Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 82)

Hoàng Hưng

821. Interdependence theory: Thuyết tương thuộc

Một lí thuyết tìm cách phân tích những nhân tố xác định nguyên nhân của hành vi xã hội nhị nguyên bằng cách cung cấp một sự phân loại có hệ thống một số thuộc tính then chốt của các tình huống liên cá nhân hay tương tác và các đáp ứng cá nhân đối với những tình huống ấy. Được đề xướng lần đầu tiên bởi các nhà Tâm lý học Mĩ Harold Harding Kelley (1921-2003) và John Walter Thibault (1917-86) trong sách The Social Psychology of Groups (Tâm lí xã hội các nhóm) (1959) và được phát triển trong Interpersonal Relations: A Theory of Interdependence (Các quan hệ liên cá nhân: Một lí thuyết về tương thuộc) (1978) và Kelley mở rộng thêm trong một bài viết trên tờ Journal of Personality and Social Psychology (Tập san Nhân cách và Tâm lý học Xã hội) vào năm 1984. Theo thuyết này, bản chất của sự tương thuộc giữa hai cá nhân phụ thuộc vào cách mỗi người có thể ảnh hưởng đến điều xảy ra cho người kia trong diễn trình tương tác xã hội, điều ấy được gọi là “outcome interdependence” (sự tương thuộc về thành quả). Viết tắt: IT.

822. Intermittent explosive disorder: Rối loạn bùng nổ từng cơn

Một rối loạn ứng xử bùng nổ về kiểm soát xung động, có đặc điểm là những cơn bùng nổ gây hấn lặp lại, vượt quá mức tỉ lệ với các sự cố khiêu khích, kết quả là những cuộc tấn công nghiêm trọng hay phá huỷ tài sản.

823. Internalization: (sự) Nội tâm hoá

(trong Phân tâm học) Sự hấp thụ một mối quan hệ hay một đối tượng bản năng vào bộ máy tâm trí, như khi một mối quan hệ của đứa trẻ với người cha độc đoán được nội tâm hoá thành mối quan hệ giữa một cái tôi và một cái siêu tôi nghiêm ngặt. Theo phân tích Klein, thuật ngữ được dùng rộng hơn, như một tên khác, đơn giản, cho introjection: huyễn tưởng hấp thụ một đối tượng hay một phần đối tượng.

824. Internet addiction syndrome: Hội chứng nghiện internet

Một điều kiện tương tự rối loạn về kiểm soát xung động, lần đầu được nhận diện ở Mĩ vào năm 1994, thoạt tiên là một lời đùa cợt, có đặc trưng là việc lướt mạng internet cực độ hay mang tính bệnh lí, chỉ dấu là những dấu hiệu và triệu chứng quá bận bịu với internet, những giấc mơ và huyễn tưởng lặp lại về internet, nói dối gia đình hay người chữa trị để che giấu thời lượng chơi internet, lặp lại toan tính ngưng hoặc giảm thời gian chơi internet nhưng luôn thất bại, và trở nên thao thức hay bứt rứt khi làm thế, sử dụng internet như một lối thoát khỏi lo âu bất hạnh, làm tổn hại một việc làm, một quan hệ, hay một cơ hội giáo dục vì mất quá nhiều thì giờ chơi internet.

825. Interoception: Nội cảm

Bất kì hình thức giác cảm (cảm giác) nào nổi lên từ kích thích của các cơ quan nội cảm và chuyển thông tin về tình trạng các nội tạng và mô, huyết áp, huyết tương và độ muối, đường trong máu.

826. Intropectionism: Thuyết nội quan

Thuyết cho rằng kĩ thuật nghiên cứu nền tảng của Tâm lý học phải là nội quan.

827. Introversion: (sự) hướng nội

Mối quan tâm áp đảo với ý tưởng và cảm nhận của chính mình hơn là thế giới bên ngoài hay tương tác xã hội, có đặc trưng là những nét nổi bật như dè dặt, thụ động, im lặng. Là đối cực của extraversion (hướng ngoại), một trong Năm Nhân tố lớn của nhân cách. Thuật ngữ xuất hiện từ giữa thế kỉ 17, theo nghĩa thuần tuý mô tả việc quay về suy tưởng nội tâm trong sự chiêm ngắm tâm linh, và đến năm 1910 được đưa vào theo nghĩa Tâm lý học hiện đại bởi Carl Gustav Jung (1875-1961).

828. Intuitive type: Kiểu trực giác

Một trong các kiểu nhân cách phụ trong Tâm lý học phân tích.

829. Inverted-U hypothesis: Giả thuyết đảo ngược hình chữ U

Một mối tương liên giữa động lực hoặc hứng khởi và hiệu quả thực hiện: hiệu quả thực hiện tồi nhất khi động lực hay hứng khởi thật thấp hay thật cao. Vận hành này được nói đến rõ nhất trong Luật Yerkes-Dodson. Độ mạnh của cảm xúc (động lực) tăng dần từ điểm không tới một điểm tối ưu khiến phẩm chất của việc thực hiện tăng lên; nhưng nếu tăng thêm độ mạnh sau điểm tối ưu, sẽ dẫn đến sự suy giảm và hỗn loạn hiệu quả thực hiện, làm thành sự đảo ngược theo hình chữ U. Tuy nhiên, sự tương liên được coi là không thật xác đáng. Đúng hơn, sự đảo ngược hình chữ U là đại diện cho cả loạt đường cong trong đó đỉnh điểm hiệu quả thực hiện xảy ra ở những trình độ hứng khởi khác nhau.

830. Investigative psychology: Tâm lý học điều tra

Một ngành của Tâm lý học tội phạm trong đó các nguyên lí Tâm lý học được áp dụng vào việc điều tra hình sự và tìm hiểu tội phạm, đặc biệt là những kẻ giết người hàng loạt và hiếp dâm. Mẫu hành vi của kẻ giết người hàng loạt đôi khi giúp ích cho nhà Tâm lý học điều tra trong việc định dạng tội ác.