Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Người đi hái giấc mơ (3)

Tiểu thuyết ngắn Trương Đình Phượng

image_thumb1

10.

Tay Quyền bị chuyển sang giam chung với tôi và Kiện. Tối hôm đó chúng tôi từ phòng ăn của tù nhân về tầm độ ba chục phút, đang chuẩn bị giường để nằm nghêu ngao thì cửa phòng giam mở, một người bị ném vào, một tiếng bịch vang lên trên nền đất rồi tiếp theo là chuỗi tiếng rên rỉ, cửa phòng giam đóng lại, tôi hỏi:

-Ai vậy, bạn mới hả?

-Tao, tao Quyền đây. Một giọng nói đứt quãng.

-Mày ngồi im, đừng quan tâm tới hắn. Kiện bảo tôi. Rắc rối sẽ không buông tha mày nếu như mày tiếp xúc với hắn quá thân mật.

-Nhưng hình như anh ấy bị thương anh ạ, mình không nên mặc anh ấy. Tôi sốt ruột nói.

Kiện thở dài:

-Thôi kệ mày, tao cũng chỉ vì lo cho mày nên mới nói vậy, chứ tao đâu phải thằng vô nhân tính thấy đồng loại gặp cảnh tồi tệ mà nhắm mắt làm lơ.

Tôi rời giường bước lại lần trong bóng tối đỡ Quyền dậy, tôi lôi hắn lại giường đặt hắn nắm xuống, tiếng thở của hắn nghe chừng rất nặng nhọc, hắn run run nói:

-Từ nay chúng ta thành đồng nghiệp tốt rồi đấy nhé.

Kiện chừng như đã suy nghĩ thấu đáo, xích lại hỏi:

-Ý mày là sao?

Quyền đáp:

-Thì tao cũng tăng cấp bậc như bọn mày rồi, từ năm năm tù thành chung thân.

Kiện dò hỏi:

-Thế mày có phải là tù chính trị không đó?

Quyền cười gió:

-Mày nói gì lạ vậy, cái gì mà tù chính trị chứ, tao là tù nhân lương tâm đấy nhé.

Nói xong hình như đau quá Quyền im lặng luôn. Tôi và Kiện cũng không nói thêm gì nữa. Chúng tôi nhường cho Quyền một cái chăn, hai thằng sang bên giường Kiện nằm.

Đêm nào cũng vậy, tầm chín giờ tối Quyền lại được đưa đi, khoảng mười hai giờ người ta lại ném hắn vào phòng giam như một cái xác.

Lọ dầu gió của Kiện đã được tôi xức hết cho Quyền, thành thử chẳng còn thuốc gì để bôi cho hắn nữa, mấy đêm nay Quyền đau đớn vật vã cho đến tận sáng, khắp người hắn vết bầm dập ngày một nhiều thêm, trông chẳng khác gì thân cây thông bị người ta cắt vỏ lấy mủ.

Từ hôm bị chuyển sang phòng tôi và Kiện, Quyền không được tự do ra ngoài nữa, sáng sáng tôi và Kiện đi lao động cải tạo thì Quyền nằm co queo trong phòng giam.

Hơn một tháng trôi qua, chỉ có tôi là hay bắt chuyện với Quyền, còn Kiện thì hầu như không giao lưu qua lại, đêm đêm Quyền nằm ti tỉ hát, Kiện chăm chú vẽ lên tường, tôi nằm nhìn trần phòng suy nghĩ vẩn vơ.

Quyền vẫn tiếp tục bị lôi đi lúc chín giờ và trả về lúc mười hai giờ, dạo này có vẻ hắn đã quen với món cháo đấm đá nên không thấy hắn rên rỉ nữa.

Mùa đông đã sang, thời tiết về đêm lạnh thấu xương, từng đợt gió như muốn rứt từng mảng da, dù không muốn Kiện cũng đành cùng tôi nằm chung vơí Quyền, ba thằng một giường cực kỳ chật chội nhưng được cái ấm áp, ban đầu còn khó ngủ lâu dần cũng quen.

Vườn cải trong trại giam bắt đầu nở rộ hoa, hoa cải vàng trông thật thích mắt, thi thoảng có vài con bướm vượt tường vào rập rờn bay trên những luống hoa cải, những lúc như vậy tôi luôn thấy Kiện nhìn vườn rau với ánh mắt buồn buồn, hẳn hắn rất muốn chạy ra đuổi bắt bướm nhưng sợ lại bị hành hạ như lần trước.

Tháng mười một, tiết trời hanh khô, da tay da chân chúng tôi nứt nẻ như cánh đồng làng mùa hạn hán, thân thể Quyền càng thêm đau đớn, cũng may chẳng biết Kiện tìm đâu ra lọ thuốc bôi nẻ nên ba chúng tôi cũng bớt phần nào khổ sở.

Một chiều tôi và Kiện vừa về đến phòng giam thì nhìn thấy Quyền nằm co quắp dưới nền đất, tôi hoảng hốt chạy tới đỡ Quyền dậy, người Quyền lạnh tanh, tôi đưa tay sờ mũi hắn, không còn hơi ấm, Quyền đã chết từ bao giờ, tôi ôm chặt Quyền vào lòng khóc nức nở, Kiện cũng xúc động ngồi xuống, hắn cầm tay Quyền như muốn nói điều gì đó nhưng âm thanh không thoát ra khỏi cuống họng được, toàn thân Kiện run rẩy, chắc là hắn ân hận vì đã đối xử lạnh nhạt với Quyền suốt từng đó thời gian sống chung.

Xác Quyền được đem đi, về sau chúng tôi hoàn toàn không nghe tin tức gì nữa. Trước khi chết Quyền để lại một lá thư cho tôi và Kiện, hắn viết: “Chào hai anh bạn,

Thế là chúng ta đã sống cùng nhau gần hai tháng, tôi biết hai người rất ngại tiếp xúc với tôi vì sợ liên lụy, dù cùng cảnh tù chung thân nhưng dù gì tôi cũng là kẻ có liên quan đến chính trị, tôi biết đối tượng như tôi rất khó để đồng loại bày tỏ lòng thương xót tương cảm, tôi không trách hai người.

Đã đến lúc tôi phải đi rồi, đời một con người dù sống trong hoàn cảnh giàu sang hay nghèo hèn tự do hay tù đày không quan trọng, chỉ cần chúng ta sống không thẹn với lương tâm là được.

Hai người hãy cải tạo thật tốt chờ ngày ân xá nhé.

Tôi sống chẳng vì tôi nên tôi chết cũng chẳng cần ai vì mình.

Vĩnh biệt!“.

Tôi để lá thư của Quyền vào trong gối và giữ cho đến tận ngày tôi ra tù.

Từ khi Quyền rời bỏ cõi trần gian, đêm đêm tiếng hát xẩm cũng không còn, chỉ còn tiếng giun dế tấu hoài miên khúc chán chường, tuyệt vọng.

11.

Năm đầu tiên mỗi tuần mẹ Trí đều lên thăm Trí, năm thứ hai có khi một tháng có khi hai ba tháng bà mới lên, mỗi lần gặp mẹ Trí càng thêm đau đớn tâm can, càng ngày bà càng gầy sọm đi, mái tóc bạc trắng xõa xượi ôm khuôn mặt hốc hác, đôi mắt bà tím bầm vì những đêm thức trắng dầm mình trong nỗi nhớ thương con.

-Con ráng cải tạo tốt, mẹ tin một ngày con sẽ được minh oan. Mẹ Trí nắm chặt bàn tay hắn, tay bà run lên, lòng bà thổn thức.

Trí cố nén dồn ép dòng lệ đắng chực trào ra vành mắt, hắn cố cười:

-Mẹ đừng lo cho con, ở đây con sống rất tốt, anh em ai cũng thương con mẹ ạ, nếu một ngày con được trở về nhất định con sẽ lấy vợ và sinh cháu cho mẹ bồng.

-Cha bố nhà anh, bà vuốt đầu Trí, khi còn ở nhà tôi giục năm lần bảy lượt anh không thèm lấy, giờ sống trong cảnh tù tội lại thèm cưới vợ rồi phải không. Ừ mẹ sẽ chờ ngày đó, mẹ sẽ góp tiền cho con cưới vợ.

Bà quay mặt gạt thầm những giọt nước mắt tái tê. Trái tim Trí như đứt ra từng đoạn.

-Hết giờ thăm phạm nhân, đề nghị người thân đi ra cho phạm nhân quay về phòng giam.

Tiếng thông báo như nhát dao lia ngang tâm hồn hai mẹ con. Mẹ Trí bịn rịn nhìn Trí rồi quay người bước đi, dáng bà liêu xiêu khuất dần sau bức tường trơ lạnh, Trí nhìn theo, máu như chực trào lên miệng, người cán bộ trại giam nắm Trí lay lấy lay để:

-Lưu luyến gì nữa hả, nếu biết thương mẹ như thế thì trước đừng phạm tội, giờ ân hận cũng đâu được gì.

Trí bước theo người cán bộ trại giam, mỗi bước như đang dẫm lên đống gai nhọn hoắc.

Bẵng đi một thời gian tầm nửa năm, Trí không thấy mẹ lên thăm, cũng không có tin tức gì từ nhà, rồi hơn hai năm trôi qua, ngày nào Trí cũng chờ đợi nhưng bóng mẹ hắn vẫn bặt tăm, tháng mười năm thứ tư sau những ngày tháng chịu đựng nỗi oan khiên cuối cùng Trí cũng được thả ra, kẻ thủ ác sau nhiều ngày sống trong dằn vặt đã ra đầu thú, kẻ hiếp dâm và giết Lụa không ai có thể ngờ lại là Hải, tay trưởng phòng tuyên huấn của huyện, hắn đã dụ dỗ lừa gạt Lụa sa vào cái bẫy tình của hắn bằng lời hứa sẽ giúp cô có một chỗ làm sau khi ra trường, Hải đã có vợ và hai đứa con, đêm đó Hải nhân dịp Lụa từ trường về thăm quê Hải hẹn Lụa ra vườn chuối, Hải nói ngon nói ngọt xin Lụa chiều chuộng Hải, ban đầu Lụa còn chối từ dần dần lời ngon gỗ đá cũng hao mòn, Lụa buông xuôi theo ý muốn của Hải, trong cơn hành lạc Lụa buột miệng đề nghị Hải vứt bỏ vợ con lấy Lụa về làm vợ, nếu không Lụa sẽ tố cáo hành vi của hắn khiến cho hắn thân bại danh liệt, thú tính nổi lên Hải rút con dao bấm hắn thường đem theo bên mình phòng bị bất trắc đâm liên tiếp vào người Lụa, khi thấy nạn nhân không còn cựa quậy, Hải hiếp Lụa thêm hai lần nữa rồi cởi hết áo quần của Lụa bật lửa đốt, sau đó hắn đi tìm vật dụng để xóa bỏ chứng cứ, loay hoay một hồi Hải tìm thấy chiếc chậu ai đó bỏ quên nơi ruộng lúa, hắn mau chóng múc nước đổ lên nền đất nơi vườn chuối, đất nơi đó vốn là đất cát nên nước đổ vào chả mấy chốc đã bị hút khô, những dấu chân của Hải và Lụa cũng theo đó mà bị xóa mất...

Chỉ còn lại những dấu chân “vô tình” của Trí, nhưng lại là những dấu chân oan khiên.

Trước khi Trí được thả ra, Kiện đã tự sát. Hôm ấy trong lúc đám tù nhân đang làm việc ngoài vườn rau Kiện bỗng nhiên ngã xuống, khi mọi người chạy đến thì máu từ miệng Kiện đang tuôn ra òng ọc, Kiện đã nuốt lưỡi dao lam vào bụng, gần chục lưỡi lam khiến cho nội tạng hắn tổn thương trầm trọng, số dao lam ấy Kiện lấy trong phòng vệ sinh không rõ là của ai để quên, người ta đã làm đủ mọi cách để cứu chữa nhưng Kiện không qua khỏi. Kiện chết trong khi bức tranh Khoảng Trời Xanh Cho Con của hắn vẫn còn dang dở trên bức tường phòng giam, trước khi rời bỏ kiếp sống ngục tù Trí đã đứng trước bức tranh dang dở ấy và khóc, những lời cuối cùng của Kiện vọng về trong tâm thức của Trí: “Tao chẳng có ước ao gì nữa cả, tao chỉ muốn con bé trên trời cao nhận được bức tranh này thôi!”. Bây giờ thì Kiện đã có thể gặp lại đứa con gái mà hắn rất mực yêu thương, từ nay hai cha con tha hồ mà vẽ những bức tranh với những gam màu tươi đẹp.

Sau gần bốn năm được nhìn thấy mặt trời, ngồi trên chiếc xe khách lòng Trí như có lửa đốt, gần một năm bặt tin nhà linh cảm cho Trí biết chắc chắn đã xảy ra chuyện gì không hay cho mẹ hắn.

Xuống xe, Trí vội vã bước trên con đường dẫn về nhà. Trời đã vào chiều, chao chát những cánh dơi chập choạng vờn trên những khoảng ruộng đã gặt xong, cuối thu lẻ loi mấy tiếng chim thiên di muộn thả vào không gian u uẩn.

Nhà cũ vẫn còn đó, cửa đóng then cài, không khí bao trùm nỗi thê lương, mảnh sân cỏ chen dày. Hốt hoảng đẩy cánh cồng tre tồi tàn Trí lao vào gọi tên mẹ, những tiếng gọi xé nát chiều tím tái:

-Mẹ ơi, mẹ ơi, con về rồi mẹ ơi!

Không một lời đáp lại, tất cả chỉ là sự vắng lặng như nghĩa địa.

Hai cánh cửa khóa ngoài. Trí bình tĩnh nghĩ, có lẽ mẹ đi đâu đó, hắn ngồi xuống thềm chờ đợi...

Đêm buông nhanh, tiếng côn trùng thi nhau than vãn, từng đàn đom đóm kéo nhau đến quẩn quanh nơi hàng rào dâm bụt.

Có tiếng bước chân. Trí ngẩng phắt lên nhìn. Từ ngoài cổng một người bước vào, trên tay cầm chiếc đèn pin. Không phải mẹ Trí, hình như là một người đàn ông. Thì ra là như thế, Trí nhủ thầm, bao lâu nay mẹ bỏ rơi mình nơi trại giam chỉ vì một người đàn ông.

Trí hầm hầm lao về phía người đó.

-Cậu là ai?

-Tôi là Trí con trai người đàn bà sống trong căn nhà này. Trí cau có.

-A thì ra là cậu Trí hả, cậu không nhận ra tôi sao, tôi là ông Thọ đây mà, ông Thọ Chột ngày xưa hay bế cậu ấy, có lần cậu bị kiến đốt mẹ cậu sang nhà tôi xin thuốc bôi đó, cậu nhớ không?

Trí khựng lại. Thì ra hắn đã hiểu nhầm mẹ hắn. Gặp người quen Trí rưng rưng, hắn nắm tay ông lão hỏi dồn:

-Mẹ con đâu rồi bác, mẹ con đâu?

-Cậu cứ buông tay tôi ra từ từ tôi kể cho mà nghe, chúng ta vào nhà đã nào.

Dứt lời ông lão đi tra khóa vào ổ, hai cánh cửa cũ kỹ được mở ra, ông lúi cúi thắp ngọn đèn dầu lên, trước gian bảy nhà hai mảnh vải đỏ buông rũ.

-Đây là bàn thờ mẹ cậu. Ông lão thảm đảm thốt.

Mẹ hắn đã ra đi vĩnh viễn, bà không chờ được ngày hắn trở về cưới vợ sinh cháu cho bà bế, mẹ hắn đã bỏ rơi hắn ở lại cõi thế gian rộng lớn mà không có bến bờ nương náu không phải để theo một gã đàn ông mà đi về nơi cuối cùng của niềm đau nhân thế. Mẹ ơi! Trí thốt lên đớn đau. Làn khói hương bảng lảng lan tỏa trong căn nhà tuềnh toàng, tiếng kể đứt đoạn của ông lão hàng xóm như ngàn mũi dao cấu cào lương tâm Trí.

-Đêm đó, người ta xả lũ đột ngột, nước tràn về như thác đổ, cả làng la hét như có giặc ngoại xâm, giữa màn đêm đen kịt những con người khốn khổ dìu nhau chạy lũ, mẹ cậu khi đó một thân một mình không người giúp đỡ nên không chạy thoát khỏi sự bạo hành ghê gớm của cơn lũ lịch sử. Ngày đưa ma mẹ cậu chỉ có tôi và mấy người quanh đây, làng xóm không ai dám đến đưa tiễn vì họ sợ liên lụy cậu ạ, câu là kẻ mang tội hiếp dâm giết người nên từ ngày cậu đi tù người ta cũng ngại tiếp xúc với mẹ cậu. Lão thở dài ngừng giây lát rồi tiếp, cậu cũng đừng oán trách dân làng cậu nhé, họ không xấu nhưng cái tâm của họ luôn sống trọng sự sợ hãi cậu ạ, âu đó cũng là bản chất được tạo nên từ bao đời nay nơi mảnh đất khốn khó này.

-Bác yên tâm cháu không bao giờ có ý trách cứ mọi người, tất cả là do cháu, cháu là kẻ ác không đáng để mọi người thương cảm. Trí đáp, hồn hắn choi vơi theo làn khói hương hư ảo.

...

Lão Thọ ra về, Trí ngồi giữa muôn ngàn trống rỗng. Hắn không oán trách dân làng, không oán cơn lũ đã cướp đi mạng sống của mẹ hắn, hắn chỉ trách hắn, giá như hắn không là kẻ bất tài, giá như hắn nghe lời mẹ hắn cưới vợ thì có lẽ đã có người chung vai cùng mẹ hắn thoát khỏi trận lũ ấy.

Mấy ngày sau Trí mượn người bốc mộ mẹ hắn, không ai dám giúp kẻ tội phạm dù Trí đã nói rõ ràng hắn đã được pháp luật trả lại sự trong sạch, tuy nhiên xóm làng vẫn còn nguyên cảm giác ghê sợ hắn.

Một mình Trí đào mộ mẹ lên trong đêm, một mình hắn xếp củi thành giàn thiêu hỏa táng hài cốt mẹ, sáng hôm sau hắn thu dọn tro cốt băng qua quãng đường hơn trăm cây số tìm đến chùa, cầu xin sư cụ cho hắn được gửi thờ linh cốt mẹ tại chùa, cảm khái trước tấm lòng hiếu thảo sư cụ đã chấp thuận.

Trí bỏ làng ra đi vào một buổi sớm mùa đông, lúc mọi người đang chìm trong giấc ngủ, năm đó Trí hăm bốn tuổi.

...

12.

Mưa rừng điên cuồng vả xuống những cành cây, Trí có cảm giác những chiếc lá đang bị xé toạc ra, trong lán không khí ẩm thấp, lũ muỗi bắt đầu cuộc hành hình thân xác những gã người.

Trí ngồi dậy, tựa lưng vào vách, hắn không sao ngủ nổi dù trải qua một ngày làm việc hì hục như trâu như chó.

Đã hơn một tháng kể từ hôm Trí ra tù về quê rồi lại bỏ quê ra đi trôi dạt đến miền đất khỉ ho cò gáy này, miền đất mà dân “giang hồ” gọi với cái tên đầy ám ảnh “Xứ Máu”.

Ban đầu dạt đến đây khi nghe cái tên đó Trí có cảm giác vừa tò mò vừa thú vị, nhưng hắn không ngờ cái tên đó lại đáng sợ như chính sự thật đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trươc mắt hắn.

Rời làng vào lúc trời còn nhá nhem, Trí cắm đầu bước một mạch theo con đường mòn, Trí đi trong làn sương sớm mơ hồ như hồn ma, xung quanh vắng lặng như nghĩa địa, không một âm thanh sự sống.

Trời tỏ dần, nắng lên vạn vật vươn mình cởi bỏ lớp áo đêm, Trí quay đầu nhìn lại, ngôi làng bé nhỏ của hắn đã khuất hẳn, Trí lắc đầu xua tan những ý nghĩ trong đầu, dứt khoát, hắn tiếp tục bước.

Chiếc xe khách cũ kỹ phả khói mù mịt ỳ ạch lê trên con đường đất, mùi phân gia cầm, mùi nước mắm, mùi cá ươn quấn lấy nhau xộc vào khoang mũi hành khách, có mấy mụ đàn bà điên tiết hét ỏm lên, nhà xe ngứa máu văng tục:

-Địt mẹ các mụ có im cái họng đi không, đã nghèo còn làm phách, có xe mà đi là sướng lắm rồi, kêu hét cái con cặc.

Ngay lập tức mấy mụ đàn bà khóa họng, Trí ngồi thu lu cuối xe, đã mấy ngày hắn không ngủ, bất chấp những tiếng ồn ào Trí dựa đầu vào thành xe cố gắng chợp mắt.

-Này anh bạn người, anh bỏ làng ra đi hả? Từ hôm chia tay trong tù đến nay anh có khỏe không?

Trí quay lại nhìn, nơi thành xe con kiến nhỏ xuất hiện tự bao giờ, chớp chớp mắt tỏ vẻ ghẹo Trí.

-À anh bạn kiến nhỏ, bạn không cùng bà đến đồng cỏ sao?

-Tôi đi về rồi, giữ đúng lời hứa tôi đến thăm anh này.

-Sao anh bạn tìm được đến đây?

-Linh hồn bà tôi chỉ đường cho tôi.

-Sao bà anh bạn chết rồi ư?

Từ đôi mắt con kiến ứa ra hai giọt lệ. Nó bò lại gần Trí, Trí đưa bàn tay ra, con kiến nhỏ bò lên.

Trí nhìn nó bằng ánh mắt đồng cảm:

-Mẹ tôi cũng không còn nữa, mẹ tôi đã bị cơn lũ cướp đi mạng sống, vậy mà suốt một thời gian dài trong tù tôi nỡ trách oan mẹ tôi, tôi là đứa con khốn nạn.

Con kiến nói:

-Ai rồi cũng phải rời bỏ thế gian này anh bạn người ạ, khi bà tôi chết tôi rất đau khổ, nhưng dần dần tôi cũng hiểu ra, có lẽ bà chết cũng là sự giải thoát, vì thế tôi không buồn nữa mà tôi mừng cho bà tôi vì cuối cùng bà cũng được trở về với đấng nhiệm sinh, trần gian vốn nhiều khổ đau bất công bà, về cõi ấy sẽ không còn phải gánh chịu bất cứ sự dày vò nào nữa.

Trí nhìn ra ngoài cửa xe, đêm, vầng trăng dịu dàng lướt qua những triền đồi, một con nai lặng lẽ đứng bên vực thẳm, hình như nó đang mong đợi điều gì, xa xa những tiếng kêu bi thảm của đàn thú bị những tay thợ săn truy đuổi lan dài như muốn rọc ngang cuống phổi đêm.

-Cảm ơn anh bạn đã đến và khai sáng tâm hồn u ám của tôi, tôi đã gửi cốt mẹ tôi lên chùa, hy vọng những bài kinh mỗi ngày của các vị sư sẽ khiến linh hồn mẹ tôi siêu thoát. Trí nói, trong phút đó hắn như nhìn thấy nụ cười bình thản của mẹ hắn hiện lên phía cuối chân trời, khuôn mặt mẹ hắn nhập vào vì sao sáng nhất như đang soi đường cho hắn tìm đến miền đất bình yên.

-Này anh bạn trẻ, tỉnh dậy đi, ngủ gì say dữ vậy.

Tay tài xế vỗ mạnh lên vai Trí, hắn giật mình thoát khỏi giấc mơ, bên ngoài trời đã vào trưa.

-Xin lỗi anh, Trí nói, cho em hỏi chỗ này là chỗ nào ạ?

-Vậy anh bạn trẻ định đến nơi nào?

-Dạ, em cũng không biết.

Tay tài xế cười:

-Anh bạn vui tính ghê, đi mà không biết đi đâu, hành trình vô định hả?

Trí gật đầu. Tay tài xế tiếp:

-Đây là nơi ở của chúng tôi, thấy anh bạn ngủ say quá nên không tiện đánh thức ai dè quên béng luôn, thông cảm nhé. Mà, gã lại cười, giọng đượm mùi võ hiệp, anh bạn là kẻ lữ khách không nhà thì đến đâu chả được đúng không. Nếu cần mời về nhà tôi tá túc vài hôm rồi lên đường.

Trí khoác ba lô lên vai bước xuống xe:

-Dạ không cần đâu, cảm ơn lòng tốt của anh, từ đây ra đường cái quan như thế nào anh?

-Cậu cứ đi thẳng, rẽ phải rồi đi mãi là ra đến nơi, chúc cậu thượng lộ bình an.

Trí cúi mình cảm ơn tay tài xế quay mình bước đi, gió nhè nhẹ đem theo hương đồng êm đềm khiến Trí sực lòng nhớ quê.

Ba mươi phút hì hục cuốc bộ Trí đã ra đến đường cái. Đây là một địa phương nghèo nên ngay cả đường cái quan cũng hiếm xe khách qua lại, Trí đứng chờ mãi, càng chờ càng sốt ruột, bóng dáng chiếc xe khách vẫn mù tăm.

Thời gian lặng lẽ lê qua. Trí chán nản tự nhủ, thôi lại tiếp tục cuốc bộ vậy. Trí xốc lại ba lô, con đường đất chốc chốc bụi lồng lộn bay lên, xung quanh không có gì ngoài những cánh đồng mênh mông rợn ngợp bao trùm sự yên ắng như mảnh đất tâm tư Trí.

Trí đi mãi cho đến khi đêm buông, hắn đến bên một bờ sông, mùa thu nước sông lành lạnh, những rặng lau lách cọ vào nhau tạo nên miên khúc u hoài.

Trong lùm cỏ những con dế rền rĩ, chốc chốc tiếng ễnh ương gõ vào lòng đêm nghe thật não nề.

Trí cởi ba lô bỏ xuống đất, lấy tay khỏa nước rồi vốc lên rửa mặt, nước mát rượi khiến hắn cảm thấy sảng khoái sau một cuộc hành trình đầy bụi bặm.

Ánh sáng của vầng trăng lan tỏa khắp mặt sông, hai mắt Trí khững lại, hình như có một vật gì đang bập bềnh trôi. Trí cố rướn mắt nhìn.

Là một xác người. Có lẽ người ấy bị chết đuối, không kịp suy nghĩ Trí lao nhanh xuống sông, hì hục mãi hắn cũng lôi được cái xác lên bờ. Có tiếng rên, vậy là người này còn sống, Trí sờ lên mũi, vẫn còn hơi thở.

Trí cho tay lên ngực vuốt, điều hòa nhịp tim cho nạn nhân. Tay Trí chững lại, Trí vừa chạm phải một vật, lòng hắn thót lên, là một khẩu súng, gã này là tướng cướp chăng?

Kẻ đó sau khi được Trí xoa ngực hơi thở điều hòa trở lại, gã thở dốc ra, mở mắt, nhìn thấy Trí gã hơi khẽ cười thều thào nói:

-Cảm ơn anh bạn.

Trí nói:

-Không có gì, ông anh tỉnh là tốt rồi, xin chào.

Dứt lời Trí đứng dậy.

-Khoan đã nào, người anh em, tôi xem bộ dạng người anh em có lẽ là dân miền khác đến đây, là một kẻ vô gia cư chăng?

-Phải thì sao mà không phải thì sao, tôi gặp anh bị nạn cứu anh lên vậy là xong, giữa chúng ta không còn gì vướng bận. Trí vẫn không quay đầu lại.

Gã đàn ông đã bước đến bên cạnh đặt bàn tay lên vai Trí nhẹ giọng nói:

-Chả giấu gì anh bạn ta là Luận Chó Săn, một tay anh chị khét tiếng trong giới đào đá quý, chuyến này ta sa cơ là vị bị gã Thắng Cần Câu chơi đểu, hắn sai người rình mò lợi dụng lúc ta sơ ý đã đâm trộm ta, vết thương nơi sườn khiến ta mất khá nhiều máu đến được bến sông này thì kiệt sức ta đành phải lao xuống nước hòng thoát khỏi sự truy đuổi của chúng. Giờ này chắc không tìm được ta nên chúng đã quay về, ông trời quả nhiên chưa tiệt đường sống của ta. Anh bạn đã cứu ta, ta không thể không trả ơn. Dân giang hồ chúng ta nói một là một không có lời thứ hai.

Nói rồi gã rút súng ra lên cò. Trí giật bắn mình. Có lẽ nào hắn tính giết mình diệt khẩu.

-Anh bạn hãy đi theo ta về địa bàn, chí ít cũng ngồi uống với nhau chén rượu nói về thân thế cho đối phương được biết, lỡ một mai trên đường đời còn gặp lại nhau viên đạn vô tình của giang hồ không làm tổn hại kẻ quen biết.

Trí thở phào, dù gì mình cũng đang không biết đi về đâu thôi thì cứ theo gã một phen, biết đâu lại có chỗ dung thân.

-Thôi được, tôi sẽ đi theo anh.

-Hay lắm, hào sảng lắm.

Đoàng. Luận Chó Săn bắn một phát xuống sông, cất tiếng cười sảng khoái..

-Cũng may là anh bạn đống ý chứ nếu anh bạn chỉ cần nói một từ không thì viên đạn này đã ghim ngay vào thái dương anh bạn rồi đó. Anh bạn là ân nhân nhưng giang hồ hiểm ác nếu cần bắt buộc Luận này phải xử lý anh bạn để bảo toàn bí mật.

Mồ hôi đã chảy dài dọc sống lưng Trí, hắn vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Cuộc gặp gỡ ấy đã đưa đẩy Trí đến miền đất tràn trề máu lệ này. Và mỗi ngày trôi qua dù muốn hay không Trí cũng phải chứng kiến những cuộc sát phạt không chút hơi hám tình người.

13.

Sông mùa nước cạn, những rặng cỏ chết khô, cháy sạm cả khung trời chiều bức bối, những con còng rệu rạo moi đất cố tìm chút hơi ẩm, lũ châu chấu uể oải nằm nhai mớ suy nghĩ chán chường, đoàn người lặng lẽ bước đi trong hoang mạc giấc mơ.

Họ rời quê hương đến chốn ma thiêng quỷ ám này chỉ mong tìm thấy manh áo đời lành lặn, nhưng họ không bao giờ ngờ được đi dễ khó về. Mỗi ngày cái chết luôn rình rập trên đầu họ, nhe nanh giơ vuốt chực chờ để cướp đi những mảnh hồn oan uổng.

Những căn hầm ếch bất ngờ sập xuống, vùi luôn mấy mạng người, tiếng hò hét kinh rợn lan dài, mọi người đổ xô đến hì hục moi đào mong cứu sống kẻ bị nạn, đất được đào lên những kẻ xấu số hồn đã lìa khỏi xác, khuôn mặt lấm lem đất còn in đậm nét kinh dị, họ chết mà không hiểu vì sao mình chết.

Một gã thanh niên mười tám tuổi, bỏ cha mẹ già ở lại ngôi làng nghèo, theo chân những kẻ đi tìm tương lai lên miền đất máu. Ngày qua ngày nai lưng làm trâu ngựa cho bọn cai thầu một hôm đang cắm cổ cắm đầu nện những nhát cuốc tận lực, mệt quá dừng tay quệt mồ hôi đầm đìa trên mặt, ánh nắng mặt trời như thiêu như đốt hả hê cười cợt, chán nản gã buông cuốc ngồi xuống, nước mắt lăn dài, nghĩ thân mà cám cảnh, bỗng ánh mắt gã sáng rực lên, có cái gì đó lấp lánh dưới lớp đất, gã nén tiếng thét sung sướng, lao xuống moi lấy moi để, một viên đá đỏ chóe to bằng hạt ngô, cha mẹ ơi đá ru by, đúng rồi, chính nó, khát vọng đổi đời của bao nhiêu kẻ, gã vội vã cởi quần, vạch đít nhét viên đá vào hậu môn, đau thấy ông bà ông vãi, chết cũng phải giấu bằng được, gã tự nhủ, tay càng nhét mạnh, cuối cùng viên đá cũng nằm im trong chốn an toàn. Nhưng thật trớ trêu cho số phận của gã, một tay “quản công” đã nhìn thấy, hắn nhếch mép cười tự nhủ, rồi, xem như cái số mày tận mạng.

Đêm. Gã thanh niên hí hửng trở về lán, gã vừa đi vừa hát, bài hát về một ngày mai tươi sáng, gã sẽ tìm cách rời khỏi chốn chó má này, gã sẽ về quê, bán được đá quý gã sẽ xây cho cha mẹ một căn nhà thật lớn để họ an dưỡng tuổi già, gã sẽ cưới vợ sẽ sinh con...Viễn ảnh vẽ ra trước mắt khiến gã bồng bềnh tâm hồn.

-Chú em sung sướng quá nhỉ, được đá quý tính ăn một mình hả?

Gã thanh niên giật bắn mình, trước mặt một toán người đang đứng, tay côn tay kiếm lăm lăm.

Gã đại ca trừng mắt nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống, gã thanh niên run rẩy lắp bắp:

-Đại ca xin đại ca đừng nói oan cho em, quả thật em có tìm được cái gì đâu.

-Chú em khá lắm, gã đại ca thét lên, tiếng thét xé rách màn đêm, bọn bay vật cổ tên này ra rạch hậu môn lấy viên đá cho tao.

-Tuân lệnh đại ca.

Ngay lập tức gã thanh niên bị đè ra như con gà, đứa nắm tay đứa nắm chân lột quần gã ra, gã thanh niên vùng vẫy la hét.

-Trời ơi! Tiếng thét bi thảm khiến những ngôi sao trên nền trời như muốn rụng xuống.

Lưỡi dao sắc lẹm lia một đường, hậu môn gã đã bị bức hình, máu phún ra thành vòi, theo máu viên đá trào ra.

Một tay du côn nhặt lên trao cho gã đại ca, gã đại ca nhận lấy đưa lên ngang tầm ánh đèn soi qua soi lại cười hềnh hệch:

-Đéo mẹ, đúng là đá tốt, chuyến này anh sẽ có thưởng cho các chú.

Cả lũ hò reo. Gã thanh niên bị ném xuống đất như ném khúc củi mục, gã nằm trong vũng máu, hơi thở đứt quãng.

Gã đại ca ra lệnh:

-Xử gọn hắn rồi đem quẳng xuống vực sâu làm mồi cho thú hoang, từ nay tất cả nhìn vào đấy mà làm gương, trung thành với tao thì sống phản tao chỉ còn chết, nghe chưa.

-Nghe rõ thưa đại ca...

Màn đêm sau trận kinh hoàng lại chìm vào sự u tịch muôn đời, tiếng thú hoang từ xa vẳng lại từng hồi như ma hú quỷ khóc.

(Còn tiếp)