Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

Thế lực thù địch (kỳ 2)

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

2

Làng Động của Y là một làng thuần nông, con trai vai u thịt bắp, và đặc biệt có mùi hôi nách rất chi là… làng Động. Người làng Động, đi đâu, ngửi mùi hôi nách là nhận ra nhau. Nó thế nào nhỉ? Mùi chuột chù? Không phải. Mùi cống rãnh? Không đúng. Nó là một thứ mùi tổng hợp rất khó tả. Có chút thum thủm bùn ao pha mùi phân trâu để oải và mùi cỏ ngấu mùa lũ. Mấy cô gái Nam Bộ về làm dâu làng Động, bỗng phát hiện ra mùi hôi nách của chồng tựa như mùi sầu riêng trộn với phân bò tươi. Một thứ mùi quái ác, ban đầu thì sợ bịt mũi, nhưng lâu dần thấy nghiện, chồng đi xa nhớ quay quắt.

Tiến sĩ Ngô Viễn là trường hợp đặc biệt. Hắn là người làng Phí chứ không phải người làng Động của y, nhưng lại có cái mùi nách đặc trưng ấy. Xét về quan hệ huyết thống, máu làng Động có khi chiếm quá nửa trong người hắn. Bà nội và cả mẹ Viễn đều là người làng Động, lấy chồng làng Phí. Gene làng Động trong Ngô Viễn trội hơn gene làng Phí. Giữa y và hắn cũng có mối quan hệ họ hàng xa. Chính ra y phải gọi Viễn bằng anh, vì cụ nội Viễn là chị ruột cụ ngoại y. Tết nhất, ngày giỗ họ Hoàng, đều thấy ông bà Nhãn đưa con sang làng Động. Từ bé, y và Viễn đã chơi với nhau chẳng khác gì anh em ruột thịt.

Về địa lí, cái xóm Trại của Viễn và xóm Thượng của y cách nhau chỉ một con ngòi cạn. Xưa lũy tre hai làng giao nhau, giờ chỉ cách một con đường bê tông. Chỉ giới địa l‎‎ý này, người thiên hạ rất khó nhận ra, nhưng có lẽ vì ăn nước hai mạch giếng khác nhau, quy tụ quanh hai ngôi đình, hai ngôi chùa với hai vòm đa cổ thụ khác nhau, mà từ thượng cổ, tiếng nói, phong tục tập quán hai làng Động và Phí khác biệt nhau. Tỷ như người làng Động nói: con trâu, người làng Phí nói: con t-lâu. Người làng Động lẩy Kiều: Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm, người làng Phí nhại lại: Người ngoài cười lụ người t-long khóc thầm. Người làng Động nói: con gái, con trai, người làng Phí nói: cái đĩ, thằng bòi... Đấy là những tiếng cổ, thời xưa. Có thuyết cho rằng làng Phí, xưa vốn là Sở Phí, một trang ấp của viên võ tướng thời Lý, nơi thu nạp nhiều nông nô vốn là tù binh Chiêm Thành. Còn bây giờ, ngay trong thời hiện đại, tiếng nói hai làng vẫn cứ khác hẳn nhau. Ví như, người làng Động nói: “những người yêu nước đi biểu tình”, thì người làng Phí lại nói: “bọn tự diễn biến (hay là thế lực thù địch) đi biểu tình”.

Câu nói của người làng Phí hiện đại vừa thí dụ trên kia, bắt đầu xuất hiện từ hôm Ngô Viễn và mấy chục gã xe ôm làng Động xuống đường biểu tình ở bờ hồ Hoàn Kiếm trong vụ phản đối Đường lưỡi bò và giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc kéo vào thềm lục địa Việt Nam. Hình ảnh Ngô Viễn và dân xế ôm, hăng hái nhất là Khiển Trọc, mặc áo đen in hình NO U lưỡi bò bị xóa, đầu quấn băng đỏ với dòng chữ vàng Đả đảo Giàn khoan Hải Dương 981, xuất phát trước tượng đài vua Lý Thái Tổ, đi quanh Hồ Gươm, ngay lập tức được phát lên các kênh Youtube. Rồi ngay sau đó hàng loạt ảnh được post lên Blog Annamite kèm bài viết: “Biển Đông của ta đâu phải ao nhà của chúng”, ngay trong ngày đầu tiên đã có hàng trăm nghìn lượt người like. Dân làng Phí và làng Động vốn thông thạo facebook, ipad, iphone chẳng kém gì dân thị thành, ngay lập tức có nhiều bản photo chuyển tới từng chi bộ, từng đoàn thể thanh niên, phụ nữ, mặt trận…, rồi được photo nhiều bản phân phát tới từng nhà. Loa truyền thanh phát oang oang: “Ngô Viễn lợi dụng dân chủ rủ rê thanh niên làng Động gây rối quanh hồ Hoàn Kiếm”. Cả hai làng Phí và Động náo loạn như có giặc. Người ta bình phẩm, đấu tố: Tên Ngô Viễn, tay sai Việt Tân đang kích động, phá hoại tình hữu nghị hai nước Việt - Hoa. Có cả mấy chục gã xe ôm làng Động đầu têu là Khiển Trọc cũng theo đóm ăn tàn. Khủng khiếp quá, thằng Viễn con ông Nhãn, bà Nụ làm chuyện tày trời bà con ơi. Dám cùng cánh xe ôm làng Động tập hợp bọn đầu trâu mặt ngựa, bọn Việt Tân ăn tiền tư bản nước ngoài giương cờ, biểu ngữ tuần hành quanh Hồ Gươm chống Đảng... Người làng Phí sôi sục, bức xúc, căm hận đứa con lạc loài. Nhiều người đi qua nhà ông Nhãn, gân cổ gọi to: “Bớ nhà đĩ Nhãn, ra Hà Nội lôi cổ thằng con mất dạy về mà dạy bảo. Nó đang phá hoại tình hữu nghị đời đời với nước bạn Trung Hoa. Nó bêu riếu làng Phí anh hùng. Nó ăn tiền của bọn phản động Việt Tân…”, “Tiến sĩ cái đầu b. Phản động lòi đuôi ra rồi”… Người ta lại nhớ không khí đấu tố thời Cải cách. Ông Lang Như, bố Nhãn, ông nội Viễn, bị quy địa chủ ngay đợt đấu tố đầu tiên, bị trói giật cánh khuỷu dong từ đầu làng đến cuối xã cho ông bà bần cố nông nhổ vào mặt. May mà lệnh sửa sai về kịp, nếu không Lang Như dựa cột là cái chắc.

Từ hôm ấy, Ngô Viễn như bị làng rút phép thông công. Mỗi lần về làng là người ta lườm nguýt, là có bóng dân phòng bám theo, nhất cử nhất động của hắn đều được báo cáo với cấp trên.

***

Cái vụ Ngô Viễn xuống đường biểu tình và dùng trang mạng kích động đám đông ấy, y biết rất rõ. Ngày ấy y đang phụ trách trang đối ngoại của tạp chí Quê Hương, chuyên phát hành cho Việt kiều hải ngoại. Đó là những ngày sôi sục. Đường lưỡi bò của Tàu Cộng liếm trọn Biển Đông khiến cả nước như chảo dầu sôi. Vậy mà dưới nóng rẫy nhưng trên vẫn lạnh ngắt. Lãnh đạo chia hai phe. Phe hòa giải và phe xua đuổi. Phe xua đuổi chủ trương để nhân dân xuống đường gây tiếng vang quốc tế và tạo áp lực với thiên triều. Ngô Viễn như tướng trẻ tiên phong, được khích lệ bởi các trí thức hàng đầu, các nhân sĩ nổi tiếng đứng đầu là tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cùng giới trẻ nhiệt huyết, người về hưu, cựu chiến binh và người lao động… xuống đường. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, Hà Nội có một cuộc biểu tình lớn. Cuối cùng, giàn khoan Hải Dương 981 phải rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Nhưng các cuộc biểu tình như gọi âm binh lên. Từ biểu tình chống giàn khoan lan thành biểu tình chống Tàu, kêu gọi thoát Trung. Ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Phòng… công nhân tụ tập thành đoàn đến đập phá các nhà máy của người Tàu. Trước nguy cơ bạo loạn, cấp trên bổ sung y vào ban chuyên án T1, định cho bắt khẩn cấp chủ trang mạng Blog Annamite.

Trong Ban chuyên án, y chỉ là thành viên nhưng có tiếng nói quan trọng. Tất nhiên người quyết định cuối cùng vẫn là tướng Huỳnh Thi Ka, cánh tay phải của anh Ba. Về quan hệ gia tộc, Chín K và y là anh em cọc chèo. Chín K tin cậy, vì y rất thân với bác sỹ Cao Thu Vân, vợ ông. Phàm những gì không nói được với chồng, chị Vân đều gọi y đến để tâm sự. Ví như cái vụ có kẻ ghen ghét, đố kị Chín K, gửi cho chị Vân tập ảnh chồng chị có quan hệ tình ái với Lê Trang, Tổng biên tập Tạp chí Việt Tourist. Ngay lập tức, y báo động cho Chín K biết, và tìm mọi cách chặt đứt mọi thông tin, hàn gắn rạn nứt gia đình… Dựa vào mối quan hệ dây mơ rễ má này, đã mấy lần y cứu nguy cho Viễn. Và lần này y đã làm hết sức mình để Viễn không bị bắt. Y công khai tỏ rõ chính kiến. Không phải vì tình bạn thuở chăn trâu, tri âm tri kỷ thời đại học, mà vì y biết quá rõ bản chất con người Ngô Viễn. Hắn thực sự là một trí thức trẻ không dễ thụ động và ngoan ngoãn tiếp nhận những điều phải học trong nhà trường, mà luôn tìm cách phản biện, lật ngược lại vấn đề để tự tìm ra chân l‎ý. Hắn cũng như bao trí thứ trẻ khao khát có được bầu không khí dân chủ trong học thuật, tự do trong biểu đạt. Hắn bất bình trước nạn chiếm đất vô tội vạ của bọn mafia lợi dụng quyền lực, nạn tham nhũng ngập tràn, thói chạy chức chạy quyền, và nguy cơ thâu tóm quyền lực của các nhóm lợi ích. Hắn tự nguyện hành động, không vì ai kích động, xúi giục, mà bởi chính lương tâm bắt buộc hắn phải làm như thế.

Có thể sau này, khi biết chuyện, Ngô Viễn sẽ nghĩ rằng y đối tốt với hắn thế, vì y mặc cảm tội lỗi. Y muốn chuộc cái tội tày đình: cướp người yêu của bạn. Mặc. Y không quan tâm. Mà ngày ấy, câu chuyện cách đây hơn hai mươi năm, giữa bộ ba Ngô Viễn – Phạm Quỳnh Thy – Hoàng Y, đã rạch ròi ai yêu ai đâu. Quỳnh Thy có vẻ thích Viễn hơn y. Bởi nàng nhiễm thói lãng mạn của bố, mà Viễn thì bắt đầu ló rạng một tài thơ. Những bài thơ trên báo tường của Viễn làm khối nàng trong lớp xao xuyến. Ánh mắt Quỳnh không thể giấu được niềm ngưỡng vọng với anh chàng được mệnh danh là thi sĩ 12A. Rồi cả trường lan truyền bài thơ “Vườn em” của Ngô Viễn:

“Mắt biếc hồ thu, bồng suối tóc

Em thả hương hoa bưởi dậy thì

Đêm anh mộng mị như ma ám

Lọt giữa vườn em lạc lối về”.

Ngày ấy Quỳnh Thy để mái tóc dài bồng bềnh, khiến nàng luôn rực rỡ và quyến rũ. Bọn con gái trong lớp lục thấy bài thơ trong cặp sách của Quỳnh, rồi nhao nhao: Viễn thành con ma lạc giữa vườn Quỳnh rồi (!) Bài thơ ấy làm y đau tim. Y khổ sở như khi vừa ngủ dậy bị người khác lấy đi giấc mơ được làm chàng hoàng tử trước đám cưới nàng công chúa. Y ganh ghét và đố kị, cố tìm ra cách gì để giành giật lại. Rồi y suy sụp hẳn, khi đích mục sở thị phát hiện ra Quỳnh đã yêu Viễn. Bằng cớ là hai hộp thuốc lăn nách nàng tặng hắn trong chuyến nàng theo mẹ đi du lịch Singapore. Đã tặng đến thuốc lăn nách cho nhau thì biết là thế nào rồi. Y ghen với Viễn và ngấm ngầm quyết liệt không chịu nhượng bộ. Quỳnh chờ đợi một điều gì đó ở Viễn, nhưng y mới là người đọc được nỗi chờ mong ấy.

Cái đêm Noel ba đứa dạo chơi trên đường Cổ Ngư, khi Quỳnh Thy muốn đi chậm lại đợi Viễn, còn y thì cứ muốn vượt lên để nhường Viễn đi cạnh nàng. Nhưng hắn là thằng ngu lâu hay bản tính nhút nhát, trong lòng đã muốn lắm mà bề ngoài thì lại không dám, cứ nhoay nhoáy vượt lên, đi một mình. Bực quá, y dừng hẳn lại, đợi nàng. Đúng lúc ấy Quỳnh vấp một rễ cây, đế giày bị bong ra. Chỉ chờ có thế, y tình nguyện xách giày cho nàng đi hết con đường qua vườn hoa để tìm một hiệu giày. Trong khi Viễn chần chừ nửa muốn móc ví, nửa chưa thì y xòe ngay tiền mua tặng Quỳnh đôi giày mới. Ăn điểm như thế trước người đẹp, chỉ có Giời mới làm nổi. Giây lát ấy thôi, đôi mắt nàng đã nói lên tất cả. Đôi mắt ấy, sẽ mãi mãi theo y đi suốt cuộc đời. Một đôi mắt to đen, mở hết cỡ, ngỡ ngàng, vời vợi, xuyên thấu tim y. Trong đời chưa có cô gái nào nhìn y như thế, chưa có ánh sáng nào vừa đắm đuối chứa chan, vừa hoang vu chờ đón như thế.

Và rồi dịp may đã đến.

Nhà Hát Lớn thành phố công diễn vở kịch “Hà Mi của tôi” của Lưu Quang Vũ, kịch tác gia đang làm bỏng rẫy kịch trường. Y lùng mua ba vé thượng hạng, mời Quỳnh và Viễn. Chỗ ngồi đã được y định sẵn. Quỳnh Thy ngồi giữa, hai thằng ngồi hai bên, mỗi thằng được quyền sở hữu một nửa. Và, đúng như y dự đoán, suốt buổi Viễn cứ ngồi ngay đơ như phỗng, trong khi Quỳnh lại nhí nhảnh rất đáng yêu. Và, khi đến cảnh cao trào cặp tình nhân hôn nhau trên sân khấu, thì bỗng nhiên bàn tay mềm ấm của Quỳnh nằm gọn trong tay y, thậm chí trong lúc tối đèn, nàng còn ngả hẳn sang vai y, những sợi tóc thơm mềm vờn trên má y, ướp vào y cái mùi nước hoa Charme Queen quyến rũ lẫn mùi đặc trưng riêng của nàng.

Tình yêu của Quỳnh Thy dành tặng riêng y, có cơ làm tình bạn giữa y và Viễn sụp đổ. Viễn xa lánh và lạnh nhạt với cả hai đứa. Y hiểu ra ngay nguyên nhân. Nhưng Quỳnh còn nhạy cảm hơn. Nàng cho rằng chính nàng là tội đồ, nếu có việc gì xảy ra với Viễn. Làm cách nào đây anh? Nhỡ Viễn nghĩ quẩn, đi đường lao vào xe, hay nhảy cầu tự tử? Có lúc y đang ôm xiết, nàng bỗng run bắn, choài người ra, giọng thảng thốt. Có buổi đi chơi đang vui, nhắc đến Viễn, Quỳnh bỗng trầm tư hẳn. Trong thẳm sâu một góc nào đó trong nàng, vẫn còn chỗ cho Viễn.

Dường như trời sinh ra Quỳnh để tìm cách bù đắp những thiệt thòi cho Viễn. Nàng có cô em gái tên Mai Thy, tên thường gọi ở nhà là Mai, kém nàng hai tuổi. Nhận ra sự suy sụp ngày càng trầm trọng của Viễn và cũng không muốn y mất một người bạn nối khố, Quỳnh đã chủ động kéo Mai vào cuộc. Việc này cũng rất công phu và phải thật tự nhiên không làm ai bị thương tổn, mà chỉ người như Quỳnh mới làm được. Họ tạo thành hai cặp trong những buổi tụ tập, hội hè. Và rồi cô nàng Mai Thy đã làm anh chàng Ngô Viễn nghiêng ngả. Lương duyên này, tựa như Kim Trọng có được Thúy Vân là nhờ lòng trắc ẩn của Thúy Kiều. Tình bạn của y và Viễn suốt những ngày đầu thời sinh viên vì thế lại được nối lại, như không hề suy suyển. Tuy học hai trường khác nhau, y đại học Báo chí, Viễn đại học Quốc gia, nhưng hai đứa vẫn ở cùng một phòng trọ, ăn chung một nồi, hàng ngày Viễn nghĩ gì, làm gì, y đọc vị trúng phóc.

Sự khác biệt, hay là lối rẽ của hai thằng bạn nối khố, bắt đầu từ năm thứ tư đại học. Đó là sự khác biệt về nhận thức, về quan niệm sống, về nhìn nhận thời cuộc. Viễn có thêm nhiều bạn mới, những kẻ luôn coi nhóm Nhân văn Giai phẩm ngày xưa, như Văn Cao, Hoàng Yến, Hoàng Cầm, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán… là thần tượng. Nhiều bạn mới của Viễn lôi kéo hắn đến với những nhân vật được gọi là những nhà dân chủ như Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Hồng Hà, Trần Đĩnh, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, Trần Độ, Phạm Quế Dương…, những người này từng giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng, trong cơ quan nhà nước, nhưng rồi bị vu là xét lại thân Liên Xô, chống lại đường lối của Đảng, nhiều người thuộc bộ lạc “Tà ru” (tù ra), thậm chí không chỉ Tà ru một lần. Nhiều lần y khuyên hắn từ bỏ ý định làm luận văn về các nhà dân chủ, nhưng hắn vẫn rủ rê Mai Thy và một nhóm bạn bè thường xuyên đến gặp và điếu đóm hầu hạ các nhà thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán…, đến hầu chuyện và xin tư liệu của Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Khắc Viện… Có đêm, gần một giờ sáng hắn về gọi cửa, nồng nặc hơi rượu, cái thứ mà rất ít khi hắn đụng tới. Hắn moi từ trong bụng áo ra một mớ in roneo vài trăm trang.

- Đã quá mày ơi - Giọng Viễn khản đặc - Nguyễn Kiến Giang là một vĩ nhân khuất lấp mày ạ. Kiến thức siêu việt. Nhân cách rạng ngời. Tao không ngờ ông cụ từng tham gia đảng viên cộng sản từ năm 1945 khi mới 14 tuổi, từng làm Phó Giám đốc nhà xuất bản Sự Thật từ năm 1956, rồi đi học trường Đảng cao cấp Liên Xô. Một người cộng sản đích thực với ý nghĩa tinh khôi của nó. Chỉ vì bị vu xét lại, thân Nga Xô mà phải vào tù cho đến năm 1976. Chao ôi, tao chỉ là thằng xách dép cho cụ không đáng. Tối nay tình cờ gặp cả tiến sĩ Hà Sĩ Phu và nhà thơ Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt ra, đến thăm cụ Kiến Giang. Sáu mươi, bẩy mươi cả rồi mà họ còn tràn trề nhiệt huyết. Họ nói tướng Trần Độ hoàn toàn ủng hộ và sẽ có tiếng nói mạnh mẽ trong Trung ương và Quốc hội để Đảng phải tự lột xác nếu còn muốn dẫn dắt dân tộc này. Họ bảo lí‎ tưởng cộng sản không còn nữa mà chỉ là những nhóm lợi ích khoác áo cộng sản giả vờ để tham nhũng quyền lực, tham nhũng đất đai, tài nguyên, tiền bạc. Phải gọi bọn này là Cộng sản trá hình, hay Cộng sản biến thái, thống trị dân tộc này còn tàn bạo, thâm độc, tinh vi hơn cả thực dân đế quốc. Bởi thực dân đế quốc mũi lõ mắt xanh, dân ta dễ nhận ra, nhưng cộng sản biến thái Việt Nam cũng da vàng mũi tẹt lại cai trị một cách tinh quái, thâm độc, trí trá nên đám đông ngu tín dễ cả tin, dễ bị lừa phỉnh… Ghê không, những phát hiện tuyệt vời có ý nghĩa triết học và thực tiễn. Tiếc quá, Mai Thy có việc bận không đi cùng tao để được gặp nhà thơ thần tượng thời chống Mỹ của nàng. Hà Sĩ Phu vừa hoàn thành tập tùy bút chính luận Chia tay ý thức hệ, trong đó có bài Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ mà Quỳnh Thy đã bí mật lấy trong cặp của bố cho chúng ta đọc đó. Còn Bùi Minh Quốc, thần tượng thi ca của chúng mình thời phổ thông với bài Lên miền Tây và Bài thơ về hạnh phúc, vừa sáng tác xong bài thơ Tháng Tám. Nghe này:

…Có lẽ nào? Có lẽ nào? Lịch sử

Lại như con thò lò trong ván bài quỷ dữ

Máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng

Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng nhân dân?...

Bạo chúa là ai thì mày biết hơn tao. Độc tài toàn trị, không muốn chia sẻ quyền lực với ai, là bạo chúa chứ còn gì nữa? Thơ như thế dẫu có phải ngồi tù cũng đáng. Mà sao lại có thể bỏ tù một nhà thơ yêu nước? Mày nhớ không, Pêtôphi viết: “Có lúc hồn ta hóa đám mây bay/ Bay trên tổ quốc từ đông sang tây/ Nếu hồn ta là đám mây mang bão/ Thì sét ta sẽ đổ xuống các ngươi/ Và xé nát tơi bời”… là viết để cảnh báo những kẻ muốn bỏ tù những Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc đó… Nghe các vị đại trí nói chuyện mới thấy hậu sinh chúng mình hỏng từ lúc mặc quần thủng đít. Mà này, mày biết không, học giả Nguyễn Kiến Giang chính là nhà tư tưởng của nhóm Trần Độ đấy. Đây, mày xem, cụ Kiến Giang dám viết hẳn bài yêu cầu bỏ điều 4 trong Hiến pháp, có kinh không? “Từ chỗ là một sự lựa chọn lịch sử khách quan, sự độc quyền lãnh đạo của Đảng dần dần được hiểu và được thực hiện thành sự thống trị tuyệt đối của Đảng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, có khi cả đời sống cá nhân, thành “Đảng trị” (partocratie). Đảng biến thành “Đảng – Nhà nước”, thành một thứ “siêu nhà nước”, có toàn quyền quyết định tất cả, từ những chủ trương lớn, đến những biện pháp thực hiện nhỏ, và người dân chỉ được phép nghĩ theo, nói theo và làm theo những nghị quyết của Đảng, có khi chỉ là một cấp lãnh đạo, thậm chí của một cá nhân lãnh đạo nào đó. Mọi ‎‎ý kiến khác với ‎ý kiến người lãnh đạo của Đảng bị coi là chống Đảng, mà chống Đảng cũng có nghĩa là chống Nhà nước, chống chế độ, chống cách mạng…”

- Bài này hình như đã đăng trên tạp chí Khoa học và Tổ quốc. Tổng biên tập Phạm Quế Dương suýt bị khởi tố.

- Hóa ra mày cũng đọc nhiều hơn tao tưởng. Nguyễn Kiến Giang viết thế đấy. Thật là đại kiệt hiệt, đại trí thức, kém gì Chu Văn An từng dâng thất trảm sớ… Đau nhất là ngay cả bà mẹ của Nguyễn Kiến Giang, một nữ anh hùng Xô viết Nghệ Tĩnh, đảng viên từ năm 1930, khi biết con trai bị bắt, đã tuyên bố từ ông…

Y lặng đi. Rất muốn thêm đoạn kết mà có lẽ Viễn chưa biết: Sau này khi Nguyễn Kiến Giang ra tù, bà mẹ từ quê ra tìm ông, bà ôm lấy con trai, khóc nức nở. “Con ơi, con đúng. Mẹ xin lỗi con”.

Tiếng Viễn oang oang khắp xóm trọ, đến mức y phải chắp tay lạy hắn be bé cái mồm. Được thể, Viễn càng gào to hơn, cuối cùng y phải gồng mình, lấy tay bịt miệng hắn, đến mức tí nữa hắn tắc thở.

May mà chỉ mấy phút sau, Viễn nằm vật ra giường, ngáy như kéo bễ. Trái lại, y chui vào màn nằm gần tiếng đồng hồ, mắt cứ chong chong. Nhìn Viễn nằm sóng sượt mồm nhểu đầy bọt, lần đầu tiên y thấy Viễn thật nguy hiểm. Kỳ nhất là cả hai chị em Quỳnh Thy và Mai Thy ngày càng nhiễm tư tưởng của hắn, thấy hắn đi gặp các nhà dân chủ là tớn đi theo. Cứ dính vào hắn, sẽ đi tù cả nút. Trong óc y bỗng gợn lên ‎ý nghĩ sẽ đổi chỗ ở, ngay ngày mai, hoặc trong tuần. Có thể đến ở với Quỳnh Thy, nếu nàng không quá giữ gìn. Có thể sẽ thuê nhà khác, ở một mình.

Y lại chui vào màn, cố đếm đến một trăm... cầu cho giấc ngủ sập đến. Nhưng nỗi sợ hãi cứ len lỏi, không thể đếm được quá mười. Hình như y đang nằm cạnh một quả bom hẹn giờ. Không biết nổ lúc nào. Không biết có còn yên ổn qua đêm nay? Không chần chừ gì nữa, y chồm dậy, quơ tay qua người Viễn lấy tập tài liệu hắn vừa mang về từ chỗ người đi tù không án Kiến Giang. Nếu mang món của quý này nộp cho anh Huỳnh Thi Ka, con rể làng Phí, chắc chắn y sẽ được mời vào ngành công an mà không cần phải xét duyệt, thử thách gì nữa. Có khi y sẽ thăng vượt sao, không phải thiếu úy mới ra trường, mà trung úy, thậm chí thượng úy cũng nên. Ừ nhỉ, hay là ta mang đến nộp cho anh Chín ? Một mũi tên trúng hai đích. Vừa cứu được thằng bạn khỏi con đường lầm lạc, vừa vạch trần hành động phát tán tài liệu chống Đảng của ông Nguyễn Kiến Giang và nhóm trí thức bất mãn Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc? Đắn đo một lát, rồi y chép miệng, bật lửa.

Mớ bảo bối của Viễn bắt cháy đùng đùng.

Không ngờ, ngọn lửa ấy đã thiêu trụi một tình bạn.

Sáng hôm sau, nhìn đống tro, Viễn lặng đi, hai khóe mắt đỏ máu.

- Tao xin lỗi mày. Tao chỉ muốn cứu mày khỏi vào tù - Y quỳ xuống, năn nỉ bạn.

Mặt Viễn tím tái. Hắn quay vào góc phòng, hì hụi cho quần áo vào ba lô, sách vở vào cái vali rách, rồi buộc chằng vào cái xe đạp.

- Người phải đi là tao chứ không phải mày - Y nắm tay Viễn van vỉ - Mày đi đâu?

Viễn nhìn y như nhìn một kẻ xa lạ, rồi đột ngột nhổ một bãi nước bọt vào mặt y.

Và dắt xe ra khỏi nhà.

***

Hai thằng chừa mặt nhau đến gần chục năm.

Mặc dù mỗi đứa một ngả, nhưng y vẫn luôn tìm mọi cách chủ động làm lành với Viễn.

Tận đáy lòng, lúc nào y cũng coi Viễn là người bạn thân nhất của đời mình. Khi được tin Ngô Viễn có thể bị bắt, y đã đến nhà tướng Chín K để hạ mình cầu xin cho bạn.

- Em xin lấy sinh mạng chính trị để bảo lãnh cho Ngô Viễn. Bắt Viễn rất dễ. Chỉ cần làm một động tác nghiệp vụ như chúng ta từng làm với bao đối tượng trước đây, đọc lệnh khám nơi ở là có thể khui ra hàng đống các băng hình, tài liệu, thư từ, bài viết nhằm phản đối chính quyền, chống lại chủ trương đường lối của Đảng… Nhưng đấy chưa phải là những chứng cứ có tính thuyết phục. Thời đại công nghệ thông tin, công dân có quyền tiếp xúc với nhiều loại hình truyền thông, thậm chí trái chiều. Còn việc Viễn tham gia tổ chức, cầm đầu tổ chức, có âm mưu tập hợp băng nhóm …, những căn cứ phạm pháp nhằm lật đổ chính quyền, thì tuyệt nhiên không có. Em đảm bảo, ngay cả việc gán cho Viễn tội có quan hệ với đảng Việt Tân, ăn tiền của Việt Tân, càng là chuyện hoang đường. Một người như Viễn, có lòng tự trọng và liêm sỉ, không bao giờ chịu bị ai giật dây, điều khiển…

- Tôi tạm thời tin cậu – Sau một hồi suy nghĩ, tướng Chín K nói – Hôm qua tôi cũng hỏi chị cậu về Ngô Viễn, chị Vân cậu cũng nói như vậy.

Y biết tỏng Chín K đánh đòn tâm lí, muốn làm cho y tin những điều anh ta sắp nói, chứ tình cảnh vợ chồng họ từ ngày bác sĩ Vân phát hiện ra mối quan hệ mèo mả gà đồng giữa chồng mình với nhà báo Lê Trang, khác nào như một nhà mồ quàn hai thi thể chưa chôn.

- Anh có nghĩ, nếu bắt Ngô Viễn bây giờ, chúng ta sẽ phải tạo ra một câu chuyện hài hước? - Đến lượt y hỏi lại, khi thấy ông anh cấp trên tỏ ra thân tình.

- Không phải chuyện hài hước - Chín K nghiêm sắc mặt, dấu hiệu câu chuyện anh em họ hàng đã chấm dứt, để sang câu chuyện nghiêm túc nghề nghiệp - Đôi khi chuyện bắt bớ, giam cầm cũng chỉ là một động tác chiến thuật, một biện pháp tình thế. Cũng ví như hồi tao tham mưu với anh Ba bắt tên luật sư Cù Huy Hà Vũ. Bao cao su chỉ là một cái cớ, một cái cớ quá vớ vẩn, hài hước và có vẻ đê tiện - Đang nói, Chín K bỗng dừng lại, bật cười, một nụ cười thành thật rất dễ thương - Cái vụ bao cao su ấy, thằng Tuẫn nó hại tao, làm tao mắc vạ lây, bị anh Ba mắng te tua vì sự hớ hênh ngu xuẩn. Lẽ ra không nên dùng bao cao su, mà có thể tạo một vụ tông xe giữa đường, một cuộc cãi lộn đâu đó để bắt, như với trường hợp Vũ Thư Hiên, Hoàng Hưng và bao người khác… Nhưng mà tao phục nhất tay giáo sư Ngô Bảo Châu khi nó viết trên facebook về sự sợ hãi để chế giễu chúng ta. Tao vẫn nhớ từng chữ thâm sâu của vị giáo sư trẻ tuổi như bài học thuộc lòng lớp một ấy mày ạ:

“Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ, những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli, hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này…”

Viết như thế thì bằng ỉa vào mặt lũ chúng ta. Chúng ta quá hèn khi dùng một thủ đoạn đê tiện để bắt giam một nhà trí thức không thích chúng ta và không một tấc sắt trong tay, trong khi chúng ta đông như quân Nguyên và đầy rẫy những dùi cui, súng ống, nhà tù. Đúng không? Nhưng suy cho cùng, trong một trăm linh tám ban võ nghệ, không món nào bằng món võ bóp dái. Bóp dái một thằng đực rựa đang động cỡn muốn làm một người hùng, ha ha… Ặc một phát là toi. Bất chấp phương tiện miễn là đạt được mục đích. Mục đích của anh Ba hồi ấy là bắt họ Cù bằng mọi giá, để tay tiến sĩ ấy ngậm miệng lại. Dám kiện anh Ba thì chỉ có là thằng điên nặng. Anh Ba tha đập chết hắn là phúc ba đời nhà Cù còn to lắm. Sau này lại chính anh Ba mở đường cho hắn đi Mỹ. Nhưng với thằng Ngô Viễn bây giờ thì khác. Anh Ba chẳng có thù hằn gì với Viễn. Mục tiêu của chúng ta với thằng Ngô Viễn bây giờ là buộc nó câm mồm đi. Buộc tất cả bọn dân chủ phải bịt mõm lại. Phải khóa cái mồm thối Blog Annamite của nó lại. Mày thử tưởng tượng: Nếu để tay luật sư họ Cù nhơn nhơn ngoài đời thì tác hại của nó sẽ ra sao? Nó vừa có chất ngông nghênh loại thiếu gia con ông nhà thơ nhớn không coi loại xuất thân thường dân, lại chưa qua chiến đấu gian khổ như chúng ta ra gì, nó còn có cái chất trí thức du học Tây u, coi mấy anh cầm quyền cộng sản cờ lờ mờ vờ ABC chưa thuộc, như mẻ. Đó, thằng Ngô Viễn hệt loại đó. Ngông nghênh, cao ngạo, coi trời bằng vung. Cũng có thể nó muốn nổi tiếng kiểu đốt đền, rất muốn vào tù cho tên tuổi sáng chói. Nhưng thử hỏi cái máu anh hùng rơm ấy liệu được bao ngày. Làm sao bọn nó sánh nổi với Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc? Chỉ cần vào Hilton Hà Nội bóc lịch vài tháng là thấy nhau ngay. Ông luật sư họ Cù, Hector, Kinh Kha của giáo sư Ngô Bảo Châu đó. Mới vào Hỏa Lò ba năm đã hoảng loạn phát bệnh. Chỉ đợi ta gợi ý‎ cho đi tị nạn ở Mỹ là mặt nở như cái lồn trâu sắp đến tháng đẻ. Ký giấy đầu hàng vô điều kiện… Hơ hơ. Ông Mao nói rất chí lý. Bọn trí thức là cái cục cứt…

- Nhưng với Ngô Viễn thì khác, thưa anh - Y nhìn Chín K với ánh mắt bướng bỉnh. - Ngô Viễn tính điềm đạm, không hiếu thắng, biết người biết ta, lại đặc biệt được lớp trẻ và giới bình dân quý mến. Blog Annamite của nó mới sáu năm mà đã hơn một trăm triệu lượt người đọc. Nhiều người bảo đó là tờ báo mạng trào phúng bậc nhất Việt Nam, có lượng người đọc chỉ xếp sau trang mạng Anh Ba Sàm và Quê Choa. Annamite như một người dẫn chuyện thủ thỉ, tâm tình, đăng nhiều chuyện dân gian, chuyện tiếu lâm hiện đại, thơ châm…, để giúp mọi người hiểu ra thực trạng sống, ý thức quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Ngô Viễn là học trò và bạn vong niên của giáo sư Hoài Chi, giám đốc nhà xuất bản Dân Khí. Họ tôn thờ chủ nghĩa tam dân của Phan Chu Trinh, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh…

- Hậu cái con… khỉ. Một lũ trí thức cơ hội. Mày hãy tưởng tượng, nếu bọn chúng phát động công nông trí thức làm cách mạng màu như Ba Lan, Rumani… hay cách mạng da cam như mấy nước Bắc Phi thành công, chúng sẽ lên cầm quyền, và sẽ có cuộc tắm máu cộng sản. Lũ chúng ta sẽ bị treo cổ hết. Đó, dân chủ của bọn chúng cũng kiểu đó thôi. Theo tao thì Annamite, Ba Sàm, Quê Choa, Bà Đầm xòe, Tễu Blog… là đặc biệt nguy hiểm. Tẩm ngẩm chết người. Gần đây tay Viễn thường xuyên đăng thơ của tay Thái Bá Tân, một gã nhà thơ bình dân kiểu con cóc chuyên đả kích sâu cay. Các cụ về hưu, cùng đám cựu chiến binh thuộc không sót bài thơ nào của Thái Bá Tân. Sẽ là rất nguy hiểm khi các trang mạng lề trái làm tê liệt các báo lề phải bầy la liệt các sạp vỉa hè nhưng không ai mua…

- Vấn đề là triệt Annamite này sẽ lại có Annamite khác, anh ạ. Thông tin mạng đang là xu thế toàn cầu và chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Theo em, anh không cần bắt Ngô Viễn vội. Hãy để trang mạng của hắn tồn tại trong tầm kiểm soát của chúng ta...

- Tôi giao nó cho cậu - Chín K đột ngột ra lệnh - Cậu có trách nhiệm bảo nó phải nói khẽ, đi nhẹ cười tươi, nếu không muốn thành kẻ chăn kiến…

***

Khi Hoàng Y đến bệnh viện Ứng Thiên thì người làng Động đã chật kín lối hành lang phòng hồi sức cấp cứu. Toàn dân xe ôm, bạn biểu tình của Viễn. Người ta cho y biết, ông Ngô Nhãn được người nhà đưa lên bệnh viện lúc năm giờ sáng.

- Vì sao bác Nhãn bị đột quỵ thế ạ? Lâu nay ông cụ vẫn khỏe mạnh cơ mà - Y hỏi một người làng.

- Ông đã đọc Tam Quốc chưa? - Một giọng ồm ồm xoáy bên tai y kèm theo mùi hôi nách xộc lên mũi khiến y co người lại và nhận ra Khiển Trọc - Chưa đọc thì mời ông chú về tra Google, tìm mục “tức khí Chu Du”, nhé. Công an các chú lạ chó gì chuyện này.

Rõ ràng là Khiển Trọc không ưa gì y. Về quan hệ họ hàng, y phải gọi cậu ta bằng anh, dù cậu ta kém y tới cả chục tuổi. Xem lại cái clip có hình Viễn và Khiển đi biểu tình, y đã nhận ra con người này. Mới mấy năm mà Khiển Trọc già đi trông thấy. Ngày ấy hắn trẻ măng. Cái đầu cua quấn băng rôn đỏ, chữ vàng: “Đả đảo Khựa”, lại mặc áo phông trắng có hình NO U lưỡi bò, đi hàng đầu biểu tình, luôn bên cạnh tiến sĩ Ngô Viễn, nhạc sĩ Tương Giang, nhạc sĩ Tạ Trí Hải, họa sĩ Doãn Kiên và giáo sư Hoài Chi. Khi đoàn người tiến tới đền Bà Kiệu thì đụng độ với lực lượng xung kích. Thực ra đây chính là tiểu đoàn cảnh sát chống bạo động, mật danh Đoàn H, mà y biết rất rõ. Hôm ấy họ không được phép mang vũ khí. Chỉ thường phục như đám thanh niên ất ơ bên bờ hồ. Trong số này có nhiều người làng Phí, trong đó có thiếu tá Cao Thiện Huân, biệt danh Huân Sói, và em sinh đôi là đại úy Cao Thiện Hùng, biệt danh Hùng Hổ. Hổ giống Sói như hai giọt nước, khó có ai phân biệt được. Ngày bé, chính bố mẹ họ nhiều khi cũng lầm lẫn. Sự khác nhau giữa họ là ở vết sẹo trên đuôi mắt trái của Hùng. Nhìn kỹ, Huân có khuôn mặt thanh tú hơn, Hùng mắt dữ hơn. Cả đơn vị do Huân Sói phụ trách đều là những chiến binh tinh nhuệ, đã được đưa sang tập huấn tại Tứ Xuyên, võ tay không mà một chiến sĩ quật đổ cả chục người trang bị tận răng.

Đoạn clip ghi hình bắt đầu từ lúc đoàn biểu tình bị xé lẻ từng nhóm. Hùng Hổ cùng đám K47 làng Phí dùng vai và cùi chỏ huých vào hông vào sườn người biểu tình. Một thanh niên to con áp sát Viễn. Một tay đeo kính đen giang hai tay xô giáo sư Hoài Chi và nhạc sĩ Tương Giang lên vỉa hè. Nhanh như cắt, Khiển Trọc lao đến lấy cả thân người che cho Tương Giang khi anh sắp bị một cú lên gối vào bộ hạ. Hùng Hổ ra hiệu cho đồng đội cần triệt hạ Khiển. Rồi đích thân anh ta co chân nhằm đúng mặt Khiển Trọc khi gã vừa bị đẩy chúi xuống. Mặt Khiển nhòe nhoẹt máu. Liền sau đó bốn thanh niên lực lưỡng túm hai tay hai chân Khiển, như khiêng lợn, quăng lên chiếc xe bus vừa lăn tới.

Sau này, một phóng viên nước ngoài chụp được khoảnh khắc người biểu tình Khiển Trọc bị đạp vào mặt, nhoe nhoét máu, post lên mạng. Lập tức một phóng viên của tờ báo Tin buổi chiều tìm Hùng Hổ để phỏng vấn về động tác thô bạo vô văn hóa ấy với người biểu tình. Sự giống nhau như hai giọt nước của hai anh em sinh đôi, khiến người phóng viên nhầm. Đáng lẽ phải chú thích ảnh và viết tên nhân vật phỏng vấn là Cao Thiện Hùng, thì lại lầm thành Cao Thiện Huân. Và từ đó Huân Sói nổi tiếng với câu nói trứ danh, rằng anh ta hoàn toàn không cố ý‎, rằng người biểu tình đã chủ động “va mặt vào chân” anh ta (!)

Người bị “va mặt vào chân” ấy còn bị nhiều đòn chí mạng trong các cuộc biểu tình liên tiếp sau đó nữa. Cuộc nào gã cũng xông đi đầu, lăn xả che chắn cho các vị cao tuổi và phụ nữ. Cuộc biểu tình gần đây nhất nhằm ủng hộ nông dân Văn Giang, Khiển Trọc đang gào đả đảo bọn ăn đất, bọn tham nhũng, bọn lợi ích nhóm thì bị một đòn ngầm ngang thân, lăn quay ra đường. Xe cứu thương đưa Khiển Trọc vào bệnh viện, phát hiện ra gã gãy hai xương sườn trái.

Mối thâm thù với lực lượng chống biểu tình luôn thường trực trong Khiển, và bây giờ, gặp Y, lại bùng phát. Câu nói của Khiển Trọc đầy vẻ khiêu khích, nhưng y không chấp. Nhân đây y cũng muốn tỏ sự thân thiện họ hàng.

- Gặp anh ở cuộc hội thảo, tôi trông anh quen quen, sau mới biết tôi có họ với anh về bên ngoại.

- Cụ nội cậu gọi cụ ngoại tôi là chị họ. Xa rồi. Súng đại bác bắn còn chưa tới. Chúng ta cứ coi nhau như người cùng làng Động là được rồi. Tôi nói để cậu biết, cụ Nhãn bố chú Viễn mà có mệnh hệ gì là do bọn kiêu binh làng Phí cả đấy. Chúng nó khốn nạn lắm. Giả vờ tổ chức họp đại hội cựu chiến binh để hạ nhục ông cụ. Thực chất là một cuộc đánh hội đồng …

Đánh hội đồng? Chuyện tày trời vừa xảy ra ở làng Phí hay làng Động? Y lách qua mùi hôi nách để vào phòng cấp cứu, nhưng bác sĩ ngăn lại.

- Cho tôi vào, bác sĩ ơi. Tôi là người nhà ông Nhãn.

- Anh thông cảm. Bệnh nhân đang rất nguy kịch cần được theo dõi. Đã có con trai bệnh nhân ở trong đó rồi.

Vậy là Viễn đang ở bên bố. Từ phòng hội thảo hắn đã về thẳng đây. Y quay ra hỏi chuyện mấy người làng Phí về cái vụ “đánh hội đồng” ông Nhãn.

- Có ai đánh hội đồng đâu anh ơi, nói thế oan cho người làng Phí - Một bà trung niên, hình như là em họ bố Viễn, trần tình - Thường ngày bác Nhãn nhà tôi có bao giờ uống say thế đâu. Chiều hôm qua bỗng dưng Hội Cựu chiến binh làng Phí tổ chức liên hoan đón nhận cờ thi đua. Nghe nói cấp trên cho tiền. Mỗi suất một trăm ngàn, cỗ to lắm. Ông Nhãn vừa bộ đội đánh Mỹ, vừa tham gia đánh Tàu, có giấy mời từ ngày hôm trước. Cựu chiến binh làng Phí đông nhất xã. Cả bộ đội, công an, thanh niên xung phong tới hơn trăm người, hai mươi mâm bàn tiệc, kê ba dãy, chật hội trường. Trước lúc vào hội nghị, người ta phân phát một tờ giấy kín chữ, nói là của anh Viễn, con bác Nhãn mới đăng trên báo. Họ bảo mọi người tranh thủ đọc, rồi tham gia thảo luận.

- Bài báo gì hả cô? - Y vội hỏi.

- Thì mãi sáng nay tôi mới được nhìn thấy. Nó đây - Người đàn bà lấy trong túi áo đưa cho y một tờ giấy in vi tính nhàu nhĩ.

Y tròn mắt. Thời đại a còng có khác. Chính là bản tham luận của Ngô Viễn vừa đọc trong buổi giới thiệu sách “Đường về nô lệ”. Trước đó ba ngày, hắn đã cho đăng trên Blog Annamite bản tóm tắt giới thiệu tác phẩm Đường về nô lệ của Hayek và lời bình của hắn, với tựa đề: “Chúng ta đang đi giật lùi đến CNXH”. Chỉ vài giờ sau đã có hơn một nghìn like và mấy trăm comment.

- Tôi đọc, nhưng chẳng hiểu ông Nghè Viễn viết gì – Một người đàn ông mặt nhàu nhĩ góp chuyện - Tiến sĩ bây giờ tức là ông Nghè ngày xưa đấy anh ạ. Mấy ông cán bộ xã thì bảo đây là tài liệu phản động. Họ bảo anh Viễn đứng đầu cái nhóm U Nô Bò gì đấy, đang vận động thành lập tổ chức, cầm đầu nhóm chống Đảng. Họ bảo vợ chồng ông Nhãn không dạy bảo được con, dung túng cho nó đi làm giặc… Mà nghĩ họ nói cũng phải. Thằng Viễn dại quá. Ông nội nó địa chủ, có tội với ông bà nông dân, may mà được tha xử bắn. Ông Nhãn muốn l‎í lịch các con khỏi bị ảnh hưởng vì ông nội, đã phải chuộc lỗi bằng cách viết đơn bằng máu để đi bộ đội‎. Đi một lần chưa đủ, đến khi Trung Quốc nó tràn sang, hơn ba mươi tuổi rồi, lại xung phong đi lần nữa. Thế nên thằng Viễn mới được vào đại học, được học lên tiến sĩ. Học được cái chức ấy tốn bao nhiêu tiền của hả anh? Các ông ủy ban bảo, nhà ông Nhãn phải chất vàng cao như đống rơm mới có được cái bằng ấy. Đảng và Nhà nước ưu đãi đến thế là cùng. Lại cho đi học tận bên nước ngoài. Ăn sung mặc sướng. Người làng Phí, tướng tá cả đống, nhưng từ xưa đến giờ chưa ai học cao bằng nó. Rõ sướng chẳng biết đường sướng. Chỉ làm cho bố mẹ khổ.

- Khổ thân anh tôi - Bà cô rên rẩm - Tối qua, cả làng Phí lên hội trường phỉ nhổ anh Nhãn tôi. Người ta bắc loa phóng thanh oang oang loan đi khắp xã. Anh Nhãn nghĩ nhục quá, uất quá, trào máu ra thất khiếu…

- Trời ơi, có phải vậy không cô?

- Tôi chứng kiến toàn bộ cảnh này - Ông mặt nhầu nhĩ khẳng định - Chiều qua, người làng Phí, có cả người họ Ngô, tranh nhau giành mi-cờ-rô để chửi rủa ông Nhãn trong bữa cỗ. Ghê quá. Tôi cứ ngỡ mình chứng kiến lại cái đận cải cách ruộng đất. Năm ấy tôi mới chỉ năm, sáu tuổi, nhưng nhớ mãi tới bây giờ… Lúc đầu, ông Nhãn tự ái định bỏ về. Nhưng người ta quây lấy, không cho về, bắt phải ngồi vào bàn tiệc phía gần sân khấu. Đầu tiên là ông Vận có con là đại tá trại giam. Ông Vận cầm chén rượu đến trước mặt ông Nhãn, đe: “Ông không dạy thằng con câm cái miệng chó lại, thì chớ có trách. Chính tôi sẽ bảo thằng Vấn cho bọn đầu gấu dần cho nhừ tử, rồi bỏ rọ trôi sông…” Đến lượt thằng Ban lác, mới đi cai nghiện về, dí chén rượu vào mồm ông Nhãn, rồi nhổ phì phì vào mặt ông: “Lẽ ra cái xuất đại học và tiến sĩ giấy kia phải thuộc về tôi, ông Nhãn ạ. Nhưng thằng Viễn nó đã nẫng tay trên, đuổi chúng tôi lên Vị Xuyên đánh nhau với anh bạn Đại Hán. Bây giờ tôi thất nghiệp, chỉ mong đất nước yên ổn mà làm ăn, thế mà thằng Viễn con ông lại kích động lật đổ chính quyền này. Hừ, ông không gọi nó về quỳ xuống để tôi dạy cho bài học là không xong đâu…” Có tay thương binh xóm Đình, uống say quá, không tự chủ nổi, cầm cả chén rượu tưới lên đầu ông Nhãn. Khổ thân ông Nhãn quá. Ban đầu, ra vẻ bất cần, việc ai nấy chịu, cứ tỉnh bơ uống. Sau, uống vì phẫn uất. Đến khi chửi rát quá, ông Nhãn xông lên định giành lấy mi-cơ-rô, thì bỗng chếnh choáng, gục xuống sàn…

Y mường tượng ra cảnh đấu tố hội đồng. Trong ánh điện nhòe nhoẹt lúc chạng vạng, những gương mặt gây gây, tím tái, những ánh mắt đỏ đọc, vằn vện. Rượu dốc tràn các ly, trăm phần trăm. Con mồi duy nhất cần phải tẩy não trong bữa tiệc máu là Ngô Nhãn. Lão còn trong tổ chức thì bằng mọi giá lão phải tuân theo tổ chức. Cả cái hội cựu chiến binh làng Phí này, hai phần ba là đảng viên, phải tuân thủ nghị quyết của chi bộ, quyết cạo cho lão trọc lốc, trắng phớ như lợn cạo. Bố không dạy nổi con thì làng dạy bố. Hội Cựu chiến binh làng Phí không thể có một hội viên làm ô uế danh dự và thành tích bao nhiêu năm. Thà hắn sinh ra ở làng Động vô danh tiểu tốt, cả làng làm cốp pha, chạy xe ôm kiếm sống ngoài Hà Nội. Đằng này hắn lại là đứa con của làng Phí, đơn vị Anh hùng chống Mỹ, gần như nhà nào cũng có người tham gia quân đội, công an. Một làng cách mạng. Chưa quán triệt được truyền thống này thì phải dạy một cách bài bản. Bố không dạy nổi con thì cả làng phải dạy… Một cuộc đánh hội đồng tinh thần như thế, Chu Du sống lại cũng phải hộc máu mồm lần nữa.

Y phải vào phòng cấp cứu để biết tình trạng ông Nhãn lúc này. Vả lại, để Viễn thấy trong cơn hoạn nạn của hắn, vẫn có y. Cầm sẵn tấm thẻ đỏ, y đẩy cửa, dí vào mặt ông bác sỹ, như một mệnh lệnh.

Ông Nhãn đang nằm trên giường thở ô xy. Đầu, mặt và hai tay ông quấn đầy những dây, ống. Ba màn hình chằng chịt những biểu đồ, tín hiệu xanh đỏ. Viễn ngồi xế góc giường, mặt mày ủ dột đến nỗi không thèm để ‎ đến sự xuất hiện của y.

Lâu lắm rồi y không gặp ông Nhãn, người mà có một thời từng là bạn vong niên của y. Bạn thân tới mức bất cứ lần nào y đến rủ Viễn đi học hay đi đâu đó, nếu thuận tiện là hai bác cháu lại ngồi nói đủ thứ chuyện. Ngày ấy, ông Nhãn mới nhận sổ thương binh, và những trận địa chốt mà ông từng trấn giữ trên đỉnh biên giới Hà Giang vẫn nóng bỏng tiếng súng. Trong một trận đánh đẫm máu, giành giật quyết liệt đỉnh Lão Sơn, Vị Xuyên, trước sự xâm chiếm của bọn Tàu, thượng úy Ngô Nhãn bị văng từ điềm cao 1509 xuống khe đá, vỡ xương má, gãy chân phải và nát bả vai bên trái, phải đưa gấp về trạm phẫu tiền phương, rồi quân y viện 103. Ba tháng điều trị, bốn tháng an dưỡng, thượng úy Ngô Nhãn ra quân với thương tật ba mươi hai phần trăm, lĩnh phụ cấp một lần và sổ thương binh bậc bốn. Cứ mỗi lần gặp ông Nhãn với cái chân phải cà nhắc kéo trên mảnh vườn và ao cá trước nhà, trong y lại vang lên giai điệu bài hát “Dấu chân tròn” của nhạc sĩ Trần Tiến. Thế hệ của ông và bố y là thế hệ chiến binh, học hành dang dở, đói cơm rách áo, đạn bom ngập trời, vậy mà buông cây súng, lại về với con trâu mảnh ruộng, không một lời kêu ca, oán thán. Với bố y, cả năm hai bố con không ngồi với nhau chuyện trò, tâm sự, nhưng với bố Viễn, y lại có hàng buổi được nghe ông kể chuyện về cái thời ông lạc trong rừng Miên tưởng chết vì đói và khát, về những đêm trinh sát ép mình giữa núi đá tai mèo Vị Xuyên băng giá, có lần suýt bị chết cóng. Những chuyện ấy, có khi Viễn không biết, nhưng y lại thuộc như những bài học cuộc đời…

Bây giờ, vết thương hai cuộc chiến tranh đã liền da, nhưng ông Nhãn lại bị đột quỵ bởi một cuộc chiến khác, cuộc chiến không phải do ông gây ra. Ông là người bị vạ lây.

- Tình hình ông cụ sao rồi? - Y hỏi Viễn, nhưng lại chăm chắm nhìn vào gương mặt bất động của ông Nhãn.

- Chẳng biết sao nữa… - Viễn nói như thở hắt ra.

Đúng lúc ấy điện thoại rung. Điện thoại của anh Chín. Y đưa tay ra hiệu xin lỗi Viễn, rồi vội vàng lách ra ngoài.

- Alo, cậu đang ở đâu?

- Dạ, em ở bệnh viện, chỗ ông bố Viễn.

- Tình hình khó qua nổi phải không? Tội nghiệp... Vì con mà mang vạ… Có việc gấp cho cậu đấy. Cậu về ngay.

Chẳng có việc gấp nào ngoài chuyện bố Ngô Viễn sẽ ra khỏi bệnh viện này như thế nào. Y biết Chín K sẽ nói với y chuyện gì?

H.M.T.