Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

Hồ Anh Thái: “Nhà văn đích thực là người đa phong cách”

Wayne Karlin

Hữu Đông dịch và giới thiệu

Bộ Từ điển chân dung văn học của nhà xuất bản Mỹ, Gale – Cengage Learning, đã ra đến tập thứ 348. Điều đặc biệt là tập này dành riêng giới thiệu về các nhà văn ở khu vực Đông Nam Á (Dictionary of Literary Biography, Volume 328: Southeast Asian Writers). Có 6 nhà văn Việt Nam được giới thiệu, trong tổng số 62 nhà văn trong khu vực.

Chủ biên tập Từ điển là Giáo sư David Smyth, thuộc Đại học Tổng hợp London, với sự tham gia của các học giả, các nhà nghiên cứu và phê bình văn học người Anh và người Mỹ.

Từ điển chân dung văn học, tập 328: Các nhà văn Đông Nam Á

Có mặt trong Từ điển là 11 nhà văn Thái Lan; 10 nhà văn Philippines; Miến Điện, Indonesia và Singapore mỗi nước có 8 nhà văn; 6 nhà văn Việt Nam; 5 nhà văn Malaysia; 3 nhà văn Campuchia; và 1 nhà văn của mỗi nước Brunei, Đông Timor, Lào. Theo giải thích của chủ biên David Smyth, số lượng nhà văn của mỗi nước phụ thuộc vào tài liệu mà hội đồng từ điển có thể tiếp cận. Không thể tránh khỏi thiếu sót, nhưng hội đồng đã làm việc một cách nghiêm túc và cố gắng cao nhất. Từ điển cũng chưa bao gồm các nhà thơ, nhà viết kịch, nhà phê bình… mà chỉ giới hạn ở các tác gia văn xuôi hư cấu, thể loại phổ biến hơn cả, dễ tiếp nhận hơn, và bản dịch cũng sẵn hơn. Về mặt thời gian, các nhà văn có mặt trong từ điển đều xây dựng nghiệp văn trong thế kỷ XX, khi văn xuôi hư cấu bắt đầu xuất hiện trong khu vực.

Bộ Từ điển được gọi là Từ điển chân dung văn học, bởi mỗi mục từ được viết ở thể loại chân dung văn học. Mỗi đề mục tác giả được khai triển một cách khá bao quát qua những bài viết dài, trên dưới 4.000 từ. Trong 430 trang khổ lớn, 21cm x 28cm, người tra cứu được cung cấp thông tin khá đầy đủ về toàn bộ tác phẩm, về phong cách  của tác giả, nội dung của những tác phẩm chính, kèm theo những nhận định… Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989) “được kính trọng cả về tài năng văn chương và sự dũng cảm, một người phê bình thẳng thắn và bảo vệ quyền tự do sáng tạo” (trang 203). Nhà văn Lê Minh Khuê, sinh năm 1949, “là một trong những nhà văn Việt Nam đương đại có ảnh hưởng nhất, viết về con đường đi của thế hệ mình từ trong những cánh rừng về lại với những cuộc đấu tranh phức tạp hơn của đời sống hậu chiến – cả về thể xác, tinh thần, tình cảm và tư tưởng” (trang 136). Nhà văn Dương Thu Hương, sinh năm 1947, “một trong những nhà văn Việt Nam viết khỏe nhất, được đọc nhiều nhất, và là một trong những tiếng nói quan trọng và gây tranh luận nhất của thế hệ mình” (trang 44). Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, sinh năm 1950, “là một trong những nhà văn Việt Nam đương đại được ca tụng và gây tranh cãi nhất, ông thiên về viết truyện ngắn, quan tâm đến tính phức tạp của bản chất con người” (trang 199). Nhà văn Hồ Anh Thái, sinh năm 1960, “một trong những nhà văn đương đại xuất sắc, với những tác phẩm độc đáo và gây tranh luận do việc sử dụng những tình huống lạ, giàu tưởng tượng với cốt truyện kỳ ảo cùng ngôn ngữ hài hước sắc bén” (trang 69). Nhà văn Phạm Thị Hoài, sinh năm 1960, “nổi danh là một trong những tác giả mới mẻ và gây tranh cãi nhất vì quan điểm không thông thường và thẩm mỹ hiện đại” (trang 218)…

Bộ Từ điển chân dung văn học của nhà xuất bản Gale – Cengage Learning được đánh giá là có tính hữu dụng đối với các nhà nghiên cứu, những người làm văn chương và quan tâm đến văn chương trên thế giới. Bộ từ điển này khởi đầu từ năm 1978, đến nay đã xuất bản 348 tập, giới thiệu được hơn 15.000 tác gia văn học cổ kim Đông Tây với hơn 100 triệu từ. Mỗi tập giới thiệu một khu vực khác nhau, ở những thời kỳ khác nhau, theo những thể loại văn học khác nhau. Hội đồng từ điển vẫn đang tiếp tục công trình này với những khu vực và thời kỳ văn chương khác.

Xin giới thiệu chân dung nhà văn Hồ Anh Thái trong tập từ điển, do nhà văn Mỹ Wayne Karlin viết.

Trang đầu bài chân dung nhà văn Hồ Anh Thái trong Từ điển

Thời chiến tranh chống Mỹ, Hồ Anh Thái ở trong số hàng nghìn trẻ em sơ tán ra khỏi thành phố để được an toàn khi bom Mỹ dội xuống. Từ bé đã đọc nhiều sách, Hồ Anh Thái khởi nghiệp viết văn từ khi còn là một cậu học sinh phổ thông mười bảy tuổi. Nghĩ rằng mình có thể viết hay hơn nhiều nhà văn mình đang đọc, cậu gửi một truyện ngắn cho tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí văn học hàng đầu của đất nước mà không tiết lộ tuổi của mình. Truyện ngắn được xuất bản và một thời gian sau, khi gặp tác giả, biên tập viên đã rất ngạc nhiên, ông ta chờ gặp một nhà văn già dặn hơn nhiều.

Năm 1978, Hồ Anh Thái vào Đại học Ngoại giao, nhận bằng cử nhân năm 1983. Đang làm việc tại Bộ Ngoại giao, anh đi làm nghĩa vụ quân sự trong hai năm. Trong thời gian làm ngoại giao, anh đã học ở Ấn Độ và Mỹ và nhận bằng thạc sĩ nghiên cứu quốc tế, bằng tiến sĩ văn hóa phương Đông. Ông là bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ từ 1991-1994, phó đại sứ, đại biện lâm thời Việt Nam tại Iran 2011-2015 và phó đại sứ Việt Nam tại Indonesia 2015-2018. Mặc dù được biết đến là một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu của đất nước, tác giả của hơn bốn mươi cuốn sách, Hồ Anh Thái đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa và vẫn làm công tác ngoại giao. Ông từng là chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (2000-2010) và ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (2005-2010).

Mặc dù những gì Hồ Anh Thái viết có thể được gọi chính xác là văn chương hậu chiến, thì đó cũng có thể được coi như văn chương hậu chiến tranh lạnh và thực sự là một phần xu hướng văn chương ở nhiều nước đang phát triển. Đó là nền văn chương quan tâm đến sự căng thẳng giữa áp chế và khao khát tự do, giữa tham nhũng và hội nhập, giữa khao khát của cải và sự bảo đảm về kinh tế, và giữa nhu cầu có được mối quan hệ con người có ý nghĩa, sự khai sáng về tinh thần, và cái neo giữ lấy những giá trị truyền thống và văn hóa truyền thống. Những đề tài này được nhiều người cùng thời ở Việt Nam quan tâm. Nhưng việc Hồ Anh Thái sử dụng những hoàn cảnh kỳ lạ, chơi với chữ một cách trôi chảy và giàu tưởng tượng, cùng sự hài hước sắc bén, sự hóm hỉnh nhẹ nhàng và dồn nén, khiến cho tác phẩm của ông độc đáo, nổi tiếng và nhiều khi gây tranh luận. “Tôi tin vào việc tạo nên thứ ngôn ngữ đẹp và độc đáo khiến cho người đọc có thể đọc đi đọc lại tác phẩm dù họ đã biết cốt truyện”, ông nói. “Tôi cũng tin rằng nhà văn đích thực là người đa phong cách. Và anh ta nên thay đổi văn phong tùy theo đề tài và cốt truyện của tác phẩm”. Nhà văn nước ngoài gây ấn tượng nhất đối với ông là nhà văn Pháp gốc Czech, Milan Kundera, “người cho thấy có thể mở rộng hình thức tiểu thuyết đến độ mà người ta không nghĩ rằng tiểu thuyết có thể đạt tới”. Nhưng ảnh hưởng văn chương sâu sắc nhất đối với Hồ Anh Thái là lịch sử và văn chương của đất nước ông, là triết học Phật giáo và truyện dân gian, thần thoại.

Ông gợi ý rằng các thế hệ hậu chiến muốn tự định nghĩa mình thì phải có khả năng thừa nhận món nợ của mình với quá khứ, nhưng cũng phải có khả năng nhìn nhận rõ những gì cần phải phê phán và thay đổi: chúng phải được xây dựng trên nền tảng quá khứ hơn là dừng lại với quá khứ. Niềm tin ấy có lẽ sáng rõ nhất trong tiểu thuyết viết năm 1990, Trong sương hồng hiện ra, trong đó tác giả sử dụng yếu tố kỳ ảo và bối cảnh xuyên thời gian để thách thức quan điểm tự mãn và là vật cản của quá khứ, cả tính tự cao tự đại của hiện tại. Nhân vật chính của ông, chàng trai mười bảy tuổi tên là Tân, từ năm 1987 bị ném về năm 1967 khi tòa nhà tập thể của cậu (do một cán bộ tha hóa xây dựng trên vùng đất lầy lội) bị sụt vỡ, và cậu bị điện giật thấu lên đến tận đỉnh đầu. Khi tỉnh dậy, Tân thấy mình ở giữa thời chiến và những người dân thời chiến mà cậu đã nghe kể từ khi lớn lên. Một số người giả dối và nhỏ nhen, còn những người khác thể hiện sự hào phóng, dũng cảm và dám hy sinh trong khi hằng ngày vẫn sống dưới mưa bom của Mỹ – đó là điều mà cậu ta thấy thiếu vắng trong cuộc sống hậu chiến. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là sự lưỡng phân giữa lòng trong sáng vị tha giản dị của quá khứ và cả sự tha hóa tiềm ẩn của nó. Dường như cuốn sách gửi thông điệp: tình đoàn kết của những năm tháng chiến tranh, tinh thần vị tha và dễ dàng kết bạn, và cái nhìn nhất quán về một xã hội lý tưởng mới mẻ sẽ được xây dựng vào những năm tháng sau chiến tranh cần được ghi nhớ và hòa trộn vào cái hiện tại tự cao tự đại. Ghi nhớ không phải là không tưởng mà là điều thực tế và nhân văn, ngập tràn tinh thần chiến thắng, nỗi buồn và mất mát to lớn, tràn đầy lòng dũng cảm… và cả những sai lầm (như những nền móng mục ruỗng xây dối trong tác phẩm), những điều cần được xem xét thận trọng để ngăn ngừa sự hư hại và sụp đổ mà nó có thể gây ra.

Hồ Anh Thái và những người cùng thời đã bước sang tuổi trưởng thành ở một đất nước mà cha mẹ và các thế hệ đi trước đã chiến đấu và hy sinh, một đất nước được thống nhất sau hàng thế kỷ đấu tranh, nhưng phải chịu đựng những khó khăn về kinh tế và xã hội, vốn gắn liền với một đất nước đang phát triển. Khó khăn càng trầm trọng bởi những thiệt hại to lớn do chiến tranh gây ra và do sau đó bị Mỹ cấm vận kinh tế, cũng như sự phản kháng quyết liệt trước sự thay đổi và sự phê phán từ bên trong. Trong thời chiến, bất cứ sự phê phán chính sách hay phê phán lãnh đạo nào đều là cấm kỵ nhân danh tinh thần đoàn kết và kỷ luật, một điều vẫn tiếp diễn cho đến sau ngày chiến thắng, khi mà phê phán có thể cũng bị coi là không tôn trọng người đã chết và sự hy sinh của họ. Quá khứ là bất khả xâm phạm và càng hơn thế đối với những nhà văn không phải là chiến binh. Nhân vật Tân bồng bềnh xuyên thời gian giống như nhân vật Billy Pilgrim của Kur Vonnegut (tác phẩm Lò sát sinh số 5). Cậu không chỉ chứng kiến cuộc sống ở thành phố Hà Nội của mình dưới những trận ném bom của Mỹ, mà còn chứng kiến cả mối tình của cha mẹ mình nữa. Đối với thế hệ Hồ Anh Thái, những năm tháng chiến tranh đã trở thành một kiểu người cha nghiêm khắc và đáng kính, được thần thánh hóa trong một cái vỏ bọc huyền thoại, trong đó không có sai lầm của cha mẹ. Người cha tất nhiên không biết Tân sẽ là con trai của mình và Tân đã gọi cha là “anh”, rồi cậu cảm thấy vui sướng: “Nào có ai được gọi bố là anh, được nói chuyện với bố như một người anh bao giờ… Hóa ra bố là một người cởi mở đấy chứ, tinh nghịch đấy chứ, nhưng kể từ khi lớn lên, Tân chỉ thấy bố là người nghiêm nghị và nói năng đúng mực. Chẳng lẽ thời gian đã in dấu mệt mỏi và khô héo lên tâm hồn con người? Chẳng lẽ bố phải tạo ra dáng vẻ ấy trước mặt đứa con trai, để có uy mà dạy con?” Trong sương hồng hiện ra thể hiện nhu cầu của thế hệ hậu chiến được nhìn xuyên qua màn sương của uy lực và huyền thoại anh hùng bao phủ lên thế hệ chiến tranh, không phải để phơi bày, mà là để xem xét một cách sáng rõ nguồn cội và những sai lầm của họ.

Ta thường thấy trong tác phẩm của Hồ Anh Thái việc sử dụng những tình huống giả tưởng để miêu tả xu thế xã hội và diễn tả sự thay đổi trong quan hệ năng động của con người, tận dụng thủ pháp phóng đại và ngụ ngôn giống như ở tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra. Điều này không phải là không thông thường đối với các nhà văn Việt Nam, những người chỉ được phép phơi lộ cả những sai lầm của cơ chế lẫn sự phức tạp của con người kể từ năm 1986 khởi đầu chính sách đổi mới. Trước đó, như chủ tịch Hồ Chí Minh diễn giải, viết là vũ khí chỉ để sử dụng trong cuộc đấu tranh giành độc lập và trong cách mạng, để ủng hộ những mục tiêu của cách mạng. Thậm chí cho dù Đổi Mới đã thay đổi quan niệm văn chương ấy, nhiều nhà văn vẫn sử dụng ngụ ngôn cụ thể để phê phán xã hội, tạo ra những tác phẩm táo bạo nhưng rốt cuộc lại nông cạn và hời hợt. Tuy nhiên ngôn ngữ đầy ẩn ý của Hồ Anh Thái còn vượt quá cả sự lật lại vấn đề một cách kín đáo. Đó đúng hơn là một hình thức được nhà văn chủ ý lựa chọn do sự tinh tế và tính cộng hưởng của nó, sự mở rộng câu chuyện vượt ra khỏi việc phê phán chính trị nhất thời. Chẳng hạn, ở một trong những tác phẩm của ông, Cõi người rung chuông tận thế, nhân vật chính của Hồ Anh Thái là một cô gái bí ẩn đầy ma lực, người đã báo thù dữ dội tất cả những kẻ đã gây ác cho cô… nhưng rồi cô lại phải đau đớn khủng khiếp bởi chiến thắng của mình – phản ảnh sự lưỡng nan cả về dân tộc nói riêng và nhân loại nói chung. Hồ Anh Thái nói: “Đất nước này như cô gái ấy, sinh ra từ lời nguyền phải đi trừng phạt kẻ thù, nhưng không bao giờ được bình yên khi nhìn thấy kẻ ác chết ngay trước mắt mình”. Đó là một ẩn dụ mà bất kỳ người Việt Nam nào nhận thức được về lịch sử của mình, và bất kỳ người nước ngoài nào với cùng điều kiện tiên quyết đó – sẽ nhận ra. Nhưng tác phẩm của Hồ Anh Thái quyết liệt đòi có những người đọc như vậy, và đến lượt nó được độc giả kính trọng sâu sắc.

Một khía cạnh đặc biệt nữa trong tác phẩm của Hồ Anh Thái xuất phát từ thực tế của một nhà ngoại giao: ông là một trong số ít nhà văn Việt Nam tập trung cái nhìn sáng tạo vào một đất nước Nam Á. Tập truyện Tiếng thở dài qua rừng kim tước lấy bối cảnh Ấn Độ, hầu hết các truyện được kể bằng nhận thức của các nhân vật Ấn Độ hoặc Nam Á. Đề tài trải ra từ bi kịch buôn người xuất phát từ tình trạng cực kỳ nghèo khổ, sự coi thường và giết hại các bé gái và phụ nữ do phân biệt giới tính, cho đến sức mạnh vĩnh cửu của tình yêu và đức tin. Những tác phẩm này thể hiện tình yêu của tác giả đối với Ấn Độ, một tình yêu mà, giống như tình yêu của ông với Việt Nam, sâu sắc nhưng không mù quáng. Và thực sự là trong những tác phẩm về Đông Nam Á của ông, Ấn Độ đã trở nên tương tự chuyến du hành ngược thời gian ở Trong sương hồng hiện ra: một kiểu cầm lên chiếc gương cho thấy hình ảnh hơi giống với đất nước mình.

Câu chuyện diễn ra ở Việt Nam, và được viết bằng một văn phong hiện thực và trực diện, Người đàn bà trên đảo là một tác phẩm khác của Hồ Anh Thái bộc lộ rõ mối quan tâm chính và sự dũng cảm của ông với tư cách là nhà văn. Ở khía cạnh tiểu thuyết, nó cũng được nhìn nhận như một điển hình cho việc tác giả sử dụng một hình thức tiểu thuyết thiên về hiện thực. Câu chuyện cũng diễn ra vào giữa những năm 1980, khi Việt Nam mới bước vào một xã hội tiêu thụ mà dù hay hay dở thì kể từ đó cũng đã trở thành chuẩn mực và làm cho chủ nghĩa anh hùng của thế hệ chiến tranh trở thành dĩ vãng. Và cuốn tiểu thuyết một lần nữa lại khám phá một tập quán đấu tranh để xác định mối quan hệ với quá khứ của nó và cả tương lai. Nhưng điều khiến cho Người đàn bà trên đảo được nâng lên thành sự khảo sát mang tầm toàn cầu hơn về tình trạng của con người là ở chỗ tác phẩm đã khảo sát sự xung đột mang tính cơ bản hơn của nhân loại. Ở một thời điểm của dòng tự sự, Hòa, anh giám đốc trẻ có phẩm hạnh của một công ty xuất khẩu nhà nước ở khu vực kinh tế mới trên đảo Cát Bạc, đã nói với cấp dưới của mình là Tường, một họa sĩ đầy dục vọng bỏ ra đảo, rằng anh coi tất thảy phụ nữ là mẹ và chị em gái của mình. Và Tường “nhìn ánh mắt và gương mặt chân thành của Hòa, Tường hiểu cả. Tuy vậy, chẳng nhẽ Hòa muốn kìm nén, muốn triệt tiêu nỗi đam mê của người khác hay sao?” Trên thực tế, điều trở nên thú vị trong tính cách của Hòa là những khao khát, là phần tính dục mà anh không thể (ít nhất là trong một thời điểm nào đó) kiểm soát hoặc bác bỏ. Đó là trận chiến, xảy ra ở mức độ này hay mức độ khác bên trong nhiều nhân vật, đã khiến cho Người đàn bà trên đảo trở nên độc đáo và táo bạo trong số những tiểu thuyết đổi mới ở Việt Nam.

Trong tiểu thuyết, tính dục trở thành một biểu tượng của tất cả các biến chứng lộn xộn của tính cách con người, là nhu cầu của con người mà không thể được định nghĩa, kiểm soát, phục tùng, hoặc đơn giản hóa một cách tùy tiện thành một lý tưởng trong sáng, cho dù lý tưởng đó là cách mạng, chiến tranh, công bằng xã hội, hay thành tựu kinh doanh.

Hồ Anh Thái bắt đầu cuốn tiểu thuyết bằng một câu chuyện giống như ngụ ngôn về một lực lượng nghĩa quân chống Pháp, và câu chuyện này cũng được dùng làm cái kết xuất sắc cho tiểu thuyết. Lãnh đạo của nghĩa quân, ông tướng Tần Đắc, được “thờ phụng như một người cha, một ông thành hoàng”, đã nổi giận khi một số nghĩa quân hãm hiếp một người phụ nữ, và ông ra lệnh chém đầu họ. Tần Đắc nói với nghĩa quân rằng họ chỉ được nghĩ đến cuộc đấu tranh giành tự do, “họ chỉ được quyền nhớ một điều: đó là báo thù giặc. Mọi khao khát, ham muốn, dục vọng đều phải tuyệt diệt”. Các nghĩa quân trẻ tuân phục, nhưng khi họ chặn đường một người nông dân và tìm thấy hai quả mít và một cây măng trong cái bị của ông, họ bị kích động bởi điều vẫn phải kìm nén lâu nay mà tin rằng những vật đó hàm ý “bộ phận sinh dục đàn ông”. Ông già nông dân cũng bị chém đầu, nhưng máu của ông thấm vào trong đất và những hạt mít văng vãi cùng chiếc măng tre đã mọc lên thành cánh rừng tươi tốt trên đảo, chính là nơi làm bối cảnh cho câu chuyện thời hiện đại.

Rốt cuộc nghĩa quân đã được thay thế bằng Đội Năm, trong một lâm trường phụ nữ, những người tiếp bước nghĩa quân đồng thời là trung tâm của cuốn tiểu thuyết, vào những năm 1980. Hầu hết những người phụ nữ là cựu chiến binh, và họ được gửi đến đó làm việc trong một lâm trường của nhà nước để phát triển kinh tế khu vực. Tập trung vào những nhân vật này, Hồ Anh Thái trở thành một trong những nhà văn đầu tiên ở Việt Nam thu hút sự chú ý vào một vấn đề vốn được coi là cấm kỵ: cái giá khủng khiếp mà những người phụ nữ cựu chiến binh chống Mỹ phải trả. Trong chiến tranh, hàng chục nghìn thiếu nữ đã chiến đấu sát cánh với du kích miền Nam và trong những vai trò hỗ trợ khác. Ở miền Bắc, hàng nghìn thiếu nữ (mười lăm tuổi trở lên) đã gia nhập thanh niên xung phong. Nhiệm vụ chính của họ trong chiến tranh là giữ cho mạng lưới đường mòn Hồ Chí Minh thông suốt, là san lấp hố bom, sửa đường, và phá bom nổ chậm. Mặc dù nhiều người là con gái thành phố, họ đã chịu đựng những khó khăn không thể tưởng tượng nổi, với lòng dũng cảm tuyệt vời. Họ phải sống hàng năm trời trong rừng rậm và hang đá, chịu đói, chịu chấy rận rắn rết và chịu bệnh tật, hàng nghìn người đã chết trong những trận oanh tạc và vì bom đạn Mỹ. Sau chiến tranh, nhiều người trong số phụ nữ này trở về với cuộc sống mà họ đã bảo vệ, nhưng theo nhiều cách thức khác nhau, không có chỗ cho họ. Nhiều người đã qua tuổi bình thường để lấy chồng, những người khác thì không còn khả năng sinh con do bị nhiễm chất độc da cam hoặc do điều kiện sống trong chiến tranh. Nền kinh tế, hệ sinh thái, và cơ sở hạ tầng của đất nước bị hủy hoại và chiến tranh đã tàn phá thế hệ đàn ông mà ở vào thời điểm khác, họ đã có thể tìm được chồng, do đó đảm nhận vị trí truyền thống trong xã hội Việt Nam là làm vợ làm mẹ. Hàng trăm nghìn đàn ông cùng độ tuổi với họ đã bị giết hại, bị thương tích về thân thể hoặc tâm lý hoặc cả hai, hoặc là họ đã lấy vợ.

Thời ấy, như trong trường hợp của Đội Năm, phụ nữ thường được tập hợp lại với nhau và được gửi cả tập thể đến “vùng kinh tế mới” những khu vực thưa dân và bị tàn phá mà chính phủ đang nỗ lực phát triển. Những nơi như vậy thậm chí càng không có đàn ông phù hợp. Trong tiểu thuyết này, chính quyền đã có lúc cố gắng khuyến khích tình cảm giữa bộ đội trong một đơn vị đóng ở gần lâm trường với những người phụ nữ, nhưng cánh bộ đội là thế hệ trẻ và phải gọi những người đàn bà là cô là chị. Có nhiều chuyện lan truyền sau chiến tranh về những người đàn bà trong hoàn cảnh như vậy đã tìm bất cứ người đàn ông nào thuận tiện để được mang thai. Thực tế là nhiều người đàn bà độc thân đã có thai đến mức, vào năm 1985 Hội Phụ nữ Việt Nam đã đề xuất một đạo luật trong đó coi là phi pháp việc quấy rối và xua đuổi những người phụ nữ đó và con cái của họ. Ta nhìn thấy một cảnh như vậy trong cuốn tiểu thuyết khi một cán bộ nhẫn tâm xử sự tàn ác với một người đàn bà có thai trong Đội Năm để tìm cho ra ai là cha của đứa bé chưa sinh: ông ta nghi ngờ kẻ có lỗi là một đối thủ chính trị và ông ta tìm vũ khí để tấn công người đàn ông kia. Những người đàn bà, cảm thấy được tiếp sức bởi tinh thần quân ngũ, bèn nổi dậy chống lại sự cư xử của ông ta:

“Họ không sợ bom đạn, không sợ mưa rừng đá núi, từng dám hy sinh để mở đường, để bắn trả máy bay Mỹ. Bây giờ họ cũng hiểu rằng đây không phải là thời một con người độc đoán thiếu sáng suốt có thể bắt cả một tập thể phục tùng ý đồ sai trái của ông ta”.

Cuộc đấu tranh của những người phụ nữ – trong xã hội và ngay trong bản thân họ – thoạt đầu dường như song song, và thực sự là xuất phát từ cuộc đấu tranh với tự nhiên tính của chính mình mà ta đã thấy ở nghĩa quân của tướng Tần Đắc. Tuy nhiên trong khi những người phụ nữ được miêu tả là đầy phiền muộn khi phải kìm nén ham muốn tính dục bình thường thì điều mà dường như họ nói ra chủ yếu là khao khát làm mẹ. Họa sĩ Tường, người đàn ông phồn thực duy nhất sẵn có đối với những người đàn bà trên đảo, có một tấm lịch trong phòng mình đánh dấu những ngày may mắn để sinh con theo ý muốn – anh ta biết rằng điều mà những người đàn bà mong muốn không chỉ là tính dục. Phần nào động cơ của họ chắc chắn là xuất phát từ áp lực văn hóa: trong xã hội truyền thống ở Việt Nam, độc thân và không con cái tức là người bất hạnh. Tuy nhiên trong khi có thể hiểu được sự cần thiết có được quy ước xã hội bình thường, đối với những người đàn bà Đội Năm, mong muốn được làm mẹ dường như còn được thúc đẩy nhiều hơn sự cần thiết làm tròn bổn phận cá nhân. Chỉ duy nhất đứa con mới là người đồng hành chân thật nhất, quý giá nhất, đáng tin cậy nhất. Như chị Miên đội trưởng Đội Năm đã nói:

“Hòa bình rồi, nhưng người tôi chờ không trở lại. Hồi đánh Mỹ, chúng tôi ở bên lề sự sống và cái chết, những khao khát bản năng có thể ức chế được, có thể quên đi được. Còn bây giờ thật không thể quên. Tôi thầm bảo mình đã quá lứa, đã hết thì, không lấy ai được nữa, nhưng giá như có một đứa con thì cũng được an ủi phần nào. Nếu ngày trước tôi không giữ mình quá, ít ra tôi cũng có một đứa con với người tôi yêu. Tôi giữ thân cho ai nữa, trinh tiết cho ai, khi mà chỉ có một mình cô đơn? Tập thể có thể làm tôi có ý chí, có thể làm cho tôi khuây khỏa đôi chút, nhưng tập thể không thể cho tôi hạnh phúc riêng”.

Rốt cuộc, chính là cái nhu cầu về “hạnh phú riêng” ấy (ngay cả khi nó mang vẻ ngoài của sự chấp nhận xã hội) đã cho biết về động cơ của tất thảy các nhân vật. Trong chiến tranh, cuộc đấu tranh, tình yêu đồng đội, đất nước, sự nghiệp, là tất cả và đã đủ – cá nhân tan hòa trong ý chí dân tộc. Nhưng tiếp tục hành động như vậy trong trong một xã hội tiêu thụ và cạnh tranh, với khoảng cách lớn giữa giàu và nghèo, thì có cảm tưởng như là khờ dại. Tính dục, nhân tính, nhu cầu về bổn phận cá nhân và tình yêu, chỉ có thể kìm nén nhất thời, nhưng nó luôn trỗi dậy trở lại. Giống như rừng măng và rừng mít mọc lên từ chỗ hạt mà nghĩa quân Tần Đắc làm vương vãi, giống như chính người Việt, “sức sinh sôi hóa thành một mãnh lực, không gì có thể kìm hãm được”.

Bác bỏ mãnh lực đó, Hồ Anh Thái hàm ý, là vừa mù quáng vừa là sự hủy diệt cá nhân và xã hội mà cá nhân phải sống trong đó. Song sống mà chỉ chiều theo nó thì cũng có thể là thảm họa tương tự. Vậy là rốt cuộc câu hỏi mà tác giả, và cuốn tiểu thuyết, cũng như hệ thống tác phẩm của ông, đặt ra cho chúng ta suy ngẫm là những câu hỏi muôn đời mà văn chương luôn phải hỏi: làm sao để chúng ta tìm được cách thức để sống hòa hợp với người khác, với sự phức tạp, với sự thôi thúc phức tạp và đầy mâu thuẫn trong tâm hồn của chính chúng ta.

Những tác phẩm khác của Hồ Anh Thái tiếp tục chứng tỏ sức tưởng tượng độc đáo, sự hài hước và sự táo bạo của ông. Tự sự 265 ngàyBốn lối vào nhà cười đều là sách có sức mua lớn và gây tranh luận nhiều ở Việt Nam. Cả hai tập truyện đều đặc biệt ở giọng điệu giễu cợt chua chát và chế nhạo thói xấu cùng sự xói mòn đạo đức trong đời sống hiện đại. Tự sự 265 ngày miêu tả những cái gọi là trí thức mà mục đích cuộc đời chỉ là xuất ngoại, đặc biệt là sang Mỹ. Cuộc chiến nội bộ của họ để đạt được “giấc mơ Mỹ” thật là vô đạo luẩn quẩn. Họ được miêu tả lượn lờ xung quanh bất cứ sự kiện nào có Tây, đứng xếp hàng dài ở trước đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, và thở phào nhẹ nhõm khi rốt cuộc thấy mình đã sang đến sân bay nước ngoài. Bốn lối vào nhà cười nhắc nhớ Tứ Đại Khổ của Phật giáo: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Những truyện ngắn trong tập đã sử dụng những đề tài này để tiếp tục thu hút sự chú ý vào sự sa sút về đạo đức của các nhân vật ở mọi tầng lớp trong xã hội. Tự sự 265 ngày được tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 nhưng Hồ Anh Thái đã từ chối nhận, bày tỏ sự không tán thành với cách lựa chọn của Hội. Một tiểu thuyết của Hồ Anh Thái là Cõi người rung chuông tận thế từng bị hầu hết các nhà xuất bản từ chối trước khi được nhà xuất bản Đà Nẵng chấp nhận ấn hành năm 2002. Một điều thú vị là sau đó Hồ Anh Thái được hội viên bầu vào chính Ban Chấp hành ấy của Hội Nhà văn Việt Nam từ 2005-2010.

“Thời nào cũng vậy, nhà văn luôn gặp khó, không thế thì chính họ cũng làm đã làm khó cho mình rồi”, Hồ Anh Thái nói trong một cuộc phỏng vấn của nhà phê bình văn học Đan Mạch Kren Bergquist. “Đó chính là một trong những động lực thúc đẩy họ viết. Hãy tưởng tượng một đất nước hiện đại giàu có và bình yên mà không có những vấn đề xã hội, cùng với một đời sống tẻ nhạt – vậy thì rất khó tìm được động lực thúc đẩy để viết. Thế thì nhà văn phải khơi dậy áp lực ngay chính trong cuộc đời mình, trong tim mình. Trang viết của họ không lệ thuộc vào thế giới bên ngoài mà phải là thế giới bên trong của chính họ. Tuy nhiên, nhà văn Việt Nam đương đại thường viết nhiều về cái thế giới mà họ đang sống trong đó – từ hậu quả chiến tranh đến lối sống tiêu thụ trong nền kinh tế thị trường mở cửa, từ những giá trị truyền thống đang bị thách thức bởi toàn cầu hóa cho đến những khó khăn trong một xã hội đang phải nỗ lực cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và tất nhiên họ đang viết về tình yêu, tình bạn, quan hệ gia đình – những điều không bao giờ là cũ từ thời này qua thời khác”.

Nguồn: https://vanhocsaigon.com/ho-anh-thai-nha-van-dich-thuc-la-nguoi-da-phong-cach/