Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

Nguyễn Thị Hoàng và vấn đề sáng tạo

 Liễu Trương

image

Trong những năm 1970, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã có dịp lên tiếng với độc giả ít nhất hai lần: lần đầu qua buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, năm 1971 (1), lần thứ hai qua cuộc phỏng vấn của tạp chí Văn, năm 1973 (2).

Qua hai lần nói chuyện trên đây, Nguyễn Thị Hoàng đã bàn đến những vấn đề liên quan đến người phụ nữ cầm bút. Nhưng người phụ nữ cầm bút cũng là người mẹ trong gia đình. Cho nên qua bài phỏng vấn của tạp chí Văn có hai Nguyễn Thị Hoàng: một Nguyễn Thị Hoàng nhà văn và một Nguyễn Thị Hoàng mẹ trong gia đình. Trong mục đích tìm hiểu một nhà văn nữ, thời miền Nam, chúng ta để qua một bên nhân vật người mẹ và tập trung sự chú ý vào nhân vật nhà văn.

Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11 tháng 12 năm 1939 ở Huế, học  trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Thành Nội Huế, trường trung học Đồng Khánh, rồi từ năm 1957 học trường trung học Võ Tánh ở Nha Trang. Sau đó Nguyễn Thị Hoàng vào Sài Gòn học Văn khoa và Luật khoa, bỏ dở việc học, dạy học, đi làm, rồi bỏ dở việc làm, sống một cuộc đời tự do với nhiều khó khăn, và chính trong cuộc sống tự do này bà đã bắt đầu cầm bút. Năm 25 tuổi bà khởi đầu viết văn, cuốn Vòng Tay Học Trò mà bà cho là một cuốn truyện tình cờ, được đăng trên tạp chí Bách Khoa, năm 1965, đã gây nhiều tranh cãi, sóng gió.

Từ năm 1963, Nguyễn Thị Hoàng đã viết cho các báo Bách Khoa, Văn, Khởi Hành, Đồng Nai, Công Luận, Tin Sớm, Gió Nam, Tin Sống, Gào Thét.

Năm 1967, bà chủ trương nhà xuất bản Hoàng Đông Phương.

 

I Từ thơ đến truyện

Nguyễn Thị Hoàng là một người đa cảm, nên đã chọn thể loại thơ rất sớm để nói lên những xúc cảm của mình. Bà làm thơ từ năm 12 tuổi. Nhiều người còn nhớ bài thơ nổi tiếng Chi lạ rứa của Nguyễn Thị Hoàng. Một số bài thơ của bà được đăng trên Bách Khoa từ năm 1960, và trên tạp chí Văn từ năm 1963. Vào thời đó, bà đã có hai tập thơ xuất bản. Nguyễn Thị Hoàng quan niệm thơ như thế nào? Bà tuyên bố trên tạp chí Văn:

Tôi vẫn nghĩ thơ là phần tràn ngập của những xúc động tâm hồn. Tâm hồn có tuổi tác, có sống thực bằng đau khổ và hoan lạc thực, thì xúc động mới chín muồi và chất tràn ngập là thơ kia mới có giá trị thực. Thơ chỉ là hương thơm của những ngày tháng đẹp qua rồi, hãy cứ cho hương bay đi và tàn phai. Có đáng gì đâu mà cho in và lưu lại về sau?

Nói như thế có nghĩa là sau này mới có đủ điều kiện để làm thơ. Nhưng không thể phản phúc thơ bằng cách chìm lắng, mơ màng theo thơ bên cạnh một đời sống thực ngập tràn lo âu, băn khoăn, phấn đấu không ngừng nghỉ. Hãy để cho thơ chỉ còn là tiếng câm, những lúc nào đó, nói thầm với chính mình. Đôi khi tôi vẫn nghĩ, chính chất thơ thuở trước trong hồn còn vương vất đã làm cho tiểu thuyết của tôi, đúng hơn là những nhân vật, đối thoại hay khung cảnh trong tiểu thuyết tôi nhuốm tính chất không thực, xa vời, tìm đẹp hay không. (Tạp chí Văn, 16-7-1973, tr. 2)

Tóm lại, trước một cuộc sống khó khăn luôn luôn phải phấn đấu, thơ được cất giữ đâu đó nhưng vẫn ảnh hưởng đến cách viết tiểu thuyết của tác giả.

Vậy từ thơ Nguyễn Thị Hoàng đã bước qua thể loại truyện. Năm 1973, bà cho biết đã viết trên 30 cuốn truyện dài, nhưng chỉ mới xuất bản 23 cuốn. Về truyện ngắn có gần 40 truyện đã in, và 20 truyện còn ở dạng bản thảo.

Để có cái nhìn toàn diện về những sáng tác của Nguyễn Thị Hoàng từ đầu đến năm 1974, cuối thời miền Nam, xin liệt kê sau đây những tác phẩm của bà với tên nhà xuất bản:

Truyện dài:

Vòng Tay Học Trò (Kim Anh, 1966)

Tuổi Sài Gòn (Kim Anh, 1967)

Ngày Qua Bóng Tối (Văn, 1967)

Vào Nơi Gió Cát (Hoàng Đông Phương, 1967)

Về Trong Sương Mù (Thái Phương, 1968)

Một Ngày Rồi Thôi (Hoàng Đông Phương, 1969)

Cho Đến Khi Chiều Xuống (Gió, 1969)

Đất Hứa (Hoàng Đông Phương 1969)

Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về (Sống Mới, 1969)

Vực Nước Mắt (Gió, 1969)

Vết Sương Trên Ghế Đá Hồng (Hoàng Đông Phương, 1970)

Tiếng Hát Lên Trời (Xuân Hương, 1970)

Trời Xanh Trên Mái Cao (Tân Văn, 1970)

Bóng Người Thiên Thu (Hoàng Đông Phương, 1971)

Bóng Tối Cuối Cùng (Giao Điểm, 1971)

Tình Yêu, Địa Ngục (Nguyễn Đình Vượng, 1971)

Định Mệnh Còn Gõ Cửa (Đồng Nai, 1972)

Bây Giờ Và Mãi Mãi (Đời Mới, 1972)

Năm Tháng Đìu Hiu (Đời Mới, 1973)

Trời Xanh Không Còn Nữa (Đời Mới, 1973)

Tuần Trăng Mật Màu Xanh (Đồng Nai, 1973)

Buồn Như Đời Người (Đời Mới, 1974)

Chút Tình Xin Lãng Quên (Trương Vĩnh Ký, 1974)

Cuộc Tình Trong Ngục Thất (Nguyễn Đình Vượng, 1974)

Truyện ngắn:

Trên Thiên Đường Ký Ức (Hoàng Đông Phương, 1967)

Mảnh Trời Cuối Cùng (Hoàng Đông Phương, 1968)

Cho Những Mùa Xuân Phai (Văn Uyển, 1968)

Dưới Vầng Hoa Trắng (Sống Mới,?)

Bóng Lá Hồn Hoa (Văn, 1973)

Thơ:

Sầu Riêng (1960)

Kiếp Đam Mê (1961)

Với một số lượng tác phẩm như thế và một kinh nghiệm viết chất chứa trong khoảng 10 năm, Nguyễn Thị Hoàng đã có những quan niệm, những nhận xét, mong muốn về vấn đề sáng tác, phê bình, cũng như về những sinh hoạt văn hóa trong xã hội.

II Truyện nảy sinh và được xây dựng như thế nào?

Nguyễn Thị Hoàng quan niệm tác phẩm phản ánh một phần đời sống và tâm hồn mình. Bà cho rằng tác phẩm của bà không do một động lực nào từ bên ngoài xã hội, hoặc do ảnh hưởng của văn chương nước ngoài. Chính cuộc sống tự do với nhiều khó khăn, và những cơ hội được đi đây đi đó đã ảnh hưởng đến việc sáng tạo của bà.

Truyện nẩy mầm bằng một ý tưởng mà tác giả nuôi nấng cho nó lớn dần, cho đến khi nó có đủ hình hài thành một truyện ở vào cái thế không viết không được. Cái ý tưởng khởi điểm, làm mầm mống cho truyện, nó quan trọng hơn bề dày của cuốn truyện. Vậy khi truyện đã chín muồi thì tác giả có ý muốn thực hiện ngay. Tác giả viết như lên cơn xuất thần:

Đã ngồi lại viết, ý tưởng kia nhập vào xác hồn mình, ngồi như một người bị đồng nhập, không còn hay biết đến xung quanh, bất chấp cả mọi tiếng ồn ào và sinh hoạt khác, cứ đánh máy triền miên không ngưng nghỉ, vội vã, cuống quít, không kể cả những lỗi sai khi đánh máy, miễn là trút ra được những gì căng đầy trong trí, cùng lúc, cho thật nhiều, thật nhanh. Càng nhiều, càng nhanh, càng kịp tốc độ ý nghĩ càng tốt. Tôi như mê đi khi viết nên không nhận ra mình đang viết đang nghĩ gì. Chỉ khi đọc lại sách đã in, cảm tưởng như đọc của một người nào khác. Tôi chỉ đọc lại khi đã in, và đánh máy xong, không đủ thì giờ xem lại một đoạn hay một tác phẩm toàn thể, mà phải đưa ngay cho nhà in rồi. Cho nên mỗi lần đọc lại một truyện mới in là kinh hoảng vô cùng. Kinh hoảng vì mình đã làm việc với tốc độ dữ dội, và vì vậy bừa bãi quá, mà kết quả lại bất ngờ… Nghĩa là kỳ tới sẽ viết kỹ lưỡng hơn, nhưng giờ giấc và công việc hàng ngày cứ lôi cuốn theo dòng không đổi. Cho nên một thì giờ rảnh rỗi đủ để viết một truyện theo cách cuộc và nguyên tắc mong muốn không bao giờ có. Đành chấp nhận hủy bỏ tất cả mọi nguyên tắc. Và rồi thành thói quen… (Buổi nói chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Bộ mới, số 5, 15-7-1971, tr. 61)

Nguyễn Thị Hoàng quan niệm khung cảnh và nhân vật là nền tảng của “sân khấu”. Phần chính yếu là cái ý tưởng làm nên tia sáng chiếu rọi sân khấu; tuy nhiên tác giả cho rằng người ta thường thấy sân khấu và ít nhận ra cái tia sáng.

III  Cách thức viết truyện

Về truyện dài thì bất cứ nơi nào, lúc nào Nguyễn Thị Hoàng cũng viết được. Bà có thể bỏ dở một thời gian ngắn hay dài, khi viết tiếp không cần đọc lại từ đầu.

Về truyện ngắn, lối làm việc khác hẳn. Tác giả phải viết một mạch cho xong truyện. Sau đó cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái hơn là đã xong một truyện dài. Bởi truyện ngắn xong là xong. Còn truyện dài, xong nhưng không bao giờ xong, là vì chưa nói hết được những điều quanh chủ đề đã lựa chọn, bắt gặp. Nếu bỏ dở nửa chừng, truyện ngắn sẽ bị vứt luôn không bao giờ tiếp nối. Phải như một chiêm bao song suốt, ngắt quãng không thể mơ lại những bóng hình đẹp đã mất rồi. (Văn, tr. 5).

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng thường làm việc trong hối hả, tất bật. Bà đánh máy thật nhanh, có khi không kịp đánh dấu. Mỗi ngày đánh từ 20 đến 30 trang, ném ra bừa bãi cho đến khi xong một truyện. Đôi khi 3, 4 bản thảo xong cùng một lúc, vì viết 3, 4 truyện cùng một lúc, sắp lại thứ tự mỗi bản thảo, sửa dấu. Rồi giao ngay cho nhà xuất bản. Bà kể: Không kịp nhìn lại để phân đoạn, cắt xén, thêm bớt bất cứ chỗ nào, thì làm sao có thể sửa ý và lời, nhận định lại dù chỉ một lần những gì vừa viết để có thể đổi thay… Cứ như thế, truyện này rồi đến truyện khác, lúc nào cũng tới tấp, hối hả, quay cuồng… (Văn, tr. 6)

Đương nhiên lối làm việc như thế không những không phải là lý tưởng mà còn nguy hiểm cho tiếng tăm của tác giả. Qua cách làm việc của Nguyễn Thị Hoàng yếu tố thời gian quá hiếm hoi, thiếu thời gian là một bất lợi. Sự việc này không chỉ xảy ra với nhà văn Nguyễn Thị Hoàng mà còn với những nhà văn khác.

Lý do là độc giả miền Nam có nhu cầu đọc sách, đọc truyện, rất lớn, cho nên các nhà văn thường xuyên bị các báo, các nhà xuất bản thôi thúc không ngừng. Do đó họ phải tích cực làm việc để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Điều này chứng tỏ trình độ văn hóa của người dân miền Nam đáng được lưu ý và đánh giá một cách thiết thực. Những độc giả nghèo thì đành lui tới những tiệm cho thuê sách.

Nguyễn Thị Hoàng ý thức mình làm việc trong một tình trạng hối hả, cấp bách. Trong buổi nói chuyện với sinh viên, năm 1971, bà khiêm nhường nhận xét rằng bà chưa viết được gì cả, rằng lối viết của bà quá bừa bãi, vội vàng, chưa có cuốn truyện nào hoàn toàn đầy đủ trước khi đăng báo hay đem in. Tuy nhiên bà nói nhờ thế được nóng bỏng, nguyên vẹn cảm xúc, ý tưởng. Bà cũng nhìn nhận không thể làm việc có tổ chức theo nguyên tắc về giờ giấc, trong tâm trạng tùy hứng như các nhà văn lão thành. Bà ý thức về khuyết điểm đó, nhưng là một thói quen khó thay đổi.

Ngày nay trong cảnh thanh bình, nhà văn tha hồ sáng tác có phương pháp, có thứ tự, trong một thời gian thư thái. Ngược lại trong hoàn cảnh chiến tranh thời đó, vấn đề an ninh, vấn đề mưu sinh khiến nhà văn bị rơi vào một tình trạng bấp bênh, một mình phải chống chọi với bao khó khăn.

IV Nhận xét về tác phẩm của mình và cảm nghĩ về giới phê bình

Vào những năm 1970, mặc dù là một nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Thị Hoàng sáng suốt nhận thấy những tác phẩm của mình chưa đạt đến đích, chúng chỉ đang trong tình trạng dò dẫm, chưa đến cái mức mong ước, chưa phải lúc được đưa vào văn học sử. Tóm lại, tác phẩm của bà đang trên đường xây dựng.

Mong ước của bà về sáng tác trong tương lai là Dẹp bỏ những cuốn tiểu thuyết tình cảm bình thường kia đi, đi nhiều, ghi nhận, cảm xúc nhiều, và dựng những bộ trường thiên. Phải định hướng lại tất cả. (Văn, tr. 8)

Năm 1972, tạp chí Văn tổ chức một cuộc Hội thảo bàn tròn giữa 8 nhà văn thuộc nam giới: Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nhật Duật, Mặc Đỗ, Viên Linh, Dương Nghiễm Mậu và Nguyễn Đình Toàn, về chủ đề: Chỗ đứng của các nhà văn nữ Việt Nam hiện đại và Đặc tính trong thế giới tiểu thuyết của họ. Nội dung cuộc Hội thảo được đăng trên tạp chí Văn, số 206.

Chỉ xin nhắc lại nơi đây ý kiến của một vài nhà văn liên quan đến nhà văn Nguyễn Thị Hoàng.

Mai Thảo mở đầu cuộc Hội thảo, tiếp theo vài nhà văn góp ý kiến, rồi đến Nguyễn Nhật Duật bắt đầu tấn công:

Ảnh hưởng rơi rớt mơ hồ của nền văn chương hiện sinh cũ, trước và sau 62 đã đóng góp vào sự thành hình tác phẩm của các nhà văn nữ này. Theo tôi, có lẽ là Nguyễn Thị Hoàng với cuốn Vòng Tay Học Trò đã diễn tả được thứ tình cảm đó. Tác phẩm của họ khi ra đời đã được chiều chuộng, và hình như sự chiều chuộng này đã lôi kéo theo sự có mặt của những nhà văn nữ khác. Nhưng người đọc đã thấy được gì trong sách của những nhà văn này? Những nội dung táo bạo không phải là tự do mà là sự buông thả. Kẻ nào dám sống với kinh nghiệm đời sống, họ sẽ là nhà văn. (…) Đề tài mà họ đụng chạm đến không khác những đề tài mà các nhà văn nam sử dụng. Đó chỉ là sản phẩm tất yếu của xã hội. Bởi vì không có Nguyễn Thị Hoàng này sẽ có một Nguyễn Thị Hoàng khác.

Mặc Đỗ nâng cao mức độ của cuộc thảo luận:

Tại sao chúng ta không nghĩ rằng còn có một yếu tố khác nữa làm thành tác phẩm của các nhà văn nữ: lòng yêu văn chương của họ?

Nguyễn Nhật Duật trả lời:

Có lẽ nên nói cho rõ rằng hoàn cảnh là cơ hội tốt đẹp làm nẩy sinh ra nền văn chương buông thả. Và công thức sẽ là Hoàn cảnh + Sự ham mê văn chương thành văn chương.

Nguyễn Nhật Duật cho rằng văn chương nữ phái bây giờ (…) gần được hiểu như là một chuyển đoạn, một trở thành, chứ không là một thành tựu.

Mai Thảo có cái nhìn bao quát hơn, thông cảm và ôn hòa hơn:

Khả năng văn chương nữ bây giờ cho phép họ đề cập đến tất cả mọi vấn đề. Có điều bất cứ cuộc giải thoát nào trước hết là một giải thoát thân xác, nhất là cho đàn bà. Rồi họ sẽ đề cập đến những chủ đề khác. Nhưng bây giờ họ đang nói đến thân xác, dù không phải nói như một người vô luân. Thân xác là chủ đề lớn nhất hiện nay. (Văn, số 206, tr. 9)

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng nghĩ gì về những lời tuyên bố đó, đặc biệt về những phê phán gắt gao của Nguyễn Nhật Duật?

Trong cuộc phỏng vấn của Văn, năm 1973, Nguyễn Thị Hoàng nói: Riêng tôi, nếu cho là tác phẩm của tôi táo bạo, này nọ… thì chỉ là một ấn tượng của nhà phê bình, phát xuất từ nhận định khi đọc cuốn Vòng Tay Học Trò. Bởi, nếu một nhà phê bình muốn là nhà phê bình thực sự chịu đọc (đọc qua thôi, không cần phải kỹ) những tác phẩm của tôi sau Vòng Tay Học Trò, sẽ không tìm thấy thoáng bóng dáng nào của vấn đề tình dục. Ý kiến trên cũng là ấn tượng chung khi đọc các nhà văn nữ, và riêng tôi thì Vòng Tay Học Trò, nhận định đã không được phối kiểm lại bằng theo dõi đầy đủ các tác phẩm khác (…) Thế nào cũng được chỉ mong sẽ có những nhà phê bình muốn làm việc phê bình cẩn thận và đúng mức.

Đối với giới phê bình, Nguyễn Thị Hoàng có một lập trường rất rõ ràng. Chẳng những bà không tin tưởng vào công việc của các nhà phê bình thời đó mà bà còn có một thái độ chỉ trích. Trong buổi nói chuyện với sinh viên năm 1971, bà phân biệt bốn hạng người phê bình: hạng người phê bình “già trầu” nhìn tác phẩm với những kiến thức, thành khiến xưa cũ, hạng người phê bình theo lập trường đảng phái hay chính trị, hạ bệ một tác giả vì tác giả theo đối phương, hạng người phê bình theo tinh thần đồng đội, khen chê một tác phẩm tùy theo tác phẩm có ở trong băng nhóm của mình hay không, và cuối cùng hạng người phê bình ba phải miễn có được chút tiền.

Tóm lại, Nguyễn Thị Hoàng bi quan và cho rằng không thấy ở xứ ta, vào thời đó, một lối phê bình đúng nghĩa.

V  Những yếu tố ảnh hưởng đến sáng tạo văn chương

Nguyễn Thị Hoàng có một thái độ tiêu cực đối với văn chương dịch, bà cảm thấy hiện tượng sách dịch như một đe dọa cho văn chương  nước nhà, khiến bà lo âu. Trước một số lượng sách dịch quá lớn, bà khảng khái lên tiếng bênh vực văn phẩm của các nhà văn thuộc mọi thế hệ, bà muốn bảo tồn văn hóa nước nhà. Nguyễn Thị Hoàng nói: Việc “nhập cảng văn chương” ồn ào, sôi nổi, đe dọa sinh hoạt văn chương trong nước. Hiện tượng sách dịch sẽ để lại dấu vết trong đời sống của những người đã chấp nhận nó.

Theo Nguyễn Thị Hoàng, có thể chấn chỉnh tình trạng này: phía độc giả, cần ý thức sách dịch không đem cái lợi cho văn hóa nước nhà mà còn hủy hoại giá trị sáng tạo của những nhà văn tên tuổi cũng như những nhà văn trẻ muốn tham dự và khởi nghiệp. Về phần các nhà xuất bản thì nên nghĩ đến văn hóa nước nhà bằng cách bớt mưu lợi về sách dịch.

Ở đây, cũng cần trở lại với vai trò của độc giả để hiểu rõ hiện tượng sách dịch. Vào thời đó, độc giả miền Nam đã trưởng thành, đọc sách dịch là do khao khát được biết cái mới, cái lạ của văn hóa Tây phương, là cơ hội để làm giàu thêm cái vốn tri thức của mình, và là cơ hội khám phá cái thế giới mênh mông bên ngoài. Vấn đề là cần ưu đãi sách trong nước, như Nguyễn Thị Hoàng mong muốn.

Trái với sách dịch, Nguyễn Thị Hoàng có một thái độ hứng khởi đối với phim ảnh, bà cho rằng nghệ thuật này có thể thuận lợi cho nguồn hứng của nhà văn. Những hình ảnh, nội dung của phim có thể là khởi điểm cho một cốt truyện. Bà bị nghệ thuật điện ảnh cuốn hút, và cho biết khi viết một số truyện, bà cũng nghĩ đến trường hợp quay thành phim những truyện đó, cho nên tình tiết, câu chuyện tương đối khớp với điện ảnh như các truyện: Tiếng hát lên trời, Tình yêu, Địa ngục, Định mệnh còn gõ cửa. Khi viết bà cũng nghĩ đến khuôn mặt của diễn viên nào thích hợp với nhân vật của truyện.

Việc sáng tạo của nhà văn tràn qua lĩnh vực điện ảnh là một điều rất bình thường; trong văn học Pháp có trường hợp của hai nhà văn Marguerite Duras và Alain Robbe–Grillet rất điển hình, từ văn chương họ bước qua điện ảnh. Văn chương và Điện ảnh là hai nghệ thuật rất gần nhau, mặc dù một bên dùng ngôn ngữ một bên dùng hình ảnh, màu sắc để kể truyện.

Vào thời văn học miền Nam, phong cách của Nguyễn Thị Hoàng nói lên bước tiến của người phụ nữ cầm bút đối diện với nhiều vấn đề của thời đại. Người phụ nữ cầm bút tự do, thẳng thắn phát biểu lập trường của mình về những vấn đề liên quan đến văn học; đồng thời sáng suốt nhìn nhận những thực hiện của mình chưa đi đến đâu. Sự không hài lòng này là một động lực thúc đẩy Nguyễn Thị Hoàng vươn cao hơn trong việc sáng tạo nghệ thuật, bất chấp những khó khăn, những phê phán thuận nghịch từ bên ngoài.

Ghi chú:

· (1) Buổi nói chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, bộ mới, số 5, 15-07-1971.

· (2) Tạp chí Văn, phát hành ngày 16-07-1973.