Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

Thơ và Đá, Thay Lời Tựa

Tuệ Sỹ

Trong buổi sơ ngộ, Sơn tự giới thiệu, hay một người khác, là Sao Trên Rừng; tôi đã biết anh, một người làm thơ. Một con người đang sống thì phải làm một việc gì đó để sống. Nhưng làm thơ, là làm gì?

Suốt buổi sáng hôm ấy, anh nói liên tục. Và tôi thì đang làm một việc, như mọi người đang làm. Anh làm những gì anh đang nói. Tôi làm những gì tôi đang nghĩ.

Năm mươi năm sau, lang thang độc hành trên đoạn đường thiên lý, tôi ghé thăm Sơn Núi, bước nhầm nhà; được xua đuổi như một kẻ bán nhang lường gạt. Tôi nhầm nhà, bởi vì đi tìm một Sơn Núi chưa từng hiện hữu; bị xua đuổi như một kẻ lường gạt, bởi đi tìm đâu đó một ngôi sao vọng tưởng như vẫn còn lấp lánh trên rừng già âm u ma quái.

Tôi đã hư cấu một huyền thoại hoang đường từ một con người quái dị, trải qua những thăng trầm bi kịch sinh tồn. Mỗi một con người tự đắm mình, chìm nổi, trong dòng sông sử tính của bi kịch sinh tồn. Nhìn lên quãng không gian hư vô bàng bạc, nó tự gán định mệnh của mình vào một ngôi sao bất thực. Sao Trên Rừng, lẻ loi, cô độc, soi bóng trong giọt sương mong manh trên đầu ngọn cỏ, tìm đâu ý nghĩa tồn tại của nhân sinh:

Mai sau tắt lửa mặt trời,

Chuyện linh hồn với luân hồi có không?

Suốt buổi sáng hôm ấy, anh vẫn nói liên tục, và tôi vẫn lang thang với những ý tưởng mơ hồ trong hai câu thơ mà không biết ai đã đọc cho nghe.

Rồi 50 năm sau, tôi từ bóng tối tử tù bước ra, để cùng anh lang thang trên các đường phố Sài Gòn đầy rác và bụi bằng chiếc xe thổ mộ từ thời tiền sử của anh; nó sẵn sàng vứt tôi xuống đường như một định mệnh mù quáng nào đó đã ném tôi và anh vào giữa cuộc tồn sinh mà anh nguyền rủa bằng những ngôn từ phạm thánh. Anh tự gọi mình là Sao Trên Rừng, trong buổi đầu, với những thắc mắc siêu hình, như một ngôi sao lẻ loi, cô tịch, in dấu tồn sinh mà loài người vừa mới ra khỏi bóng tối tịch mịch man dại của sử tính, từng bước đấu tranh sinh tồn, tâm tính hồn nhiên như giọt sương mai trên nụ hoa hồng trong nắng sớm. Chỉ trong thoáng chốc, sử tính tàn bạo trong tia nắng, giọt sương mai chảy tan, nước mắt và máu nhuộm màu gót chân lịch sử, từng dấu ấn khổ lụy nhân sinh.

Không phải tôi đang huyền thoại hóa một con người, thăng hoa những lời thơ phạm thánh. Nhưng bởi, gần 50 năm hòa bình mà những giọt máu hận thù chưa đóng vảy trên vết thương dân tộc. Những người làm thơ đang làm gì trên vết thương nhức nhối ấy? Làm cái không làm, nói những lời không nói; mỗi người trong góc tối đơn độc của mình, như từng viên sỏi bị vất bỏ lăn lóc bên vệ đường bởi những bóng ma được khoác cho màu áo thánh nhân, hiền sĩ, những bóng ma oan ức được vinh danh anh hùng dân tộc.

Mọi lời thơ, mượt mà như hơi thở của tình yêu đầu đời, hoặc gay gắt cuồng nộ của gã lang thang vô lại, hay âm thầm theo bước chân của tên tử tội đi lần đến pháp trường, hoặc được nghe từ nắng trưa rực cháy vinh quang bởi những ngọn lửa tham tàn điên đảo, hay từ trong bóng tối lao tù, đâu đó, vẫn còn ngưng đọng trong quãng lặng chuỗi giai điệu phạm thánh. Ánh sao lấp lánh phút chốc tan vỡ thành những viên sỏi.

Tôi đã cách điệu hóa chuỗi tương tục sử tính từ thơ của Sơn là như vậy. Không ghi dấu ấn nơi đó thành những tâm tình thời đại, những âm vang của lịch sử một thời, hay bất cứ ý nghĩa nào.  Chỉ là một cái nhìn phiến diện.  Bởi vì, mặc dù tôi đã biết anh từ thời những người yêu thơ gọi anh, hay anh tự gọi, là Sao Trên Rừng, tôi có rất ít thơ của anh để đọc. Thỉnh thoảng anh chỉ cho tôi nghe một vài bài, đã chỉ đủ cho tôi viết một đoạn ngắn, không phải cá biệt về Sơn, mà từ thơ Sơn quay lại suy nghĩ về chính mình: làm thơ là làm gì, thơ là gì, là sự lựa chọn ngẫu hứng, hay định mệnh quái ác đã ném ta vào thế giới điên đảo vọng tưởng, quái tượng ma quái nhảy múa trên những đám côn trùng sâu bọ bê bết máu lăn lóc trong bóng tối âm thầm?

Từ buổi bình minh của nhân loại, thơ là những bản tình ca trong cuộc tình hôn phối chư thiên và nhân loại, từ những nhớ nhung trằn trọc bởi yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Tôi cũng đã đọc thơ Sơn từ những buổi đầu như vậy.  Nhưng rồi, cùng với những bước leo thang của chiến tranh tàn bạo; những ngôi sao trên bầu trời thanh bình bỗng chuyển mình thành những cụm hỏa châu, soi sáng hố hầm bom đạn dẫy đầy xác chết. Làm thơ, là làm gì? trong ánh hỏa châu, trong tiếng khóc của bà mẹ mất con, của người vợ mất chồng? Thơ Sơn, Sao Trên Rừng, biến dạng thành những viên sỏi, những tảng đá vô tri vô cảm, để phạm thánh, để nguyền rủa cả một xã hội mà anh xem là cái chuồng khỉ. Anh xách cái chuồng khỉ ấy, trên những tờ giấy báo nhăn nhó, ném cho tôi mà không nói một lời. Và ra đi.

Anh chạy trốn chiến tranh, trong những hũ gạo, trong những vách tường hai lớp. Bị tống vào quân lao, bị đẩy ra chiến trường làm lao công tải đạn, có thể bị giết chết như một con chó lạc loài. Rồi với sự giúp đỡ của những người đồng cảm, những người hầu như chưa hề biết đến một câu thơ của anh, anh được ngụy trang trong chiếc áo thầy tu, trốn khỏi chiến trường chết chóc, và tiếp tục sống tạm bợ di chuyển từ chùa này sang chùa khác, để tránh những trận càn quét quân dịch.

Cho đến khi hòa bình được tuyên bố, anh lại lẩn trốn xã hội và vẫn tiếp tục nguyền rủa xã hội trong một thứ chủ nghĩa xã hội không có con người, nói như Trần Đức Thảo sau 20 năm im lặng. Cả gia đình anh sống bên ngoài xã hội như một bộ lạc tiền sử. Tôi không thể nói gì về thơ Sơn, cũng không thể nói gì về bi kịch tồn sinh ấy. Bởi, đời sống thực của Sơn là những chuỗi nghịch lý của thương và ghét, yêu và hận.

Đọc thơ Sơn, như người điên mất trí nhớ ném từng viên sỏi vào hồ nước để nhìn những đợt sóng lăn tăn. Tôi thật vô cảm với những chữ thơ khô khan như sỏi đá vô tri, tự bộc lộ thơ thành đá, đá thành thơ, hay thơ là đá, đá là thơ. Sỏi đá vô tri thì chìm xuống đáy nước, và những gợn sóng nhấp nhô trên mặt nước gợi hứng cho cảm xúc lãng mạn một cách phù phiếm.

Tôi đã hẹn sẽ đến thăm Sơn trên đồi Phương Bối. Thế rồi, những đoạn đường thiên lý độc hành của tôi lần lượt biến dạng; cọp, beo, chồn, cáo, cũng lần lượt biến mất. Chúng biến đi đâu? Sơn, một con người của nghịch lý, của những mâu thuẫn thiên thần và ác quỷ, bỗng chốc nghiêm nghị như một triết gia bản thể luận, tuyên bố một chân lý vừa khám phá: chúng tất cả đang lần lượt đầu thai trong thế giới loài người.

Trong những cái mâu thuẫn ấy, tôi đang chôn chân trong cát bụi bốc theo dấu vết xe ngựa thị thành, vẫn mơ về đỉnh đèo Đà Lạt, ngắm nhìn những đợt phù vân tan hợp trên đỉnh Trường Sơn, giữa rừng khuya nằm đợi một ngôi sao lẻ loi, cô độc và một câu hỏi mập mờ:

Mai sau tắt lửa mặt trời,

Chuyện linh hồn với luân hồi có không?

Bây giờ, tai và mắt anh không bận đến nghe và nhìn cái xã hội, cùng với bạn bè, mà anh nguyền rủa, và cũng không còn những câu hỏi vớ vẩn đã từng đè nặng lên thảm kịch nhân sinh.  Còn tôi thì vẫn lặng lẽ giữa những lớp khói bụi của văn minh, dồn dập bởi những đợt sóng nổi chìm, mơ hồ giữa hai bờ mộng thực, quanh quẩn trong thế giới mộng ảo, và vọng tưởng. Thỉnh thoảng, bắt gặp đâu đó giữa tập thơ, những bài thơ, đoạn thơ, cảm cái vô cảm:

Gò đống

Ngang qua

Ma

Một lũ

Đang ngồi cú rủ

Không thấy đứa nào hỏi

Trái đất

Mới hay cũ

Nguồn: https://vietbao.com/a303593/nha-tho-nguyen-duc-son-da-tu-tran-tai-bao-loc-lam-dong-viet-nam-ngay-11-thang-6-nam-2020