Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Lịch sử với chân lý – Cái gì của Caesar hãy trả về cho Caesar (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 127)

Tương Lai

Tôi nhớ là Mark Twain có viết rằng “Thứ mực viết lên lịch sử chẳng qua là định kiến hay thay đổi”. Cứ suy nghĩ mãi về chiều sâu ý tưởng độc đáo của nhà văn khôi hài bậc nhất của nước Mỹ mà những tác phẩm hài hước, giàu chất hiện thực, có giá trị phê phán với lối văn mới mẻ, ông được xem là một trong những người khởi xướng nền văn học Mỹ hiện đại. Liệu cái thứ mực viết nên lịch của dân tộc ta qua từng thời kỳ dựng nước và giữ nước – đặc biệt là dòng chảy cuồn cuộn với bao thác ghềnh của lịch sử đương đại trên dưới một trăm năm của cuối thiên niên kỷ thứ hai bước sang những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba – có là “định kiến hay thay đổi” như Mark Twain nói không đây. Định kiến hay thay đổi là định kiến của ai đây?

Lẩn thẩn trong suy tư về dòng chảy lịch sử với ý kiến độc đáo ấy của Mark Twain, tôi chú ý một chi tiết ngẫu nhiên nhưng rất đặc biệt là ông sinh ra vào chính ngày sao chổi Halley xuất hiện năm 1835 và mất đúng vào lần sao chổi xuất hiện lần sau, năm 1910. Mà sự kiện sao chổi thì từng ám ảnh về điều dữ sẽ xảy ra trong nỗi lo sợ của nhiều người. Người ta cho rằng sao chổi đã ảnh hưởng lên dòng chảy lịch sử. Ví dụ như người La Mã đã quan sát thấy một sao chổi "đuôi dài" vào ngày Caesar bị ám sát. Như vậy là sao chổi là điềm dữ. Nhưng sao chổi lại được cho là điềm lành khi Guillaume chuẩn bị xâm chiếm nước Anh thì trên bầu trời xuất hiện sao chổi khiến ông tin tưởng đó là dấu hiệu của chiến thắng. Và vì niềm tin đó ông đã giành chiến thắng quyết định trong trận Hastings năm 1066. Trong trường hợp này sao chổi lại là điềm lành!

Những ngẫu nhiên sao chổi về ngày sinh cũng như ngày mất của Mark Twain, một Lincoln trong văn học[1], người đã làm thay đổi cách nghe nhìn của người Mỹ, cũng gợi lên suy tư đối với ý kiến độc đáo về “thứ mực” viết lên lịch sử mà ông đã đưa ra với ngụ ý phê phán những sai lầm của người viết sử. Suy tư đó dẫn đến những suy tưởng về Hồi ức lịch sử trong cuốn sách Cao Bảo Vân viết về cha mình, Tướng Cao Văn Khánh. Một cuốn sách gợi trong tôi những ý tưởng nằm sau câu chữ của một mệnh đề ngầm chứa sự phê phán những ngòi bút thiếu khách quan và không đủ bản lĩnh để viết ra những sự thật lịch sử.

clip_image002

Chân dung Cao Bảo Vân, tác giả sách Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, NXB Tri thức

Ở đây là sự thật về những tướng lĩnh là trí thức tham gia cách mạng như một đòi hỏi sâu kín trong lương tâm, lương tri của họ những người trí thức đúng nghĩa từng bị làm nhoè đi trong những trang sách, trang báo, những phóng sự, ký sự được in ra hay đưa lên màn hình. Hãy chỉ dẫn ra một ví dụ: trong Lời tựa của Hồi ức lịch sử ấy, tác giả của cuốn sách kể lại: “Chú Đoàn Huyên (Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự Bộ Tổng Tham mưu, thành viên Ban biên soạn Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam từ tháng 10 năm 1989), một hôm bức xúc kể cho mẹ tôi: “Đến khâu xét duyệt bản thảo, ông M (một thủ trưởng chính trị)[2] cầm cây bút cứ thấy tên anh Khánh ở đâu là gạch. Vì họ đặt ra tiêu chuẩn đưa vào Từ điển phải là những người vào Đảng từ những năm 1930, đưa cả yếu tố “thành phần” nữa. Tôi phải nói, anh Cao Văn Khánh mà các anh còn không đưa vào Từ điển thì tôi xin ra khỏi Ban”.[3] Trong một chuyến đi tìm về những chiến trường xưa nơi cha mình đã có mặt vì nghĩ về lời chị Võ Hạnh Phúc – con gái bác Giáp –: Sao em không tìm hiểu về chiến dịch Đường 9 Nam Lào? Trận đó chú Khánh đánh chính mà? Ba chị ví trận này có quy mô như trận chiến vòng cung Kursk (trận chiến bằng xe tăng lớn nhất trong kịch sử chiến tranh giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ hai), đứng bên con suối Lala nhìn lên đỉnh núi, Bảo Vân nao lòng viết: “làm sao ba tôi có thể sống trên đỉnh núi chênh vênh trên bờ vực kia, ăn rau dại măng rừng suốt bấy nhiêu năm vì lý tưởng của ông. Ai có thể tưởng tượng được nơi rừng xanh bạt ngàn kia từng là cửa ngõ dẫn vào chiến trường, nơi giao tranh của hàng trăm xe tăng, đại bác, máy bay ném bom B52 với cả trăm ngàn quân…”.[4] Ấy thế mà trong một pho lịch sử đồ sộ tới 20 tập với 10. 000 trang do một nhà xuất bản lớn phát hành mô tả chi tiết về việc tướng Vương Thừa Vũ đánh trận Đường 9-Nam Lào, khi mà trong quân đội ai ai cũng biết do sức khoẻ yếu, ông hoàn toàn ở miền Bắc suốt kháng chiến chống Mỹ! Hồi ký của tướng Đồng Sĩ Nguyên viết: Khi Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh B70 chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9-Nam Lào, anh Khánh được điều sang bên đó giữ chức Tư lệnh”. Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam ghi: “Ngày 10. 10. 1970 Binh đoàn 70, Liên binh đoàn chiến dịch, chiến lược đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập theo quyết định số 200-QĐ/BQP nhằm sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công quy mô lớn của địch ra đường 9 và sự đe doạ tiến công của Mỹ và quân đôi Sài Gòn ra Bắc vĩ tuyến 17. Binh đoàn B70 gồm ba sư đoàn bộ binh (304, 308, 320) và các đơn vị binh chủng trong biên chế để làm lực lượng cơ động nòng cốt của chiến dịch. Tư lệnh: Cao Văn Khánh, Chính uỷ: Hoàng Phương”.[5]

Vì một định kiến ý thức hệ chịu sự áp đặt của các cố vấn Tàu: “Trong cán bộ các cấp hiện có, một số ít ngoại lệ “thuộc thành phần khá phức tạp”. Có lẽ họ muốn ám chỉ các trí thức chỉ huy, cựu sĩ quan Thanh niên Tiền tuyến như trung đoàn trưởng 174 Đặng Văn Việt, Đại đoàn phó 308 Cao Văn Khánh cử nhân Luật, đã chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt, hay Phạm Hồng Sơn sinh viên Luật, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36 của Đại đoàn 308, người luôn ở tuyến đầu giáp lá cà với địch… Nhận xét này còn có ý bao trùm đến cả Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc cho rằng muốn giải quyết vấn đề “nhức nhối” này, cần phải “coi trọng đề bạt cán bộ từ trong chiến sĩ, từng bước thay đổi thành phần của đội ngũ cán bộ. Công việc này được từng bước hướng dẫn và giúp đỡ phía Việt Nam tiến hành. Từ đó chính uỷ là người quyết định, bao trùm lên cả Tư lệnh”. Ông Hoàng Tùng giải thích: “Lập ra chính uỷ là để xác định vị trí của Đảng, mà việc đầu tiên là nhắm vào ông Giáp. Vì ông Giáp xuất thân từ trí thức. Theo Trung Quốc, ông là một trí thức xuất thân không phải công nông, để ông nắm quân đội là không ổn”. Ông Hoàng Tùng còn kể: “Có người đưa một danh sách cán bộ xuất thân gia đình không phải là công nông, định để gạt ra khỏi quân đội. Ông Giáp đưa danh sách đó cho Bác, Bác bảo đốt ngay đi, thay bằng ấy người thì quân đội không còn cán bộ!”.[6]

Mà đâu chỉ một Cao Văn Khánh! Đại tá Đào Văn Trường, từng là Xứ uỷ Bắc Kỳ được điều lên chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn thời tiền khởi nghĩa, bị thực dân Pháp bắt kết án tử hình rồi giam cầm tại các nhà tù: Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội và sau đó bị đày đi Côn Đảo, là Bí thư Chi bộ nhà tù Hỏa Lò, Bí thư Chi bộ đoàn tù đi Côn Đảo; Bí thư Chi bộ nhà tù Côn Đảo, sau cách mạng Tháng Támn được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 123/SL bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được trao trách nhiệm Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo 351 lập công lẫy lừng trong trận Điện Biên Phủ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng trước tiên tại Điện Biên Phủ, nhưng vì xuất thân gia đình đại tư sản Hà Nội, đã phải ra khỏi quân đội và từ đó không được nhắc tới. Sách báo, hồi ký của các tướng lĩnh đã xuất bản không hề có tên ông. Thậm chí gần đây, những cuộc kỷ niệm binh chủng, người ta cũng vẫn cố lờ đi không nói đến tên của người Đại Đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo ấy. Những bài ký sự đăng trên những báo lớn chỉ nhắc tên ông Phạm Ngọc Mậu, chính uỷ đại đoàn. Kể sự kiện kéo pháo vào và kéo pháo ra cũng chỉ được gợi lại với một biểu tượng “Đồi Ông Mậu”!

Thế rồi tình cờ, tôi đọc được bài viết của Kiều Mai Sơn ngày 23. 5. 2020 có đoạn. “Mười năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tổ chức bản thảo sách Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ (1964). Vũ Sắc (Phòng Văn nghệ) được giao phụ trách. Trong bếp núc chuyện nghề, ông kể hôm thông qua lần cuối cùng bản thảo, đến đoạn viết về pháo binh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Pháo binh Điện Biên Phủ chiến công thần kỳ lắm đấy!”. Xong Đại tướng hỏi “ông bầu” Vũ Sắc: “Thế bên pháo, anh Đào Văn Trường, anh Phạm Ngọc Mậu đã viết xong cả rồi chứ?

Nửa thế kỷ tiếp sau, dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014), tôi cứ lật đi lật lại hai tập sách Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân từ bản in đầu đến tái bản lần thứ tư, để tìm bài viết của Tư lệnh Đào Văn Trường mà không thấy. Hồi ký "Thử thách mới" của “cụ Mậu” được in ngay lần đầu tiên và tái bản liên tục.

Tại sao người ta cố xoá bỏ sự thật, làm nhoè chân lý của lịch sử khi cần phục dựng lịch sử dưới dưới ánh sáng của sự thật. Vẫn biết sự thật thì có nhiều, nhưng chân lý chỉ có một như Mahatma Gandhi khẳng định. Nhưng “hoàn toàn là ảo tưởng nếu nghĩ rằng có lối tắt, đường ngắn không cần đấu tranh để đi tới chân lý như Soren Kierkegaard – ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh – mà tôi từng thấm thía đọc những luận điểm của ông khi nghĩ về cuộc đời, về những gì mình đã trải qua, những gì đã phải chịu đựng. Suy ngẫm từ những “sự kiện” vừa kể tôi càng thấm thía sự gian nan của quá trình tiệm cận được với chân lý của cuộc sống trong khát vọng tự do.

Cuộc đời là một hỗn hợp kỳ lạ. Chúng ta phải đón nhận nó như nó vốn có, cố gắng thấu hiểu nó, và rồi làm nó tốt đẹp hơn”. Khi một người “đi vào đám đông ồn ào để nhấn chìm những ầm ĩ câm lặng của bản thân” như Gandhi nói, thì trong sự câm lặng ấy đang dồn nén bão táp của khát vọng tự do. Tôi thấm thía lời khuyên ấy của Gandhi, khi nhớ đến lời nhắn gửi của nhà văn người Anh Francis Quarles trong cuốn sách Biểu tượng (Emblems): “Nếu số phận chia cho bạn những quân bài xấu, hãy để sự khôn ngoan biến bạn thành người chơi giỏi”. Cho nên “dù bạn có là thiểu số, chân lý vẫn là chân lý” bởi lẽ “Chân lý, bản thân nó đã là minh chứng. Ngay khi bạn dỡ đi mạng nhện ngu dốt xung quanh, nó sẽ sáng loà”. Nhưng làm sao để dỡ cái mạng nhện ngu dốt ấy? Và bao giờ thì chân lý lịch sử sẽ sáng loà đây?

Hơn nữa, không có lối tắt, đường ngắn “không cần đấu tranh để đi tới chân lý”. Và nếu “Người ta nói nhiều về những nhân vật vĩ đại trong lịch sử, và khi nói về một sự kiện cụ thể, người ta thường nghĩ ngay đến những nhân vật đó ”. Có thể “người ta không thể đứng về phía những người làm nên lịch sử, nhưng phải phục vụ những người chịu đựng nó. Ai thực sự gánh chịu hậu quả, và đã sống và tham gia vào sự thay đổi, thường là những người không được biết đến và bị lãng quên”. Tôi cứ suy ngẫm mãi về ý tưởng trên của Albert Camus khi đối chiếu với những sự kiện vừa dẫn ra trong “một hỗn hợp kỳ lạ” mà tôi đang “cố gắng thấu hiểu nó” bằng những gì đã đọc được trong cuốn Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử của Cao Bảo Vân và cuốn Trọn thế kỷ một cuộc đời của Đào Văn Trường.

Đọc, suy ngẫm về những sự kiện, những hiện tượng trong đường đời với sự trải nghiệm của bản thân mình, một thân phận trong cái “mạng nhện ngu dốt xung quanh” như hình ảnh mà Gandhi gợi ra. Thấu hiểu thì có thể, nhưng làm nó tốt đẹp hơn thì e là quá sức tôi. Lực bất tòng tâm. Vì cái mạng nhện ngu dốt của sợi protein mà con nhện tạo ra và xe sợi làm mạng hôm nay, lại đang được nuôi dưỡng của nọc độc Tàu được đựng trong mười sáu chữ vàng lừa mỵ và bịp bợm. Mà ác thay, đó lại là điểm tựa cho thế lực cầm quyền đang rệu rã, vì đã đánh mất lòng tin của dân. Vả chăng tôi đã thuộc nằm lòng “chỉ có thể nói về sự thật trong một đất nước có tự do” lời nhắc nhở đó của Voltaire, vì thế mà thật thấm thía về một thân phận trong cái “mạng nhện ngu dốt xung quanh”.

clip_image004Tác giả của Hồi ức lịch sử viết rất xúc động là “Bị kỳ thị đối xử, bạo hành tinh thần đã thành một phần không thể thiếu trong cái nhà tù tinh thần suốt cuộc đời mình”…[7] Không bao giờ tôi quên được giọng nói, cử chỉ của vị thầy giáo nổi tiếng trên bục giảng: “Thầy nhìn xoáy vào mắt tôi trong bài giảng lịch sử về Xô Viết Nghệ Tĩnh…Ông réo tên Cha tôi, rồi đưa bàn tay dứ dứ cái thước kẻ theo kiểu cầm gươm vung lên mà ông cho đây là lời của cha tôi đe doạ làm cỏ cả vùng Nghệ Tĩnh”. Từ đó, giáo khoa về sử đưa ngay câu đó vào sách, bất chấp Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, một tạp chí nghiên cứu khoa học ở Huế có uy tín trên cả nước, đã bác bỏ!

Người bạn rất thân của tôi – Nguyễn Quốc Hùng – từng ngồi sát bên tôi trong lớp học suốt mấy năm trời, tuy chưa hiểu thực hư ra sao nhưng thấy suốt mấy đêm liền tôi không ngủ, cứ ra sân ngồi nhìn lên trời, đã đến ngồi cạnh vỗ về an ủi. Rồi sao đó anh làm Phó Chủ nhiệm Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội còn thầy giáo dạy sử nọ thì lại sát cánh với tôi trong vai trò Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do giáo sư Phan Đình Diệu làm Trưởng ban.

Tôi thầm nghĩ quả là định mệnh “bây giờ ta lại gặp ta”. Nhưng đây không là “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” mà oái oăm thay, lại là “Vô duyên đối diện bất tương phùng”, hai thầy trò chúng tôi lại gặp nhau, tôi giữ lễ xưng con với thầy, còn thầy thì cứ một mực gọi tôi là giáo sư. Phan Đình Diệu có lần cười tủm với tôi: “Hai thầy trò cậu có vẻ gắn bó thiết tha nhỉ!”. Tôi cười trừ: “Cậu không biết được đâu, chuyện dài lắm, tớ chẳng muốn kể mất thì giờ”.

Tôi nghĩ chắc thầy không quên lần gặp tôi ở nhà Tướng Cao Văn Khánh mà tác giả của Hồi ức lịch sử đã ghi lại cái chuyện “vô duyên đối diện bất tuơng phùng” này: “Năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, nhiều thanh niên được gọi nhập ngũ, tôi gặp lại thầy giáo đi cùng một cậu con trai. Anh Khánh không có nhà. Mẹ tôi không muốn gặp nên tôi phải ra tiếp chuyện. Ông lại nhìn vào tôi mà nói “Cụ nhà là người thanh liêm chính trực, tôi biết rõ và rất kính trọng Cụ”. Tôi nghe thấy tiếng ho khan của mẹ tôi trong phòng, biết là bà đã nghe hết những câu ông thầy nói. Tai tôi đã ù cả lên không nghe rõ nữa vì choáng váng nhớ lại câu nói của ông hồi dạy tôi năm 1951. Vị giáo sư nổi tiếng hay giảng tấm gương yêu nước kia đã khéo thu xếp cho gần nửa tá con trai chả anh nào đi bộ đội cả”. [8]

Có lần Quốc Hùng đăm chiêu nói với tôi khi tôi mời anh, với tư cách là Phó Chủ nhiệm Khoa Sử Đại học Tổng hợp, đến dự buổi tôi trình bày để có gì cần bổ sung thêm cho nội dung của chủ đề dạy chủ nghĩa Tam Dân của Đài Loan với cụ Phạm Văn Đồng trong một trao đổi định kỳ vào sáng Thứ Sáu sau khi tôi đi Đài Loan về: “Sao có dịp gần gũi mà cậu không tranh thủ trình bày với Cụ thì may ra có kết quả, chứ mình nhiều lần đưa ra trong giới sử học đều chẳng có tác dụng gì, vì đã đưa vào sách giáo khoa và rồi lời đồn từ đó mà ra”. Tôi lắc đầu: “Mình không muốn làm phiền Cụ về những khúc mắc riêng tư”, và cười nói với bạn: “Là nhà sử học mà cậu không nhớ cái mệnh đề nổi tiếng của Thomas Carlyle: “Lịch sử – sản phẩm chưng cất của những lời đồn” à! Vả lại, mình hàm ơn Cụ đã tháo gỡ cho mình một vụ vu khống tởm lợm mà suýt chút nữa thì mình bị đi tù về tội “làm gián điệp cho CIA” nhân “Báo cáo Thái Bình” bị lọt ra ngoài”.

Duyên do là, không chấp nhận kết luận về những vụ khiếu kiện động trời ở Thái Bình năm 1997 là “có bàn tay địch xúi giục”, ông Võ Văn Kiệt đã yêu cầu mình, với tư cách là Viện trưởng Viện Xã hội học và là thành viên của “Tổ Tư vấn” tiến hành một cuộc Khảo sát Xã hội học về “Sự kiện Thái Bình”. Nội dung của bản Báo cáo kết quả khảo sát đã đưa ra nhận định trái với kết luận nói trên.

Chuyện tuy nhỏ và nằm trong phạm vi nghiên cứu, nhưng nó lại động chạm tới những vấn đề chính trị lớn và gay cấn hơn rất nhiều. Trong đó có chuyện ai đó cố ngăn không cho Võ Văn Kiệt, người có tư tưởng cấp tiến – người đi tiên phong trong sự hoà giải dân tộc và mở rộng cửa với thế giới để đưa đất nước thoát khỏi cái mô hình lạc hậu và trì trệ – ngồi vào ghế Tổng Bí thư. Tôi chỉ là “ruồi muỗi”. Phạm Văn Đồng biết rõ điều đó, nên ông khảng khái tuyên bố “cùng chịu trách nhiệm với Tương Lai về “Báo cáo Khảo sát” 1977, và tiếp tục thực hiện cuộc khảo sát Thái Bình sâu hơn, kỹ hơn nữa”.

Việc này tôi chỉ biết được sau khi gặp và nói chuyện với một học trò cũ từng giữ trọng trách trong ngành an ninh nhân dịp tôi ra Hà Nội đưa tang cụ Đồng vào năm 2000: “Thầy ơi suýt chút nữa thì thầy trò không gặp được nhau. Em đâu biết thầy là Tương Lai, Viện trưởng Viện Xã hội học. Vừa rồi em đã đọc hồ sơ vụ án Viện trưởng Viện Xã hội học làm gián điệp. Thấy chứng cứ không rõ ràng nên em đã không ký và yêu cầu kiểm tra lại chưa chuyển sang bên Viện Kiểm sát vội. Nếu không khi Cụ Phạm Văn Đồng can thiệp, thì thầy cũng còn phải gian nan, vất vả”. Chuyện này tôi đã có dịp viết trong “Mênh mông thế sự” về việc tôi kiên quyết từ chức Viện trưởng Viện Xã hội học sau sự kiện vu khống có sự bảo kê rất bài bản mà dẫn ra đây thì quá dài dòng mà cũng chẳng để làm gì.

Quả thật, “rất nguy hiểm khi cho là đúng về những vấn đề mà chính quyền hiện tại cho là sai như Voltaire – nhà Khai sáng người Pháp – đã từng cảnh báo cách đây mấy thế kỷ. Vả lại “Một lời nói dối có thể chạy quanh thế giới trước khi sự thật kịp đi giày”, câu nói hài hước ấy của Terry Pratchett, một nhà văn lớn mà sách của ông đã được xuất bản bằng 37 ngôn ngữ, bán 85 triệu cuốn, là tác gia có sách bán chạy nhất trong thập niên 1990 của nước Anh, là một đúc kết đáng được ghi tâm. Cho nên tôi nghĩ tốt nhất là ứng xử với lời nói dối ấy theo lời khuyên của Voltaire: “Cuộc sống phủ đầy gai, và tôi không biết phương thuốc nào hơn ngoài đi thật nhanh qua chúng. Ta càng quanh quẩn trong sự bất hạnh của chính mình càng lâu thì sức mạnh hãm hại của nó càng lớn”. Tôi đã “đi thật nhanh qua chúng” những tị hiềm bẩn thỉu, những “định kiến” không thay đổi cứ lẽo đẽo dưới chân tôi, và tôi nhớ nằm lòng câu nói của Einstein để tự trấn an mình: “Chỉ có hai điều là vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không chắc lắm về điều đầu tiên”.

May thay trong cuộc đời này không chỉ có sự ngu xuẩn của con người phủ lên cuộc sống của tôi. Thấm thía câu nói giàu chất triết lý của Gandhi: “Tôi đi du lịch vòng quanh thế giới để xem sông xem núi, và tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền. Tôi đã đi rất xa, tôi đã thấy mọi thứ, nhưng tôi quên thấy giọt sương trên lá cỏ nhỏ bé ngay bên ngoài nhà tôi, giọt sương phản chiếu trên mặt cầu của nó toàn bộ vũ trụ”. Hình như tôi đã được những ịat sương trên lá cỏ đó. Và xem ra tôi đã cảm nhận được những giọt sương phản chiếu trên mặt cầu của nó toàn bộ vũ trụ”.

Bước vào tuổi 87, tôi ngồi nhấm nháp tập thơ Nhặt nắng trong sương in cách nay đúng 10 năm của Việt Phương, người bạn, người anh và người thầy tôi yêu quý, đã đề tặng tôi với những lời trang trọng “Thân mến và trân trọng tặng bạn Tương Lai”. Tôi dừng lại suy ngẫm những hình ảnh trong tập thơ của người quá cố:

Mỗi con sóng dào lên một cuộc đời riêng

Cột vượt sông Hồng nạm một dáng hình hiện đại

Hai đôi mắt đen lánh quần ống loe áo khoác ngoài

Chẽn hẹp rúc vào nhau khúc khích cười

Người con gái pha gần trọn các màu trời trên trang phục

Mùa xuân

……. . Mẹ ơi

Cuối đời ngoảnh lại

Cuối đời nhìn đi

Từ góc nào lăng kính cuộc đời

cũng thấy màu mắt mẹ

Màu tâm linh con

bình minh đêm

nơi xào xạc ga biên vũ trụ

Trắc trở trần gian và ấp ủ nhân tình

Xung quanh tôi, trên đường đời tôi đã trải, đã có bao bạn bè, đồng chí, đồng đội cùng ưu tư về vận nước, đang cùng tôi ngày ngày bàn thảo về thế sự, để cùng nung nấu khát vọng tự do, luận bàn về dân chủ trong một thể chế độc tài bóp chết mọi thiện ý xây dựng đất nước theo một mô hình mới để rũ bỏ sự lạc hậu và trì trệ, để bằng thiện chí viết lên những lời gan ruột gửi gió cuốn may ra lọt được vào song cửa của ai đó đang trăn trở về vận mệnh của đất nước đang nhẫn nại đợi thời cơ.

Thế rồi tôi nhớ lại buổi ghé thăm đại tá Đào Văn Trường. Con người có một cuộc đời phong phú và tràn đầy tinh thần mã thượng, vượt qua mọi thử thách, mọi biến cố, sống cho đến khi qua đời ở tuổi 100 ấy, vẫn giữ được giọng nói sang sảng với nụ cười hồn hậu nắm chặt tay tôi trong dịp tôi đến thăm ông và nhận cuốn sách ông tặng Trọn thế kỷ một cuộc đời mà ông tâm niệm: Viết không phải về bản thân mà là để con cháu sau này biết thế hệ chúng tôi đã sống và chiến đấu như thế.

clip_image006

Đại tá Đào Văn Trường, áo trắng, bên phải là con gái Đào Tuyết Mai

Như một cơ duyên thú vị, tôi lại là thông gia của ông vì cháu ruột tôi là Cao Quý Bảo, con anh Cao Văn Khánh, là chồng của con gái ông, cháu Đào Tuyết Mai. Chị Diễm Tuyết, vợ đại tá Đào Văn Trường lại là bạn đồng nghiệp của tôi ở Hà Nội, lại cùng ở trong Ban Chấp hành Đoàn của Liên chi đoàn Thanh Niên Lao Động Việt Nam ngành Giáo dục Hà Nội những năm 60.

Ông vui vẻ kể chuyện: “Chúng tôi từng chia lửa cho nhau từ những trận đầu tiên ở An Khê, Khu 5 cho đến Điện Biên Phủ. Khi anh Cao Văn Khánh ở đại đoàn 308 bộ binh thì tôi ở đại đoàn 351 pháo binh, nhịp nhàng phối hợp, hỗ trợ cho nhau quyết tâm đánh giập đầu De Castries như lời căn dặn của anh Văn: bộ binh của anh Khánh đã làm cho địch khiếp sợ thì nay pháo binh của tôi cũng phải làm cho chúng khiếp đảm”.

Ông hào hứng kể pháo binh đã nổ phát súng lệnh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, và rất sảng khoái là chính ông đã giật cò bắn phát đạn vào sân bay Mường Thanh “theo lệnh” của khẩu đội trưởng Phùng Văn Khầu: “Nó ngóc đầu, đồng chí bắn đi”. “Anh Khánh thì quá hiểu rõ sức mạnh của pháo binh, của hợp đồng binh chủng vì anh là Tư lệnh của B 70, người có kiến thức và kinh nghiệm chỉ huy binh chủng hợp thành. Tiếc là anh ra đi sớm quá!”.

Có những ngẫu nhiên của cuộc đời thật khó lý giải như trường hợp hai vị Đại tá Cao Văn Khánh và Đào Văn Trường. Những trí thức dấn thân cho lý tưởng cao đẹp, và họ “đã sống và chiến đấu như thế” mà tác giả của Trọn thế kỷ một cuộc đời tâm niệm và cùng chịu thân phận của những “định kiến hay thay đổi” như Mark Twain viết. Và thật thú vị khi họ là thông gia với nhau. Tôi vẫn nhớ hình ảnh Tuyết Mai và Quý Bảo ngồi rất khuya ở bậc thềm Khu A1 bệnh viện 108 dẫn vào giường bệnh anh Khánh nằm trong những ngày cuối cùng.

clip_image008

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng giữa) nghe Cao Văn Khánh (bìa trái) báo cáo chuẩn bị chiến dịch Đường 9 Nam Lào.

Bảo Vân kể lại: “Năm 1992, khi các tướng lĩnh bắt đầu được phép xuất bản hồi ký, một hôm cô Bích Hà vợ bác Giáp gọi điện cho mẹ tôi “Toản lên nhà đi, anh Văn gặp Toản”.

Gặp mẹ tôi, ông có vẻ trầm ngâm nói: Mình nhớ Khánh quá! Toản phải viết sách về Khánh đi để mình ghi đề tựa cho”. Từ trước đó, tôi đã thấy nhiều đoạn ghi chép của mẹ về ba nhưng đều dở dang. Mẹ tôi nói mỗi lần đặt bút là nước mắt trào ra, không còn thấy đường. Mà có lẽ quá khó đối với người phụ nữ, tuy mạnh mẽ nhưng phải dồn hết nghị lực để đi tiếp con đường đời đã mất cả chồng và hai con trai. Viết để nguôi ngoai nhưng khó tập hợp thành bản thảo… Bí thư của ba tôi, đại tá Đại Xuân tâm sự: “Về cuộc đời và sự nghiệp của một vị tướng đã kinh qua hai cuộc kháng chiến như anh, có viết bao nhiêu sách cũng khó nói hết được. Rất tiếc là anh mất đi không để lại một hồi ký nào”… Nếu còn sống, không chắc ba tôi sẽ viết hồi ký. Ông sống kín đáo. Và vì nếu viết, ông sẽ viết hoàn toàn sự thật, những sự thật trần trụi”.[9] Vâng, “sự thật trần trụi”. Nhà văn Phạm Phú Bằng từng viết: “Đó là vị tướng mà tôi chưa bao giờ thấy đeo một tấm huân chương, và ông cũng từ chối mọi yêu cầu phỏng vấn… Tôi cảm thấy ông im lặng nhiều, không chấp nhận ai phỏng vấn, chứ chưa nói tự mình viết tự truyện, hồi ký…””[10].

Bởi vì, theo tôi nghĩ, có lẽ vị tướng đó thuộc vào loại “ít đông hơn” theo cách nói của Mark Twain mà tôi đã hơi dài lời trích dẫn ở trên: “Cơ bản là có hai loại người. Người làm nên chuyện và người tuyên bố mình làm nên chuyện. Nhóm đầu tiên ít đông hơn”. Cao Văn Khánh thuộc vào loại người “ít đông hơn” ấy.

Để bàn sâu về vấn đề này, phải chăng cần lưu ý đến luận điểm của Gustave le Bon, tác giả của cuốn sách “Tâm lý học đám đông: “Đám đông không bao giờ khát khao chân lý”, “đám đông chỉ có thể suy nghĩ bằng hình ảnh, chỉ bị ấn tượng bởi hình ảnh”. Cho nên “khi một nền văn minh sẵn sàng rơi vào tay đám đông, nó sẽ bị phó mặc cho quá nhiều may rủi để có thể tồn tại lâu dài. Cho đến nay những nền văn minh chỉ được tạo ra và được dẫn dắt bởi một nhóm nhỏ quý tộc, trí thức chứ không bao giờ bởi những đám đông. Đám đông chỉ có sức mạnh để phá hoại”. Những quy luật của phép logic không hề có một tác động nào với đám đông”. Chính bằng cơ chế lây nhiễm, chứ không bao giờ bằng cơ chế suy luận vậy nên đứng trên phương diện tư tưởng những ý kiến và niềm tin của đám đông cũng đi chậm hơn vài thế hệ so với những nhà bác học và triết gia. Vậy nên, “những  tư tưởng triết học dẫn tới cuộc cách mạng Pháp phải mất gần một thế kỷ mới bám rễ được vào tâm hồn đám đông.[11] Tác giả của Hồi ức lịch sử có một liên tưởng thú vị khi nói về “những luật chơi” của Hướng Đạo mà “tráng sinh “Cọp Rằn” Cao Văn Khánh với những kỹ năng để sống sót và tồn tại trong rừng sâu, nơi chẳng ai ngờ sẽ diễn ra một phần quan trọng cuộc đời ông. Trò chơi thời trẻ đã vận vào cuộc đời của ba tôi như một định mệnh, thật đúng với câu “đời là một trò chơi lớn”. Kiêu hãnh và cô đơn như cái tên chúa sơn lâm do bạn bè đặt, trách nhiệm công dân và tinh thần phụng sự tổ quốc trong lời thề hướng đạo đã là kim chỉ nam cho lý tưởng sống mà ông trung thành cho đến phút cuối đời”.[12]

image

Cao Văn Khánh và vợ – Nguyễn Thị Ngọc Toản

Tôi suy ngẫm rất nhiều về cuộc đời của anh Cao Văn Khánh qua cuốn sách của Cao Bảo Vân, rồi ngẫm lại cách ứng xử của anh trong tiếp xúc hàng ngày với gia đình, thì chưa bao giờ thấy sự kiêu hãnh và cô đơn ấy vì luôn cảm nhận được sự gần gũi thân tình rất thoải mái và chu đáo trong ứng xử với mẹ tôi, người mà anh thật lòng yêu mến, cũng như với tất thảy anh chị em trong nhà.

Thế rồi giật mình đọc mấy câu Bảo Vân viết “Ngày càng hiếm thấy nụ cười tươi sáng rạng rỡ của ba tôi như trong những tấm ảnh đầu kháng chiến. Mà thay vào đó là vẻ khắc khổ, ánh mắt đăm chiêu, và luôn đứng sau lưng mọi người”.[13] Quả là cô cháu gái của tôi có đôi mắt rất tinh tế và nhạy cảm về cha mình. Có được đôi mắt ấy vì cô có lòng tin yêu kính phục vô bờ với người cha và thấy ra được những điều ẩn dấu trong ông, một bản lĩnh sống gắn liền với một thân phận.

Tôi bỗng nhớ đến câu của Camus, nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa hiện sinh mà tôi nhớ nằm lòng: “Trong sự gắn bó của một người đàn ông với cuộc sống của mình, có điều gì đó mạnh mẽ hơn tất cả những đau khổ trên thế giới ”. Một người có thể cô đơn giữa đám đông. Nhưng muốn thế phải là người có bản lĩnh và có thực tài để có thể làm cho “Sự đơn điệu và cô độc của cuộc sống yên lặng kích thích trí sáng tạo như Einstein đã chỉ ra. Thế nhưng muốn được như thế phải là “sự cô độc bận rộn” theo khuôn thức của Voltaire, nhà khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, khi ông cho rằng “Niềm hạnh phúc to lớn nhất của cuộc đời là sự cô độc bận rộn.

Tôi hiểu rằng khi Cao Văn Khánh luôn “đứng sau lưng mọi người ” vì ông tự hiểu được giá trị tự thân của ông. “Ông là một người tự do, dù có làm cho bất kỳ một cơ chế một chính thể nào. Tự do gồm có tự trọng, bản lĩnh, tài năng… Có nhiều yếu tố trong tự do, nhưng ông cũng là một người cô độc[14], nhà văn Phạm Phú Bằng đã viết như vậy khi nói về sự im lặng của Cao Văn Khánh.

* clip_image012

Cao Văn Khánh (người đứng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn) báo cáo tình hình chiến sự tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 30/12/1967.

Tự do và cô độc, đúng thế vì “càng hiểu biết con người càng tự do”, đấy là luận điểm của Voltaire. Trong thư gửi về cho vợ, Cao Văn Khánh viết: “Cuộc đời tuy trông bên ngoài có vẻ dồn dập vẫy vùng nhưng bên trong, có rất nhiều phút suy nghĩ vẩn vơ… Với một tình cảm dạt dào và kín đáo, tuy không nói ra cho ai biết, cuộc đời anh có rất nhiều lúc phải đấu tranh với cô đơn… Anh đã chịu đựng thế hơn 10 năm, nhất là những lúc một mình ban đêm, hoặc những lúc trên đường hành quân về sau những trận đánh dồn dập”.[15] Thế nhưng trong trường hợp những mẫu người như Cao Văn Khánh, như Đào Văn Trường và những người khác theo mẫu người ấy, không hiểu tại sao tôi lại cứ muốn nhắc đến Albert Camus, nhà văn nhận giải Nobel Văn học năm 1957 với câu nói gây chấn động tâm tư của tôi trong những phút trầm tư: “Cách duy nhất để đối phó với thế giới không có tự do này là trở nên tự do tuyệt đối đến mức chính sự tồn tại của bạn là một hành động nổi loạn”.

Phải chăng vì vậy mà người ta cần phải làm nhoè diện mạo và sự tồn tại của họ để đỡ nguy hiểm trong một thế giới của sự chuyên chính bóp nghẹt dân và tự do. Tất nhiên không phải lúc nào cái cơ chế bóp nghẹt ấy cũng áp đặt nổi sức mạnh ấy lên tất cả mọi người, đặc biệt là những người trí thức có nhân cách, có bản lĩnh để hiểu được giá trị tự thân của mình. Trong số đó, có người phụ nữ nhỏ nhắn, mảnh mai nhưng chưa lúc nào chịu khuất phục, thiếu bản lĩnh như bà Ngọc Toản, vợ anh Cao Văn Khánh. Trả lời tướng Phùng Thế Tài Phó Tổng tham mưu trưởng đến nhà bàn chuyện lễ tang tướng Cao Văn Khánh rồi đưa vào nghĩa trang Mai Dịch, bà nói: “Vợ chồng tôi đi theo cách mạng mấy chục năm không yêu cầu điều gì, nhưng lần này tôi có một yêu cầu không đưa anh Khánh vào Mai Dịch”. Mấy năm sau lại có đề nghị từ lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu “đưa anh Khánh về Mai Dịch cho đúng vị trí của anh”. Bà lại khẳng định: “Khi anh Khánh sống là của các anh, bây giờ anh ấy thành tro bụi là của tôi. Người tốt để đâu cũng tốt, người xấu chôn đâu cũng xấu... Để cho anh Khánh yên nghỉ nơi chúng tôi đã an táng…” [16]

Vài năm sau, nhân tu sửa mộ, chị tôi thay luôn tấm bia, bỏ hết quân hàm chức tước liệt kê trên tấm bia cũ. Trên tấm bia mới chỉ còn hàng chữ: “Tướng Cao Văn Khánh. Quê quán: Huế,1. 5. 1917 - 3. 10. 1980”.

clip_image014

Cao Văn Khánh (trái) và Lê Trọng Tấn trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào

Tôi bùi ngùi nhớ lại hình ảnh Tướng Lê Trọng Tấn xúc động nói trước nấm mồ đất còn đỏ vừa chôn người Phó Tổng Tham mưu trưởng – bạn chí thiết của ông: “Anh nằm đây giữa các đồng đội của chúng ta, núi Ba Vì trước mặt, kia là Đại Bục, kia là Đại Phác”. Giọng ông nghẹn ngào, tay chỉ các hướng của vị trí những chiến trường xưa, nơi diễn ra các trận chiến do anh Cao Văn Khánh chỉ huy.

Gõ những dòng này, nhớ lại hình ảnh những người bạn chiến đấu tiễn đưa nhau, giọt nước mắt không kìm được làm nhoè kính và rơi xuống bàn phím, tôi nghĩ mông lung chết như anh thật oai hùng và thanh thản, vì hình ảnh của anh, sự nghiệp của anh không chết, vì như ai đó nói rất đúng người chết để lưu danh muôn thuở sẽ sống mãi. Hơn nữa, như Walter Scott, nhà văn người Scotland, tác giả của cuốn Ai-van-hô (Ivanhoe) mà tôi đã từng ngốn ngấu và đặt trên giá sách ở chỗ dễ thấy nhất, để khi không ngủ được thì lấy ra đọc. Tôi từng tâm đắc với câu của ông: “Cái chết – giấc ngủ cuối cùng? Không, đó là sự thức tỉnh cuối cùng”.

Vâng, cái chết của Cao Văn Khánh đã “thức tỉnh” nhiều người, và phải chăng cũng “thức tỉnh” những người viết sử, trước tiên là những người viết sử trong quân đội tìm về sự thật, tức là tìm về chân lý. Nếu sự thật bị lẩn tránh thì chân lý cũng bỉ bẻ queo. Một khi chân lý bị bẻ queo thì lịch sử không còn là lịch sử, đó là sự dối trá cố che đậy để chuyển tải đến cho thế hệ mai sau sự lừa mỵ, làm méo mó và xô lệch não trạng và trí tuệ của thế hệ đó. Vì “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ” mà đại văn hào Pháp Victor Hugo đã nhắc nhở. Chính vì vậy người viết lịch sử là người đặt nền tảng vững chắc cho văn hoá. Nhưng khốn nỗi, “người sáng tạo lịch sử không có thời gian để viết lịch sử như Montaigne, một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thời kỳ Phục hưng Pháp đã thật sâu sắc khi chỉ ra một sự thật đầy tính bi kịch mà chúng ta đang phải nhẫn nại chịu đựng.

Khi mà người ta đang rùm beng hô hào và răn dạy về văn hoá, về sức mạnh của văn hoá, văn hoá là quốc sách không phải nhằm lấy tiền thuế của dân để in những tập sách dày cộp đưa ra trưng bày cùng với những tập sách mỏng hơn tụng ca một cách kệch cỡm của những bồi bút hạng sang, nhưng chẳng ai thèm đọc cả. Lúc ai đó dẻo lưỡi khề khà răn dạy phải trọng danh dự, phải biết liêm sỉ thì chẳng hề đoái hoài tới tính trung thực và liêm sỉ của những ngòi bút viết lịch sử đã cố tình làm nhoè đi, hoặc trắng trợn thay đổi sự thật lịch sử, một hành động phản văn hoá tồi tệ nhất vì nó không chỉ đầu độc thế hệ trẻ hôm nay mà còn chuyển tải những thông điệp lệch lạc cho những thế hệ kế tiếp sẽ méo mó, dị dạng. Và rồi, cái tiếng vọng của quá khứ trong tương lai cũng vì thế mà méo mó dị dạng theo. Rồi qua cái lăng kính méo mó ấy, ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ càng không thể sáng tỏ được.

Không hiểu những ai đang cầm cân nảy mực trong việc thực hiện Giáo dục là quốc sách hàng đầu, Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội… có hiểu nổi những mệnh đề, quan điểm của những nhà văn hoá bậc thầy của thế giới vừa dẫn ra ở trên không?

Bảo Vân viết: “Mẹ tôi kể “Lần nhận được quyết định Tư lệnh Binh đoàn B 70 ba xúc động lắm”. Sau rất nhiều luôn chỉ là “phó”, cuối cùng ông cũng được tin tưởng giao vị trí Tư lệnh, đồng nghĩa với quyền quyết định trong chiến dịch chiến lược quan trọng này”. Ấy vậy mà Bảo Vân lại nhận định: “Ba tôi lại coi trách nhiệm nặng nề nhất, đáng lo nhất là tính mạng những người lính mà gọi là “những chiến sĩ vĩ đại”, những người đã đặt niềm tin vào khả năng lãnh đạo và giao phó sinh mạng của họ cho ông trước một chiến dịch đã lường trước là vô cùng khốc liệt.”[17] Ngòi bút tinh tế và thông minh của tác giả cuốn sách Hồi ức lịch sử ấy đã khéo léo dẫn ra những câu của vị Tư lệnh B70 viết từ chiến trường gửi cho vợ để nói lên điều đó:

Hôm kia nghe tin bão đầu mùa, anh lại nghĩ đến em và các con. Mai kia Vũ lớn lên đi bộ đội, thì trời mưa bão cũng xông pha như những chú tân binh trẻ măng đang hăng hái xông ra mặt trận. Càng thương con càng thương anh em chiến sĩ, thật là vĩ đại vô cùng. Gian khổ bao nhiêu cũng luôn vui vẻ, quyết tâm đánh giặc. Thật là thế hệ anh hùng. Con ta sau này cũng thế. Càng nghĩ đến các chú bé ngây thơ kia, anh càng thấy trách nhiệm của mình làm thế nào để giành được thắng lợi lớn mà đỡ hy sinh nhiều cho anh em, và càng thấy lo lắng, vì mình thương con mình thì người ta cũng thương con người ta. Trách nhiệm người người chỉ huy trong giai đoạn quyết liệt này thật là quá nặng”.[18]

Gửi thư cho con trai đang học ở học viện Không quân Giucopxki, ông viết: “Tình hình giằng co giữa ta và bọn Trung Quốc còn kéo dài hàng chục năm, dân ta còn khổ, quân ta còn phải chuẩn bị thường xuyên sẵn sàng chiến đấu, phải tăng cường sức mạnh về mọi mặt”.[19] Trong cuộc họp báo về tình hình chiến sự, trả lời các nhà báo nước ngoài, ông khẳng định: “Đối với nhân dân Việt Nam, mỗi tấc đất của Tổ quốc là thiêng liêng, kẻ thù sẽ không bao giờ có thể cướp được dù là một mẩu đất của chúng tôi. Chúng tôi phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng đánh trả bọn xâm lược, nếu như chúng không từ bỏ các âm mưu bành trướng”.[20]

Thế là, vị tướng đã chỉ huy và giành thắng lợi trên các chiến trường từ Bắc chí Nam, có mặt tại Tổng hành dinh giữ nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Thường trực chỉ đạo tác chiến chiến lược. Trong Hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Tôi tập trung suy nghĩ những vấn đề chiến lược trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Trực tiếp giúp tôi là các đồng chí Tổng Tham mưu phó Lê Trọng Tấn và Cao Văn Khánh, hai đồng chí từng chỉ huy đánh lớn, hai đồng chí gắn bó lâu năm trong nhiều chiến dịch, hai người bạn chiến đấu trung thực và chân thành”. Một nhà báo viết: “Từ đây, Tướng Cao Văn Khánh đã cùng Bộ Tổng Tham mưu đảm nhiệm một trọng trách trước lịch sử: triển khai việc tổ chức cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975”.[21]

Thế là, vị tướng, từng là một trí thức yêu nước của của thời kỳ “Trường Thanh niên Tiền tuyến” với 43 trí thức sinh viên xuất sắc của Đại học Đông Dương, hầu hết là cựu học sinh Trường Quốc học Huế, để thành lập ngôi trường đào tạo sĩ quan chỉ huy mang tên “Trường Thanh niên Tiền tuyến”.

Được lập ra bởi hai nhà trí thức nổi tiếng là Phan Anh và Tạ Quang Bửu, vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Trường Thanh niên Tiền tuyến là nơi đã “ươm mầm” để rồi sau đó cho ra đời 8 vị tướng, trong đó 2 người được phong trước 1975 và hàng chục sĩ quan cấp tá giữ vai trò trọng yếu trong quân đội nhưng suốt mấy chục năm ròng nó hầu như không được ai nhắc đến. Thông tin về trường đã rơi vào hố đen im lặng.

Trong hồi ký Thanh niên Tiền tuyến ra đời vào năm 2008 có nhà văn phải viết: “Các sinh viên Thanh niên Tiền tuyến! Tôi cúi mình trên những trang hồi ức của các anh, như soi mặt trên dòng sông đã trôi xa. Tự nhiên hiện thêm những điều tưởng như đã hiểu hết. Có những con đường không ai đi nữa, có những tháng năm không còn ai nhớ nữa và những người chết không còn hắt bóng vào đâu nữa. Cỏ lau mọc rất nhanh nhưng không nhanh bằng trí nhớ bội bạc của người đời”.[22] Những lời gan ruột ấy của Hoàng Phủ Ngọc Tường như xoáy sâu vào nỗi niềm của Vĩnh Mẫn, người từng là Chính ủy “Cửa Việt”, một đơn vị trong lực lượng “Đường Hồ Chí Minh trên biển” để trong một cuộc Toạ đàm “Lịch sử của Giải phóng quân Huế”, đã nhắc đến tính công bằng lịch sử: “Sự thật lịch sử còn một khoảng trống, khi chúng ta có độ lùi gần nửa đời người, có đủ chứng cứ để trả lại công bằng cho lịch sử, thì vì sao không ai nói ra? Như trường hợp Trường Thanh niên Tiền tuyến”.[23] Nếu tôi nhớ không nhầm thì Vĩnh Mẫn cũng là một trong những người đầu tiên cố gắng phục dựng lại lịch sử chân thực của “Đoàn tàu không số”.

Trả lại công bằng cho lịch sử ư? Đúng vậy chỉ riêng ngày ra đời của ngôi trường lịch sử ấy cũng đang là “một sự thật” bị làm nhoè đi khi sự kiện chỉ mới trôi qua trong một đời người, và một vài nhân chứng vẫn còn sống Tuy vậy cho dù để tìm về họ thì cũng như “như soi mặt trên dòng sông đã trôi xa”, những người chết không còn hắt bóng vào đâu nữa”, Cỏ lau mọc rất nhanh nhưng không nhanh bằng trí nhớ bội bạc của người đời. “Người đời” là những ai đây?

Nếu người đời là cuộc sống nhẫn nại trong lam lũ và hướng thiện trong tâm thức, cho dù “đám đông không bao giờ khát khao chân lý” theo tác giả của Tâm lý học đám đông đã dẫn ở trên, thì họ vẫn là nơi lưu giữ những sự thật lịch sử. Khi mà “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nước còn cau mặt với tang thương” (Thăng Long thành hoài cổ) thì đâu chỉ có cỏ lau mọc rất nhanh mà cây con cũng đã thành cổ thụ. Mà cổ thụ phủ bóng mát lên cuộc đời và thấy ra rằng: “Lịch sử… là phiên toà phán xét”, những cây cổ thụ kia là chứng nhân của quyết liệt ấy của Hegel, nhà triết học Đức vĩ đại. Hơn nữa, đó là lời cảnh báo của Theodor Mommsen, nhà văn Đức được giải Nobel Văn học năm 1902.

Ai là người sẽ phải gánh cái gánh nặng nhất của lịch sử khi chúng đang ăn cắp vinh quang của thời hào hùng này để biện minh cho sự ngự trị của nó và để ngu dân đây? Ai là người đưa đầu ra để nhận sự báo ứng cho mọi tội lỗi đã gây ra cho sự trì trệ lạc hậu của đất nước vì cái mô hình của bảo thủ và giáo điều Stalinist và Maoist và cho đến nay vẫn lè nhè lải nhải tụng ca, răn dạy giáo điều bảo thủ thảm hại đó. Ai? Nhân dân biết rõ và rồi lịch sử biết rõ. Nhanh thôi! Lịch sử đang đi đôi giày vạn dặm.

Lịch sử với sự thật đã là một vấn đề lay động tư duy của không chỉ một thế hệ mà đang được làm trầm trọng thêm do “lịch sử đang bị quyền lực làm cho lãng quên và xuyên tạc, thậm chí quyền lực đang ăn cắp vinh quang của thời hào hùng này để biện minh cho sự ngự trị của nó và để ngu dân, và còn để làm vong bản dân tộc này trước những nguy cơ ngoại xâm hiện nay” như trong thư của ông bạn tôi, Nguyễn Trung, nguyên Trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Anh tâm sự: “Đêm hôm qua, thực ra không phải là tôi đọc sách, [Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử] mà là đối thoại, là hội ngộ với sách, với một thời…, và dằn vặt mình về một thời của hôm nay! Với không biết bao nhiêu lo âu và câu hỏi! Trong đó quặn lên câu hỏi: Nhà trường của chúng ta hôm nay đang dạy gì cho con cháu của chúng ta về lịch sử đất nước mình?”.

clip_image016

Ảnh chị tôi, bà Ngọc Toản hồi làm việc tại Phòng Thí nghiệm của Giáo sư Đặng Văn Ngữ

Anh Trung ơi, lịch sử rất sòng phẳng. Những tập sách dày cộp với công thức cũ mèm được nhai lại một cách trơ trẽn dù thỉnh thoảng đệm một câu Kiều cũng sẽ bị ném vào sọt rác của lịch sử. Sách càng dày cộp bao nhiêu càng tốn tiền thuế của dân bấy nhiêu. Mà vì vậy càng bị sự nguyền rủa của dân. Mà sự nguyền rủa của dân rồi cũng là sự nguyền rủa của lịch sử vì “lịch sử là phiên toà phán xét” mà anh. Những kẻ bị phán xét ấy không cần đến “thiên lôi” trong “Gặp gỡ cuối năm” mà nếu không có sự cắt bỏ kiểm duyệt của tầng tầng lớp lớp những thế lực đương quyền, từ người vì miếng cơm manh áo cho đến những tay to bự muốn giữ cái ghế, thì chắc họ còn có thể “phán xét” quyết liệt hơn nữa và họ không thể không nói đến “sự báo ứng của lịch sử”. Chỉ một sự kiện văn hoá bé tí hin, một màn kịch vui, mà còn vậy, thì “đại cục” sẽ còn thảm thương đến thế nào như chúng ta đang chứng kiến. Nhưng tôi muốn nói lại với anh cách ứng xử của tôi là cố gắng đi thật nhanh qua chúng. Ta càng quanh quẩn trong sự bất hạnh của chính mình càng lâu thì sức mạnh hãm hại của nó càng lớn mà tôi đã dẫn ra ở trên.

Tôi dẫn ra câu ấy vì tôi thấm thía mệnh đề đã chìm sâu trong đầu: Văn hóa: tiếng kêu của con người khi đối diện với số phận. Trí thức là người có tầm nhìn vào chính mình (Albert Camus). Anh Trung ạ, ta phải nhìn vào chính mình mà đi tới thôi, nhìn vào khát vọng tự do và bản lĩnh nhẫn nại và chịu đựng của chính mình để mà sống cho dù quỹ thời gian của chúng ta còn quá hạn hẹp mà sức khoẻ thì ọp ẹp. Không sao!

Để kết thúc bài viết, tôi quay trở lại Mark Twain, người sống trong một chu kỳ sao chổi từ cuối thiên niên kỷ thứ hai sang đầu thiên niên kỷ thứ ba thật độc đáo và ly kỳ với lời khuyên: “Hai mươi năm nữa, bạn sẽ thất vọng vì những thứ mình không làm hơn là điều đã làm. Vì vậy, hãy tháo dây, cho thuyền ra khỏi bến cảng an toàn, căng buồm đón gió, tìm tòi, ước mơ và khám phá ”.

Phải thế vì Tạo ra là sống hai lần!

Ngày 22. 2. 2022


[1] Nhận định của Ron Powers, nhà báo được giải thưởng Pulitzer năm 1972 và giải Emmy với tác phẩm của mình trên CBS News Sunday, ông sinh năm 1941 tại Missouri, quê hương của Mark Twain.

[2] Ông M liệu có phải là ông Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy mặt trận Tây Nguyên?

[3] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr.

[4] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr.

[5] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr.

[6] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 228, 229.

[7] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 265, 266.

[8] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 266.

[9] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 14.

[10] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 14.

[11] Gustave Le Bon. Tâm lý học đám đông, các trang 162, 99, 28, 165, 187, 96.

[12] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 70, 3, 266.

[13] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 266.

[14] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 244.

[15] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 244.

[16] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 34.

[17] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 244.

[18] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 541.

[19] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 768.

[20] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 764.

[21] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 692.

[22] Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử, tr. 74.

[23] Phạm Hữu Thu, Vì những trang sử đẹp. Tạp chí Sông Hương, ngày 23/12/2012,