thấy dễ chịu; ra làng ra họ, mọi người đều ưa… Người dân ấy, làm hại ai thì quả rằng không; nhưng làm ích ai thì thật cũng khó cho rằng có!… Như thế là lương dân; lương dân tức là người không làm hại ai mà cũng không làm ích cho ai vậy.

Trong truyện, ông Phan vẽ ra một người dân như thế, rồi dùng một cách ám chỉ rất khéo léo mà chỉ ra rằng ông Nguyễn Thuật và ông Hồ Lệ tức là hạng lương dân ấy. Các ông ấy trong khi ở chức thượng thư, làm việc quan chạy, giao thiệp lanh, hòa với đồng liêu, dễ dãi với ty thuộc, không ăn hối lộ, không dẫn dắt con em, không mưu việc tư lợi… thế mà thôi, chứ không hơn, vì không thể làm hơn được. Không làm hơn được, không phải vì các ông ấy không có tài. Có tài cũng chỉ làm đến được như thế mà thôi, vì hoàn cảnh và địa vị bắt chỉ làm đến được như thế mà thôi.

Lương dân truyện là một bài văn rắn rỏi và chua chát. Văn hay, không đáng kể là mấy; đáng kể là nó tỏ ra người viết nó có kiến thức cao hơn người đương thời.

            Việt báo phát hành trong năm 1937 này, đáng lẽ cũng có cái kiến thức cao ấy mới phải; thế mà lại bảo chúng ta tán cái thái độ tiêu cực của mấy ông quan lớn, thì có lạ không? Tôi cho rằng chỉ có cái tư tưởng hủ bại ba mươi năm trước vẫn còn sống nguyên hiện trong óc người đời bây giờ thì mới thế mà thôi!

***

Cái Lương dân truyện của Phan Tây Hồ tiên sinh dạy chúng ta rằng, về việc nước, không nên để hy vọng vào cái bậc có ngôi cao lộc cả, vì họ không có quyền thi thố được việc gì cho chúng ta nhờ, từ hai ông Nguyễn Thuật, Hồ Lệ cho đến các ông Bùi Bằng Đoàn ngày nay cũng vậy. Không nên để hy vọng, đã hẳn; mà, chỉ tán dương mà thôi, là cũng không có thể tán dương. Trong khi muốn khen một người nào, ta còn nên nghĩ là xứng đáng hay không xứng đáng đã chứ.

Đại để một người, không cứ giữ một chức nghiệp gì, hễ làm vừa tròn bổn phận thì vừa đủ cho khỏi bị trách, chứ không đáng được khen. Cái nguyên tắc ấy nếu là đúng thì dù cho chính mình các quan thượng thư Nam triều cũng phải từ chối hay là lấy làm hổ thẹn khi được người ta khen mình.

            Việt báo đã biết ông Bùi Bằng Đoàn làm thượng thư bộ Tư pháp thì sao không biết hỏi đến việc làm của ông về bộ ấy coi thử có đáng tán dương không, lại đi chưng ra những sự không nhà lầu, ô-tô, không đồn điền, trại ấp, thậm chí trong túi không khi nào có chục bạc, là việc thuộc về đời tư của ông, là cái thái độ tiêu cực, [e] chẳng có ích cho dân chúng ở dưới trị quyền ông tí nào cả? Không, những cái ấy không đáng vào đâu hết; chúng ta trông vào ông thượng thư bộ Tư pháp là ở những cái hành vi tích cực kia. Nhưng mà những cái này thì ông đã không có quyền làm vừa lòng chúng ta được: chẳng hạn về việc thẩm phán thì dù vụ án có oan ức cũng cứ viện lẽ “chung thẩm” rồi bỏ qua; về việc lập luật thì còn nhiều điều bất công hay tàn khốc mà dân chúng đương kêu sửa chữa.

“Bắt chuột không hay, hay ỉa bếp”, ‒ ấy là câu người ta lên án con mèo nào không có công mà có tội. Làm thượng thư mà không có ô-tô, đồn điền, làm tổng đốc mà không thâu lễ vật, không ăn hối lộ, vừa đủ không tội là may, chứ đã có công gì cho đời ca tụng? Bảo chúng tôi đi ca tụng những con mèo không ỉa bếp mà cũng không bắt chuộc hay sao? Những cái tiêu cực ấy ấy đâu phải là “chính sách” hay “chính kiến”?

Thực ra thì làm thượng thư mà làm cho ích quốc lợi dân thì dù có ô-tô nhà lầu, có đồn điền trại ấp, trong túi cứ xọc xạch bạc trăm, cũng chẳng hại chi; hơn nữa là mỗi bữa ăn giết hàng trăm con gà lấy mỗi con một cái lưỡi để nấu được một bát thang như một ông tể tướng bên Tàu đời xưa, cũng không lấy chi làm xa xỉ. Còn nếu không làm ra trò gì thì có thanh liêm cũng chẳng ai kể số. Ví chẳng khác trong đám làm báo chúng tôi, kẻ hút mỗi ngày ba chỡ [g] thuốc phiện, mang tiếng nghiện ngập mà viết được bài hay, thì hẳn xứng đáng hơn kẻ chẳng hút điếu nào mà cũng chằng viết được nên hình bài nào.

***

Nên nhắc cho bạn đọc nhớ rằng trong bài này tôi không có ý chê hay trách mấy ông thượng thư ta là bất tài, không làm được việc. Có tài hay không, tôi không nói đến; tôi chỉ thuật lại cái ý của bài Lương dân truyện của Phan tiên sinh, chỉ ra cho người khác thấy các ông ấy không có quyền làm ích cho ai. Làm một người dân mà thấy được chỗ đó cũng có lợi lắm: trước hết là khỏi có sự trông hão ước huyền ở các quan; sau nữa là ai lo lấy phần nấy.

Ông Phan Châu Trinh cũng vì thấy như vậy nên mới không cầy cục làm từ thừa phái để có ngày lên đến thượng thư. Cái chí của ông là muốn làm việc nước, mà ông đã biết rằng thượng thư không làm việc nước được nên ông không giốc lòng làm đến bậc ấy. Cho đạt được cái chí làm quốc sự, từ  ngày đó, ông bỏ quan mà về rồi hô hào huyên thiên để bị đầy đi Côn Lôn và nhân dịp ông sang Pháp. Rốt lại, công nghiệp của ông tuy không có gì rõ rệt cho lắm, chứ so với bất kỳ một ông thượng thư nào, ông cũng xa hơn lắm. Điều đó tôi không nói ngoa: tức như trong bạn đọc hẳn người nào cũng biết Phan Châu Trinh chứ đã mấy ai biết Nguyễn Thuật và Hồ Lệ, trừ ra khi đã đọc bài này của tôi.

Bắt người ta ở vào cái địa vị không thể làm gì được  rồi bảo người ta không làm được trò gì, không chịu tán dương người ta, ‒ một quốc dân như thế có lẽ đã bỏ mất lòng trung hậu. Nhưng may cho quốc dân Việt Nam không đến nỗi như thế, vì họ chưa hề bắt ai!…

PHAN KHÔI

Nguồn:

Đông Dương tạp chí, Hà Nội, s. 30 (4 Décembre 1937), tr. 13-14, 24.

Chú thích

[a] Việt báo: nhật báo, xuất bản tại Hà Nội, số 1 (18&19/8/1936), số cuối cùng: s. 1689 (9/2/1942), chủ nhiệm Bùi Xuân Học (sau là Trịnh Ninh), tòa soạn 24 ter Gia Long (sau là 70 – 80 Hàng Đường) Hà Nội.

[b] Đây là tờ Đông Dương tạp chí tục bản, ra số 1 vào 15/5/1937, số cuối vào tháng 9/1939; tòa soạn số 3 Hàng Gai, Hà Nội; chủ nhiệm là Nguyễn Giang, con trai Nguyễn Văn Vĩnh (15/6/1882 – 1/5/1936). Phan Khôi nhắc đến “kiếp trước” của tờ này tức là tờ Đông Dương tạp chí (15/5/1913 – 15/6/1919) của chủ nhiệm F. H. Schneider, chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh, tòa soạn 20 đường Carreau, Hà Nội; “trực trị” là thể chế chính trị mà nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương (khác với Phạm Quỳnh chủ trương một nền quân chủ lập hiến).

[c]  triều Thành Thái: từ 1889 đến 1907; năm Thành Thái 13 – 14 ứng với năm Dương lịch: 1901 – 1902.

[d] thời Tống Thần Tông (Trung Quốc): ứng với năm Dương lịch 1068 – 1085.

[e] theo nhận xét của tôi (L.N.Â.) thì cặp từ “tích cực”, “tiêu cực” mà tác giả Phan Khôi dùng trong bài này là với hàm nghĩa rộng hơn so với hàm nghĩa thông dụng hiện nay (đầu thế kỷ XXI). Theo hàm nghĩa rộng của chúng hồi cuối thế kỷ XIX – đầu XX, “tích cực” 積 極 (positive, active) / “tiêu cực” 消 極 (passive, negative); “phàm làm gì mà vụ tiến thủ thì gọi là tích cực, trái lại thì gọi là tiêu cực” (Đào Duy Anh: Hán-Việt từ điển); do vậy trong văn cảnh cụ thể ở bài này: “tiêu cực” có thể hiểu như (những nhân tố) “thụ động”, “bị động”; “tích cực” có thể hiểu như “chủ động”…

[g] Chỡ: chưa rõ nghĩa; trong văn cảnh thì có lẽ muốn nói đơn vị thời gian “lần”, “bận”, “cữ”…