Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Vygotsky và lý thuyết văn hóa-xã hội về phát triển nhận thức

Dương Thắng

 

Bìa cuốn sách Nguồn gốc xã hội của trí khôn của Lev Semyonovich Vygotsky, dịch giả Dương Phú Việt Anh. Cty TNHH Sách Thật và NXB Hội Nhà văn ấn hành, tháng 7 năm 2021.

 

Vào những năm 1920, Lev Semenovich VYGOTSKY (1896-1934) cùng với các nhà tâm lý học Xô Viết khác đã nhận sứ mệnh xây dựng một lý thuyết về sự phát triển của con người dựa nền tảng trên chủ nghĩa Mác. Cảm hứng chủ đạo rút ra từ luận điểm: “Chủ nghĩa Mác- Lê Nin cho rằng mọi hoạt động nhận thức cơ bản của con người đều hình thành trong một ma trận của lịch sử xã hội và trở thành sản phẩm của sự phát triển lịch sử-xã hội”. Nguyên tắc quan trọng trong cách tiếp cận hành vi của Vygotsky là: “Ở con người, các quá trình tinh thần đã đạt tới tầm cao bởi vì chúng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các phương tiện văn hóa”. Nhưng rồi trong suốt thế kỷ XX, thế giới gần như không biết đến Vygotsky, nhưng ngay sau khi các công trình của ông được công bố rộng rãi, giới nghiên cứu đã phải tôn vinh ông là “Mozart của tâm lý học”.

1. Một hướng nghiên cứu về các quá trình tâm lý bậc cao

Vygotsky, với sự năng động và bền bỉ tuyệt vời đã dành hết toàn bộ trí lực cho công việc nghiên cứu của mình. Ông đã đọc hầu như toàn bộ các công trình nghiên cứu đáng chú ý của thời đại mình: ngôn ngữ, nhân chủng, tâm lý học, giáo dục... Năm 1934, cái chết đột ngột đã đến với ông (hậu quả của căn bệnh lao phổi) khiến các công trình nghiên cứu bị dừng đột ngột, tuy nhiên sau gần một thế kỷ, các công trình của Vygotsky vẫn tạo ra một cơ sở lý thuyết vững chắc cho phép tích hợp các kết quả thu nhận được từ các chuyên ngành khoa học xã hội riêng rẽ, từng bị chia tách một cách giả tạo.

Công trình của Vygotsky được các nhà nhân chủng học, sinh học, ngôn ngữ và văn hóa quan tâm vì nó tập trung vào các quá trình tâm lý bậc cao giúp phân biệt con người (như một loài) với họ hàng gần nhất của chúng, loài vượn lớn. Vygotsky đề cập đến trí nhớ và trí thông minh, việc sử dụng các công cụ và biểu tượng trong chơi, vẽ, ngôn ngữ và viết. Ông phân biệt các ký hiệu cấp một, chẳng hạn như từ và hình ảnh, với các ký hiệu cấp hai, chẳng hạn như chữ viết. Một trong những ý tưởng thú vị của ông là việc sử dụng các biểu tượng bắt nguồn từ việc tách rời ý nghĩa của hành động, chẳng hạn như khi một đứa trẻ sử dụng một đồ vật (ví dụ, một cây gậy) để thực hiện các hành động liên quan đến một đồ vật khác (ví dụ, một con ngựa bập bênh), và do đó làm cho đối tượng đầu tiên trở thành đại diện cho đối tượng thứ hai. Tương tự như vậy, ông lập luận về việc vẽ biểu tượng được bắt đầu bằng động tác cầm bút. Chữ viết được sinh ra từ sự kết hợp giữa nét vẽ và ngôn ngữ (hai hệ thống ký hiệu cấp một) với ý tưởng rằng một dấu ghi trên giấy đại diện cho một ký hiệu. Từ đó Vygotsky dẫn đến lập luận về sự phát triển trí tuệ thông qua việc hợp lưu của hai dòng chảy độc lập: suy nghĩ và lời nói. Lúc đầu, ngôn từ biểu thị hoạt động bên ngoài và đi kèm với hành động; sau đó, giai đoạn sau, ngôn từ sẽ đi trước, dẫn dắt và chỉ đạo hành động. Nói một cách khác, một thao tác ban đầu chỉ biểu thị một hoạt động ở bên ngoài rồi nó được tái tạo lại và bắt đầu xảy ra ở bên trong tâm trí. Một quá trình “liên cá nhân” (giữa các cá nhân với nhau) biến thành một quá trình nội tâm.

2. Quan điểm về nguồn gốc văn hóa- xã hội của trí khôn của Vygotsky

Lý thuyết về nguồn gốc văn hóa-xã hội của trí khôn của Vygotsky đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, nó nhấn mạnh đến những đóng góp quan trọng mà xã hội đã tạo ra cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Vygotsky cho rằng ảnh hưởng của các thể chế văn hóa trong lĩnh vực này quan trọng hơn rất nhiều so với những yếu tố di truyền như năng lực trí tuệ và tinh thần. Ngoài ra theo Vygotsky, việc học tập của con người, phần lớn mang bản chất của một hoạt động xã hội. Cần lưu ý rằng lý thuyết về nguồn gốc văn hóa và xã hội của Vygotsky dường như có những điểm hội tụ với chủ nghĩa cấu trúc khi nó khẳng định rằng trẻ em không chỉ là những người tiếp thu thụ động, từ các thông tin chúng tiếp nhận, chúng cũng sẽ tựu xây dựng những nền tảng kiến thức và sơ đồ tư duy riêng của chúng.

Vygotsky khẳng định rằng cộng đồng đóng vai trò trung tâm trong quá trình “tạo ra ý nghĩa”, mỗi nền văn hóa sẽ cung cấp cái mà ông gọi là “công cụ” để thích ứng về phương diện trí tuệ. Những công cụ này cho phép những đứa trẻ sử dụng các kỹ năng nhận thức cơ bản theo những cách tinh tế và nhạy cảm, phù hợp với những nền văn hóa mà chúng trưởng thành trong đó.

Vygotsky tin rằng học tập là yêu cầu mang tính phổ biến và cần thiết của mọi quá trình phát triển có tổ chức của mọi xã hội và cá nhân, và càng trở thành cần thiết hơn nữa đối với các hoạt động tâm lý của con người. Một xã hội học tập vì thế phải là nhu cầu đặt lên trước nhu cầu về một xã hội phát triển.

Giống như Piaget, Vygotsky tin rằng, ngay từ khi mới sinh ra, trẻ em đã được trang bị những kỹ năng cơ bản để phát triển trí tuệ, đó là: khả năng chú ý, cảm giác, nhận thức và trí nhớ. Thông qua những tương tác trong môi trường văn hóa xã hội, các chức năng này chuyển hóa thành những quy trình và những chiến lược hiệu quả hơn, tinh vi hơn. Cái này được gọi là những quá trình tâm lý bậc cao hơn.

Trên quan điểm đó, Vygotsky cho rằng các chức năng nhận thức (kể cả việc tự nhận thức) chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của niềm tin, thang giá trị và các công cụ tạo ra sự thích ứng của nền văn hóa mà con người lớn lên trong nó. Do đó nó sẽ được định vị hoàn toàn trên phương diện văn hóa xã hội. Khi chuyển từ một nền văn hóa này sang một nền văn hóa khác, những công cụ thích ứng trí tuệ cũng sẽ thay đổi theo. Vì thế Vygotsky tin rằng mỗi nền văn hóa có một sự độc đáo riêng của nó và sẽ rất khác biệt với nhau. Chính vì thế Vygotsky đã bác bỏ luận điểm của Piaget khi cho rằng nội dung và sự phát triển trí tuệ có tính phổ quát, đúng ở mọi nơi và mọi lúc.

3. Vùng phát triển tiệm cận

Vygotsky rất quan tâm đến vai trò của xã hội hóa đối với quá trình phát triển nhận thức. Khác với những người quan niệm một chiều rằng việc học tập là hệ quả của sự phát triển (hoặc ngược lại), Vigotsky tin rằng giữa hai quá trình này có một sự tác động qua lại biện chứng. Ông đã đưa ra khái niệm “vùng tiệm cận phát triển”, một trong những khái niệm quan trọng và độc đáo trong lý thuyết của ông về bản chất xã hội của trí khôn. Theo Vygotsky, đó là “cách giữa trình độ phát triển hiện tại được quy định bởi việc đứa trẻ giải quyết vấn đề một cách độc lập, với mức độ phát triển tiềm năng như được quy định qua việc giải quyết vấn đề dưới sự hướng dẫn của người lớn hoặc có sự hợp tác của các bạn cùng trang lứa và giỏi hơn”.

Khái niệm “vùng tiệm cận phát triển” này cho phép chúng ta phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa hai hành vi “bắt chước” và “học theo”, loài linh trưởng có thể bắt chước một cách máy móc rất nhiều kỹ năng, nhưng không thể làm cho nó trở nên thông minh hơn, tức là độc lập giải quyết vấn đề ở mức độ cao hơn, lý do là chúng không có “vùng tiệm cận phát triển” như ở con người. Vì thế “vùng” này là một đặc trưng riêng biệt và là thiết yếu của loài người “...quá trình học tập của con người liên quan tới một bản chất xã hội cụ thể, nó gắn với một quá trình trưởng thành của những đứa trẻ trong cuộc sống trí tuệ của những người xung quanh”.

Lý thuyết của Vygotsky cũng nhấn mạnh đến vai trò của vui chơi trong học tập, cha mẹ và giáo viên có thể sử dụng những bối cảnh này để tìm ra đâu là “vùng phát triển tiệm cận” ở mỗi đứa trẻ, Vygotsky cũng rất coi trọng các tương tác ngang hàng, ông coi đó là một phương pháp rất hiệu quả để phát triển các kỹ năng và chiến lược. Đây là những kích thích từ những tác nhân có những vùng phát triển gần giống nhau. Vygotsky đề xuất phương pháp hợp tác học tập trong đó những học sinh kém hơn sẽ vươn lên nhờ vào sự giúp đỡ của các bạn giỏi hơn.

Vygotsky đã thực hiện các công trình nghiên cứu của mình vào những năm ngay sau cách mạng tháng 10. Ông lấy phương pháp biện chứng mác xít làm nền tảng cho những nghiên cứu của mình. Những kết quả về nguồn gốc xã hội văn hóa của trí khôn của ông là sự phát triển trực tiếp từ luận đề của Friendrich Engels về vai trò của lao động với sự hình thành con người. Giáo sư Stephen Toulmin, trong bài đánh giá về cuốn Nguồn gốc xã hội của trí khôn đã nhắc đến sự xa cách giữa các nhà tâm lý học Xô Viết và các đồng nghiệp Phương Tây. Gọi Vygotsky là một “Mozart của tâm lý học”, Toulmin cho rằng giới nghiên cứu tâm lý học Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ phát triển nhanh hơn rất nhiều nếu được tiếp xúc sớm hơn với các công trình cuả Vygotsky.