Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Các chủ làng ở Thừa Thiên Huế* (kỳ 1)

Nguyễn Văn Chính

Trở Lại Lê Trèng

(Tôi bắt đầu chuyến điền dã ở A Lưới và Nam Đông năm 1999, sau đó chuyển sang Dakrong bên Quảng Trị, rồi quay lại Phong Điền, Huế (với người Pa-hy). Khi đọc lại những ghi chép trong chuyến điền dã dân tộc học đầu tiên ở người Pakoh (A Lưới, Huế, tháng 6/1999) tôi bỗng thấy lòng mình rưng rưng thương nhớ, bèn chép lại đây một vài đoạn. Vì những ghi chép về các chủ làng khá dài, tôi sẽ làm gọn lại thành ba khúc và sẽ lần lượt đăng lên đây để chia sẻ với ai quan tâm về vùng đất này)

...

Chả biết duyên phận đẩy đưa thế nào, tôi gặp Kate ở một hội thảo của tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Khách sạn La Thành. Lúc giải lao, nàng đến gặp tôi và bảo: Tôi rất ấn tượng với bài nói chuyện của anh. Lát nữa tan họp, mình có thể ngồi nói chuyện thêm một lát được không? Tất nhiên tôi không bỏ lỡ lời mời lịch sự của người đẹp nên gật đầu ngay. Hóa ra nàng đang làm giám đốc điều hành của Quỹ NAV (Nordic Assistance to Vietnam) có trụ sở ở Huế. Người phụ nữ Bắc Âu ấy có vóc dáng thon, không cao lớn như hầu hết các nàng Bắc Âu khác. Ấn tượng nhất là mớ tóc vàng hoe, và đôi mắt xanh biếc đến nao lòng. Chiều ấy, trong một quán nhỏ ngạt ngào mùi cà phê, nàng đề xuất: NAV đang xây dựng một kế hoạch phát triển dài hạn nhằm giúp đỡ các nhóm dân tộc Ta Ôi, Pakoh, Ka tu ở Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên-Huế) nhưng kiến thức lịch sử và văn hóa về các nhóm này còn quá nghèo nàn. Kate đề nghị tôi giúp NAV tổ chức một khóa huấn luyện về dân tộc học nhằm nâng cao kiến thức của cán bộ làm việc trong khuôn khổ các chương trình về văn hoá-xã hội của các nhóm tộc người mà NAV đang trợ giúp, đặt cơ sở cho việc cải tiến công tác của NAV trong tương lai. Tôi đồng ý liền, và đêm ấy, sau bữa tối, chúng tôi bắt đầu phác thảo một kế hoạch nghiên cứu thực địa trong ba năm (1999-2001) mà tôi đóng vai trò là một cố vấn về chuyên môn. Sở dĩ chúng tôi làm kế hoạch ngay bởi sáng hôm sau Kate đã phải bay về Huế. Chỉ một tuần sau, tôi nhận được bản hợp đồng và bắt đầu chuyến điền dã dân tộc học trong mơ vì từ lâu tôi đã ước mong có cơ hội tìm hiểu về các nhóm tộc người Trường Sơn – Tây Nguyên, và đây là cơ hội trời cho để đến với các nhóm cư dân mà tôi mong được tìm hiểu.

Điểm đầu tiên tôi muốn đến là người Ta Ôi ở xã A Roàng, vùng biên giới giáp Lào. Ở đây người Ta ôi cư trú vắt ngang đường biên giới với dân số đông hơn sống bên Lào. Kế hoạch điền dã của NAV được gửi cho địa phương từ trước, và được phê duyệt chóng vánh vì NAV đã mang đến nơi này khá nhiều tiền bạc và giờ đang muốn cùng người dân xây dựng một chương trình phát triển thời hậu chiến, giúp những người đang còn chịu nhiều di chứng của chiến tranh có cơ hội được học hành, chữa bệnh, và khắc chế đói nghèo. Vì cứ đinh ninh rằng kế hoạch đã được chính quyền địa phương huyện và xã chấp nhận nên Kate muốn đi cùng tôi và nhân viên của cô đến nơi thâm sơn cùng cốc của A Lưới để bắt đầu chuyến điền dã đầu tiên. Chúng tôi nói chuyện rôm rả, quên cả đường xóc đến bật nóc xe. Bỗng phía trước có một trạm kiểm soát liên ngành, các nhân viên kiểm lâm và lính biên phòng đứng lố nhố phía trước. Họ yêu cầu chúng tôi xuống xe để kiểm tra theo quy định khi vào vùng biên giới. Sau khi kiểm tra giấy tờ, Chỉ huy biên phòng ra thông báo: người Việt Nam được vào xã vùng biên, người có quốc tịch châu Âu (ám chỉ Kate) không được đi quá giới hạn quy định (tức ngay phía sau barie của bốt canh này). Kate dùng dằng cãi cọ, đòi gọi điện cho lãnh đạo huyện, nhưng biên phòng nói họ làm việc độc lập, và không nhận được bất cứ yêu cầu nào từ bên chính quyền địa phương cho phép người nước ngoài được vào khu vực này. Kate ngậm ngùi quay xe, còn tôi phải chuyển sang xe sau để đi tiếp vào A Roàng. Một chuyến đi bị phủ đầu bằng màn quay xe phũ phàng, không thể nào quên. Nhưng may mắn thay, tôi vẫn tiếp tục hành trình, dù trong suốt mấy tuần trên thực địa, giữa mùa hè nóng bỏng ở biên giới Việt-Lào, nhóm chúng tôi bị địa phương hành cho lên bờ xuống ruộng. Trong lúc quẫn bách vì bị theo sát, tôi thấy lóe lên hy vọng khi làm việc với các chủ làng, những người đã không còn quyền lực thực tế như luật tục đã trao cho họ, nhưng vị trí của họ vẫn hiển hiện trong tim óc của dân làng với tư cách là người thủ lĩnh thực sự. Tôi bắt đầu tiếp xúc và làm việc nhiều hơn với các chủ làng của người Ta-Ôi ở A-roàng, người Pakoh ở Hồng Trung và người Ka Tu ở Ư Ràng (Hương Hữu, Nam Đông). Hôm trước, trong lúc lục lại những file ghi chép từ các chuyến đi miền Trung, tôi bỗng gặp lại hàng trăm trang nhật ký về chuyến điền dã tại Huế mà chưa xuất bản ở đâu, bèn chép lại đây một đoạn để chia sẻ với mọi người. Đoạn này nói về Quỳnh Át, một người mà tôi đã có cơ hội gặp gỡ và học hỏi được từ ông rất nhiều về lịch sử và văn hóa Pakoh. Năm ấy (1999) ông đã ngoài 80 tuổi, chắc bây giờ hồn ông đang phiêu du hay yên nghỉ nơi nào đó trên thiên đàng. Những ghi chép dân tộc học về ông trích lại dưới đây cũng là cách để tưởng nhớ ông, một người con đáng kính của dân tộc Pakoh.

QUỲNH ÁT, MỘT SA-RAI VEL NGƯỜI PAKOH

Mặc dù đã thông báo cho chính quyền xã trước khi đến Lê-trèng, nhóm nghiên cứu vẫn phải chờ lâu vì hầu hết các chức sắc địa phương đều đang bận rộn tổ chức đại hội phụ nữ xã. Tuy nhiên, sự trục trặc lại biến thành một cơ hội vì ở đây chúng tôi có điều kiện được quan sát tận mắt một hoạt động quan trọng của phụ nữ địa phương và đặc biệt, được gặp đại diện của bộ máy chính quyền xã và các thôn mà không phải lúc nào cũng có thể gặp được tất cả. Trong số những người được mời cuộc gặp mặt đầu tiên, tôi đặc biệt để ý đến một ông già mà chủ tịch xã giới thiệu với thái độ trân trọng là Quỳnh Át (còn gọi Võ Nhường), chủ làng Lê-trèng. Ông có vóc người cao lớn hơn bình thường và một vẻ ngoài bình thản, nhưng đôi mắt ông nhìn sâu thẳm như thấu hiểu mọi lẽ trên đời. Năm nay ông đã trên 80 tuổi. Những chiếc răng cửa của hàm trên đã rụng trơ lợi. Trên đôi tai to khác thường của ông vẫn còn lại những cái lỗ mà có lẽ cha mẹ ông đã xâu cho từ thuở thiếu thời. Đặc biệt, chạy dọc theo cổ ông là những vết xăm màu chàm với hai đường thẳng song song. Chếch về phía hai bờ vai, phía cuối của xương đòn là vết xăm những hình tròn có dấu nhân ở giữa. Trên cánh tay phải của ông cũng để lại một vết xăm màu chàm có những nét vạch giống như chiếc ấn tam bảo mà các pháp sư người Việt vẫn hay dùng để đuổi ma trừ tà. Tôi đã hỏi ông về các hình xăm nhưng Quỳnh Át thực sự không hiểu ý nghĩa của các hình xăm ông mang trên mình và lý do tại sao người ta lại xăm mình. Dẫu sao, ông cũng tự hào mình là một trong số hiếm hoi những người Pacoh ở đây vẫn còn giữ được chứng tích của tục xăm mình (chặt xờm) rất phổ biến ở dân tộc ông trước kia. Ông nói rằng thời ông còn trẻ, thanh niên Pacoh rất thích xăm mình. Họ thường lấy búp non của cây a-luông (một loại cỏ có sẵn ở rẫy) đem giã nhỏ, trộn lẫn với than củi (cù chạ), rồi bôi lên da [chỗ định xăm] và sau đó lấy gai mây châm để tạo thành các hình ưa thích. Các vết thương chảy máu thường sưng tấy lên, phải vài ngày sau mới rửa được. Và các vết xăm này thường còn lại mãi trên người không bao giờ phai. Ông bảo tôi người Pakoh tin rằng các vết xăm ở tay có thể giúp họ đi rừng không bị trăn cắn vì nó rất kỵ (?)

Sau buổi họp, chúng tôi về ở tại nhà của Quỳnh Át. Đấy là một ngôi nhà làm trên nền đất, lợp mái ngói, đã được làm từ gần hai chục năm trước. Đến nay phần lớn người dân trong làng đã chuyển từ nhà sàn xuống nhà đất. Ngôi nhà đất của Quỳnh Át thuộc loại to nhất làng, có tới năm gian, nhưng gần như trống rỗng vì chả có đồ đạc gì bên trong. Ngoài hai chiếc giường lớn ở phía trái nhà, chỗ nối với nhà bếp dành cho khách và hai chiếc khác nhỏ hơn phía bên phải cho hai con ông chưa lập gia đình, ngôi nhà không có bàn ghế, chỉ có rất nhiều những tấm bằng khen và giấy khen của chính phủ dành cho ông, được treo hoặc dán trên vách gỗ trong đó ghi nhận những cống hiến của ông cho cách mạng. Những năm trước đây, có 5 hộ gồm gia đình của các em trai và con của ông cùng cư trú trong ngôi nhà này. Nay họ đã tách ra ở nhà riêng trong cùng một khuôn viên của ông. Không mấy khi Quỳnh Át ngủ ở ngôi nhà lớn. Ông bảo vì làng chưa làm được nhà rông nên ngôi nhà này của ông bây giờ cũng giống như nhà chung của làng mỗi khi đón tiếp khách khứa, họp hành hay có sinh hoạt động đồng. Riêng ông vẫn ưa thích nằm trên nhà sàn, bên bếp lửa bập bùng nóng ấm của căn nhà bếp được dựng nối vào một phía đầu hồi của ngôi nhà chính. Quỳnh Át có hai vợ và 12 người con, nhưng hiện tại chỉ còn 7 người con vẫn đang sống trong những ngôi nhà dựng lên quây quần xung quanh nhà của ông trong khi năm người con khác đã mất từ lâu. Người vợ đầu đã quá cố từ lâu và người vợ thứ hai cũng mới vĩnh viễn giã từ ông năm ngoái. Bây giờ ông ở một mình, và cái cách ông nói về người vợ mới quá cố của mình lộ rõ nỗi niềm cô đơn ở tuổi xế bóng của ông khi không có người phụ nữ bên cạnh.

Quỳnh Át tham gia cách mạng từ sớm. Năm 1976 khi làng Lê-trèng rời núi xuống định cư ở vùng đất thấp này, ông được cử làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hồng Trung. Gần đây, do tuổi cao nên ông được chuyển sang phụ trách Hội người cao tuổi của xã. Ông bảo đã từng được tin tưởng cử làm điệp viên của Việt Minh “đánh” vào hoạt động trong đảng Đại Việt ở quận Ba, khu vực A-lưới. Trong cuộc họp mặt các già làng trưởng bản do Chính phủ tổ chức năm ngoái (1998) tại Hà Nội, ông vinh dự được thay mặt người Pakoh ở Lê-trèng tham dự. Tuy nhiên, cái cách mà người dân Lê-trèng và cán bộ xã kính trọng ông không hẳn chỉ vì những gì ông đã cống hiến cho cách mạng, mà hơn thế, bởi những kiến thức phong phú và sâu sắc của ông về cuộc sống, về văn hoá và truyền thống của dân tộc, khả năng biết đoàn kết dân chúng và lối ứng xử khiêm nhường, hết lòng vì mọi người. Như tôi vẫn thấy ông trong các buổi gặp gỡ tập thể, ông thường lắng nghe rất kỹ ý kiến của mọi người và không bao giờ vội đưa ra ý kiến của riêng mình. Ông hiểu rõ sức mạnh của những lời lẽ của ông và ảnh hưởng của nó trong dân làng. Sức mạnh ấy không giống như một sự áp đặt mà nó thường bắt nguồn từ những lý lẽ hiển nhiên nảy sinh từ chính kinh nghiệm trường đời của ông và của cả cộng đồng tích hợp trong đó. Ông kể lại câu chuyện cách đây hai năm, khi Hồng Trung được Nhà nước tuyên dương là xã anh hùng, lãnh đạo xã đã tổ chức liên hoan đón mừng danh hiệu, nhưng người được mời họp ở trụ sở để liên hoan ăn mừng lễ đón nhận danh hiệu cao quý chủ yếu là các cán bộ trên tỉnh huyện và xã. Ông rất băn khoăn về cách làm, vì một câu hỏi cứ nung nấu trong đầu ông: Ai là người làm nên cái danh hiệu cao quý ấy nếu không phải là chính những người dân Pakoh bình dị? Thế là nhân danh Hội người cao tuổi, ông đã tổ chức một cuộc liên hoan khác, theo cách của ông, để đón nhận danh hiệu anh hùng tại nhà mình cho cả làng cùng tham dự. Dân làng ngả thịt trâu, uống rượu và các vị khách quý từ các làng bên được mời đến. Chiêng trống và những lời ca, điệu múa mộc mạc dân dã được cất lên. Buổi liên hoan tổ chức theo phong tục truyền thống của cộng đồng thu hút tất cả dân làng, từ người già đến trẻ con. Và cuối cùng, chính các cán bộ của xã, huyện đã bỏ nơi liên hoan “chính thức” ở trụ sở, về ngôi nhà riêng của ông mà giờ đây đã là nhà chung của cả làng, hoà vào với dân chúng, đắm mình vào trong cái không khí dân dã nhưng cuốn hút mê hồn ấy để rồi cùng hát và múa đến tận thâu đêm. Chính trong buổi liên hoan ấy, ông nổi bật lên như một biểu tượng đoàn kết cộng đồng của dân làng. Nhưng không chỉ có vậy, cho đến tận bây giờ, người dân địa phương vẫn nhắc lại một sự kiện làm họ xúc động. Đó là việc Quỳnh Át đề xuất khôi phục lại tục kết nghĩa giữa các làng Pakoh đã bị quên lãng từ lâu. Năm 1993, nhân dịp lễ cải táng tập thể A-riêu-pi của Lê-trèng, ông đã mời các làng A-rưm, A-tia vốn là liên minh của Lê-trèng trước đây đến dự hội làng. Theo truyền thống, tất cả đồ lễ, rượu thịt mà dân Lê-trèng đóng góp cho ngày hội đều giao cho đại diện của làng A-rưm đứng ra tổ chức bữa ăn chung. Đêm ấy, sau bữa cơm cộng cảm là những điệu dân vũ theo nhịp chiêng trống và hát đối đáp t’bọi. Quỳnh Át thay mặt làng Lê-trèng và A-rưm đã cất lên những lời hát kêu gọi đoàn kết giữa các làng Pakoh để cùng giúp nhau vượt qua khó khăn, chống lại đói nghèo, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong những ngày nhóm nghiên cứu lưu lại tại nhà ông, Quỳnh Át đã thể hiện rất rõ vai trò tổ chức của mình. Các “nhân vật chính” trong làng (những người có uy tín) thường xuyên có mặt ở nhà ông để sẵn sàng giúp đỡ các thành viên trong nhóm. Trong đêm thứ hai của chúng tôi ở Lê-trèng, Quỳnh Át đã thay mặt làng tổ chức văn nghệ để mừng khách ở nhà ông. Ông phân bua với tôi rằng trong nhà thiếu người phụ nữ làm ông không xoay xở được việc tổ chức ăn uống cho khách. Buổi chiều, tôi thấy ông mang ở đâu đó về một con ngan. Ông nhờ người em trai làm thịt con ngan để cúng Yàng. Lúc tôi quay trở lại nhà thì ông đã cúng xong, chỉ còn những que hương vẫn đang nghi ngút toả khói trong căn nhà đã tối om vì thiếu ánh đèn. Nhưng tất cả dường như đã sáng bừng lên khi những người phụ nữ trong nhóm văn nghệ xuất hiện. Họ không còn trẻ nữa, nhưng tất cả những trang phục bằng bạc lấp lánh trên người họ nói lên vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Pakoh, và càng đẹp hơn khi họ bắt đầu tiếng t’bọi đầu tiên. Một người phụ nữ hát:

Khách đến chơi nhà,

rượu cũng thiếu, thịt cũng thiếu,

biết lấy gì để nói chuyện cùng nhau?

Và Quỳnh Át đáp lại bằng chất giọng trầm khàn:

Khách đến chơi đây,

ta với ta, nói chuyện đời,

cứ gì phải rượu thịt mới có tình cùng nhau?

Giọng ông ấm mà vang xa, sâu lắng. Nó như thấm đẫm cái âm hưởng trầm hùng của văn hoá và đời sống của người Pakoh mà ông đại diện. Đêm ấy, khi chúng tôi đã ngủ say giấc, những người phụ nữ trung niên vẫn cùng Quỳnh Át và các bạn già của ông say sưa hát cho đến sáng. Lời ca của họ như muốn xoá đi tất cả nỗi mệt nhọc của những lo toan thường ngày để hướng đến một đời sống tinh thần cao quý đầy ngưỡng mộ.

Nguồn: GS Nguyễn Văn Chính

* Tên bài do Văn Việt tạm đặt