Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Ngưỡng thấp của văn học Việt Nam

Phạm Xuân Nguyên

Sau 50 năm từ khi chiến tranh kết thúc (1975), thống nhất đất nước, và gần 40 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đang bước vào nhóm các nước có ngưỡng trung bình cao trên thế giới.

Còn văn học Việt Nam đang ở ngưỡng nào của thế giới?

Câu trả lời của tôi là: Ở ngưỡng thấp, dưới trung bình.

1

Trong nửa thế kỷ qua tác phẩm văn học Việt Nam được dịch nhiều nhất, được biết đến nhiều nhất trên thế giới là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Sau khi xuất bản năm 1990 và được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm1991, Nỗi buồn chiến tranh được các dịch giả Phan Thanh Hảo, Võ Băng Thanh và Katerina A. Peirce dịch sang tiếng Anh và xuất bản đầu tiên năm 1992 tại Nxb Martin Secker&Warburg (Anh). Từ bản dịch tiếng Anh đó nhiều bản dịch Nỗi buồn chiến tranh sang các thứ tiếng khác đã được thực hiện, cho tới nay theo con số chưa đầy đủ Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch ở hơn hai chục ngữ. Nó trở thành tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam trên thế giới. Năm 2008 tôi có bài tổng quan về sự tiếp nhận tác phẩm này ở Mỹ cho thấy nó được đánh giá rất cao, có người xếp ngang với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Phía Tây không có gì lạ của nhà văn Đức E. R. Remaque. Bản dịch Nỗi buồn chiến tranh gần đây nhất là bản tiếng Trung của dịch giả Hạ Lộ, PGs. Ts văn học Việt Nam tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhà văn hàng đầu của văn học Trung Quốc hiện nay Diêm Liên Khoa trong bài giới thiệu đã đánh giá Nỗi buồn chiến tranh cực kỳ cao. Ông đặt tên bài viết của mình là Tầm cao của văn học chiến tranh Phương Đông. Ông viết:

“Tôi với tư cách là một tiểu thuyết gia đã có đến 26 năm trong quân đội, đọc xong tiểu thuyết này, cảm giác mãnh liệt nhất, đó chính là giả sử ngay từ cuối những năm 80 hoặc muộn hơn một chút vào đầu những năm 90, chúng ta có thể dịch Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung thì nhận thức của chúng ta đối với văn học Việt Nam sẽ không đến nỗi phong bế và hạn hẹp như hôm nay; văn học quân đội Trung Quốc cực kỳ cũ kỹ và trì trệ hôm nay cũng nhất định sẽ không bảo thủ, bó chân và tụt hậu như vậy. Thậm chí có thể nói, nếu như có thể kịp thời dịch và giới thiệu Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, văn học quân đội Trung Quốc ngày ấy và bây giờ đều rất có thể đã mang một cảnh sắc và sinh khí khác.

Nghiền ngẫm Nỗi buồn chiến tranh với tư cách là một tiểu thuyết chiến tranh phương Đông trong bối cảnh văn học thế giới và so sánh nó với dòng văn học chiến tranh mà chúng ta có thể đọc được của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, rõ ràng Nỗi buồn chiến tranh đánh dấu tầm cao của một thứ văn học mới. Một tác phẩm cực hiếm của một nhà văn châu Á phương Đông, hiếm có trong những miêu tả, nhận thức, phê phán thẩm mĩ đối với chiến tranh, hiếm có trong những lý giải và tình yêu đối với con người, những suy tư về nhân tính, hiếm có cả trong biểu đạt nghệ thuật – một phương diện cá tính nhất, quan trọng nhất đối với một nhà văn.” (Thiên Thai dịch từ tiếng Trung).

Một nhà văn Việt Nam tiêu biểu khác có tiếng vang ra thế giới là Nguyễn Huy Thiệp (1950/2021). Tác phẩm của ông cũng đã được dịch ra một số thứ tiếng. Riêng ở Pháp, và chủ yếu ở Pháp, Nguyễn Huy Thiệp được dịch nhiều nhất. Đặc biệt Éditions de l’Aube, một nhà xuất bản tư nhân nhỏ tại Paris, đã cho dịch gần như toàn bộ các tác phẩm truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Pháp. Éditions de l’Aube thành lập năm 1987, chủ trương dịch và in sách của các tác giả ở các “nền văn học nhỏ” và các tác giả “có triển vọng”. Trong danh mục sách của Nxn này có sách của các tác giả Iran, Afghanistan, Trung Quốc, Algérie, Việt Nam (ngoài Nguyễn Huy Thiệp còn có Tô Hoài, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Bão...). Ngoài ra, còn có rất nhiều tên tuổi lẫy lừng trên thế giới (Václav Havel, Cao Hành Kiện, Tony Blair...).

Chính d’Aube trong một tham vọng của mình, được khích lệ bởi thành công trước đó với Cao Hành Kiện – nhà văn Pháp gốc Trung Quốc từng in những tác phẩm dịch ra tiếng Pháp đầu tiên ở đây về sau đã được giải Nobel văn chương (2000), chính d’Aube đã gợi ý Nguyễn Huy Thiệp viết tiểu thuyết (trước 2013 giải Nobel văn chương trao cho nhà văn là phải có tiểu thuyết). Được sự thúc đẩy ấy Nguyễn Huy Thiệp đã viết tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu và nhanh chóng khi bản tiếng Việt chưa in/chưa được in trong nước thì bản thảo đã có bản dịch tiếng Pháp in tại Paris. Éditions de l’Aube đã chọn đó là cuốn sách thứ 1000 kỷ niệm 18 năm hoạt động của mình. Dịp ra mắt sách Tuổi hai mươi yêu dấu Nguyễn Huy Thiệp đã được mời sang Paris giao lưu và ký sách (tôi khi ấy đang ở Pháp có đến dự). Khi Nguyễn Huy Thiệp mất, nhà văn Linda Lê (1963/2022) trong bài viết tưởng nhớ có tên Sự biến mất của kẻ gây hấn đã đánh giá: “Dù nói về tình yêu đất nước, nỗi thương nhớ đồng quê hay những mưu mô trong cung đình hoặc thậm chí là về thơ, Nguyễn Huy Thiệp bộc lộ mình là một người bài thánh rung lên hồi chuông, một nhà văn có con mắt linh miêu, một nhà mổ xẻ sắc bén đã thọc mũi dao vào lõi của sự thỏa hiệp, một nghệ sĩ đi rất sát với hiện thực để cười nhạo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, một người kể chuyện không là tiền quân cũng không là hậu quân, người không phải là nhà tiên tri ở đất nước mình. Sự biến mất của Nguyễn Huy Thiệp là sự biến mất của một kẻ nổi loạn đã biến văn chương của mình thành sự gây hấn.” (Ngân Xuyên dịch từ tiếng Pháp)

Trên đây là hai nhà văn nổi tiếng nhất Việt Nam thời Đổi Mới đã được dịch nhiều nhất ra thế giới (một người là một cuốn tiểu thuyết, một người là các truyện ngắn). Từng nghe ồn là cả hai ông đã có được đề cử giải Nobel văn chương. Thực hư thế nào phải đợi đến năm mươi sau khi thông tin này được Uỷ ban Nobel giải mật thì mới rõ. Chỉ biết Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp qua các bản dịch đã được độc giả thế giới biết đến, nhưng là được biết đến trong một cộng đồng văn chương hẹp.

2.

Tôi nói một cộng đồng văn chương hẹp là nhìn rộng ra cả thế giới. Văn học châu Á chưa phải là khu vực nổi bật. Trong châu Á thì văn học Đông Nam Á càng rất thiểu số. Văn học Việt Nam đi ra thế giới nằm trong thiểu số đó.

Có hai trở ngại trên con đường văn học Việt Nam xuất ngoại và tạo dấu ấn.

2.1. Thứ nhất là chất lượng tác phẩm. Nửa thế kỷ qua văn học Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, đã có những bứt phá so với chính mình về nội dung và nghệ thuật, đã có những tác giả và tác phẩm tạo được bề nổi. Có thể nói văn học Việt Nam năm mươi năm (1975/2025) là một thời kỳ phát triển mới, đa dạng phong phú hơn nhiều so với thời kỳ trước đó. Nhưng nói thực đó vẫn là nền văn học chưa VƯỢT ĐƯỢC NGƯỠNG MÌNH. Số phận dân tộc Việt Nam thế kỷ XX chứa đựng trong mình những chấn thương lịch sử ghê gớm, khủng khiếp mà văn chương chỉ mới gãi ngoài da. Nhà văn Việt Nam cả trong nước và ngoài nước, cả bên này bên kia, đều chưa vượt thoát lên được tầm dân tộc, chưa nói đến tầm nhân loại, để suy nghĩ về người Việt nước Việt trong lịch sử tàn khốc xảy ra trên đất nước này thế kỷ vừa qua. Chiến tranh trong văn học Việt Nam vẫn là chiến tranh được/bị nhìn từ một phía. Lịch sử vì thế cũng là lịch sử nghiêng về một bên, một phe. Con người trong chiến tranh vẫn là con người phiến diện. Những tác phẩm thời hậu chiến đã có sự mở rộng đề tài và khơi sâu nội dung để cái viết về chiến tranh nhiều chiều lớp, nhiều vỉa tầng hơn, sát thực với hiện thực hơn, tuy nhiên vẫn không chạm được mấy tới những chấn thương lịch sử của dân tộc. Những cái viết khác ngoài chiến tranh thì thường hời hợt. Tóm lại, chấn thương của người Việt trong chiến tranh và trong đời sống hiện đại đều đang nhạt nhoà trong văn chương người Việt. Một hạn chế nữa của văn chương Việt Nam là cách viết vẫn nặng chủ nghĩa hiện thực, hầu như không có những thế giới tưởng tượng phi thực trong tác phẩm. Văn chương đó ra thế giới khó gây được sự chú ý của độc giả nước ngoài là điều dễ hiểu. Nhất là khi đặt cạnh những tác phẩm của những tác giả châu Á khác tạo được tên tuổi trong bản dịch. Phá bỏ trở ngại thứ nhất này là điều kiện cần để văn học Việt Nam đủ tầm vươn ra thế giới.

2.2. Trở ngại thứ hai là dịch thuật – điều kiện đủ để văn chương vượt biên giới quốc gia. Nghệ thuật ngôn từ, khác các loại nghệ thuật khác, dùng chất liệu là lời nói, từ ngữ, mà loài người từ khi bị Chúa phá tháp Babel thì đành phải thông qua dịch mới hiểu nhau. Nói rằng chúng ta không quan tâm việc dịch văn chương tiếng Việt ra các ngoại ngữ thì không đúng. Nhưng đó là một sự quan tâm nửa mùa, được chăng hay chớ, không liên tục, hệ thống, đặc biệt là không có một CHIẾN LƯỢC DỊCH VĂN CHƯƠNG VIỆT RA NƯỚC NGOÀI TẦM QUỐC GIA. Hội Nhà văn Việt Nam đã bốn lần được nhà nước rót nhiều tiền để mở hội nghị quảng bá văn học Việt Nam. Hội nghị rùm beng rình rang kéo từ Hà Nội xuống Quảng Ninh, tiệc lớn tiệc nhỏ, khách ba chủ nhà bảy, dịch giả nước ngoài thì ít, lại không tinh, cuối cùng tan cuộc là tan trò, “đầu voi đuôi chuột”. Sau mấy cuộc quảng bá như thế không ai tổng kết xem đã có bao nhiêu tác phẩm văn chương Việt được dịch ra những thứ tiếng nào, dịch ra sao, tiếp thị thế nào trên văn đàn thế giới. Điều này tôi đã từng nói ngay khi những hội nghị đó đang diễn ra.

Thôi không nói chuyện đã xa, nói chuyện gần đây, bằng vào một trường hợp cụ thể ở một đất nước Đông Á. Nobel văn chương 2024 đã trao cho nhà văn Hàn Quốc Han Kang (sinh 1970). Các nhà phê bình văn học nhấn mạnh rằng các chủ đề phổ quát kết hợp với những chấn thương lịch sử của Hàn Quốc như Cuộc khởi nghĩa dân chủ Gwangju ngày 18 tháng 5 (1980) và Cuộc khởi nghĩa Jeju ngày 3 tháng 4 và vụ thảm sát (1948-1949) trong tác phẩm của Han Kang đã thu hút sự chú ý của cộng đồng văn học nước ngoài. Lời tuyên dương của Uỷ ban Nobel đánh giá Han Kang “bằng một thứ văn xuôi mang chất thơ mãnh liệt đã đương đầu với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người.” Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ muốn nói giải Nobel cho Han Kang là kết quả của cả một chiến lược tiếp thị văn hoá nghệ thuật Hàn Quốc ra toàn cầu mà chính phủ nước này đã thi hành từ lâu. Không có chiến lược đó không có sự bùng nổ của văn hoá K-Pop (âm nhạc, điện ảnh, thời trang, lối sống) như đã và đang thấy hiện nay trên thế giới. Không có chiến lược đó không có giải Nobel văn chương của Han Kang.

Hàn Quốc đã làm thế nào trong lĩnh vực văn học?

Han Kang may mắn có được hai dịch giả tiếng Anh và tiếng Pháp đưa tác phẩm của mình thành nổi tiếng thế giới. Đó là Deborah Smith, người dịch tiểu thuyết Người ăn chay (2007) từ tiếng Hàn sang tiếng Anh The Vegetarian (2015), giành giải thưởng Booker Quốc tế danh giá của Anh (2016). Và đó là Choi Kyung-ran và Pierre Bisiou đã dịch tiểu thuyết Không nói lời từ biệt từ tiếng Hàn sang tiếng Pháp Impossibles adieux giành giải thưởng Prix Medicis danh giá của Pháp (2023). Nhưng đằng sau các dịch giả này có sự hỗ trợ to lớn của hai tổ chức lo việc đưa văn chương Hàn Quốc xuất ngoại.

Đầu tiên là Viện Dịch thuật Hàn Quốc (Literature Translation Institute – LTI) do Chính phủ Hàn Quốc lập ra năm 1996 với mục đích quảng bá văn học và văn hóa Hàn Quốc ra nước ngoài. LTI Korea thường xuyên tài trợ cho hoạt động dịch thuật và xuất bản các tác phẩm tiếng Hàn để thúc đẩy hoạt động dịch thuật văn học Hàn Quốc chất lượng cao và đang thúc đẩy nhiều chương trình trao đổi ở nước ngoài nhằm tăng cường cơ sở xuất khẩu văn học Hàn Quốc và thiết lập mạng lưới cho các nhà xuất bản Hàn Quốc và nước ngoài. Viện cũng hoạt động để bồi dưỡng các dịch giả chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực dịch thuật văn học Hàn Quốc.

LTI có ba chương trình hoạt động chính là tài trợ dịch thuật, tài trợ xuất bản, và đào tạo dịch giả.

Chương trình tài trợ dịch thuật: Mỗi quý, LTI Korea lựa chọn và hỗ trợ cho các dự án dịch các tác phẩm văn học Hàn Quốc như tiểu thuyết, thơ, kịch, phi hư cấu, sách cho thanh thiếu niên, tiểu thuyết về giới và tiểu thuyết đồ họa. Mỗi đơn đăng ký được đánh giá dựa trên chất lượng bản dịch và tác phẩm gốc. Từ năm 2014, LTI Korea không hỗ trợ dịch toàn bộ tác phẩm gốc. Ban đầu, LTI Korea cung cấp khoản tài trợ cho bản dịch mẫu và khoản tài trợ cho phần còn lại của tác phẩm sẽ được cung cấp sau khi dịch giả và tác giả ký hợp đồng xuất bản với một nhà xuất bản quốc tế.

Chương trình tài trợ xuất bản: được cung cấp cho các nhà xuất bản nước ngoài đã mua bản quyền đối với các tác phẩm được dịch với sự hỗ trợ của LTI Korea. Từ năm 2014, LTI Korea cung cấp cả khoản tài trợ dịch thuật và xuất bản cho các nhà xuất bản nước ngoài đã mua bản quyền xuất bản các tác phẩm văn học Hàn Quốc đã được dịch.

Đào tạo dịch giả: đến nay LTI đã tổ chức được nhiều khoá học đào tạo các dịch giả văn học của 44 thứ tiếng, trong đó có các tiếng chính như Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Trung, Nhật. Bên cạnh việc đào tạo LTI còn lập ra Giải thưởng dịch thuật văn học Hàn Quốc nhằm khuyến khích các dịch giả trẻ và đang hành nghề.

Tổ chức thứ hai là Quỹ Văn hóa Daesan (The Daesan Cultural Foundation – DCF), một quỹ chuyên về văn học đầu tiên và duy nhất trực thuộc một tổ hợp lớn của Hàn Quốc, và là một quỹ vì lợi ích công cộng trực thuộc Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Kyobo. Quỹ được thành lập ngày 28/12/1992 (tên gọi ban đầu là Quỹ Daesan) với mục đích đóng góp vào sự phát triển nền văn hóa dân tộc và sự toàn cầu hóa nền văn học Hàn Quốc. Giải thưởng Văn học Daesan, Chuỗi Văn học Thế giới Daesan và Cuộc trường chinh châu Á là những hoạt động nổi tiếng của Quỹ. Một trong những mảng hoạt động chính của DCF là Toàn cầu hoá văn học Hàn Quốc, trong đó tập trung hỗ trợ cho việc dịch thuật, nghiên cứu và xuất bản văn học Hàn Quốc trong các thứ tiếng. Tiêu chí ở đây là: HỖ TRỢ DỊCH VÀ XUẤT BẢN CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC HÀN QUỐC ĐÁNG ĐƯA RA TOÀN CẦU VÀ CÓ TIỀM NĂNG ĐƯỢC CÁC GIẢI THƯỞNG VĂN CHƯƠNG QUỐC TẾ. Có thể thấy rõ điều này ở Han Kang. Chỉ riêng các tác phẩm của Han Kang đã được hưởng lợi từ chín khoản tài trợ dịch thuật của DCF, bao gồm sáu đầu sách của bà bằng bốn ngôn ngữ. Bản dịch tiếng Anh cuốn tiểu thuyết Người ăn chay của Han Kang đã được DCF hỗ trợ từ năm 2014. Nhờ đó các tác phẩm của Han Kang đã có được những bản dịch tốt “củng cố vị thế của bà như một nhân vật văn học trên toàn cầu và làm tăng thêm sự quan tâm đến văn học Hàn Quốc trên toàn thế giới” như nhận xét của ông Kwak Hyo-hwan, cựu chủ tịch LTI Hàn Quốc. Khi biết tin Han Kang được giải Nobel văn chương 2024 ông nói: “Mặc dù tôi dự đoán đất nước cuối cùng sẽ có một người đoạt giải Nobel Văn chương, nhưng tôi thực sự ngạc nhiên khi điều đó xảy ra sớm hơn dự kiến. Bây giờ là lúc phải thực hiện những sự chuẩn bị cần thiết trong những năm tới để định hình tương lai của nền văn học Hàn Quốc trên trường quốc tế”.

Hai tổ chức này, LTI của Chính phủ và DCF của tư nhân, đã thành bệ đỡ cho các tác phẩm Hàn Quốc đi ra thế giới. Hơn 200 tác phẩm Hàn Quốc hiện được dịch hàng năm và kể từ năm 2010, các nhà văn Hàn Quốc đã giành được hai đến ba giải thưởng văn học quốc tế lớn mỗi năm, với một số năm đạt tới sáu hoặc bảy giải thưởng. Vào tuần trước, Bộ Văn hoá Hàn Quốc đã thông báo họ đã đảm bảo được một ngân sách cao hơn để hỗ trợ sách tiếng Hàn được dịch sau chiến thắng giải Nobel của Han Kang. Bộ này dự kiến sẽ chi 48,5 tỷ won (35,4 triệu đô la) để quảng bá văn học vào năm 2025, tăng 7,4 phần trăm so với năm nay.

Đặc biệt, Bộ Văn hóa đã phân bổ 7,66 tỷ won cho Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (LTI). Trong số tiền này, 3,12 tỷ won sẽ hỗ trợ việc xuất bản sách dịch và 4,54 tỷ won sẽ dành cho việc quảng bá chúng. Ngân sách xuất bản tăng 800 triệu won trong khi ngân sách quảng bá tăng 450 triệu won. “Chính phủ luôn ủng hộ tác giả Han Kang về các tác phẩm dịch của bà, và khi trường hợp của bà thành công, chính phủ sẽ mở rộng hỗ trợ cho các tác giả địa phương và xây dựng một hệ thống dẫn đến thành công toàn cầu của họ”, Shin Eun-hyang, một viên chức chính sách nghệ thuật tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết. “Chúng tôi cũng sẽ xây dựng một mạng lưới an toàn cho các nghệ sĩ và nhà văn để đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục với các tác phẩm sáng tạo của mình bất chấp những điều kiện khó khăn”.

Trông người lại ngẫm đến ta. Tôi xin nhắc lại một lần nữa: chúng ta không có một chiến lược khả thi đưa văn chương Việt Nam ra thế giới. Trước nay và gần đây vẫn có những nỗ lực của các cá nhân nhà văn nhà thơ và những hội nhóm văn chương dịch văn Việt ra nước ngoài, nhưng đó là những hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, ít tạo được tiếng vang. Cần một chiến lược quy mô quốc gia. Hãy nhìn vào Hàn Quốc và học tập họ.

1) Nhà nước cần phải lập ra một Viện dịch thuật văn chương Việt Nam như kiểu LTI. Phải đầu tư vào đó có bài bản, chương trình. Phải theo đuổi cho những tác giả được chọn có những bản dịch xứng đáng, khả dĩ có thể vào được các thị trường văn chương lớn. Tôi thấy hiện nay một nhà văn như Nguyễn Bình Phương là rất đáng để đầu tư dịch thuật và giới thiệu có hệ thống, bài bản.

2) Phải lựa chọn và ưu đãi những dịch giả cả trong nước và ngoài nước có khả năng cho ra những bản dịch văn chương chất lượng, có thể vươn tới những giải thưởng danh giá trên thế giới. Dịch giả An Lý là một người như vậy. Chị thuộc thế hệ 8x, đã có kinh nghiệm 15 năm dịch văn chương Anh-Việt với nhiều bản dịch các tác phẩm của các tác giả đương đại nổi tiếng thế giới. Tác phẩm dịch Việt-Anh đầu tay của chị là tiểu thuyết Chinatown của Thuận đã được nhận PEN Translates Award, một quỹ hỗ trợ các bản dịch chưa xuất bản của English PEN; vào chung khảo của các giải Republic of Consciousness Prize for Small Presses và giải National Translation Award, vào sơ khảo giải Warwick Prize for Women in Translation. Ngày 12/11/2023 An Lý đã trở thành dịch giả Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng uy tín National Translation Award của Hiệp hội Dịch giả văn học Mỹ (ALTA).

3) Lại cũng cần có sự chung tay của tư nhân, doanh nghiệp, lập ra những Quỹ văn chương như Quỹ Daesan. Cần kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào xuất khẩu văn chương Việt.

Đừng chạy theo những hội hè đình đám nữa, mà hãy đi vào thực chất. Hàn Quốc đã làm được thế mà họ còn coi giải Nobel của Han Kang như một sự khởi đầu. Tôi lại xin dẫn lời Kwak Hyo-hwan, cựu chủ tịch LTI Hàn Quốc: “Việc dịch thuật mất thời gian nhưng tôi thường nhấn mạnh đến sức mạnh của văn học. Văn học giống như một bản đồ địa hình phản ánh một thời đại hoặc một xã hội cụ thể. Một khi đã được dịch, nó không chỉ mang theo văn bản mà còn mang theo cả tinh thần của thời đại đó. Theo nghĩa đó, tác động mà nó sẽ có khi đến được với những đối tượng mới sẽ rất lớn. Giải Nobel đã đưa văn học Hàn Quốc lên vị thế trên sân khấu văn học toàn cầu, làm nổi bật ý nghĩa lịch sử và tinh thần sâu sắc, rộng lớn và phong phú của nó. Chúng ta không nên chỉ hài lòng với thành tựu này; chúng ta phải nỗ lực mở rộng và làm giàu nền tảng này. Các chính sách văn hóa cũng nên tập trung nhiều hơn vào khía cạnh này để các nhà văn mới có thể phát triển.”

Văn học Việt Nam cứ là nằm ở ngưỡng thấp, còn lâu mới lên được ngưỡng trung bình thế giới, nếu không dốc sức phá bỏ hai trở ngại nói trên. Các nhà văn hãy vượt qua chính mình và vượt qua những rào cản xã hội để sáng tạo ra những tác phẩm văn chương tiếng Việt chất lượng cao. Nhà nước hãy tạo điều kiện tốt nhất cho những tác phẩm đó có được hoá thân chất lượng cao trong các thứ tiếng khác. Còn không, kinh tế Việt Nam có thể vượt qua ngưỡng trung bình thu nhập, nhưng văn học Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng trung bình sự chú ý của thế giới.

Hà Nội, 26/11/2024

(Bài viết cho Hội nghị "50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và Xu thế" nhưng không kịp gửi, cũng không đến dự, nên cũng không đọc hay phát biểu.)