Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

Nói dối trắng trợn

Bùi Đức Lại

Các dân tộc đều ghét gian dối, nhất là những sự gian dối hại người vì lợi riêng, dù không ít kẻ gian dối vẫn nhơn nhơn sống trên đời. Người ta đặc biệt nghiêm khắc lên án kẻ cầm quyền gian dối, kể cả những gian dối vô tư, theo kiểu “em không biết”, “em không ngờ”.

Không biết những điều sơ đẳng nhất, mọi người đều có thể biết với trí khôn thông thường, thì phải lẽ nhất là tự giác đứng sang một bên. Ngược lại, dù bào chữa cách gì, cũng là có tội, tội với dân, với nước, với chính gia đình và bản thân mình.

Đã có nhiều ý kiến phê phán những chủ trương phòng chống COVID mà lãnh đạo Hà Nội đưa ra và ép dân chúng thực hiện trong những ngày này. Thiết tưởng không cần nhắc lại. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng dường như lãnh đạo Hà Nội “bỏ ngoài tai” rất nhiều bài học về cách tiếp cận và xử lý đại dịch trên thế giới và ở Việt Nam trong gần hai năm qua, nhất là những bài học nóng bỏng nửa năm qua ở Việt Nam, Sài Gòn, và của chính Hà Nội nữa.

Khi quyết định của lãnh đạo không phù hợp với thực tế, thì dù biện hộ thế nào mặc lòng, cuối cùng cũng sẽ bị phủ định (và trong một thể chế văn minh thì thường chính người lãnh đạo cũng có cùng số phận). Phòng chống COVID là việc khó, tuy đã có nhiều hiểu biết và giải pháp chuyên môn có hiệu quả, nhưng cứ tạm để sang một bên những vấn đề về chuyên môn còn có thể tranh cãi, chỉ vài “sự việc thông thường, với trí khôn thông thường”, ta cũng có thể thấy sự chênh lệch giữa lời nói và việc làm không thể giải thích khác là sự dối trá cố tình.

1- Về “xét nghiệm toàn dân”. Đã có nhiều ý kiến về lợi hại của việc này, đề nghị dành nguồn lực vào việc khác, hiệu quả hơn. Tôi cũng thấy như vậy, nhưng không bàn chuyện đó ở đây.

Chỉ nói về chủ trương từ 6/9 đến 12/9 sẽ “xét nghiệm thần tốc 100% dân số”.

Đến thời hạn đó, chỉ còn “nhõn” bốn ngày. Trong suốt mấy tháng qua, Hà Nội chỉ xét nghiệm được chưa đầy một triệu trường hợp. Nếu ai chưa tin đây là lời nói dối, xin gắng chờ vài ngày nữa.

2- Về tiêm chủng. Hà Nội chủ trương đến ngày 15/9 tiêm chủng cho 100% dân trên 18 tuổi (có “lèo” thêm điều kiện là Bộ Y tế cấp đủ vaccine, để chuẩn bị “đá bóng sang chân đội bạn”). Số người thuộc đối tượng nói trên là 2,2 triệu người (tính cho đến hôm nay 8/9). Giả sử như có đầy đủ vaccine về số lượng và chủng loại, thì trong mấy ngày tới, bình quân mỗi ngày Hà Nội phải tiêm chủng khoảng 300.000 mũi, trong khi năng lực tiêm (tính trên giấy), nếu làm cả đêm, được chính Hà Nội khẳng định cao nhất là 200.000 mũi/ngày (thực tế thời gian qua, cao nhất chỉ được 150.000 mũi/ ngày). Có dối trá không?

Đó là chưa kể liệu thái độ “ngồi chờ trên phân bổ vaccine”, có thể hiện trách nhiệm với dân?

3- Về cấp “giấy phép lưu thông”. Sau thất bại của chủ trương “cấp giấy phép mới” hồi đầu tháng tám, đến nay Hà Nội lại chủ trương đổi giấy phép mới, với những luận cứ hùng hồn về năng lực giải quyết việc này, bất chấp những lời can ngăn. Tôi không bàn đến tính hợp pháp và hiệu quả cấm đoán dân, tôi chỉ nói riêng việc cấp giấy, đến nay, có thể nói là “phá sản”. Sau khi quá hạn ba ngày, Hà Nội đành tuyên bố “giấy cũ vẫn có giá trị” là bằng chứng.

Nói thế nào về việc người dồn lại ở các điểm kiểm soát? Ở các nơi cấp giấy? Để hàng nghìn người chen chúc, thì có phải là tội đồ đích thực, chống lại chủ trương giãn cách trong phòng chống dịch nay không?

4- Về phát lương hưu tại nhà. Đọc trên báo Hà Nội, thấy chủ trương là lương hưu sẽ được cấp phát tại nhà. Tôi không biết đây là chủ trương của Bộ hay của Hà Nội, nên không nói đích danh ai. Chỉ nhắc lại rằng, năm ngoái đã có chủ trương này, và báo chí cũng lác đác có hình ảnh quảng cáo cho việc này. Thực tế thì như hầu hết đều đến nhận lương hưu “như cũ”. Tôi đã hỏi nhóm nhân viên phát lương làm việc rất nghiêm chỉnh, đúng mực, được trả lời là: “Các ông ấy nói thế, chứ chúng em làm sao thực hiện được, máy móc, chứng từ tại chỗ, mà cũng phải 4.5 ngày mới phát xong cho 1 phường. Làm như các ông ấy phán thì cả tháng cũng không xong, chưa kể bao nhiêu thứ “nhiêu khê” khác phát sinh”.

Tôi thấy họ nói đúng và cứ đinh ninh rằng, người ta sẽ không diễn lại “chiêu trò” này nữa.

Bất ngờ, hôm nay, bài này lại được giở ra. Tôi lại hỏi, được trả lời: “Khoảng ngoài 14.9, bác gọi lại, chúng em mới có kế hoạch”. Mà 21.9 là hết hạn “giãn cách mới” của Hà Nội rồi.

Không nói dối thì là gì?

Đó là chưa kể, họ có hiểu tình cảnh không ít người, chỉ trông mong vào khoản thu nhập ít ỏi này để “đắp điếm” qua ngày?

Còn nhiều điều khác, kể không xuể và cũng không hẳn là cần.

Phòng chống dịch là việc của toàn dân, người ta quan tâm, góp ý kiến, có đúng, có sai là chuyện bình thường, nhưng vẫn còn là điều may cho lãnh đạo.

Nhưng với những điều dối trá, lên tiếng tố cáo chính là cách thể hiện thiện chí hợp lý nhất.

08.09.2021