Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 49)

Hoàng Hưng

491. Epsilon alcoholism: Bệnh nghiện rượu giai đoạn 5

Đặc trưng là những kì say sưa bí tỉ xen kẽ những kì nhịn uống kéo dài hàng tuần hay hàng tháng. Trong các kì say sưa, người bệnh uống rất nhiều suốt ngày nọ sang ngày kia cho đến khi không uống nổi nữa. Giai đoạn nghiện rượu cuối cùng, sau alpha, beta, gamma, delta alcoholism.

492. Equity theory: Thuyết công bằng

Một lí thuyết về công lí xã hội theo đó người ta tri nhận một tình huống là công bằng khi tỉ số sản phẩm đầu ra trên sản phẩm đầu vào của bản thân ngang bằng với tỉ số ở những người mà họ so sánh với bản thân. Sản phẩm đầu ra là những gì thu nhận được tri nhận từ sự tương tác hay trao đổi xã hội, bao gồm lợi lộc vật chất, vị thế xã hội và các phần thưởng hướng nội; sản phẩm đầu vào là những đóng góp được tri nhận, bao gồm đóng góp vật chất, tính thâm niên, giáo dục, kĩ năng và nỗ lực. Theo lí thuyết này, sự bất công được cảm nhận là khó chịu ngay cả khi đó là một ưu đãi cho cá nhân, và có xu hướng phát sinh hành vi nhắm khôi phục sự công bằng, như thể thay đổi đầu vào hay đầu ra hay bóp méo chúng về mặt nhận thức, rời bỏ lĩnh vực, toan tính bóp méo tri nhận của người khác về đầu vào hay đầu ra, hay thay đổi người vốn thường được đem so sánh. Lí thuyết được phát biểu bởi nhà xã hội học Mĩ George Caspar Homans (1910-89) trong sách The Human Group (Nhóm Người) (1950) và Social Behavior: Its Elementary Forms (Hành vi xã hội: những hình thức sơ đẳng) (1961) và được đưa vào Tâm lý học vào năm 1965 bởi nhà Tâm lý học Mĩ gốc Bỉ John Stacey Adams (1925).

493. Erectile dysfunction: Rối loạn (chức năng) cương dương

Thiếu hay mất năng lực cương dương. Nguyên nhân có thể từ tâm lí hay thể chất, bao gồm các hiệu ứng của lạm dụng thuốc hay ma tuý. Nếu một người đàn ông thông thường cương dương hằng đêm hay có thể cương nhờ thủ dâm, nhưng không thực hiện hoặc duy trì được trạng thái cương trong quá trình giao hợp, thì rối loạn được cho là phần lớn hay hoàn toàn do các tác nhân tâm lí.

494. Eremophilia: Chứng cô độc

Ham muốn cô độc mang tính bệnh lí.

495. Erethism: Chứng quá mẫn

- Nhạy (mẫn) cảm cao bất thường với kích thích giác quan ở một số hay tất cả các bộ phận của cơ thể. Liên kết với một số điều kiện và là triệu chứng quan trọng của ngộ độc thuỷ ngân.

- Nhạy (mẫn) cảm, kích động hay khó chịu cao bất thường với kích thích, như trong emotional erethism (quá mẫn về cảm xúc).

496. Eriksonian psychotherapy: Liệu pháp tâm lí Erikson

Một hình thức liệu pháp tâm lí trong đó nhà trị liệu làm việc với người bệnh để tạo ra, thông qua thôi miên (đặc biệt là những ám thị gián tiếp) và gợi lên những ẩn dụ, những trải nghiệm trong đời thực nhằm kích hoạt các nguồn ẩn chìm bên trong tâm thần người bệnh.

497. Eros: Bản năng sống

[trong Phân tâm học]: Các bản năng sống, thường bao gồm bản năng tính dục và bản năng cái tôi (bản năng tự bảo tồn), nhắm tạo nên và duy trì sự toàn vẹn của mọi sự vật. Sigmund Freud (1856-1939) không hoàn toàn nhất quán về việc sử dụng thuật ngữ này: trong sách Beyond the Pleasure Principle (Vượt quá nguyên lý khoái lạc) (1920), ông sử dụng nó như từ đồng nghĩa với “libido”: “libido của các bản năng tính dục của chúng ta trùng hợp với Eros của các nhà thơ và triết gia”, nhưng trong những văn phẩm khác, ông đưa vào nội hàm của nó sự tự bảo tồn. Trong cuộc thảo luận cuối cùng về vấn đề này trong sách An outline of Psycho-Analysis (Một đề cương phân tích tâm lý) (1938/40), ông định nghĩa libido là năng lượng liên kết với Eros: “tổng năng lượng có được của Eros, từ nay ta sẽ nói đến nó như “libido”, và ông cũng định căn nguyên lí nền tảng của Eros là sự gắn kết: “thiết lập những đơn vị ngày càng lớn và bảo toàn chúng”, trong khi nguyên lí nền tảng của Thanatos là “tháo rời các mối kết nối và như thế là huỷ hoại các sự vật”. [đặt theo tên thần Eros của thần thoại Hi Lạp, thần tình yêu và con gái của Aphrodite, tiếng Hi Lạp eros là tình yêu hay ham muốn tính dục]

498. Erotica-arousal pattern: Mẫu gây hứng tình

Chuỗi hành động hay kích thích sinh ra đáp ứng tính dục. Mẫu này ở các loài là khác nhau. Ở người, có thể bao gồm trang phục, nước thơm, âm nhạc và các động tác tiền giao hợp (foreplay)

499. Erotic asphyxiation: (sự) Ngạt thở khoái lạc

Khoái cảm tính dục liên kết với trạng thái hạn chế thở (tự làm ngạt thở) trong quá trình hoạt động tính dục.

500. Erotic love: Dâm tình

Một kiểu tình yêu nguyên thuỷ, đam mê và nặng về ham muốn tính dục, bắt rễ từ sự hấp dẫn giới tính [đực-cái].