Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2024

Tiếng Việt từ TK 17: số đếm và thanh điệu (phần 48A)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về thanh điệu trong số đếm từ thời các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo, đặc biệt là qua dạng chữ quốc ngữ từ thời bình minh của loại chữ này. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Sau đó bàn thêm về các số đếm lớn hơn như trăm, nghìn (ngàn), muôn (man, vạn, vàn) và vết tích của chúng qua các tài liệu cổ đại, đặc biệt là qua cấu trúc chữ Hán theo thời gian. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu bằng chữ Nôm của LM Maiorica như bộ Các Thánh Truyện, Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông… Các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), v.v. Kí viết là ký (tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ hay Hán cổ, Khme cổ…). Trước hết, hãy xem một thí dụ về số đếm đơn giản như số 5 (5 ngón tay, 5 ngón chân) trong vài ngôn ngữ quen thuộc. Để diễn tả một đơn vị khối lượng nhỏ có thể chứa trong lòng bàn tay thì tiếng Anh dùng danh từ handful: hand là bàn tay, -ful là đầy (full) hàm ý đầy bàn tay. Tương tự như thế, tiếng Pháp cũng dùng danh từ poing (bàn tay, Old French) để cho ra dạng poignée, v.v. Khác với loại hình ngôn ngữ chắp dính hay hoà kết (td. Anh, Pháp…), tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu nên dùng số 5 hay năm, rồi thêm vào thanh sắc để cho ra dạng nắm (> núm, nạm) hay nhắm (VBL, xem hình bên dưới): một nắm gạo, nắm xôi… Ngoài ra, nắm còn là động từ dùng bàn tay để giữ chặt lại. Các phụ âm đầu lưỡi n - đ có thể hoán chuyển cho nhau để từ nắm cho ra (cú) đấm. Trong ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian), rất thường gặp cách dùng danh từ chỉ số năm (lima, rima) để chỉ (cái) tay[2].

This image has an empty alt attribute; its file name is image-2.png

Một nắm gạo

This image has an empty alt attribute; its file name is image-3.png

VBL trang 503

Có thể nói thanh điệu là đặc trưng và 'linh hồn' của tiếng Việt, nhưng để phân biệt rõ ràng các thanh điệu, td. bằng các cách kí âm qua chữ viết chẳng hạn, thật không đơn giản.

1. Khó phân biệt thanh điệu tiếng Việt bằng chữ Hán hay Nôm

Trước khi chữ quốc ngữ ra đời, người Việt đã dùng chữ Hán và chữ Nôm để ghi lại các bài văn, thi ca, thư từ… Tuy nhiên, chữ Nôm (ghi lại tiếng Việt bản địa) không phân biệt âm hỏi và ngã rõ rệt như các thí dụ sau đây[3]

mở, mỡ: chữ Nôm dùng chữ mã Hán Việt 馬

mả, mã: chữ Nôm dùng mã HV 馬

ngỏ, ngõ: chữ Nôm dùng chữ ngọ Hán Việt 午

lả, lã: chữ Nôm dùng lã (lữ) HV 呂

ngả, ngã: chữ Nôm dùng chữ ngã HV 我

vẻ, vẽ: chữ Nôm thường dùng chữ vĩ HV 尾

nửa, nữa: chữ Nôm thường dùng chữ nữ HV 女

lẻ: chữ Nôm thường dựa vào chữ lễ HV 禮, còn lẽ thì dựa vào chữ lễ hay lý HV 理

...

miệng, miếng: chữ Nôm cổ dùng mãnh HV 皿 hay 𠰘

môi, mồi: chữ Nôm thường dùng mai HV 枚

mười, mươi: chữ Nôm thường dùng mại HV 迈 hay mại hợp với thập 十

một, mốt: chữ Nôm thường dùng miệt HV 蔑 hay một HV 没 (tắt là 𱥺 hay 𠬠…) - xem thêm chi tiết ở phần dưới. Chữ Nôm trích bên dưới đọc là mười hay mươi?

Thí dụ như trong Phật Thuyết Đại Báo Ân Trọng Kinh có câu (10a)

摆倘鳩渚於工弄媄年巴 林老迈咄昌

Bảy tháng cưu [mang] chửa ở trong lòng mẹ, nên ba trăm sáu mươi (hay *mười) đốt xương.

Hay trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa có câu (57a)

曳巴迈炎噴連 俞湄

Dài ba mươi (hay *mười) dặm phun liền gió mưa, v.v.

Số đếm là một phần ngôn ngữ được bảo lưu lâu dài, ít thay đổi (có tính ổn định/stability cao) và phản ánh đặc tính của ngôn ngữ dân tộc vì không bị ảnh hưởng nhiều từ các ngôn ngữ khác. Nhà ngôn ngữ học Mỹ Morris Swadesh (1909-1967) đã ghi số 1 đến số 5 trong bảng so sánh về ngữ hệ (Swadesh list[4] - bảng 207 chữ) trong đó có tay, mắt, mũi, miệng… Nếu các ngôn ngữ chắp dính hay hoà kết chú trọng đến thay đổi phụ âm hay nguyên âm cho hoà hợp (consonant/vowel harmony) thì ngôn ngữ có thanh điệu và đơn lập như tiếng Việt lại chú trong vào sự điều hoà thanh điệu (vowel harmany) trong các tổ hợp từ, td. tổ hợp từ đếm chẳng hạn. Hiện tượng thay đổi thanh điệu trong số đếm từng được LM de Rhodes ghi nhận trong từ điển Việt Bồ La (năm 1651). VBL ghi rõ sự khác biệt của cách dùng chín mười (chín hay mười = 9 hay 10) so với chín mươi (= 90) cũng như mười ba, ba mươi - mười bốn, bốn mươi, mười sáu, sáu mươi… Xem hình chụp một trang VBL cho trường hợp mười chín và chín mươi:

This image has an empty alt attribute; its file name is image-4.png

VBL trang107

Tại sao mười lại trở thành mươi trong các cách dùng trên? Ta hãy thử tìm hiểu thêm chi tiết về các số đếm cơ bản từ 1 đến 10.

2. Số đếm từ 1 đến 10 (xem thêm bảng so sánh ở Phụ Trương 1)

2.1.1 Một - mốt

Số 1 chữ Nôm thường dùng một HV 没 hay các dạng đơn giản là 𱥺 hay 𠬠; có khi dùng miệt HV 蔑. Sau này thêm chữ nhất (~ số một) cho rõ nghĩa: cho ra dạng 𱍗. Một ở âm vực thấp, có một biến âm là mốt ở âm vực cao - xem cách lý giải ở phần dưới. Chữ Nôm mốt cũng dùng một HV 没. Dạng mốt không hiện diện trong VBL hay PGTN, tuy nhiên xuất hiện trong tự điển Béhaine (1772/1773), Taberd (1838), Theurel (1877), v.v. Các tác giả đều ghi mốt là một dùng sau các số đếm hai mươi (20).

2.1.2 Hai

Chữ Nôm hai thường dùng thai/đài 台 - để ý chữ này còn có âm đọc HV là hai/NCT như 咍 dù tần suất[5] rất thấp - sau này mới thêm vào bộ khẩu chữ nhị (~ số hai) cho rõ nghĩa:

cho ra dạng 𠄩 hay 𱎔. Phật Thuyết Đại Báo Ân Trọng Kinh dùng chữ hai[6] HV 咍 (hô lai thiết/TVGT, ĐV, TV, VH).

2.1.3 Ba

Chữ Nôm ba dùng ba HV 巴, sau này thêm chữ tam (~ số ba) 三 cho rõ nghĩa: cho ra dạng 𠀧

2.1.4 Bốn

Chữ Nôm bốn dùng chữ bổn/bản HV 本, sau này thêm chữ tứ 罒 (~ số bốn) cho rõ nghĩa: cho ra dạng 𦊚

2.1.5 Năm, lăm

Chữ Nôm năm thường dùng chữ nam HV 南, sau này thêm chữ ngũ 五 (~ số năm) cho rõ nghĩa: cho ra dạng 𠄼 hay 𫡵. Dạng lăm[7] thay vì năm dùng khi đứng sau - VBL cho thí dụ mười lăm, hai mươi lăm: xem hình chụp bên dưới. Chữ Nôm cổ lăm thường dựa vào chữ lâm HV 林, sau đó thêm vào bộ khẩu hay chữ ngũ (~ số năm HV) cho rõ nghĩa: cho ra các dạng 𠄻 hay 𬂽.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-5.png

VBL trang 395

2.1.6 Sáu

Chữ Nôm sáu thường dùng chữ lão HV 老 (tương ứng l - s như lực - sức, lãng - sóng, Lạp - sáp…) hay liễu HV 了, sau này thêm chữ lục 六 cho rõ nghĩa: cho ra dạng 𦒹.

2.1.17 Bảy

Chữ Nôm bảy thường dùng chữ bãi 罢 (bạc giải thiết/QV, bộ mãi thiết/TV, VH), hay các dạng liên hệ như 摆 (bãi), sau này thêm chữ thất 七 cho rõ nghĩa: cho ra dạng 𬙞.

2.1.8 Tám

Chữ Nôm tám thường dùng chữ tham[8] HV 参 hay tảm 糁, sau thêm vào chữ bát 八 (~ số tám) cho rõ nghĩa: cho ra dạng 𫤯.

2.1.9 Chín

Chữ Nôm chín thường dùng dạng rút gọn 㐱 của chẩn HV (td. 紾, 畛, 軫, 胗…), sau này thêm vào chữ cửu HV 九 (~ số chín) cho rõ nghĩa: cho ra dạng 𠃩.

2.1.10 Mười, mươi

Chữ Nôm mười và mươi thường dùng chữ mại HV 迈 hay 邁, sau này thêm vào chữ thập HV 十 (~ số mười) cho rõ nghĩa: cho ra dạng 𨒒. VBL ghi rõ là từ mười chín (19) trở lên hay bắt đầu từ hai mươi (20) thì dùng dạng mươi. VBL cũng ghi dạng chục (chọuc) nghĩa là 10:

This image has an empty alt attribute; its file name is image-6.png

VBL trang 114

This image has an empty alt attribute; its file name is image-8.png

VBL trang 491

Một điểm đáng ghi lại ở đây là trong (nhóm) ngữ hệ Việt Mường[9], tiếng Arem vẫn còn dùng chục một (ᶮcṳk mṳːc) thay vì mười một, chục hai thay vì mười hai, v.v. Các LM Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) và Theurel (1877) ghi cách dùng một mươi nghĩa là một chục (= 10). Một điểm nên nhắc lại ở đây là đến TK 19, Đàng Ngoài và Đàng Trong đều dùng số đếm chục với nét nghĩa nguyên thuỷ là 10. Sau này, Nam Kỳ dùng chục[10] với nghĩa mở rộng (hơn 10), td. cụ Trương Vĩnh Ký (Petit Dictionnaire Francais Annamite, 1884) ghi douzaine là 12 cái, ‘một chục có đầu’. Mười mươi là một trăm (Huỳnh Tịnh Của, ĐNQATV sđd), sau này mở rộng nghĩa để chỉ sự chắc chắn: td. thấy rõ mười mươi. Ít người biết một mươi từng là một chục (= 10) và mười mươi từng là một trăm (= 100).

2.2 Khuynh hướng điều hoà thanh điệu

Các số cơ bản từ 1 đến 10 của tiếng Việt cho thấy 8 số ở âm vực cao (số 2 đến số 9) so với các số cuối là mười (10) và số đầu nhỏ nhất là một (1) thuộc âm vực thấp. Nên nhắc lại ở đây là vào TK 17, các dữ liệu cho thấy thanh ngang, hỏi và sắc thuộc âm vực cao so với thanh bằng, huyền và nặng thuộc âm vực thấp. Với 80% thuộc âm vực cao[11], kết quả này dẫn đến hệ luận là khi các số này ở hàng đơn vị (trong các tập hợp số đếm có hàng chục, hàng trăm và nghìn chẳng hạn) thì hai thanh huyền (mười) và nặng (một) sẽ thay đổi thanh điệu cho phù hợp với âm vực cao để nghe dễ hơn (thuận tai hơn/euphony) - hay mười trở thành mươi và một trở thành mốt - đây là khuynh hướng thay đổi thanh điệu tiếng Việt (Tone shift). Nếu các ngôn ngữ chắp dính hay hoà kết (td. tiếng Anh/Pháp) chú trọng đến thay đổi phụ âm hay nguyên âm cho hoà hợp (consonant/vowel harmony) thì ngôn ngữ có thanh điệu và đơn lập như tiếng Việt lại chú trong vào sự điều hoà thanh điệu (vowel harmony) trong các tổ hợp từ. Khuynh hướng điều hoà âm thanh từ nguyên âm, phụ âm và đặc biệt là thanh điệu (tiếng Việt) đã góp phần không nhỏ trong quá trình hình thành tiếng Việt. Sau đây là vài trường hợp tiêu biểu:

Hai *mười > (trở thành) hai mươi (cùng âm vực cao)

Ba *mười > ba mươi

Hai *mười *một > hai mươi mốt ~ hăm mốt

Ba *mười *một > ba mươi mốt ~ băm mốt

Hai *mười *năm > hai mươi *năm > hai mươi lăm

v.v.

Khuynh hướng thay đổi thanh điệu còn cho ta thêm thông tin về phạm trù nghĩa như

đây (ở gần)…............. đấy (ở xa hơn)

miễu (nhỏ)….............. miếu (lớn)

hôm kia, kìa, kỉa…

(lúc) nay, này nảy…

bây giờ, bấy giờ

trôi, trồi, trổi, trội

v.v.

Khuynh hướng điều hoà thanh điệu[12] còn cho ra các dạng cùng âm vực và thanh điệu như

Cá *đuôi (cá có đuôi dài và nhọn đặc biệt) > cá đuối

Thợ nê (nê HV 泥 là nước và đất trộn lẫn, bôi hay trát) > thợ nề (cùng âm vực thấp)

Xa cừ > xà cừ

(tên) Chí Hoà > Kì Hoà

Nước *miệng > nước miếng

Câu đáng > câu đang/đương

Điền kính > điền kinh

Khiếu nại > kêu nài

(tên) Huyền Tảng/Tráng > Huyền Trang (cùng âm vực thấp)

v.v.

Nên nhắc lại ở đây là dựa vào cách kí âm của LM de Rhodes dò rẹ mĩ pha sổ lá (trong BBC) và các nốt nhạc của tài liệu Manuductio ad Linguam Tunkinensem, ta có thể phân biệt hai âm vực (dựa vào độ cao) của tiếng Việt vào TK 17 ở Đông Kinh:

a) Âm vực cao: thanh ngang, hỏi, sắc (cao nhất), td. các số đếm hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mươi, mốt, trăm, man, muôn, nhất, tam, tứ/tư, thất, bát, cửu, tỷ/tỉ, cai, kinh HV.

b) Âm vực thấp: thanh ngã, nặng, huyền (thấp nhất): td. các số đếm mười, một, chục, vàn, nghìn (ngàn), vẹo… nhị, nhì, ngũ, lục, thập, triệu, vạn HV.

2.3 Khuynh hướng rút gọn âm tiết

Ngoài khuynh hướng điều hoà thanh điệu, ta còn thấy hiện tượng rút gọn âm tiết: td. 3 âm tiết thành 2 âm tiết như

hai mươi mốt > hăm mốt

ba mươi mốt > băm mốt.

hai mươi lăm > hăm nhăm

v.v.

Các trường hợp sau đây rất đáng chú ý:

cô ấy > cổ

anh ấy > ảnh

bà ấy > bả

ông ấy > ổng

ngoại 外 - ngoài (cùng âm vực thấp) so với ngoài ấy > ngoải, v.v.

Hiện tượng này hỗ trợ phần nào cho giả thuyết về nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt[13]: thanh hỏi hình thành từ phụ âm hầu hay xát sau nguyên âm như muh ~ *mu - á > mủi, mũi; pah ~ *pa - á > bả…

3. Bàn thêm về số đếm tiếng Việt - nhìn rộng ra hơn

Các số đếm cơ bản từ 1 đến 10 cho thấy tiếng Việt dựa vào hệ thống thập phân (số 10) cũng như đa số các ngôn ngữ khác trên thế giới. Nguồn gốc[14] của các số này rất thú vị và quan hệ với ngữ hệ Mon Khme khá rõ nét nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này - xem thêm bảng so sánh trong Phụ Trương 1. Phần này bàn rộng ra cho các số lớn như trăm, nghìn, muôn mà các liên hệ ngữ âm không dễ nhận ra.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-9.png

Bảng liệt kê một số ngôn ngữ ở Nam Á của John Crawfurd (1822): 4 cột từ trái sang phải là tiếng Ka. , Chong, Cham of Malay (Chàm Mã Lai), Annam (Việt Nam) - trích từ cuốn "Journal of an embassy to the courts of Siam and Cochin China" (1822). Để ý tiếng Ka. trămdam - có thể John Crawfurd đã chép lại tiếng Ka. này khi ở Thái Lan, cùng với tiếng Chong[15] đều thuộc ngữ hệ Môn và có nguy cơ tuyệt chủng.

3.1 Trăm

3.1.1 Chữ Nôm trăm dựa vào chữ lâm HV 林 hay còn hợp với chữ cá 亇 phản ánh tổ hợp phụ âm kl- (kr- hay tl- > tr-):

摆倘鳩渚於工弄媄年巴老迈咄昌

Bảy tháng cưu [mang] chửa ở trong lòng mẹ, nên ba trăm sáu mươi đốt xương

(Phật Thuyết Đại Báo Ân Trọng Kinh 10a)

{亇} {𪜀彦}门劫 乙[坤]特及

Trăm nghìn muôn kiếp ắt khôn [khó mà] được gặp

(Phật Thuyết Đại Báo Ân Trọng Kinh 3a)...

This image has an empty alt attribute; its file name is image-10.png

VBL trang 802

Sau này, chữ Nôm thêm chữ bách HV (~ 100) vào cho rõ nghĩa: cho ra dạng 𤾓, v.v. Rà soát tài liệu Hán cổ cho ta nhiều thông tin thú vị như trường hợp chữ đảm hay đam 擔. Để ý thành phần hài thanh của chữ đam/đảm là chiêm 詹 (tương quan phụ âm đầu lưỡi - mặt lưỡi). Nghĩa nguyên thuỷ là cõng, gánh (mang trên vai) nhưng sau này lại thêm một nét nghĩa là 100 cân (đơn vị đo lường/trọng lượng Hán cổ), kết quả của quá trình giao lưu với các dân tộc ở phía Nam. Như vậy số đếm trăm của ngôn ngữ phương Nam đã được ghi nhận trong vốn từ Hán cổ. Đây cũng có thể là trường hợp của tên gọi 12 con giáp có khả năng đến từ phương Nam - tham khảo thêm loạt bài[16] "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên gọi 12 con giáp" cùng một tác giả (NCT).

3.1.2 Chữ đam/đảm 担 (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu giam giảm 監咸 bình/khứ thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

都甘切 đô cam thiết (TVGT, ĐV, QV, TV, LT) TVGT ghi hà dã, tòng nhân chiêm thanh 何也, 从人詹聲 (NCT: hà cũng viết là 荷 hàm ý gánh vác, đảm nhiệm…)

都甘反 đô cam phản (LKTG)

都甘乀 đô cam phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音) một trong ba cách đọc

丁甘反 định cam phản (NKVT 五經文字)

丁甘都濫二翻 đinh can đô lạm nhị phiên (BH 佩觿)

丁甘切 đinh cam thiết (NT, TTTH)

丁淡反 đinh đạm phản (NKVT 五經文字)

丁暫反 đinh tạm phản (KH ghi lại cách đọc cổ trong mục chú)

他甘切 tha cam thiết (TV) TV ghi bình thanh

以贍切 dĩ thiệm thiết (TV, LT) TV ghi khứ thanh

時豔切, 音贍 thì diễm thiết, âm thiệm (TV, LT) TV ghi khứ thanh

都濫切 đô lạm thiết (ĐV, TV, LT, VH, CV, TVi) TV ghi khứ thanh

都藍切,膽平聲 đô lam thiết, đảm bình thanh (QV, CV, TVi)

TNAV ghi vận bộ giam giảm (dương bình, khứ thanh)

CV ghi cùng vần/bình thanh/khứ thanh 儋 擔 檐 甔 (đam/đảm diêm/thiềm)

多簡切, 音亶 đa giản thiết, âm đản (TVi) thời Tự Vị thì phụ âm cuối -m đã nhập với -n

丁旱切, 音旦 đinh hạn thiết, âm đán (CTT) thời Chánh Tự Thông thì phụ âm cuối -m đã nhập với -n

Giọng BK bây giờ là dān hay dàn (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông daam1 daam3 và các giọng Mân Nam 客家话 [梅县腔] dam1 dam5 [沙头角腔] dam1 dam5 [台湾四县腔] dam5 dam5 [客英字典] dam5 dam1 [宝安腔] dam1 | dam5 [客语拼音字汇] dam1 dam4 [海陆腔] dam5 dam5 [陆丰腔] dam5 dam1 [梅县腔] dam1 潮州话 dan1(taⁿ) dan3( tàⁿ), tiếng Nhật tan và tiếng Hàn dam (td. damang là đảm nhiệm). Một dạng âm cổ phục nguyên của đam/đảm là *tlam.

Chữ đam/đảm là loại chữ hài thanh gồm bộ thủ 扌(tay, chỉ hành động) hợp với chữ chiêm (chỉ âm thanh, nghĩa chữ này là nói nhiều). Nghĩa nguyên thuỷ là cõng, vác, gánh (mang trên vai - TVGT), sau đó mang thêm nét nghĩa là một đơn vị đo lường/trọng lượng bằng 100 cân, td. xuất hiện trong thơ của Lí Kì (690-751) thời Đường:

但聞行路吟新詩,不嘆舉家無擔石, 莫言貧賤長可欺

Đãn văn hành lộ ngâm tân thi, bất thán cử gia vô đam thạch, mạc ngôn bần tiện trường khả khi ………… (trích từ bài thơ[17] 別樑鍠 Biệt Lương Hoàng)

Đam/đảm là 100 (cân) còn xuất hiện trong các tác phẩm của sử gia thời Hán Ban Bưu (3-54):

思有短褐之襲,擔石之蓄

Tư hữu đoản hạt chi tập,đam thạch chi súc… (trích từ Văn Tuyển - Vương Mệnh Luận)

v.v.

Ngoài nét nghĩa 100 từng hiện diện hơn 2000 năm của đam/đảm 擔 như đã trích dẫn bên trên, so sánh phụ âm đầu HV như đam, đàm, đảm HV và tiếng Việt cho thấy tương quan sau đây

đam 眈 ~ chăm (chăm chỉ) - so với các dạng lám lám ~ nám nám (kiên trì, chăm chỉ - VBL)

đam đam 眈 眈 ~ chăm chăm, đâm đâm, lăm lăm (> lăm le), *luồm luồm > lườm lườm cho thấy tương ứng đ và tr/ch hay kl-

đàm 潭 ~ đầm, chằm, chuôm

đàm 壜 ~ chum

đàm 曇… đám, đúm, đùm, chùm/chòm, chụm, chúm, lùm

đảm (đảm nhận, phụ trách) ~ đam ~ làm (tương quan đ - l), chăm (nom), đam > đem: đam > đơm (đơm bông, đơm ma tế quỷ/VBL, đơm cơm ra/VBL, thêm đơm/VBL…)

đàm 痰 - đờm (VBL)

đảm 薝 - còn đọc là chiêm

đàm 醰… nồng, đậm, sâu, thâm… to, lớn, tràn, lan ra

đam, đạm, trầm 湛 …………. đắm (chìm), lắm (nhiều, sâu thẳm)

đàm 曇….. đám, đúm, đùm, chùm/chòm, chụm, lùm

đảm 膽 - lòng, lòng trong của đồ vật hay súc vật[18] (< *klam/*tlam)

...

Các tương quan trên cho ta cơ sở để phục nguyên một dạng âm cổ của đam là *cham hay *tlam/*klam (dẫn đến các dạng chăm, trăm, lăm, lắm, làm… và các biến âm chùm/chòn, lùm…). GS Schuessler[19] cũng đề nghị dạng phục nguyên *tlam cho âm đam/đảm trên. Hỗ trợ cho dạng phục nguyên *tlam (trăm, 100) là cách gọi 100 trong tiếng Lavi, Alak, Brao ở Lào, tiếng Thổ và Cuối ở Thanh Hoá/VN là klam, tiếng Môn là klɔm (John Crawfurd/1822 ghi là klom).

Tóm lại, trăm (số 100, ghi là tlam trong VBL) đã từng hiện diện cách đây ít nhất là hai nghìn năm trong các tài liệu Hán cổ, td. chữ đam/đảm[20]. Đam/đảm là 100 cân hay khoảng 50 kg trong hệ thống đo lường cổ Trung Hoa - giá trị này có thể thay đổi theo thời gian (nhà Hán, Đường, Tống…) và không gian (Trung Hoa, Nhật, Việt Nam…). Dòng thời gian và những biến động lịch sử liên tục đã làm mờ đi nét nghĩa 100 của đam/đảm hay *tlam nên ít người nhận ra tương quan này.

3.2 Nghìn

This image has an empty alt attribute; its file name is image-11.png

VBL trang 551 cho thấy liên hệ phụ âm đầu nh-ng(h)-

Chữ Nôm nghìn viết bằng chữ ngạn HV 彥 (biểu âm) hợp với chữ thiên (một nghìn = 1000) HV 千 cho rõ nghĩa: cho ra dạng 𠦳. VBL không ghi dạng ngàn (số 1000) mà chỉ ghi ngàn (núi mlớn - núi cao/NCT, liên hệ đến ngạn HV 岸 bộ sơn/san). Đến thời Béhaine (1772/1773, và sau đó Taberd/1838 cho đến hiện nay) ở Đàng Trong thì dùng ngàn so với nghìn dùng ở Đàng Ngoài (Theurel/1877). Các tiếng Arem, Chut, Mường, Nguồn đều dùng dạng nghìn (không phải ngàn) cũng như tiếng Môn là ngin (John Crawfurd/1822). Tuy nhiên, cũng vào TK 17 mà VBL – td. xem hình chụp lại bên trên của trang 551 - còn ghi các dạng tương đương của nghiệp là nhiệp, nghiêng là nhiêng, ngành là ngành/cành (~ ngạnh/cảnh HV 梗) so với ngà là âm cổ của nha HV 牙. Ngoài ra, một số giọng Mân Nam như Triều Châu phát âm nhân/nhơn thành ngin (hay neng), cho thấy vết tích của phụ âm cuối lưỡi ng-. Do đó, ta có cơ sở liên hệ dạng nghìn với *nhin, đây cũng là cách đọc nhân (nhơn) HV 人 vào TK 17 dựa vào VBL. Xem lại chữ 千 (thanh mẫu thanh 清 vận mẫu tiên 先 bình thanh, khai khẩu tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết:

蒼先切 thương tiên thiết (ĐV, QV)

此先切 thử tiên thiết (TVGT)

且田切 thư điền thiết (NT, TTTH)

倉先切,音阡 thương tiên thiết, âm thiên (TV, VH, LT, CV, LTCN 六書正譌, TVi/CTT)

TNAV ghi vận bộ 先天 tiên thiên (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 千 阡 仟 谸 芊 遷 𠨧 韆 (thiên)

Giọng BK bây giờ là qiān so với giọng Quảng Đông cin1 và các giọng Mân Nam 客家话 [梅县腔] cien1 [东莞腔] cen1 [客英字典] cien1 [客语拼音字汇] qian1 [沙头角腔] cien1 [宝安腔] cen1 [海陆腔] cien1 [台湾四县腔] cien1 [陆丰腔] tsian1, 潮州话 coiⁿ1 [揭阳、潮阳]caiⁿ1, tiếng Nhật sen và tiếng Hàn cheon.

Cấu trúc chữ thiên theo thời gian - từ trái sang phải (hình bên dưới) - 1. Giáp (cốt) văn 2. Kim văn 3. Giản Độc[21] 4. Tiểu Triện (TVGT) 5. Lục Thư Thống (thời Minh):

This image has an empty alt attribute; its file name is image-12.png

Chữ thiên là loại chữ tượng hình (hình một người với số 10), TVGT cũng ghi nhận điều này trong mục thiên

十百也。从十从人

Thập bách dã, tòng thập tòng nhân

Tóm lại, cấu trúc chữ thiên cho thấy khả năng âm cổ từng có dạng *nhin hay *ngin, tiếng Việt đã bảo lưu phần nào chi tiết này qua dạng nghìn (td. VBL), dạng ngàn phát sinh sau này và phổ thông ở Đàng Trong - xem thêm chi tiết trong Phụ Trương 2.

3.3 Muôn, man, vạn và vàn (VBL)

Vào TK 17 tiếng Việt từng dùng 4 dạng liên hệ là man, muôn, vạn và vàn (VBL): một man = một muôn = 10000, hai man = hai muôn = 20000…

This image has an empty alt attribute; its file name is image-13.png

VBL trang 450

3.3.1 Xem lại chữ vạn 萬 万 (thanh mẫu minh 明 vận mẫu nguyên 元 khứ thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

無販切, 音蔓 vô phiến thiết, âm mạn (TVGT, ĐV, QV, LTCN 六書正譌, CV)

TNAV ghi vận bộ 寒 hàn (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 萬 曼 輓 蔓 (vạn mạn vãn)

Giọng BK bây giờ là wán (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông maan6 và các giọng Mân Nam 客家话 [台湾四县腔] wan5 [陆丰腔] wan6 [沙头角腔] man5 wan5 [宝安腔] man3 wan3 [海陆腔] wan6 [梅县腔] wan5 [客英字典] van5 [客语拼音字汇] man4 van4 [东莞腔] man3, 潮州话 无冤7 [潮阳]毛安7 ,bhuang7(buāng) [潮州]bhuêng7(buēng) [潮阳]mang7(māng), tiếng Nhật man và tiếng Hàn man. Một dạng âm trung cổ phục nguyên là *mjonH (bảo lưu qua dạng muôn tiếng Việt/VBL) và một dạng âm thượng cổ phục nguyên là *mans (bảo lưu qua dạng man tiếng Việt/VBL). Tiếng Thái muôn là meuunL (John Crawfurd/1822 ghi là men), tiếng Lào muan (John Crawfurd/1822) - các ngôn ngữ Mon (Monic branch) đều cho thấy dạng muôn.

Cấu trúc hình thành chữ vạn HV cho thấy loại chữ tượng hình (hình con bò cạp - xem các hình khắc/vẽ cổ bên dưới). Sau này dùng làm số đếm (~ 10000). Nghĩa gốc viết thành mại sái 蠆 chỉ một loại bò cạp. Nét nghĩa 10000 (số đếm) là thêm vào sau này giống như trường hợp chữ đam/đảm (số 100) đã bàn ở trên.

Cấu trúc chữ vạn theo thời gian - từ trái sang phải (hình bên dưới) -

1. Giáp (cốt) văn 2. Kim văn 3. Giản Độc 4. Tiểu Triện (TVGT) 5. Lục Thư Thống (thời Minh):

This image has an empty alt attribute; its file name is image-14.png

Tham khảo chi tiết cấu trúc chữ vạn 萬 trên trang này https://hanziyuan.net/#%E8%90%AC.

Một điều cần lưu ý ở đây là de Rhodes ghi vàn là một trăm nghìn (centum millia/L) so với vạn là mười nghìn, td. "thiên vàn thiên vàn" (VBL ghi thien uàn ~ thiên vàn) là ước gì anh sống triệu năm:"có phải chém hay là chết chứng khác, đã đến mười một vàn người ta, mà kẻ bắt đi làm tội, khi giặc được thành Ierusalem, thì kể chín muôn bảy nghìn đứa" PGTN trang 259-260, "kẻ quan Ti-Tô bắt được chín muôn bảy nghìn, kể những kẻ chết chém cùng kẻ chết đói thì được mười một muôn" ĐCGS quyển chi thập trang 134. Vàn là một trăm nghìn, do đó mười một vàn là một triệu một trăm nghìn, đúng với số lượng mà tài liệu  lịch sử từng ghi lại. Ngoài ra, vàn còn dùng trong PGTN trang 62 "khiến một mình đánh phá hết cả và giặc thằng Assirio: mà một đêm thì đánh chết một vàn tám muôn năm nghìn quân giặc ấy"… Đây là đoạn trích từ Kinh Thánh (Các Vua) II Kings 19:35 "Chính đêm ấy, thiên sứ của ĐỨC CHÚA ra đánh chết một trăm tám mươi lăm nghìn người trong trại quân Át-Sua. Ban sáng, khi người ta thức dậy, thì kìa, toàn là thây ma xác chết"… Tới thời Béhaine (1772/1773) thì vàn và vạn đều viết cùng một chữ 萬 và cùng một nghĩa (=10000, mười nghìn) cho đến nay.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-15.png

VBL trang 857 ghi vạn (10000) khác vàn (100000)

3.4 Rưỡi rưởi

Dạng rưỡi với thanh ngã xuất hiện trong VBL (không có dạng rưởi thanh hỏi) với thí dụ là một trăm (tlam) rưỡi (= 150) và một chục (chŏục) rưỡi (= 15). Nên nhắc lại ở đây là vào TK 17, tiếng Việt đã phân biệt thanh hỏi và ngã như các mục trong VBL: ngỏ - ngõ, mở - mỡ, mả - mã , nửa - nữa, nhủ - nhũ, nhản - nhãn, nổi - nỗi, nở - nỡ, chử - chữ, sải - sãi, vẻ - vẽ, bảo - bão, cổ - cỗ, củ - cũ, sẻ - sẽ, rẻ - rẽ, bể - bễ, mủ - mũ, hỉ - hĩ, v.v.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-16.png

VBL trang 662

This image has an empty alt attribute; its file name is image-17.png

Cho đến thời Béhaine (1772/1773) vẫn chỉ thấy dạng rưỡi và chữ Nôm viết là 𥙪: gồm chữ lễ 礼 (biểu âm) và chữ bán 半 (chỉ nghĩa ~ một nửa) - xem hình chụp ở trên. Đến thời Taberd (1838), dạng rưởi với thanh hỏi xuất hiện cùng với rưỡi thanh ngã - nghĩa hoàn toàn giống nhau (~ dimidius/L nghĩa là một nửa), tuy nhiên trong cách dùng thì Taberd ghi một trăm rưởi so với tiền rưỡi, cân rưỡi. Như vậy là một trăm rưỡi (thanh ngã) của tiếng Việt TK 17 đã trở thành một trăm rưởi (thanh hỏi) vào khoảng đầu TK 19. Điều này cho thấy Đàng Trong lúc đó phân biệt được thanh hỏi và ngã. Sau đó Theurel (1877) ở Đàng Ngoài ghi rõ hơn là rưởi thanh hỏi dùng cho các trường hợp lớn hơn 100 so với rưỡi thanh ngã dùng cho các trường hợp nhỏ hơn 100 qua các thí dụ trăm rưởi, vạn rưởi - chục rưỡi, cân rưỡi, một giờ rưỡi (chép lại từ Taberd). Các tác giả về sau đều theo cách giải thích của Theurel như Génibrel (1898), Trần Trọng Kim (Việt Nam Văn Phạm), Gustave Hue (1937), Tự Điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 2008) đều nhắc lại cách giải thích của Theurel. Có lẽ vì số đếm lớn (hàng trăm, nghìn…) bắt đầu dùng nhiều với khuynh hướng tiến bộ của xã hội tiêu thụ/thị trường nên có nhu cầu phân biệt các cách dùng cho thật rõ ràng chăng? Đáng chú ý là các học giả Đàng Trong như Huỳnh Tịnh Của (ĐNQATV, 1895), Trương Vĩnh Ký (1884), Bonet (1910) đều chỉ dùng dạng rưỡi thanh ngã mà không đề cập đến dạng rưởi thanh hỏi.

Trường hợp rưỡi của TK 17 trở thành hai dạng rưởi và rưỡi cũng giống như quá trình phát triển thanh ngã/hỏi (chỉ có một thanh) thành hỏi và ngã (hai thanh) như

kẻ (kẻ chợ, kẻ quê, kẻ háng - VBL) chỉ có một thanh hỏi…................kẻ chợ, kẻ quê - kẽ háng (td. chân răng kẽ tóc) hai thanh khác nhau

đã (thanh ngã, đã làm/VBL) chỉ có một thanh ngã….............. đã - so với đả (ẩu đả HV)

lẻ (vợ lẻ)…........................lẽ (vợ lẽ) - so với lẻ (không chẵn, lẻ loi…)

ngả (ngả ba, ngả tư)…......ngã ba, ngã tư so với ngã (ngã lòng, ngã nước), cây ngả, ngả mình..

chỉnh (cái chỉnh)…......chĩnh thanh ngã (cái chĩnh) - so với chỉnh thanh hỏi trong tề chỉnh HV

rưỡi (một trăm rưỡi)…...... rưởi thanh hỏi (một trăm rưởi, vạn rưởi) - so với rưỡi thanh ngã trong một cân rưỡi, một giờ rưỡi, v.v.

3.5 Vẹo

Vẹo là một trăm nghìn hay mười vạn (100000), chữ này không hiện diện trong VBL (1651), Béhaine (1772/1773) cũng như trong tài liệu chép tay của cụ Philiphê Bỉnh (xem Phụ Trương 1), nhưng lại xuất hiện trong tự điển Taberd (1838, Đàng Trong) và Theurel (1877, Đàng Ngoài). Sau này cụ Huỳnh Tịnh Của (ĐNQATV, 1895), Génibrel (1898) ghi vẹo là mười muôn. Vẹo có một dạng chữ Nôm là biểu 表 phản ánh biến âm b - v và thanh hỏi đã thay đổi âm vực (từ âm vực cao của TK 17 trở thành âm vực thấp như thanh hỏi): điều này cho thấy đây là một trường hợp xẩy ra gần đây mà thôi[22]. Tóm lại, số đếm lớn như một trăm nghìn (100000 ~ mười vạn ~ mười muôn) cho thấy vài sự khác biệt hay cách dùng khác nhau ở Đàng Ngoài so với Đàng Trong cũng như nghìn - ngàn (phương ngữ). Ngoài ra, các số đếm lớn này như tỉ/tỷ 秭 HV không thấy hiện diện vào thời de Rhodes (VBL, 1651), Béhaine (1772/1773), Philiphê Bỉnh (1759-1833) mãi cho đến thời Taberd (1838)… Ngoài ra, giá trị của các số đếm lớn này có thể rất khác với giá trị hiện nay[23] phản ánh khuynh hướng thay đổi của ngôn ngữ (language change/A) rất tự nhiên theo thời gian - TK 17 so với TK 21- và không gian - Đàng Ngoài (> Bắc Kỳ) so với Đàng Trong (> Nam Kỳ).

Tóm lại, khảo sát cấu trúc số đếm tiếng Việt cho ta cơ hội nhận diện được phần nào nguồn gốc tiếng Việt (td. ngữ hệ Mon Khme, Nam Á…), cũng như ảnh hưởng không nhỏ của âm vực và thanh điệu trong quá trình hình thành tiếng Việt TK 21. Thanh hỏi từng ở âm vực cao dẫn đến khoảng 80% số đếm cơ bản từ 1 đến 10 đều thuộc âm vực cao, điều này rất khác với thanh hỏi bây giờ ở âm vực thấp (td. giọng Hà Nội hiện nay) hay hai thanh hỏi và ngã nhập thành một (td. giọng Nghệ An, Huế, Sài Gòn). Hiện tượng này còn dẫn đến một hệ luận là khuynh hướng thay đổi thanh điệu (Tone shift/A) để cho hài hoà hơn (hay cùng một âm vực): biến âm mười, một (âm vực thấp) thành mươi, mốt (âm vực cao) cho các tổ hợp số đếm sau số 19. Khuynh hướng hài hoà âm vực cho thuận tai (dễ nghe) hơn giải thích được cấu trúc hai *mười *một trở thành hai mươi mốt, chín *mười chín trở thành chín mươi chín… Khuynh hướng thay đổi thanh điệu cũng là một nguyên nhân chi phối không nhỏ cấu trúc từ láy tiếng Việt (óng ánh, xơ xác…) và từ ghép phổ thông (Chí Hoà ~ Kì Hoà, Huyền Tảng/Tráng > Huyền Trang). Ngoài ra VBL ghi rõ cách dùng số đếm một, hai… mười của đa số quần chúng, nhưng cũng kèm theo cách dùng HV như nhít, nhị… thập: cho thấy khả năng song hành của tiếng Việt và Hán Việt (số đếm cơ bản 1 đến 10) vào TK 17 và có thể trước đó nữa, tuy nhiên số đếm tiếng Việt vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ngoài khả năng liên hệ khá rõ nét của các số đếm cơ bản này với ngữ hệ Mon Khme (Phụ Trương 1), các số đếm lớn hơn như trăm (< *dam ~ *tlam/*klam), nghìn (> ngàn), man (> muôn, vạn, vàn) còn để vết tích trong các tài liệu Hán cổ[24] như đam/đảm từng là 100 (~ 100 cân trong hệ thống trọng lượng Hán cổ). Tuy các dữ kiện này rất khó tìm thấy nhưng đã được ghi chép lại để cho thấy giao lưu rất lâu đời của các nền văn hoá/ngôn ngữ phương Nam với văn hoá/ngôn ngữ Hán cổ. Các số đếm lại rất hiếm trong tài liệu Hán Nôm, tuy nhiên các bản Nôm của LM Maiorica dùng số năm, số tháng (truyền thống Tây phương) khá nhiều và cần được khai thác thêm nữa. Sự vắng bóng của thanh ngã trong số đếm tiếng Việt đáng chú ý; so với các dạng rưỡi và rưởi sau này (từ thời Taberd/1838), phản ánh quá trình phát triển thanh điệu (hỏi và ngã) tiếng Việt vẫn liên tục từ TK 17 cho đến cận đại. Điều này phù hợp với khả năng hai thanh hỏi và ngã xuất hiện ở các giai đoạn khác nhau, và tiếp tục phát triển thêm vào hay bổ túc vốn từ vựng[25] tiếng Việt, vì nhiều tác động như nhu cầu của xã hội/kinh tế tiến bộ (cần số đếm lớn hơn, chính xác/rõ ràng hơn). Hi vọng bài viết này là một động lực thúc đẩy bạn đọc tìm hiểu sâu xa hơn về tiếng Việt, cũng như khám phá ra nhiều kết quả thú vị hơn nữa.

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Mark Alves (28/3/2023) "The Etymologies of Vietnamese Numeral Terms and Implications of Sinitic-Vietic Language Contact" bài viết chưa đăng (unpublished)

2) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

3) Nguyễn Tài Cẩn (1997) "Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt - sơ thảo" NXB Giáo Dục (1997, Hà Nội).

4) Hoàng Thị Châu (1989) "Tiếng Việt trên các miền đất nước - Phương ngữ học" NXB Khoa Học Xã Hội (1989, Hà Nội).

(2010) "Cấu tạo từ của hệ thống số đếm trong các ngôn ngữ"

5) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

6) Trần Trí Dõi (2011) "Giáo Trình Lịch Sử Tiếng Việt" NXB Giáo Dục Việt Nam (Hà Nội).

7) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

8) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

9) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (1838).

10) Nguyễn Cung Thông (2023) Loạt bài viết "Tiếng Việt từ thế kỉ 17", về thanh điệu tiếng Việt, tham khảo "Tiếng Việt Thế kỷ 17:  cách dùng vợ lẻ, lặng lẻ… vào thế kỷ 17 và những hệ luỵ” (phần 38), Tiếng Việt từ TK 17: các thanh hỏi ngã trong chữ quốc ngữ và giọng Sài Gòn (phần 47A), “Tiếng Việt từ TK 17: các cách dùng nói lăm, nói lắp và tlăm tiếng/nói tlăm tiếng và trăm hay không bằng tay quen” (phần 43), v.v.

11) Đoàn Thiện Thuật "Ngữ âm tiếng Việt" (2007) NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phụ Trương

1. So sánh với các nhóm tiếng Môn và Khme, ta thấy một số tương ứng khá rõ nét - xem bảng liệt kê bên dưới - đây là những dữ kiện có sức thuyết phục cao cho thấy khả năng họ hàng giữa tiếng Việt (nhóm Việt Mường) và ngữ hệ Môn Khme trong họ Nam Á[26]

This image has an empty alt attribute; its file name is image-19.png

2. Bảng liệt kê số đếm của Taberd ở Đàng Trong (1838) - trích từ Dictionarium Latino-Annamiticum completum et novo ordine dispositum:

This image has an empty alt attribute; its file name is image-20.png

This image has an empty alt attribute; its file name is image-21.png

Trang này trích từ từ điển chép tay Việt Bồ của LM Philiphê Bỉnh (1794) lưu trữ tại Thư Viện Toà Thánh La Mã. Bảng liệt kê số đếm của P. Bỉnh ở Đàng Ngoài - để ý dạng nghìn (không phải ngàn) và ‘chữ Nho’ kèm theo từ HV - không những thuần thuộc chữ quốc ngữ, cụ Bỉnh cũng biết chữ Nho (và Nôm) dựa vào các tài liệu chép tay này. Tuy nhiên, cụ Philiphê Bỉnh có thể đã nhầm (khi thêm 1 số không) vào các cách gọi kinh và cai: cách tính xưa: mười ức 億 là một triệu 兆, mười triệu 兆 là một kinh 京, mười kinh 經 là một cai 垓 (Thái Bình Ngự Lãm 太平御覽, Công nghệ bộ 工藝部, Số 數).

3. Các số đếm ở Đàng Ngoài - trích từ cuốn Grammaire annamite, tác giả P.G. Vallot (NXB F. H. Schneider Imprimeur/Éditeur - 1905, Hà Nội) trang 78-79. Để ý các cách dùng một trăm rưởi (thanh hỏi), một nghìn rưởi (thanh hỏi), mười vạn = một vẹo = nhất ức.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-22.png

4. John Barrow (1746-1848) là công chức, nhà ngôn ngữ/thám hiểm Anh quốc, trong chuyến hải hành qua Việt Nam (Cochichina) đã ghi lại một bảng liệt kê tiếng Việt, phần cuối có ghi các số đếm - xem hình chụp lại từ cuốn "A Voyage to Cochichina in the years 1792 to 1793"

This image has an empty alt attribute; its file name is image-23.png

This image has an empty alt attribute; its file name is image-24.png

4.1 Bảng liệt kê của Barrow cho thấy số đếm tiếng Việt lẫn lộn với Hán Việt, phản ánh phần nào giao lưu ngôn ngữ giữa các dân tộc ở miền Nam Trung Hoa và Đàng Trong[27]:

teng…….. tam (-m kí âm là -ng) hay số ba (~ 3)

lak ……. lục hay là số sáu (~ 6), âm lak giống như tiếng Triều Châu, Phúc Kiến

taap ……. thập hay là số mười (~ 10)

teng-moei…… tam mười hay là ba mươi (~ 30)

teng-moei-mot…….. tam mười một hay là ba mươi mốt (~ 31)

teng-moei-hai……. tam mười hai hay là ba mươi hai (~ 32)

4.2 lang……. lam hay là số 5 (năm): lẫn lộn n-l của phương ngữ Mân Nam

4.3 ngkin…… nghìn cho thấy Đàng Trong vẫn dùng dạng nghìn so với ngàn theo Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838)

4.4 klang - klam hay là trăm, số một trăm (100)


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com

[2] Âm cổ phục nguyên cho số năm và (cái) tay cho các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Nam Đảo là *lima, so với âm cổ phục nguyên (cái) tay của nhánh Việt Mường là *si (> *ti > tay). Chữ Nôm cổ thường dựa vào âm tư HV 思 cho ra các dạng 思 hay 𪮏 mà âm cổ của tư là *si. Chữ Nôm hậu kì dùng tây HV như 拪, v.v.

[3] Tham khảo thêm chi tiết trong bài viết "Tiếng Việt từ TK 17: các thanh hỏi ngã trong chữ quốc ngữ và giọng Sài Gòn (phần 47A)" cùng tác giả (NCT) trên trang này chẳng hạn https://quangduc.com/p22603a77439/3/tieng-viet-tu-tk-17-cac-thanh-hoi-nga-trong-chu-quoc-ngu-va-giong-sai-gon-phan-47a-, v.v.

[4] Độ mượn (borrowability rate/A) cũng cho thấy các số cơ bản như số 1 có tính ổn định cao. Số 1 có độ mượn thấp nhất là 0.13, so với số 100 có độ mượn là 0.42… Tham khảo chi tiết trên trang WOLD (World Loanword Database) hay bài viết (chưa đăng) của GS Mark Alves (2023) "The Etymologies of Vietnamese Numeral Terms and Implications of Sinitic-Vietic Language Contact".

[5] Tham khảo chi tiết trên trang này https://www.chinese-characters.org/contained/5/53F0.html, v.v.

[6] An Nam Dịch Ngữ (Vương Lộc giới thiệu và chú giải, NXB Đà Nẵng, Hà Nội 1995) kí âm hai bằng chữ 咍 (đọc là hai). Các dạng chữ Nôm dùng chữ 台 là dạng viết tắt của chữ 咍, nên đọc 台 là hai thay vì thai như trong các tài liệu Hán Nôm giải thích cấu trúc chữ Nôm 咍 𠄩 hay 𱎔.

[7] Các âm năm, lăm, rằm (ngày 15 trong một tháng, không phải rầm) dẫn đến khả năng *dam hay *pdam là một dạng âm cổ phục nguyên so với tiếng Khme pram là số 5 - xem Phụ Trương 1.

[8] An Nam Dịch Ngữ (Vương Lộc giới thiệu và chú giải) ghi kí âm tám là 渗 đọc là sấm (所禁切 sở cấm thiết ĐV/TV/VH/CV), một dạng cổ phục nguyên của tám là *sa:m?

[9] Tham khảo thêm chi tiết trên trang này chẳng hạn https://lingweb.eva.mpg.de/channumerals/Arem.htm

[10] Người miền Nam dùng chục để chỉ 10 quả, 12 quả, 14, 16 thậm chí là 18 quả (trái cây). Điều này trở thành ‘luật bất thành văn’ hầu như trong các tỉnh miền Tây Nam Bộ khi mua bán/đổi chác.

[11] Khác với các số đếm HV, gồm các biến âm, có đầy đủ 6 thanh: sắc (nhất, tứ, thất, bát), hỏi (cửu), ngã (ngũ), nặng (thập, nhị, lục), huyền (nhì), ngang (tam, tư). Thanh điệu (âm vực cao) của số đếm HV chiếm khoảng 60%.

[12] Tham khảo thêm chi tiết trong loạt bài viết "hiện tượng đồng hoá âm thanh" cùng tác giả (NCT) trên trang này chẳng hạn http://chimvie3.free.fr/94/nguyencungthong/ncthong_DongHoaAmThanh94.htm, v.v.

[13]Thí dụ như giả thuyết của Haudricourt về nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt (1954): từ không có thanh điệu (đầu công nguyên/ĐCN) cho đến có 3 thanh (TK 6) và 6 thanh (TK 12) trong lúc nhóm ngôn ngữ Tày Thái đã có 5 thanh từ ĐCN.

[14] Cách đây hơn 200 năm, Crawfurd đã gợi ý về họ ngôn ngữ Chamic (cột thứ 3 trong bảng so sánh, xem bài viết của G. Thurgood/2002 "Crawfurd s 1822 Malay of Champa"). Liên hệ giữa tiếng Việt và với ngôn ngữ Mon và Khme trong của Crawfurd khá dễ nhận ra.

[15] Tham khảo chi tiết về tiếng Chong và các ngôn ngữ thuộc họ Môn trên trang này chẳng hạn https://glottolog.org/resource/languoid/id/chon1284, v.v.

[16] Đọc loạt bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên gọi 12 con giáp" cùng tác giả (NCT) trên các trang mạng như https://nghiencuulichsu.com/2018/01/22/nguon-goc-ten-goi-12-con-giap-tuat/, v.v.

[17] Tham khảo toàn bài Biệt Lương Hoàng của Lí Kì trên trang này https://baike.baidu.com/item/%E5%88%AB%E6%A2%81%E9%94%BD/9214479

[18] Tham khảo thêm chi tiết bài viết "Tiếng Việt thời LM de Rhodes - vài nhận xét về cách dùng tên bộ phận cơ thể ở phía dưới như lòng, bụng, dạ, ruột cho đến vật âm mình! (phần 13)" cùng tác giả (NCT) trên trang này chẳng hạn https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=24926, v.v.

[19] Tham khảo "ABC Etymological Dictionary of Old Chinese" tác giả Schuessler, NXB University of Hawai'i Press (Honolulu, 2007. William Baxter và Laurent Sagart đề nghị dạng *mə-tsam dựa vào ngôn ngữ tiền Hmong-Mien *ntam (Old Chinese - A New Reconstruction, Oxford University Press 2014), tuy nhiên dạng *ntam cũng có thể là *ltam (so với *tlam – interchange of n/d and l ~ hoán chuyển phụ âm l/n/d - NCT ).

[20] Phụ âm đầu đ- và tr/tl- có liên hệ lâu đời như đồ 徒 còn là trò và điền 田 còn có thể đọc là trần 陳: sách Xuân Thu ghi Trần Hoàn 陳完 thì Luận Ngữ ghi Điền Hoàn 田完… TVGT ghi rõ về chữ điền: 田 trần dã 陳也.

[21] Giản độc 簡牘 là các thanh tre (竹 簡 trúc giản) có chữ viết thời Xuân Thu Chiến Quốc trước khi có giấy viết, chữ sách 冊 chính là loại chữ tượng hình (hình các thẻ tre nối với nhau).

[22] Taberd ghi cách dùng hai vẹo = nhị ức (xem Phụ Trương 2), năm vẹo .. cho thấy vẹo có thể không liên hệ đến vốn từ Hán và là một vạn 'kéo dài' hay thêm ra (như vàn/VBL) theo mô hình từ láy như vặn vẹo, vòng vèo, bận bịu, bám víu…

[23] Ức 億 có thể tương đương với 108 (=100000000) hay 105 (=100000), kinh 京 có thể là 1016 hay 106… So với giá trị của billion là 109 (=1000000000) ở Mỹ, còn ở Anh thì lại tương đương với 1012, v.v.

[24] Ngoài các dạng man/muôm/vạn/vàn, trăm - ngay cả số một tiếng Việt (tiếng Môn moa/moe, tiếng Khme cổ muːəy, tiếng Mường Bi ) có thể liên hệ đến mỗi HV 每 với một dạng âm cổ phục nguyên của mỗi là *mɯː?

[25] Thí dụ như trước đây số 101, 102 đọc là một trăm một, một trăm hai - xem Phụ Trương 3. Một trăm mốt là 110 (~ một trăm mười). Sau này Bắc Kỳ dùng linh HV 零 (ảnh hưởng tiếng TQ) nên đọc là một trăm linh một, một trăm linh hai so với Nam Kỳ đọc là một trăm lẻ một, một trăm lẻ hai, v.v.

[26] Tham khảo thêm chi tiết số đếm trong các ngôn ngữ cùng họ (ngữ hệ) Nam Á (Austroasiatic), td. Mon Khme, Mường Việt, Nam Đảo…, từ trang này https://lingweb.eva.mpg.de/channumerals/ hay https://abvd.eva.mpg.de/austronesian/classification.php?node=Austro-Asiatic, v.v. Bài viết của học giả An Chi (2020) "Lắt léo chữ nghĩa: Xét lại từ nguyên của một số từ cơ bản chỉ số đếm" trên báo Thanh Niên chẳng hạn https://thanhnien.vn/lat-leo-chu-nghia-xet-lai-tu-nguyen-cua-mot-so-tu-co-ban-chi-so-dem-1851021945.htm

[27] Có thể Barrow đã dùng một người thông dịch/thương gia, không phải một người Việt 'chính gốc', nên ngôn ngữ giao thiệp có phần pha trộn (nửa Ta nửa Tàu) như vậy!