Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

Sài Gòn – Những ngày phong thành (68)

THÔNG TIN:

*Sau 15-9, TP.HCM vẫn cơ bản thực hiện chỉ thị 16, chưa áp dụng 'thẻ xanh'

https://tuoitre.vn/sau-15-9-tphcm-van-co-ban-thuc-hien-chi-thi-16-chua-ap-dung-the-xanh-20210912213934822.htm

*Chuyện 'xé rào' đưa thuốc điều trị đến F0 của Bí thư quận 6

https://zingnews.vn/chuyen-xe-rao-dua-thuoc-dieu-tri-den-f0-cua-bi-thu-quan-6-post1261665.html

*F0 tự điều trị mà không báo y tế thì không được cấp chứng nhận

https://zingnews.vn/f0-tu-dieu-tri-ma-khong-bao-y-te-thi-khong-duoc-cap-chung-nhan-post1262075.html.

BS Trương Hữu Khanh bình: Như vậy thì hãy xúi F0 tự hết tự lo không khai kịp hãy đi chích ngừa. Có bao nhiêu F0 báo mà y tế phường không đến. Một quyết định có thể gọi là “vô cảm”.

*'Y tế HCM' có thể là ứng dụng thống nhất tại TP HCM

https://vnexpress.net/y-te-hcm-co-the-la-ung-dung-thong-nhat-tai-tp-hcm-4355270.html

*Sau hai tháng đóng cửa vì có nhiều ca nhiễm COVID-19 thì chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8, TP.HCM) bắt đầu triển khai hoạt động

https://www.facebook.com/MOHVIETNAM/posts/847442702826177

*Bí thư TP.HCM nói lý do cần thêm 2 tuần để kiểm soát dịch

https://zingnews.vn/bi-thu-tphcm-noi-ly-do-can-them-2-tuan-de-kiem-soat-dich-post1262087.html

*Du lịch TP.HCM phác thảo kế hoạch phục hồi

https://dulich.tuoitre.vn/du-lich-tp-hcm-phac-thao-ke-hoach-phuc-hoi-20210912172131358.htm

*Cho mở cửa, các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống cũng 'bó tay'

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/cho-mo-cua-cac-doanh-nghiep-dich-vu-an-uong-cung-bo-tay-1448606.html

*Thành phố Thủ Đức hỗ trợ lao động nước ngoài gặp khó khăn do Covid-19

https://nld.com.vn/cong-doan/thanh-pho-thu-duc-ho-tro-lao-dong-nuoc-ngoai-gap-kho-khan-do-covid-19-20210909223416788.htm

- CÓ NÊN DÙNG TEST KHÁNG THỂ ĐỂ ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG MIỄN DỊCH SAU TIÊM CHỦNG COVID-19?

- MỞ CỬA THẾ NÀO?

FB GS. Trần Tịnh Hiền

1. Cơ quan quản lý thuốc & thực phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration (FDA) lưu ý công chúng và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế rằng kết quả của các tests đã được tạm thời được FDA chấp nhận cho sử dụng khẩn cấp - KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG MIỄN DỊCH HAY BẢO VỆ chống lại Covid-19 ở bất cứ thời điểm nào, đặc biệt là sau khi đã tiêm chủng Covid-19.

Lý do là hiện nay các tests này chưa có đủ đánh giá trong việc ước lượng độ bảo vệ từ đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc-xin, mặc dù test có thể giúp xác định một người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 hay chưa. Khi diễn giải sai lầm kết quả có thể đưa đến nguy cơ là giảm bớt các biện pháp phòng chống lại bệnh và gây nguy hiểm cho dân chúng. Có thể tham khảo hướng dẫn của US- CDC

2. NGƯỜI ĐÃ TIÊM CHỦNG ĐẦY ĐỦ: có nghĩa là 2 tuần sau khi tiêm mũi tiêm thứ hai của các vaccines như Moderna/Pfizer/ AstraZeneca và những vaccine đã được WHO chấp nhận cho sử dụng khẩn cấp... (theo khoảng cách thời gian quy định); hay sau một mũi J&J có thể tiếp tục công việc của mình như trước khi có Đại Dịch nhưng cần thực hiện:

- bảo vệ cho bản thân và cho người khác: đeo khẩu trang theo quy định từng nơi nhất là trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi đông người phi trường, ga tàu, bến xe...

- tiếp tục tuân thủ quy định của nơi làm việc.

- nếu tiếp xúc gần với người bị Covid-19:

+ thử tests sau 3-5 ngày kể từ khi tiếp xúc kể cả không có triệu chứng

+ đeo khẩu trang trong nhà nơi đông người trong 14 ngày hay cho đến khi có kết quả âm tính

+ tự cách ly 10 ngày nếu có triệu chứng

MẤY CHUYỆN VỀ TIÊM NGỪA COVID-19

- Cháu ngoại 13 tuổi, đã được tiêm Moderna hồi tháng 4-2021; được đi học ở trường. Tất cả học sinh đều mang khẩu trang nhưng vẫn có một số không tiêm chủng (theo gia đình). Ngày 27-8-2021 trường gởi giấy báo có một người được tính trong trường không biết giáo viên hay học sinh, ở lớp nào...) yêu cầu phụ huynh theo dõi con em có triệu chứng hay không. Vì không có triệu chứng nên vẫn tiếp tục đi học. 5 ngày sau bố mẹ chở đi Kaiser xét nghiệm, theo dõi tiếp không triệu chứng và tiếp tục đi học. Ở trong nhà mọi người đeo khẩu trang khi ngồi gần... Nay đã quá 10 ngày, và theo dõi trong lớp cũng không thấy cháu nào nghỉ học. Tụi nhỏ rất vui vì vẫn được học, chơi thể thao và thỉnh thoảng ra công viên cũng như đi bộ về nhà tuần 2 lần (khoảng 3 miles). Cũng là kinh nghiệm sống chung với virus-dịch...

- Một gia đình y khoa cha là GS, hai con trai cũng là BS, người con trai thứ ba là chuyên viên IT nhưng vợ là BS, anh này không chịu tiêm ngừa Covid-19. Bị nhiễm bệnh và đã tử vong hôm qua!

- TT Joe Biden áp đặt lệnh áp dụng tiêm chủng ở Mỹ ảnh hưởng đến 100 triệu người. Riêng việc này mình nghĩ nên như vậy... Không thể chết vô nghĩa!

NO TIME TO DIE: đã lên lịch chiếu!

(Phim 007)

clip_image002

clip_image004

clip_image006

 

MA ĐƯA LỐI, QUỶ DẪN ĐƯỜNG!

FB Phan Xuân Trung

Báo Tuổi Trẻ đăng tin sau 15/9/2021 TPHCM vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách Chỉ thị 16+. Tôi chỉ biết thở dài!

Ngày 15/6/2021 tôi đã có bài viết có tựa đề "Xác đỉnh điểm lây" phân tích về giải pháp chống lây nhiễm virus dựa vào cách thức lây truyền của nó. Trong bài này có đoạn: "Giãn cách xã hội mà TPHCM đang áp dụng là giãn cách... ngoài đường, trong khi việc lây nhiễm lại xảy ra trong nhà. Nhà ở đây bao hàm các văn phòng, không gian kín. Như vậy, lệnh giãn cách xã hội là hoàn toàn vô dụng, vô ích, vô nghĩa và gây thiệt hại".

Tôi tưởng chỉ cần 2 tuần lễ giãn cách thất bại là người ta đã thấy được lời của tôi đúng và thay đổi cách chống dịch. Tuy nhiên thực tế là chính quyền đã chẳng những không thay đổi mà còn "repeat" giải pháp này đến lần thứ 6, thứ 7. Cứ mỗi lần repeat là mỗi lần con số nhiễm và chết tăng thêm một bậc.

Tôi đã nói "lệnh giãn cách xã hội là hoàn toàn vô dụng, vô ích, vô nghĩa và gây thiệt hại", và thực tế chứng minh tôi nhận định đúng, đúng đến nhiều lần, lặp lại theo số lần gia hạn của chính quyền.

Đến nay thì ai cũng thấy rõ về sự ăn hại của các giải pháp giãn cách mà TPHCM đang áp dụng. Tử vong do Covid thuộc hàng đầu thế giới, y tế cho các bệnh không Covid tê liệt 100%, kinh tế, xã hội tê liệt toàn diện nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị rút lui... là hậu quả của giãn cách. Vậy mà ma xui quỷ khiến, giải pháp này vẫn tiếp tục áp dụng sau 15/9!

Trong những ngày của tháng 7, tháng 8/2021 dân chúng chết do Covid. Đến tháng 9, 10, 11, 12 này số tử vong tiếp tục tăng do bệnh không Covid. Hãy chờ xem có phải vậy hay không nhé.

Tôi thường nói trước và kiếm chứng lại chẳng thấy sai bao giờ.

Điều gì khiến cho tôi có nhận định đó?

- Bệnh nhân có bệnh nền suốt hơn 2 tháng không được chăm sóc y tế. Ai có thể sống được khi mang bệnh ung thư, thiếu máu cơ tim, suy gan, suy thận, hen suyễn, COPD... mà chịu đựng được trong suốt thời gian dài không thuốc men, không can thiệp y tế?

- Ngân hàng máu cạn kiệt. Người bán máu cũng không thể lết được đến trung tâm hiến máu để bán giọt máu của mình. Vậy thì bệnh nhân ung thư máu, mất máu, tai nạn, mổ xẻ lấy máu đâu ra để truyền?

- Thuốc men, dịch truyền cạn kiệt, chợ sỉ đóng cửa, hàng đặc trị không được nhập về... Bệnh nhân muốn tự điều trị cũng không có để mà mua.

- Nhân viên y tế kiệt sức, bỏ công việc. Cơ sở y tế không phục hồi hoạt động, vẫn tiếp tục cho chống dịch mà không lo cho bệnh nhân các loại.

- Bệnh tâm thần tăng cao do trầm cảm, stress vì bị nhốt trong nhà và bị tang thương do mất người thân, doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp... Số người tự tử sẽ tăng.

- Tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu đói khiến cho bệnh mới phát sinh, nhất là lao phổi, viêm dạ dày.

- Người nghèo không có tiền trả tiền nhà, mất nơi trú ẩn...

- Trẻ con mồ côi vì cha mẹ mất trong mùa dịch sẽ suy dinh dưỡng, mắc bệnh mà không được chăm sóc...

- ...

Mọi thứ đang diễn ra từ sự sợ hãi và mất định hướng của chính quyền. Họ, những người đang nắm quyền điều khiển xã hội, không có kiến thức về dịch tễ học, về bệnh truyền nhiễm nên cũng hoang mang về Covid như dân chúng. Họ đã phản ứng loạn xạ như người không biết bơi bị té xuống nước. Cho đến nay, khi đỉnh dịch đã đi qua, khi việc lây nhiễm và tử vong đang giảm dần, họ vẫn chưa hết khiếp đảm, chưa bình tĩnh để nhận định tình hình. Những kế hoạch phục hồi hoạt động xã hội bị vẽ vời thẻ xanh thẻ vàng trong khi số liệu tiêm chủng, số liệu mắc bệnh, chữa khỏi thì nát hơn giẻ rách. Chống dịch dựa vào "công nghệ" với trăm cái app, chục cái website nhưng số liệu thì lộn tùng phèo. Vậy thì căn cứ vào đâu để xanh với vàng? Chờ cho ổn định số liệu hả? Có chuyện đó nữa hả?

Lò thiêu vẫn tiếp tục ăn nên làm ra dưới sự nhảy múa của ma quỷ.

https://www.facebook.com/phanxuantrung/posts/10160022531257241

https://tuoitre.vn/sau-15-9-tphcm-van-co-ban-thuc-hien...

NHẬN ĐỊNH VÀ GÓP Ý KẾ HOẠCH MỞ CỬA PHỤC HỒI KINH TẾ CỦA TP.HCM

FB Dũng Thế Vũ

Ưu điểm:

1. Lần đầu tiên Tp.HCM có 1 kế hoạch dài hơn 4 tháng với 5 nguyên tắc, 3 giai đoạn (có thời gian cụ thể), 2 đối tượng (thẻ xanh, thẻ vàng), và các lĩnh vực cho phép/ không cho phép hoạt động trong từn giai đoạn.

2. Kế hoạch này được truyền thông cho doanh nghiệp và công chúng trước ngày triển khai.

Các điểm góp ý:

1. Nguyên tắc 5 điểm dài, trùng lặp, mà không rõ nghĩa. Ví dụ: Nguyên tắc 2: “TP kiên trì, quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo hài hòa với các hoạt động kinh tế trên tinh thần "Lợi ích hài hòa - Tự do chia sẻ". Thực sự chẳng hiểu thế nào là “lợi ích hài hòa – tự do chia sẻ” – nghe văn vẻ thì hay, mà tối nghĩa (trong bối cảnh phong tỏa khắp nơi hiện nay)

2. Mình đề nghị 5 nguyên tắc: 1) Mở cửa theo mức độ rủi ro, 2) Không phân biệt đối xử, 3) 100% người dân không đói, 4) Dựa trên khoa học, 5) Minh bạch – công khai.

3. Nguyên tắc 1: Mở cửa theo mức độ rủi ro: nghĩa là nhận thức không có an toàn 100% nhưng rủi ro chấp nhận được. Phân theo 2 loại: 1) theo người (F0 đã lành, 2 mũi vaccine, 1 mũi vaccine..) và 2) không gian tiếp xúc (ngoài trời, trong nhà). Bảng 1 mình tạm phân loại (cần tham khảo thêm các số liệu thống kê của TP và quốc tế) theo mức độ rủi ro. Theo phân loại này, các hoạt động diễn ra ngoài trời thông thoáng thì nên ưu tiên mở cửa. Đề xuất cụ thể 2 hoạt động quan trọng là: Chợ truyền thống ngoài trời và công viên, thể thao ngoài trời nên cho mở lại với các đối tượng nhóm 1 đến 5.

4. Mở lại các chợ truyền thống ngoài trời (đáp ứng 5K) có các ưu điểm: 1) khôi phục lại hoạt chuỗi cung ứng thực phẩm quan trọng cho TP, 2) giảm áp lực cho siêu thị (giảm lây nhiễm chéo trong môi trường kín này), 3) giúp bà con tiểu thương có lại thu nhập, 4) giúp bình ổn giá cả sinh hoạt đang tăng cao

5. Mở cửa các công viên, nơi tập thể thao công cộng ngoài trời (đáp ứng 5K): giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần sau 5 tháng giãn cách căng thẳng.

6. Nguyên tắc 2: không phân biệt đối xử, bao gồm không phân biệt giữa tổ chức nhà nước và tư nhân, không phân biệt ngành nghề (karaok, quán café, quán ăn, quán bar, massage, phòng gym, trung tâm thương mại…). Mở cửa theo nguyên tắc đánh giá rủi ro chứ không phải tùy tiện cho là ngành nào quan trọng thì mở, ngành nào “vui chơi” thì đóng. Ngành nào cũng lao động, cũng đầu tư, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt. Nếu các đối tượng nhóm 1, 2, 3 trong bảng có thể đi làm VP máy lạnh, có thể đi cắt tóc, thì họ cũng có thể đi uống café, vào quán ăn, karaok, phòng gym nếu đáp ứng đúng 5K và đánh giá chính xác rủi ro. Không thể tùy tiện đóng cửa họ. Không được tùy tiện nhân danh dịch bệnh để thực thi những chính sách vi phạm pháp luật, vi phạm lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

7. Nguyên tắc 3: 100% người dân không đói. Không nên phát biểu chung chung là đảm bảo an sinh xã hội, mà nên ngắn gọn – 100% dân không đói. Đói cách chức lãnh đạo từ trên xuống dưới.

8. Nguyên tắc 4: Dựa trên khoa học- khoa học chứ không phải tùy tiện cảm tính, chứ không phải chính trị, chứ không phải dân túy, dư luận. Khoa học để đánh giá rủi ro, hiệu quả vaccine, hiệu quả các giải pháp. Các kế hoạch của TP cần thêm 1 nền tảng thông tin khoa học khi trình bày cho công chúng. Có bộ phận chuyên môn về thống kê khoa học cho covid, cần nhiều thông tin hơn so với các công bố hiện nay. Và liên tục phân tích, khai thác các số liệu này phục vụ ra quyết định.

9. Nguyên tắc 5: Minh bạch – công khai. Công bố định kỳ thường xuyên mọi thông tin về an sinh xã hội, hiệu quả các giải pháp, các chính sách ưu tiên…Công khai minh bạch các quỹ kêu gọi đóng góp mua vaccines, chăm lo cho người nghèo của TP. Có công khai – minh bạch thì mới có niềm tin, mới khai thông được nguồn lực chống dịch và phục hồi kinh tế

10. Có 1 chính sách đặc biệt để chăm sóc, động viên đội ngũ cán bộ ngành y tế và cán bộ phường xã, tổ dân phố đang ở tuyến đầu chống dịch.

11. TP quyết liệt làm việc với Thủ tướng để chỉ đạo cơ chế công bằng cho y tế tư nhân được tham gia khám chữa covid theo hình thức dịch vụ.

12. Công bố ngay kế hoạch cụ thể ứng cứu các doanh nghiệp, đặc biệt doạnh nghiệp nhỏ, vừa và các hộ kinh doanh. Nên: miễn thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, hoãn đóng thuế, không phạt chậm nộp thuế, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng hoặc cho vay không lãi suất.

PS.

Thành phố nên học cách như doanh nghiệp và dân: làm việc, họp online 100% đi. Giờ này còn tập trung họp offline - lạc hậu quá.

clip_image008

clip_image010

“XÉ RÀO” (*)

FB Nguyễn Đình Tuấn

Hôm nay đọc bài báo này mới thấy rằng chính bí thư Nên là người đã đi đầu trong việc điều trị kháng viêm + kháng đông tại nhà và bí thư Quận 6 “đã xé rào” từ tháng 8/2021, khi mà dịch bệnh đe doạ tính mạng của người dân

https://zingnews.vn/chuyen-xe-rao-dua-thuoc-dieu-tri-den...

Bình Dương cũng được tư vấn chuyên môn bởi BV. ĐHYHN và là đơn vị đầu tiên “ xé rào “ cho dân BD và con số tử vong đến nay thế nào thì khá rõ.

BYT, SYT là đơn vị quản lý chuyên môn nhưng lại đi chậm 1 bước, để sự trả giá thế nào cũng đã thấy. Nhưng đến hôm nay 11/9/2021 các F0 tại nhà và khu thu dung ở SG vẫn hầu như chỉ được nhận gói thuốc A còn gói thuốc B (có kháng đông + kháng viêm) vẫn tiếp cận khá khó khăn bởi rào cản phải có triệu chứng suy hô hấp … trong khi kháng đông liều dự phòng này phải uống ngay chứ chờ suy hô hấp, tắc mạch phổi lan toả ôxy giảm mới uống là hoàn toàn sai thời điểm rồi còn gì?

Đồng ý kháng viêm, kháng đông là 2 thuốc kê toa ETC nhưng với liều lượng dùng trong 3 ngày và khuyến cáo chống chỉ định rất rõ ràng thế này, thì cũng cần nên ưu tiên cái nào liên quan đến sinh mạng chứ nhỉ?

Bài học từ Bình Dương và những xé rào của bí thư Q6, cũng như kinh nghiệm lâm sàng điều trị F0 tại nhà suốt 2 tháng qua của biết bao hội/ nhóm BS …, chưa đủ để ngành y tế có văn bản chính thức việc thời điểm dùng kháng đông + kháng viêm này cho F0 hay sao vậy?

Số ca tử vong ở SG tuần qua đã giảm và sẽ tiếp tục giảm bởi việc phủ Vaccine khá tốt và phần nào bà con cũng tự nhận thức nên tự mua thuốc hay các hội thiện nguyện tặng thuốc để dùng sớm tại nhà.

Đành rằng, đâu đó vẫn còn những mảnh đời bất hạnh chưa thể tiếp cận sớm thuốc đúng thời điểm để bệnh phải chuyển nặng và chết oan thì rồi đây hết dịch quá khứ chắc chắn sẽ hồi cứu.

clip_image012

(*) Nhan đề của Văn Việt.

CUỘC CHIẾN CỦA NGƯỜI TRẺ

Quan Thế Dân, Bác sĩ, Tiến sĩ Y học, VNExpress 11/9/2021

Lần đầu tiên bước chân vào buồng bệnh “tầng ba”, tôi choáng ngợp trước quy mô của đại dịch.

Bệnh nhân nằm la liệt, khó thở đủ các mức độ. Trong các thể loại cấp cứu, suy hô hấp phải khẩn trương nhất, dễ chết nhất. Nhân viên y tế vô cùng thiếu, quay như chong chóng.

Nhớ hôm huấn luyện đoàn tình nguyện ở Hà Nội trước khi lên đường vào Bình Dương chống dịch, giảng viên hỏi: các anh chị ai hỏi thêm gì không? Tôi giơ tay: "Ngoài phác đồ điều trị, tôi có thể triển khai chăm sóc bệnh nhân như vỗ lưng, cho ăn uống được không?"

Thật lạ, câu hỏi gần như ai chẳng biết trước câu trả lời lại làm giảng viên bối rối. Anh vốn là người ra vào vùng dịch nhiều lần, vậy mà đắn đo: "Vâng, nếu anh làm được thì giúp ích cho bệnh nhân nhiều lắm".

Lúc đứng trong buồng bệnh ở Bình Dương, tôi mới hiểu tại sao anh lại ngần ngừ khi nói về việc chăm sóc bệnh nhân Covid.

Nhân viên y tế quá thiếu, nhất là điều dưỡng - người trực tiếp chăm sóc. Nếu bác sĩ hiện nay đã làm 200% công suất thì các em điều dưỡng đang làm 300% sức lực, không biết sẽ gục ngã lúc nào.

Để hỗ trợ nhau, khám bệnh xong, bác sĩ chúng tôi làm luôn công việc chăm sóc bệnh nhân, thay bỉm, cho ăn, cho uống nước. Các việc đó trước kia không có gì khó, nhưng với Covid lại khác.

Như việc cho ăn, bệnh nhân Covid thở gấp suốt ngày, phải gắng sức rất nhiều nên mệt và càng không có sức để hô hấp dẫn đến khó thở hơn. Vòng xoáy này đẩy dần bệnh nhân đến chỗ suy hô hấp không hồi phục rồi tử vong. Chưa ai thống kê được có bao nhiêu người chết vì bão cytokin, bao nhiêu người chết vì suy kiệt. Chịu, không thể biết. Đại dịch mà.

Bác sĩ Phạm Minh Dân cùng khoa cho tôi thấy ví dụ rất cụ thể. Bệnh nhân của anh oxy máu đang 85, được cho ăn xong, oxy lên ngay 92. Thật là vi diệu. Tuy nhiên, cho người đang thở mặt nạ oxy ăn không khác gì trò ú tim với Covid.

Tôi bảo bệnh nhân: "Nào, ăn nhé". Người bệnh gật đầu. Tôi nhanh tay nhấc mặt nạ ra, đưa thật nhanh một thìa cháo. Người bệnh há mồm đón thìa cháo xong, tôi rút vội thìa ra, ụp mặt nạ oxy xuống ngay cho bệnh nhân, "thở tiếp đi". Làm chậm một tý là oxy máu tụt re. Phút sau: "Nuốt hết chưa, lại ăn tiếp nhé?".

Ngày đầu chưa có kinh nghiệm, chúng tôi đỡ bệnh nhân dậy, gỡ mặt nạ oxy ra "ăn cho nó đàng hoàng". Chưa "đàng hoàng" được vài thìa, họ đã lăn ra suy hô hấp dữ dội. Tôi gần 40 năm trong nghề mà bây giờ mới lần đầu gặp dạng khó thở dữ dội đến thế. Đấy là với những người bệnh vừa phải. Còn nặng hơn, chúng tôi phải đặt ống dạ dày để bơm sữa nuôi ăn. Nặng nhất thì đặt ven truyền dung dịch dinh dưỡng. Song, mùa dịch này tìm được dung dịch nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rất khó.

Uống nước thì sao? Bệnh nhân khó thở, thở gấp suốt ngày, cùng với thở oxy dòng cao, mất nước rất dữ. Có người "khô" lại, máu cô đặc, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Người bệnh tất cả đều rất khát.

Ai còn khỏe tự uống được, và uống rất nhiều nước. Tuy nhiên, đang bận thở oxy thế này, uống nước còn khó hơn ăn, nhiều người môi khô nứt nẻ nhưng vướng mặt nạ oxy không uống được, nước đổ tung tóe mà không vào mồm. Dùng ống hút cắm vào cốc hút lên thì được, song lấy đâu ra ai phục vụ.

Các em điều dưỡng đã nghĩ ra cách cắt dây truyền dịch, cắm vào chai nước để người bệnh ngậm mút. Cách này khá hiệu quả nhưng chai nước nhiều khi đổ chảy ướt giường. Chúng tôi nghĩ đến bình nước của người chơi thể thao, có vòi hút, để cạnh cho bệnh nhân tự hút. Bình lại kín khít, tha hồ lăn trên giường mà không sợ đổ, thậm chí pha sẵn C sủi cho bệnh nhân uống tăng lực hoặc uống sữa. Tôi nghĩ đến bình uống nước của vận động viên đua xe đạp, có ống dẫn dài, luồn qua mặt nạ oxy cho bệnh nhân mút. Nếu có ai gửi tặng, chúng tôi sẽ thử ngay, hàng nghìn bệnh nhân đang chờ.

Tùy từng góc nhìn, nếu bạn chống Covid ở cộng đồng, chỉ tiếp xúc với người thể nhẹ, bạn thấy cuộc chiến này chỉ như cuộc dạo chơi. Bạn có thể cho rằng bài viết của tôi quá u ám hay cố tình bôi đen hiện thực. Nhưng tôi làm ở chóp nhọn của dịch bệnh, chỉ chiếm 5% số bệnh nhân, toàn người bệnh nặng, và khoảng một nửa bị tử vong. Nên trong mắt tôi, đại dịch này đầy chết chóc.

Người bệnh của chúng tôi cũng hiểu thế. Họ nhìn thấy các giường xung quanh cứ lần lượt ra đi. Nhiều người hoảng loạn. Có người cứ nằm khóc: "Bác sĩ ơi, cho tôi về, tôi không chữa nữa đâu, cho tôi về để tôi nhìn con tôi lần cuối". Có thanh niên nói: "Bác ơi, bác cố cứu tôi nhé, tôi còn con nhỏ, vợ tôi mới mất hôm trước rồi". Chúng tôi nước mắt lăn dài, cố tỏ ra vẻ gắt gỏng: "Chết thế nào được, nằm yên thở đều đi rồi sẽ khỏe". Những lời nói dối lúc này còn hiệu quả hơn thuốc. Vì bệnh nhân hốt hoảng sẽ thở nhanh hơn, đòi hỏi nhiều oxy hơn, sẽ quá sức chịu đựng của lá phổi đang tan nát.

An ủi bệnh nhân cũng tốt không kém gì oxy và thuốc. Cùng với nỗ lực điều trị, nếu chăm sóc tốt chúng ta sẽ dìu bệnh nhân qua những ngày cam go nhất và cứu được họ.

Còn về phía nhân viên y tế thì sao? Tôi biết họ chẳng mấy ai thích tự nói về mình, dễ mang tiếng kể công. Tôi biết nhiều đoàn trước khi vào vùng dịch được dặn "không đưa tin gì nhé".

Khi thông báo lấy người tình nguyện đi chống dịch, nhiều thanh niên ở bệnh viện tôi xung phong, trong đó có Tuấn Anh, bác sĩ trẻ đang học hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuấn Anh xung phong trong khi chưa tiêm mũi vaccine nào. Trong đoàn còn nhiều người như vậy, họ vẫn đi. Các trưởng đoàn đều là tướng lĩnh thực chiến, và họ chỉ từ 30 - 40 tuổi, vững chuyên môn.

Những người trẻ tuổi từ phía Bắc tiếp tục vào miền Nam sau chúng tôi. Có những bạn sốc nặng mấy ngày đầu. Sau khi vào buồng bệnh ra, nhiều bạn nữ ngồi thất thần, chắc không ngờ tình hình bệnh tật khốc liệt đến thế. Nhiều bạn còn thêm quá tải về sức chịu đựng của con người, mệt, mất nước, đuối sức và ám ảnh bệnh tật.

"Không sao, mấy ngày đầu chưa quen, mệt thì cứ nghỉ", chúng tôi bảo thế. Không ai nỡ nghỉ, vì nghỉ thì phần việc của mình lại chất lên vai người khác. Rồi rất nhanh, tôi lại nghe thấy tiếng cười đùa trêu chọc nhau xen lẫn ồn ào đủ mọi cung bậc của khoa phòng thời chiến.

Căn bệnh bí ẩn đang thách đố Y học cả thế giới. Với Việt Nam, nó lại càng thách thức. Những nhân viên y tế trẻ đang làm những gì tốt nhất cho người bệnh. Tỷ lệ tử vong ở Bình Dương đang ở mức thấp, một phần thưởng cho nỗ lực của họ.

Tuần trước, người của báo liên hệ tôi để phỏng vấn. Tôi không muốn báo đưa bài kiểu như "Một bác sĩ già đi chống dịch". Và rằng có một sự thật vô cùng lớn mà mọi người cần biết: Cuộc chiến này đang nằm trong tay những nhân viên y tế trẻ của nước mình.

 

TẠI SAO…? (*)

FB Nguyen Minh Man

Một tờ báo cũng uy tín đặt hàng mình viết một bài về "Chăm sóc tâm lý xã hội hậu COVID-19". Nhận lời. Chấp bút, đang ngon trớn, chợt đọc tin tối nay, 11/9/2021, ông BT TPHCM "xin thêm"... sau 15/9...để chắc ăn (?). Tuột mood! Dừng bút, không viết nữa, gọi điện xin lỗi, không thể viết. Thật không thể hiểu nổi!

Đã biết mục tiêu hiện nay là giảm tử vong do COVID-19, nới lỏng giãn cách dần theo độ phủ vaccine và miễn dịch tự nhiên (những người F0 đã âm tính), sống chung với virus, lập lại sản xuất, lưu thông, phục hồi kinh tế. Thế mà, cứ vây phủ, xét nghiệm thần tốc toàn thể (như Hà nội), các tỉnh cũng thực hiện y chang. Chi vậy? Xử lý hàng tồn kho xét nghiệm ư? Xin lỗi, nếu không lo chích vaccine nhanh cho nhóm dễ tổn thương ở các tỉnh, lẫn Hà nội, thì sẽ có một số lượng chết khổng lồ theo sau TPHCM cho mà xem! Trước đây, tui đã cảnh báo Saigon rồi, bây giờ tới các địa phương khác!

Đã biết người chết chủ yếu là nhóm dễ tổn thương và không chích ngừa vaccine. Trước đây, do chậm tiêm vaccine cho nhóm dễ tổn thương, có thể là lý do chính của mười mấy ngàn người bị chết. Bây giờ, tốc độ phủ vaccine của TPHCM mũi 1 gần 100% người trên 18 tuổi, mũi 2 đã tăng tốc nhanh. Thế thì tại sao mấy ngày còn lại này không chích cho nhóm dễ tổn thương mũi 2 và mở toang cửa cho rồi, hả trời!

Tại sao còn loay hoay chuyện lây nhiễm F0 nhiều ít gì nữa? F0 ở người trẻ, không thuộc nhóm dễ tổn thương, lây lan càng nhiều thì đỡ phải tốn vaccine vì họ có vaccine tự nhiên rồi. Người dễ tổn thương (già > 60 tuổi, bệnh nền, suy giảm miễn dịch, béo phì, có thai) phủ vaccine, nhóm trẻ lây nhiễm nhiều thêm, miễn dịch tăng lên, tự nhiên số chết, chuyển nặng tự nhiên giảm xuống. Mắc gì phải lo? Tất cả nhà máy, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, mở lại như thường đi, đóng cửa làm gì? Tất cả công nhân trẻ khoẻ, có dương tính, mấy người chết đâu? Tại sao không cho hoạt động trở lại?

Trẻ em không bệnh nền, không béo phì, không suy giảm miễn dịch, nếu có mắc COVID-19 thì 99% tự khỏi như cảm cúm vậy. Có cần thiết cho tụi nhỏ phải nghỉ đến trường, ở nhà ôm cái máy học online? Cha mẹ sợ con đến trường bị lây nhiễm? Khỏi chích vaccine không sướng à? Trẻ học online vài tháng nữa đi kiếm bác Mẫn hay các Bs Tâm thần càng nhiều cho mà xem!

Thiệt sự, tui không thể hiểu nổi! Tui và nhiều người bắt đầu đói rồi, bắt đầu sắp điên rồi nha!

Saigon, 12/9/2021

NMM

(*) Nhan đề của Văn Việt.

ĐÒI HỎI QUYỀN RIÊNG TƯ LÀ MỘT BƯỚC TIẾN VỀ DÂN TRÍ

FB Truong Huy San

Tuổi Trẻ đã khá khách quan khi đề cập đến phim Ranh Giới. Bộ phim vừa cung cấp những thông tin vô giá về dịch Covid, vừa dấy lên không ít băn khoăn về cách mà đoàn làm phim không che mặt bệnh nhân.

Trong các thảm họa của loài người như chiến tranh, thiên tai, dịch giã... luôn có những nhà báo dấn thân để giúp chúng ta nhìn thấy sự khốc liệt của chúng. Các bác sĩ cho biết, thực tế ở bệnh viện Hùng Vương chưa là gì so với thực tế ở các bệnh viện dã chiến. Nhưng, ít nhất, các nhà báo của VTV đã ở đó hai tuần và cho chúng ta những thước phim rất thật mà kể từ khi dịch giã bắt đầu chưa có cơ quan báo chí nào làm được. [hy vọng sẽ có những nhà báo dấn thân khác mang về các tác phẩm báo chí xuất sắc ở những nơi khốc liệt hơn].

Đòi hỏi các nhà báo tôn trọng quyền riêng tư, nhất là quyền về hình ảnh của bệnh nhân, cho thấy, dân trí của người Việt Nam đang được nâng lên. Tuy nhiên, trừ những hình ảnh bất nhẫn, phản cảm, phạm luật hoặc vi phạm thuần phong, mỹ tục… quyền riêng tư, quyền về hình ảnh trước hết, thuộc về những người trong cuộc. Và, theo bài báo thì ekip làm phim đã có sự đồng thuận của các bệnh nhân.

Các nhà làm phim đã khá chăm chút, tôn trọng khi đưa hình ảnh bệnh nhân. Nhiều cảnh trong phim có thể sẽ trở thành kỷ niệm khó quên của người trong cuộc. Nếu trong số họ không may đã khuất thì những hình ảnh đó, có thể, sẽ là vô giá với người thân. “Nhiều bệnh nhân thậm chí vẫn tiếp tục giữ liên lạc với đạo diễn - người đã có nửa tháng trời làm việc miệt mài, vất vả bên các bệnh nhân, chia sẻ với họ những khoảnh khắc yếu lòng và cả niềm vui vô bờ”. Bài báo nói.

PS: Xem kỹ thì trong phim không xuất hiện bức ảnh phóng viên đang chĩa camera vào người bệnh, đây có thể là hình ảnh chụp khi tác nghiệp, tôi thấy Tuổi Trẻ đưa tấm hình này lên là phản cảm.

PS: Tôi được biết, có một nghĩa cử mà các bác sĩ ở phòng tuyến chống Covid vẫn làm là trước khi quyết định đặt nội khí quản, cho bệnh nhân gọi về nhà vì có thể đó là lần cuối họ được nghe tiếng của người thân.

https://tuoitre.vn/phim-ranh-gioi-khong-lam-mo-mat-thieu-nhan-ban-hay-tran-trong-moi-hien-huu-cua-con-nguoi-2021090912363207.htm

 

“Y BÁC SĨ VIỆT NAM ĐÃ HỒI SINH CUỘC ĐỜI TÔI”

Hà Văn Đạo – Sức khoẻ & Đời sống, 10-09-2021

SKĐS - Nhiều bệnh nhân người nước ngoài đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM rưng rưng xúc động trước sự chăm sóc của thầy thuốc và các tình nguyện viện.

"Cảm ơn các y bác sĩ Việt Nam đã hồi sinh cuộc đời tôi" đó là những lời nói của các bệnh nhân người nước ngoài mắc covid-19 sau những ngày vật lộn với bệnh tật.

Nhọc nhằn níu sự sống

Sau gần chục ngày các nhân viên y tế ngày đêm túc trực bên giường bệnh theo dõi từng nhịp đổi thay của máy theo dõi sinh tồn, chiều muốn 10/9, ông Yokolo Bayyenda (người Congo, sinh năm 1957) đã có thể nói chuyện.

clip_image014

BS Huy chăm sóc, hỏi han ông Bayyeanda chiều tối 10/9

Nước mắt hạnh phúc của Bayyenda trào ra khi được bước về từ cửa tử. Đến TP.HCM làm việc, yêu và gắn bó suốt nhiều ngày tháng. Cuộc sống cũng tạm ổn cho đến khi bị nhiễm COVID-19, các triệu chứng xuất hiện ngày càng diễn tiến nặng. Khi khó thở, oxy tụt mạnh thì ông được đưa vào Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM để cấp cứu.

Bất đồng ngôn ngữ nhưng các kí hiệu và hành động của thầy thuốc được bệnh nhân hiểu ngay vì chính Bayyenda cũng không rành nhiều tiếng Anh.

Một người nước ngoài từng mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh chia sẻ: Những ngày sự sống mong manh các nhân viên y tế cùng tình nguyện viên đã động viên ông ăn, lau người, dìu đỡ ông đi vệ sinh… Khi tỉnh táo thì được cổ vũ tinh thần kịp thời. Bệnh từ nguy kịch đến nay đã chuyển nhẹ dần. Ông rất cảm động.

clip_image016

Bệnh nhân đã dần hồi phục nhanh

Trực tiếp tham gia giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân COVID-19 là người nước ngoài, BS Phạm Minh Huy (Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện đang quản lý Khoa 7A Bệnh viện hồi sức người bệnh COVID-19 TP.HCM) chia sẻ: Khó khăn lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ. Tuy nhiên chúng tôi kiên trì áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp để giải thích. Điều quan trọng nhất là giúp họ không được bỏ các phương tiện thở oxy ra. Sau đó là tuân thủ đúng các phác đồ điều trị của Việt Nam. Vì nếu hoảng loạn hay một sự không hiểu họ bỏ ra thì bệnh sẽ diễn biến xấu đi. Khoa chúng tôi từng nỗ lực điều trị bệnh nhân Trung Quốc. Hiện tại đang điều trị cho một người Congo.

Vượt lên mọi gian khó

Có những đêm, cả BS Huy và ê kíp của mình hầu như bước chân không ngơi nghỉ bởi các bệnh nhân chuyển lên đều nặng. Bất cứ thay đổi nào là cần được xử lý một cách nhanh nhất.

BS Huy bộc bạch: "Rất nhiều áp lực. Đặc biệt đối với người nước ngoài, mình vừa điều trị vừa phải giải thích bằng mọi biện pháp để họ hiểu. Ca bệnh đặc biệt nhất từng gặp phải đó là một người Trung Quốc. Bệnh nhân béo phì. Khi vào viện đã chuyển biến xấu, thở oxy dòng cao (HFNC). Ê kíp đã tính đến phương án đặt nội khí quản.

Tuy nhiên bệnh nhân thừa ký quá nên chuyển đổi sang truyền thuốc kháng đông kết hợp duy trì oxy dòng cao. Từ từ bệnh nhân đã cai được máy thở oxy. Khi bệnh nhân hồi tỉnh dần, chúng tôi áp dụng biện pháp động viên tâm lý, chăm sóc suốt ngày đêm. Cuối cùng đã giành được sự sống trở lại, bệnh nhân được xuất viện trong niềm vui không diễn tả thành lời. Mỗi sự hồi sinh như thế lại như món quà khích lệ với y bác sĩ".

clip_image018

Điều dưỡng Huế cùng các nhân viên khác không quản ngày đêm chăm lo cho bệnh nhân cả nước ngoài lẫn trong nước

Tại Khoa 7A có trên 60 bệnh nhân nặng. Trong đó có 15 bệnh nhân thở máy, gần 30 bệnh nhân thở oxy dòng cao còn lại là thở oxy mask. Mỗi tua trực có 5 bác sĩ; 10-12 điều dưỡng. Các kíp trực chia làm ba ca. Có những người đã bám trụ ngay từ ngày đầu bệnh viện được thành lập (đầu tháng 7) cho đến nay.

Khó khăn nhân lên vì bất đồng ngôn ngữ khi từng ngày cận kề chăm lo cho người nước ngoài nhưng các nhân viên y tế bền bỉ vượt qua mọi áp lực. Suốt những ngày qua, điều dưỡng Huế cùng các nhân viên khác lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho bệnh nhân người Congo. Các y bác sĩ khác cũng vậy. Ngay cả hai vợ chồng BS Huy gần 3 tháng nay cũng túc trực điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

 

KHÓC, CƯỜI CÙNG BỆNH NHÂN F0 ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ...

Bác sỹ Nguyễn Hoàng Anh Khoa – Sức khoẻ & Đời sống, 12-09-2021

SKĐS - Dẫu chẳng có chung dòng máu nhưng những ngày qua, tôi, bệnh nhân COVID-19 và người nhà của họ đã khóc, cười cùng nhau bằng điện thoại, tin nhắn.

"Mẹ em khỏe rồi, sáng nay phường test lại đã âm tính", tin nhắn từ cô con gái của bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền mà tôi theo dõi suốt 10 ngày làm tôi rưng rưng như chính người thân của mình vừa vượt qua lằn ranh sinh tử vậy.

Tôi tin là cô ấy lẫn mẹ của cô vui lắm. Tôi tự nhiên thấy bản thân đã làm một điều gì đó rất tuyệt vời cho cuộc sống này. Dù là điều ấy còn rất nhỏ bé so với rất nhiều đồng nghiệp y tế của mình đang chinh chiến trực tiếp trên các "chiến trường" tại miền Nam.

Với kiến thức y khoa được học ở trường và thực tế đang làm việc trong lĩnh vực y tế, tôi thấy bản thân mình cần làm gì đó cho cộng đồng vào lúc này. Và như thế, đã 3 tuần, tôi trở thành một tư vấn viên sức khỏe tình nguyện, hỗ trợ cho bệnh nhân COVID-19 và người nhà của họ qua điện thoại, tin nhắn.

Như một thói quen trong quãng thời gian này, vào mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên là lướt các ứng dụng nhắn tin thông dụng xem đêm hôm trước trong lúc mình ngủ có ai hỏi bệnh mà chưa được trả lời hay không. Thật vui mừng nếu trong đêm đó tất cả đều khỏe mạnh, không ai có triệu chứng nặng hơn.

Sau khi hoàn thành các công việc cá nhân, tôi bắt đầu gọi điện và nhắn tin cho những bệnh nhân cũ và bệnh nhân mới (nếu có, đa số do bệnh nhân cũ giới thiệu).

Nhịp tim tôi cũng hồi hộp theo những lời chia sẻ của bệnh nhân hoặc người nhà. Những tiếng ho, những câu nói đứt quãng do khó thở ở đầu dây bên kia sẽ thay cho muôn vàn lời nói.

Đa số bệnh nhân COVID-19 tại nhà mà tôi tham gia tư vấn và hỗ trợ điều trị có các triệu chứng ho, sốt và khó thở. Những trường hợp này chỉ cần đưa ra định hướng và một lộ trình theo dõi sức khỏe thích hợp mà không quá nhiều lo lắng. Tuy nhiên, đối với người lớn tuổi, người có bệnh nền thì cần phải chú ý nhiều hơn. Và tôi cũng sẽ suy nghĩ và dành thời gian nhiều hơn cho những bệnh nhân này.

Có lần một bệnh nhân lớn tuổi ho cả đêm không ngủ được. Và cả đêm đó tôi cũng không ngủ được theo ông. Người cứ bồn chồn, lo lắng theo.

Người nhà bệnh nhân thì nhắc tôi ngủ đi, họ sẽ chăm được. Một phần do diễn biến bệnh COVID-19 khó lường, một phần ngày nào cũng trò chuyện nên nhiều riết cảm thấy thành thân quen. Hay nhất là những lúc có bệnh phải nhập viện điều trị vì nguy cơ cao hơn, không nên điều trị tại nhà tiếp tục, thì tôi cũng hồi hộp theo.

"Mẹ ơi, anh Khoa gọi", lời cô con gái của bệnh nhân khi bắt máy của tôi gọi đến hỏi đến thăm sức khỏe. Tình thân hiển hiện rất rõ qua những câu nói bất giác như vậy. Tôi thấy vui lắm chứ. Hay "sau dịch ghé nhà cô chú ăn cơm nha", "con có bạn gái chưa, bác có nhỏ con gái, chịu thì bác gả".

Những nguồn năng lượng tích cực, thúc đẩy bản thân cần cố gắng nhiều hơn để giúp đỡ cộng đồng, chung tay đưa cuộc sống sớm trở lại như trước đây. Nhiều người đã quá khổ rồi!

Cũng nhiều câu chuyện trong đợt dịch lịch sử, tôi được nghe, được cảm nhận sẽ cho tôi trưởng thành hơn, mang nhiều giá trị sống cao cả; khắc ghi hơn ý nghĩa, giá trị của tình thân của người Việt chúng ta. Nó thiêng liêng biết bao. Mẹ đau bệnh nhưng phải lo cho con trước tiên. Chồng đau lo cho vợ…

Tôi nhớ hoài một cuộc gọi cách đây mấy hôm. Cô bệnh nhân ấy cũng trạc tuổi mẹ tôi. Tôi hỏi tình trạng hiện tại. Cô trả lời đầy đủ. Cô cũng chú tâm lắng nghe lời dặn dò.

Nhưng tôi nghe đâu đó bên kia là tiếng nấc, hình như cô đang khóc. Tôi trò chuyện một hồi thì cô kể rằng nhà có người con cũng đang nghi ngờ dương tính SARS-CoV-2. Cô cứ trách hoài bản thân do mình mà đứa con trai bị nhiễm. "Cô lo cho nó nhiều hơn, chứ hiện tại cô khoẻ rồi", tôi bị khựng lại vài giây sau câu nói này của cô. Sau đó, tôi giải thích và trấn an cô để đỡ lo lắng hơn. Sau khi gác máy, tôi rơi nước mắt.

Và niềm vui thật sự vỡ oà khi những bệnh nhân mình theo dõi khoẻ hẳn và có kết quả âm tính mỗi ngày một nhiều hơn. Sau khoảng 10-14 ngày điều trị, bệnh nhân sẽ hồi phục. Lúc này thay cho cho những tin nhắn mong hỗ trợ sức khoẻ thì tôi được nhận là hình ảnh "khoe" kit test nhanh "một vạch" (tương đương "âm tính"). Ai cũng mừng rỡ, cả bệnh nhân, gia đình và cả tôi - một thầy thuốc nhỏ bé, nép mình nơi hậu phương chung sức hỗ trợ bệnh nhân tại nhà để các đồng nghiệp nơi tiền tuyến đỡ nhọc.

Tôi nhớ và thương Sài Gòn. Nơi ấy đã dung dưỡng và che chở cho biết bao con người. Tôi tin rồi tất cả chúng ta sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường. Sức mạnh đoàn kết, tình thương giữa người với người, tình đồng bào là sức mạnh để vượt qua cơn sóng thứ 4.

 

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Chồng giận vợ vì tô bún bò

clip_image020

ẢNH Minh Hoà

ĐỨC TIN

Chiều qua tiếp tục lang thang săn ảnh SaiGon, đi ngang Vương Cung Thánh Đường tình cờ mình bắt gặp hình ảnh đẹp, một "thiên thần áo trắng" (sau đó bắt chuyện được biết bạn bên nhóm thiện nguyện Oxy SaiGon), đang lặng lẽ ngước nhìn Đức Mẹ, chắc là cầu mong cho mọi người được BÌNH AN.

SaiGon - Sep 11, 2021

Minh Hoà Photography

Instagram: minhhoaphoto

clip_image022

Cầu mong cho mọi người được BÌNH AN

clip_image024

Bạn bồ câu cũng trầm ngâm bên lề Vương Cung Thánh Đường: "Không biết 15/9 này chú Tư có thẻ xanh được ra đường chưa, đặng còn mỗi sáng chăm thóc cho tụi con ăn???"

clip_image026

Lặng lẽ... bên bình Oxy