Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Đêm giữa ban ngày (kỳ 12)

 

20

Thế là cuối cùng người ta đã đi tới câu hỏi không thể không đặt ra. Mà lẽ ra nó phải là câu hỏi đầu tiên người ta cần đặt ra cho tôi khi đưa tôi vào Hỏa Lò.

Nó chính là cái trục, mọi việc đều phải xoay quanh nó, dính vào nó. Không có nó, không thể chế tạo được một vụ án lớn. Để bắt giam một loạt cán bộ có tiếng tăm, trong đó có cả những bậc lão thành cách mạng, bọn Lê Duẩn, Lê Đức Thọ không thể đưa ra một tội danh tầm phào như “nói xấu chế độ, nói xấu lãnh tụ”[1] được, mặc dầu với tội danh này đã có không biết bao nhiêu công dân phải nằm trong các trại tập trung năm này qua năm khác.

Xem xét tính hiện thực của một âm mưu đảo chính, tôi đặt hai vấn đề.

Một là, những mâu thuẫn nội tại trong xã hội trong thời kỳ ấy có phát triển tới mức nổi lên nhu cầu thay thế chế độ hiện hữu hoặc thay thế ban lãnh đạo đương nhiệm bằng một cuộc đảo chính không?

Câu trả lời là: không. Nhân dân thấy bức bối dưới sự cai trị hà khắc nhưng vẫn cố gắng chịu đựng, tự an ủi rằng mọi sự khó chịu là nhất thời, là do chiến tranh, chiến thắng rồi cuộc sống sẽ khác.

Hai là, nếu âm mưu đảo chính là có thì ai là người muốn đảo chính và thực sự có khả năng làm đảo chính?

Trước hết, cái gọi là những cái gọi là “lực lượng phản động chống chế độ” gồm những người có quá khứ liên quan với chính quyền thuộc địa (viên chức, sĩ quan, mật thám…); những thành viên các đảng phái có thật và không có thật, đều đã bị tiêu diệt hết bởi lưỡi gươm không khoan nhượng của chuyên chính vô sản. Mọi mưu toan chống đối đều bị bóp chết từ trong trứng, như cách người ta thường nói. Không có, và không thể có chuyện những lực lượng đó làm đảo chính.

Chỉ còn lại những người cộng sản không thuộc dòng chính thống và bị dòng chính thống nghi ngờ. Chỉ họ mới có khả năng tập hợp quần chúng quanh mình như quanh một ngọn cờ đại nghĩa. Cũng chỉ họ mới có khả năng làm đảo chính.

Trong thực tế, như một nghịch lý, những người này lại chẳng bao giờ nghĩ tới đảo chính cả. Trong họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài sự lựa chọn hai lấy một: hoặc là chủ nghĩa xã hội phi dân chủ như xã hội hiện tại, hoặc là chủ nghĩa xã hội dân chủ chưa hiện hữu, đòi hỏi ở họ những cố gắng và quyết tâm cách tân.

Nhưng đất nước lại đang có chiến tranh, một cuộc đảo chính sẽ là nhát dao đâm vào lưng người chỉ huy cuộc chiến là Đảng cộng sản, cho tới bấy giờ vẫn là đảng của họ. Đảo chính có thể làm mất đi chính chủ nghĩa xã hội để có cơ may dân chủ hóa nó. Cho nên mặc dầu có nhiều điều bất đồng với nhà cầm quyền trên nhiều mặt những người bị vu là có âm mưu lật đổ chưa bao giờ nghĩ tới lật đổ.

Như thế, chỉ còn lại những người đang đứng trên đỉnh cao quyền lực tự đảo chính mà thôi. Tạo ra một cuộc đảo chính tưởng tượng để gạt bỏ những đối thủ có khả năng thay thế mình một sớm một chiều cũng có thể gọi là đảo chính.

Riêng việc cho đến tận bây giờ những người lãnh đạo Đảng cộng sản vẫn còn phải dài lời biện bạch về một vụ bắt bớ xảy ra ba chục năm trước đủ thấy họ lúng túng tới mức nào trước dư luận xã hội. Những người lãnh đạo Đảng còn phải biện bạch còn chán, chừng nào họ còn ngồi được trên ghế của mình mà biện bạch. Tôi dùng từ “họ” ở đây để chỉ hoặc lớp đệ tử đã dây máu ăn phần trong quá khứ, hoặc lớp lãnh đạo mới lên run rẩy trước viễn cảnh bị tước đoạt địa vị ăn trên ngồi trốc vừa kiếm được. Đó là lớp trợ thủ và hậu bị đang kế tục sự nghiệp của những kẻ chủ mưu vụ đảo chính thật, thủ phạm chính của vụ trấn phản tàn bạo mở đầu năm 1967, chứ không phải chính những kẻ đó, nay đã chết rồi.

Họ sợ vụ án bị xới lên sẽ dẫn tới thắng lợi của xu hướng dân chủ pháp trị, tới sự cáo chung không tránh khỏi của nền độc tài Đảng trị.

Nhà cầm quyền hiện tại rêu rao rằng những người bị bắt sở dĩ có lập trường đối lập với Đảng là do bất mãn, công thần, do đòi hỏi hưởng thụ.

Một sự bịp bợm trắng trợn.

Sự thật là: làn sóng chống đối đã hình thành một cách tự phát, từ bản năng bị đè nén, từ nhân phẩm bị chà đạp.

Đó chính là sự vùng lên của con người tự trọng đòi quyền sống, quyền làm người.

Nhưng dưới triều đại sắt thép của Duẩn - Thọ, sự vùng lên của những cán bộ bất tuân chỉ mang dáng dấp một cuộc vận động âm thầm cho những ý kiến của mình, mong chúng được lãnh đạo chấp nhận. Nghĩa là một cuộc đấu tranh hòa bình nhất, hiền lành nhất, không xứng đáng với bất cứ sự đàn áp nào.

Lê Duẩn quá cẩn thận trong việc bịt miệng đồng chí. Chỉ bằng những nghị quyết dựa trên đa số áp đảo, dựa trên những mánh khóe xảo quyệt của bộ máy tổ chức, bất cứ Đại hội Đảng[2] nào cũng chẳng mang lại được cái gì mới, đừng nói gì các Hội nghị Trung ương.

Câu hỏi được đặt thêm là: Lê Duẩn - Lê Đức Thọ cần gì phải dựng nên một màn kịch nhằm bôi nhọ các nhà cách mạng lão thành mà cuộc đời chiến đấu của họ đã chứng minh lòng trung thành vô hạn với cách mạng và vì thế không thể bôi nhọ nổi, trừ cách cả vú lấp miệng em?

Tổng hợp các dữ kiện tôi có, câu trả lời có tính thuyết phục cho câu hỏi đặt ra ở trên là thế này: sự hấp tấp vẽ ra một vụ đảo chính bất thành rõ ràng được tính toán như một đòn phòng ngừa nhằm vào đối thủ tiềm tàng đang nằm trong thế cờ có thể trở thành đối thủ thật sự lúc nào không biết.

Mối lo của liên minh Duẩn - Thọ không phải các cán bộ lão thành, tuy thoạt nhìn bề ngoài có vẻ là như vậy. Những người đó chỉ là mối lo cụ thể, thấy được bằng mắt thường. Mối lo thật sự làm cho Duẩn - Thọ ăn không ngon ngủ không yên chính là trí tuệ Việt Nam nằm trong những nhân vật cách mạng tiên tiến và tầng lớp trí thức, một lực lượng hàm chứa mối đe dọa lớn lao của một trào lưu âm ỉ không bao giờ tắt đòi tự do và dân chủ.

Đối thủ tiềm tàng này sẽ gạt bỏ họ, kẻ đại diện cho nền chuyên chế bị dân chúng vừa sợ hãi vừa ghê tởm, một khi xuất hiện tình thế cách mạng, thường liên quan với một biến động thế giới.

Những nhà cách mạng lão thành có đầu óc cấp tiến và các trí thức có tên tuổi chính là ngọn cờ duy nhất có hấp lực mạnh mẽ đối với quần chúng khát khao dân chủ và nhân quyền. Ngọn cờ này có khả năng trở thành một sức mạnh bất ngờ lật ngược tất cả nếu như tình hình quốc tế trở nên bất lợi cho Trung Quốc, cũng là bất lợi cho Việt Nam, là điều Duẩn-Thọ đủ thông minh để hiểu rằng nó không phải là cái chắc chắn không thể xảy ra. Tháng 12 năm 1963, khi họ cho ra Nghị quyết 9, tình thế không hề giống như cuối năm 1967.

Để đối phó với tình huống xấu nhất, nghĩa là thất bại của đường lối Mao Trạch Đông với những Đại nhảy vọt, Đại cách mạng văn hóa vô sản sẽ dẫn tới sự thay đổi ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, hoặc nặng nề hơn, thay đổi cả thể chế xã hội Trung Quốc, và tất nhiên, ở Việt Nam lúc đó cũng sẽ diễn ra sự thay đổi tương tự, Duẩn-Thọ đi nước cờ liều - bắt giam hàng loạt cán bộ, trong quân đội cũng như ngoài quân đội, cho ra vẻ có một âm mưu đảo chính thật.

Những bài bản của Mao trong việc loại trừ các tướng lĩnh, những người có khả năng thế chân Mao, được Lê Duẩn và Lê Đức Thọ coi như bảo bối. Người có khả năng ngồi vào ghế của họ là Võ Nguyên Giáp và các cán bộ được xếp vào cái gọi là Đoàn cán bộ Trung ương[3]. Cách tốt nhất để tiêu diệt đối thủ là dựng ra một âm mưu đảo chính. Để dựng ra một vụ âm mưu đảo chính không cần, không nhất thiết cần có bằng chứng (tất nhiên, tạo ra được những bằng chứng giả thì tốt hơn). Chỉ cần nửa kín nửa hở, sao cho nó tồn tại trong dân chúng bị bưng tai bịt mắt như một tin đồn có sở cứ, còn với nạn nhân của vụ trấn phản thì chỉ cần nặn ra được vài lời khai của đôi ba người nhát gan rằng họ có nghĩ tới, có trò chuyện với nhau về một âm mưu đảo chính là đủ.

Hoàng Văn Hoan lầm to khi cho rằng Lê Duẩn theo Khrushov chống Mao, Lê Duẩn là xét lại. Trên thực tế, Lê Duẩn gần với Hoàng Văn Hoan hơn bất cứ ai trong ban lãnh đạo Đảng thời kỳ đó. Cả hai đều là Tiểu Mao về tư tưởng. Cả hai cùng có chung một định hướng chính trị, một hình dung về thể chế xã hội, một cách cai trị. Họ không chơi được với nhau, không chung sống được với nhau, là do những cái khác. Hoàng Văn Hoan còn có trong mình nhân cách nhà nho, ông thích mô hình xã hội Mao vì cho rằng chỉ có nó mới bảo đảm chắc chắn cho thắng lợi của cách mạng vô sản, trong khi Lê Duẩn đã là người thực dụng, Lê Duẩn thích nó vì nó bảo đảm cho ông ta ngồi yên trên ghế độc tài. Những người biết Lê Duẩn nói rằng Hoàng Văn Hoan nhận xét chính xác về tính cách của Lê Duẩn. Theo Hoàng Văn Hoan, Lê Duẩn có tham vọng vô độ. Việc Lê Duẩn vội vã gạt Hồ Chí Minh ra khỏi quyền bính bộc lộ tham vọng này. Trong hành động Lê Duẩn là người duy lý, không thừa nhận tình nghĩa, không hợp tác được với ai mà không nghĩ tới chuyện hất cẳng họ. Lê Đức Thọ có không trung thành với Lê Duẩn sau này cũng chỉ là sự đi trước đối thủ một bước mà thôi. Chuyện màu sắc chính trị của Lê Duẩn thay đổi như da kỳ nhông lại là chuyện khác, nó thuộc về tính lá mặt lá trái của Lê Duẩn[4].

Khi chúng tôi bị khóa tay đưa vào Hỏa Lò, Lê Duẩn vừa đi Liên Xô về. Tại điện Kremli, Lê Duẩn lớn tiếng khẳng định quê hương Cách mạng Tháng Mười là Tổ quốc thứ hai của những người cộng sản Việt Nam, thề thốt sẽ bảo vệ tình hữu nghị giữa hai nước như con ngươi của mắt. Cùng lúc, ở trong nước ngành tuyên truyền ra sức ngợi ca chế độ toàn trị, hăm dọa trấn áp những ai muốn Việt Nam đi theo con đường dân chủ hóa vừa được hé mở tại Liên Xô, gọi họ là những phần tử pro-soviétique[5]. Tại những cuộc thuyết giảng nội bộ đám đệ tử Lê Duẩn tiếp tục chỉ trích những nghị quyết của Đại hội XX, gọi giai đoạn sau Khrushov là chủ nghĩa xét lại Khrushov không có Khrushov, đồng thời mập mờ đưa đẩy vài ba câu chống Mao, trong khi đó thì bộ máy trấn phản thì được lệnh hoạt động hết tốc lực để thu gom đám xét lại vào xà lim.

Trước khi bị bắt tôi đã nghe những tin đồn về sự lủng củng giữa những người anh em ruột thịt Trung - Việt. Ông Hồ Chí Minh có câu nói nổi tiếng về mối tình hữu nghị khăng khít ấy: “Việt Nam với Trung Quốc như môi với răng. Môi hở thì răng lạnh”. Sau này, khi hai bên day tay mím miệng đấm đá nhau rồi, đã cầm súng nã đạn vào nhau rồi, bằng cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, người ta mới tạo ra một nghĩa bóng cho nó, rằng Ông Cụ nhà ta giỏi lắm, nhìn xa trông rộng lắm, Cụ không ví hai nước Trung Việt như cái gì khác mà lại ví như môi với răng thì thông minh thật: môi hở đúng là răng lạnh, nhưng răng mà cắn thì môi đau, chứ ngoài cái sự mếu máo ra môi chẳng làm gì được răng hết[6]. Cách giải thích này được cả những người không ưa Hồ Chí Minh tán thưởng, với nụ cười giễu.

Duẩn - Thọ không ngu để bình thản ngồi yên chờ cái kết cục chắc chắn sẽ tới: buộc lòng thừa nhận sai lầm trong sự lựa chọn đường lối mao-ít. Thừa nhận mình sai trong việc lãnh đạo đất nước có nghĩa là thời của mình đã hết. Hậu quả không tránh khỏi là nhân sự trong ban lãnh đạo Đảng phải thay đổi: kẻ sai phải ra đi nhường chỗ cho người đúng.

Mà cái sai lớn cứ lừng lững hiện hình, mỗi lúc một rõ nét. Mặc dầu Đảng ra sức bưng bít mọi tin tức, nhưng nhờ thói quen hiểu ngược lại những gì phương tiện truyền thông độc quyền công bố, nhờ những người Trung Quốc chạy loạn bị bắt tại các tỉnh phía Bắc kể lại, mọi người đều biết ở nước Trung Quốc láng giềng đang xảy ra chuyện gì. Người Việt Nam không cần biết đường lối chính trị của Mao đúng hay sai, họ hiểu chính trị theo cách thực dụng của đời thường. Chẳng ai muốn sống như những người anh em bên kia biên giới đang phải sống: trong cuộc chiến nồi da nấu thịt thường trực, trong đạo lý suy đồi: con tố cha, vợ tố chồng, mạng người như mạng ngoé.

Trong nhân dân loan truyền nhiều tin đồn về việc quân Trung Quốc lập nhiều kho vũ khí bí mật trong các hang động ở miền núi. Để làm gì khi vũ khí trực chiến có thể để trong các lán gần các vị trí chiến đấu? Những vùng đóng quân của Trung Quốc chiếm diện tích rộng hơn mức cần thiết để làm gì?

Tại vùng mỏ Quảng Ninh, quân Trung Quốc ngang nhiên ngăn cấm người Việt Nam đi vào khu vực đóng quân của chúng, thậm chí bắt giữ các chuyên gia địa chất Liên Xô đi lạc. Chỉ đến khi chính quyền Việt Nam can thiệp, những chuyên gia này mới được thả. Trở về Hà Nội họ nói thẳng với thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nếu đến Việt Nam công tác, công dân Liên Xô phải xin visa[7] của Trung Quốc thì xin các đồng chí báo trước để về sau những việc tương tự không xảy ra nữa”. Nghe những lời mỉa mai cay đắng ấy, ông thủ tướng im như thóc.

Đó là chuyện thật mà giới báo chí chúng tôi được biết qua những thư ký riêng của các nhà lãnh đạo. Thuộc về những tin đồn còn có chuyện quân Trung Quốc và các đoàn chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam mang theo gia phả, thần phả để tìm của. Những kho vàng cực lớn mà quân xâm lược Tàu chôn giấu từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất và thứ hai được đào lên, được đúc thành những vật dụng thông thường như xẻng cuốc rồi đem sơn đen đi để chuyển về Tàu. Người ta kể kỹ sư và công nhân Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình đã khoanh vùng quản lý của họ rộng một cách hết sức phi lý. Sau mới biết họ làm thế để tìm một kho vàng, người ta nói thế. Mà không phải chỉ ở một Ninh Bình có chuyện đó. Chuyện người Tàu để của thuộc lĩnh vực huyền thoại, lĩnh vực chuyện dân gian truyền khẩu qua nhiều thế kỷ, tôi được nghe nhiều từ thuở còn thơ. Không hiểu người Tàu có mang gia phả, thần phả sang tìm của và họ có tìm được hay không, nhưng những tin đồn về vụ này chẳng cần có bằng chứng vẫn được nhân dân tiếp nhận như những tin xác thực, khỏi cần kiểm tra.

Việc Đảng cộng sản Việt Nam mời quân đội Trung Quốc vào nước mình là chuyện mọi người đều biết. Sở dĩ tôi phải nói cho chính xác “Đảng cộng sản Việt Nam mời” vì sự kiện quân đội Trung Quốc có mặt ở miền Bắc Việt Nam trước nay được hiểu như do Nhà nước Việt Nam mời vào. Thực sự không hề có một văn bản Nhà nước nào xác nhận vụ đó, cho dù Nhà nước Việt Nam trước nay vẫn chỉ là bộ máy tay sai của Đảng. Thỉnh thoảng Việt Nam Thông tấn xã lại phải cho ra một cái tuyên bố dõng dạc cải chính các nguồn tin nước ngoài về sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Việt Nam.

Trong công việc viết báo tôi thường có mặt ở những địa phương có quân Trung Quốc đóng[8], được nghe nhiều lời phàn nàn của dân chúng về chuyện Đảng và Nhà nước để quân Trung Quốc vào. Người ta tin cậy hỏi tôi như hỏi một cán bộ hiểu biết, hi vọng tôi giải đáp cho họ câu hỏi nhức nhối đó. Khốn nạn, tôi có thể nói được gì cho họ trong khi chính tôi cũng không hiểu nổi, và đôi khi còn không được biết nữa, những quyết định tự quyền của Duẩn - Thọ[9] trước khi chúng lộ ra, những quyết định cực kỳ ngu xuẩn mà, theo chúng tôi, chỉ có những thằng điên mới hành động như thế!

Trong số những nhà cách mạng lão thành có sư cụ Thiện Chiếu[10], rất danh tiếng trong giới tăng lữ và phật tử Nam bộ. Ông vốn là người yêu nước không đảng phái, do những hoạt động phục quốc mà bị chính quyền thuộc địa đày ra Côn Đảo. Ở đây nhà sư có những cuộc tranh luận nẩy lửa và kéo dài với những người cộng sản về con đường tương lai của dân tộc. “Giáo sư đỏ”[11] Bùi Công Trừng đã thuyết phục được Thiện Chiếu trong một cuộc thách đố, nhà sư thua cuộc quyết định gia nhập Đảng cộng sản. “Hổng có tổ chức nào tốt hơn cho công cuộc giải phóng dân tộc lúc bấy giờ”, ông nói. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông tập kết ra Hà Nội. Nhờ có Hán học uyên thâm, ông được cử sang Bắc Kinh làm chuyên gia Việt ngữ cho Nhà xuất bản ngoại văn Trung Quốc.

Vào năm 1961, từ lâu trước khi có nghị quyết 9, từ Bắc Kinh sư Thiện Chiếu viết thư về cho Trung ương: “Tôi muốn chắp cánh bay về phương Nam để cấp báo các đồng chí biết rằng chớ có tin Mao Trạch Đông. Nó là một con ác quỷ... ” Ông lập tức bị Hồ Chí Minh hốt hoảng triệu về nước. Ông về, sống lầm lũi một mình trong một căn phòng nhỏ được cấp theo tiêu chuẩn. Người ta cho ông một chỗ làm để không làm gì cả ở Uỷ ban Khoa học Xã hội, với chức danh chuyên viên triết học. Tết Ất Tỵ (1965), thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp[12] tới thăm ông, hỏi ông sao Tết đến mà hương lạnh khói tàn, thì ông già Thiện Chiếu đi cuồng trong căn phòng hẹp mà kêu lên: “Còn vui chi mà nói chuyện Tết nhứt! Tết này ta tưởng nhớ tới Quang Trung! Tổ tiên đổ biết bao nhiêu xương máu mới đuổi quân xâm lược ra ngoài bờ cõi, nay con cháu rượu thịt rước chúng vào nhà, ta ăn Tết sao đang!” Thứ trưởng họ Hà thấy ông già ăn nói bặm trợn hãi quá, đặt vội quà Tết lên bàn, rông thẳng.

Nhà báo Thái Hồng thường tới thăm sư Thiện Chiếu, thỉnh thoảng kéo tôi theo. Cha Thái Hồng là một nhà cách mạng đàn em của sư Thiện Chiếu, cho nên nhà sư rất quý anh. Gặp nhà sư tôi có cảm giác như gặp một hiệp sĩ Trung cổ. Ông có cốt cách nho sĩ, cái cốt cách vừa thư thái vừa ngang tàng, thà chết không cúi đầu. Trong ông nhức nhối tấn bi kịch của thế hệ cha chú tôi: một mặt ông vẫn tin vào Đảng ông tự hào vì quá khứ vinh quang của nó, mặt khác là sự thoái hóa nhục nhã trong hiện tại, cũng của nó, mà ông không thể không thấy. Ông nói ra chính kiến của ông ở bất cứ đâu, với bất cứ ai, không nể nang, không biết sợ. Một lần gặp Lê Đức Thọ, nhà sư hỏi thăm sức khoẻ, Lê Đức Thọ kêu thường bị đau đầu vì làm việc nhiều, ông cười: “Mầy còn cái đầu để mà đau kia à?” Đồn rằng Lê Đức Thọ muốn trị ông già bướng bỉnh lắm, nhưng Lê Duẩn còn ngần ngại điều chi đó không cho phép.

Đó là quang cảnh thời kỳ trước khi có vụ bắt bớ nhóm xét lại chống Đảng.

Mấy buổi làm việc tiếp theo Huỳnh Ngự đeo chặt tôi như một con đỉa. Y một mực xoáy vào chuyện đảo chính. Phỉnh phờ có, dụ dỗ có, hăm dọa có. Mọi mánh khóe được sử dụng chỉ cốt nặn ra một lời thú nhận rằng tôi có nghe ai đó - tướng Đặng Kim Giang, tướng Lê Liêm, cha tôi, Hoàng Minh Chính, hoặc một nhân vật nào khác thuộc khối quân đội, không kể cấp bậc, bất kể là ai, nói tới hai từ này.

- Tui đã nói rồi, nói nhiều lắm rồi, - Huỳnh Ngự ghé sát vào tai tôi mà khuyến dụ, mà chì chiết bằng cái giọng rin rít - rằng anh không cần phải nhớ chính xác ai nói, nghe loáng thoáng cũng được, cũng cứ báo cáo cho Đảng... Việc của chúng tôi là tìm hiểu thêm, làm rõ thêm, rồi bổ sung vào báo cáo của anh cho đầy đủ...

- Nhưng tôi có nghe ai nói gì đến đảo chính đâu!

- Thời mới phải nghĩ. – y gắt - Con người ta ai cũng vậy, nghe mà không chú ý thời quên, nhưng bình tĩnh mà nhớ lại thời nhớ ra... Anh cũng phải nghĩ tới ngày về với gia đình chứ.

- Tôi không có gì để nói.

- Vậy thời anh rũ tù. Hiểu chưa: rũ tù!

Tôi không buồn cãi lại. Tôi không hề có ý định làm anh hùng. Chẳng ai cần tới sự dũng cảm của tôi. Nguyên nhân của sự dũng cảm bất đắc dĩ là tôi không sợ chết. Cuộc sống của tôi chẳng đẹp đẽ đến nỗi phải bám chằng chằng lấy nó. Tất cả những gì diễn ra trước mắt làm tôi chán ngán đến cùng cực. Sau sự việc xảy ra với tôi, tôi tin rằng có những người trở thành anh hùng chỉ vì không thiết sống.

Cái sự viết những những bản cung khai không đơn giản, lại càng không dễ dàng. Trước hết, không được viết ra những điều có thể gây ra những tổn thất không đáng có cho bạn bè, và nói chung, cho những người tốt vốn đã hiếm hoi. Lại phải viết sao cho những tên đọc bản cung, như Huỳnh Ngự và các quan thầy của y, dù không hài lòng cũng không thể hỏi đi hỏi lại mãi. Phải cân nhắc từng chữ để bọn hỏi cung không thể dùng những bản cung của mình mà loè những anh em đã bị bắt nhằm buộc họ phải cung khai. Cũng không thể viết những điều mà sau đó chúng có thể dùng như bằng chứng về sự nhận tội hèn hạ, để bôi nhọ phẩm giá của mình.

Huỳnh Ngự làm tôi quá mệt. Nói thật, tôi mệt đến nỗi sẵn sàng đầu hàng y nếu như y hài lòng chỉ với một lá cờ trắng. Nhưng không hơn. Tôi không thể nghe theo y để bước qua cái ngưỡng đạo đức mà một người tự trọng không thể bước qua.

Tôi đoán Huỳnh Ngự, cũng như cả bọn chấp pháp tay sai của Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn đã thất bại trong cố gắng ép cung, mớm cung những người trong vụ, và giờ đây họ hi vọng rằng với sự non dại của tôi, tôi sẽ cho họ cái khẩu chứng mà họ cần để dùng nó ép tiếp cha tôi và những người khác.

Tội của tôi trong con mắt Huỳnh Ngự không phải chỉ có thế. Tôi còn nhiều tội tày trời khác.

- Anh là láo lắm, anh dám kêu Mao chủ tịch, lãnh tụ giai cấp vô sản toàn thế giới bằng Mao xếnh xáng. - một lần giữa buổi hỏi cung y quát tôi - Đúng vậy không? Hay anh lại cãi, lại biểu tụi tui vu cho anh?

Ai báo cáo với bọn chúng chuyện này nhỉ?

Tôi nghi đó là nhà thơ Hoàng Nguyên Kỳ, bí thư chi bộ tờ báo chúng tôi. Tôi chơi thân với Hoàng Nguyên Kỳ, chỉ với anh tôi mới dám nói bạt mạng, không giữ gìn. Bí thư chi bộ có trách nhiệm báo cáo về tình hình cơ quan cho tổ chức và cho công an. Anh làm công việc của anh. Mà cũng có thể không phải anh, tôi không dám nói chắc. Trong cơ quan nào chả có người của công an. Mình có thể lỡ lời lắm. Ai nắm tay được tới sáng?

Nhạo báng lãnh tụ là tội rất nặng. Là dân thường mắc phải tội này bị tập trung cải tạo là cái chắc. Lãnh tụ không phải chỉ có Hồ Chí Minh hay Trường Chinh trước kia hoặc Lê Duẩn bây giờ, Lênin hay Stalin, mà Mao cũng lãnh tụ, Kim cũng lãnh tụ, cả Ceausescu[13] cũng lãnh tụ nốt. Với Huỳnh Ngự thì Trần Quốc Hoàn cũng là lãnh tụ luôn.

- Đúng, tôi có nói như vậy. - tôi nói.

Huỳnh Ngự khoan khoái:

- Có vậy chớ! Tui tưởng cả chuyện nầy anh cũng chối.

- Nhưng ai đã báo cáo chuyện vớ vẩn ấy với cơ quan an ninh? Mỗi câu nói nằm trong một văn cảnh có một nghĩa cụ thể. Chuyện nói cho vui cũng đôn lên thành tội được.

- Anh muốn biết người nói làm chi? - Huỳnh Ngự lườm tôi - Người ta thấy anh sai thời người ta báo cáo. Vừa là bảo vệ cách mạng, vừa để uốn nắn cho anh. Dám gọi Bác Mao như vậy thiệt bậy quá, bậy quá!

Tôi chẳng biết nên nói gì với y.

- Có gì đâu. - đành phải nghĩ ra một cách giải thích - Tôi đi qua Trung Quốc nhiều lần, thấy ở bên ấy người ta gọi nhau là xếnh xáng, nghe cũng vui vui. Nghĩa của nó là tiên sinh, là sự kính trọng đối với người ra đời trước mình, chứ không có gì xấu. Nói tào lao với anh em tôi cũng bắt chước gọi các vị ở bên Tàu là xếnh xáng. Tôi nghĩ gọi chủ tịch Mao Trạch Đông là Mao xếnh xáng cũng như gọi Mao tiên sinh thôi, đâu có gì là bất nhã.

Huỳnh Ngự xì một tiếng:

- Chỉ được cái vụng chèo khéo chống! May cho anh, nếu ở Trung Quốc chắc anh không còn sống được tới hôm ni. Có khi chết không toàn thây.

Tôi may thật. Nếu là người Trung Quốc chắc tôi đã bị giết rồi.

Một anh bạn tôi trên đường quá cảnh Trung Quốc về Việt Nam đã mắt thấy loạn Hồng vệ binh trong Đại cách mạng văn hoá vô sản là thế nào. Anh kể Bắc Kinh nhung nhúc những toán quân trẻ măng vận đồ lính, chỉ khác màu. Nếu quân phục màu xanh lá cây thì đồng phục của bọn này màu xanh thẫm, như quần áo công nhân. Đó là những đứa trẻ thật sự, còn trong tuổi học trò, bị Mao tâng bốc là người chủ không phải trong tương lai mà ngay hiện tại của đất nước, những nhà cách mạng đích thực, đang mải mê chơi trò cách mạng, với vũ khí là gậy gộc trong bàn tay ngứa ngáy. Chúng hò hét om xòm các khẩu hiệu cách mạng, chạy cuồng trên đường phố, tay vung cao Mao tuyển đỏ rực màu máu Trống phách ầm ầm. Dân chúng chạy ngược chạy xuôi, mặt nhớn nhác trong một thành phố lòe loẹt đại tự báo giống như một nhà táng khổng lồ.

Lúc tàu dừng ở ga Vũ Xương, một đám nhóc Hồng vệ binh tràn lên các toa. Hỏi giấy, biết anh bạn tôi là người Việt, chúng tha cho, bắt ngồi yên một chỗ. Hồng vệ binh chỉ hành người Trung Quốc, chúng khảo Mao tuyển khắp lượt, không chừa người nào[14], rồi bỏ đi. Đã tưởng bọn chúng đi là thoát, nhưng không phải. Tàu sắp chuyển bánh lại thấy một nhóm Hồng vệ binh khác mặt đỏ bừng bừng lao lên các toa tàu. Chúng rượt theo một người đàn ông đứng tuổi. Bị chúng tóm được trong phòng vệ sinh của toa anh bạn tôi ngồi, ông ta hô rầm lên “Mao chủ tịch vạn tuế!”, “Đảng cộng sản vạn tuế!”, tức thì chúng bắn chết tươi. Không ai biết ông ta phạm tội gì. Cái xác cứ nằm mãi trước phòng vệ sinh, hai cẳng chân đen đủi thò ra ngoài hai ống quần rung rung theo nhịp tàu chạy. Hành khách ngồi im thin thít, không ai dám rời chỗ để giảm đi sự căng thẳng trong bụng và trong lòng. Nhân viên đường sắt cũng sợ xanh mắt. Không ai dám dọn cái xác đi. Đưa nó xuống một ga nào đó trên đường có thể bị buộc tội cảm tình với phái hữu. Vứt nó xuống trong khi tàu chạy thì không nỡ.

Nói chung, tình hình Trung Quốc trong Đại cách mạng văn hóa vô sản vô cùng rối ren, thứ tình hình được gọi là loan xi pa chao, nghĩa là loạn xị bát nháo.

Dân chạy loạn Hồng vệ binh bên Tàu không như ta hình dung. Không có một thứ Hồng vệ binh đồng nhất. Có loại Hồng vệ binh rất ác, có loại ác vừa, có loại ác ít. Thảng hoặc mới gặp Hồng vệ binh hiền. Bọn Hồng vệ binh đặc biệt ác đi đến đâu phá phách đến đó. Chúng xông vào chùa chiền, lăng tẩm đập phá không tiếc tay. Sách báo trong các thư viện bằng tiếng nước ngoài bị lôi ra đốt sạch, trong đó có những sách rất quý mà nhiều thế hệ trí thức Trung Quốc tốn đã không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc mới gom được. Một giám đốc thư viện thậm chí phải quỳ xuống, rập đầu vái chúng như tế sao: “Trăm lạy các tiểu tướng! Ngàn lạy các tiểu tướng! Xin các tiểu tướng giết tôi, xin đừng đốt sách!”. Chúng dong những giáo sư đầu bạc khắp phố phường, sỉ nhục họ vì họ phạm tội đầu độc sinh viên bằng những tư tưởng phi vô sản. Chúng lấy thắt lưng quật nát tay một sinh viên nhạc viện vì tội trốn hạ phóng, sợ lao động chân tay. Anh sinh viên này sau trốn sang Anh, được giải thưởng vĩ cầm quốc tế.

Mao là một thầy phù thủy vĩ đại. Chỉ ông ta mới biết cách tạo ra thứ âm binh - vệ binh kỳ lạ như thế.

Anh Vũ Bội Kiếm, bạn thân của tôi thời tiểu học, kể rằng trước khi về nước anh liều mạng đến chia tay với thầy học, một chuyên gia khí tượng cỡ thế giới. Liều mạng, vì ông giáo sư đang bị đấu như một phần tử phái hữu. Mới qua có mấy tháng mà ông già đi cả chục tuổi. Gày rộc, hốc hác, ông ngồi ủ rũ trong căn phòng tối, không dám bật điện. Tiếp Vũ Bội Kiếm, ông khóc tức tưởi dặn anh về đến Việt Nam phải lập tức báo cáo ngay cho lãnh đạo nước mình biết việc đang xảy ra ở đây. Chớ để Việt Nam sa vào vết xe đổ, ông nói, kẻo có ngày nền khoa học trẻ của các anh bị san bằng để rồi phải khởi sự từ đầu. Về nước, Vũ Bội Kiếm im lặng. Anh hiểu rằng có nói cũng chẳng ai nghe, mà còn nguy hiểm. Trên báo Nhân Dân[15], dưới những hàng tít đậm, thành tích đập phá của Hồng vệ binh dưới sự lãnh đạo của Mao chủ tịch vẫn được ca ngợi hết lời.

Chẳng riêng Vũ Bội Kiếm, anh là thần dân quá bé nhỏ để có thể vừa có gan vừa có khả năng kêu thấu cửu trùng. Dám nói lên nhận xét trung thực về tình hình Trung Quốc chỉ có một số rất ít cán bộ mao-ít về quan điểm nhưng chững chạc về tư cách như phó tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã Lê Chân. Sau một chuyến thăm Trung Quốc anh đã không đừng được để không viết một bản tường trình gửi Trung ương, đề nghị Trung ương phải rất thận trọng với những kinh nghiệm Trung Quốc. Tất nhiên, bản tường trình bị bỏ vào sọt rác, người báo cáo bị gọi lên xát xà-phòng vì tội có cái nhìn sai lạc đối với thực tế cách mạng ở nước đàn anh. Thật ra, trong bản tường trình về tình hình Trung Quốc, Lê Chân cũng không dám nói một lời phê phán Đại cách mạng văn hóa vô sản, anh chỉ khách quan trình bày những gì anh thấy - cảnh lộn xộn tại Bắc Kinh, những giáo sư bị sinh viên đánh đập, những di tích lịch sử ở Di hòa viên, ở Cố cung, Thiên đàn, Thập tam lăng bị Hồng vệ binh phá phách. Anh tả lại cuộc gặp gỡ với người bạn đồng nghiệp, nguyên trưởng phân xã Tân Hoa tại Hà Nội, trong bộ quần áo rách rưới, cái nhìn lấm lét, và những lời lẽ ấp úng. Nguyên trưởng phân xã Tân Hoa khi ở Hà Nội là một mao-ít không ai có thể nghi ngờ. Anh trích lời phát biểu của các sinh viên Bungaria, Anbania, Rumania mà anh gặp khi tới thăm trường đại học Thanh Hoa. Những sinh viên này giận dữ lên án hành động man rợ của Hồng vệ binh và quyết định rời Trung Quốc, vì ở đây đang diễn ra sự hủy diệt bất cứ cái gì là văn hóa. Tôi được đọc bản tường trình của Lê Chân do một uỷ viên Trung ương cho mượn. Không ngờ con người bị chúng tôi coi là mao-ít như anh lại có dũng khí viết sự thật như thế. Tôi thấy mình sai lầm khi nhìn con người. Con người không đơn giản để ta có thể cho nó vào một cái khuôn đo lường nhằm xác định nó là cái gì. Nó chẳng bao giờ rõ ràng trắng đen, thiện ác, xấu tốt. Nó phức tạp hơn nhiều. Trường hợp Lê Chân là một thí dụ. Một năm trước, khi tôi cùng với anh đi thăm nông trường Sao Vàng ở miền cao Thanh Hóa, Lê Chân còn hào hứng tán dương Đại cách mạng văn hóa vô sản. Anh cho rằng Đại cách mạng văn hóa vô sản là sự tiếp tục của cách mạng bạo lực giành chính quyền. Anh nhìn thấy trong Đại cách mạng văn hóa vô sản sứ mệnh của giai cấp vô sản thế giới là “phải đập tan mọi cái cũ để xây cái mới”.

Vũ Bội Kiếm còn kể cho tôi nghe những chuyện thực mà như bịa ở Trung Quốc. Tại trường đại học Thanh Hoa, Giang Thanh[16] nhảy lên diễn đàn không phải để nói về cuộc cách mạng toàn thế giới mà Trung Quốc đỏ đang bắt đầu với Đại cách mạng văn hóa vô sản, mà vò đầu bứt tai kể nỗi khổ của bà ta trong gia đình chồng. Bà tố cáo lũ con chồng miệt thị bà, hành hạ bà, nhất là đứa con dâu cả. Cho dù những chuyện đó có thật cũng không phải cái để phô ra công chúng. Nhưng ở bên Tàu khác: Giang Thanh là lãnh tụ Hồng vệ binh, xúc phạm Giang Thanh là xúc phạm Hồng vệ binh, là nhục mạ cách mạng.

Cũng trên diễn đàn trường này, Hồng vệ binh Bắc Kinh to tiếng chửi bới Hồng vệ binh Đường Sơn ỉa bậy, biến thủ đô thành một nhà xí hôi thối.

Hồng vệ binh Đường Sơn giằng lấy micrô chửi lại, nói không phải họ bậy, mà Hồng vệ binh Thiên Tân bậy.

Hồng vệ binh Thiên Tân nhẩy lên chửi Hồng vệ binh Đường Sơn nói láo, rồi rút Mao tuyển ra chỉ vào một trang. Này đây, lời Mao chủ tịch dạy rành rành: “Không điều tra không có quyền phát ngôn”.

Hồng vệ binh Đường Sơn gạt người Thiên Tân ra, cũng chỉ vào Mao tuyển: “Người nói không có tội, người nghe phải sửa mình”.

Giằng co chán, chửi nhau chán, họ choảng nhau. Cảnh sát thổi còi te te nhảy vào, cũng lại rút Mao tuyển để giở một trang khác, đọc to cho mọi người cùng nghe, trong đó cũng lại Mao chủ tịch dạy rằng: “Mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân không phải là mâu thuẫn địch ta, phải giải quyết bằng hiệp thương”.

Tôi không hề có ý kể chuyện tiếu lâm. Tôi đang kể chuyện thật. Trong chuyện thật như đùa này có cả máu. Nhiều người đã bỏ mạng trong câu chuyện đang làm chúng ta cười.

Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông trị vì không bao giờ có được một thời kỳ bình ổn lâu dài. Thỉnh thoảng Mao Trạch Đông và đám đệ tử ông ta lại quậy một chặp, làm cho đất nước nát như tương trong một phong trào nào đó, khi tam phản, khi ngũ phản, khi thất bát phản, không còn biết đàng nào mà lần. Tôi ngờ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng học được bài học này ở họ Mao – hết chống cái này đến chống cái khác, cũng làm lung tung cả lên để rồi tự tung hô mình sáng suốt giữ được xã hội ổn định. Nguyễn Tuân nói xỏ trong một tuỳ bút: “Nước ta giàu và đẹp, nhưng lắm điều bất tiện: không hạn thì úng, không bão thì lụt, thành thử lúc nào cũng phải có một cái gì để mà chống”.

Có lẽ vì thế mà các vị ấy cứ khăng khăng coi đường lối Mao Trạch Đông là đúng[17] và nhất nhất noi theo.

Huỳnh Ngự thấy có trách nhiệm phải soi sáng cho cái đầu bị thịt của tôi. Với bộ mặt bề trên chiếu cố, y kiên nhẫn giảng giải cho tôi hiểu vai trò của các đảng mác-xít - lênin-nít trong “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối”, đặc biệt là vai trò của Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng Lao động Việt Nam. Cứ như y nói thì duy nhất chỉ có hai đảng này ở châu Á là thực sự tích cực trong việc bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lênin, chứ còn các đảng khác thì cho dù có đứng về phía chủ nghĩa Marx chân chính lập trường cũng còn lơ mơ lắm. Y không tiếc lời thóa mạ các đảng cộng sản Pháp, Ý, Tây-ban-nha, chỉ trích gay gắt các đảng cộng sản Triều Tiên, Rumani, Anbani. Cứ như Huỳnh Ngự của tôi đang ở trên diễn đàn một hội nghị quốc tế.

Trên báo chí thế giới đã có nhiều bài viết về chuyện tẩy não trong nhà tù xã hội chủ nghĩa. Không biết với người khác thế nào, chứ với tôi những bài thuyết giảng bữa đực bữa cái chen vào giữa buổi hỏi cung là hành động tẩy não duy nhất. Không có chuyện bắt người bị tẩy não học thuộc lòng, chỉ có sự nói dai như chão rách của kẻ tẩy não về chủ nghĩa Marx, về đường lối chính sách của Đảng, sự dọa nạt về hậu quả sẽ đến với anh nếu anh không thông.

Nghe chướng tai quá, đôi lần tôi nhẹ nhàng bác Huỳnh Ngự điểm này điểm khác, cố gắng nói cho y nghe đôi chút về chủ nghĩa Marx chính bản, thì y hét rầm lên: “Anh vô đây không phải để cãi lý với tui. Tui không lý luận với anh!”.

Hét rồi y lại ôn tồn:

- Anh phải hiểu rằng đường lối của Đảng ta trước sau như một là kiên quyết dắt dẫn nhân dân ta thẳng tiến trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, không quản mọi hy sinh, gian khổ. Đường lối của Đảng là duy nhất đúng đắn và vô cùng sáng suốt. Đảng kiên quyết tiêu diệt mọi kẻ thù bên ngoài cũng như bên trong, không cho chúng phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Kẻ nào nói khác với Đảng đều là chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội. Mọi biểu hiện xét lại, hữu khuynh đều là nấm độc, là cỏ dại, phải nhổ cho bằng hết. Tui tiếc cho các anh, đi theo Đảng đã nhiều năm, lẽ ra phải trung thành rất mực, phải tự hào về Đảng ta, về nhân dân ta thì các anh lại nghển cổ hớp từng lời lếu láo của bọn phản bội xét lại hiện đại...

Y thở dài thương tôi ngu.

Vào cuối giờ một buổi hỏi cung, tôi vờ giương đôi mắt nai tơ lên nhìn y rồi hỏi bằng giọng ngập ngừng:

- Thưa bác, căn cứ những điều bác hỏi tôi, tôi mới chỉ đoán phỏng, xin bác giải đáp cho tôi rõ: phải chăng ở ta có một âm mưu đảo chính thật?

Huỳnh Ngự quắc mắt lên, nhìn tôi chằm chằm.

- Đó chính là cái anh phải khai ra, chớ không phải cái để anh hỏi tui. Đừng có vờ vĩnh.

- Tôi không biết thật mà. Chỉ sau khi được bác hỏi tôi mới hiểu rằng có cái đó...

- Tui chỉ hỏi anh có khi mô anh nghe thấy ai nói tới hai tiếng đảo chính không mà thôi. Rõ chưa?

Khó hiểu quá. Y muốn tôi khai về âm mưu đảo chính, mà khi tôi nhắc lại lời y thì y giãy nảy, không chịu khẳng định.

- Rõ rồi. Sở dĩ tôi phải hỏi lại là vì tôi chưa từng nghe thấy từ miệng những người tôi quen hai chữ ấy.

Huỳnh Ngự cười nhạt.

- Vậy mà thằng Kiến Giang[18] lại nói khác anh đó... Tui muốn tin anh, nhưng trong trường hợp này tui tin thằng Kiến Giang hơn. Nói chung, anh chưa bao giờ khai báo trước mọi người được một điều gì. Toàn người ta khai rồi, mới đến lượt anh.

- Anh Kiến Giang nói cái gì?

- Thằng Kiến Giang khai khi hắn nói, anh có mặt.

- Tôi nhắc lại một lần nữa: tôi không nghe thấy ai nói tới đảo chính. Cả Kiến Giang, tôi cũng không nghe. Nếu anh Kiến Giang nói thế thì cứ đem hai bên ra đối chất. Đối chất là cách tốt nhất để tìm ra sự thật.

Huỳnh Ngự cười xuê xoa:

- Thôi, thôi, nếu hắn nói không đúng thời biểu là không đúng, việc chi mà bực bội. Tôi chỉ đặt câu hỏi, anh nghe, suy nghĩ rồi trả lời. Coi như tôi ra cho anh cái đầu bài. Lúc nào anh nhớ ra, nghĩ lại, thấy trả bài được thì trả bài. Bất cứ lúc nào - ban ngày, buổi tối, nửa đêm. Anh chỉ cần nói với ông quản giáo để ông quản giáo báo lại cho tui biết.

Thấy tôi trở về đăm chiêu hơn mọi ngày, Thành hỏi:

- Cậu làm sao vậy?

- Lại cãi nhau. - tôi thác qua chuyện khác - Tôi vẫn chưa được viết thư về nhà. Tới hôm nay gia đình tôi vẫn chưa biết tôi ở đâu. Khốn nạn, chúng nó bày trò bắt cóc tôi để làm gì kia chứ?

- Mặc kệ đời đi, cậu ơi!- Thành ái ngại - Nghĩ ngợi làm quái gì. Mà đâu phải chỉ người ta gây ra cho cậu. Cậu cũng gây ra cho cậu đấy chứ...

- Anh vẫn cho rằng tôi có tội nên người ta mới bắt? - tôi bực bội - Anh vẫn không tin?

- Không phải. Tôi muốn nói nhân nào thì quả ấy. Chúng ta xây dựng nên chế độ này chứ có phải nó từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất mọc lên đâu... Thôi thì ráng mà chịu cái quả sinh ra từ cái nhân ta gieo. Chung quanh ta là bốn bức tường bê-tông cốt sắt. Có chết ở nơi này cũng chẳng ai biết, suy nghĩ phỏng có ích gì?

Một câu hăm dọa chăng?

Xem ra Thành không có ý ấy. Anh bình thản quay mặt vào tường chuẩn bị cái nghi thức trang trọng cho điếu thuốc lào. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi hút thuốc lào mặt anh nghiêm trang hẳn, trông đến tức cười.

Tôi đã ở đây bao lâu rồi? Nửa tháng, hai mươi, hai mươi nhăm ngày?

Tôi quên thời gian rồi sao? Có vẻ tôi quên thật. Nhờ quên được tôi mới chịu đựng nổi cảnh tù ngục, rất nặng nề trong thời gian đầu. Nhưng sao lại thế nhỉ? Chẳng lẽ ý chí đã giúp được tôi chìm vào quên lãng? Không, ý chí chỉ giúp tôi tập trung tư tưởng cao độ để đối phó với những mánh khóe của Huỳnh Ngự. Chứ giờ đây, nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy hình ảnh vợ tôi, hai đứa con tôi hiện lên với đầy đủ những nét thân thương. Nhưng rõ hơn cả là hình ảnh mẹ tôi. Bà như đang đứng trước mặt tôi, trong xà lim. Tôi nhìn rõ những sợi tóc bạc của bà, những nét nhăn trên trán, đôi mắt cương nghị và cái nhìn trìu mến. Không có ai trên đời nhìn tôi như thế. “Chết đứng hơn sống quỳ, con ạ!”, mẹ tôi nói.

- Nghĩa là ta phải sống thế nào?

- Tôi muốn nói: con người phải ý thức được phận mình. - Thành thủng thẳng - Mình đã rơi vào đây thì cứ cầm bằng chết rồi là hơn. Có thế sống mới dễ. Có thế mới biết cách mà xử sự sao cho vừa phải, để mình dù chết cũng chết trong trong sạch. Thật đấy, đã vào đây con người không còn là người nữa. Cứ như thể Hỏa Lò là một lằn ranh, bước qua nó mình hết là mình. Có lẽ mục đích của nhà tù là thế. Nó làm cho mình có cảm giác rời bỏ cái thế giới mà mình sống, rời bỏ hẳn, không trở lại...

- Chỉ có nhà tù ta mới như vậy. – tôi nói - Nhà tù khác đâu có thế.

- Tôi không biết ở các nhà tù khác thế nào, nhưng tôi nghĩ trên thế giới chắc cũng có những nhà tù giống nhà tù mình.

Tôi hiểu anh muốn ám chỉ nhà tù của phát-xít Đức. Hoặc của Trung Quốc.

Buổi tối, tôi nghe có tiếng búa đóng giống như tiếng đóng nắp ván thiên.

- Anh đã thấy những cái chết trong xà lim chưa?

- Thấy chứ. Tội nghiệp lắm.

- Nó thế nào?

- Còn thế nào nữa! Tù xà lim chết một mình một bóng. Không ai vuốt mắt, không được rửa tội, thậm chí muốn chia tay với các bạn tù cũng không được. Một cái giấy báo tử, thế là hết. Không giải thích. Không chia buồn. Đã có một con người. Rồi không có nó nữa. Thế thôi. Tù chết đã có tù sống chôn. Trong nghĩa địa tù. Mạng con người, cậu ơi, ở nước ta rẻ lắm.

- Người ta không khám nghiệm y tế để kết luận về nguyên nhân cái chết sao?

Thành cười gằn, khe khẽ.

- Sẽ có một biên bản chứ. Một mảnh giấy ghi loằng ngoằng vài chữ, do một y sĩ tốt nghiệp bổ túc[19] ký tên. Mà cũng chỉ làm để đấy, người nhà không đòi thì cũng chẳng ai cho xem. Phần nhiều người ta không dám đòi. Đòi xem biên bản là thiếu tin tưởng ở Đảng...

Tôi nghĩ tới cái chết của tôi. Tôi cho rằng không nên ngu để sống một đời tù không biết đến ngày về.

- Thế cho nên chẳng suy nghĩ làm gì cho thêm đau lòng. Đời tù nó thế. Biết điều để chấp nhận thì sống nhẹ nhàng hơn. Không biết điều, cứ giãy giụa chỉ tổ trầy da sứt vẩy...

Chúng tôi nằm im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ.

Anh không có ý dọa tôi. Chẳng qua ở xà lim lâu người ta dễ thành triết gia vườn.


[1] Trong Bộ luật hình sự không có tội danh này. Tuy nhiên, nó được sử dụng tùy tiện như rất nhiều tội danh khác, đại loại như tội "xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước" hoặc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" vv…

[2] Theo cách thức họp Đại hội được Ban tổ chức Trung ương đề ra thì các đại biểu được các cấp cơ sở bầu đi dự Đại hội còn phải qua cái gọi là "xét duyệt tư cách đại biểu" rồi mới được công nhận là đại biểu chính thức. Việc "xét duyệt tư cách đại biểu" thuộc thẩm quyền Ban Tổ chức Trung ương. Bằng cách đó, Thọ gạt ra ngoài bất cứ ai không được lòng Ban lãnh đạo Đảng đương nhiệm, để ban lãnh đạo này tiếp tục nắm quyền trong khóa sau.

[3] Đoàn cán bộ Trung ương không phải là một tổ chức mà là cách gọi các cán bộ có thâm niên công tác cách mạng, lực lượng được gọi là kế cận, thường được Bộ Chính trị bổ xung vào Trung ương khi cần thiết.

[4] Xem Giọt Nước Trong Biển Cả của Hoàng Văn Hoan (không rõ nhà xuất bản).

[5] Pro-soviétique (tiếng Pháp) = thân Liên Xô.

[6] Hóa ra không phải Hồ Chí Minh là người đầu tiên ví Việt Nam và Trung Quốc như môi với răng. Vào tháng 4. 1941, khi những người cách mạng Việt Nam tổ chức Đại hội thành lập "Việt Nam dân tộc giải phóng đồng minh hội" ở Tịnh Tây (Hoa Nam), chủ nhiệm hành dinh khu Tây Nam của quân đội Thưởng Giới Thạch là Lý Tế-thâm có gửi đến một bức trướng với bốn câu thơ mừng:

Trung - Việt dân tộc

Thuần xỉ quan thiết

Tiền sỉ đồ tồn

Duy thuyết dữ huyết

Hoàng Văn Hoan dịch ra tiếng Việt:

Hai dân tộc Trung - Việt

Như môi răng quan thiết

Rửa nhục mưu sống còn

Chỉ có sắt và huyết

(Hoàng Văn Hoan, Giọt Nước Trong Biển Cả, tr. 154, in tại nước ngoài, không rõ nhà xuất bản)

[7] Chiếu khán.

[8] Quân Trung Quốc đóng trên lãnh thổ toàn khu mỏ Quảng Ninh, toàn khu tự trị Việt Bắc, một phần khu Tây Bắc và dọc theo quốc lộ 1 tới tận Yên Sở (phía Nam Hà Nội).

[9] Sự kiện "Bác và Trung ương yêu cầu Mao chủ tịch cho quân đội Trung Quốc vào bảo vệ miền Bắc Việt Nam" (Hoàng Văn Hoan, Giọt Nước Trong Biển Cả, sách đã dẫn) đến nay mọi người đều đã biết. Tinh thần bảo vệ Tổ quốc theo kiểu mời giặc vào nhà còn thể hiện trong việc thủ tướng Phạm Văn Đồng thừa nhận lãnh hải do Trung Quốc tuyên bố trong một công hàm gửi Tổng lý Quốc vụ viện Chu Ân Lai năm 1958, mà nội dung chính là cùng với việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên các hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ban lãnh đạo Đảng cộng sản chỉ cốt để hai quần đảo này không lọt vào tay Việt Nam Cộng hòa.

[10] Hoà thượng Thích Thiện Chiếu (1898-1974), tên thật là Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Sáng, bút hiệu Xích Liên. Năm 1940 tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, bị chính quyền thuộc địa đầy đi Côn Đảo. Tác giả nhiều sách về Phật giáo: Phật học vấn đáp, Phật giáo tổng yếu, Phật giáo và Vô thần luận… Năm 1940 được xứ uỷ Nam kỳ ĐCSĐD dự kiến đưa vào chính phủ lâm thời của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quốc khi cách mạng thành công.

[11] Danh hiệu những người tù cộng sản ở Côn Đảo tặng ông Bùi Công Trừng.

[12] Hà Huy Giáp (1907-1995) vào giai đoạn này làm thứ trưởng Bộ Văn hoá.

[13] Nicolae Ceausescu (1918-1898), nhân vật Số Một của ĐCS và nhà nước cộng sản Rumani. Bị hành quyết cùng với vợ là Elena Ceausescu ngày 25. 12. 1989 trong cuộc nổi dậy của nhân dân Rumani đập tan chính quyền cộng sản.

[14] Người dân Trung Quốc, bất kể nam phụ lão ấu, trong thời kỳ có cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản buộc phải học thuộc lòng Mao tuyển. Những cuộc khảo tra được tiến hành ở bất cứ đâu: cơ quan, trường học, trên các ng ả đường… Thậm chí người đi chợ mà không thuộc một đoạn trích Mao tuyển thì không được vào chợ. Có nhiều người tối dạ, phải đứng ngoài mà học cho thuộc lấy một đoạn Kinh thánh đỏ để được vào chơ mua mớ rau.

[15] Thật thú vị nếu có ai đó bỏ công đọc lại những tờ báo Đảng vào những thời điểm khác nhau: đầu thập niên 60, cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, và hiện nay nữa, để thấy sự thay đổi của giọng lưỡi tờ báo này trong quan hệ Việt-Trung.

[16] Giang Thanh, hay Jang Qing (1914-1991), vợ chính thức và sau cùng của Mao Trạch Đông, lãnh tụ Hổng vệ binh trong Đại cách mạng văn hoá vô sản. Khi Đại cách mạng văn hoá vô sản thoái trào, Giang Thanh bị bắt cùng với những lãnh tụ Hồng Vệ binh khac trong cái gọi là Bè lũ Bốn tên (Tứ nhân bang), bị xử tử, sau được giảm xuống chung thân. Tự sát trong tù vào năm 1991.

[17] Nhưng tới đầu những năm 1980, họ lại nói rằng "những người xét xử (vụ "Tứ nhân bang") đổ riệt mọi tội lỗi trong cách mạng văn hóa cho Lâm Bưu và "bè lũ bốn tên", trong khi chính Mao là người "đích thân phát động và lãnh đạo cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản", rằng trong suốt quá trình xử án, Giang Thanh một mực khai là "tôi làm theo chỉ thị của Mao chủ tịch". Họ nói "Đặng (Tiểu Bình) và những người tán dương tư tưởng Mao Trạch Đông đều đã được hun đúc trong chủ nghĩa dân tộc sô-vanh" (Trích trong cuốn Chủ Nghĩa Mao Không Có Mao, Nhà xuất bản Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1982).

[18] Nguyễn Kiến Giang (1931), nguyên tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Bình, ủy viên ban biên tập Tạp chí Học tập, tạp chí lý luận của Đảng. Ông viết nhiều tiểu luận về các vấn đề chính trị xã hội: “Phác Qua Tình Hình Ruộng Ðất Và Ðời Sống Nông Dân Trước Cách Mạng Tháng 8", Cách Mạng 1789 Và Chúng Ta", Cuộc chiến chống “Phi Lý tính” vv... Lê Đức Thọ coi Nguyễn Kiến Giang là một lý thuyết gia trong nhóm "xét lại hiện đại chống Đảng", ngang với Trần Minh Việt. Do sau khi ra tù ông vẫn tiếp tục viết những bài báo phê phán sự du nhập chủ nghĩa Marx và mô hình cách mạng vô sản kiểu Stalin vào Việt Nam, ông bị đưa ra tòa năm 1996 và bị 15 tháng án treo vì "tiết lộ bí mật nhà nước" trong vụ xử những người đấu tranh cho dân chủ và tự do Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà.

[19] Trong chế độ xã hội chủ nghĩa có nhiều bác sĩ, kỹ sư không học qua hệ chính qui mà chỉ qua những lớp bổ túc. Những cán bộ y tế loại này thường xuất thân từ những "thành phần cơ bản", như công nhân, nông dân, có "lý lịch trong sạch" hoặc nhờ có họ hàng bà con với những người có quyền chức (tương tự tầng lớp quan liêu đặc quyền đặc lợi được gọi là "nomenklatura" ở Liên Xô).