Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Chuyện kể năm 2000 (kỳ 10) – tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn

*

*        *

Hắn không ngủ được. Hắn còn thức nghe tiếng thở căn buồng của hắn. Hắn nhìn lên tường nhà. Bóng cây xoan từ nhà bên cạnh không còn nữa. Nó không còn khi hắn chưa bị đi tù cơ. Phải rồi. Hắn đã nhớ ra. Hắn đã viết về cây xoan ấy trong một đoạn ký:

“Cành xoan vẫn hiện ra, in bóng lao xao trên bức tường mỗi khi hai vợ chồng trẻ tắt điện đi ngủ. Một ngọn đèn đường hắt bóng xoan bên nhà hàng xóm qua cửa sổ mở vào buồng họ. Họ nằm bên nhau, trò chuyện, than thở, bàn tính cuộc sống và yêu nhau bên bóng xoan luôn lay động trên tường. Thế rồi một hôm tắt đèn đi ngủ, người vợ nằm xuống bên chồng, bỗng thấy nhà mình sao khác lạ, như không phải nhà mình nữa. Nàng thấy thiếu vắng một cái gì thân thuộc. Và nàng đã hiểu. Hôm nay không còn bóng xoan trong nhà này nữa. Nàng nhìn quanh vẫn không thấy bóng xoan đâu. Bóng xoan thân thiết, người bạn nàng đặt hết niềm tin cậy, đã nghe mọi chuyện riêng tư, bí mật của vợ chồng nàng, đã nhìn nàng nằm cạnh chồng nàng. Người bạn tin cậy mà nàng đã cho nhìn ngắm thỏa thích thân hình nàng. Có lúc nàng còn đứng lên, nhìn bóng mình rõ như cắt giữa đám lá xoan quấn quít xung quanh, in cả trên người nàng, trên thịt da nàng, lao xao vì gió thổi. Nàng như nghe thấy cả tiếng rì rào, mặc dù vẫn hoàn toàn im lặng, chỉ có đôi mắt của chồng nàng say đắm chiêm ngưỡng nàng. Nàng đã xoay người để in bóng nhiều góc độ lên bóng xoan, vì chồng nàng thích thế. Bóng xoan đã chứng kiến nàng ân ái cùng chồng, đam mê và hạnh phúc.

Phải rồi, hôm nay thiếu mất bóng xoan, thiếu người thứ ba trong căn buồng của vợ chồng nàng, người thứ ba chỉ khi tắt đèn đi ngủ mới tới, xôn xao trước hạnh phúc của nàng, người bạn thủy chung, đem vào theo trời đất đêm khuya, khiến nàng có cảm giác thoát khỏi thành phố chật chội, thoát khỏi những lo toan hàng ngày, đang cùng chồng nằm giữa thiên nhiên, có sao trời cây cỏ, có gió lùa giữa khoảng không. Hôm nay chỉ một ô vuông ánh đèn đường. Nàng ngơ ngác hỏi chồng: “Cây xoan đâu rồi anh?” Chồng nàng ôm lâý nàng an ủi: “Người ta đã đẵn xoan đế lát một cái hầm trú ẩn”. Nàng buồn rầu thấy như chính một phần nàng đã mất đi…”

Bình rất thích đoạn ký ấy. Anh “khuếch trương” thêm:

- Viết về chiến tranh phải như vậy. Chiến tranh đi vào từng ngóc ngách cuộc sống con người. Cả trong lúc ngủ. Nổ súng chỉ là động tác cuối cùng.

Không còn bóng xoan nữa. Cái ô sáng hình chữ nhật chết cứng trên tường, không hồn, nhưng vẫn có tác dụng tạo ra một thứ phản quang dìu dịu, giúp hắn nhìn rõ màn của vợ con hắn.

Ngọc, con Thương, bé Dương nằm ngủ trên chiếc giường ba xà. Thằng Hiệp một mình một màn ở gần cửa, ngay dưới sàn. (Hắn nghĩ: Chắc là mọi ngày mấy mẹ con vẫn nằm như vậy).

Hắn nằm ở góc trong cùng.

Hắn nằm và nghĩ ngợi.

Hắn nghĩ tới hơn một ngàn đêm trong tù hắn đã trải. Những đêm xà lim 76, cuộc đời bị chém ngang, vết chém tươi máu, máu chảy như không bao giờ cạn từ trái tim hắn, trái tim nàng, trái tim bố mẹ già tưởng đã cạn máu lâu rồi. Máu chảy từ đôi mắt các con thơ. Máu chảy từ những trang giấy hắn viết nằm trong két sắt an ninh. Những đêm xà lim 75 kín mít trong một hộp bê-tông. Về mùa lạnh, lạnh buốt ruột. Về mùa nóng lại càng khủng khiếp. Hắn trần truồng gối đầu lên cùm sắt. Để đỡ đau đầu, hắn trảí lên đó một cái quần đùi. Không thể nằm xuôi, hắn đành nằm ngược như vậy. Phản gỗ xà lim vừa hẹp vừa ngắn, lại có cái cùm sắt cộm lên ở một đầu. Nằm xuôi phải ghếch chân lên cùm. Chân mỏi và rất đau, nằm lâu không chịu nổi. Thay vì cho chân vào cùm, hắn gối đầu lên cùm. Đó là tư thế có thể chấp nhận được.

Nhưng dù ở tư thế nào cũng phải để ý khi giở mình. Phản nằm quá hẹp, giở mình ra phía ngoài là rơi xuống đất. Giở mình vào phía trong, mặt, đầu gối đập ngay vào tường vẩy cách âm, lổn nhổn những con ốc xi-măng nhọn hoắt, điếng người. Muốn giở mình an toàn, phải nhấc người lên một chút, nhích chuyển người một chút, rồi mới lật nghiêng đi. Lâu dần thành phản xạ, hắn làm được như vậy cả trong lúc ngủ.

Hắn nằm, gối đầu lên cùm và nghĩ tới người tử tù nằm ở xà lim chênh chếch phía bên kia phải cho chân vào cùm. Thỉnh thoảng hắn lại hét to, hỏi Đỗ, người tử tù bên ấy:

- Ngủ chưa?

- Chưa.

Tiếng Đỗ đáp xa xăm. Vì Đỗ nằm quay đầu về phía tường xa, chân Đỗ trong cùm ở phía cửa, phía hành lang. Chân Đỗ quay về phía hắn. Sau nửa năm xà lim 76, hoàn toàn im lặng, sang xà lim 75 được đối thoại. Tỉnh người. Dù là bên này nói vọng sang bên ấy.

- Hát lên đi.

- Cửa nhà bán hết i i… a cho chân vào a a a. Cùm!

Tiếng Đỗ ê a vọng sang vẫn xa xăm như vậy. Cả tiếng cười sau đó cũng xa xăm như vậy. Hắn biết Đỗ vẫn nằm mà hát, mà cười. Nếu Đỗ ngồi, tiếng Đỗ nghe gần hơn một tý. Được nói với đồng loại, được nghe tiếng đồng loại, dù đồng loại ấy đã mang cái chết trong mình, đang đợi giờ phút nhận những viên đạn vào ngực để về với đất, vẫn hơn là nói với bóng đêm, nghe tiếng của bóng đêm.

Khi mới chuyển sang xà lim 75, lần đầu tiên trông thấy Đỗ, hắn ngơ ngác. Ông quản giáo mở cửa xà lim của hắn, hắn cầm bô, cầm khăn mặt bước ra hành lang nhập bọn với mấy người đang đứng chờ ông quản giáo đi vào mở xà lim phía trong cùng. Một người mặc quần áo sọc – bộ quần áo tù cổ điển, đúng quy tắc – bước ra. Người ấy cúi đặt bô xuống đất và nhanh nhẹn cầm cái xiềng (lúc ấy hắn mới để ý đến đống xiềng xích để ngay cửa xà lim) thành thạo, thuần thục, bấm vào chân mình đánh “tách” rồỉ cầm tiếp cái khóa vòng ở đầu xích bên kia bấm vào cổ chân còn lại: “tách”. Chưa hết. Đỗ, người ấy là Đỗ, cầm sợi xích sắt giữa hai cổ chân kéo lên, buộc vào dải rút quần. Đỗ đi đến đâu loảng xoảng đến đó, như Jean Valjean trong nhà tù kín, đeo nhạc trên người.

Đấy là lần đầu tiên hắn nhìn thấy cái xiềng. Và cũng lần đầu tiên hắn thấy một người tự xiềng mình gọn gàng, thuần thục như vậy. Đỗ râu ria như hắn râu ria, pi-gia-ma sọc, cầm bô ngang người, khóa hai chân, xích sắt va đập loảng xoảng cùng hắn đi đổ bô. Từ nay hắn đã có bạn: Bạn đi, bạn về. Từ nay hắn không cô độc nữa.

Đỗ bao giờ cũng làm vệ sinh lâu hơn hắn. Vì Đỗ còn phải làm thêm một việc: Giặt cái giẻ chùi đít. Miếng giẻ nâu bằng bàn tay. Đỗ vò, vắt khô, để trên nắp bô lật ngược cho khỏi rơi. Hôm nào tắm, Đỗ được mở xiềng ở bể. Đống xích và khóa nằm gọn ngoài sân. Tắm xong, Đỗ lại cúi xuống “tách”, “tách”. Rồi lại buộc dây xiềng lên dải rút để nó khỏi kéo lê trên đất. Đỗ cùm về đêm. Ngày xiềng. Cổ chân Đỗ rời xiềng là cho vào cùm, nên đen bóng như sừng, như vai trâu.

Hắn ở với Đỗ lâu nhất. Phải đến nửa năm. Đỗ mắc tội giết vợ. Khi còn làm báo hắn đã nghe chuyện. Vậy là Đỗ đã tù đến ba năm. Hắn cứ tưởng Đỗ bị bắn chết lâu rồi. Hóa ra Đỗ vẫn nằm chờ được tha tội chết.

Đỗ là dược sĩ cao cấp đã có vợ, bốn con. Lại có người yêu là dược tá. Vợ Đỗ bị chết. Pháp y mổ, thấy trong tử thi có xianuya thủy ngân. Đỗ bị bắt. Đỗ nhận đã lấy độc dược bảng A này trong kho cho vợ uống.

Đỗ bị tử hình. Xử án xong, tưởng Đỗ bị bắn ngay, cô dược tá về buồng giam, xé màn để tang Đỗ. (Cô bị kết án hai năm tù). Bà quản giáo giải thích thế nào cô cũng không tin.

Chỉ đến khi trại bố trí dẫn Đỗ đi đổ bô quành qua bê nữ để cô trông thấy, cô mới cất bỏ khăn trắng. Nhưng Đỗ bảo với hắn: Thật sự kho dược của Đỗ chỉ có ôxy xianuya thủy ngân, chứ không phải xianuya thủy ngân. Đó là hai chất hoàn toàn khác nhau. Chất độc trong người vợ Đỗ là ở mấy vỉ thuốc của Việt kiều Tân Đảo. Đỗ cùng phái đoàn y tế đi thu theo chủ trương của Bộ.

- Mình thấy cái présentation(1) hay, ở dạng vỉ (dạo ấy thuốc dạng vỉ còn hiếm) nên đem về nhà.

Đến đoạn này hắn quên. Đại ý Đỗ nói chữ đóng trên vỉ viết tắt, Đỗ hiểu là thuốc đau bụng. Đỗ cho vợ uống.

Muốn gì thì cũng do mình nên vợ chết. Đỗ cam chịu mọi hình phạt. Đỗ đã viết đơn xin tha tội chết lên Chủ tịch nước. Đỗ hy vọng sẽ được tha tội chết.

Ban ngày xiềng, Đỗ được đi lại trong xà lim, Đỗ thò khuôn mặt râu ria ra cái ô nhỏ có chấn song như một ghi-sê ở cửa xà lim, nói chuyện với hắn. Hai người đứng rất giỏi. Phải cúi khom khom vì ô ghi-sê thấp, mà đứng được từ sáng tới lúc quản giáo mở khóa cho nhận cơm sáng.

Được đối thoại, được nghe, được nói, được trao đổi, được than thở, được trút nỗi niềm, được nhận một lời đổng cảm, dù là vẫn ở cách xa nhau, mỗi người một xà lim riêng biệt, sao mà hạnh phúc. Nghĩ lại nửa năm nhà mồ 76 hắn rợn người.

Trò giết thời gian được nhiều nhất là đánh cờ với Đỗ. Đôi bên kêu to như kiểu đánh tổ tôm điếm. Xa bát bình ngũ. Mã lục thoái tứ. Tốt tam tiến nhất. Ở 76 hắn đánh cờ một mình. Cấu những mảnh vỏ cam thành những chữ M (mã) T (tốt)… úp mặt vỏ cam đỏ lên làm quân đỏ, lật mặt cùi trắng lên làm quân trắng. Hắn đánh cả hai bên. Cũng pháo đầu mã đội, tiến công. Cũng lên

(1) Cách trình bày, đóng gói

tượng thế thủ. Cũng pháo tuần hà rình bắt xe. Cũng xuống xe cản tượng, nổ chiếu bí. Những nước cờ thuộc lòng. Đi nhanh như máy. Kết cục các ván cờ đều hòa. Hắn chẳng làm sao lừa nổi hắn. Không biết có ai tự lừa dối được mình không, chứ hắn thì hắn chịu.

Sang xà lim 75, hắn có người để đấu trí. Hắn có người để lừa, để bị lừa, để nghĩ, để thoát khỏi thế bí, để phản công. Bên xà lim hắn, bên xà lim Đỗ đều có quân, xướng quân nào đi quân ấy. Nhưng Đỗ đánh thấp, hắn cứ thắng luôn. Cũng mất đi một phần thú vị.

Chiều đến, khi ông quản giáo vào mở khóa lần cuối cùng trong ngày là hắn buồn. Hắn đưa bát đũa ra ngoài và nghe từ bên xà lim Đỗ hai tiếng “tách” mở khóa xiềng, tiếng sập cùm, tiếng khóa cùm, rồi tiếng vứt xiềng ra ngoài hành lang, tiếng khóa xà lim Đỗ, tiếng gióng sắt xoang xoảng ngay đầu hành lang, lối đi chung vào dãy xà lim của bọn hắn, tiếng xoang xoảng của gióng sắt cửa phía ngoài sân xê-rom… thì hắn buồn. Hắn không được nhìn thấy mặt Đỗ thò ra cửa ghi-sê nữa. Đỗ bị cùm rồi. Tiếng Đỗ bỗng trở nên xa xăm:

- Cửa nhà bán hết i i a… cho chân vào a a a, cùm.

Quanh đi quẩn lại Đỗ chỉ hát có mỗi câu ấy.

Một mình hắn đối diện với đêm dài. Hắn nói vọng sang với Đỗ.

- Ngủ chưa?

Khuya rồi hắn cũng gọi sang.

- Chưa.

Tiếng Đỗ vọng lại. Hắn gọi to:

- Nghe mình hát nhé!

Hắn hát. Những bài hát thời Thiếu nhi Cứu quốc Hội. Những bài hát thời kháng chiến. Những bài hát thời hòa bình. Nhưng dù có cố thế nào cũng chẳng sao trốn được đêm dài xà lim đang chờ đợi hắn. Hắn mắc màn. Cái màn to rộng, màn cưới của vợ chồng hắn, dùng đã mười năm rồi, hắn túm tụm lại cho vừa sàn xà lim.

Đầu gối lên cùm sắt gỉ han

Màn cưới rách xà lim trò chuyện

Màn cưới cũ tàn dần kỷ niệm

Thơ của hắn đấy. Đến kỷ niệm cũng tàn. Thật là buồn nản. Hắn nằm, đầu gối lên cùm, sau khi đã để sẵn mảnh sắt tây – một nửa vòng tròn ống bơ sữa bò ở vị trí thuận tay. Nằm chờ trong bóng tối. Bóng tối xà lim thì ghê gớm lắm. Hình hộp. Có thể xắt được từng lát như thạch. Hắn nằm trong bóng tối xà lim chờ rệp đốt.

Không phải đợi lâu. Từng đàn rệp ngửi hơi người kéo nhau ra ngay. Mặc cho nó đốt. Nhay nháy. Có con còn như rứt một tý thịt. Cứ nằm yên. Xác định đúng tọa độ rệp. Nghĩa là nó ở khe gỗ nào, quãng nào. Khẽ cầm mảnh sắt tây ống bơ, đưa thứ vũ khí hủy diệt ấy lại gần khu vực có rệp, rồi như một nghệ sĩ xiếc uốn dẻo làm sao đưa mảnh sắt tây đúng dọc khe có rệp mà vẫn giữ nguyên người mình ở nơi rệp cắn, để các vị cứ yên tâm xài tới số. Rồi rất nhanh, nhỏm dậy lia mảnh sắt tây đến tọa độ chết, siết đi siết lại. Kiểm tra kết quả bằng cách cúi xuống ngửi: Mùi bọ xít nồng nặc là đại thắng.

Lại nằm. Chờ một đám khác. Không lâu đâu. Rệp nhâu nhâu. Đấy. Lần này những hai chỗ. Một ở bắp chân. Một ở bả vai. Chỗ bả vai là khó diệt đây, vì gần tay cử động…

Cứ như vậy tới khi mệt quá thì thiếp đi. Cho các cậu thoải mái dùng bữa…

Thời gian hắn ở chung dãy xà lim với Đỗ có nhiều người đến, nhiều người đi. Họ chỉ ở ít ngày. Hắn nhớ nhất một người ở sát cạnh xà lim hắn, có thể gõ tường hẹn nhau nói chuyện.

Tối hôm ấy hắn nghe tiếng xoảng xoảng của gióng sắt đập vào cánh cửa, từ xa, lại gần. Hắn hồi hộp chờ. Tiếng mở khóa vào sân xê-rom. Rồi mở đúng dãy của hắn. Và tiếng mở khóa xà lim ngay cạnh xà lim hắn. Tiếng chân người. Rồi lại tiếng xoảng xoảng từ gần tới xa. Hắn biết quản giáo đã đi rồi. Hắn biết buồng bên không chỉ nhốt bóng tối nữa. Buồng bên đã nhốt người. Hắn gõ vào tường. Bên kia có tiếng gõ lại. Thế là bắt đầu một cuộc chuyện trò.

Hắn ra cửa hỏi người “hàng xóm” mới chuyển đến liền bên:

- Ở đâu về?

Bên kia đáp:

- Sơn Tây.

Tiếng Đỗ xa xăm:

- Bộ đội à?

Bên kia dáp:

-Vâng.

Hắn:

- Bị lâu chưa?

Bên kia đáp:

- Mười sáu tháng rồi.

Tiếng Đỗ xa xăm:

- Trên ấy khá không?

Bên kia đáp:

- Khá.

Hắn:

- Người nhà có hay đến thăm không?

Bên kia đáp:

- Mẹ em tháng nào cũng đến. Tiếp tế cho nhận hết.

Tiếng Đỗ xa xăm:

- Nhà giam quân đội mà.

Hắn:

- Về đây xử à?

Bên kia đáp:

- Vâng.

Tiếng Đỗ xa xăm:

- Thế là xử bên Kiến An đấy.

Người mới đến dặn hắn:

- Sáng mai em để cái điếu cày bằng đất nung dưới cái chổi. Anh cầm chổi làm vệ sinh thì lấy luôn nhé.

Người tù mới đến ở với bọn hắn ba ngày. Anh ta còn quá trẻ: Mười chín tuổi. Qua trò chuyện, hắn lập hồ sơ người bạn mới: Còn bé ở nhà chăn trâu, đi học. Mười bảy tuổí đi bộ đội (tuyển quân vay một tuổi). Huấn luyện ba tháng ở Yên Tử. Rồi đi B. Đã đánh nhau vài trận. Nhiều người chết quá. Sợ. B quay. Đồng đội đuổi theo. Bắn chết đồng đội. Bị bắt. Bị giam ở nhà tù quân đội Sơn Tây. Trên ấy đối xử tốt. Được đi lao động.

Ba ngày sau, người ta đưa đi xử (xử ở tòa án quân đội bên Kiến An. Đúng như Đỗ nói). Ngày ấy chắc xử nhiều tù. Đỗ lại phải cho mượn bộ quần áo tù sọc sọc (trại cũng chỉ còn ít bộ pi-gia-ma cổ điển, đúng quy tắc này để phạm nhân mặc ra tòa và cho những người án tử hình như Đỗ). Bộ quần áo thay đổi của Đỗ mới giặt, chưa khô. Hôm ấy Đỗ đánh độc một cái quần đùi, ngồi trong xà lim như một con cóc cụ.

Đến tối mịt, hắn mới nghe tiếng gióng sắt va đập vào cánh cửa sắt. Từ xa. Lại gần. Xoang xoảng. Rầm rầm. Tiếng mở cửa xà lim của hắn. Tiếng mở khóa xà ìim bên cạnh. Hắn căng người chờ đợi, nghe ngóng. Sau khi anh ta bị đưa đi xử, hắn và Đỗ đã thảo luận về mức án của anh ta. Tử hình? Chung thân? Hay hai mươi năm?

Hắn nghe thấy tiếng chân anh tù trẻ bước vào xà lim. Và cả tiếng chân ông quản giáo vào theo. Hắn choáng váng vì bước chân vào theo ấy. Đó là bước chân của cái chết. Bởi vì nếu án hai mươi năm hay chung thân, ông quản giáo chỉ đứng ngoài khóa xà lim thôi, không phải vào để đóng cùm. Hắn cảm thấy hết sự im lặng màu đen của người chết nằm dưới mộ. Không còn ai sống nữa. Đỗ đã chết nằm trong mộ bên kia. Anh tù trẻ chết ở mộ bên cạnh. Hắn thở khe khẽ trong bóng đen đặc quánh ngôi mộ của hắn.

Nhưng hắn vẫn cố hy vọng. Có thể ông đi vào vì một việc gì đó. Và hắn nghe thấy tiếng sập cùm. Thế ìà hết. Tiếng khóa cùm đánh tách như tiếng bóp cò súng mà viên đạn thối. Hắn thấy lạnh buốt ở ngực.

Chỉ những người án tử hình mới phải cùm như vậy.

Hắn nhớ đến lần đi xem bắn hai tên cướp ở Thái Nguyên. Ven một rừng thông. Một tên già. Một tên trẻ. Cả hai bị trói chặt vào cọc. Tên cướp già răng đen, cố giãy giụa. Tên cướp trẻ hoàn toàn như một cái xác, rũ xuống vì quá kinh hoàng trước cái chết.

Đang là thời chống Pháp, án thi hành vào buổi tối. Dưới ánh đèn bão, hắn thấy sáu người giơ súng lên. Những tia lửa xanh lẹt lao tới người bị hành quyết thì biến mất. Áo họ bỗng nhiên rách toang. Ngực vỡ ra. Đầu ngoẹo về một bên. Một người cầm súng lục bước lại gần những cái xác còn đang bị trói, bắn thêm vào thái dương mỗi người một phát đạn. Viên đạn hất đầu họ ngoẹo từ bên này sang bên kia. Đó là viên đạn bắn bồi, viên đạn nhân đạo, chấm dứt sự đau đớn, viên đạn bảo đảm rằng bản án đã được thi hành.

Hắn nhớ lại những điều ấy và lại lấy tay xoa lên ngực.

Im lặng rất lâu dù ông quản giáo đã đi ra. Dù Thần Chết không còn ở đây nữa. Hắn và Đỗ không dám nói chuyện với nhau. Rồi hắn nghe thấy tiếng khóc thút thít. Và tiếng nghẹn ngào: “Mẹ ơi…” Tiếng rên tuyệt vọng mới ghê gớm làm sao. Nó làm hắn thấy rõ sự ưu việt của hắn. Hắn vẫn đứng ngoài vòng, vẫn mang cuộc sống trong người, còn có cuộc đời chờ đợi ngoài kia. Khác với hai người đã mang trong mình cái chết. Thần Chết đã đánh dấu. Chỉ còn chờ vung lưỡi hái lên thôi.

Thế rồi bỗng có tiếng gõ vào tường. Hắn gõ lại. Nhịp nhanh. Vội vã.

- Em bị tử hình, các anh ơi!

Tiếng anh ta bỗng trở nên xa xăm, điệu xa xăm quen thuộc của Đỗ, của người bị cùm, đầu quay về mãi phía xa. Điệu xa xăm của người đã là của đất, tuy còn nơi dương thế, nhưng đã thuộc về cõi âm rồi.

Hắn im lặng. Biết nói gì với anh ta?

Tiếng Đỗ xa xăm vọng về:

- Không bắn ngay đâu. Mình đây này: Còn sống ba năm nữa đây này.

Đỗ đã giúp hắn. Đỗ biết phải nói gì với người nhận án tử hình.

Hắn phát triển thêm ý của Đỗ:

- Còn được làm đơn chống án cơ mà.

Tiếng anh tử tù xa xăm:

- Các ông ấy cũng bảo em làm đơn chống án. Nhưng không biết có ăn thua gì không?

Tiếng Đỗ xa xăm vọng về:

- Phúc thẩm có y án, còn được làm đơn lên Chủ tich nước xin tha tội chết. Có làm đơn chống án nhớ nói đi bộ đội năm mười bảy tuổi. Nhớ nói bị vay tuổi.

Hắn:

- Mai xin giấy làm đơn ngay đi.

Tiếng đáp xa xăm:

- Vâng.

Tiếng Đỗ xa xăm vọng về:

- Nhớ nói chuyện vay tuổi. Có thể được xét đấy.

Trong đời, hắn chưa bao giờ tham gia một cuộc đối thoại nào lạ lùng ghê gớm như thế. Hắn hình dung Đỗ và anh lính trẻ, hai người hai đầu, chân bị cùm chặt đang ngồi nói với bóng tối. Hắn đứng ở giữa. Dạo mới chuyển sang đây hắn cũng đã thử nhấc cái cùm lên, đặt cổ chân vào cái lỗ tròn khoét giữa miếng gỗ lim vuông vức bên dưới và sập cùm xuống để biết cảm giác bị cùm. Đêm ấy hắn cũng làm như vậy để thông cảm với hai bạn tù, bụng nghĩ: “Thế là cả dãy đều cùm. Cùm một trăm phần trăm”.

Im lặng. Lâu. Lại có tiếng gõ. Hắn gõ lại ngay.

- Sáng mai, lúc đi đổ bô, em để cái bánh bẻng (1) dưới cái chổi, anh lấy mà ăn nhé. Bọn bạn nó cho nhiều lắm. Mà em có ăn được đâu.

Đúng là những ngày ra tòa thì bành. Gia đình cho ăn. Bè bạn cho ăn. Nhưng sao nuốt được. Anh ta chỉ có bánh bẻng, chứ không có cơm nếp. Vậy là gia đình không có mặt.

Hắn lại tháo cùm ra cửa đứng chờ xem anh ta có nói gì nữa không? Có gõ vào tường nữa không. Nhưng im bặt. Hẳn anh ta đang nằm nghĩ đến phiên tòa, đến cuộc đời ngắn ngủi của mình. Đến mẹ. Đến làng. Đến tuổi ấu thơ. Thời đi học. Đến nỗi sợ hãi trong rừng Trường Sơn. Đến lúc ra trường bắn.

Chờ mãi. Vẫn im lặng. Đỗ cũng chẳng nói gì. Đứng cho đến khi máu dồn xuống hai chân, hắn quay vào mắc màn. Trong xà lim không có đinh. Chỗ treo dây màn là một lỗ tròn bằng ngón tay khoét vào tường xà lim. Đặt dây màn vào trong lỗ. Rồi lấy giấy ấn vào đó làm thành một cái nút giữ màn. Hắn sờ mò bốn cái lỗ trong bóng tối xà lim. Và tìm ra ngay vì đã quá quen thuộc. Chui vào màn. Không ngủ. lm lặng.

Như hai người kia. Không ngủ. Im lặng.

Hơn ngàn đêm tù mới có một đêm vui. Ấy là một đêm ở V.Q. Dự vớ được một con chuột leo bằng cái chuôi dao. Chuột đực, choai choai. Dự rất sát chuột. Nói chung, Dự sát các loại chuột, thằn lằn, rắn. Chẳng mấy con thoát khỏi tay Dự. Nhóm nằm gần nhà mét, tầng trên phải tán tỉnh mãi Dự mới đồng ý cho thuê con chuột ấy với giá một véo thuốc lào. Dự sợ mất. Cả nhóm phải đảm bảo với Dự sẽ đền một bao thuốc lá Tam Đảo, một thứ ngoại tệ mạnh trong tù. Trước tiên là chiêu đãi Dự tại chỗ hai điếu thuốc lào.

Bằng một thanh nứa khô và một ít chỉ, một anh tù nguyên là thợ điện đã chế tạo luôn một thứ dụng cụ để con chuột vẫn sống, vẫn mạnh khỏe mà không phải cầm vào nó, và mình vẫn hoàn toàn cách điện. Tay trái anh ta giơ con chuột bị treo ngược lên cao, gần chỗ hai dây điện chạy song song ở giữa buồng giam. Một khúc dây điện ngắn đã được ngoặc vào dây trục.

Anh ta gí đầu dây kia vào con vật. Nó giãy giụa. Nó kêu váng buồng giam. Mọi cặp mắt đều hướng về phía con chuột:

- À! Mày còn định chống đối hở?

Anh thợ điện đi tù vì tội đánh quả công-tơ của xí nghiệp lại nín thở,

(1) Bánh bột mỳ rán hay luộc, còn gọi là bánh nắp hầm.

thận trọng đưa một đầu dây điện vào mình con vật. Vừa chạm nguồn điện, con chuột tung vọt lên cao, phi thân như chớp, rồi giật xuống, đánh đu, lồng lộn, giãy giụa trên sợi chỉ xe treo thõng, thét những tiếng chin chít man rợ.

Anh thợ điện cười khoái trá, không ngờ trò chơi này lại thú vị như vậy. Chung quanh anh bao nhiêu cặp mắt sáng lên tò mò thích thú.

Tất cả tù xô về phía cửa nhà mét. Một anh thét:

- Gượm. Để lập phiên tòa xét xử cho nó đàng hoàng.

Đám đông reo hò. Những lời hưởng ứng thật muôn hình muôn vẻ.

Sự nhất trí cao ấy lại đẻ ra vấn đề mới khi một người hỏi:

- Ai làm chánh án?

Ừ nhỉ. Đã có tòa phải có chánh án chứ. Một giọng Nghệ An nằng nặng, nhưng rất du dương:

- Dự đâu? Dự bắt được chuột để Dự làm chảnh ản.

Lý do ấy thật giàu sức thuyết phục. Tiếng reo:

- Chánh án Lê Văn Dự. Hoan hô!

Mọi cặp mắt đổ dồn vào Dự. Nhưng Dự ngượng nghịu giãy nẩy:

- Tôi không làm chánh án đâu.

Một người đĩnh đạc bước ra khoảng trống giữa sàn, bệ vệ ngồi xuống. Râu hùm, hàm én, sát khí đằng đằng, anh ta xếp bằng tròn, úp hai bàn tay lên hai đầu gối. Đó là Vũ Lượng. Cách đi ấy, cách ngồi ấy, nét mặt ấy của Lượng khiến mọi người hiểu rằng đích thị chánh án đây rồi.

Sau khi uy nghiêm nhìn lướt cử tọa một lượt, Lượng hắng giọng, cất tiếng sang sảng:

- Hôm nay mở phiên tòa công khai, xét xử tên Chí Văn Chuột, tuổi ba tháng. Theo cách tính tuổi của chuột thì tương đương với hai mươi bốn tuổi của người. Tức là đã đến tuổi trưởng thành, can tội…

- Tội phá hoại!

- Tội phản cách mạng!

Lượng cao giọng:

- Tội xâm phạm tài sản công dân, gọi nôm là ăn cắp. Sau đây tòa công bố cáo trạng. Cáo trạng này đã tống đạt cho bị can. Hồi hai mươi giờ ngày… tên Chí Văn Chuột đã lợi dụng sơ hở, đột nhập nội vụ anh Chí Lồng Sếnh tha đi một mẩu sắn dài 5 xen-ti-mét, một đầu đã bị chạy nhựa. Khúc sắn này là tất cả gia sản của anh Chí Lồng Sếnh. Là mồ hôi nước mắt của anh Chí Lồng Sếnh, khó khăn lắm mới tạt được trong lúc đi gánh phân nhà bò. Hai ngày sau đó, ngựa quen đường cũ, y lại đột nhập nội vụ của anh Nguyễn Văn Đô, cắn nát túi đựng cơm khô của anh Đô. Nạn nhân đuổi bắt, y còn chống cự, cắn vào ngón tay cái của anh Đô, gây thương tích nghiêm trọng.

Nhiều tiếng thét đầy phẫn nộ:

- Hai mươi năm cấm cố!

- Tập trung cải tạo cho nó chết mẹ nó đi!

- Chung thân!

Một anh phân tích rất dài dòng:

- Tôi đề nghị dành nó một cái bọp. Chỉ có bọp mới khiến nó tỉnh ngộ thôi. Tên này đã mất hết tính chuột. Nó không chỉ ăn cắp của già Đô là người ngoài. Nó ăn cắp của cả người trong họ, cùng dòng họ Chí nhà nó. Thưa quý tòa, chúng tôi đã mở cuộc điều tra. Tên Chí Văn Chuột chính là cháu ruột anh Chí Lồng Sếnh!

Mặt anh ta vênh lên khi tung ra phát hiện mới của minh. Cười òa. Cười đến chảy nước mắt vì mối quan hệ họ hàng nhằng nhịt ấy và nhìn cả vào Chí Lồng Sếnh. Chí Lồng Sếnh cũng cười.

Chánh án cười ngoác đến tận mang tai và cố làm mặt nghiêm hỏi a Sếnh.

- Có lúng (đúng) vậy không Chí Lồng Sếnh pác à?

Bình thường, cậy răng Chí Lồng Sếnh cũng không nói một câu, nhưng hôm ấy vui quá, Sếnh cũng lựa theo cách nói của mọi người:

- Lúng ố. Lúng vậy à.

Lại cười. Ai cũng sợ quản giáo đến, nhưng lúc này không còn giữ được nữa. Mắt long lanh quên đi phút chốc thân phận tù đày. Một anh nghẹn ngào như sắp đứt hơi:

- Không được nói thế, a Sếnh à. Phải nói: Páo cáo cái tòa à. Cái thằng Chí Văn Chuột này lúng là cháu lích tôn của tao ớ. Tao không nói dối cái tòa lâu ớ. Cứ cho nó đi tù vài chục phiên chợ cho tao ớ…

Lượng huơ huơ tay.

- Bà con giữ trật tự! Nghe tòa tuyên án.

Và Lượng đọc án quyết bằng một giọng mi mi nơ trầm hùng vừa dõng dạc vừa đau xót:

- Xét tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội gây ra những hậu quả không lường hết được, xét nhân thân bị can phạm tội có hệ thống, phạm tội một cách liên tục, bền bỉ, dẻo dai, vững chắc, gây ra những tội ác to lớn và béo tốt, tòa tuyên bố dành cho bị can mức án cao nhất.

Lượng đột ngột dừng, vênh mặt nhìn quanh cử tọa như để đoán định tác động tâm lý sẽ xảy ra của những tiếng tiếp theo, cảm nhận hết sức nặng của lời phán quyết sắp nói ra, rồi bổ tay xuống không khí, đanh thép:

- Tử hình!

Hình như những bầu máu nóng đã được hâm lên. Cả sự say máu lẫn say công lý. Tất cả vỗ tay hưởng ứng rầm rầm.

Lượng lại dõng dạc:

- Bản án có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.

Lần này reo hò to quá khiến toán trưởng phải nhổm lên nhắc nhở:

- Khẽ chứ! Khẽ chứ! Trực trại đến thì phiền!

Như chỉ chờ lệnh tòa, anh thợ điện mau mắn, giơ con chuột về phía sợi dây điện, định gí vào nó, thi hành bản án. Có tiếng thét:

- Dự phiên tòa hôm nay có nhiều bà con người dân tộc. Xin phép tòa cho tôi dịch ra tiếng dân tộc để bà con hiểu.

Chánh án Lượng nhíu mày như đang phải quyết định một điều hệ trọng lắm:

- Được. Về nguyên tắc, tòa cho phép.

Tất Tình, người ấy là Tất Tình lĩnh án tù mù (1), một danh ca trong đoàn Bồ câu trắng, đứng lên với giọng tê-no (sau này mỗi khi ôn lại cái đêm thiên tải nhất thì, nghìn năm có một ấy, Lượng lại khẳng định chất giọng Tất Tình lúc ấy là chất giọng tê-no, cũng như giọng của Lượng khi tuyên án đúng là mi mi nơ trầm hùng). Tình dịch cứ văng ra từng cụm từ đầy hăm dọa:

- Ngộ tả nị cắng xải.

- Siẻo cu!

- Lảo sư!

- Treo.

- Lủng lẳng!

- Cố xải.

- Cắng xải!

- Dâu tí xìn!

(1) Tập trung cải tạo

Cười phát đau cả bụng. Nấc. Đói. Giàn nước mắt. Chí Lồng Sếnh lại cười một lần nữa (một buổi tối mà Chí Lồng Sếnh cười tới hai lần, đủ biết vui như thế nào):

- Không piết cứ pắt chước tiếng dân tộc là lại xẻo cu lảo sư treo lủng lẳng là cái gì ớ. Ai cũng nói thế ớ…

Một bàn tay thọc vào chỗ kín của Chí Lồng Sếnh, túm chặt lấy và một khuôn mặt lởm chởm râu ria ghé sát vào mặt Sếnh:

- Tức là cắt cái này của a Sếnh ớ. Treo lên ớ.

Bị bất ngờ, Chí Lồng Sếnh giật thót người:

- Không lược lâu ớ.

Đao phủ (anh thợ điện) đứng lênh khênh trên cao tỏ vẻ sốt ruột cầm mẩu dây có điện hai trăm hai mươi vôn giơ lên cùng với con chuột. Con vật mõm nhọn râu ria, quay đi quay lại nhìn mọi người, mắt nhỏ đen bóng ngơ ngác.

Lại một ý kiến chính xác không ai bắt bẻ được:

- Hãy trông bị can. Bị can chưa hiểu gì hết, xin phép tòa để tôi dịch ra tiếng chuột cho y biết tội lỗi của y và bản án dành cho y.

Anh ta đứng lên bước tới chỗ anh thợ điện đang cầm con chuột treo thõng, nhìn nó trừng trừng như thôi miên, rồi mồm dẩu ra mổ mổ về phía nó như cố làm cho đồ ngu ấy hiểu được tai họa ghê gớm sắp ập xuống đầu nó:

- Chít chít! Chút chút! Chụt chụt! Chí chít! Chụt chít! Chụt chí chụt! Chít chít! Chết!

Chờ dứt trận cười, anh thợ điện ra tay. Phải nói con chuột rất khỏe. Không ai ngờ con chuột nhỏ mà có sức chịu đựng như vậy. Nó oằn. Nó giãy. Nó quăng lên quật xuống. Nó vãi cứt, vãi đái, vãi cả tinh trùng. Nhưng khi sợi dây điện rời ra, mắt nó lại đã long lanh.

Cuộc vui không biết còn kéo dài đến bao giờ, nếu không có một hồi kẻng vang lên. Kẻng cấm. Đã đến giờ đi ngủ. Đã đến giờ mặc niệm tới gia đình. Tiếng kẻng làm mọi người ngơ ngác:

- Đã chín giờ rồi cơ à?

- Nhanh quá nhỉ.

Lần đầu tiên trong tù thời gian đi nhanh. Phiên tòa vội giải tán. Dự nhận lại con chuột còn sống nguyên tuy đã mệt lử và một véo thuốc lào to bằng quả cau trả vào suất thuê con chuột. Mọi người vội mắc màn. Rồi chen chúc xô đẩy nhau trong nhà mét. Và chui vào màn. Đèn điện vụt tắt. Tối om. Nhưng niềm vui vẫn theo vào tận trong màn. Những tiếng cười khe khẽ trong bóng đêm:

- Hùng ơi! Mày học tiếng chuột bao giờ đấy?

- Công nhận con ấy khỏe thật. Mấy lần đã tưởng nó chết hẳn, thế mà lại giãy.

- Đ. mẹ. Nó phụt cứt vào giữa mặt con nhà Trịnh lợn.

- Dự ơi! Vứt đi thôi! Chuột chạy điện ăn vào ung thư đấy.

lm lặng lâu. Tưởng đã ngủ cả.

Lại tiếng thì thào:

- Cứ thấy cái gì trăng trắng tia ra. Không phải nước đái. Không phải cứt. Hóa ra tinh trùng chuột. Kinh thật đấy.

- Nó lại nghĩ ra Chí Văn Chuột là cháu ruột Chí Lồng Sếnh thì thánh thật.

Và tiếng cười khinh khích cố nén.

Đêm ấy khi đi ngủ người ta không mặc niệm tới gia đình.

Đêm ấy người ta chìm vào giấc ngủ với những điều buồn cười và thích thú đến thế.

*

*        *

Hình như có ai vào màn của hắn. Hắn cảm thấy như vậy và mở mắt. Ngọc. Ngọc ngồi cạnh hắn, một tay chống xuống chiếu, người hơi ngả, nhìn hắn. Tóc Ngọc xõa xuống hai má bầu bĩnh. Hắn vốn rất ưa ngắm khuôn mặt nàng lúc hơi cúi xuống này.

Hắn nắm lấy bắp tay Ngọc gầy guộc, tay kia vòng qua lưng nàng kéo nàng nằm xuống. Nàng ngoan ngoãn, nhẹ nhàng như một con mèo. Hắn rất khẽ, nhích người chuyển sang nằm nghiêng, vòng tay ôm lấy nàng. Nàng nằm im, cảm nhận điều nàng hằng mong ước, nay đã thành sự thật: Có chồng nằm bên cạnh. Nàng đang nằm bên cạnh chồng nàng. Mọi thứ ở chồng nàng đều thân thuộc với nàng, từ mùi mồ hôi, hay chỉ là cái mùi rất riêng biệt từ cơ thể hắn, từ cách hắn nắm tay nàng, cách kéo nàng nằm xuống.

Đúng. Chồng nàng đã ở cạnh nàng. Nàng sợ đây là giấc mơ. Nhưng đúng là sự thật. Cũng như hồi hắn mới bị bắt, nàng mong đấy là một giấc mơ, nhưng lại là sự thật, một sự thật tàn nhẫn, đau đớn. Công nhận nó là điều chẳng dễ dàng gì. Nàng đưa tay vuốt tóc chồng, sờ lên mặt mũi hắn, rồi khẽ đẩy hắn nằm ngửa. Nàng ngồi dậy. Nàng sờ nắn khắp mọi chỗ trên người hắn như một người mù, chủ nhân của một báu vật đã bị mất, nay có lại trong tay.

Rồi nàng gục mặt lên ngực hắn. Hắn đưa tay vuốt tóc nàng, vuốt dọc lưng nàng. Nàng nằm úp hẳn lên người hắn. Nàng nhắc thầm trong óc: Đúng là anh. Anh đã về với em.

Nước mắt nàng rỏ trên ngực hắn. Hắn đau quặn trong lòng, lấy tay vỗ về nàng.

Có một ngày, sau khi bị bắt được ít lâu hắn đã ôm lấy tên nàng mà thì thầm trò chuyện như hôm nay hắn ôm nàng bằng xương bằng thịt trong tay.

Nàng đã gửi tên nàng tới đó, tới xà lim 76. Đấy là bức thư đầu tiên nàng viết cho hắn. Bức thư chỉ có hai chữ “Tuấn + Ngọc”. Viết bằng mực Cửu Long, phía trong gấu áo sơ-mi. Cái áo sơ-mi hắn cắt ở một hiệu may phố Hoàng Văn Thụ chưa kịp lấy thì bị bắt, phải gửi hóa đơn cho ông Lan. Hai chữ ấy chứa đựng một lượng thông tin rất lớn. Hắn biết Ngọc đã ở trường về. Ngọc đã gặp ông Lan. Ngọc đã biết cái tin khủng khiếp này. Đó là tiếng Ngọc kêu mất hắn, gọi hắn từ thế giới bên kia. Là lời Ngọc nói với hắn: Em tin anh không có tội. Em luôn ở bên anh.

Mười năm hạnh phúc và tin tưởng, người ta đã giằng hắn ra khỏi tay Ngọc. Ở bên kia trời, Ngọc gọi hắn. Tiếng gọi lặng câm mà sao hắn thấy vang động cả không gian.

Chữ Ngọc dù viết trên gấu áo sơ-mi vẫn là chữ Ngọc. Hắn vẫn nhận ra. Hắn thấy như đang được đối thoại với vợ. Đêm ấy, trong xà lim tối, đầy tiếng muỗi kêu, hắn thấy đỡ cô đơn. Vì có chữ của Ngọc. Ngọc đã gửi tên Ngọc đến để tên nàng chịu tù cùng với hắn. Và những chữ, những câu cứ tự nó đến, tự nó sắp xếp trong óc hắn:

Thấy lại em rồi! Chữ em tên chúng ta gấu áo

Hai tiếng đau vỡ hai giọt máu

Hai cuộc đời gọn hai tiếng gọi nhau

Giản dị yêu thưong trung thực tự hào.

Hôm nay xà lim anh nghe em gọi

Hai tiếng tên ta mắt con mong đợi

Hai tiếng tên ta xót lòng mẹ cha

Kỷ niệm mười năm chết một đời xa.


Mắt trong mắt nhau chiếc hôn Hà Nội

Giọt mưa xuân ấm những mái đầu

Hiện tại trắng lặng câm hai tiếng gọi

Mất cuộc đời, mất cả cái hôn đau.


Cuộc sống hôm nay tối tăm phản phúc

Niềm tin chúng ta rắn hơn sắt thép

Không được bên chồng, em gửi tên em tới xà lim

Cùng với anh, ngục tối nhốt tên em.

Ngục tối nhốt tên nàng cùng với hắn. Hắn thấy đỡ đi cái lạnh trong lòng, những đêm đông năm năm trước ở xà lim 76.

Đêm nay Ngọc đang khóc trên ngực hắn. Nàng khóc thổn thức. Đó là những chất chứa, dồn nén nay mới được vơi đi. Hắn chỉ biết có mỗi việc: Im lặng, vuốt ve nàng. Và thỉnh thoảng lại cố nuốt một cái gì đang làm nghẹn cổ hắn. Một lúc sau, Ngọc nín bặt, người nàng chùng lại. Nàng mệt nhọc, mềm nhũn trên ngực hắn. Nàng vỗ về lại hắn. Những ngón tay nàng đan vào ngón tay hắn.

Nàng khóc bởi vì cuối cùng niềm mong ước của nàng đã thành sự thật. Nàng khóc bởi vì nàng đã phải làm ra vẻ cứng rắn quá nhiều và quá lâu nữa. Việc đó thật quá sức nàng. Mười chín tuổi, nàng lấy hắn. Trinh bạch, ngây thơ, tin tưởng ở người mình yêu, tin tưởng ở đời. Rời Hà Nội, nàng theo về P. với hắn. Nàng dựa vào hắn như một cây non dựa vào cả khóm cây. Càng sống chung với hắn, nàng càng thấy yêu hắn. Càng thấy số phận mình may mắn, lấy được người chồng có tài năng, yêu vợ, yêu con và được bạn bè quý mến. Một người chồng luôn biết nàng muốn gì. Một người chồng có nghị lực, có mơ ước. Một người chồng hiểu rằng nàng đã chịu những thiệt thòi khi lấy hắn và sẵn sàng đền bù lại. Đó là những thiệt thòi nàng tự nguyện đón nhận như: Không đi học đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, những lúc hắn miệt mài với đọc với viết để nàng nằm một mình, những đêm giao thừa hắn đến với công nhân xi- măng, công nhân cảng, những lúc bạn bè đến chật nhà mà nàng phải lo cơm nước trong khi túi tiền đã cạn…

Nàng biết chồng nàng là một cây bút nổi lên trong đám viết trẻ cả nước. Hứa hẹn một tương lai. Sáng tác của hắn được in với một số lượng lớn. Hắn đã được Thư viện Hà Nội mời lên tiếp xúc với độc giả khi hắn ba mươi tuổi. Các nhà xuất bản, các báo gửi thư về cho hắn, đặt viết… Hắn gọi viết là cày. Hắn bảo Ngọc:

- Em đi ngủ trước nhé. Anh cày đây.

Chồng nàng cày khỏe. Bạn bè đều khen sức viết, khen cái chất cuộc sống, chất thơ trong sáng tác của chồng nàng.

Hắn là chỗ dựa của nàng. Từ việc nhà đến việc kiếm tiền nuôi sống gia đình. Hắn mua hàng xe mùn ở một xí nghiệp đóng tàu nơi hắn đến viết bài. Hắn đèo nàng đi làm một ngày bốn lần đi về. Hắn tranh thủ về sớm nấu cơm, rồi đi đón nàng. Cái mơ ước mua thêm một chiếc xe đạp nữa của hai vợ chồng không biết bao giờ mới thực hiện được.

Hắn kiếm khá tiền. Tiền nhuận bút báo. Tiền nhuận bút sách. Tiền nhuận bút ứng trước kịch bản phim. Tiền nhuận bút tái bản, nhuận bút người ta dịch sách của hắn. Không viết mà cũng có tiền. Thật cứ như của vớ được vì nó nằm ngoài kế hoạch.

Được bao nhiêu tiền, hắn đưa cho nàng hết. Để nàng chi tiêu. Hắn chỉ giữ vài đồng tiêu vặt. Hết, hắn lại hỏi nàng. Có những lần, nàng mỉm cười ngượng nghịu:

- Anh phải đi Hà Nội thôi, anh ạ.

Hắn cười lo lắng:

- Hết tiền rồi phải không?

Thế là hắn đi. Khi mang tiền về. Khi không. Thương chồng vất vả, nàng giặt quần áo cho hắn.

Nhưng hắn gạt đi. Nàng tặng hắn cái hắn quý nhất, thích nhất: Sự ái ân.

Nàng ôm hắn trong vòng tay của nàng.

Lấy hắn đã mười năm, nàng lúc nào cũng là một cô nữ sinh Hà Nội trong suy nghĩ, lo toan. Đã có chồng nàng. Vả lại nàng cũng chẳng có thể làm được gì hơn.

Đi làm về, nàng vui đùa với con cái, nghe chồng kể những chuyện, những chi tiết hay hắn thu thập được trong cuộc sống. Nàng im lặng nhìn hắn viết, đọc những quyển truyện hắn đưa cho. Và yêu nhau.

Thế rồi tất cả gánh nặng trút lên vai nàng. Còn hơn cả cái gánh hắn đã mang. Cuộc sống không còn là màu hồng của niềm tin hạnh phúc và tuổi trẻ nữa. Cuộc sống là màu sắc của nhà tù. Là sự khắc nghiệt của tường đá cao vút, bên trên có những hàng dây thép chạy điện. Là cái gì sâu hút thăm thẳm ở trong ấy và trong cuộc đời. Là sự vô vọng.

Năm năm. Nàng không ngờ nàng đã chịu đựng được năm năm. Điều gì đã làm nên nghị lực.

Có nhiều người đã khen nàng. Nàng thầm cảm ơn người đã động viên nàng. Nhưng nàng nghĩ: Trói lại mà đánh ai chẳng phải chịu. Chỉ một mình nàng biết được nguồn động viên lớn nhất giúp nàng vượt qua được tất cả, chính là chồng nàng. Cứ nghĩ hắn đang ở trong ấy, cứ nghĩ đến những điều hắn đang phảỉ chịu đựng, nàng lại có thể đứng lên trước những khó khăn.

Khi một thanh niên hai mươi tuổi, hết hạn tù sáu tháng từ Trần Phú ra, mang đến cho nàng ba quyển Anna Karênina, nàng nhìn người đó mà thèm muốn được như anh ta. Anh ta từ chỗ hắn trở về. Anh ta được sống với hắn. Đã chuyện trò với hắn. Anh ta hiểu tất cả những điều ở trong ấy, những điều hắn đã chịu đựng, đã trải qua. Những điều nàng chỉ tưởng tượng đến thôi.

Qua người bạn tù trẻ của hắn, nàng biết rõ hơn cuộc sống trong tù. Nàng biết hắn ở xà lim 75, xà lim 76, sang BD, rồi đi Q.N. Nàng biết hắn được anh em tù quý mến và kính trọng. Nàng cho rằng đó là lẽ tất nhiên. Chồng nàng bao giờ cũng tốt với mọi người. Chồng nàng nhìn mọi người ở gỏc độ tốt. Cái nhìn độ lượng và nhân ái. Chồng nàng biết xử thế, dù là trong tù. Chồng nàng có bản lĩnh.

Cầm ba quyển Anna Karênina nhàu nát, nàng nghĩ: Suốt gần hai năm ngày nào hắn cũng bầu bạn với bộ truyện này, đã lật giở từng trang. Nàng không biết rằng đưa được ba quyển Anna cho anh bạn tù trẻ thật là một kỳ công. Hai người nằm xa nhau. Không thể công khai cho nhau mượn truyện trong buồng giam chung. Quản giáo biết sẽ tịch thu ngay.

Đêm ấy nàng lật từng trang quyển truyện. Trang bìa lót có chữ ký của người dịch: Tặng Tuấn – Ngọc. Dương Tường. Đó là một thuở xưa và nàng càng hiểu hơn cái thực tại đắng cay. Nàng đọc bộ truyện. Nàng đã đọc Anna Karênina khi hắn còn chưa bị bắt. Khi nàng còn sống có đôi hạnh phúc. Nàng đọc lại không phải để thưởng thức văn chương của Tolstoi mà là để hiểu những gì hắn đã đọc. Nhất là những hàng chữ hắn ghi ở lề sách, những chỗ ngắt chương – những chỗ ấy có một khoảng giấy để trắng. Hắn ghi nhật ký ở đó. Rất vắn tắt vì khoảng giấy rất hẹp. Và nhợt nhạt vì cái bút Pilot của hắn hết mực, phải hút nước ở bô nước uống han gỉ vào để mực từ vét-xi, từ cựa gà thôi ra. Những dòng chữ quặn lòng nàng.

Ngày… Biết con Thương sáng tìm bố mà không được gặp bố. Con!

Ngày… Tiếng vợ chồng chim ríu rít mãi ngoài cửa sổ. Tiếng chim non chiêm chiếp. Những cơn chết trong lòng.

Trưa thứ 93: 93 là một tên truyện của Hugo. 93 cái bánh mỳ. 92 bữa cơm xà lim. 92 đêm. 13 chủ nhật xa con. Còn đúng 24 ngày nữa là vừa 4 tháng. Con gà gáy xa gọi mình về với mẹ cha.

Ngày… 28 Tết. Thứ sáu. Đêm qua mơ thấy Ngọc và con Nguyệt. Con Nguyệt hỏi: “Bố. Cái áo chim cò đâu?” Hai mẹ con nó ngồi bón cơm cho nhau ở trong buồng. Có cái gương to. Một con quỷ vào cắn mặt mình. Mình muốn soi gương để tìm mặt mình có vết lõm sâu. Rồi Ngọc ngã xuống hố nước lụt. Bế Ngọc lên giường. Suýt chết. Đứng ở cầu ao nói với mẹ: “Con ở trong tù chỉ nhớ cầu ao này thôi”. Mình hỏi mẹ: “Đôi ngan đâu?” “Nhốt rồi”. Mẹ bảo: “Cá to lắm. Chỉ chờ mày về thôi”. Một đêm toàn mộng mị. Bắt đầu ngày

99. Râu tóc tốt quá.

Ngày… Bước vào tháng thứ bảy. Mưa rào. 182 ngày xà lim. Sắp đến chương Kitty đẻ đây. Bao giờ vợ tôi đẻ.

Ngày… 324 ngày xà lim. 324 buổi sáng anh ngồi một mình trong màn cưới của chúng ta. Nó đã cũ rách. Một thời xưa, em ơi. Những vết muỗi no máu anh, anh giết chúng trên tường xà lim, đỏ tươi máu anh, đã đen lại. Rồi lại đỏ. Rồi lại đen.

Ngày… Bao giờ chấm dứt cảnh quay mặt vào tường nhai cơm một mình.

Nàng đọc, nước mắt chảy lặng lẽ.

Nàng đã khóc nhiều. Nhưng chỉ khóc một mình. Hắn đã gửi thư ra khuyên nàng: “Hãy cứng rắn và can đảm, em”. Nàng cũng thấy cần phải như vậy. Khóc than nào có ích gì. Thời gian còn học ở trường đại học, nàng cắn răng lại mà học. Nàng hiểu nàng đã tụt xuống một nấc thang khác. Trước mắt bạn học, trước mắt thầy giáo, nàng là một phần tử không trong sạch, một người có chồng bị bắt tù vì đã chống lạí cách mạng. Trước con mắt mọi người, còn tội lỗi nào xấu xa hơn, ghê tởm hơn? Nàng đã viết nhiều thư cho hắn, nhưng chắc hắn không nhận được. Nàng cũng không nhận được thư hắn suốt thời gian nàng đi học. Anh em sinh viên nhiều người rất thương nàng. Mỗi lần nàng về P. thăm con, nghe ngóng tin tức của hắn, họ lại chở nàng ra bến xe. Nàng viết thư cho hắn: “Chúng mình lại sắp có con nữa, anh ạ. Con đường đi qua Vĩnh Tường ăn na, anh còn nhớ không?”

Nàng xin phép bố mẹ chồng, đón con Thương lên Vĩnh Phú để nàng đỡ buồn. Những khi nàng về P, một mình nó ở lại. Tám tuổi, nó đi be bờ tát cá, được một nồi cá diếc, kho, ăn dè phần mẹ. Nó biết cái gì đến với bố mẹ nó, anh em nó. Nó biết bố nó bị người ta bắt đi tù. Nó thương bố, thương mẹ. Có đêm thức giấc, nó thấy mẹ khóc thầm. Nó ôm lấy mẹ. Nó tự tắm giặt lấy để đỡ cho mẹ. Nó nấu nướng chờ mẹ đi học về. Nó muốn nó thật ngoan để mẹ vui.

… Vui thì nàng không vui được. Nhưng nàng đỡ được sự lo nghĩ về con cái. Để nó ở lại trường, nàng yên tâm. Nàng hiểu con Thương tám tuổi đã biết thân biết phận và điều ấy làm nhói lòng nàng. Nàng về nghỉ đẻ mang theo cả nó về. May sao đúng dịp nghỉ hè của cả hai mẹ con.

Nàng nhận được giấy của Sở Công an gọi nàng lên thẩm vấn. Và thẩm vấn hết ngày này sang ngày khác.

Chỉ còn ba ngày nữa đẻ, nàng vẫn phải ngồi từ sáng đến trưa nghe người ta hỏi, người ta tra, người ta căn vặn. Nghe người ta giảng về đường lối chính sách, về sự trị bệnh cứu người. Và nghe người ta sỉ nhục chồng nàng. Nàng ngồi, bụng chửa vượt mặt, xảy xẩm choáng váng, máu tụ tím bầm chân, da mặt bóng và trong, tái xanh như người sốt rét. Nắng tháng sáu như thiêu và sự căng thẳng làm mồ hôi chảy thành dòng trên người nàng.

Những điều ông Lan nói hắn là một phần tử bất mãn, chống đối, trai gái, hắn đã nhận hết tội lỗi cứ trôi tuột qua tai nàng. Nàng không hề tin chồng nàng như vậy. Nàng ngơ ngác: “Sao công an lại đi làm cái việc chia rẽ vợ chồng người ta nhỉ?”. Nàng chỉ muốn được nằm nghỉ. Nàng mệt quá. Đầu óc quay cuồng, ngồi cũng còn không nổi, nữa là nghe những điều phân tích. Họ gọi nàng liên tiếp. Như muốn tấn công vào hệ thần kinh vốn đã suy yếu của nàng. Nàng trả lời ngắn và không giấu giếm sự mệt mỏi. Nàng phẫn nộ vì người ta sỉ nhục hắn, nhưng nàng chỉ khẽ khàng:

- Thưa anh. Tôi không biết những hành vi phạm pháp của chồng tôi.

- Bây giờ nghe anh nói, tôi mới biết chồng tôi đối với tôi không tốt như vậy.

Đứa con trong bụng đạp mạnh. Nàng cố ghìm để khỏi kêu lên, cảm thấy ngây ngất như đang cùng với cái ghế từ từ chìm sâu xuống lòng đất.

Ngồi trước mặt, ông Lan mím cặp môi nghiêm khắc, nhìn nàng chăm chú như thôi miên:

- Bên an ninh chúng tôi mời chị lên đây để giúp chị thấy rõ bản chất của anh Tuấn. Chính sách của Đảng là rõ ràng. Chị cũng thấy đấy. Chồng làm chồng chịu, bố làm bố chịu, con làm con chịu. Anh Tuấn bị bắt, chị vẫn được đi học. Chế độ ta ưu việt ở chỗ ấy…

Nàng cảm thấy sắp ngất đến nơi. Nàng nhăn mặt và bíu vào ghế cho khỏi ngã. Để tĩnh trí, để đầu óc sáng suốt trở lại, nàng nghĩ đến chuyến đi của nàng với hắn lên trường gần một năm trước. Lúc đó anh ở bên em. Hai chúng mình lên tàu mà không biết xuống đâu. Chị phải cùng với bên an ninh chúng tôi giúp đỡ chồng chị tiến bộ. Chúng tôi đã có đủ bằng chứng. Chúng mình tắm với nhau ở sân kho hợp tác giữa đồng. Anh cứ ca ngợi mãi ông thủ kho. Đã bao lần em đi từ trường về qua con đường ấy. Em cũng rất cảm ơn ông ấy. Đó là một thực tế, chính anh Tuấn đã nhận như vậy. Nhà anh chị có lúc nào không nhiều khách. Mất cảnh giác trong giao du. Phát ngôn bừa bãi… Em chưa một lần nào rẽ vào kho hợp tác để gặp lại ông ấy. Ông ấy không hiểu đã cho chúng mình những gì. Ông ấy không hiểu rằng ông ấy đã tốt như thế nào. Sao lúc ấy chúng mình còn trẻ thế. Em cảm thấy mình hoàn toàn suy sụp, mình già lắm rồi. Như một bà già đối đối mặt với cái chết. Chị với trách nhiệm làm vợ, mà chúng tôi biết chị là người vợ rất yêu chồng, phải cùng chúng tôi cứu anh ấy. Rất may là chúng tôi đã dừng anh ấy lại kịp thời. Tuổi trẻ đã chết hẳn rồi, anh ạ. Anh. Bây giờ. Giờ này. Cái lúc em đang ngồi để người ta hỏi cung này, anh ở đâu? Anh có biết em bị hành hạ thế này không? Anh đã biết chúng mình sắp có con nữa chưa? Theo tính toán của em chỉ ngày một ngày hai thôi.

Đúng như nàng dự tính. Sáng hôm sau nàng trở dạ.

Thằng Hiệp, con Thương sợ hãi nhìn mẹ vật vã, rên rỉ.

- Hiệp ơi. Sang gọi chú Bình cho mẹ…

Thằng Hiệp chạy sang cơ quan báo, đúng lúc đang họp toàn thể phóng viên. Bình xin phép Phan Lâm, tổng biên tập báo, đưa Ngọc đi bệnh viện.

Bế đứa con mới sinh, nàng nghĩ tới nỗi cô đơn, sự hãi hùng, cái nghèo túng đang vây quanh nàng. Nàng nhờ người đi mua xôi. Đẻ xong nàng đói. Đói và nghĩ mình lỡ hẹn với ông Lan. Ông Lan vẫn chờ nàng để hôm nay làm việc tiếp. Nàng không thể nhờ ai đến báo cáo với ông Lan rằng nàng đã đẻ, “mẹ tròn con vuông”, nàng đang nằm bệnh viện, nên không thể tới để ông hỏi cung tiếp được. Rồi nàng nghĩ: Công an có mặt khắp nơi. Hẳn ông không cho là nàng nói dối.

Đợt hỏi cung dở dang ấy được tiếp tục sau khi nàng đẻ, sau khi nàng từ bệnh viện về nhà. Thấy mẹ về, con Thương, thằng Hiệp mừng như chó gặp lại chủ. Gần một tuần lễ chúng sống với cô đồng hồ bên cạnh. Nay mẹ đã về. Lại có thêm em bé để chúng bồng bế, nựng nịu, chuyện trò. Chúng được ăn cơm với mẹ, ngủ với mẹ. Với cả em bé. Chúng được làm vui lòng mẹ để mẹ đỡ buồn.

Vừa về nhà Ngọc đã phải mò xuống bể (nay luôn cạn) vét nước, giặt giũ. Những người hàng xóm nhìn nàng ái ngại. Nàng tránh những cái nhìn ấy. Hai mươi ngày sau khi sinh con, nàng nhận được giấy gọi của Sở Công an. Chắc các ông ấy cũng nghĩ nàng đã hoàn toàn bình phục và phải kết thúc đợt hỏi cung đúng kế hoạch để hoàn chỉnh hồ sơ về hắn. Cũng có thể các ông ấy cho rằng nàng là người hiểu hắn nhất, đồng thời là cái mắt xích yếu nhất và đây là thời điểm thích hợp – thời điểm người phụ nữ sau khi đẻ – dễ tấn công nhất, để từ nàng mà kết thúc vụ án có vẻ như sẽ lằng nhằng này.

Nàng ngồi nghe ông Lan ân cần hỏi thăm chuyện sinh nở của nàng. Ông Lan quan tâm đến cả trọng lượng sơ sinh của đứa bé, hỏi nàng đặt tên nó là gì. Ông ân cần hỏi nhiều đến sức khỏe nàng, hoan nghênh nàng dự định vẫn tiếp tục đi học. Ông nói đến trách nhiệm của nàng với chồng, trách nhiệm làm mẹ của nàng với các con. Cả trách nhiệm làm bố của hắn. Những điều ông làm cũng chỉ vì trách nhiệm ấy. Nếu nàng muốn hắn sớm trở về…

Nàng không nhớ được ông Lan đã hỏi những gì, đã ghi chép những gì. Nàng chỉ nhớ nàng tức sữa. Nàng nghĩ đến con, đến đứa bé mới sinh mà đã chịu bão tố rồi. Thằng bé ngủ chưa. Để con chị nấu cơm. Thằng bé đái ỉa, con chị có biết đường thay cho em không? Nàng đã dành dụm mua được một hộp sữa, bảo con Thương pha vào chai cho em bú. (Nàng đã tráng nước sôi chai và núm vú cao-su sẵn cho nó trước khi lên Sở Công an). Không biết nó có làm được không. Khéo thằng bé lại sặc mất thôi.

Nắng tháng Bảy gay gắt, nàng ngồi im lặng, mồ hôi đẫm áo. Căng hết thần kinh để nén sự phẫn uất từng phút từng phút chực bùng lên. Căng hết thần kinh để chịu đựng. Hai bầu vú tức sữa, cương lên cứng như đá, nóng rực như phát sốt. Khi sữa chảy ướt đầm áo, ngồi trong phòng hỏi cung, nàng hiểu rằng lúc đó thằng bé ở nhà đang khóc, đang đòi bú.

Mấy ngày liền như vậy.

Kết thúc cuộc hỏi cung nàng tắt hy vọng.

Nàng biết những gì sẽ đến qua những câu hỏi moi móc, đầy ác ý và hiểm độc của ông Lan. Qua cả những lời ông giảng giải, động viên nàng tin tưởng. Qua cả những lời bộc lộ sự thông cảm của ông đối với nàng, với các con nàng, sự đau xót của ông khi ông phải làm những việc như vậy.

Nàng đưa bé Dương lên trường tiếp tục học, dù giờ đây việc học hành khó khăn quá sức nàng. Con Thương vừa đi học vừa trông em. Không biết ý kiến của hắn, nàng tự quyết định vẫn tiếp tục học. Đó là khát vọng của nàng và cũng là mong ước của hắn. Nàng tin hắn sẽ ủng hộ quyết định của nàng, không bỏ dở, không chịu lùi bước trước khó khăn. Mỗi lần nghỉ lễ, nghỉ học kỳ, nàng bế bé Dương ra bến xe. Về Hà Nội. Về nhà. Để nghe ngóng tin chồng. Để sống trong không khí đùm bọc của bố mẹ chồng, để săn sóc thằng Hiệp, con Nguyệt. Vất vả, đau khổ, nghèo túng, nheo nhóc, nhưng nàng vẫn học. Nàng không chỉ học cho mình. Nàng còn học cho cả hắn. Khi mang bầu bé Dương nàng ăn rở khoai lang. Giờ nàng cũng ăn thêm nhiều khoai, bởi vì tiền đâu mà đong gạo chui nấu cơm ăn sáng. Con Thương đi móc cua, nấu canh cua đồng, mẹ con cải thiện. Mùa nóng, nàng vừa thức khuya học, vừa quạt cho các con. Mùa rét, rét trên vùng núi giá băng cả không khí, cứng đơ đến từng ngọn cỏ, ba mẹ con ôm nhau đắp cái chăn một của hắn được phát hồi hắn đi thanh niên xung phong, quá cũ và mỏng. (Cái chăn bông to nàng đã gửi vào tù cho hắn). Nàng học không nợ một môn nào.

Nàng cắn răng lại mà sống, mà nuôi con, mà học. Mặc mọi người bình phẩm, khinh bỉ, xầm xì. Điều đau khổ nhất không phải là những khó khăn về vật chất, tuy nó thường xuyên là mối ám ảnh, đe dọa, nhọc nhằn, làm méo mó đi khuôn mặt nàng. Nỗi đau khổ nhất là không thể than thở cùng ai. Nó đóng cục lại trong người nàng. Nó kết lại trong tâm nàng. Nó làm nàng xa lánh mọi người, nàng cô đơn với nỗi đau quá lớn, không có ai để mà thổ lộ. Các con còn nhỏ quá. Bố mẹ chồng đã già, lại phải nuôi con cho nàng, nàng không thể hành hạ thêm các cụ. Anh em mỗi người một phận. Bè bạn, những người tốt chỉ biết nhìn nàng với cặp mắt ái ngại. Vả lại biết nói chuyện gì. Vả lại ai cũng còn phải vật lộn để sống, ai cũng mang trong lòng một nỗi lo âu.

Thanh minh là chồng nàng không có tội ư? Kêu ca khổ ư? Không được. Những điều đó bao hàm một ý chống đối. Hơn nữa chồng nàng bị bắt quá lâu rồi. Với mọi người không còn là chuyện thời sự nữa. Chỉ riêng mình nàng chuyện đó vẫn còn tươi máu.

Không. Không ai có thể hiểu được điều kinh khủng ấy. Cái điều không có một người để mà chia sẻ. Đó là sự khủng khiếp nhất trong suốt năm năm hắn đi tù. Chẳng có ai hiểu được.

Tết thứ hai hắn ở trong tù, nàng vẫn chưa được gặp mặt hắn. Nàng gửi tiếp tế cho hắn. Ăn Tết xong, nàng bế bé Dương mới bảy tháng cùng con Thương đi tàu lên trường. Mọi tính toán của nàng trong chuyến đi ấy đều sai lệch. Chỉ vì muốn ở lại thêm một ngày với bố mẹ, các con, muốn ở gần nhà giam Trần Phú thêm một ngày, nàng đi tàu đêm lên Hà Nội.

Mười giờ tối mồng sáu tết, ba mẹ con từ ga Hàng Cỏ đến nhà anh chị Diệu. Nàng định ngủ ở đó, sáng hôm sau đáp tàu đi Vĩnh Phú. Nàng một tay bế con, một tay xách túi lần mò từng bậc thang gác tối. Con Thương không nói một lời, mang nặng không kém mẹ, theo sau. Nàng gõ cửa. Không ai trả lời. Nàng lấy tay sờ cánh cửa. Hai khóa. Nàng choáng váng và thất vọng.

- Bác đi vắng rồi, con ạ.

Ba mẹ con lại dò dẫm xuống thang. Đứng dưới lòng đường, nàng suy nghĩ, rồi bảo con:

- Đi con.

- Đi đâu hở mẹ?

Con Thương mệt, nhưng nó thương mẹ nó hơn. Nàng dắt tay nó.

- Đến đền Ngọc Sơn.

- Nhà ai hở mẹ?

- Bác Lê Bàn.

Lê Bàn ở đền Ngọc Sơn với cụ Từ. Nàng biết vậy vì chồng nàng vẫn nói.

Quãng đường dài như như vô tận. Qua cầu Thê Húc, nàng bước vào trong đền. Vắng quá. Không một ai. Mọi cửa đều đóng. Nàng gọi tên Bàn. Nàng chờ tiếng trả lời và dáng người quen thuộc của Bàn bước ra.

Nàng đi cầu may qua các khung cửa im lặng như tờ. Nàng đứng nhìn mặt nước hồ Gươm thăm thẳm. Giá bây giờ có hắn ở bên, để nàng dựa vào hắn, để hắn quyết định, để hắn đưa nàng đi. Bây giờ, chính nàng phải quyết định. Chính nàng là trụ cột. Nàng nhìn xuống mái tóc con Thương, nó cũng đang nhìn ra mặt hồ, không dám hỏi mẹ.

- Về Cửa Nam thôi, con ạ.

Nó ngoan ngoãn đi theo nàng. Người nàng rã rời. Con Thương lầm lũi, có lúc ngã chúi. Nàng xách thêm cái túi cho nó. Nhưng nó không nghe:

- Con mang được. Con chỉ buồn ngủ quá. Ở Cửa Nam có ai hở mẹ?

Nàng im lặng. Cửa Nam không có ai đâu con ơi. Nhưng mẹ sẽ tìm chỗ cho con ngủ.

Nàng xông vào nhà người gác đường tàu xin ngủ nhờ. Nàng chìa cho họ nhìn bé Dương bảy tháng để thêm trọng lượng cho lời cầu khẩn. Nhưng người ta không cho. Dù nàng van xin. Người ta bảo nàng ra đồn công an mà ngủ.

Nàng bơ vơ giữa thành phố Hà Nội của nàng. Thành phố những năm tháng đẹp nhất của tuổi dậy thì, tuổi con gái, tuổi yêu. Thành phố nàng cắp sách đến trường. Bè bạn ríu rít như một bầy chim, áo dài màu như một vườn hoa. Thành phố nàng đi lao động xã hội chủ nghĩa, đắp đường Thanh Niên, công viên Thống Nhất. Thành phố một thời tin tưởng. Thành phố của mối tình say đắm với hắn, của cuộc đời rộng mở mà nay không chỗ dung thân.

Mấy anh nàng đều ở tập thể và quá xa. Còn những người bạn khác thì nàng không muốn phiền vào những lúc đêm hôm khuya khoắt. Ôi, lòng tự trọng của một người sa cơ thất thế. Cách xử sự của người bị dồn đến bước đường cùng. Nàng trải ni-lông nằm ở trước cửa mậu dịch Cửa Nam.

Con Thương lăn ra ngủ. Bé Dương ngậm vú.

Nàng kéo chân con Thương vào, ủ cho nó.

Nàng định thức suốt đêm trông con, trông đồ đạc. Nhưng nàng không chịu được nữa. Nàng nằm xuống, lấy áo bông, lấy khăn, lấy tã đắp cho con, cho nàng. Nàng ngủ chập chờn trong nỗi lo sợ bị mất cắp, con nàng bị lạnh và trời có thể đổ mưa…

Sau này nhớ lại, nàng tự nhủ: Thật may, thời đó xã hội còn chưa đến mức như bây giờ. Chưa tệ hại như bây giờ. Nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ đến…

Hôm sau nàng lên trường. Nàng học. Không gì cản trở được nàng học tập.

Hai năm trôi qua như vậy.

Thì có công văn từ P. gửi lên trường gọi nàng về. Nàng không được học nữa vì lý lịch xấu, có một tên chồng đi tù, phản cách mạng. Nàng bị đuổi học.

Điều ấy thật choáng váng tuy nàng đã lường trước. Nó đã đến, chấm dứt chuỗi lo lắng, nơm nớp, hồi hộp trong suốt thời gian nàng đi học. Nàng chỉ thật sự thất vọng vì cái công văn bỏ ngỏ. Cái công văn chính thức không cho nàng đi học gửi lên trường, không được dán kín, vứt ở văn thư và được chuyền tay nhau rất nhanh. Người ta đọc chỉ vì tò mò. Đề tài ấy làm vui lên được đôi chút những người sống ở vùng trung du xa xôi hẻo lánh này.

Hai lần nhục nhã, hai lần đau đớn, nàng thu xếp chăn màn, phích, chậu, nồi, quần áo, tã lót. Nàng đi trước hàng trăm con mắt như người bị gọt gáy bôi vôi.

Ba mẹ con rời trường. Lại những cảnh vạ vật bến tàu, bến xe. Con Thương hiểu tất cả. Nó chơi với em ở những chỗ nghỉ. Nó mang nặng những lúc đi đường. Thằng Dương bé bỏng nào biết gì. Nó bú, nó ngủ. Nó đái, ỉa. Nó khóc. Mặt nó đỏ bừng lên như người bị sốt vì nắng, nóng.

Ba mẹ con đi, dắt díu như người phiêu bạt.

Ba mẹ con đi, bồng bế như người chạy loạn năm nào.

Nàng hiểu rằng nàng không còn hy vọng gì ở tương lai.

Nàng biết nàng đã bị bịt mọi lối, mọi con đường tiến thủ. Nàng chỉ có thể sống theo cái nghĩa tồn tại sinh vật. Tồn tại sinh vật cũng vô cùng khó khăn. Một mình nàng phải kiếm sống cho năm miệng ăn, lại phải dành dụm đi tiếp tế cho chồng. Tồn tại sinh vật với nàng cũng khó khăn, vì chính nàng cũng đã bị triệt hạ, bị đốn ngã.

Trở về cơ quan cũ, nàng được chuyển sang làm phụ kho, làm bốc vác. Những kiện vải nặng, những chồng quần áo may sẵn oằn lưng. Nàng cắn răng chịu đựng, cố gắng trong mọi việc như những người sa cơ thất thế biết mình phải làm gì và không được phép có một biểu hiện chán nản hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Phải đứng vững, dù thế nào chăng nữa. Phải đứng được và đừng ngã.

Nàng đã hiểu nàng chỉ được hưởng cái gì người ta cho hưởng. Bắt phong trần phải phong trần. Nàng chấp nhận và mong ước phần tối thiểu nhất: Sự đoàn tụ. Nhưng làm sao có được. Ông Lan đã giảng cho nàng: Chổng nàng có tội, nhưng chiếu cố đến cả hai gia đình đều có công với cách mạng, trên không đưa ra truy tố, chỉ đưa đi tập trung cải tạo. Sau nay giả dụ có phải can án nữa thì chỉ tính là có tiền sự chứ không phải tiền án. Đó là sự nhìn nhận toàn diện, khách quan, có lý có tình: Vừa tính đến mức độ phạm tội của hắn, vừa tính đến đóng góp của gia đình với cách mạng.

Nàng không hiểu sự khác biệt giữa án và tập trung. Nhưng nàng mong chồng nàng được ra tòa. Nếu chồng nàng có tội thì hãy công bố cho mọi người, kể cả nàng và gia đình được biết những tội lỗi ấy. Nàng cũng nghĩ không bao giờ chồng nàng lại can án, nên cái điều hắn được coi như chỉ có tiền sự chứ không phải tiền án với nàng cũng bằng thừa.

Nàng chỉ biết chồng nàng đi tù một cách hoàn toàn phi lý và dần dần nàng hiểu thực chất cái án tập trung. Nàng làm đơn đi khắp nơi. Với nỗi đau trong lòng, nàng kêu gọi công lý. Hắn cũng viết thư bí mật gửi ra cho nàng, bảo nàng làm đơn kêu oan cho hắn. Tổng bí thư Lê Duẩn. Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội Trường Chinh. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Ban Thanh Tra của Chính Phủ. Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng. Ông Tố Hữu. Bộ Công an. Tổng Công đoàn Việt Nam… Nàng ghi những địa chỉ trên phong bì mà lòng lại hy vọng. Đó là những người, những nơi cả nước đặt niềm tin, những nơi quyết định tất cả. Những người sáng suốt, công minh, nhân hậu, thương dân, mong dân được hạnh phúc. Đó là Đảng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động đã ghi trên lá cờ của mình dòng chữ: “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”, là một chính quyền của dân, do dân, vì dân, khác hẳn mọi chế độ thống trị trước về bản chất, đối lập nhau như nước với lửa. Vả lại nàng chỉ xin điều tối thiểu nhất, đơn giản nhất: Có công thì thưởng, có tội thì phạt. Nàng chỉ mong chồng nàng được hưởng luật pháp. Nhất định đơn của nàng sẽ được cứu xét. Nàng bảo bố chồng cũng làm đơn nhân danh một người cha già, một gia đình tham gia cách mạng trước tháng Tám năm 1945 đã được tặng bằng khen “Có công với nước”.

Vừa đi làm, vừa lo về quê thăm con, lo tiếp tế cho hắn, nàng còn lo đơn từ, đánh máy gửi lên Trung ương và tìm cách đưa tận tay các ông lãnh đạo thành phố. Nhưng nàng chẳng gặp được ai. Nàng chỉ nhìn thấy những chiếc ô-tô bóng loáng từ những biệt thự sang trọng và kín đáo lao ra phố, phả bụi vào mặt nàng. Người bảo vệ nắm vai nàng, đẩy nàng về một bên:

- Đến cơ quan! Có việc gì đến cơ quan!

Đến cơ quan. Nghĩa là đơn của nàng, niềm tin của nàng, toàn bộ hy vọng của nàng bị ném vào sọt giấy.

Không một ai trả lời nàng. Không một ai hiểu được rằng đằng sau những dòng chữ đánh máy bình thường ấy là máu, là nước mắt, là đời người, là hy vọng sống lại.

Tiếng kêu cứu của nàng rơi vào hư vô. Không một hồi âm. Nó lọt vào thăm thẳm.

Giá ông Hoàng còn làm bí thư thành ủy ở đây. Hẳn là nàng đã được gặp rồi. Ông Hoàng còn làm bí thư thì chồng nàng đã chẳng bị bắt. Nếu ông Hoàng còn làm bí thư thành ủy. Một câu nói của ông Hoàng sẽ quyết định tất cả. Sẽ trả lại cho nàng cuộc sống. Trả lại cho chồng nàng, các con nàng cuộc sống. Cất được cho bố mẹ nàng khổ đau, nhục nhã. Nhưng ông Hoàng đã về Hà Nội. Làm một phó ban gì đó của Trung Ương.

Ông Hoàng rất biết hắn. Có lần sau khi đọc một loạt bài điều tra của hắn về công tác quản lý xí nghiệp, ông Hoàng đã cho mời hắn sang làm việc riêng với ông, trò chuyện rất tâm đắc. Hắn đã kể cho nàng nghe tất cả. Hắn hớn hở bảo nàng:

- Anh vừa uống trà chỗ ông Hoàng về. Thật là một người tuyệt vời. Ông Hoàng gọi điện cho anh: “Có trà ngon sang mình uống nhé”.

Hoặc:

- Ông Hoàng gọi điện hỏi anh có đi Hà Nội không? Ô-tô rộng. Mai anh đi nhé. Lên Nhà Thanh Niên xem có vay thêm được ít tiền tạm ứng nào không?

Hắn tặng ông Hoàng sách của hắn, kể với ông những dự định. Rồi một hôm, Cao, phóng viên báo T, cháu ông Hoàng về công tác, đến nhà hắn nói với nàng về hắn:

- Ông Hoàng nói với tôi: “Thằng Tuấn nó viết được tiểu thuyết lớn về công nhân đấy”.

Giá ông Hoàng còn làm Bí thư thành ủy ở đây…

Nàng đến đưa đơn và xin gặp ông bí thư thành ủy đương nhiệm. Nhưng không thể nào gặp được.

Bình, người bạn thân nhất của hắn và giờ đây là người nàng có thể bàn định, kể lể nỗi niềm, lắc đầu bảo nàng:

- Ông K (tên ông bí thư thành ủy hiện nay) là giám đốc Sở Công an chuyển sang. Ông Trần là quân của ông K. Thế nào ông K chẳng bênh ông Trần. Ông K lại mâu thuẫn với ông Hoàng. Mà Tuấn được ông Hoàng cưng. Kêu ở thành phố không ăn thua gì đâu. Kêu lên Trung Ương mới có hy vọng được giải quyết.

Kêu lên Trung Ương. Nàng đã kêu lên Trung Ương. Nàng đã kêu vào thăm thẳm.

Ba năm qua đi. Đã hết lệnh đầu tiên. (Nàng đã biết cách tính thời gian tù bằng lệnh, một cách tính thật khoáng đạt, hào phóng). Hắn vẫn chưa được về. Anh Thân gặp gỡ những ông Quảng, ông Lan ở các hội nghị do thành phố tổ chức. Người ta nói với anh: Hắn chưa được về vì chưa chịu nhận tội, hắn vẫn còn chủ quan lắm. “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, đâu phải chuyện đùa. Bắt một người đã khó. Bắt một cán bộ công nhân viên càng khó hơn. Phải cân nhắc, suy tính, đâu chúng tôi dám làm bừa. Phải có đủ tài liệu trong tay”.

Vậy là hắn phải tù thêm lệnh nữa rồi. Anh Chân tìm mọi cách gặp ông Trần, người bạn cùng một cấp ủy trong những năm chống Pháp gian khổ nhất. Ông cũng bảo anh Chân là hắn đánh giá mình không đúng, chủ quan lắm. Ông Trần cũng như các ông Quảng, ông Lan không bị tù mà chỉ bắt người khác vào tù thôi, nên không hiểu để hắn ở thêm ít ngày nữa đối với hắn, đối với nàng là như thế nào. Họ đều thuộc câu “nhất nhật tại tù”, nhưng hẳn chẳng bao giờ nghĩ đến thực chất ghê gớm của câu nói ấy. Sao lại có thể giúp một người chữa bệnh chủ quan bằng cách cho người ta vào tù nhỉ.

Nàng lại phải chờ đợi hơn nửa năm nữa mới được tin hắn trở về Trần Phú. Nhưng rồi hắn lại ra đi.

Lúc hắn ngồi trên xà lim lưu động, đi qua đầu làng trên đường trở lại Q.N là lúc nàng đang đi làm. Cơ quan đã chuyển về thành phố. Nhận được tin khủng khiếp ấy nàng hoàn toàn gục ngã. Nàng định đi Q.N thăm hắn, nhưng chuyến đi thăm cứ bị lùi lại. Bé Dương bị viêm họng. Rồi nàng ốm. Rồi công việc cơ quan.

Rồi đến ngày 16 tháng 4, B52 rải thảm. Cả thành phố náo động. Nàng và con Nguyệt kẹt ở bến phà. Hàng nghìn người nghẽn ở bến, mắt đăm đăm nhìn lên trời chờ máy bay đến, chờ bom rơi giết chết mình. Nàng không hiểu đã lấy đâu ra sức khỏe, một tay giữ con Nguyệt để nó khỏi lạc, khỏi bị xô đẩy, tay kia giữ ghi-đông xe đạp bị kẹt cứng suốt nửa ngày ở đó.

Rồi nàng thấy mình ở giữa phà. Con Nguyệt vẫn đứng bên cạnh nàng.

Nàng đạp xe, với túi xách treo ghi-đông, túi dết khoác ngang lưng, con Nguyệt phía sau, vượt hai mươi ki-lô-mét về nhà. Bố mẹ chồng, ba đứa con chạy ra đón nàng, mừng như nàng vừa sống lại.

Hai tháng sau nàng chuẩn bị đi Q.N thăm hắn thì nhận được thư hắn: Hắn đã chuyển trại rồi.

Lại một lần nữa nàng gục ngã.

Nàng tự nguyền rủa mình. Vì sao khi hắn còn ở QN, nàng không đi thăm hắn? Đã đành là con ốm, công việc cơ quan, nhưng nếu quyết tâm, nàng vẫn đi được.

Úp mặt trên ngực chồng, nàng nghĩ tới con đường đi Q.N, rồi con đường đi V.Q xa hàng trăm ki-lô-mét. Nàng đạp xe đạp. Phà, đò, nhiều dốc, nhiều đèo. Chiều tà vẫn một mình, với bao túi tắm, miệt mài giữa núi rừng. Nàng không ngờ trong người mình lại có ngần nấy sức lực, ngần nấy quyết tâm. Khi đi còn hăng hái vì ý nghĩ sắp được gặp chồng làm nàng thắng được mệt nhọc, vất vả. Khi về mới thật là một cực hình. Mệt mỏi, ê ẩm, rã rời và một câu hỏi: Bao giờ gặp lại chồng. Nhất là khi mở khóa bước vào buồng, một mình, trống rỗng.

Vĩnh biệt những con đường rừng hăm dọa nuốt chửng đời người ấy. Vĩnh biệt kiếp sống đen tối ấy. Chồng nàng đã trở về căn buồng này cùng nàng, quen thuộc, dù từ một thế giới khác, nhưng vẫn là chồng nàng, quen thuộc. Như trước đây. Như nàng vẫn nghĩ. Như nàng vẫn mong đợi.

Nàng lại nhẹ nhàng nằm xuống cạnh hắn.