Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023

Vô tri trong hoài nhớ và cảm thông (*)

Phan Thị Hà Dương

"Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng" (1)

Có nhiều cách để đọc Kundera. Có nhiều cách để đọc Vô tri. (2)

Vô tri mà tôi đã chờ đợi. Mà tôi đã biết, đã được đọc một số trích đoạn, đã nhìn thấy cây ô liu già khi Ulysse mở mắt nhìn Quê hương trong Cuộc Trở Về.

Vô tri mà tôi đã biết sự ngộ nhận của Cuộc Trở Về Vĩ Đại.

Vô tri mà tôi đã biết sẽ là một trớ trêu toàn vẹn cho nỗi Hoài nhớ.

Vô tri mà khi cầm cuốn sách trên tay một buổi chiều Đinh Lễ, thì tôi hiểu rằng chưa khi nào việc chọn mua một cuốn sách lại làm mình nao nao đến thế, không vì cuốn sách mà vì cuốn sách đã đến tay theo một con đường không trông đợi.

Vậy nên, như nỗi trớ trêu trong tất cả những gì đã đọc Kundera, tôi đã đọc Vô tri trong một niềm hoài nhớ khôn nguôi.

Vậy nên, như sự tàn nhẫn trong tất cả những gì đã đọc Kundera, tôi đã đọc Vô tri trong một sự cảm thông sâu thẳm.

Hoài nhớ về Agnès với mong ước nâng trên tay một nhành lưu ly, như một hồi quang cuối cùng về cái đẹp. (3)

Hoài nhớ về một chiều hè từ Paris trở về căn phòng thời thơ ấu, tôi lặng người gấp cuốn sách để nhìn lên trần nhà, chỉ để nhìn lên trần nhà thôi: "Kỷ niệm là một hình thức của sự lãng quên" như một bàn tay mềm mại đã chạm được vào tận cùng trái tim, để nó trong nhiều giây nhiều phút trở nên run rẩy và câm lặng. (4)

Hoài nhớ về ham muốn cháy bỏng giới hạn tình yêu vào sự vĩnh cửu đằng sau những vần thơ tàn bạo của Jaromil. (5)

Hoài nhớ về một ngày đông Cafe Relais Jussieu, ôi Jussieu, mê mải với Điệu Valse giã từ, và đã giã từ mãi mãi. (6)

Hoài nhớ về sự cảm thông, sự cảm thông đã làm cho Tomas hôn lên những đầu ngón tay của Tereza bởi chính anh cũng thấy đau đớn như thể những đường dây thần kinh từ đầu ngón tay cô cũng chạy thẳng lên óc não anh. (7)

Ignorance (Folio) (French Edition)*

* *

Nhưng tôi sẽ không nhớ về sự ngộ nhận, đã có nhiều người nói về điều đó.

Tôi sẽ không nhớ về những trải nghiệm của Irena trong buổi gặp lại các bạn – buổi gặp mà cô đã đặt cho nó "một tầm quan trọng lớn để biết mình có thể cảm thấy như ở nhà mình, có thể có những người bạn hay không" – khi "cô đã ngu ngốc rọi ánh sáng vào tất cả những gì chia cắt họ".

Tôi sẽ không nhớ về những đường phố Praha với các bảng hiệu tiếng Anh, với hai bàn tay đen trắng bắt tay nhau làm Joseph ghê sợ, một Praha đã khác xưa.

Tôi sẽ không nhớ cảm giác lạc lõng với chính mình của Irena khi khoác lên mình bộ váy của đất nước của cô, một bộ váy mà có lẽ khi xưa cô đã có thể cảm thấy thân thuộc.

Tôi sẽ không nhớ về việc không một ai thèm hỏi Irena, hỏi Joseph xem 20 năm qua họ sống thế nào, không một ai bảo họ "kể đi", như thể cuộc đời của họ đã bị cắt mất 20 năm ấy, hay tệ hơn, như thể họ không còn tồn tại.

Tôi sẽ không nhớ về sự giễu nhại, sự hài hước tàn độc luôn có ở Kundera khi ông tự tạo ra các tình thế nhân sinh để được trải nghiệm những cuộc đời mà một kiếp người duy nhất không cho phép ông trải qua, những trải nghiệm ở đó phát lộ toàn bộ nỗi trớ trêu của tất cả những gì Vĩ đại, của những kỳ vọng, của những hoài nhớ.

Tôi sẽ nhớ khôn nguôi về niềm cảm thông của Kundera với những người xa quê hương như ông. Niềm cảm thông đằng sau tất cả những giễu nhại ấy. Niềm cảm thông càng về cuối sách càng bộc lộ. Và điều đó làm tôi ngạc nhiên xiết bao. Ngạc nhiên không vì Kundera đã có niềm cảm thông đó, mà vì ông đã không che giấu nó.

Không phải là Praha đã chuyển mình làm cho những chàng tốt bụng Thụy Điển như Gustaf bỗng nhiên cảm thấy yêu quý, mà là một Praha "như một dải khăn rộng màu xanh lá cây của những khu phố yên bình, với những phố nhỏ trồng đầy cây, nơi những khu rừng bao quanh, vào lúc hoàng hôn, bí mật lan tỏa mùi hương", đã tình cờ biết bao hiện ra trước mắt Irena vào một buổi chiều lơ đãng. Chính vào lúc này đây, khi không trông đợi tìm lại được Praha trong hoài nhớ của 20 năm trước, thì cô đã thấy lại "hình ảnh mà cô đã lưu giữ như biểu tượng của đất nước đã mất đi của mình". Irena mà bao lâu nay không hẳn muốn trở về dù anh chồng Thụy Điển muốn trở về, Irena đã bao lần hãi hùng với những giấc mơ những người phụ nữ của đất nước cô với cốc bia trên tay chạy về phía cô và cô vùng lên để thoát khỏi, "đột nhiên hiểu ra rằng mình yêu thành phố này đến thế nào và sự ra đi của cô hẳn là đã phải đau đớn tới mức nào".

Không còn là một Joseph lạnh lùng xé vụn cuốn nhật ký kỷ niệm, ném vào sọt rác những cuốn sách minh họa mà bố anh và anh trai anh đã giữ gìn suốt những năm anh lưu lạc, một Joseph trong ngày gặp lại chỉ ong ong trong đầu ý nghĩ đòi lại bức tranh, một Joseph đã không vội vã trở về quê hương sau khi bức tường chiến tranh lạnh đổ sụp; mà là một Joseph hạnh phúc khi được nói tiếng Czech "như thể một cơn gió mềm mại, ấm nóng, mạnh mẽ đã dùng hai cánh tay của mình nâng anh lên", một Joseph băn khoăn "Liệu còn có ai yêu đất nước này hay không? Liệu rằng sẽ có ai còn sẵn sàng chết vì nó hay không?", khiến cho bạn anh phải xúc động thốt lên "Làm sao anh có thể ra nước ngoài được nhỉ? Anh là một người yêu nước".

Và ngay cả khi cuộc làm tình say mê ngây ngất và trọn vẹn của Irena và Joseph kết thúc trong bẽ bàng và hờn tủi (cũng bẽ bàng hệt như sau cuộc làm tình ở "Chơi trò xin đi nhờ xe" hay "Edouard và Chúa": cô gái rơi vào cảm giác nặng trĩu còn người đàn ông thì nhẹ bỗng) thì ở đó – trái ngược với những câu chuyện khác – không có một sự giễu nhại nào, sẽ còn đọng lại sự dịu dàng thân ái khôn nguôi của Joseph, sự cảm nhận "một người chị em gái giữa đám đông những kẻ xa lạ dày đặc trên hành tinh này".

Hơn khi nào hết, tôi nhìn thấy sự cảm thông của Kundera với những người như Irena, như Joseph. Những người đã không vội vã trở về đất nước, những người đã không vồn vã với những nơi chốn kỷ niệm của mình, những người đã không biết quỳ xuống hôn lên mảnh đất quê hương như Ulysse sau hai mươi năm lưu lạc.

Những người, có lẽ để trọn vẹn yêu đất nước của mình như mình đã yêu hai mươi năm trước, đã quyết định rời xa nó, đã quyết định chỉ để nó sống trong lòng mình, trong một nơi sâu thẳm nhất của lòng mình, đã quyết định không khơi lại những hình ảnh xa xưa nay không còn nguyên vẹn.

Để khỏi làm đau niềm hoài nhớ khôn nguôi của mình.

(6/5/2010)

----------

Ghi chú

(*) Chữ "cảm thông" tôi dùng theo nghĩa như trong Đời nhẹ khôn kham, ghi chú mục (7) .

(1) Màu thời gian – Đoàn Phú Tứ.

(2) Vô tri – M. Kundera. Cao Việt Dũng dịch.

(3) Sự bất tử –M. Kundera. Ngân Xuyên dịch.

"Ô tô rú còi inh ỏi và tiếng người tức giận la hét. Trong một khung cảnh như thế Agnès đã có lần mơ ước mua một cành hoa lưu ly, chỉ một cành hoa lưu ly thôi: nàng mơ ước được cầm nó giơ lên trước mặt như hồi quang cuối cùng còn thấy được của cái đẹp." (Câu cuối cùng của Sự bất tử).

(4) Những di chúc bị phản bội – Tiểu luận M. Kundera. Nguyên Ngọc dịch.

"Khi ta nghiên cứu, bàn luận, phân tích một hiện thực, ta phân tích nó đúng như nó hiện lên trong trí óc ta, trong ký ức của ta. Ta chỉ biết hiện thực ở thì quá khứ. Ta không biết nó đúng như nó đang ở trong khoảnh khắc hiện tại, trong khoảnh khắc nó đang trôi qua, nó đang hiện tồn. Mà khoảnh khắc hiện tại không giống với quá khứ. Kỷ niệm là một hình thức của sự quên."

(5) Cuộc sống không ở đây – M. Kundera. Cao Việt Dũng dịch.

"Bài thơ của cậu đầy những nét xấu xa của chủ nghĩa tự nhiên; Jaromil không quên cả những chiếc răng vàng, cả mủ ở khóe mắt, cả cái bụng nhẽo nhợt; nhưng đằng sau sự tàn bạo của những chi tiết này, có một ham muốn cháy bỏng giới hạn tình yêu vào sự vĩnh cửu, vào sự không thể phá bỏ, vào những gì có thể thay thế vòng tay người mẹ, vào những gì không được đặt cạnh nhau lúc đó, vào những gì là cái trung tâm không là gì ngoài trung tâm, vào những gì có thể vượt qua quyền lực của cơ thể; cái cơ thể ngồn ngột có vũ trụ trải ra trước cậu như một lãnh địa hoang vắng nơi cư ngụ của sư tử". (Trích mục 22 Phần 3 - Nhà thơ thủ dâm). [Đây là đoạn văn đẹp nhất của cuốn sách này. Có điều đã bị hiểu nhầm].

(6) Điệu Valse giã từ – M. Kundera. Cao Việt Dũng dịch. (Muốn chép lại một đoạn thật đẹp mà không còn nữa).

(7) Đời nhẹ khôn kham – M. Kundera. Trịnh Y Thư dịch.

"Ở những ngôn ngữ kết hợp từ "lòng trắc ẩn" bằng từ gốc có nghĩa là "cảm xúc", "lòng trắc ẩn" được dùng gần như tương tự nhưng lại nhất quyết cho rằng thứ tình cảm thấp kém thường rất khó xảy ra. Sức mạnh bí ẩn trong ngữ nguyên soi sáng từ ngữ với ý nghĩa rộng lớn hơn: có lòng trắc ẩn (có chung một cảm xúc) nghĩa là: không những có thể sống với nỗi bất hạnh của người khác mà còn cảm thông được tất cả cảm xúc của người đó – vui sướng, lo lắng, hạnh phúc, đớn đau. Do đó lòng trắc ẩn này (với ý nghĩa nơi những từ ngữ soucit, wspólczucie, Migehuhl, medkansla) bao hàm khả năng cực đại của trí tưởng tượng về tình yêu, nghệ thuật của thần giao cách cảm. Trong đẳng cấp tình cảm, nó đứng ở vị trí tối cao."

(9) Tất cả các câu còn lại trong ngoặc kép là dùng từ hoặc chép câu trong Vô tri.