Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương - Yết Kiêu (6)

Đông Ngàn Đỗ Đức


NHỮNG KỈ NIỆM BUỒN VUI

1 – Ra công tác tôi làm trình bày và sửa bản in cho báo Việt Nam độc lập, tờ báo của khu ủy Khu tự trị Việt Bắc. Sau 5 năm làm việc, năm 1975 tôi gặp Phó tổng biên thường trực Trần Anh Tuấn xin cho đi đào tạo chính quy, vì công tác đã được đủ thời hạn được đào tạo tiếp.

Phó tổng bập bập điếu thuốc lá, nói qua hơi khói: “Lấy cậu về làm việc, cậu đi, lấy ai làm thay. Thôi đi hàm thụ năm ba tháng”. Ông kết luận như một chỉ thị. Thế là đành vậy. Thôi học kiểu gì cũng được vì được đi học tiếp là tốt rồi.

Số phận chẳng ra sao! Hăm hở đi thi, nhưng năm ấy trượt, đành chờ năm sau. Năm sau 1976 vừa nhận giấy báo trúng tuyển hàm thụ thì Khu tự trị Việt Bắc giải thể. Lúc ấy cổng lại mở toang, Phó tổng bảo: “Bây giờ thì cậu có thể đi đào tạo dài hạn”.

Được lời, tôi te tái leo tàu hỏa xuống trường gặp thầy hiệu trưởng Trần Đình Thọ chìa giấy báo đỗ, xin thầy thu xếp cho vào hệ chính quy. Thầy nghe xong, cười nhẹ nhàng: “Chính quy thi khác, hàm thụ thi khác, không xếp cho cậu vào hệ dài hạn được. Thôi cứ về làm việc rồi năm ba tháng đến trường”.

Thấy mình tần ngần, thầy thuyết phục: “Học vẽ không quan trọng chính quy hay tại chức đâu. Nghề vẽ là năng khiếu, chịu rèn luyện sẽ có thành quả. Cậu nhìn đấy: Đặng Thị Khuê, Đặng Đức Sinh, Dương Viên, học hàm thụ cả đấy mà danh tiếng có kém ai đâu!”.

Mà đúng những người thầy nhắc tên lúc đó rất nổi danh, có tranh đẹp sững sờ. Các đàn anh ấy học khoá hai khóa ba, vẽ rất oách.

Tôi vội quay lại Thái Nguyên tức tốc đi xin việc để rồi yên tâm với học tại chức. Sang Ty Văn hóa tỉnh thì trưởng phòng tổ chức Ngự vỗ mặt luôn: “Ty chỉ nhận họa sĩ đại học như anh Vi Quốc Hiệp thôi, không nhận họa sĩ trung cấp đâu”. Đắng quá.

Lúc ấy Nhà xuất bản Việt Bắc được Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nông Quốc Chấn đề xuất giữ lại bộ khung để thành lập Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc Thiểu số, trực thuộc Bộ. Tôi xin sang đó, được chấp nhận ngay. Thế là năm ấy vừa xin chuyển chỗ làm việc vừa thu xếp năm ba tháng đến Yết Kiêu. Học hàm thụ thì riêng bộ môn văn sử, chính trị và mĩ học phải học đêm. Ban ngày thì vẽ hình họa và trang trí bố cục. Biết thân phận, tôi vẫn cặm cụi như hồi trung cấp. Nhưng 5 năm cũng trôi qua cũng rất nhanh.

2 – Chúng tôi khóa 10, tại chức. Hôm tập trung khai trường, có các thầy là lớp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Lương Xuân Nhị, Phạm Văn Đôn. Bọn lớp tôi khấp khởi sẽ được thụ giáo các thầy danh tiếng. Những thầy mà lâu nay chỉ nghe tên, được thấy mặt đã là may mắn, mà nay lại còn được theo học! Nhưng bước vào học thì thầy Phạm Văn Đôn nghỉ hưu. Còn lại mõn thầy Nhị dạy giải phẫu. Thầy Nhị gặp chúng tôi toàn gọi đồng chí. Chả là đám tại chức toàn cán bộ đi học, có đứa đầu đã hoa râm. Thầy tận tình, nhẹ nhàng với trò nhưng nghiêm khắc khi hướng dẫn và kiểm tra. Thầy bảo một trò vẽ ẩu: “Đây là cây chuối hay chổi lông gà? Phải nghiên cứu tổ chức bẹ lá của nó chứ”. Thế là có một hôm xảy ra chuyện: Xem phác thảo bài thi họa sĩ Trần Quang Bộ người Yên Bái thầy sốt ruột nói hơi nặng lời: “Sao không nhìn khái quát mà cứ rị mọ chi tiết làm gì”. Bộ bỗng nổi cơn điên, quắc mắt nhìn thầy, không nói gì. Thế rồi sớm hôm sau xếp ba lô biến khỏi trường, bỏ thi, bỏ 4 năm theo học. Thầy Phạm Công Thành trẻ trung hơn dạy môn viễn cận. Có một lần làm tranh bố cục, tranh xong, tôi hỏi thầy xem viễn cận ổn không. Hình như có chuyện gì đang bực mình, thầy liếc qua không trả lời vào câu hỏi, nói sẵng: “Học trường này có dốt thì vẫn tốt nghiệp ra trường”. Tức điên mà không nói gì được. Mà thầy cũng chẳng đứng lại cho mà nói! Nhưng thầy lại có lúc rất tận tình. Thầy nhắc bọn sinh viên chính quy: Vẽ cây phải nghiên cứu chẽ cành. Mỗi loại cây chẽ cành khác nhau, cả rừng cây, chẽ cành các cây không bao giờ giống nhau. Sau này nghiên cứu kĩ thấy đúng thế thật. Nhưng rồi ra đời vẫn nhiều người vẫn phất phất bút như chổi xể khi vẽ cây! Không phải cá nào cũng chịu ăn muối! Nhưng từ dẫn dụ của thầy Thành về cây, tôi phát hiện tiếp khi đi nhiều nơi, thấy có cây vui vẻ như đang múa hát, hơn hớn như kẻ hứng tình, lại có cây nhẫn nhục chịu đựng, có cây ngây thơ như đứa trẻ vụng dại, lại có cây dữ dằn ác bá, có cây phong lưu mã thượng. Cũng có cây cô đơn lạnh lẽo, cây lại như người ăn xin, cây như thằng ngốc đứng trước ngõ. Cây là người đấy, cũng có những trạng thái tình cảm qua dáng dấp, nếu quan sát kĩ sẽ thấy. Những nhận biết ấy giúp cho sáng tác sau này của tôi rất nhiều.

Thú thật là học giải phẫu thầy Nhị rất kĩ mà giờ tôi chẳng nhớ tí gì. Môn viễn cận cũng vậy, quên ráo. Chỉ mang máng phối cảnh đường chân trời. Bây giờ vẽ cứ lấy tiêu chuẩn thuận mắt làm đầu. Dạy hình họa thì trường mướn thầy bên Mỹ thuật Công nghiệp: Cô Kim Bạch dạy môn hình họa năm thứ 3. Cô học ở Liên Xô về, hình họa rất vững và đẹp. Cô mê Modigliani, vẽ tranh hay kéo người dài ra, chân tay ống tuýp vờn khối trụ như Fernand Leger, cạnh vê như lối vẽ cản tranh thờ. Cô là người yêu nghề và mê kĩ năng. Có một lần bài hình họa của tôi rối loạn đậm nhạt, cô nhìn và bức xúc lắm, bảo: “Em nhầm nghề rồi, không vẽ được đâu, đi học nghề khác đi!”. Tôi không thấy bực mình vì cô nói đúng. Nhưng tôi bảo lại cô: “Em biết, nhưng em không thể bỏ vẽ được cô ạ”.

Thầy Vũ Duy Nghĩa dạy đồ họa. Là người vẽ nét rất điệu, hay dưa ngang xẻ thẳng như kẻ chỉ. Hình như thầy được đào tạo ở Đức. Là tác giả tranh Ngọn đèn chai. Tranh khắc xong, chưa đã, thầy lại thể hiện tiếp sơn mài. Thầy có vẻ mê đề tài ấy. Thầy hơi nặng tai, nên làm việc với thầy cứ phải hỏi đi hỏi lại mệt lắm. Bù lại thầy hay cười lành lành nhân hậu. Những ai nặng tai đều có ưu điểm ấy!

Chủ nhiệm năm thứ hai, thầy Trọng Cát. Tranh thầy cũng hiền lành như tính tình. Thầy yêu trò và tận tụy với công việc. Thầy từng đi hợp tác ở Angola. Còn nhớ là trong tiệc rượu mà thấy thầy nói tiếng Pháp ấy là lúc thầy bắt đầu say. Thầy vẽ rẻo cao, tranh mờ mờ ảo ảo với một gam xanh trung tính dễ nản mắt. Sau này có lần thầy bảo tôi: Cậu vẽ tranh bán tốt, có thuật gì đấy. Tôi bảo tranh thầy thiếu ác-xăng (điểm nhấn). Thầy nhấn sáng một số điểm chắc chắn bán tốt. Thầy nghe lơ mơ rồi thở dài: Mình vẽ vẽ thế quen rồi.

Thầy Nguyễn Văn Chung học ở Đức, về giữa chừng hồi xét lại, làm giảng viên trường. Có lần đến bên bài hình họa của tôi, thầy thương hại cầm viên than tẩy sửa có đến hai ba chục phút. Hết buổi tôi để nguyên. Hôm sau lên lớp còn đang băn khoăn chưa biết vẽ tiếp thế nào thì giật mình thấy thầy nghiêm giọng sau lưng: “Cậu vẽ thế à?”. Mình giật mình, nín lặng. Chả nhẽ lúc ấy lại bảo đấy là thầy vẽ hôm qua! Nhớ lại cũng vui phết.

Lịch sử Mỹ thuật thì có thầy Triệu Thúc Đan, giờ kí ức về thầy chỉ còn nhớ vài từ trên lớp: “Nghệ thuật Bacbarit” [barbarisme] - man rợ, “xăng xoen” [sexuelle] - mĩ cảm nhục dục gì đó, còn quên tất. Nhìn chung thầy dạy sử Mỹ thuật hấp dẫn vì toàn chuyện nghề và các danh họa vẽ ra những chân trời ước mơ. Nhưng rồi câu chuyện cũng mờ dần, dù vẫn đang làm nghề! Nên bây giờ khi nghe có ông Trung ương cỡ tuổi con mình hoặc em út, khoe cả mớ bằng cao thấp Tây Tàu mình nghi trong não chắc cũng chẳng còn gì. Trong môi trường cạnh tranh quyền lực khốc liệt tranh ghế thì tri thức nhảy mẹ ra ngoài đầu. Bằng chạy, bằng mua nữa thì lại càng chắc chắn chỉ để khoe và hợp lý hóa để được cất nhắc!

Dạy Mỹ học thầy Nguyễn Quốc Bảo học ở Trung Quốc về thi chỉ còn nhớ giọng thầy the thé, kiến thức thì quên nhẵn luôn. Sau thêm thầy Dương Viết Á giảng viên nhạc viện dạy tiếp Mỹ học cao sâu hơn, nhưng chỉ còn nhớ giọng thầy khàn khàn vịt đực, mái tóc nghệ sĩ rất điệu, còn giảng gì thì cũng không còn tí gì trong đầu. Giờ cái gì cần thì tra cứu lại thôi.

Nhớ môn sử Đảng thầy chính trị oang oang trên bục (lúc ấy khoảng 76-77): Trong vòng mười lăm năm tới sẽ không có đế quốc nào dám nhòm ngó nước ta (chắc tua lại lời ông Lê Duẩn), thì tháng sau đụng tóe khói với Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam. Rồi năm 79 Tàu tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Thực tình đến giờ các kiến thứ học hồi đó đều xa mờ hết cả. Có vẻ toàn là những cái không cần đến.

Học tại chức thì thầy bà cũng không ổn định, thay đổi luôn. Quả tình, nếu không yêu nghề, gắng gỏi tự tích lũy thì kết quả cũng bằng không.

3 – Học tại chức, nhiều thầy trong trường không dạy nhưng chúng tôi cứ gọi thầy tất. Học sinh tại chức cũng láo nháo đủ trình độ. Rõ ràng là chất lượng tại chức khó so với dài hạn, trước hết là kĩ năng vẽ. Học tại chức tính ra cả khóa học vỏn vẹn 15 tháng thì học có 12 tháng, còn ba tháng năm cuối làm bài thi và luận văn tốt nghiệp. Luận văn cũng sơ sài vài ba trang A4 viết tay về một vấn đề nghệ thuật, gọi là có. Tại chức lại đủ lứa tuổi, phần lớn là trung niên và nhiều người làm các ngành nghề khác nhau nhưng yêu vẽ thì đi. Lớp tôi có chị Ngọc vẽ phim hoạt hình lời khời, Xuân Tăng người Nghệ, vẽ tiền ngân hàng, chẳng biết nó vẽ loại tiền nào. Lớp trưởng trêu nó, lúc gọi sa tăng, lúc xe tăng. Xuân Đài lớp trưởng nhiều tuổi hơn cả, là công an bỏ ngành vì mê thơ ca và vẽ, đánh đu với nhà thơ Hữu Thỉnh và Hoàng Hữu cùng quê, đến lớp cứ thằng Thỉnh thằng Thỉnh, thế nọ thế kia, thân mến như anh em. Võ Thị Báu cán bộ Ty Văn hóa Hà Đông, giọng miền Trung, chẳng biết tỉnh nào được cái nết chăm chỉ. Bích Hải ở xưởng phim truyện Việt Nam tính tình tếu táo như con trai. Đào Quang Gang thì dân khí tượng đo mây xé rào, tính thật như củ khoai. Mạnh Đức là cán bộ tổ chức ngành thể thao Tuyên Quang, nguyên nghề đá bóng nói năng lúc hài, lúc bặm trợn. Vũ Quốc Chính là công nhân thì có lịch sử luyện thi ở trường thuộc mẫu đến thành tật, khoe: cụ Phúng thì nhắm mắt tao vẽ cũng ra. Chả là nó vẽ cụ ấy đến 7 năm trước khi thi được vào trường. Giống như hoạ sĩ quân đội Lê Duy Ứng người Thanh Hóa hỏng mắt, vẽ tướng Giáp hồi cụ từ trần, đeo kính đen lia bút ràn rạt như quét rác, bảo sẽ vẽ 700 bức để phát không cho mọi người. Nguyễn Ngọc Bội thì từ họa sĩ thiết kế sách Nhà xuất bản Văn học, vẽ đẹp nhưng lúc nào cũng thở hắt ra kêu mệt. Vẽ chậm chạp nhưng có chất lắm, chỉ tội lười! Bế Sĩ Côn người Tày, cán bộ Ty Văn hóa Bắc Cạn đã học sơ trung 7 năm ở trường giờ quay lại nâng cấp, lúc nào trông cũng như anh Kim Đồng, ai hỏi mới nói, cứ thui thủi một mình thành nếp. Tô Giang bé choắt, là con họa sĩ Giang Tô thì về học sau thời gian công tác ở một tỉnh miền núi Tây Bắc, tính cũng bốc nhưng học lực trung bình. Hà Quang Sơn, anh ca sĩ Áí Vân, con cả diễn viên cải lương Ái Liên nổi tiếng. Nó béo quay, mặt lúc nào cũng đỏ phừng phừng như vừa uống rượu. Sơn làm đạo cụ sân khấu. Nó bảo, tao học để lên lương chứ không học làm họa sĩ. Lớp trưởng Đài trêu, con giai bà Ái giời ơi, thằng vịt quay học để làm đồ giả. Sơn chỉ cười. Cả hai giờ đã về giời. Chu Thảo làm báo Lao động. Trọng Tường đi lên từ Sở Văn hóa Nam Định, da ngăm ngăm, nói năng gùn ghè, cười thì khùng khục trong họng, vẽ cũng điệu lắm. Mười mấy đứa, mười mấy tính cách, cùng học mà giờ ra trường đứa còn đứa mất và cả mất hút không biết ở đâu nữa. Ngày hội trường thì khóa 10 không bao giờ hội tụ đủ lấy một phần ba.

Ở tập thể nội trú trong trường giường hai tầng, đêm đói, đám tại chức thuòng nấu mì ăn thêm. Bếp điện giấu trên giường tầng 2, thế mà lão Minh cấp dưỡng cũng mò ra. Lão trừng mắt: Cái này của ai, vi phạm nội quy nhà trường, Trọng Tường ngồi đấy nói trêu, có khi là của bọn tại chức đấy. Phạm Đức tỉnh queo bảo: Bắt bỏ mẹ chúng nó đi, chắc của bọn tại chức mất dạy đấy! Minh chẳng biết nói thế nào lẳng lặng đi ra.

Lúc vào học Yết Kiêu tôi đã biết khắc gỗ từ trước, học cụ Thành nhà in Việt Bắc. Nên đến bài chuyên khoa khắc gỗ tôi khắc nhanh như gọt khoai. Nhiều đứa không biết mài dao, cầm dao khắc tóe máu tay. Dao khắc cùn cũng không biết mài. Bài thi Sơn làm khắc gỗ. Thấy nó nhăn nhó, tôi buột miệng: “Cho tao ăn no, tao khắc cho”. Nó mừng, bảo thế nhá, mày giữ lời đấy. Đến buổi chiều, nó làm thật, khệ nệ bê bếp dầu mang mì gói, túi mắm ớt lỉnh kỉnh từ nhà sang trường. Tôi đùa: “Mày làm gì thế?”. Nó tròn xoe mắt: “Ơ, thế mày đã hứa cho ăn thì khắc tranh cho tao mà…”. Thế là tôi phải khắc, nó nấu mì phục vụ. Bài thi ấy rồi cũng được điểm 7.

Năm cuối ra trường, Phạm Mạnh Đức, tự Đức Râu thì băn khoăn: “Phác thảo bài thi tao muốn vẽ cảnh đi chợ mà không biết bố cục thế nào”. Sẵn tờ giấy bên cạnh, tôi lấy bút nho đi mấy nét phác thảo thế này thế này… Mắt nó sáng rực: “Thế là xong rồi”. Bài lụa ra trường của nó được Bảo tàng Mỹ thuật mua. Còn phác thảo mấy nhát ấy, sau khi ra trường tôi chế bức khắc gỗ Về chợ, rồi cũng được Bảo tàng Mỹ thuật sưu tập. Vui thế. Bây giờ tranh khắc Về chợ vẫn treo ở tầng ba phòng đồ họa. Phác thảo đó tôi vẫn còn giữ được.

Sau này ra trường mỗi đứa mỗi nơi. Đào Quang Gang vẫn ở Hà Nội chỗ đài khí tượng Láng. Ông học trung bình, tính hiền lành, nhưng càng vẽ càng có chất. Phải cái tội nhớ dai. Hôm đến triển lãm của tôi ông khen vẽ đẹp, nhưng rồi ông lẩm bẩm vào tai tôi: “Mày nhớ không, sau hôm tốt nghiệp, đứng ở sân trường Chu Thảo với Trọng Tường nói với nhau: “Lớp này có tao và mày, còn lại vứt hết”. Hôm nay xem tranh mày mới biết thế nào là ngựa đi đường xa. Lúc này mới biết mèo nào cắn mỉu nào”. Thì ra ông ấy để bụng thế.

Kể chuyện đám sinh viên tại chức này thì chẳng bao giờ hết. thế mà đã 45 năm, gần nửa thế kỉ rồi!

7/4/2021