Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Bộ máy quan liêu (3)

Ludwig von Mises

Phạm Nguyên Trường dịch

Dẫn nhập (2)

3. Quan niệm về chế độ quan liêu của những người “tiến bộ”

Những người phê phán chế độ quan liêu thuộc phe “tiến bộ” hướng các cuộc tấn công của họ trước hết nhằm chống lại quá trình quan liêu hóa các công ty lớn. Họ lập luận như sau: “Trong quá khứ, các công ty kinh doanh còn tương đối nhỏ. Các doanh nhân có thể theo dõi tất cả các bộ phận của doanh nghiệp và tự mình đưa ra tất cả các quyết định quan trọng. Anh ta là chủ sở hữu tất cả vốn đầu tư hoặc ít nhất là phần lớn hơn trong số vốn này. Bản thân anh ta rất quan tâm tới thành công của doanh nghiệp. Do đó, anh ta phải cố gắng hết sức mình để làm cho doanh nghiệp càng hiệu quả càng tốt và tránh những khoản lãng phí không cần thiết càng nhiều càng tốt.

“Nhưng, cùng với xu hướng tập trung hóa kinh tế không thể nào tránh được, điều kiện làm việc đã thay đổi hoàn toàn. Hiện nay, các công ty lớn đang giữ thế thượng phong. Đó là chủ sở hữu vắng mặt; các chủ sở hữu hợp pháp, các cổ đông, không có tiếng nói trong quản lí doanh nghiệp. Nhiệm vụ này được giao các nhà quản lí chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp lớn đến mức chức năng và hoạt động của nó phải được giao cho các phòng ban và bộ phận hành chính. Cách tiến hành công việc chắc chắn là sẽ trở thành quan liêu.

“Những người ủng hộ tự do kinh doanh hiện nay là những người lãng mạn tương tự như những người tán dương nghệ thuật và nghề thủ công trong thời Trung cổ. Họ hoàn toàn sai lầm khi gán cho các tập đoàn lớn những phẩm chất xuất sắc vốn là đặc điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không thể có chuyện chia các doanh nghiệp lớn thành các đơn vị nhỏ hơn. Ngược lại, xu hướng tập trung hơn nữa sức mạnh kinh tế sẽ giữ thế thượng phong. Các doanh nghiệp độc quyền to lớn sẽ bị dồn nén vào chế độ quan liêu cứng nhắc. Các nhà quản lý doanh nghiệp sẽ chẳng chịu trách nhiệm trước bất cứ người nào, sẽ trở thành tầng lớp quý tộc cha truyền con nối; các chính phủ sẽ trở thành tay sai của bọn doanh nhân có quyền lực vô giới hạn.

“Chính phủ nhất định phải kiềm chế quyền lực của nhóm quản lí đầu sỏ này. Những lời phàn nàn về quy định của chính phủ là vô căn cứ. Vấn đề là, chỉ có một lựa chọn: Quyền lực của bộ máy quản lý quan liêu vô trách nhiệm hay quyền lực của chính phủ quốc gia?”

Tính chất biện hộ của những lập luận này là rõ ràng. Trả lời những chỉ trích của mọi người về sự bành trướng của nạn quan liêu của chính phủ, những người “tiến bộ” và những người ủng hộ Chính sách Kinh tế Mới nói rằng không chỉ chính phủ mới có nạn quan liêu. Nó là hiện tượng phổ biến trong cả lĩnh vực kinh doanh lẫn chính quyền. Nguyên nhân bao trùm nhất là “quy mô quá to lớn của tổ chức”[1]. Do đó, đấy là cái xấu không thể nào tránh được.

Cuốn sách này sẽ tìm cách chứng minh rằng tất cả các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận, lớn bé không quan trọng, đều không có khả năng trở thành quan liêu nếu bộ máy quản lí của nó không bị những biện pháp can thiệp của chính phủ trói buộc. Phát triển kinh doanh không chứa sẵn trong lòng nó xu hướng quan liêu hóa. Nó là kết quả của những biện pháp can thiệp của chính phủ vào hoạt động của doanh nghiệp. Nó là kết quả của các chính sách được thiết kế nhằm loại bỏ vai trò của động cơ lợi nhuận trong khuôn khổ tổ chức xã hội về mặt kinh tế.

Trong phần dẫn nhập này, chúng tôi chỉ muốn dừng lại ở điểm nói về những lời phàn nàn trước hiện tượng quan liêu hóa đang ngày càng gia tăng trong lĩnh vực kinh doanh mà thôi. Quan liêu hóa, người ta nói, là do “không có lãnh đạo có năng lực và hiệu quả”[2]. Không có “lãnh đạo có tính sáng tạo”.

Trong lĩnh vực chính trị, phàn nàn về thiếu vắng lãnh đạo là thái độ điển hình của tất cả những người dọn đường cho chế độ độc tài. Trong mắt họ, khiếm khuyết chính của chính phủ dân chủ là nó không thể tạo ra các Führers (lãnh tụ, tiếng Đức – ND) và Duces (lãnh tụ, tiếng Italy – ND) vĩ đại.

Trong lĩnh vực kinh doanh, lãnh đạo sáng tạo được thể hiện trong việc điều chỉnh sản xuất và phân phối cho phù hợp với điều kiện cung và cầu đang thay đổi và trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế. Các doanh nhân thực sự là người sản xuất nhiều hàng hóa hơn, tốt hơn và rẻ hơn, là người thúc đẩy tiến bộ, người tặng cho đồng bào của mình những món hàng hóa và dịch vụ mà họ chưa từng biết hoặc không có khả năng mua. Chúng ta có thể gọi người đó là người người lãnh đạo có sáng kiến ​​và hoạt động của người đó đã buộc các đối thủ cạnh tranh của mình hoặc là cạnh tranh với thành tích của anh ta hoặc là ra khỏi thương trường. Sức sáng tạo không mệt mỏi và yêu thích đổi mới của người đó có tác dụng ngăn chặn, không để cho tất cả các đơn vị kinh doanh dính mắc vào những thủ tục quan liêu không hiệu quả. Người đó là hiện thân của sự năng động không ngừng nghỉ và tiến bộ liên tục, là những đặc điểm vốn có của chủ nghĩa tư bản và tự do kinh doanh.

Chắc chắn là cường điệu khi nói rằng nước Mĩ ngày nay đang thiếu những nhà lãnh đạo sáng tạo như thế. Nhiều người anh hùng già nua trong lĩnh vực kinh doanh của Mĩ vẫn còn sống và đang tích cực thực hiện công việc của mình. Đánh giá sức sáng tạo của thế hệ trẻ hơn là công việc khó hơn hẳn. Cần phải có thời gian thì mới đánh giá đúng những thành tích của họ. Thiên tài thực sự rất hiếm khi được những người đương thời với mình thừa nhận.

Xã hội không thể giúp được gì trong việc giáo dục và rèn luyện những người sáng tạo. Không thể huấn luyện được thiên tài sáng tạo. Không có trường dạy sáng tạo. Thiên tài là người thách thức tất cả các trường học và luật lệ, là người không đi theo những con đường mòn xưa cũ và mở ra những con đường mới qua những vùng đất chưa từng có người đặt chân tới. Thiên tài bao giờ cũng là thày, không bao giờ là trò; thiên tài luôn luôn tự đào luyện lấy mình. Thiên tài không cần những người có quyền lực ưu ái. Nhưng mặt khác, chính phủ có thể tạo ra những điều kiện làm tê liệt những nỗ lực của người có tinh thần sáng tạo và ngăn cản, không cho người đó làm những việc có ích cho cộng đồng.

Đây chính là đặc điểm của lĩnh vực kinh doanh hiện nay. Chỉ cần xem xét một ví dụ duy nhất: Thuế thu nhập. Một doanh nhân khéo léo, mới bước chân vào thương trường khởi động một dự án mới. Khởi đầu khá khiêm tốn: Anh ta nghèo, ít vốn và hầu hết là đi vay. Khi mới thành công, anh ta không tiêu xài thêm, mà tái đầu tư phần lợi nhuận thu được.

Công việc kinh doanh phát triển rất nhanh. Anh ta trở thành nhà lãnh đạo trong lĩnh vực của mình. Sự cạnh tranh mang tính đe dọa của anh ta buộc các công ti giàu có lâu đời và các tập đoàn lớn phải điều chỉnh công tác quản lý của mình cho phù hợp với điều kiện do sự cạnh tranh của anh ta gây ra. Họ không thể coi thường anh ta và không thể nuông chiều lề thói quan liêu. Họ phải luôn luôn cảnh giác trước những nhà cải cách nguy hiểm này. Nếu họ không thể tìm được người có thể cạnh tranh với người mới tham gia thương trường trong việc quản lý công việc kinh doanh của mình, thì họ phải kết hợp doanh nghiệp của mình với doanh nghiệp của anh ta và chấp nhận anh ta làm lãnh đạo.

Nhưng hiện nay, thuế thu nhập chiếm hơn 80% lợi nhuận ban đầu của người mới tham gia thương trường. Anh ta không thể tích lũy vốn; anh ta không thể mở rộng hoạt động kinh doanh; doanh nghiệp của anh ta sẽ không bao giờ trở thành doanh nghiệp lớn. Anh ta không thể địch được với những người có thế lực thâm căn cố đế. Các công ti và tập đoàn lâu đời đã có nguồn vốn đáng kể. Thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp ngăn chặn, không cho họ tích lũy thêm vốn, đồng thời ngăn chặn, hoàn toàn không cho người mới tham gia thương trường tích lũy vốn. Anh ta phải chịu số phận mãi mãi là doanh nghiệp nhỏ. Những doanh nghiệp đang tồn tại được che chắn để chống lại những mối hiểm nguy do những người mới tham gia thương trường khéo léo gây ra. Cạnh tranh của những người mới không đe dọa được họ. Họ được hưởng đặc quyền nếu giữ doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thống và quy mô truyền thống[3]. Phát triển hơn nữa tất nhiên là bị ngăn chặn. Thuế khóa bòn rút liên tục lợi nhuận của họ, làm cho họ không thể mở rộng kinh doanh vượt ra khỏi nguồn vốn sẵn có. Xu hướng đình trệ bắt nguồn từ đó.

Trong tất cả các nước, tất cả các luật thuế hiện nay đều được soạn thảo như thể mục đích chính của thuế là cản trở quá trình tích lũy vốn và cải tiến sản xuất mà đồng vốn có thể mang lại. Xu hướng tương tự cũng thể hiện trong chính sách công ở nhiều lĩnh vực khác nhau. “Những người tiến bộ” hoàn toàn không đúng khi họ phàn nàn về việc thiếu vắng lãnh đạo có khả năng sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh. Không phải là thiếu người, mà các thiết chế không tạo điều kiện cho họ thi thố tài năng của mình. Các chính sách hiện nay trói tay trói chân những người đổi mới chẳng khác gì hệ thống phường hội thời Trung cổ.

4. Chế độ quan liêu và chủ nghĩa toàn trị

Như sẽ thấy trong cuốn sách này, bộ máy quan liêu và phương pháp quan liêu đã có từ rất lâu rồi và chúng phải có trong bộ máy hành chính của tất cả các chính phủ có chủ quyền trên một khu vực rộng lớn. Các Pharaoh Ai Cập cổ đại và các hoàng đế Trung Quốc cũng như tất cả các những nhà cầm quyền khác đã xây dựng được một bộ máy quan liêu khổng lồ. Chế độ phong kiến ​​thời Trung cổ là nỗ lực nhằm tổ chức chính quyền trên vùng lãnh thổ rộng lớn mà không cần các quan chức bàn giấy và phương pháp quan liêu. Nhưng đã thất bại hoàn toàn. Nó dẫn đến kết quả là không còn thống nhất về mặt chính trị và vô chính phủ. Khởi thủy, các lãnh chúa phong kiến chỉ là quan chức và chịu sự quản lý của chính quyền trung ương, rồi trở thành các ông hoàng gần như tự chủ, họ liên tục đánh nhau và thách thức cả nhà vua, thách thức tòa án, và luật pháp. Từ thế kỷ XV, kiềm chế thái độ kiêu ngạo của chư hầu là nhiệm vụ chính của nhiều ông vua châu Âu. Nhà nước hiện đại được xây dựng trên tàn tích của chế độ phong kiến. Quyền lực tối thượng của vô số các vương tôn, công tử được thay thế bằng bộ máy quản lý quan liêu.

Tiến xa hơn cả là các ông vua của nước Pháp. Alexis de Tocqueville[4] cho ta thấy các ông vua dòng họ Bourbon đã kiên định tới mức nào trong việc bãi bỏ quyền tự chủ của các chư hầu và của các nhóm đầu sỏ quý tộc đầy sức mạnh. Về vấn đề này, Cách mạng Pháp chỉ hoàn thành điều mà các ông vua chuyên chế đã khởi động mà thôi. Cách mạng đã xóa bỏ sự độc đoán của các ông vua, cách mạng làm cho luật pháp có vai trò tối thượng trong lĩnh vực quản lý hành chính và giới hạn phạm vi những vấn đề mà các quan chức được tự ý giải quyết theo đánh giá của mình. Cách mạng không xóa bỏ bộ máy quản lý quan liêu; nó chỉ làm cho bộ máy này trở thành hợp pháp và hợp hiến mà thôi. Hệ thống quản lý hành chính của Pháp trong thế kỷ XIX là nỗ lực dùng luật pháp để chế ngự, càng nhiều càng tốt, cách hành xử độc đoán của các quan chức. Nó trở thành mô hình cho tất cả các dân tộc yêu chuộng tự do không sử dụng thông luật như các nước Anglo-Saxon đang tìm cách làm cho người ta phải thượng tôn pháp luật trong khi thi hành công việc quản trị quốc gia.

Ít người biết rằng hệ thống hành chính của nước Phổ – rất được tất cả những người ủng hộ chính phủ toàn trí toàn năng ngưỡng mộ – ban đầu chỉ là bắt chước các thiết chế của Pháp mà thôi. “Đại đế” Frederick II nhập khẩu từ Pháp không chỉ phương pháp mà còn nhập khẩu cả người làm những công việc đó[5]. Ông giao việc quản lí thuế trong nước và thuế nhập khẩu cho mấy trăm quan chức Pháp được ông đưa về. Ông bổ nhiệm một người Pháp làm Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và một người khác làm Chủ tịch Viện Hàn lâm. Trong thế kỉ XVIII, người Phổ thậm chí còn có nhiều cơ sở hơn để gọi chế độ quan liêu là phi-Phổ hơn là người Mĩ hiện nay gọi nó là phi-Mĩ.

Nền tảng pháp lý trong quản lý hành chính ở các nước Anglo-Saxon theo thông luật khác hẳn các nước trên lục địa châu Âu. Cả người Anh lẫn người Mĩ đều hoàn toàn tin tưởng rằng hệ thống của họ giúp họ bảo vệ một cách hiệu quả trước những hành động độc đoán của cơ quan quản lí hành chính. Tuy nhiên, kinh nghiệm của những thập kỷ vừa qua đã chứng minh rõ ràng rằng không có biện pháp đề phòng bằng pháp lý nào đủ sức chống lại xu hướng được một ý thức hệ mạnh mẽ ủng hộ. Những tư tưởng về sự can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực kinh doanh và chủ nghĩa xã hội được nhiều người ngưỡng mộ đã xói mòn những con đê hai mươi thế hệ người Anglo-Saxons[6] dựng lên nhằm chống lại dòng thác lũ của quyền lực độc đoán. Nhiều nhà khoa bảng và cử tri được tổ chức thành các nhóm áp lực để đòi quyền lợi cho nông dân và công nhân gọi một cách mỉa mai hệ thống chính quyền Mĩ là “tài phiệt” và khao khát áp dụng các phương pháp của Nga, tức là những phương pháp không dành cho cá nhân bất kỳ sự bảo vệ nào trước những quyết định tùy tiện của chính quyền.

Chế độ toàn trị kinh khủng hơn, chứ không chỉ là bộ máy quan liêu. Chế độ toàn trị là toàn bộ đời sống của từng cá nhân – cả việc làm lẫn nghỉ ngơi – đều phải tuân theo mệnh lệnh của những người có chức có quyền. Đó là quy giản con người thành một cái bánh răng trong một bộ máy cưỡng bức và ép buộc bao trùm lên tất cả. Nó buộc từng cá nhân phải từ bỏ mọi hoạt động không được chính phủ chấp thuận. Nó không khoan dung với bất kỳ biểu hiện bất đồng nào. Đấy là quá trình chuyển đổi xã hội thành đội quân lao động với kỷ luật nghiêm ngặt – như những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nói – hoặc thành trại cải tạo – như những người phản đối nói. Dù sao mặc lòng, đấy là sự thay đổi triệt để lối sống mà trong quá khứ, các dân tộc văn minh đã từng theo đuổi. Đấy không chỉ đơn giản đưa nhân loại trở lại với chủ nghĩa chuyên chế phương Đông, một chế độ, trong đó, theo nhận xét của Hegel: Chỉ một người được tự do, tất cả còn lại đều là nô lệ. Các ông vua châu Á không can thiệp vào công việc hàng ngày của các thần dân của mình. Nông dân, người chăn nuôi gia súc và các nghệ nhân đều được dành cho những lĩnh vực hoạt động mà nhà vua và tùy tùng của anh ta không can thiệp vào. Họ có một số quyền tự chủ trong hoạt động kinh tế và công việc gia đình. Chủ nghĩa xã hội thời hiện đại khác hẳn. Chủ nghĩa xã hội là chế độ toàn trị theo đúng nghĩa của thuật ngữ này. Nó kiểm soát chặt chẽ từng người, từ trong bụng mẹ cho đến khi xuống mồ. Từng giây phút trong cuộc đời, “đồng chí” đều phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của chính quyền trung ương. Nhà nước vừa là người giám hộ vừa là người thuê mướn anh ta. Nhà nước quyết định công việc, chế độ ăn uống và trò giải trí của anh ta. Nhà nước bảo anh ta những điều cần nghĩ và những điều cần tin.

Bộ máy quan liêu là công cụ để thực hiện những kế hoạch như thế. Nhưng dân chúng đã tỏ ra không công bằng khi đổ lỗi của hệ thống lên đầu các quan chức bàn giấy. Đấy không phải là lỗi của những người làm trong các văn phòng và bàn giấy này. Họ cũng là nạn nhân của lối sống như bất kỳ người nào khác mà thôi. Hệ thống tồi chứ không phải những người làm việc cho nó là những kẻ xấu xa. Chính phủ không thể làm việc mà không có bộ máy quan liêu và phương pháp quan liêu. Không thể có hợp tác xã hội nếu không có chính phủ, cho nên bộ máy quan liêu, ở mức độ nào đó, là tuyệt đối cần thiết. Người ta phẫn nộ không phải vì chế độ quan liêu như nó vốn là, mà phẫn nộ vì bộ máy quan liêu thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống và hoạt động của con người. Cuộc đấu tranh chống lại quá trình xâm lấn của bộ máy quan liêu thực chất là cuộc nổi dậy nhằm chống lại chế độ độc tài toàn trị. Coi cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ là cuộc chiến đấu chống lại bộ máy quan liêu là sai.

Tuy nhiên, theo nghĩa nào đó, những lời phê phán phương pháp và thủ tục quan liêu là có thể hiểu được. Vì khiềm khuyết của những phương pháp và thủ tục này là biểu hiện của nhược điểm thuộc về bản chất của tất cả các hệ thống xã hội chủ nghĩa và toàn trị. Trong khi nghiên cứu một cách kỹ lưỡng vấn đề quan liêu, chúng ta nhất định sẽ phát hiện được vì sao những lý thuyết không tưởng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn bất khả thi và chắc chắn – nếu được đưa vào thực tế – sẽ dẫn tới kết quả không chỉ làm mọi người đều nghèo đói, mà hợp tác xã hội cũng không còn – dẫn tới hỗn loạn. Do đó, nghiên cứu bộ máy quan liêu là phương pháp nghiên cứu phù hợp hai hệ thống tổ chức xã hội: Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.

5. Lựa chọn: Quản lý vì lợi nhuận hay quản lý theo lối quan liêu

Muốn biết bộ máy quan liêu thực sự có nghĩa là gì, chúng ta phải bắt đầu bằng việc phân tích hoạt động của động cơ lợi nhuận trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản. Chúng ta không nắm được những đặc điểm cốt lõi của chủ nghĩa tư bản, cũng như không nắm được những tính chất cơ bản của chế độ quan liêu. Những huyền thọai giả mạo, do bộ máy tuyên truyền mị dân phát tán, làm người ta hiểu sai hoàn toàn hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản đã thành công trong việc nâng cao chưa từng thấy phúc lợi vật chất của quảng đại quần chúng. Ở các nước tư bản, dân số hiện nay là cao hơn gấp mấy lần so với ngay trước “Cách mạng công nghiệp”, và tất cả công dân của những nước này đều được hưởng mức sống cao hơn nhiều so với những người giàu có trong những giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, phần lớn dư luận tập trung vào việc chê bai tự do kinh doanh và sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, coi đó là những thiết chế có tính bóc lột, hoàn toàn bất lợi cho phần đông dân chúng và chỉ thúc đẩy quyền lợi giai cấp ích kỷ của một nhóm nhỏ những kẻ bóc lột mà thôi. Các chính trị gia với thành tích chủ yếu là làm giảm sản lượng nông nghiệp và cản trở những cải tiến kĩ thuật, reo rắc nghi ngờ chủ nghĩa tư bản, coi đấy là “nền kinh tế của sự khan hiếm” và luôn miệng nói về sự thừa mứa mà chủ nghĩa xã hội sẽ tạo ra. Những người lãnh đạo công đoàn, với những công đoàn viên có ô tô riêng, rất nhiệt tình trong việc tán dương hoàn cảnh của những người vô sản Nga quần áo rách rưới, chân trần và ca ngợi quyền tự do mà các công nhân Nga được hưởng, trong khi công đoàn lao động ở đấy bị đàn áp và đình công là tội hình sự.

Không cần phải đi sâu vào những chuyện ngụ ngôn. Chúng ta không có ý ca ngợi, cũng không có ý lên án. Chúng ta muốn biết hai hệ thống đang bàn ở đây là gì, muốn biết cách hoạt động và cách chúng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Mặc dù thuật ngữ bộ máy quan liêu được sử dụng một cách khá mơ hồ, dường như mọi người cùng thống nhất là có sự khác biệt giữa hai phương pháp làm việc trái ngược nhau: Cách làm của từng người công dân và cách vận hành của các cơ quan công quyền. Không có người nào phủ nhận rằng các nguyên tắc vận hành của cơ quan cảnh sát khác hẳn với các nguyên tắc được áp dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, xin bắt đầu tìm hiểu các phương pháp được sử dụng trong hai loại thiết chế này và so sánh chúng với nhau.

Chỉ có thể hiểu được ưu điểm và nhược điểm, cách làm việc và hoạt động của bộ máy quan liêu khi so sánh với hoạt động của động cơ tìm kiếm lợi nhuận trong xã hội tư bản thị trường.

[1] Mời đọc: Marshall E. Dimock và Howard K. Hyde, Bureaucracy and Trusteeship in Large Corporations (Bộ máy quan liêu và quyền ủy thác trong các tập đoàn lớn), TNEC Monograph No. I I, p. 36.

[2] Mời đọc: Dimock and Hyde, tác phẩm vừa dẫn, tr. 44, và những bài báo mà họ trích dẫn.

[3] Đây không phải là tiểu luận về hậu quả kinh tế và xã hội của thuế khóa. Vì vậy, không cần phải nói về ảnh hưởng của thuế thừa kế, có thể thấy ảnh hưởng của khoản thuế này ở đây trong nhiều năm qua, trong khi ảnh hưởng vừa nói của thuế thu nhập là một hiện tượng mới.

[4] Alexis de Tocqueville (1805-1859) – nhà sử học, xã hội học và chính trị gia người Pháp, tác giả cuốn Nền dân trị Mỹ, ông cũng để lại các tác phẩm nghiên cứu nổi tiếng về lịch sử nước Pháp thế kỷ XVIII như Lịch sử triết học dưới triều đại Louis X", Nhìn lại triều đại Louis XVI, Trật tự cũ và cách mạng – Chú thích bản tiếng Nga, ND.

[5] Đại đế Frederick II (1712-1786) – Vua Phổ. Ngay từ thời thanh niên ông đã chịu ảnh hưởng nhất định của các nhà triết học tiến bộ Pháp, ông đã tiến hành một số cải cách theo tinh thần chuyên chế khai sang – kể cả trong lĩnh vực bộ máy nhà nước – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[6] Từ Đại hiến chương tự do, 1215, đến khi Mises chấp bút tác phẩm này đã có khoảng 20 thế hệ, mỗi thế kỉ 3 thế hệ – chú thích bản tiếng Nga, ND.

.