Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

Ukraine: Khi nghệ sĩ toàn lực ra trận

Phan Tấn Hải

Sức mạnh nào đã thúc đẩy toàn dân Ukraine cùng ra trận chống quân Nga? Hẳn phải là hồn nước, một cái gì không thấy được, nhưng nối kết được toàn dân cùng nhau một lòng ra trận. Có thể định nghĩa rằng hồn nước là cái gì làm cho dân tộc Ukraine khác biệt với Nga, để toàn dân Ukraine thấy rằng hễ trận này mà thua, là những bản sắc truyền thống sẽ bị xóa sổ. Cũng y hệt như trong những ngày cuối năm 1788, trước khi đưa binh lực Tây Sơn ra Bắc để đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và viết hịch triệu mời toàn dân, toàn quân cùng ra trận để gìn giữ những gì rất là Việt Nam: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…” Phải có một cái gì rất là trân quý Việt Nam, mới đưa toàn dân ra trận được. Tương tự, Ukraine cũng như thế, cũng có một hồn nước Ukraine để kết chặt toàn dân thành một tuyến phòng thủ, nơi những người bình thường sẵn sàng bước ra giữa mưa đạn.

Đứng về chính trị, chúng ta thấy Ukraine cũng gần gần như Nga. Kiểu như chính trị Việt Nam cũng gần gần như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn về văn hóa, về ngôn ngữ, về nghệ thuật... Ukraine rất khác biệt với Nga. Kiểu như Việt Nam rất khác biệt với các nước khác về văn hóa, ngôn ngữ, nghệ thuật... Chính những cái lãng đãng, rất mơ hồ, rất khó thấy đó... mới dựng lập thành một hồn nước, hồn dân tộc. Hồn nước Việt Nam là mối tình Mẹ Tiên và Vua Rồng, là Vua Hùng, là ca dao, là Trần Nhân Tông, là Nguyễn Du, là Bùi Giáng, là dân ca quan họ phía Bắc, là vọng cổ cải lương phía Nam...

Tương tự, hồn nước Ukraine là những gì rất độc đáo không tìm được nơi khác, như đàn dây bandura là riêng của Ukraine. Hay như ngôn ngữ Ukraine đã bị cấm dạy ở trường từ thời Đế quốc Nga rồi cả thời Liên Xô, chỉ chính thức được dạy ở Ukraine từ năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã. Về đại học, Ukraine đi trước Nga tới hai thế kỷ. Đại học đầu tiên ở Ukraine là Ostrog Academy, cũng là đại học đầu tiên ở Đông Âu, do Hoàng tử Konstantin-Vasily của Ostrog thành lập năm 1576 (trong khi đó, Đại học đầu tiên ở Nga là Saint Petersburg Academy of Sciences do Đại đế Peter thành lập năm 1724).

Tương tự Thiên chúa giáo đã vào Ukraine từ nhiều thế kỷ trước khi vào Nga. Thánh Clement I, cũng là Giáo hoàng các năm 88-97, là người bị lưu đày tới Crimea (vùng đất Ukraine bị quân Nga chiếm năm 2014) trong thế kỷ thứ nhất. Người ta tin rằng Thánh Clement I đã tử vì đạo ở Chersonese Taurica ở Crimea. Thánh tích nổi tiếng của ông đã được đưa đến Rome vào năm 867-8 bởi Saint Cyril và Saint Methodius và được gửi vào Vương cung thánh đường Saint Clement. Trong khi đó, Thiên chúa giáo vào Nga từ thế kỷ thứ 10 sau khi Đại đế Nga Vladimir rửa tội từ năm 988.

Văn hóa có truyền thống xưa cổ như thế, do vậy đã hình thành một bản sắc rất Ukraine ăn sâu vào máu huyết của người dân Ukraine. Tất cả những độc đáo về văn hóa đó đã nối kết người Ukraine, đã phân biệt xa lìa văn hóa Nga, và trở thành một trường thành để chống lại cuộc chiến xâm lược của Putin. Sức chiến đấu của Ukraine đối với cuộc xâm lược của Nga trong năm 2022 đã truyền cảm hứng cho nhiều ngành nghệ thuật Ukraine. Khi chiến tranh bùng nổ, Tổng Thống Volodymyr Zelensky ký lệnh tổng động viên và cấm xuất ngoại tất cả nam giới từ 18 tới 60 tuổi. Và cuộc kháng chiến đã mở ra trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, như thơ, truyện, âm nhạc, hội họa... nêu bật những cách mà người Ukraine học và khám phá ý thức về độc lập quốc gia, và những bản sắc văn hóa độc đáo.

Như trường hợp nữ họa sĩ Marta Koshulinska. Sinh tại Lviv, miền Tây Ukraine, nữ họa sĩ này trước giờ chuyên về trình bày sách thiếu nhi, trong đó có nhiều truyện cổ tích bằng tranh chi thiếu nhi. Chị không biết phải làm gì cho cuộc chiến vì tâm hồn chị tràn ngập những nét vẽ cho thiếu nhi. Do vậy, tranh mới của Marta Koshulinska sau khi cuộc chiến bùng nổ là những hình ảnh về trẻ em. Trong một tranh, Koshulinska cho thấy một bà mẹ dẫn đứa con trai di tản trên xe lửa, cùng với con mèo nằm trong lồng, và hai mẹ con đưa tay chào từ biệt người cha, người sẽ ở lại trong tuyến phòng thủ Ukraine. Trong một tranh khác, Koshulinska vẽ một bé gái nét mặt rất buồn, đang ngồi bên các va-li chờ ở trạm xe lửa, vai mang ba lô trong khi một búp bê để rơi trên đất. Nét vẽ của Koshulinska là những dòng nước mắt lặng lẽ của dân tộc Ukraine.

01 tranh cua Marta Koshulinska

Đề tài tranh vẽ của nữ họa sĩ Marta Koshulinska là trẻ em và phụ nữ trong cuộc chiến, là nước mắt tan tác.

Trường hợp của họa sĩ LBWS lại khác hẳn, vì mang hình thức tranh cổ động vẽ trên tường, đầy tính chiến đấu. Đề tài được họa sĩ LBWS ưa chuộng là hình ảnh con mèo chiến đấu: Những con mèo yêu nước xuất hiện trên các bức tường ở nhiều khu vực khác nhau của thành phố Odesa. Họa sĩ LBWS khi vẽ mèo lên vách các tòa nhà ở Odesa đã vẽ thêm những dòng chữ khẩu hiệu, như “Cùng nhau chúng ta sẽ chiến thắng,” hay “Vinh quang cho các anh hùng” và vân vân. Tổng cộng, họa sĩ LBWS đã vẽ khoảng 60 con mèo trên khắp các tường phố Odesa. Mục tiêu chính của loạt tranh tường về mèo là nâng cao tinh thần của toàn dân. LBWS chọn vẽ mèo vì mèo là biểu tượng linh vật không chính thức của thành phố Odesa.

02 tranh meo from LSBW from Ukraine

Đề tài tranh vẽ lên tường thành phố Odesa của họa sĩ LBWS là mèo tác chiến đứng bên các khẩu hiệu.

Trường hợp họa sĩ Kinder Album chọn đề tài nhiều đau đớn hơn: thân phận đàn bà Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. Kinder Album không phải tên thật, và chị cũng không xuất hiện trước đám đông. Tiểu sử đơn giản của chị cho biết Kinder Album là họa sĩ đến từ Lviv. Cô sinh năm 1982. Hoạt động trong các thể loại hội họa, đồ họa, nhiếp ảnh, sắp đặt, nghệ thuật đường phố và nghệ thuật video. Một số tác phẩm của chị đã được trưng bày tại London, Praha, Paris, Lublin, Copenhagen, v.v. Hiện tại, họa sĩ sống và làm việc tại Lviv, miền Tây Ukraine. Một bức điển hình là vẽ màu nước, cho thấy nhiều phụ nữ Ukraine không vũ khí, đang trần truồng, cùng đưa tay trần đẩy lùi một xe thiết giáp của quân lực Nga, bất kể mũi súng liên thanh trên mui xe thiết giáp đang chĩa về hướng các chị. Đã có ai trên đời này hình dung ra cuộc chiến như thế chưa?

03 tranh cua Kinder Album

Đề tài tranh vẽ của họa sĩ Kinder Album là phụ nữ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga, chỉ có tay không ra trận.

Cuộc chiến chống quân xâm lược Nga của Ukraine đã làm xúc động lương tâm thế giới. Một khuôn mặt lớn trong hội họa tranh tường là họa sĩ Banksy, một họa sĩ kỳ bí người Anh. Banksy đã bí mật từ Anh tới vẽ trên các bức tường đổ nát của Ukraine để bày tỏ ủng hộ cuộc chiến chống Nga. Tranh của Banksy trước giờ nổi tiếng thế giới từ nhiều năm qua, và thường có giá bạc triệu đôla. Do vậy, chuyện bọn gian đục tường để trộm tranh của Banksy là thường. Đó là lý do, chính quyền khu vực thủ đô Kiev đã dựng kính che bốn tác phẩm của nghệ sĩ đường phố người Anh Banksy bằng kính bảo vệ và thiết lập các đơn vị lính canh để ngăn chặn nạn đục tường để trộm tranh Banksy, sau khi xảy ra vụ bọn gian tìm cách đánh cắp một tác phẩm Banksy hồi tháng 12/2022.

Oleh Torkunov, Chỉ huy phó quân sự khu vực Kiev, nói với phóng viên AFP: “Chúng tôi tin rằng đây là một di sản văn hóa và lịch sử mới được phát hiện. Tất cả các họa phẩm của Banksy sẽ vẫn còn trên vách như ở dạng ban đầu." Thực vậy, tất cả các tác phẩm nghệ thuật của Banksy sẽ vẫn ở vị trí hiện tại của chúng và chính quyền địa phương đang lên kế hoạch tái thiết các tòa nhà xung quanh chúng. Lo ngại cho sự an toàn của các bức tranh tường, chính phủ cũng đang thực hiện các biện pháp điện tử an toàn. Valentyn Hrytsenko, đại diện của công ty bảo mật giải thích: “Ở những nơi dễ tiếp cận hơn nhiều, có một cảm biến (sensor) bổ sung dưới kính sẽ phản ứng nếu ai đó cố gắng đập, phá vỡ nó. Và ở phía đối diện, có một cảm biến khác chụp ảnh. Khi các nhân viên liên hệ nhận được báo động, họ lập tức nhận ra rằng có người ở gần bức tranh [của Banksy].”

04 tranh cua Banksy o Ukraine

Bức tranh tường của Banksy tại thủ đô Ukraine, hình ảnh em bé Ukraine quật ngã Putin. Bức tường có gắn các sensor cảnh báo được dựng trong các vách kính kiên cố chung quanh để ngừa trộm cắp, ngừa phá hoại.

Hiển nhiên, tranh tường là một thể loại nghệ thuật được người dân Ukraine ưa chuộng. Như trường hợp họa sĩ Gamlet Zinkivsky – người đàn ông Ukraine 35 tuổi này vẫn ở lại quê hương Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, để vẽ tranh lên những bức tường thành phố trong khi cuộc chiến xâm lược của Nga đang tàn phá và gây thương vong khắp nơi ở Ukraine. Hình ảnh chàng họa sĩ này là mặc áo giáp màu đen, có huy hiệu của quân đội Ukraine, mang đồ nghề họa sĩ ra đứng vẽ nơi các bức tường Kharkiv. Anh trước đó đã là họa sĩ nổi tiếng, từng triển lãm các tranh nghệ thuật từ Lima đến London, bây giờ Gamlet đã gác lại thành công vang dội khắp thế giới của mình và hiện sử dụng tài năng của mình để hỗ trợ cuộc chiến tự vệ của dân tộc Ukraine.

Gamlet nói với phóng viên AFP: "Nếu tôi đã ra đi, hẳn là tôi có thể phát triển sự nghiệp của mình ở đâu đó ở nước ngoài. Nhưng đó sẽ chỉ là sự thoải mái. Ở Ukraine, tôi có cảm giác rằng mình đang xây dựng đất nước. Cả thành phố là nhà của tôi, cả thành phố là phòng triển lãm của tôi.” Thành phố Kharkiv ở miền đông Ukraine, nên hứng chịu nhiều áp lực chiến trường. Khi cuộc chiến mới bùng nổ, Gamlet đã có một đêm nằm tránh bom trong ga tàu điện ngầm Kharkiv và 10 ngày tại nhà của cha mẹ mình trước khi cùng người thân chuyển đến Ivano-Frankivsk ở miền Tây Ukraine, nơi tương đối bình yên. Gamlet đã dành hai tháng ở miền Tây Ukraine để gây quỹ cho viện trợ nhân đạo và quân đội Ukraine, kể rằng anh ấy đã bán được một bức tranh để lấy hai ống kính nhìn đêm.

Sau đó là một cú điện thoại từ chỉ huy của Tiểu đoàn Khartia, đơn vị mà bây giờ họa sĩ Gamlet tự hào đeo huy hiệu trên áo của anh. Người tiểu đoàn trường nói qua điện thoại: “Anh ở lại Ivano-Frankivsk quá lâu. Chúng tôi cần anh ở đây (ở Kharkiv) – anh phải vẽ.” Thế là họa sĩ Gamlet rời miền Tây, để trở lại miền Đông Ukraine, và vẽ tranh tường cho thành phố Kharkiv.

Gamlet cũng coi công việc của mình là tăng khả năng tiếp cận nghệ thuật, điều mà anh ấy ưu tiên hơn cả là kiếm tiền từ việc bán tranh. Gamlet tin rằng làm việc trên đường phố, nơi anh có thể vẽ bất cứ lúc nào và ở đâu anh muốn, quan trọng đối với tinh thần của công chúng hơn là được xuất hiện trong các phòng triển lãm. Anh nói: "Tôi thấy mọi người mỉm cười và hạnh phúc khi nhìn thấy nơi vách tường một tòa nhà bị phá hủy mà họ yêu thích có một bức tranh mời gọi kiên tâm trong cuộc chiến chống Nga. Nghệ thuật đường phố, đó là câu chuyện dành cho những người chưa bao giờ đến xem một cuộc triển lãm hoặc những người không đến thăm các viện bảo tàng, nhưng họ bây giờ biết các tác phẩm của tôi trên đường phố."

05 hoa si Gamlet ve tranh tuong o Kharkiv Ukraine

Họa sĩ Gamlet nổi tiếng quốc tế, bây giờ mặc áo giáp đen, mang huy hiệu Tiểu đoàn Khartia trước ngực, vẽ tranh tường cho thành phố Kharkiv.

Đối với Mykola Synelnykov – một nhà báo và là phóng viên nhiếp ảnh chuyên về thể thao – vũ khí của anh bây giờ là ống kính camera. Synelnykov không săn ảnh chiến trường, bởi vì tất cả những gì liên hệ tới các đơn vị tác chiến đều bị cấm quay phim, cấm chụp ảnh, cấm viết lên mạng… vì sợ gián điệp Nga sẽ dò ra các vị trí đóng quân để dội bom. Synelnykov tới những nơi đổ nát vì bom, chụp các hình ảnh thể thao trong đổ vỡ. Một sân bóng rổ bị bom tàn phá, một phòng đấu kiếm bị bom nổ sập mái và tung hết ba bức tường. Hay như hình ảnh các em học sinh học nơi lớp học dã chiến. Hay như đôi tình nhân, nàng mặc trang phục màu cờ Ukraine, đang tập bóng rổ với phía sau là những chiếc xe hơi thường dân trúng bom dựng thành bờ tường mới.

06 nhiep anh the thao cua Mykola Synelnykov

Bức ảnh của phóng viên Synelnykov: đôi tình nhân, nàng mặc trang phục màu cờ Ukraine, đang tập bóng rổ với phía sau là những chiếc xe hơi thường dân trúng bom dựng thành bờ tường mới.

Trường hợp họa sĩ và là điêu khắc gia Mykhailo Reva cũng độc đáo. Ông chọn một nét vẽ y hệt như trẻ em, để cho thấy chiến tranh hiện ra dưới mắt trẻ thơ thế nào. Reva sinh ngày 13/3/1960, là điêu khắc gia, là họa sĩ trong ngành vẽ kiến trúc và thiết kế nhựa, cũng là sáng lập viên hội bất vụ lợi RevaFoundation, và là đồng sáng lập quỹ từ thiện “The Future” (“Tương lai”). Reva với nét vẽ trẻ thơ đã vẽ hình một cậu bé cầm thanh kiếm nhựa nhảy múa trên chiếc xe tăng đã bứt xích và gãy nòng súng. Cậu bé mặc trang phục màu cờ Ukraine, có nụ cười như dường không sợ nguy hiểm nào. Và các tranh tương tự như thế.

07 tranh cua Mykhailo Reva

Tranh của Reva: Cậu bé cầm thanh kiếm nhựa nhảy múa trên chiếc xe tăng đã bứt xích và gãy nòng súng.

Trường hợp nghệ sĩ người Pháp Fanny Levelval cũng có độc đáo riêng. Nghệ sĩ Pháp này chuyên về cắt dán, lắp ráp, tạo ảnh nghệ thuật về cuộc chiến ở Ukraine. Cô dựa trên các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ tiền nhân như Edouard Manet, Salvador Dali, Jan van Eyck, Vincent Van Gogh, Eugène Delacroix, Edward Hopper, Edvard Munch, Bartolome Murillo và nhiều người khác. Cô kết hợp một cách thành thạo những tác phẩm cổ điển này với những bức ảnh thực về các địa điểm chiến đấu, về những người lính Ukraine và về hậu quả của cuộc xâm lược của Nga. Có một tác phẩm được Fanny Levelval đặt tên là “Vladimir Putin: Tsar of the New Russia” (Putin: Sa hoàng của nước Nga mới) trong đó Putin có chút ria mép kiểu Hitler, và ảnh chân dung này nhìn kỹ thì vừa y hệt Putin, vừa y hệt Hitler. Một bức ảnh khác:

08 tranh cua French artist Fanny Levelval

Các tác phẩm cắt dán của Fanny Levelval.

Chính phủ Ukraine biết sức mạnh của nghệ thuật. Vào ngày 7 tháng 3/2023, Ukraine công bố những người thắng giải thưởng Women in Arts 2023 (Phụ nữ trong Nghệ thuật 2023). Chủ đề năm nay là “The Resistance” (Cuộc kháng chiến). Do vậy, cuộc thi giải năm nay có tên là “Women in Arts: The Resistance” (Phụ nữ trong Nghệ thuật: Cuộc kháng chiến). Giải thưởng nghệ thuật này khởi đầu từ năm 2019, trên nguyên tắc là thường niên, nên đã trao giải cho các năm 2020, 2021 và hủy bỏ giải năm 2022 vì quân Nga tràn vào tấn công Ukraine từ ngày 24/2/2022. Năm nay, 2023 sẽ là trao giải lần thứ tư. Khẩu hiệu của buổi lễ năm nay là “Ngọn lửa không đốt cháy nổi những kẻ đã được trui rèn.”

Hồi năm 2022, buổi lễ đã bị hủy bỏ do quân lực Nga tràn vào xâm lược toàn diện Ukraine, do vậy Giải Women in Arts 2023 đã mang một ý nghĩa mới, thể hiện qua việc mở rộng tên của nó bằng chữ “The Resistance” và dưới hình thức của chính giải thưởng, dự kiến sẽ có các yếu tố tượng trưng cho cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược. Những người được đề cử cho giải thưởng năm nay sẽ trong tám lĩnh vực: phụ nữ trong nghệ thuật thị giác, phụ nữ trong âm nhạc, phụ nữ trong sân khấu, phụ nữ trong điện ảnh, phụ nữ trong quản lý văn hóa, phụ nữ trong báo chí văn hóa, phê bình và nghiên cứu… Các ứng cử viên cho giải thưởng Women in Arts được đánh giá bởi các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Thành tích nghề nghiệp, danh tiếng, sự đổi mới và sự công nhận của quốc gia hoặc quốc tế là những yêu cầu chính đối với các thí sinh. Một hội đồng chuyên gia và ban giám khảo, bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá của họ, đại diện của khu vực công và các tổ chức độc lập, được mời tham gia chấm điểm. Năm nay, sẽ có một tiêu chí lựa chọn bổ sung là “đóng góp vào chiến thắng”, có tính đến các hoạt động trong quân đội, tình nguyện, văn hóa hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác trực tiếp đưa chiến thắng của Ukraine đến gần hơn.

Và, bên cạnh các họa sĩ, các nhiếp ảnh gia… cũng có nhà thơ. Một bài thơ của chị Mariana Dziatko đã nói lên cảm xúc những ngày tháng 3/2022, tức là một tuần lễ sau ngày 24/2/2022 khi Putin đưa quân tràn vào tấn công Ukraine. Nhà thơ nữ Dziatko đã nói giùm cho cả nước Ukraine về các cảm xúc ban đầu, khi nhìn thấy tàu chiến Nga vào đổ bộ lên các hải cảng Ukraine trong cuộc chiến liên kết cả hải, lục, không quân. Bài thơ của Mariana Dziatko như sau.

THÁNG 3/2022

tàu chiến Nga,

Mẹ kiếp!

Ta sẽ không cho mi chiếm Ukraine.

Mi đã mang tới rất nhiều đau đớn và hủy diệt.

Ta vẫn nhớ tháng Hai. Giờ buổi sáng.

tàu chiến Nga,

Mẹ kiếp!

Không có ai đợi mi ở đây.

Đất nước này sẽ không đi chệch hướng –

Đất nước này sẽ đưa cả địa cầu ra san bằng mi.

tàu chiến Nga,

Mẹ kiếp!

Chúng ta không còn là những người anh em.

Ta không sợ mi nữa.

Ta đang ở nhà, ta đến từ đây.

tàu chiến Nga,

Mẹ kiếp!

Mi sẽ không bao giờ bình yên nơi đây.

Mi đang thối rữa từ bên trong, mi không thể nhìn thấy nó

Mi phải làm gì với những người khác chớ

tàu chiến Nga,

Mẹ kiếp!

Ukraine của ta hạnh phúc khi không có mi

Bay trên bầu trời như một con chim tự do.

Muốn chộp ta ư? Mi thua rồi đó.

Thâm cảm được số phần của Ukraine rõ ràng cũng là dân tộc Estonia, một nước rất nhỏ, chỉ có 1.33 triệu dân nằm giáp biên nước Nga. May mắn, Estonia đã gia nhập khối NATO từ năm 2004. Nhưng giới nghệ sĩ Estonia hiểu rất rõ bàn tay máu của nước Đại Nga. Năm 1940, Estonia bị Stalin sáp nhập vào Liên bang Xô viết, những cuộc đàn áp, bắt lính, lưu đày, xử tử kéo dài trọn năm 1941 và nhiều năm sau. Chỉ tới năm 1991, Estonia mới độc lập, và phải tới năm 1994 đơn vị chiến binh Nga cuối cùng ở Estonia mới rời nước này. Cuộc chiến của người Ukraine đã làm xúc động hầu hết giới nghệ sĩ toàn cầu. Đặc biệt là với các quốc gia cựu Liên xô. Đó là trường hợp của chị Mari Kalkun – một nhạc sĩ dân ca, ca sĩ và nhà soạn nhạc người Estonia. Một ca khúc mới của Mari Kalkun, nhan đề “Somewhere There’s War” (Có chiến tranh nơi nào đó) cho thấy những cảm xúc rất đau đớn cho phận người.

Nhạc sĩ Kalkun giải thích trên báo Estonian World về những cảm xúc của chị rằng: “Tôi cảm thấy rằng vào lúc này, chúng ta đang cùng nhau thương tiếc và đau buồn cho những người đang đau khổ; chúng tôi đồng cảm với họ, chúng tôi quan tâm và chúng tôi khóc như nhau. Âm nhạc và nghệ thuật giúp chúng ta vượt qua quá trình khó khăn này – nó mang đến sự chiêm nghiệm và cho phép chúng ta để những cảm xúc này tuôn trào ra bên ngoài. Nghệ thuật là một nơi hiển lộ cho cảm xúc, sự phản ánh và diễn đạt thành lời những trải nghiệm của chúng ta trong thời kỳ chiến tranh và khủng bố chưa từng có. Như trong văn hóa truyền thống, khi ai đó qua đời, những người phụ nữ than khóc sẽ hát cho người đã khuất và giúp cộng đồng khóc thương. Hy vọng rằng, bất chấp tất cả sự kinh hoàng, cuối cùng thì chúng ta sẽ thoát khỏi trải nghiệm tập thể này với tư cách là một xã hội tốt đẹp hơn, đoàn kết hơn. Tất nhiên, âm nhạc và nghệ thuật cũng mang lại hy vọng, nâng cao tinh thần nhân loại và thể hiện các buổi biểu diễn và đấu giá từ thiện. Là một nghệ sĩ, tôi muốn đóng góp bằng sức mạnh của phương tiện mà tôi biết rõ nhất – bài hát. Nói một cách đơn giản, chúng ta phải tiếp tục hát! Chúng ta phải giữ cho tâm trí mình không sợ hãi và đón nhận những gì thế giới điên rồ này đang mang lại cho chúng ta trong khi vượt qua những cách mà nó đang thử thách chúng ta. Tôi tin rằng lời nói, âm nhạc và tình yêu mạnh hơn bất kỳ chiếc xe tăng nào. Hơn nữa, nghệ thuật vượt qua lời nói và chúng tôi hiện đang xử lý các quá trình vượt ra ngoài lời nói. Gần đây có người đã nói về bài hát mới của tôi, “Somewhere There’s War”, rằng, ‘Cảm ơn chị đã hát lên những gì là gánh nặng trong lòng chúng tôi.’”

09 nhac si Mari Kalkun

Nhạc sĩ Mari Kalkun, từ Estonia, hát ca khúc mới của chị về cuộc chiến Ukraine.

Lời ca khúc lược dịch như sau: “Nơi đâu đó có chiến tranh nhưng xa tôi, ai đó tan xác trên chiến trường, một em bé khóc nhưng không phải con tôi. Ai đó chết nhưng đó không phải là tôi. Nhân loại, nhân loại. Bạn còn cảm xúc không, bạn còn cảm xúc không? Nơi đâu đó có chiến tranh. Nó ngay ở nhà tôi. Anh tôi tan xác trên chiến trường và em bé khóc. Bé là con tôi. Ai đó chết, oh, hãy nhìn, chính đó là tôi. Tôi có thể còn cảm thấy, tôi có thể còn cảm thấy? Nhân loại. Liệu tôi có còn cảm xúc được không, tôi còn cảm thấy mình là con người không, là một người. Có nghĩa là phải chiến đấu để đóng cửa trái tim của bạn, để không sợ hãi một con người, một con người, một con người. Khi tôi còn thơ trẻ, tôi đã nhìn lên bầu trời, tôi từng cảm thấy trái tim mình tự do, tâm hồn mình tự do, tâm hồn mình tự do. Tâm của bạn là tự do. Tâm của bạn tự do, tự do, tự do, tự do, tự do.”

Bây giờ xin mời bạn nghe ca khúc “Somewhere There's War” của Mari Kalkun, qua video dài 3:39 phút.