Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Đường về núi cũ chùa xưa…!

Phạm Hiền Mây

I/

Thiền sư lối trắng mây chiều

Cõi hư thật bước dặt dìu trùng muôn

Thầy là người bạn đồng hành, gắn bó từ thuở còn gian khó, là huynh đệ tình nghĩa thâm sâu với hòa thượng Tuệ Sỹ; là học trò của bậc đức cao vọng trọng, hòa thượng Thích Trí Thủ, biết bao nhiêu năm qua. Thầy còn là, từ bấy đến nay, chứng nhân cho biết bao dâu bể đổi dời của dân tộc, của quê hương, đất nước, của Phật Giáo Việt Nam và của cả một số tao nhân mặc khách lừng lẫy của miền Nam trước 1975 như: Quách Tấn, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng.

Thầy là một vị tu hành không ham danh tiếng, phẩm vị. Thầy sống kín đáo, ẩn mình, khiêm nhẫn nơi Đường về núi cũ chùa xưa (*), Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng (*), nơi có một vùng đất mang tên vừa lạ vừa thơ Đồi Trại Thủy, nơi có ngôi chùa Hải Đức với tượng Đức Phật trên cõi phù du (*), được mệnh danh là Đại Tòng Lâm đẹp nhứt của tỉnh Khánh Hòa, nơi có Đại Hồng Chung náu mình dưới tiểu đình, với bốn câu thơ, đã ai đề từ xa xưa lắm:

Trăng lên đồi Trại Thủy

Chuông khuya ngời âm ba

Bồi hồi mây khóa viện

Sân Bồ Đề sương sa.

Đồi Trại Thủy, còn chính là nơi mà Phạm Công Thiện từng xuất thần viết:

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông

(Ngày sinh của rắn III)

Quách Tấn, trước vẻ đẹp đến sững sờ của Đồi Trại Thủy, cũng phải đề bút:

Chùa ẩn non mây trắng

Bóng in hồ liễu xanh

Mai chiều chuông đã tạnh

Vòng sóng còn long lanh

(Tiếng ngân)

Thầy viết nhiều sách, nhiều tiểu luận và các bài mang tính nghiên cứu về Phật học và văn chương, thơ ca.

Cuốn Đường về núi cũ chùa xưa mà tôi đang cầm trên tay, chiều nay, 30.09.24, vừa mới được tái bản lần thứ tư, cũng do chính thầy chấp bút và gởi tặng.

Thầy chính là sư ông Thích Phước An!

******

II/

Núi đồi bát ngát rền chuông

Hồn lên bốn phía hòa buông tiếng đồng

Đường về núi cũ chùa xưa

dày ba trăm năm mươi hai trang, là tập hợp các bài viết, các ghi chép, kể chuyện, cảm nhận, tản mạn, từ lịch sử thăng trầm của dân tộc đến Phật giáo Việt Nam, từ tích xưa đến những cuộc trôi nổi văn chương cùng với các nhân vật như: vua Trần Thái Tông; ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ; vua Trần Nhân Tông; thiền sư Huyền Quang; cư sĩ, đồng thời là nhà chính trị dưới thời Trần, Trần Quang Triều; vua Trần Minh Tông; nhà chính trị Nguyễn Trãi và danh sĩ Ngô Thì Nhậm; Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; thiền sư Chân Nguyên; đại thi hào Nguyễn Du; giáo sư Lê Mạnh Thát và thiền sư Toàn Nhật.

Nếu ai đã từng đọc qua một vài tiểu luận hoặc biên khảo, nghiên cứu của thầy Phước An, hẳn sẽ dễ dàng nhận ra, ẩn sau vẻ khả kính, thâm trầm, hiền hòa mà uy nghiêm của thầy, là cả một tâm hồn thi ca, văn chương lai láng.

Các bạn có ngạc nhiên không, khi một sư ông, đi tu từ năm lên bảy, đệ tử của hòa thượng Mãn Giác, không chỉ thông tuệ về giáo pháp, mà ngài còn là một tâm hồn mẫn cảm với thi tứ và văn chương? Tôi thì không ngạc nhiên gì về những điều tưởng chừng như mâu thuẫn, đối kháng nhau này, một cư sĩ vẫn có thể là nhà chính trị kiệt xuất; một thiền sư vẫn có thể là nhà văn với những lời lẽ nhu cương hòa điệu, thu phục nhân tâm; một kiến trúc sư vẫn có thể là nhà thơ và một bác sĩ vẫn có thể là người sáng tác nhạc.

Tưởng tréo ngoe nhưng chúng lại bổ sung cho nhau, và không ít người trong số họ nổi tiếng, bởi những đồng thời, cùng lúc ấy. Họ vừa rất giỏi trong lãnh vực chuyên môn, vừa lại rất xuất sắc ở lãnh vực ngoài chuyên môn của họ.

******

III/

Đông tây hoa nở phiêu bồng

Cô đơn ai bến cỏ hồng sớm trưa

Khi đọc tiểu luận Thơ Tuệ Sỹ, Tiếng gọi của những đêm dài heo hút của thầy Phước An, tôi đã từng nhận định thế này: Tôi cũng thích văn của thầy Phước An. Văn của ông, mạnh như thác, mềm như suối, những đối nghịch ấy khiến văn ông lên bổng xuống trầm, như nhạc, như thơ. Câu của ông viết xuống, nặng ngàn cân, chắc nịch, nhưng khi cần nhẹ như cánh chim, mây gió, ông vẫn có thể điều khiển chúng trở mình một cách dễ dàng.

Đọc văn của thầy Phước An, tôi nhận ra, tôi có một điểm rất giống với thầy, đó là cách đặt câu hỏi ngay từ đầu đề bài viết.

Ví dụ như trong tiểu luận Quê hương, ngôi chùa và thiên nhiên trong cõi thơ của Trần Nhân Tông, ngay từ phần một la mã, tác giả đã đặt xuống một câu nghi vấn: Quê hương là gì?

Tác giả chưa lý giải ngay đâu. Phải sau rất nhiều những dòng nhẩn nha kể chuyện, dẫn dắt khéo léo, tác giả mới lần hồi cho xuất hiện dần ra những dòng giải thích: quê hương là buổi chiều tà; quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn; quê hương là miếng ruộng, mảnh vườn; quê hương là con đường làng êm ả; quê hương là đàn cò trắng đứng trên cánh đồng lúa xanh; quê hương là dăm ba đứa trẻ lùa trâu về chuồng trong bóng chiều mờ mờ khói phủ; quê hương là ngôi chùa; quê hương là mẹ cha, là chị em, là máu xương, là ruột thịt.

Đây là do tôi đọc và liệt kê ra một số ý mà tác giả đã viết, chớ nếu tự các bạn đọc, các bạn sẽ cảm ra ngay lập tức, những dòng văn ấy, đích xác là những áng văn chương tuyệt tác, để đời.

******

IV

Quê hương còn đó đón đưa

Đường về núi cũ chùa xưa, bóng người.

Thầy Phước An có làm thơ hay không, tôi không rõ, nhưng qua những gì mà tôi đọc từ thầy, biết về thầy, thì tôi có thể chắc chắn thầy là một người yêu thơ. Tiểu luận nào, nghiên cứu phê bình nào, sách nào, thầy viết, cũng đều đề cập đến thơ, không chỉ một người mà rất nhiều người thơ như Quách Tấn, Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, không chỉ một bài mà rất nhiều bài, đặc biệt là các bài thơ chữ Hán.

Trong tiểu luận thứ hai của cuốn Đường về núi cũ chùa xưa, có nhan đề Tuệ Trung Thượng Sĩ, kẻ rong chơi giữa sống và chết, cũng lại được tác giả mở đầu bằng một câu hỏi tu từ rất cuốn hút, khiến người đọc, vừa tò mò vừa háo hức, muốn đọc tiếp liền ngay chớ không thể chờ được, đợi được lâu: Tại sao lại phải từ chối sự bao la của bể cả, để chấp nhận thế giới hoang vu heo hút của núi rừng.

Tiểu luận dài mười ba trang, mà đã có đến mười tám bài thơ, đoạn thơ, được trích dẫn, cả nguyên văn bản gốc, cả những bản dịch hay và kèm theo là những giải thích làm sáng rõ vấn đề đặt ra, là những bình luận nhằm khơi gợi, nhằm giúp người đọc liên tưởng và mở rộng vấn đề, mà tác giả đang đề cập.

Đây quả là những công trình nghiên cứu văn chương, không chỉ thiết thực, mà còn đem lại lợi ích vô cùng cho nhiều giới bạn đọc, hôm nay và ngày sau.

Xin được trích ra đây một đoạn công phu và tỉ mỉ như vừa nhận xét ở trên:

“Các sử liệu còn để lại, cho chúng ta biết rất ít về cuộc đời của Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Ngay cả việc một số người viết, đã nhầm lẫn, ông từ người anh cả, xuống làm con của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, chỉ chừng ấy thôi, cũng khiến cho con người của ông, vốn đã độc đáo, lại càng độc đáo hơn nữa đối với chúng ta.

Như đa số các vương hầu thân tín khác của nhà Trần, ông cũng đã từng trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Nguyên xâm lược. Nhưng khi chiến thắng rồi, nghĩa là đất nước trở lại thanh bình, thì hành tung của ông không còn được nhắc đến nữa.

Ðây là một sự thiếu sót tư liệu bình thường? Hay là, chúng ta nên xếp Tuệ Trung Thượng Sĩ vào đội ngũ của những người ngoại lệ? Những người đi và muốn xóa sạch vết chân của chính mình?

Khi một dân tộc hay một cá nhân quá khát khao đi tìm thanh bình cho đời sống nội tâm của mình, thì chắc chắn vấn đề lịch sử không bao giờ được họ bận tâm đến.

Như Ấn Ðộ chẳng hạn, họ có một nền văn minh lớn nhất vào thời cổ, vậy mà không có một sử gia tầm cỡ Tư Mã Thiên (Trung Quốc), Herodote Thucydide (Hy Lạp), Plutarque hay Tacite (La Mã), vì họ chỉ muốn giải thoát thân phận bi thảm của chính họ ra khỏi ngục tù của thời gian thôi. Ðối tượng suy tư của họ cũng cao ngất như dãy Hy Mã Lạp Sơn quanh năm phủ đầy tuyết trắng kia.

Lão Tử của Trung Hoa, vì khinh bỉ tư cách đê tiện của một số quan lại, nên đã quyết tâm đi ẩn dật. Nếu không có Doãn Hỉ, thì chúng ta đã không có bộ Ðạo Ðức Kinh. Ðây là sự cống hiến lớn lao vào nền văn minh triết của nhân loại.

Điều khôi hài là, những kẻ xem lịch sử như trò đùa đó, thì chính họ lại đóng một vai trò lớn lao trong sự phát triển của lịch sử tư tưởng con người. Chúng ta có thể tưởng tượng như thế này, thế giới sẽ đen tối biết là bao, nếu xưa kia, không có những người dám từ bỏ những thú vui vật dục tầm thường, đi vào rừng sâu, để tìm kiếm một thú vui khác, một thú vui mà chung cục, sẽ không gây tai hại và chết chóc cho bất cứ ai trên đời này.

Dường như, nền văn minh của thế giới hiện tại quá lạnh lùng, lạnh lùng đến độ gần như tàn nhẫn. Có lẽ chính vì thế, mà những con người của thế giới ngày hôm nay, đang khát khao hơn bao giờ hết, một chút thi vị của người Ðông Phương xa xưa.

Không nghi ngờ gì nữa, Tuệ Trung Thượng Sĩ thuộc vào đội ngũ của những người ngoại lệ ấy.

Trong bài Dưỡng Chân (Nuôi dưỡng chân tánh), ông đã từ chối tham dự vào trò chơi của con người trên sân khấu cuộc đời, và chỉ chấp nhận nhập cuộc vào trò chơi lớn lao hơn, trò chơi cùng tạo vật trong vũ trụ.

Suy táp hình hài khởi túc vân

Phi quan lão hạc tỵ kê quần

Thiên thanh vạn thúy mê hương quốc

Hải giác thiên đầu thị dưỡng chân

(Dưỡng Chân)

Hình hài suy yếu đâu phải là chuyện đáng bàn

Cũng không phải chuyện chim hạc lánh đàn gà

Nghìn màu xanh, muôn vẻ thúy tràn ngập làng nước

Góc bể bên trời là nơi nuôi dưỡng chân tánh của ta.

(Ðỗ Văn Hỷ dịch)”

******

V/

Đường về núi cũ chùa xưa

Đá mòn chân bước, nặng vừa trần gian

(Thơ Lan Vo)

Hai trong nhiều chủ đề lớn mà thầy Phước An thường viết về, thứ nhứt, đó là chủ đề Quê Hương, cụ thể là quê hương Việt Nam. Đó là mảnh đất mẹ hiền xác xơ, xác xơ vì bao năm chiến tranh lan tràn khắp chốn. Đó là mảnh đất mẹ hiền, một nắng hai sương, chén cơm đong bằng chén mồ hôi khó nhọc đổ xuống trên ruộng đồng, khổ nghèo như thế mà tình thương mẹ dành cho con, cho cháu, thì luôn tràn đầy ăm ắp.

Thứ hai, đó là sự bày tỏ niềm tin về một ngày mai, về một tương lai của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam; là sự bày tỏ tình cảm và khâm phục những tấm gương bất khuất, trung kiên từng có trong lịch sử nước nhà, sẵn sàng vì lợi ích của dân tộc mà dấn thân, sẵn sàng ngã xuống, không tiếc máu xương cho sự vững bền của quê hương, cho sự trường tồn của Tổ Quốc.

Xin được trích dẫn ra đây một đoạn văn trong tiểu luận Trần Thái Tông và cuộc lên đường tìm kiếm một quê hương vĩnh cửu, mang chủ đề như tôi vừa đề cập ở trên:

Ai hay mây cuốn trời quang tạnh

Hiện rõ bên trời dáng núi cao

(Nguyễn Lang dịch)

Dáng núi cao đó, chính là quê hương vĩnh cửu, là bản lai diện mục mà Trần Thái Tông đã muốn chính mình và mọi sinh linh đau khổ trên trần gian này lên đường trở về.

Nếu cuộc Cách mạng Pháp 1789 ở thế kỷ XVIII đã ảnh hưởng lớn lao trên khắp thế giới về tư tưởng “dân quyền” hay nói một cách khác là “Lấy dân làm gốc”, thì vào thế kỷ XIII tại núi Yên Tử của quê hương, thiền sư Trúc Lâm cũng khuyên nhà lãnh đạo nước Đại Việt đương thời, nên tôn trọng con người, nhưng bằng một phong cách khác, phong cách trầm lặng của nhà tư tưởng Đông phương: “Phàm đã là bậc nhân quân, tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”.

Trần Thái Tông vâng lời thầy xuống núi trở lại, và bắt tay ngay vào việc xây dựng quốc gia. Dù là một Phật tử thuần thành nhưng ông không cực đoan, mà biết rõ những tư tưởng đương thời nên đã dung hòa tất cả với mục đích là đoàn kết dân tộc, khác hẳn với thái độ hẹp hòi của các nho sĩ khi đắc thế thì triệt để bài xích Phật giáo, làm nguy hại cho đất nước, mà lịch sử đã từng chứng minh.”

******

VI/

Đường về núi cũ chùa xưa

Cũng trong một bài viết khác, Theo Quách Tấn, tìm về núi cũ xem mai nở, tôi từng nhận định về thầy Phước An như sau: “Dù chưa gặp người ngoài đời bao giờ, nhưng đọc những bài viết của thầy Phước An, tôi nhận ra, người là một bậc tu hành đáng kính với tâm tánh từ tốn, ấm áp, tĩnh tại.

Đọc văn của người, tôi tuyệt nhiên không thấy những xao động, những vọng động, càng không thấy sự vội vã, sự cuồng si, mê tưởng. Văn của người như mặt nước hồ, trôi nhẹ nhàng trong mùa thu yên ả.

Đọc văn của người, tôi nhận ra, điều gì cần tới, sẽ phải tới, không cách chi cản được. Tới đủ rồi, cần ngưng, khắc phải ngưng, không cách gì đổi khác. Như tụ rồi tan. Như nở rồi tàn.

Như người ta, hữu hạn trăm năm, một kiếp!

Giọng văn của người hiền lành, khiêm cung, nhưng vọng lại là sự lớn lao, sự kỳ vĩ trong nghĩ suy, trong tư tưởng. Như núi cao, tự giấu mình đi bằng cách cho cây, cho cỏ, leo lên, từ ngọn xuống đến chân, cắm rễ cho thiệt sâu, vươn cành nhánh cho thiệt dài, trổ sắc màu cho thiệt xanh, để bốn mùa hiu hiu gió mát, để bốn mùa ngăn nước ngàn tuôn, để bốn mùa mây trời phiêu lãng.”

Kết thúc bài viết về một bậc chân tu, và cũng tài hoa rất mực, tôi có viết tám câu lục bát, lấy nhan đề của cuốn sách, xin được kính tặng thầy.

ĐƯỜNG VỀ NÚI CŨ CHÙA XƯA

(Kính tặng thầy Thích Phước An)

Thiền sư lối trắng mây chiều

Cõi hư thật bước dặt dìu trùng muôn

Núi đồi bát ngát rền chuông

Hồn lên bốn phía hòa buông tiếng đồng

Đông tây hoa nở phiêu bồng

Cô đơn ai bến cỏ hồng sớm trưa

Quê hương còn đó đón đưa

Đường về núi cũ chùa xưa, bóng người.

Sài Gòn 01.10.2024

******

(*) Tựa sách của Hòa Thượng Thích Phước An