Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (kỳ 19)

Tác giả: Lê Oa Đằng
Việt dịch: Phan Văn Song
This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

Bàn về chủ quyền tại bãi Vạn An (bãi Tư Chính) theo luật pháp

Sau sự kiện bãi Tư Chính, Trung Quốc và Việt Nam đều nhìn lại lí lẽ phía mình. Việt Nam thuê công ti luật Covington and Burling Law của Mĩ viết bản báo cáo dài 29 trang, lập luận bãi Tư Chính là của Việt Nam. Luận điểm chủ yếu là: (1) bãi Tư Chính và các bãi quanh đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí của Việt Nam; (2) bãi Tư Chính cũng nằm trên thềm lục địa của Việt Nam; (3) Căn cứ nguyên tắc phân chia đều nhau của “Công ước Luật biển” lẫn phân chia theo tỉ lệ theo thông lệ thì bãi Tư Chính đều thuộc Việt Nam.[834] Crestone Energy Corporation cũng mời chuyên gia luật biển nổi tiếng của Trung Quốc là Phan Thạch Anh (đã mất) viết một cuốn sách[835] phản bác lại báo cáo nói trên.

Cần tách vấn đề chủ quyền bãi Tư Chính ra mấy tầng bậc để bàn luận:

Trước hết, liệu bãi Tư Chính có thể được đưa vào phạm vi chủ quyền lãnh thổ với tư cách là một phần của quần đảo Trường Sa nói chung hay không. Nếu trả lời là có thì bãi Tư Chính cần được xử lí như một bộ phận quy thuộc quần đảo Trường Sa và như vậy, nó sẽ là vấn đề có bình diện liên quan lớn hơn. Phần lớn lập luận của Phan Thạch Anh là để chứng minh rằng Trường Sa thuộc về Trung Quốc.[836] Do giới hạn của chương, chúng tôi không thể bàn sâu ở đây.

Nếu bãi Tư Chính không phải là một phần của Trường Sa nói chung để quy vào phạm vi chủ quyền lãnh hải thì Trung Quốc sẽ có thể phải dùng đường 9 đoạn để tiến hành luận chứng sâu hơn. Nếu bãi Tư Chính được quy vào đường 9 đoạn thì đường 9 đoạn sẽ được định nghĩa như thế nào, có hiệu lực luật pháp hay không? Điều đó có hàm nghĩa rằng Trung Quốc có thể có được chủ quyền và tài nguyên khoáng sản, sinh vật trên toàn bộ các đảo, rạn đá, bãi cạn thuộc phạm vi đường này hay không? Đây cũng là điểm quan trọng về luật pháp cần luận chứng đầy đủ. Phần lớn điều trình bày của Phan Thạch Anh cũng nhấn mạnh luận điểm này.[837]

Điều cần thảo luận ở đây là, nếu bãi Tư Chính không thể coi là một bộ phận của Trường Sa để tuyên bố lãnh thổ, cũng không thể dùng đường 9 đoạn để đòi chủ quyền, thì chủ quyền của bãi Tư Chính sẽ được quy thuộc ra sao?

Về mặt lịch sử, bãi Tư Chính do người Anh phát hiện ra. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không có chứng cứ về quản lí hữu hiệu bãi Tư Chính. Nhưng về mặt bản đồ chủ quyền, Trung Quốc chiếm ưu thế hơn Việt Nam chút ít. Năm 1935, trong bản đồ cương vực lần thứ nhất, Trung Quốc không đưa bãi Tư Chính vào “Bảng đối chiếu Anh – Trung tên gọi các đảo ở biển Đông” (中國 南海諸島中英地名對照表: Trung quốc Nam hải chư đảo Trung-Anh địa danh đối chiếu biểu), nhưng các bãi Quảng Nhã (Prince of Wales Bank, lúc đó được gọi theo cách phiên âm là bãi Bilin wu Wei – 比鄰無畏; Tỷ Lân Vô Úy, VN gọi là bãi Phúc Tần-ND); bãi Nhân Tuấn (Alexandra Bank, khi đó gọi là bãi Ai lei sheng da – 埃勒生達; Ai Lặc Sinh Đạt, VN gọi là bãi Huyền Trân-ND); bãi Tây Vệ (Prince Consort Bank, khi đó được gọi theo cách phiên âm bãi Bilin Kang – 比鄰康: Tỷ Lân Khang) (VN gọi là bãi Phúc Nguyên-ND); bãi Lí Chuẩn (Grainger Bank, khi đó được gọi theo cách phiên âm là bãi Ge ling ze - 格陵澤: Cách Lăng Trạch, VN gọi là bãi Quế Đường-ND) gần đó lại nằm trong bảng. Trong số 5 bãi đá ở khu vực này, chỉ thiếu bãi Tư Chính. Mãi đến năm 1947, sau Chiến tranh, bãi Vạn An (Tư Chính) mới được đưa vào “Bảng đối chiếu tên cũ và tên mới các đảo ở biển Đông” (南海諸島新舊名稱對照表: Nam hải chư đảo tân cựu danh xưng đối chiếu biểu), hơn thế nó còn nằm trong phạm vi đường 9 đoạn. Không rõ lí do vì sao bãi Tư Chính không được đưa vào năm 1935, tuy nhiên 4 bãi đá khác đã được đưa vào thì không có lí do gì bãi Tư Chính là điểm gần nhất lại không nằm trong ý đồ chủ quyền của Trung Quốc (có vẻ tg nhầm do trong bảng đối chiếu 1935 bãi Tư Chính được gọi là bãi ‘Tiền Vệ [than]’, dịch từ Vanguard Bank - ND). Hơn nữa, khu vực bãi Vạn An Bắc 21 tuy có tên gọi của bãi Vạn An (Tư Chính), nhưng nó lại không chỉ giới hạn trong bãi Tư Chính mà còn bao gồm một phần của 4 bãi đá nêu trên.

Năm 1933, khi tuyên bố chiếm lĩnh Trường Sa, Pháp chỉ liệt kê các đảo chủ yếu mà không nói rõ chủ quyền, càng không kể đến tên bãi Tư Chính. Do vậy, nếu Việt Nam có ý dùng chứng cứ lịch sử để đưa ra yêu sách chủ quyền thì cũng phải đi theo lập luận bãi Tư Chính là một phần thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, chính Việt Nam đã phủ nhận điều này, quay sang lập luận rằng bãi Tư Chính không thuộc quần đảo Trường Sa.[838] Bởi vậy, nếu như bãi Tư Chính đủ tư cách để được đưa vào chủ trương lãnh thổ thì cơ hội thuộc về Trung Quốc trước.

Nhưng nhìn từ góc độ địa lí, cũng giống như 4 bãi đá khác, bãi Tư Chính là bãi san hô lớn chìm hoàn toàn dưới mặt nước biển, chỗ cạn nhất là 17m và đều là bãi ngầm. Bất luận từ góc độ nào, đó không phải là lãnh thổ có thể đòi hỏi chủ quyền. Như vậy, việc nó nằm trong thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia nào đó sẽ trở thành tiêu chí để quốc gia đó có chủ quyền đối với nó.

Về mặt vị trí địa lí, bãi Tư Chính cách đường cơ sở ven biển Việt Nam chỉ có 84 hải lí, cách bờ biển Việt Nam 95 hải lí,[839] toàn bộ bãi đều nằm trong phạm vi 200 hải lí. Phan Thạch Anh cho rằng, “về mặt địa chất, quần đảo Nam Sa là vùng đất lục địa ven lục địa Hoa Nam bị tách ra, từng là một phần ven lục địa Hoa Nam cổ bị tách ra trong lịch sử địa chất. Cấu trúc ngày nay là kết quả chuyển động, tích tụ về phía Nam của vùng đất này trong lịch sử diễn tiến địa chất để lại.” “Đặc điểm hình thành của nó rõ ràng khác với đặc điểm trầm tích bồn địa của Việt Nam trên bán đảo Đông Dương”.[840] Thực ra, cấu tạo địa chất của quần đảo Trường Sa được tạo bởi một số dạng khác nhau, đặc điểm do Phan Thạch Anh nêu ra chỉ thuộc phần phía Bắc quần đảo Trường Sa, không liên quan đến bãi Tư Chính. Hơn thế, dùng khởi nguồn địa chất hàng triệu năm về trước làm luận chứng cho sự quy thuộc thềm lục địa trong Luật quốc tế thời hiện đại là không có ý nghĩa thực tế.

Về mặt địa chất, độ rộng thềm lục địa trên dải biển Đông ngoài phạm vi bán đảo Đông Dương có hạn (phần đông các nhà địa chất đều cho rằng, độ sâu của thềm lục địa khoảng 200m), vùng lục địa Việt Nam và bãi Tư Chính cách nhau một đường rãnh sâu khoảng 1.000m. Bãi Tư Chính không nằm trên thềm lục địa theo nghĩa địa chất học.[841] Tuy nhiên, thềm lục địa theo nghĩa địa chất học và thềm lục địa theo nghĩa luật pháp là hai khái niệm khác nhau. Trong “Công ước”, phạm vi thềm lục địa không bị hạn định bởi định nghĩa địa chất học mà nó có thể vươn dài đến độ sâu nhất là 2000m. Vì thế, về phương diện luật pháp thì bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa của Việt Nam.

Nếu như vậy, Việt Nam vẫn cần phải phân chia thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế với các đảo có thể thuộc về Trung Quốc. Đảo liền kề nhất với bãi Tư Chính là đảo Trường Sa Lớn (TQ gọi là Nam Uy) của Việt Nam. Nếu thừa nhận đảo Trường Sa Lớn là của Việt Nam thì bãi Tư Chính thuộc Việt Nam là điều không có gì nghi ngờ. Nhưng nếu đảo Trường Sa Lớn thuộc Trung Quốc thì sự quy thuộc của bãi Tư Chính sẽ tùy thuộc hiệu lực phân định ranh giới đảo Trường Sa Lớn lớn đến đâu.

Diện tích đảo Trường Sa Lớn vẻn vẹn chỉ có 0,25 km2. Nó được hưởng vùng lãnh hải là điều rõ ràng, nhưng nó có đủ điều kiện tự nhiên để duy trì sự sống của con người hay không lại trở thành vấn đề, điều đáng nói là trước những năm 1970 không có người sinh sống trên đảo này. Nếu xác định đó là bãi đá không thể duy trì sự sống của con người thì nó không có tư cách hưởng quyền lợi của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, như vậy thì bãi Tư Chính sẽ thuộc về Việt Nam.

Ngay cả khi đảo Trường Sa Lớn được quy vào nhóm đảo có thể duy trì sự sống của con người, thì với diện tích quá nhỏ như vậy cũng không đủ cơ sở để hưởng hiệu lực ngang bằng (với Việt Nam) trong phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Có thể tham khảo một ví dụ tương tự khác là vấn đề Bạch Long Vĩ trong quan hệ Trung – Việt (phần sau). Đảo Bạch Long Vĩ nằm trên Vịnh Bắc Bộ, diện tích chừng 3 km2, có nguồn nước tự nhiên, đáp ứng điều kiện sống của con người nhưng cũng chỉ được phân định quyền lợi vùng đặc quyền kinh tế 3 hải lí. Điều kiện đảo Trường Sa Lớn không bằng Bạch Long Vĩ, vì thế cho dù có được hưởng quyền lợi của vùng đặc quyền kinh tế thì cũng khó vượt qua phạm vi 3 km. Nếu như vậy thì bãi Tư Chính vẫn thuộc về Việt Nam.

Vì thế, nếu không coi Tư Chính là một phần của Trường Sa thì Tư Chính thuộc về Việt Nam là hợp pháp, đây cũng chính là điểm xuất phát trong luận chứng của Việt Nam.

Vậy, bãi Tư Chính có phải là một phần của quần đảo Trường Sa hay không? Phan Thạch Anh đưa ra một số lí lẽ để chứng minh.

Thứ nhất, năm 1935 và 1947, Vạn An (hoặc các bãi đá lân cận) đều được định danh trong danh sách đảo.

Thứ hai, bản đồ do nước ngoài ấn hành như “Bản đồ quần đảo Châu Á và biển Đông Trung Quốc” của Pháp cũng có vẽ bãi Vạn An. Tuy nhiên, Phan Thạch Anh không giải thích tại sao việc thể hiện bãi Vạn An trên tấm bản đồ này có nghĩa Vạn An thuộc Trường Sa.

Thứ ba, trong cuốn sách trắng công bố năm 1988, Việt Nam đánh dấu bãi Tư Chính trong quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, Phan Thạch Anh còn cho rằng, căn cứ khoản 2 điều 46 “Công ước Luật biển”: “Quần đảo là một tổng thể các đảo, bao gồm các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp giáp và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau, tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lí, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.”[842] Vì vậy, Nam Sa (Trường Sa) phải được coi là một “quần đảo”, bao gồm cả bãi Vạn An (Tư Chính).[843]

Cách lập luận này không xác đáng, là vì:

Thứ nhất, tên gọi của quần đảo Nam Sa hay Spratly Islands xuất hiện rất muộn, hơn nữa phạm vi không được xác định. Trong các sách “Hàng hải thế kỉ 19” đều không có cái tên Spratly Islands. Dù là Vạn Lí Thạch Đường trong sử sách Trung Quốc hay Trường Sa trong thư tịch cổ Việt Nam đều không xác định phạm vi chính xác. Khi công bố bảng đối chiếu tên gọi Trung – Anh vào năm 1935, tên gọi của quần đảo Nam Sa (Trường Sa) là quần đảo Đoàn Sa vốn chỉ là tên được dịch từ tên nhóm đảo Tizard ở phía bắc của quần đảo Trường Sa. Sau Thế chiến II, dù Bộ Nội chính và Bộ Ngoại giao Trung Quốc có chỉ ra phạm vi của nó thì cũng tồn tại những tranh luận và lộn xộn rất lớn (xem phần III.6). Khi Pháp và Nhật tranh luận về chủ quyền của quần đảo Trường Sa trước Chiến tranh, phạm vi của Trường Sa không bao gồm bãi Tư Chính. Sau Chiến tranh, khi Philippines và Trung Quốc (Đài Loan) tranh cãi về chủ quyền quần đảo Trường Sa thì phạm vi Trường Sa cũng là một trong những tiêu điểm đưa ra tranh cãi.

Philippines không coi đảo Trường Sa Lớn và phía Tây của nó (tức bao gồm bãi Tư Chính) thuộc về quần Trường Sa. Đến nay, Việt Nam, Philippines và Malaysia đều không thừa nhận các bãi ngầm phía Nam 7° vĩ Bắc (bao gồm bãi ngầm Tăng Mẫu [bãi ngầm James-ND]) thuộc quần đảo Trường Sa. Do vậy, nhìn từ góc độ lịch sử thì cái tên quần đảo Nam Sa (Trường Sa) không nhất thiết bao gồm bãi Vạn An (Tư Chính).

Bây giờ, khi bàn về phạm vi của Trường Sa, sở dĩ những địa danh này được bao gồm vào chỉ vì năm 1947 Trung Quốc tuyên bố “phạm vi thu hồi” có chúng trong đó. Cũng có nghĩa là, phạm vi của Trường Sa được nói đến như hiện nay chỉ mới được đề xuất sau Thế chiến II, hơn nữa do có những tranh chấp về chủ quyền của các đảo, nên đã được dùng rộng rãi để thuận tiện cho việc thảo luận. Nói cách khác, phạm vi quần đảo Nam Sa đã được chấp nhận rộng rãi (nhưng không phải thừa nhận) sau khi xuất hiện tranh chấp chứ không phải được hình thành một cách tự nhiên theo chiều dài lịch sử. Sau khi làm rõ điều đó, không khó để rút ra kết luận : dù bãi Tư Chính thường được coi là một phần của quần đảo Trường Sa, nhưng nó không đáp ứng điều kiện “để được coi là một thực thể như vậy trong lịch sử”.

Thứ hai, “quần đảo” nêu trong điều 46 của “Công ước” được định ra là để miêu tả các quy tắc của quốc gia quần đảo. Nó quy định quốc gia quần đảo có thể có quyền phân định biển nhiều hơn các quốc gia không quần đảo, và dụng ý của nó không phải để giải thích bãi ngầm có vị thế lãnh thổ hay không, cũng không có ý đề cập đến vấn đề bãi ngầm có thể trở thành lãnh thổ hay không. Vùng đất có địa mạo thế nào thì được coi là lãnh thổ không nằm trong phạm vi thẩm quyền của “Công ước Luật biển”. (xem phần VI.13).

Hơn nữa, khoản 1 điều 47 Đường cơ sở quần đảo trong “Công ước” đã chỉ rõ: “Quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao quanh các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỉ lệ diện tích nước so với diện tích đất, kể cả vành đai san hô, phải từ 1/1 tới 9/1”.[844] Đường cơ sở quần đảo chỉ có thể thiết lập ở các đảo và bãi đá lúc chìm lúc nổi nằm bên ngoài. Bãi ngầm chìm dưới nước đương nhiên không có tư cách này. Hơn nữa, vị trí địa lí của bãi Tư Chính lại nằm ở phía tây đảo Trường Sa Lớn thuộc khu vực cực Tây quần đảo Trường Sa. Nói cách khác, ngay cả khi chiếu theo quy định này để vạch đường cơ sở quần đảo thì Tư Chính cũng không nằm trong đường cơ sở.

Vấn đề đảo Bạch Long Vĩ và phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam

Quan hệ Trung – Việt được bình thường hóa sau năm 1990. Ngày 27/8/1990, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lí Bằng của Trung Quốc có cuộc gặp bí mật với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười của Việt Nam, đặt mục tiêu bình thường hóa quan hệ song phương. Ngày 5/11 năm sau, Đỗ Mười, đã trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thăm chính thức Bắc Kinh, quan hệ Trung – Việt chính thức bình thường hóa.[845] Hai bên bắt tay vào việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ tồn đọng trong lịch sử. Tranh cãi lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam gồm 3 điểm: một là lãnh thổ trên đất liền; hai là phân định Vịnh Bắc Bộ; ba là vấn đề các đảo tại biển Đông. Sau sự kiện bãi Tư Chính, quan hệ Trung – Việt bước vào giai đoạn hòa hoãn, tạo điều kiện triển khai đàm phán.

Trong thời kì Pháp thuộc, Triều đình nhà Thanh và Pháp kí “Hiệp ước phân định biên giới Pháp – Thanh” năm 1887. Sau khi Trung Quốc và Việt Nam bước sang thời kì mới, cũng giống như mọi điều ước liên quan đến biên giới giữa Trung Quốc với các nước khác, hiệp ước này đòi hỏi phải thương thảo lại. Nhưng cho đến cuối nhưng năm 1980, Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tiến hành cuộc Chiến tranh biên giới nên tiến trình này bị trì hoãn lại. Trên cơ sở “Hiệp ước phân định biên giới Pháp – Thanh” năm 1887, tranh cãi vấn đề biên giới trên bộ thực chất chỉ là vấn đề kĩ thuật. Cuộc chiến kéo dài giữa hai nước mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn lãnh thổ.

Năm 1999, Trung Quốc và Việt Nam kí “Hiệp ước biên giới trên bộ Trung – Việt”. Năm 2009, hai bên hoàn thành việc khảo sát biên giới và kí kết “Nghị định thư về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Trung – Việt”, đánh dấu việc xác định cuối cùng ranh giới trên đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam.

So với tranh chấp trên đất liền thì những vấn đề liên quan đến việc phân định Vịnh Bắc Bộ rộng hơn. Vịnh Bắc Bộ nằm ở góc tây bắc biển Đông, là vịnh biển nửa kín do bị đất liền Việt Nam và Trung Quốc bao quanh. Ngày 26/6/1887, Trung Quốc và Pháp kí “Điều ước riêng về biên giới Trung – Pháp” (xem phần II.5 và phụ lục 1), trong đó điều 3 đề cập đến đường màu đỏ theo hướng Nam – Bắc là đường phân định ranh giới trên biển, đường màu đỏ này được vẽ trong bản đồ kèm theo, song chỉ dừng lại ở các đảo nhỏ gần bờ. Như vậy, đường màu đỏ có xuyên qua toàn bộ Vịnh Bắc Bộ hay không? Thậm chí có xuyên qua bán đảo Đông Dương để kéo dài tiếp hay không? Nó chỉ phân định đảo trên biển, hay đã tiến hành phân định cả Vịnh Bắc Bộ? Giữa Trung Quốc và Việt Nam tồn đọng tranh cãi về vấn đề này. Đường đỏ này không chỉ ảnh hưởng đến việc phân định vùng biển tại Vịnh Bắc Bộ, mà còn ảnh hưởng lớn hơn tới vấn đề quy thuộc đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, thậm chí còn liên quan đến sự quy thuộc của các đảo tại biển Đông.

Bạch Long Vĩ là đảo nhỏ với diện tích chỉ khoảng 3 km2, nằm giữa đảo Hải Nam Trung Quốc và vùng ven biển Việt Nam, cách đảo Hải Nam 120 km, cách thành phố Hải Phòng của Việt Nam cũng khoảng 120 km.

Việt Nam luôn cho rằng đảo Bạch Long Vĩ thuộc về Việt Nam là điều không cần bàn cãi, và hòn đảo này hiện đang thuộc quyền quản lí của Việt Nam, nhưng chủ quyền của nó không được Trung Quốc công khai thừa nhận rõ ràng.

Mặc dù các chuyên gia Trung Quốc đều khẳng định Bạch Long Vĩ “xưa nay đều thuộc về Trung Quốc”, nhưng thực ra bắt đầu từ giữa thời kì nhà Thanh, Bạch Long Vĩ đã thuộc về Việt Nam trong phân định ranh giới truyền thống Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam. trong những năm 1920, Pháp đã xác lập quyền cai quản đảo Bạch Long Vĩ, năm 1937 đưa quân trú đóng tại đây. Năm 1932 tranh chấp Trung – Pháp về Hoàng Sa nổ ra. Trung Quốc tuyên bố đường màu đỏ năm 1887 kéo dài đến đất liền, phạm vi các đảo trên biển thậm chí bao gồm cả Hoàng Sa, vì thế mà Tây Sa thuộc về Trung Quốc. Thái độ biểu hiện chính thức này của Trung Quốc chẳng khác nào thừa nhận đảo Bạch Long Vĩ nằm kề với đường màu đỏ phía Việt Nam là lãnh thổ của Pháp. Năm 1944, Nhật Bản chiếm đảo Bạch Long Vĩ. Năm 1946, Pháp chiếm lại Bạch Long Vĩ, Trung Quốc không phản đối việc này. Năm 1950, sau khi Quốc Dân đảng thua trận ở Đại lục, một số ít quân lính (hơn 40 người) đã rút về đảo Bạch Long Vĩ, nhưng quyền cai quản đảo khi đó vẫn nằm trong tay người Pháp. Năm 1954, Hiệp định Geneva quy định bắc vĩ tuyến 17 thuộc miền Bắc Việt Nam, đảo Bạch Long Vĩ vì thế cũng thuộc về Bắc Việt Nam. Tháng 8 cùng năm, liên quân Pháp cùng tuyệt đại bộ phận cư dân là con cháu người Việt rút khỏi Bạch Long Vĩ, nhưng tàn quân Quốc Dân Đảng và hậu duệ người Hoa vẫn ở lại đảo. Tháng 7/1955, Bắc Kinh “giải phóng” Bạch Long Vĩ và thành lập đơn vị hành chính cấp khu tại đây. Năm 1957, Trung Quốc trao lại Bạch Long Vĩ cho Việt Nam, nhưng ngôn từ thể hiện không rõ ràng. Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam tiếp tục quản lí Bạch Long Vĩ.[846]

Điều đáng chú ý thêm là, năm 1953, ngay cả trước khi chiếm Bạch Long Vĩ, Trung Quốc thậm chí đã xóa bỏ 2 đoạn của đường 11 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ, biến nó thành đường 9 đoạn. Theo suy đoán, việc xóa bỏ hai đoạn đó có liên quan đến thái độ của Bắc Việt Nam đối với Vịnh Bắc Bộ và đảo Bạch Long Vĩ. Chính sự mập mờ của quan chức Trung Quốc về vấn đề này đã khiến cho người dân (và một số quan chức) Trung Quốc đến nay vẫn cho rằng Bạch Long Vĩ là (hoặc nên là) của Trung Quốc. Cách hiểu sai lầm đó làm cho việc phân định Vịnh Bắc Bộ càng trở nên khó khăn.

Sau đó, Trung Quốc tích cực ủng hộ Bắc Việt Nam trong cuộc chiến với Pháp, Mĩ và Nam Việt Nam. Đến đầu những năm 1970, các bên liên quan đi đến việc kí “Hiệp định Paris”, Liên quân do Mĩ đứng đầu đã rút khỏi cuộc Chiến tranh Việt Nam. Trong thời kì tạm đình chiến ngắn, Bắc Việt Nam bắt đầu chuẩn bị công việc mời thầu trong khu vực thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ. Ngày 26/12/1973, Bắc Việt Nam đề nghị Trung Quốc đàm phán phân định biên giới. Bắc Kinh đồng ý đàm phán nhưng yêu cầu hai bên không được tiến hành hoạt động thăm dò tại khu vực hình chữ nhật 107°-108°E, 18°-20°N nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời cũng không cho phép nước thứ ba tiến hành thăm dò tại vùng Vịnh. Bắc Việt Nam đành tạm thời ngưng đàm phán thăm dò với các công ti dầu khí của Ý, Nhật Bản, Pháp,...

Khi mới đàm phán, “Điều ước riêng về biên giới Trung – Pháp” được đặt trước mặt hai bên. Ngày 15/8/1974, hai bên tiến hành cuộc hội đàm lần thứ nhất về vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Phía Trung Quốc không chấp nhận áp dụng đường vạch đỏ trên toàn bộ Vịnh Bắc Bộ, đồng thời cho rằng, vùng nước Vịnh Bắc Bộ trước nay chưa hề được phân định. Nhưng phía Việt Nam kiên định cho rằng đường phân định vùng nước Vịnh Bắc Bộ đã được vẽ trong Điều ước 1887. Nếu đúng như Việt Nam nói thì Việt Nam được hưởng 2/3 vùng nước thuộc Vịnh Bắc Bộ. Trung Quốc không chấp nhận nên đàm phán không thành. Trong vòng hai của cuộc đàm phán từ ngày 7/10/1977 đến tháng 6/1978, Việt Nam (mới) yêu cầu đưa quần đảo Hoàng Sa vào nghị trình đàm phán. Điều đó càng vượt ngưỡng chấp nhận của Trung Quốc, đàm phán rơi vào tình thế đình trệ.

Trung Quốc kiên quyết yêu cầu Việt Nam từ bỏ việc lấy Điều ước 1887 làm cơ sở đàm phán. Phía Việt Nam đề nghị tiến hành phân định và khảo sát biên giới trên đất liền làm điều kiện tiên quyết để đàm phán tiến lên bước cao hơn, gác lại vấn đề Vịnh Bắc Bộ. Năm 1979, Trung Quốc và Việt Nam đánh nhau. Sau khi Trung Quốc rút quân, hai nước tiến hành đàm phán vòng ba vào tháng 4/1979. Nhưng sau đó hai nước tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh biên giới trong thời gian dài. Không còn cơ sở đàm phán, dù về biên giới, về Vịnh Bắc Bộ hay về vấn đề các đảo biển Đông. Chỉ đến những năm 1990, sau khi bình thường hóa quan hệ, hai nước mới nối lại đàm phán vấn đề biên giới và phân định Vịnh Bắc Bộ.[847]

Vòng đàm phán thứ tư được bắt đầu vào tháng 10/1992, mở đầu bằng thảo luận của các chuyên gia. Tháng 8/1993, hai nước tiến hành đàm phán cấp chính phủ. Ngày 19/10/1993, hai nước kí kết “Hiệp định nguyên tắc về việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ nước CHND Trung Hoa và nước CHXHCN Việt Nam”, đồng ý thành lập Tổ công tác liên hiệp, xử lí vấn đề biên giới trên đất liền và vùng nước Vịnh Bắc Bộ, theo tầng cấp chuyên gia. Ngày 30/12/1999, hai bên kí “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam” (Sino-Vietnam Land Border Treaty). Trong số 227 km2 đất tranh chấp, Trung Quốc được 114 km2, Việt Nam được 113 km2. Biên giới trên đất liền là vấn đề được giải quyết sớm nhất trong 3 vấn đề lớn về lãnh thổ giữa hai nước. Nhưng phải đến năm 2008, hai bên mới hoàn thành việc khảo sát biên giới.

Về vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ, hai bên tranh cãi quyết liệt hơn, chủ yếu tập trung vào 3 điểm: một là, nhìn nhận thế nào về “ranh giới biển truyền thống” và “vùng nước lịch sử”? Hai là, xử lí vấn đề đảo Bạch Long Vĩ thế nào trong 3 vấn đề lớn? Ba là, phân chia công bằng tài nguyên nghề cá tại Vịnh Bắc Bộ ra sao?

Phía Việt Nam cho rằng, đường vạch đỏ dùng để phân định toàn bộ mặt nước Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các đảo nhỏ) – (cách diễn giải thứ ba). Việt Nam dẫn thêm “Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển”, cho rằng đường vạch đỏ đã tạo nên “vùng nước lịch sử” của Việt Nam. “Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam” được công bố ngày 12/11/1982 ghi rõ:

3. Vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh đã được quy định trong Công ước về hoạch định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc (trong sách này tác giả gọi theo TQ là Điều ước riêng về biên giới Trung – Pháp - ND) do Pháp và nhà Thanh kí ngày 26 tháng 6 năm 1887. Phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thuỷ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến cửa vịnh sẽ được công bố sau khi vấn đề đường cửa vịnh được giải quyết.[848]

Trung Quốc cho rằng, đường phân giới đó chỉ liên quan đến chủ quyền các đảo ven biển, không thể lấy đó làm cơ sở phân định toàn bộ vùng biển Vịnh Bắc Bộ, càng không thể dùng cho việc phân định sự quy thuộc của tất cả các đảo trong Vịnh Bắc Bộ (cách diễn giải thứ nhất). Trước tuyên bố trên của Việt Nam, ngày 28/11/1982, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra thông cáo nêu : “Ngày 12 tháng 11 năm 1982, chính phủ Việt Nam ra ‘Tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải của Việt Nam’ nêu một cách vô căn cứ rằng công ước biên giới Trung-Pháp năm 1887 đã ‘quy định’ đường biên giới trên biển của Vịnh Bắc Bộ... Cần phải chỉ ra rằng công ước về biên giới Trung-Việt do Trung Quốc và Pháp kí năm 1887 về cơ bản không phân định vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Do đó, vùng biển Vịnh Bắc Bộ trước nay không tồn tại ranh giới nào trên biển.”[849]

Khi đàm phán với Việt Nam về phân giới Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đã tiến hành phân tích rất đầy đủ và tường tận về chủ trương “vùng nước lịch sử” của Việt Nam, và kết luận rằng chủ trương đó hoàn toàn không có căn cứ. Điểm xuất phát của Trung Quốc khi đó là, nếu dựa trên đường phân chia ranh giới đó để phân định Vịnh Bắc Bộ thì Việt Nam sẽ chiếm phần lớn Vịnh Bắc Bộ. Vì vậy, Trung Quốc đã loại bỏ cách lập luận của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, kiên trì chủ trương đường phân giới chỉ là đường phân định chủ quyền các đảo nhỏ ven biển. Trung Quốc liệt kê một loạt lí do:

Điều ước đó chỉ quy định về việc khảo sát và phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kì, không có chữ nào đề cập đến việc phân định ranh giới vùng biển Bắc Bộ, vì vậy trong quá trình đại thần hai nước tiến hành phân định ranh giới, về cơ bản không có ý định phân giới vùng biển, càng không thể có phương án phân giới vùng biển. Ngay cả “Điều ước riêng về biên giới Trung – Pháp” năm 1887 hoặc “Phụ lục bản đồ ranh giới Trung – Pháp – Việt Việt(Việt Việt: 粤越 tên gọi cũ của Quảng Đông -ND) năm 1894 cũng chỉ nhắc đến “đường màu đỏ” đi qua Trà Cổ, nêu rõ các đảo trên biển ở phía Đông của đường này thuộc về Trung Quốc; núi Cửu Đầu và các đảo nhỏ ở phía Tây của nó thuộc về Việt Nam, về cơ bản không nói tới việc phân giới vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Do vậy có thể nói, đường đỏ trong Điều ước phân ranh giới Trung – Pháp ngày 26/6/1887 chỉ là đường quy thuộc các đảo ven biển gần Móng Cái chứ không phải là đường phân định ranh giới Vịnh Bắc Bộ. Trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ, hai nước Trung Quốc và Việt Nam xưa nay chưa hề vạch ra đường phân giới.[850]

Thoạt nhìn, ý kiến của cả Bắc Kinh lẫn Việt Nam cũng đều có lí phần nào. Điều đó chủ yếu có cơ sở từ Điều ước:

Đối với các đảo trên biển, chiểu theo đường vạch đỏ chạy về hướng Nam do đại thần hai nước vẽ, đường đỏ này đi qua ngọn núi ở biên phía Đông xã Trà Cổ, tức là lấy đường đỏ đó làm giới hạn. Từ đường đỏ về phía Đông, các đảo trên biển thuộc Trung Quốc; từ đường đỏ hướng về phía Tây, núi Cửu Đầu và các đảo nhỏ trên biển thuộc Việt Nam.

Cái gọi là “biển” trong “các đảo trên biển” rốt cục có phạm vi lớn bao nhiêu? Trung Quốc cho rằng biển đó chỉ là mặt biển gần bờ biển. Nhưng nghiên cứu một cách kĩ càng và nhìn từ các cuộc đàm phán thì thấy, thực tế Trung Quốc và Pháp đã chỉ rõ phạm vi “biển” chính là toàn bộ Vịnh Bắc Bộ. Căn cứ thư trả lời ngày 11/4/1887 của đại biểu Pháp Dillon trả lời đại biểu Trung Quốc Đặng Thừa Tu:

Dưới đây là nội dung cốt lõi của thỏa thuận miệng của Uỷ ban vấn đề biên giới hai nước về các đảo này: Uỷ ban vấn đề biên giới hai nước nhất trí cho rằng: những đảo trong Vịnh Bắc Bộ nằm về phía Tây kinh tuyến (Trung Quốc gọi là đường Bắc Nam) đi qua mũi phía Đông đảo Trà Cổ tức là kinh tuyến 105°43’ tính từ kinh tuyến qua Paris, đều thuộc về Việt Nam. Uỷ ban vấn đề biên giới Trung Quốc yêu cầu các đảo nằm về phía Đông kinh tuyến này (đường Bắc Nam) đều thuộc về Trung Quốc. Uỷ ban Vấn đề biên giới Pháp tuyên bố, do công tác khảo sát Giang Bình và những địa điểm khác chưa hoàn thành nên vấn đề này sẽ do Công sứ Pháp và Tổng lí nha môn tại Bắc Kinh thương lượng giải quyết, điểm này cũng là ý kiến đã được nhất trí sau khi thương lượng với Uỷ ban vấn đề biên giới Trung Quốc, được đặc biệt ghi lại ở đây.[851]

Có thể thấy, việc phân định ranh giới như thế này đối với toàn bộ các đảo trong vịnh Bắc Bộ là một thỏa thuận đã đạt được. Do đó, nói đường này là đường quy thuộc các đảo trong Vịnh Bắc Bộ là phù hợp với sự thực nhất.

Về đại thể, có thể tin rằng, trong đàm phán Pháp – Trung, đảo Bạch Long Vĩ không nằm trong tính toán của Trung Quốc, thậm chí cũng không nằm trong suy tính của Pháp. Nhưng, xem xét cả quá trình và căn cứ vào kết quả thực tế trong quy định của Điều ước thì Bạch Long Vĩ thuộc về Việt Nam. Nếu đảo này quả thực không nằm trong tính toán của hai bên khi đó, thì điều này xem như một may mắn ngoài dự tính đối với Việt Nam. Dù thế nào thì vấn đề này cũng đã được giải quyết trong đàm phán Trung – Việt vào những năm 1990.

Cuối cùng, hai bên cũng đã kí “Hiệp định giữa Trung Quốc và Việt Nam về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ” vào cuối năm 2000. Sự thật thì việc đạt được Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ được dựa trên loại ý kiến thứ hai, tương đối thỏa hiệp: vừa thừa nhận đảo Bạch Long Vĩ thuộc về Việt Nam vừa buộc Việt Nam phải từ bỏ lập trường coi đường kinh tuyến này là đường phân giới mặt biển trên toàn bộ Vịnh Bắc Bộ.

Điều có lợi hơn cho Trung Quốc là, Việt Nam đồng ý thu hẹp hiệu lực phân định mặt nước tại đảo Bạch Long Vĩ. Căn cứ “Công ước” thì Bạch Long Vĩ là một hòn đảo có khả năng duy trì sự sống của con người (luôn có người sinh sống trên đảo). Do vậy, ngoài lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, nó còn được hưởng vùng đặc quyền kinh tế lên tới 200 hải lí. Tuy nhiên, trong thỏa thuận cuối cùng đạt được, vùng đặc quyền kinh tế của đảo Bạch Long Vĩ chỉ có 3 hải lí. So với đường phân định ranh giới năm 1887 thì đường phân định vùng đặc quyền kinh tế được hai bên thống nhất mở rộng hơn một chút cho Trung Quốc về phía Bắc và mở rộng hơn nhiều cho Việt Nam về phía Nam, nhưng diện tích mà Trung Quốc được hưởng lại lớn hơn. Có thể nói, Trung Quốc rất thành công trong cuộc đàm phán này.

Ngày 25/2/2000, hai bên kí kết “Hiệp định giữa Trung Quốc và Việt Nam về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam” và “Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam”. Ngày 30/6/2001, đại diện hai bên trao thư và công hàm phê chuẩn cho nhau, Hiệp định chính thức có hiệu lực từ đó.[852] Trong Hiệp định cuối cùng, Trung Quốc hưởng 46,77% diện tích Vịnh, Việt Nam hưởng 53,23% diện tích Vịnh. Đảo Bạch Long Vĩ thuộc về Việt Nam nhưng chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lí và vùng đặc quyền kinh tế 3 hải lí. Một đảo khác thuộc về Việt Nam là đảo Cồn Cỏ cũng chỉ được hưởng 50% thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế sau khi phân định.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-111.png

Hình 51: Sơ đồ hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và vùng đánh bắt chung

Một hệ quả khác nảy sinh trong đàm phán Trung – Việt năm 2000 là: do Trung Quốc đã xác nhận nguyên tắc đường phân định năm 1887 chỉ có giá trị đối với các đảo ven biển trong cuộc đàm phán này nên họ không thể theo lập luận của Dân quốc dùng nó để quy Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc, nếu không sẽ vi phạm nguyên tắc “không được nói ngược” (estoppel). Đương nhiên, cần nhấn mạnh lại một lần nữa rằng, dù nhìn theo phương diện nào đi nữa thì cách nhìn nhận của Dân quốc cũng không thể đứng vững.

Ý nghĩa luật quốc tế của việc phân định biển Vịnh Bắc Bộ

“Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam” đã giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ giữa hai bên, trở thành khuôn mẫu cho việc giải quyết phân định ranh giới trên biển của hai bên thông qua đàm phán. cho đến nay Trung Quốc vẫn luôn viện dẫn như một ví dụ thành công. Cho dù việc phân định Vịnh Bắc Bộ đã xong, nhưng ý nghĩa của nó lại không chỉ dừng lại ở khía cạnh phân định ranh giới. Luật quốc tế là luật tập quán, hiệp định và án lệ quốc tế đi trước có tác dụng tiền lệ làm khuôn mẫu cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế về sau. Phân định Vịnh Bắc Bộ là hiệp định đầu tiên về phân định ranh giới biển của Trung Quốc với nước ngoài, vì thế nó có ý nghĩa về phương diện luật tập quán đối với Trung Quốc trong phân định ranh giới biển Đông và biển Hoa Đông sau này. Cựu kĩ sư cao cấp của Cục Hải Dương quốc gia Trung Quốc Hứa Sâm An đã từng chỉ rõ: “Điều này đã mở ra một tiền lệ về phân định ranh giới biển giữa Trung Quốc và các nước lân cận, rất có ý nghĩa tham chiếu”.[853]

Ba điểm cốt lõi trong đàm phán Trung – Việt bao gồm: Vịnh Bắc Bộ có tạo thành vùng nước lịch sử hay không; hiệu lực phân chia ranh giới Bạch Long Vĩ lớn đến đâu; và xử lí công bằng vấn đề đánh cá như thế nào, đều có ý nghĩa tham khảo đối với vấn đề phân định ranh giới biển Đông, đặc biệt là điểm thứ nhất và thứ hai. Vùng nước lịch sử được phía Việt Nam nêu ra có thể liên quan đến câu hỏi liệu vùng nước trong đường 9 đoạn của Trung Quốc có được coi là vùng nước lịch sử hay không. Hiệu lực phân định đảo Bạch Long Vĩ có thể áp dụng tương tự cho quần đảo Trường Sa. Vì vậy, một số luận cứ, chủ trương và kết luận cuối cùng trong việc phân định ranh giới giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể được vận dụng tiếp trong phân định ranh giới biển Đông.

Về vùng nước lịch sử

Phía Việt Nam cho rằng trong Vịnh Bắc Bộ có vùng nước lịch sử, đường phân giới có thể được xác định bằng đường phân giới trong “Điều ước Trung – Pháp”. Như đã trình bày trong phần V.1, Trung Quốc phản đối quan điểm này. Nếu chỉ xét chứng cứ này thôi thì quan điểm của Trung Quốc có thể đứng vững. Kết hợp dữ liệu lịch sử và cách giải thích từ hai phía Trung Quốc và Việt Nam, công bằng mà nói, đường phân định ranh giới thể hiện trong “Điều ước Trung – Pháp” thực chất là đường quy thuộc các đảo trong toàn bộ Vịnh Bắc Bộ. Kết quả đàm phán cuối cùng cũng đã bác bỏ ý tưởng về vùng nước lịch sử của Việt Nam.

Điều đáng nói là, trong quá trình đàm phán, phía Việt Nam cũng đã không nêu ra nhiều chứng cứ chứng minh luận điểm “vùng nước lịch sử”. Tuy nhiên, nếu khảo cứu kĩ lịch sử thì Vịnh Bắc Bộ quả thực có tồn tại “đường ranh giới biển truyền thống”. Cách đề xuất “vùng nước lịch sử” của Việt Nam thực ra có cơ sở pháp lí. Như phần 2 chương này đã nêu, từ thời Nam Tống, Trung Quốc và Việt Nam đã sớm có đường ranh giới trên biển xuyên ngang Vịnh Bắc Bộ. Trong bộ sách “Lĩnh ngoại đại đáp”, Chu Khứ Phi đã nói, ở cửa sông Khâm Giang có một địa danh tên là “Thiên Phân Dao”, được người đương thời gọi là điểm giao giới trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam (Ngũ Châu Tích và Giao Chỉ xác định ranh giới tại đây)[854], từ đó vạch một đường thẳng về phía Nam, thì phía Tây Nam thuộc Việt Nam, phía Đông Nam thuộc Trung Quốc. Đây là đường ranh giới trên biển sớm nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ có thể tìm được trong sử liệu. Trong cuốn “Thanh thực lục” (Ghi chép việc thật đời Thanh) cũng có ít nhất hai chỗ nhắc đến “Biển Bạch Long Vĩ” thuộc Việt Nam: “Vùng tiếp giáp hai phủ Liêm Châu, Quỳnh Châu thuộc nước ngoài”.[855] Điều này cũng khẳng định việc phân định ranh giới biển giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ đã có từ rất sớm, và vùng biển Bạch Long Vĩ là do Việt Nam quản lí.

Có điều, những ghi chép này lại không nói rõ rốt cục đường phân định ranh giới này chỉ nằm gần bờ biển hay chạy xuyên qua toàn bộ Vịnh Bắc Bộ. Nhưng, vào đầu đời Thanh, Cố Viêm Vũ đã ghi chép trong cuốn “Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư” rằng: “Từ Ô Lôi đi thẳng khoảng hai ngày đường qua Dũng Luân, Châu Đôn đến Châu Vĩnh Yên, Giao Chỉ. Qua ải Ma Đôn, Ân Lặc lớn nhỏ, đi về phía Đông tới chỗ đầu hình cái mâu nhỏ thì chính là biển Long Vĩ. [Biển này] chạy từ ranh giới phủ Đông đến biển phía bên ngoài Nam đại hải cho đến biên giới hai nước Giao Chỉ và Chiêm Thành.

Thời kì Đạo Quang, Nghiêm Như Dục cũng đã nhắc lại lời Cố Viêm Vũ tại Quyển 14 “Quảng Đông phòng hải lược” (Phương lược phòng vệ biển Quảng Đông) trong “Dương phòng tập yếu” (Cương yếu biên soạn phòng vệ biển).[856] Biển Long Vĩ ở đây chính là biển Bạch Long Vĩ, điều đó chứng tỏ ranh giới trên biển giữa Quảng Đông và Việt Nam kéo dài từ Bạch Long Vĩ về phía Nam, đến biên giới Giao Chỉ, Chiêm Thành tại “biển lớn phía Nam” thì dừng lại. Cũng có nghĩa là, đường ranh giới trên biển Bạch Long Vĩ vươn dài tới bán đảo Đông Dương. Vì thế, khởi điểm của đường ranh giới cương vực biển truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam thời đó bắt đầu từ Bạch Long Vĩ chạy xuyên qua Vịnh Bắc Bộ theo hướng Bắc-Nam. Đường ranh giới trên biển truyền thống này về cơ bản giống với đường được vẽ trong “Điều ước Trung – Pháp”.

Vậy đường ranh giới cương vực biển truyền thống gần Việt Nam có thể được công nhận là vùng nước lịch sử hay không? Theo thông lệ Luật quốc tế, lấy yêu sách của Nga đối với vịnh Peter Đại đế làm ví dụ thì vùng nước lịch sử cần có 3 tiêu chí: một là tồn tại lâu dài; hai là không có bất kì tranh chấp nào; ba là thực thi chủ quyền. Vùng biển phía Tây đường ranh giới biển truyền thống ở Vịnh Bắc Bộ thuộc Việt Nam đáp ứng 3 yêu cầu trên. Trước hết, đường này đã bắt đầu được xác lập từ thế kỉ 11 và muộn nhất đến thế kỉ 17 được thể hiện hoàn toàn rõ ràng, đến nay đã hơn 300 năm. Thứ hai, vào thời kì nhà Thanh, đường này được quốc gia lân cận duy nhất là Trung Quốc thừa nhận. Thứ ba, Việt Nam thực hiện quyền quản lí thực tế đối với vùng biển này, đồng thời quyền quản lí này cũng đã được nhà Thanh thừa nhận. Quyền quản lí là phương thức hành xử chủ quyền chính yếu nhất.

Quyền quản lí này bị gián đoạn dưới tác động của Luật quốc tế hiện đại, vì sau khi Việt Nam trở thành nước bảo hộ của Pháp, Pháp chỉ thừa nhận lãnh hải 3 hải lí theo luật quốc tế, đồng thời cũng không tuyên bố đây là hải vực của Pháp. Theo suy luận đó, Pháp cho rằng Luật quốc tế hiện đại phủ nhận tính pháp lí của đường ranh giới biển truyền thống, vì thế đã cho rằng phần lớn Vịnh Bắc Bộ là vùng biển chung.

Tuy nhiên, điều đó có đồng nghĩa với việc vùng biển phía Tây đường ranh giới biển không có cách nào trở thành vùng nước lịch sử hay không ? Tác giả cho rằng không thể khẳng định được. Thứ nhất, Việt Nam sở dĩ Việt Nam không thể giữ được đường ranh giới biển truyền thống là do bị thực dân xâm lược chứ không phải do mình chủ động từ bỏ. Đây là điểm cần phải được xem xét. Thứ hai, cũng là điểm quan trọng nhất, đó là trước Thế chiến II, Đông Dương thuộc Pháp tiếp tục quản lí thực tế vùng biển này. Pháp đảm đương nhiệm vụ tuần tra, chống buôn lậu và tiễu phỉ (chẳng hạn người Pháp thường xuyên tuần tra trên đảo Bạch Long Vĩ). Trên thực tế, các cuộc tuần tra của Pháp bao trùm gần như toàn bộ Vịnh Bắc Bộ chứ không chỉ ở phía Tây đường ranh giới biển truyền thống. Vì vậy, dù có thể suy đoán đây là vùng biển chung nhưng việc thực thi chủ quyền tại khu vực này của nước Pháp lại không hề gián đoạn. Có thể thấy, Việt Nam có đầy đủ lí lẽ để luận chứng vùng biển phía Tây đường ranh giới biển truyền thống là vùng nước lịch sử của Việt Nam, nhưng chứng cứ lịch sử có lợi này lại không được nhắc đến trong đàm phán, dẫn đến bất lợi về mặt tính pháp lí.

Nếu so sánh với lí luận về vùng nước mang tính lịch sử của Trung Quốc trong đường 9 đoạn sẽ dễ dàng nhận thấy, tính pháp lí của đường 9 đoạn không thể vững chắc bằng tính pháp lí của đường ranh giới biển truyền thống trong Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Điều đó được thể hiện trên một số điểm sau:

Thứ nhất, về mặt thời gian, đường ranh giới biển truyền thống trên Vịnh Bắc Bộ bắt đầu hình thành từ thế kỉ 11, thể hiện liên tục đến những năm 1880, quyền quản lí thực tế còn kéo dài tới tận Thế chiến II; còn đường 9 đoạn thì mãi đến năm 1947 mới bắt đầu xuất hiện. Mặc dù có người cho rằng, cái gọi là “ranh giới biển truyền thống”của Trung Quốc bao gồm hầu như trên toàn bộ vùng biển Đông đã được kiến lập từ thời nhà Tống. Cách diễn giải này đã bị bác bỏ.[857] Ngay cả khi chủ trương không được ủng hộ này đứng vững thì đường ranh giới biển truyền thống ở biển Đông do quan chức Trung Quốc nhận định đã “lùi dần” đến điểm cực Nam đảo Hải Nam từ thời nhà Thanh.[858]

Thứ hai, trong thời gian mấy trăm năm, đường ranh giới truyền thống trên Vịnh Bắc Bộ liên tục được Trung Quốc thừa nhận, coi đó là ranh giới biển giữa Trung Quốc và Việt Nam. Còn đường 9 đoạn từ ra đời vào năm 1947 chưa bao giờ có ý nghĩa pháp lí rõ ràng, tới nay nội hàm vẫn không rõ, chưa nói đến có được bất kì sự thừa nhận quốc tế nào. Sự thật thì Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scaborough) đã bị nước khác kiểm soát trong thời gian dài (hoặc đến tận ngày nay).

Thứ ba, từ thế kỉ 17 đến trước Thế chiến II, Việt Nam và Pháp liên tục duy trì quyền quản lí vùng ranh giới biển trên Vịnh Bắc Bộ. Hơn nữa, trước năm 1909, vùng cực Nam thuộc ranh giới biển do nhà Thanh quản lí chỉ đến Châu Đại Mạo của đảo Hải Nam. Ví như Hoàng đế Đạo Quang đã từng ban bố lệnh liên quan đến việc tuần thú biển Đông như sau: “Lại căn cứ vào tấu trình của Lí Tăng Giai, những người cùng Phó tướng Lí Hiền đã đi tuần thú Châu Đại Mạo bên ngoài Nham châu Tam Á, tiếp giáp với biển Việt Nam..., tuy liền kề với mặt biển Trung Hoa nhưng cương vực đã phân định, cần phải nắm rõ tình hình mà tính toán vẹn toàn”.[859] Đó là lời cảnh báo của hoàng đế Đạo Quang đối với thuỷ sư trước tình trạng buôn lậu trên biển, trong đó có nhắc đến phạm vi tuần thú chỉ đến Châu Đại Mạo. Đại Mạo là vùng đất cách Tam Á không xa, mà vùng biển bên ngoài chỉ đến Châu Đại Mạo, bên ngoài chính là “vùng biển của Việt Nam” “tuy liền kề nhưng cương vực đã được phân định”. Có thể thấy, điểm cực Nam của đường ranh giới biển truyền thống và của vùng biển thuộc quyền quản lí thực tế của Trung Quốc cách Châu Đại Mạo không xa và tiếp giáp với vùng biển truyền thống của Việt Nam.[860]

Mãi đến năm 1909, khi Lí Chuẩn đại diện cho Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa thì lãnh thổ mới được mở rộng đến Hoàng Sa. Trước năm 1935, cương vực trên bản đồ của Trung Quốc cũng chỉ đến phía Nam Hoàng Sa, không bao gồm Trường Sa. Đường 9 đoạn mới bắt đầu được vẽ trên bản đồ vào năm 1947, nhưng trong thời gian dài sau đó, Trung Quốc đều không thực hiện quyền quản lí trên vùng biển đường 9 đoạn đó. Dù rằng những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng mở rộng kiểm soát tại Trường Sa, nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ chứng cứ nào chứng minh Trung Quốc thực hiện quyền quản lí trong vùng biển đường 9 đoạn (nhất là quần đảo Trường Sa) mà không có tranh chấp.

Thứ tư, vào cuối đời Thanh, Trung Quốc chủ động tiếp nhận quy định của Luật quốc tế hiện đại về bề rộng lãnh hải. Chẳng hạn, Trung Quốc và Mexico đã kí “Điều ước Hoa Thịnh Đốn” về thương mại, trong đó khoản 11 quy định:

The two contracting parties agree upon considering a distance of three maritime maritime leagues measured from the line of low tide as the limit of their territorial.

Hai bên nhất trí lấy khoảng cách 3 league (1 league bằng 10 dặm Trung Quốc) đo từ ngấn nước triều thấp làm ranh giới lãnh hải của mình.[861]

Điều này có nghĩa là, trước khi xác lập đường 9 đoạn, Trung Quốc đã từ bỏ khái niệm “đường ranh giới biển truyền thống”, chuyển sang sử dụng chế độ lãnh hải theo nghĩa của Luật quốc tế. Trong thời kì Dân quốc, Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng chế độ này. Năm 1947, khi tuyên bố đường 9 đoạn, Trung Quốc cũng chưa từng đề xuất một khái niệm trái với chế độ đó. Năm 1958, Chính phủ Trung Quốc đề xuất lại chế độ 12 hải lí, sau đó cũng không hề nói rõ hàm nghĩa của đường 9 đoạn. Do vậy, cái gọi là đường 9 đoạn mang tính lịch sử là không nhất quán với thực tiễn pháp lí từ cuối thời nhà Thanh.

Điều đáng chú ý là, Việt Nam từ bỏ đường ranh giới biển truyền thống là do sự khống chế của thực dân Pháp nên đó là hành vi không tự nguyện; còn Trung Quốc từ bỏ quan niệm đường ranh giới biển truyền thống (đường ranh giới biển truyền thống ở biển Đông lúc đó của Trung Quốc chỉ đến điểm cực Nam đảo Hải Nam) là hành vi tự nguyện, khi đang có đầy đủ chủ quyền. Có thể thấy, nếu như Việt Nam không được ủng hộ về vùng nước lịch sử tại Vịnh Bắc Bộ thì đường 9 đoạn của Trung Quốc càng không được coi là cơ sở pháp lí của “vùng nước lịch sử”. Điều đáng mỉa mai là, tuyệt đại bộ phận những logic được Trung Quốc sử dụng để phản bác Việt Nam lại đều có thể áp dụng trong vấn đề “vùng 9 đoạn”. Hoàn toàn có thể phủ nhận lí luận trong chủ trương của một số chuyên gia Trung Quốc về “vùng nước lịch sử đường 9 đoạn” bằng cách “lấy gậy ông đập lưng ông”.

Phân định chủ quyền hải đảo

Nhằm tăng cường tính pháp lí của đường 9 đoạn, một số chuyên gia Trung Quốc và Đài Loan (chẳng hạn Phó Côn Thành) cho rằng ngoài cái gọi là “đường vùng nước lịch sử”, đường 9 đoạn còn có ý nghĩa địa lí xác thực, tức “là đường cách đều chia tách các đảo tại biển Đông với các vùng đất và đảo xung quanh”.[862] Điều này không đúng sự thật. Ví như, phần Tây Nam của đường 9 đoạn cách đường bờ biển Việt Nam rất gần, nhưng lại cách Trường Sa rất xa. Tác giả khó có thể xác định cự ly cụ thể (vì đường 9 đoạn không có toạ độ), nhưng nhìn trên bản đồ thì rất dễ phát hiện.

Ngay cả khi những gì mà các chuyên gia Trung Quốc nói là đúng thì lập luận các đảo nhỏ như Bạch Long Vĩ có thể được phân chia vùng biển ngang bằng với lục địa (hoặc đảo lớn) là sai lầm. Như trên đã nói, hiệu lực phân định đảo Bạch Long Vĩ đã trở thành tiền lệ cho các đảo biển Đông.

Sau khi bỏ đi vùng lãnh hải 12 hải lí thì vùng đặc quyền kinh tế của Bạch Long Vĩ chỉ còn 3 hải lí, tương đương khoảng 1/10 đảo Hải Nam. Diện tích Bạch Long Vĩ là 3 km2, lớn hơn bất cứ hòn đảo nào tại biển Đông, hơn thế từ những năm 1920 đã có cư dân sống lâu dài trên đảo, dân số lên tới vài trăm người. Còn các đảo tại biển Đông, đặc biệt là trên quần đảo Trường Sa thì trước khi bồi đắp chỉ có rất ít quân lính trú đóng tại đó, sống chủ yếu bằng nguồn cung ứng được vận chuyển tới, tuyệt đại bộ phận là “không thể duy trì đời sống của con người” trên đảo. Hơn thế, Bạch Long Vĩ được tính là đảo trung tâm (bởi nó nằm chính giữa vùng đất liền hai nước), còn các đảo biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scaborough) lại là những đảo xa (những đảo nằm gần bờ biển nước khác hơn nước mình). Căn cứ thực tiễn Luật quốc tế thì hiệu lực phân định của các đảo đó nhỏ hơn so với đảo trung tâm, thậm chí có thể coi là vùng “đất mượn”. Vì thế, dù đứng từ phương diện nào thì hiệu lực phân định của các đảo tại biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và (bãi cạn Scaborough đều nhỏ hơn so với đảo Bạch Long Vĩ. Việc dùng “ trung tuyến” để hợp lí hóa đường 9 đoạn hiển nhiên không thể đứng vững.

Vấn đề nghề cá

Vấn đề nghề cá là một trong những tiêu điểm trong tranh chấp biển Đông. Nhưng vấn đề nghề cá có thể sắp đặt thông qua các thỏa thuận đặc biệt tách biệt với việc phân định lãnh thổ, lãnh hải, thậm chí vùng đặc quyền kinh tế. Việc xử lí vấn đề nghề cá Vịnh Bắc Bộ trở thành một ví dụ điển hình.

Trong vấn đề nghề cá, ngư trường Vịnh Bắc Bộ chủ yếu nằm về phía Việt Nam, ở phía tây đường trung tuyến. Nếu dựa hoàn toàn vào Luật quốc tế thì tài nguyên trong vùng này đương nhiên thuộc về Việt Nam.

Nhưng, với lí do bảo vệ sự “công bằng” trong thụ hưởng quyền lợi tài nguyên nghề cá trong khu vực này nên Trung Quốc cho rằng, đường trung tuyến nên điều chỉnh về phía Việt Nam.[863] Cuối cùng, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thoả thuận, ngoài việc kí Hiệp định phân giới ra, hai bên còn kí kết “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ngày 25/12/2000, thiết lập vùng đánh cá chung, cách đường phân định phía Việt Nam 30,5 hải lí. Từ năm 2001, Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức nhiều vòng đàm phán về nghị định thư bổ sung cho hiệp định, trong nỗ lực thúc đẩy cho hiệp định cuối cùng có hiệu lực.[864]

Bên trong khu vực đường 9 đoạn là ngư trường truyền thống của các nước, theo nguyên tắc công bằng, không thể để chỉ một nước được riêng hưởng. Xét theo Hiệp định Vịnh Bắc Bộ (cũng như các hiệp định tương tự của các nước khác), ngay cả nguồn lợi thuỷ sản trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia cũng có thể bị chia sẻ với các quốc gia láng giềng. Sự chung hưởng đó trong một khu vực nhất định có thể là vô điều kiện, hoặc có thể là chia sẻ có hạn định. Phương thức cụ thể được quyết định theo thỏa thuận của các quốc gia liên quan. Không nên để vấn đề nghề cá trở thành điểm khó trong việc giải quyết vấn đề biển Đông.


[834] Buszynski & Robert, The South Sea Maritime Dispute, Political, Legal and Regional Perspectives, Routledge, 2015, p.96.

[835] Phan Thạch Anh, Quần đảo Nam Sa. chính trị dầu khí. Luật quốc tế, Nxb Kinh tế đạo báo Hongkong, 1996.

[836] Quần đảo Nam Sa. chính trị dầu khí. Luật quốc tế, tr.17-40.

[837] Quần đảo Nam Sa. chính trị dầu khí. Luật quốc tế, tr.41-65.

[838] “Khu vực Tư Chính và Thanh Long hoàn toàn nằm trên thềm lục địa Việt Nam”, xem “Đại sự kí”, tr.260-261.

[839] Đường cơ sở lãnh hải của Việt Nam đường ven biển thật có khoảng cách tương đối lớn.

[840] Quần đảo Nam Sa. Chính trị dầu khí. Luật quốc tế, tr.68.

[841] Quần đảo Nam Sa. Chính trị dầu khí. Luật quốc tế, tr.68.

[842] http://www.un.org/zh/law/sea/los/article4.shtml

[843] Quần đảo Nam Sa. Chính trị dầu khí. Luật quốc tế, tr.65-71.

[844] http://www.un.org/zh/law/sea/los/article4.shtml

[845] “Ghi chép bên ngoài về Lí Bằng”, dẫn từ Hồ Bôn: “18 năm phân định biên giới Trung – Việt”, Nam phương cuối tuần, 3/12/2009.

[846] Phân tích lịch sử và chủ quyền Bạch Long Vĩ xin xem Phụ lục I.

[847] Nguyen Hong Thao, The China-Vietnam border delimitation treaty of 30 December 1999, IBRU Boundary and Security Bulletin, 2000, pp. 87-90.

[848]Tập hợp điều ước luật pháp” tr.247-248

[849] Nhân dân nhật báo, 29/11/1982, tr.94

[850] Lí Kim Minh, Cuộc đấu tranh phân giới cắm mốc Trung – Pháp và phân giới Vịnh Bắc Bộ, Nghiên cứu vấn đề biển, số 2 năm 2000.

[851] Hoàng Tranh, Tiêu Đức Hạo, Tuyển chọn tư liệu lịch sử biên giới Trung – Việt, quyển hạ, Nxb Văn hiến Khoa học xã hội, 1993, tr.1146.

[852] Bộ Ngoại giao, Giới thiệu tình hình Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, http://www.mfa.gov.cn/chn/pds/ziliao/tỵt/tyfg/t145558.htm

[853] Niên Chúc Khang, Phân định Vịnh Bắc Bộ có thể trở thành bài học, đảo Bạch Long Vĩ quy thuộc Việt Nam, Đạo báo Quốc tế tiên phong, 2004/08/05, http://news.xinhuanet.com/herald/2004-08/05/content_1717827.htm

[854] Chu Khứ Phi (tác giả), Dương Vũ Tuyền (hiệu đính), Lĩnh ngoại đại đáp, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 1999, tr.35.

[855] Sở Nghiên cứu lịch sử Vân Nam, Ghi chép sự thật đời Thanh: trích lục lịch sử Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Côn Minh, Nxb Nhân dân Vân Nam, tr.300.

[856] Nghiêm Như Dục, Cương yếu biên soạn phòng vệ biển, Đài Bắc, Thư cục học sinh Đài Loan, 1975, tập 3, tr.1040-1041

[857] Lịch sử bị bóp méo của biển Đông, Chương III.

[858] Lịch sử bị bóp méo của biển Đông, Chương V.

[859] Tuyên Tông thực lục, quyển 226, tr.25-30. Nham châu tức Nhai châu.

[860] Lịch sử bị bóp méo của biển Đông, Chương V, tr.455-460.

[861] Treaties, Conventions, etc, between China and Foreign states, The Statistical Department of the Inspectorate General of Customs, 1917, Vol.2, pp.833-843.

[862] Phó Côn Thành: Tính luật pháp của đường phân chia ranh giới hình chữ U, http://www.guancha.cn/FuKunCheng/2014_04_01_214711.shtml

[863] Cao Kiến Quân: Trung Quốc với Luật biển quốc tế, Nxb Hải Dương, 2004, tr.130

[864] Cao Kiến Quân: Trung Quốc với Luật biển quốc tế, Nxb Hải Dương, 2004, tr.130