Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

Ngày trở về của Thâm Tâm

Nguyễn Tuấn Khoa

Nhân ngày 27-7.

Nhà tôi ở Hà Nội. Đầu tháng 12 năm 1946, bố tôi lên đường vào bộ đội. Ông bà tôi có 3 người con trai, cả bố tôi và hai chú tôi đều nhập ngũ, trước ngày toàn quốc kháng chiến. Chiến tranh gần lắm rồi. Lúc ra đi, bố tôi dặn mẹ tôi đưa ông bà tạm tản cư về quê nội Hải Dương, bế theo tôi mới sinh được khoảng một tuần. Từ đó thỉnh thoảng có người nhắn về báo tin bố tôi đã ở trên chiến khu Việt Bắc, một chú vào Thanh Hóa, một chú ở Thượng Lào.

Nhà tôi ở tạm trong một làng nhỏ bên đường 5. Năm 1948, một buổi chiều mưa vào cuối mùa thu, chợt bố tôi tìm về thăm nhà. Tôi mới lên 2, chẳng thể nhớ mặt bố. Nhưng chắc chắn ông đã biết mặt con trai mình. Chuyến bố tôi về thăm nhà duy nhất ấy để lại cho đời một bài thơ: “Chiều mưa đường số năm”

Chiều mưa đồng rạ trắng

Đất tề sông quạnh vắng

Ngồi kín dưới nhà gianh

Nghe gió lùa ắng lặng

Chiều mưa đường số 5

Đôi mắt sao đăm đăm

Chứa cả trời mây nặng

Miền Việt Bắc xa xăm?

Chuyến trở về này còn để lại cho gia đình tôi 2 bức ảnh bố tôi đã chụp cho ông nội và tôi trong chiều mưa ấy:

Thế rồi biền biệt mấy năm trời gia đình tôi đã chạy từ Hải Dương xuống Nam Định, Ninh Bình rồi vào Thanh Hóa. Nhà tôi ở Đền Hàn, ngã ba Bông, một vùng tự do Pháp không vào được. Tôi đã lên 4 tuổi, tha thẩn chơi với bọn trẻ hàng xóm, đôi lúc chúng hỏi bố mày đâu mà chẳng thấy về. Tôi bảo: Bố tao đi bộ đội, bao giờ hết giặc thì bố tao về. Đấy là nhớ lời mẹ dặn, chứ tôi nào có biết gì. Chiến tranh đối với đứa trẻ như tôi chỉ là tiếng tàu bay Pháp ầm ầm bay ngang đầu, đôi lần ông nội dẫn tôi xuống tăng-xê, mùi đất ẩm ướt và rễ cỏ đuôi gà hăng hắc trong hầm trú ẩn.

Lâu lắm chẳng có tin tức gì của bố và các chú tôi. Kháng chiến gian khổ đã kéo dài, mẹ tôi bị sốt thương hàn mê man cả tháng, tóc rụng hết.

Lại một chiều mưa cuối mùa đông năm 1950, có 2 chú bộ đội hỏi thăm đường tìm đến nhà tôi. Ông bà tôi ngồi nói chuyện rất lâu với các chú. Các chú thăm mẹ con tôi. Một chú bế tôi lên dặn tôi ngoan, hay ăn chóng lớn. Chú kia quay mặt nhìn đi chỗ khác, hình như chú ấy khóc.

Hai chú đi rồi, ông bà tôi cũng khóc. Mẹ tôi vẫn sốt mê man chả biết gì.

Đơn vị gửi về cho gia đình tôi một chiếc ba lô của bố tôi, tấm giấy báo tử báo tin bố tôi đã hy sinh ngày 18 tháng 8 năm 1950, được an táng tại một bản nhỏ ở chân đèo Mã Phục, Cao Bằng, một bức thư của đại diện đơn vị chia buồn với ông bà và mẹ tôi, hai bộ quần áo cũ, một con dao nhíp đa năng của Pháp và 6 bức ảnh đám tang bố tôi.

Đấy là tất cả gia tài người lính để lại cho vợ con, đấy là lần trở về nhà cuối cùng của bố tôi.

Nhưng trời thương tôi, còn cho tôi một người mẹ. Sau trận ốm thập tử nhất sinh ấy, mẹ tôi không chết. Gia đình tôi theo hướng dẫn của đơn vị bố tôi, lên Thái Nguyên, ở an toàn khu cho đến ngày hòa bình lập lại mới trở về Hà Nội. Mẹ đã nuôi tôi khôn lớn thành người, đã giữ lại được con dao và 6 bức ành.

Mấy chục năm chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, gia đình tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc đi tìm thăm mộ bố tôi. Mãi tới ngày đất nước thống nhất, nhà nước có chủ trương tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ về các nghĩa trang. Năm 1978, một chú em tôi là sĩ quan trong một đơn vị lên biên giới phía Bắc có dịp qua Cao Bằng đã tìm kiếm thông tin về mộ bố tôi. Chú nhắn tin về cho tôi biết rằng tất cả các mộ liệt sĩ đều đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện, có đánh số hồ sơ chi tiết và có thể sẽ tra cứu để xác định được. Mẹ tôi bảo thế là yên tâm phần nào, bố tôi đã nằm trong nghĩa trang rồi, sau này sẽ có dịp lên thăm viếng.

Chẳng ai ngờ chiến tranh biên giới năm 1979 nổ ra, Tàu đánh Việt Nam, chiếm Cao Bằng. Quân Trung Quốc không động đến mồ mả nghĩa trang, nhưng đã tìm đốt phá sạch hồ sơ giấy tờ hành chính của các cơ quan Việt Nam, hồ sơ về mộ liệt sĩ cũng không còn.

Làm sao tìm được bố tôi? Ông nằm ở đâu trên đất Quảng Uyên Cao Bằng, để cho mẹ con tôi còn được lên tìm và thắp một nén nhang?

Mãi tới những năm 1995-96, những đồng đội cũ của bố tôi như bác Trúc Kỳ, chú Vũ Cao, nhà văn Thanh Châu, … và Hội nhà văn Cao Bằng, nhà văn Hoàng Quảng Uyên mới liên hệ với gia đình tôi để tìm kiếm mộ Thâm Tâm. Bao nhiêu câu chuyện ký ức xưa được nhắc nhớ, bao nhiêu chuyến đi vất vả suốt dọc các bản làng heo hút bên này và bên kia đèo Mã Phục, huyện Quảng Uyên, vẫn chưa thấy manh mối nào. Nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã phải than rằng: “Nhà thơ ơi, giờ này Ông ở đâu?” Dù chưa tìm ra mộ ông, nhưng tình cảm của bạn bè đồng đội, của bà con các địa phương và của những lớp con cháu ngày nay đã được gói gọn trong một câu “thì người Cao Bằng vẫn nhớ”. Có lẽ nào ông không về nữa? Để cho gia đình tôi, cho đồng đội, bạn bè ông phải mãi day dứt:

Hơn bốn mươi năm chưa tìm ra phần mộ

Hài cốt nhà thơ lạc ở nơi nào

Tôi hỏi núi, núi thắt vòng tang trắng

Tôi hỏi gió, gió rối bời lau xám.

Hơn bốn mươi năm, cây mục đá mềm

Xương thịt con người lẫn vào cỏ dại

Tôi mong tìm một vuông đất có tên riêng.

Một vuông đất tôi mong tìm chưa gặp

Nén hương trầm biết cắm vào đâu

Và hoa nữa, bó hoa rừng ngan ngát

Trên tay tôi, hoa khóc hoa sầu

Thôi thì thắp hương nơi đầu gió

Thôi thì đặt hoa bên tảng đá …

Thơ Nguyễn Đức Mậu

Hôm nay

Cả nước đi tìm anh

Thi sĩ tài hoa

"Một đi không trở lại".

Ai như áo bông trần quả chám

Mũ nan lưới dù

Tái tê cơn sốt

Ai như mũ nồi cười

Áo nâu sồng túi dết

Thơ như súng đi lùng giặc Pháp

Đêm đêm qua cửa nhà tôi.

Đi lâu thế nhà thơ, trời sắp đổ cơn mưa

Hơn một ngàn tuần nhang tôi thắp

Trọn một đời đội xanh đi tìm anh

Sao đi lâu thế nhà thơ ơi...

Thơ Y Phương

Cuộc tìm kiếm mộ Thâm Tâm tưởng chừng không còn hy vọng. Báo Cao Bằng đăng một bài viết về việc này, kèm với mấy tấm ảnh đám tang của bố tôi, may còn có ai đọc được hoặc có thêm manh mối nào nữa. Bố tôi đã để lại cho mẹ con tôi những tấm ảnh, thật linh thiêng như một dấu hiệu để người trở về.

Một người lính trẻ, quê xã Phi Hải, Quảng Uyên, Cao Bằng, đóng quân tận Phú Thọ. Anh nhận được chút quà từ gia đình, gói trong số báo Cao Bằng ấy, đã đọc bài báo và xem ảnh. Anh chợt nhận ra cái chái nhà sàn ghép bằng 9 ống bương nơi đưa quan tài bố tôi xuống cầu thang thật giống với một nhà sàn trong bản Pò Noa quê anh. Thế là anh gọi điện ngay về nhà. Người cháu của chủ nhà xem lại tờ báo, so sánh với nhà mình và quyết định thông báo cho chương trình nhắn tìm đồng đội của Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Cao Bằng. Gần 50 năm đã qua, vật đổi sao dời, mà sao cái chái nhà ghép bằng 9 ống bương ấy vẫn còn. Quả là điều kỳ diệu.

Đây chính là nơi bố tôi đã nằm lại khi ra đi, đã được ông chủ nhà làm nghề thợ mộc tháo ván cửa đóng quan tài cho bố tôi ngay trong đêm, để sáng hôm sau đưa bố tôi ra sườn núi rìa bản mai táng.

 

Screenshot 2022-07-28 005254

Ngày trở về của Thâm Tâm

Đúng 50 năm sau ngày bố tôi hy sinh, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đoàn làm phim tài liệu Nhớ Thâm Tâm, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Biên giới. Vợ chồng tôi và Bác Trúc Kỳ, nhân chứng duy nhất trong tang lễ của bố tôi, được cùng đi với đoàn làm phim lên Cao Bằng. Sáng 18 tháng 8, trên đường về bản Pò Noa, xã Phi Hải, trời mưa tầm tã. Các cảnh quay trên đường và trong bản đều thực hiện trong mưa. Rồi cũng tới lúc chúng tôi ra mộ ông. Mưa như trút, máy quay phim bọc trong vải mưa, liệu thắp hương cho ông bằng cách nào đây. Một đoàn người đi trên con đường nhỏ qua nương, qua con suối nhỏ, leo lên những tảng đá lớn và tới một sườn núi. Một bãi cỏ rộng thoai thoải dốc xuống thung lũng, phía xa hai bên là hai ngọn núi lớn. Đúng lúc tới nơi thì mưa tạnh. Rồi nắng lên.

Cả một vùng núi non Cao Bằng ngập tràn ánh nắng vàng. Không khí trong lành sau cơn mưa, thoảng mùi hoa rừng và mùi hương trầm cắm trên mộ cũ của bố tôi.

Người đi, ừ nhỉ người đi thực…

50 năm người đã không về.

Không, bố tôi đã về thăm nhà trong một “Chiều mưa đường số 5”, trong chiếc ba lô bộ đội với những bức ảnh mách bảo kỳ diệu để cho chúng tôi tới được bên ông.

Vợ chồng tôi xin được mang về một nắm đất Cao Bằng nơi bố tôi nằm xuống. Trời đất lúc này rực sáng lên. Hình như bố đã nhận ra vợ chồng tôi và ông đã mỉm cười. Và lần này ông đã thực sự trở về với mẹ tôi, với vợ chồng tôi và các cháu chắt của ông, khi chúng tôi nâng nắm đất gói bằng tấm vải màu cờ đỏ, màu đỏ ấy cháy lên như lửa trong nắng thu vàng. Ngày về của bố tôi giản dị thế thôi.

N.T.K

Nguồn: Hà Nội Tri Thức