Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

Sài Gòn – Những ngày phong thành (16)

TÌNH NGUYỆN VIÊN CÁC TÔN GIÁO LÊN ĐƯỜNG PHỤC VỤ BỆNH NHÂN COVID-19

Bài & Ảnh: Sơn Nữ SPC – TGP Sài Gòn 22/7/2021

clip_image002

TGPSG – “Đường đi có Chúa, gian nguy ta có lo chi…”

Tập trung

6g sáng ngày 22-7-2021, khuôn viên Hội trường Thành phố số 11, đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3 nhộn nhịp xe ra vào. Nhiều người trên xe bước xuống với va li túi xách gọn gàng: họ là những những tăng ni Phật tử, những tu sĩ Công giáo, những thanh niên nam nữ lên đường tham gia phòng chống dịch Covid 19.

Tại cổng hội trường, tôi gặp bạn trẻ Nguyễn Đức Hòa, người đã tham gia tầm sát khu vực được hơn 50 ngày, hôm nay tham gia vào công tác chống dịch tại bệnh viện dã chiến. Đức Hòa nói với tôi rằng bạn thấy khá buồn khi bệnh nhân ngày càng đông, và ước mong dịch bệnh mau hết.

clip_image004

Bước vào khuôn viên phía trong, tôi gặp nhóm nữ tu trẻ Đaminh Gò Vấp. Khi được hỏi tâm trạng của các chị em ngày lên đường, các nữ tu hân hoan ca vang khúc “đường đi có Chúa, gian nguy ta có lo chi…” như khích lệ nhau hăng hái phục vụ bệnh nhân.

Khi chuyến xe chở các nữ tu Phaolô vừa tới, tôi hỏi các chị em mong điều gì khi tham gia phục vụ bệnh nhân covid? Nữ tu Maria Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Chúng em ở tuyến đầu sẽ mong hoàn thành nhiệm vụ; mong nhận những lời cầu nguyện ở nhà.”

clip_image006

Tôi lên đến sảnh, được gặp một tu sĩ Phật giáo: Thầy Ngộ Trí Đức - Chùa Giác Ngộ. Thầy đến hỗ trợ cho các thầy trẻ lên đường. Thầy cho biết: “Đăng ký 200 vị cho đợt đầu nhưng chỉ có 100 vị được test Covid và được tiêm vacxin. Sau đó, sở Y tế chỉ duyệt 80 vị.”

Các tình nguyện viên đến bàn nhận hành trang: thẻ đeo, khẩu trang và 1 ba lô.

Ngoài trời, cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt, vì thế các tình nguyện viên phải tập trung hết tại sảnh để làm thủ tục. Trong khi chờ làm thủ tục, một thầy ở Chùa Vĩnh Hạnh chia sẻ: “Khi làm việc chung với nhau, các tôn giáo sẽ hòa hợp với nhau để chống được dịch và phục vụ bệnh nhân.”

clip_image008

Vì hội trường giới hạn số người, nên chỉ có 100 người được vào hội trường tham dự lễ “Xuất quân lực lượng tình nguyện các tôn giáo tham gia phòng chống dịch Covid-19”.

Một nữ tu Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương chia sẻ: “Mục tiêu của Dòng năm nay là ‘Cộng Đoàn chứng nhân’, nên đây là cơ hội của mình và mình rất hân hạnh được đóng góp với các tu sĩ Công giáo trong việc phục vụ anh em”. Sơ cho biết: nhà dòng đăng ký rất đông, nhưng vì giới hạn số tuổi, nên chỉ còn 8 nữ tu được nhận, và hôm nay chỉ còn 6 nữ tu vì 2 nữ tu chích ngừa bị sốt nên chưa lên đường được”.

Sư huynh Giuse Ngô Xuân Ngọc cho biết: Đợt này, Dòng đăng ký 3 thành viên, tinh thần rất hăng hái, và cố gắng làm tất cả những gì có thể để giúp các bệnh nhân và đẩy lùi dịch bệnh.

Lễ ra quân

Đúng 7 giờ, nghi thức của buổi lễ ra quân bắt đầu.

Tham dự buổi lễ ra quân có Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy, Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Bà Tô Thị Bích Châu - Ủy Viên Ban Thường vụ Thành Ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, Ông Nguyễn Duy Tân - Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM. Về phía lãnh đạo các Tôn giáo, có sự hiện diện của: Thượng tọa Thích Thiện Quý - Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh văn Phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đặc biệt tham dự buổi lễ xuất quân hôm nay có các đại diện của 299 tình nguyện viên (240 nữ và 59 nam) xuất quân đợt 1.

clip_image010

Trong buổi lễ, Bà Tô Thị Bích Châu đã phát biểu:

“Đại dịch covid 19 đang đe dọa sự an toàn sức khỏe của nhân dân cả nước và hiện nay đang bùng phát sang nhiều địa phương, ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào. Rất nhiều gia đình mất việc làm, hoặc thu nhập hết sức bấp bênh. Thành phố chúng ta những ngày qua đã ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Virus chủng Delta lây lan rất nhanh; nhiều hộ gia đình, khu phố và phường phải cách ly; các bệnh viện điều trị quá tải; lực lượng y bác sĩ tại đây thì mỏng và thiếu. Từ tình hình trên, Thành phố chúng ta phải tập trung toàn bộ tâm trí, nguồn lực, đồng sức đồng lòng, đẩy lùi đại dịch bằng những biện pháp cụ thể.

“Tôi vô cùng cảm động, biết ơn và tin tưởng vào sức mạnh của người dân thành phố, khi hàng chục ngàn cán bộ y tế, cán bộ chiến sĩ ngày đêm đang bám sát các điểm nóng là các bệnh viện, các khu cách ly tập trung. Và còn cảm động hơn nữa vì những suất cơm, những gói quà san sẻ của bạn bè từ các tỉnh thành, của từng người dân, của các cháu thiếu nhi, và của các tổ chức Tôn giáo.

clip_image012

“Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức vị, tu sĩ, đồng bào tín đồ các tôn giáo, tùy theo điều kiện và khả năng của mình, đăng ký tham gia phục vụ tại các bệnh viện, các khu cách ly, hỗ trợ lực lượng y tế cơ sở, đảm trách những phần việc nặng nề, đầy hiểm nguy, nhưng cao cả. Hôm nay, trong lễ xuất quân đợt một đã có 299 vị trong đó 240 nữ và 59 nam. Các vị xứng đáng được nhân dân thành phố trân trọng và đặt niềm tin.

clip_image014

“Trong điều kiện cụ thể, chúng ta hiểu rằng: điều kiện sinh hoạt ở những khu cách ly, những bệnh viện dã chiến mà chúng ta tham gia không giống như ở nhà. Mong các vị hết sức chia sẻ và thông cảm. Chúng tôi tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết yêu thương, với tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp, các vị đã phát huy cao độ sức mạnh vật chất và tinh thần. Hôm nay, sự tình nguyện của các vị sẽ là những động lực và những chất xúc tác mạnh mẽ giúp thành phố chúng ta chiến thắng đại dịch Covid 19.”

clip_image016

Đại đức Thích Trúc Khai - đại diện các tình nguyện viên - phát biểu: “Hôm nay chúng tôi - gồm 15 tăng ni và 65 tín hữu Phật giáo được tuyển chọn và đào tạo về y tế - tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch. Chúng tôi được vinh dự tham dự lễ xuất quân đợt đầu tiên. Chúng tôi đồng lòng cam kết - với sự hướng dẫn của Sở Y tế, Ban Lãnh đạo bệnh viện - sẽ quyết tâm với đầy đủ trách nhiệm, đem tình yêu thương và cả tâm sức mà phục vụ bệnh nhân.”

clip_image018

Tiếp theo, tu sĩ Giuse Lương Thanh Tùng của Dòng Chúa Cứu Thế - đại diện cho các tu sĩ Công giáo tình nguyện trong đợt xuất quân này - phát biểu: “Trong niềm vui được phục vụ những bệnh nhân và những người đau khổ - như thánh Phaolô Tông đồ đã nói: “Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” – và với một chút hồi hộp xen lẫn lo lắng, chúng con cũng muốn nói lên tâm tình biết ơn các y bác sĩ, các tình nguyện viên tuyến đầu. Không ngày nào mà không xem các hình ảnh các anh chị em, các bác sĩ, các tình nguyện viên ở tâm dịch, con rất xúc động, cảm phục và cầu nguyện cho những người như vậy trong kinh nguyện và thánh lễ hằng ngày. Chúng con biết ơn Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng và các cha trong ban Tu sĩ của Tổng Giáo phận, các bề trên, chính quyền thành phố đã tạo cơ hội cho chúng con được hiến thân phục vụ Chúa qua các bệnh nhân bị bệnh dịch covid.”

clip_image020

Sau đó đại diện Ban Tổ chức đã trao danh sách tình nguyện viên đến đại diện các bệnh viện và trao quà đến đại diện các tình nguyện viên.

clip_image022

Lên đường

7g30, các chuyến xe của tập đoàn Phương Trang đã đưa các tình nguyện viên lên đường phục vụ. Mỗi xe chỉ chở 30 người để giữ an toàn phòng dịch Covid-19.

clip_image024

Các tình nguyện viên sẽ được phân chia phục vụ tại 3 bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19:

o Cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (khu vực điều trị nội trú của cơ sở này được tạm chuyển đổi công năng thành trung tâm hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường);

o Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10 (TP.Thủ Đức);

o Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (TP.Thủ Đức).

clip_image026

Những bước chân nhanh nhẹn lên xe, những bàn tay vẫy chào và những ánh mắt đong đầy yêu thương giữa cơn mưa buổi sáng - mưa hồng ân và phúc lành của Chúa.

clip_image028

Các tu sĩ đã lên đường trong ngày lễ kính thánh Maria Mađalena, vượt qua bóng tối của sợ hãi, ra đi và loan báo niềm vui Chúa Phục Sinh cho chính các Bệnh nhân F0.

clip_image030

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ cho biết: Lên đường hôm nay có 182 nữ và 24 nam tu sĩ Công giáo. Tuy nhiên đó chỉ là con số của Ban Tổ chức. Thực ra, trong số 206 tu sĩ đã được tiêm chủng ngừa, một số anh chị em gặp phản ứng thuốc, bị sốt, đau nhức… nên không lên đường trong đợt này được. Một số chưa tiêm vắc-xin nên sẽ đi vào đợt sau. Đó là lý do vì sao có 430 tu sĩ Phật giáo và Công giáo đã đăng ký nhưng chưa đi hết trong đợt này.

clip_image032

Sơn Nữ SPC (TGPSG)

Click xem album ảnh

 

NHẬT KÝ PHONG THÀNH (SỐ 13): ĐÊM NAY, ĐÊM MAI

Tuấn Khanh’s Blog

clip_image033

22/07/2021 ~ TUẤN KHANH

Sáng nay, khu nhà bên cạnh có tiếng xôn xao. Chui đầu ra cửa sổ nhìn xuống, thấy dân chúng chung quanh cũng tò mò y như mình. Một cái bàn được đặt ngay giữa hẻm lớn gần đó, chung quanh có bóng mấy người mặc đồ bảo hộ PPE, đeo khẩu trang kín mít đang dọn dụng cụ. Hóa ra, có đợt xét nghiệm cho toàn khu, vì cách đây mấy ngày, bên phòng dịch phát hiện có người cách vài chục mét bị dương tính với covid-19.

Chợt nghe tiếng sụyt suỵt bên hông nhà, quay lại nhìn, thấy ông cụ trong ngõ gần đó, cũng ló đầu ra từ cửa sổ, trợn mắt hỏi nhỏ “Ai cũng phải xét nghiệm hả chú?”. “Dạ, chắc vậy, vì họ cho tổ trưởng và công an khu vực đến để thúc mọi người ra xét nghiệm mà”. Nhìn mặt ông cụ bần thần. Nhà đó, chỉ có một vài người. Ông cụ ở canh nhà cho con cháu là chính chứ quanh năm, không có thêm ai.

“Chắc bác lớn tuổi, sẽ là nhóm ưu tiên được xét nghiệm đó, bác ra sớm sẽ được về sớm”, tôi nói thêm vì thấy mặt bác có vẻ lo lo. “Không, né được thì né, không xét nghiệm đâu. Ngộ nhỡ mình bị nói dương tính thì đưa đi cách ly, chết cũng không ai lo. Cứ ở yên trong nhà, chết cũng êm”, ông lắc đầu, nói.

Ở Sài Gòn đã có rất nhiều trường hợp như vậy. Nhiều người né không chịu xét nghiệm diện rộng chỉ vì sợ “tai bay vạ gió”, phải đi vào khu cách ly rồi chẳng may chết. Ngay cả tro cốt đi hỏa thiêu giao lại gia đình, cũng không biết có giao nhầm không. Báo chí, và cả người trong khu cách ly kể chuyện, quay video, đưa tin ra, cho thấy mọi thứ đã quá tải. Nhiều người già, ngày thường được gia đình chăm sóc cẩn thận, khi vào cách ly thiếu thốn điều kiện, lặng lẽ đi lúc nào không hay. Có video gửi ra từ một nơi nào đó, thấy có một người mất, phía nhân viên trực cách ly lật thi thể qua lại, quấn lại bằng băng nhựa bọc thức ăn. Một cái chết lặng lẽ và lạnh lẽo.

Không biết ông cụ có ra xét nghiệm không, nhưng ngay cả nhóm nhân viên y tế cũng làm nhanh và ra đi. Tội nghiệp, họ cũng mệt mỏi lắm rồi. Không gian yên lặng của một khu xóm, và của cả một thành phố lại quay về.

Buổi tối, chợt điện thoại reo lên. Đầu dây là anh T., ở Đà Lạt. Chỗ thành phố núi đồi đó cũng bị vào giãn cách rất căng thẳng. Sài Gòn hay Đà Lạt, hay nhiều nơi nữa ở miền Nam đang vào đợt phong tỏa mới. Gặp nhau chỉ qua điện thoại, bày tỏ tình cảm chỉ bằng tín hiệu kỹ thuật số.

Anh T. gọi, giọng như hơi say rồi. Anh nói năm nay sinh nhật của anh buồn quá, chỉ có thể ngồi nhà uống rượu với con gái thôi. Anh nói thèm được cầm đàn hát cho tôi nghe. Tự nhiên cảm động lạ. Anh T. là một giọng ca quen thuộc ở Đà Lạt. Anh hát tuyệt hay những bài của Phạm Duy, những bài mà lâu lắm không ai hát, không ai nhớ. Nghe anh hát tự nhiên mà cứ ước phải chi quá khứ là cái chăn lớn, cứ chui vào đó để không cần bước về tương lai nữa. Anh lại hay hát cho tôi nghe khi được yêu cầu.

“Nếu không có gì, sau dịch tụi mình gặp nhau, làm một bữa nha”, anh T. nói.

Có rất nhiều người Việt Nam, người Sài Gòn… hẹn nhau như vậy về một cuộc gặp trong hy vọng, khi khốn đốn đi qua. “Nếu không có gì…”, là cách nói thật thà về ngày mai, nếu ai đó không lỡ hẹn, rời bỏ thế giới này vì con virus quái quỷ của thế kỷ 21. Ở đời thường, hẹn nhau như vậy, cũng không khác nào một người đi vào chiến tranh, và hẹn quay lại với hy vọng mỏng manh. Dù không quá bi quan, nhưng rõ ràng, hàm ý của nó là vậy. Sống chết vô thường.

Đâu phải là chuyện chơi. Sài Gòn đêm nay đi qua, chưa biết đêm mai ra sao. Thật vậy!

Hồi tháng trước, nghe con của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nhắn về, nói ông qua đời trong bệnh viện ở Mỹ. Tự nhiên thấy mắt cay cay. Ông già lù khù, tối ngày chỉ lo viết sách và nói chuyện thi ca, đã đi rồi. Trước khi dịch bùng phát, ông còn dặn là khi nào quay lại Cali nhớ gọi ông, vì ông thèm được nói chuyện Việt Nam, thèm được ngồi café dưới tán hoa giấy và khoe những gì mình đang làm. Đại dịch kéo dài hai năm. Giờ thì không kịp nữa. Nếu có quay lại quán café cũ, chắc sẽ gọi một ly café, để riêng và nhớ ông.

Người ta thường có cảm giác sửng sốt về những mối quan hệ quen thuộc qua đời. Còn phần nhiều chứng kiến chuyện của người khác, chỉ là cảm giác xót thương. Nhưng ngay cả cảm giác xót thương cứ bị chà xát và lặp lại liên tục vào lúc này, cũng lạnh dần. Trong một video quay cảnh một người phụ nữ qua đời trong trại cách ly, tiếng một người con gái – có thể là con bà – khóc dấm dứt lúc to lúc nhỏ quanh hình ảnh đó, trở thành một sự ám ảnh, đi sâu vào trong giấc ngủ.

Ở Quận 7, tại khu chung cư Bellaza, một người Hàn Quốc có vợ Việt Nam bị đưa đi trại cách ly. Ông xin đi theo để chăm sóc cho vợ mình nhưng không được. Đoạn video quay cảnh ông khóc và gào thét liên hồi như một con thú bị thương nghe xé lòng. Trong bóng đêm, tiếng khóc gào của ông cứ vang động cả một vùng, não nề. Chỉ nghe thôi, chứ cũng không thể làm gì. Chỉ nghe thôi đêm nay, và chợt nghĩ đến mình, đêm mai.

Trong những ngày phong tỏa Sài Gòn đợt hai, lại nghe nhà văn, dịch giả Khổng Đức qua đời. Ông già xứ Quảng đó không cho cơ hội để hỏi đôi câu về đời, về sách nữa. Ngày thường ông không xài điện thoại. Mọi thứ chỉ qua email. Giờ thì cái email đó còn tên, mà cũng vô chủ rồi.

Gần nhất, lại nghe nhà thơ, họa sĩ Lê Thánh Thư mất vì covid. Nhà ông quận Tân Bình, khu vực cũng đang chi chít các dây cách ly và barie. Nhà thơ Lý Đợi hỏi thăm rồi cho biết: khi ông vừa mất, cơ quan y tế đến làm giấy ghi nhận, gói mang đi thiêu ngay. Bạn bè không ai nhìn được lần cuối, và sự ra đi cũng vội vã, không giống gì, như của một người Việt Nam hàng trăm năm nay vẫn có.

Những đêm chờ sáng của thời phong tỏa tại đô thị thật nặng nề. Vì đêm nay hay đêm mai… mọi thứ cũng như nhau, thành phố uể oải gượng hơi thở. Chỉ có những con số của cơ quan y tế gửi đến, những con số nhảy múa về những con người bị lây nhiễm mới, hay được gói mang đi để thiêu, như một món hàng không được loài người thừa nhận.

clip_image035

Có câu chuyện người mẹ và 3 đứa con, sống làm việc ở Sài Gòn, nhưng khi đợt phong tỏa kéo dài, kiệt quệ vì không thể cầm cự nổi nên quyết định cùng nhau đạp xe về quê nhà ở Nghi Lộc, Nghệ An. Điểm xuất phát của họ bắt đầu từ Trảng Bom, Đồng Nai, tính ra họ sẽ phải đạp xe đến 1380 km để có thể về đến quê.

Nghe kể họ đi miệt mài, mất 11 ngày để đi từ Trảng Bom đến Ninh Thuận (280km). Nếu với tốc độ đó, họ mất cả tháng hơn, mới về được nhà. Nghe vừa cảm động, vừa rợn người. Ở mọi nơi họ đến, người ta đón, khuyên ở lại chờ dịch bớt rồi đi tiếp, nhưng cả nhà vẫn chọn đi về – một ngày còn vất vưởng đâu đó, nghèo khó và cái chết vì dịch bệnh vẫn còn đuổi theo họ.

Nghe đâu có một nhà báo ở Sài Gòn thấy thương quá, đã tặng tiền vé tàu hỏa cho 4 người, để họ không gặp bất trắc dọc đường. Thật đúng là qua đêm thâu, trời lại sáng.

Trong tất cả những người được liệt kê chết vì covid ở Việt Nam, đã có những người rất trẻ, chỉ mới 26 tuổi. Và cũng có những người đã 70 hay 80 tuổi. Cái chết đến vô chừng, nhất là khi chết trong lúc này được chia ra làm nhiều kiểu: chết vì covid, hay chết vì bệnh nền khi vừa nhiễm covid. Nhưng ở Việt Nam, ai mà không có bệnh nền? Người thì tiểu đường, người thì huyết áp cao, người thì tim mạch… và chết vì bệnh nền, cũng có thể gọi là chết vô danh, không có tên trong hồ sơ đại dịch vào lúc này.

Tôi thấy mình thay đổi cách ứng xử lúc nào không hay. Chẳng hạn như nhắn trả lời anh T. hay bất cứ ai liên lạc với mình bằng một giọng điệu nhẹ nhàng và rất cân nhắc cảm giác với người đối diện. Như mọi người dân đang sống ở Sài Gòn, tôi chợt nhận ra mọi thứ diễn ra quanh mình thật bấp bênh, bất cứ lúc nào cũng có thể là cuối cùng. Nhưng cũng như hàng triệu con người Việt Nam đã sống và cam chịu những điều bất khả, tôi cũng nuôi một niềm hy vọng từ bóng tối. Khi tôi viết, lúc này chắc cũng có nhiều con người, từ các khung cửa sổ ở Sài Gòn đang nhìn nhau, và chắc họ sẽ thấy yêu thương nhau hơn, yêu thương một Sài Gòn hơn, khi đã biết cuộc sống là những đêm chờ sáng.

 

BÉ GÁI 8 TUỔI KHÓC NẤC, VAN XIN BÁC SĨ “CHO MẸ CHÁU THỞ OXY VỚI”, NHƯNG ĐÃ KHÔNG KỊP NỮA RỒI

Thanh Thanh - Doanh nghiệp và Tiếp thị, 21/7/2021

Câu chuyện về một bé gái cầu xin các bác sĩ cứu người mẹ đang trong cơn hấp hối được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội khiến nhiều người vô cùng xúc động.

Câu chuyện được bác sĩ Nguyễn Đăng Duy Hoàn, là bác sĩ tình nguyện tham gia chống dịch tại TP.HCM chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. Sự việc xảy ra vào sáng ngày 21/7, tại phường 5, Quận 8, TP.HCM.

Theo chia sẻ của bác sĩ Hoàn, bé gái trong câu chuyện là Nguyễn Châu Kim N., 8 tuổi. Bé đã trực tiếp gọi tới đội tình nguyện của anh để cầu xin các bác sĩ cứu người mẹ đang trong cơn hấp hối.

"Buổi sáng như mọi ngày, tôi lại được phân công sang phường 5, Quận 8, TP. HCM để hỗ trợ đi lấy mẫu và phong tỏa các khu có F0. Nhưng sáng nay tôi gặp một cuộc gọi đến, vừa cầm máy tôi đã nghe thấy tiếng khóc nấc của một bé gái và kèm theo lời cầu cứu: 'Bác ơi cứu mẹ cháu, cứu mẹ cháu với ạ...'

Tôi bần thần một lúc rồi báo cho các anh chị ở phường. Đến nơi thì mẹ cháu đã không còn thở nữa rồi".

clip_image037Bé N. đã được đưa đi cách ly tập trung

"Tôi hỏi: 'Cháu năm nay bao nhiêu tuổi? Cháu có mệt không? Có cần ăn gì không?'

Cháu trả lời với tiếng nấc: 'Cháu năm nay 8 tuổi, không có anh chị em. Bây giờ cháu chỉ cần mẹ. Chú cho mẹ cháu thở oxy đi. Cháu chưa ở xa mẹ ngày nào. Cô chú chăm sóc mẹ cháu với, hãy giúp mẹ cháu đi ạ'.

Nghe đến vậy tôi, cùng các anh chị ở phường và các bạn sinh viên Hà Nội cũng không biết nói gì mọi người chỉ rưng rưng nước mắt. Tôi cũng không dám hỏi thêm gì vì sợ cháu sẽ khóc.

clip_image039Bé N. được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính

Và may mắn làm sao khi kết quả của cháu là "Âm tính". Chúng tôi gửi cháu ít sữa, thức ăn, rồi đưa cháu sang khu cách ly tập trung. Đến nơi, chuẩn bị chia tay cháu. Tôi lại nghẹn vì không dám nói với cháu là mẹ cháu đã qua đời", bác sĩ Hoàn viết trên trang cá nhân.

Cũng theo bác sĩ Hoàn, hiện tại bé N. đang ở trong khu cách ly. Khi nhắc đến mẹ thì cháu bé sẽ khóc. Bố cháu bé cũng đang là bệnh nhân Covid-19 điều trị ở Thủ Đức. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân người mẹ của bé N. qua đời.

 

ĐÊM DIỄN ĐẶC BIỆT *

FB MC Quynh Hoa

Lần đầu tiên có một đêm diễn không ánh sáng rực rỡ, không âm thanh hoành tráng, không áo quần lộng lẫy… một buổi diễn 60 phút đầy cảm xúc với khán giả là hàng trăm nhân viên y tế và hơn 10.000… bệnh nhân F0.

Lúc đầu mình chỉ dự kiến sẽ tiếp tục vận chuyển thiết bị y tế tiếp sức cho BV Dã chiến và cắt tóc cho các y bác sĩ, kèm theo phục vụ văn nghệ mini với chiếc loa kẹo kéo như bữa giờ vẫn đi… nhưng bất ngờ nhận được lời yêu cầu từ BGD Bệnh viện dã chiến số 6 và số 7, mong muốn nhóm mình hãy mang tiếng hát đến phục vụ nhân viên y tế và hàng ngàn bệnh nhân F0, họ đa số là bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, đang rất cần được khích lệ tinh thần, cần sự lạc quan để vượt qua dịch bệnh…

Thế là với sự giúp sức của YouthLife Multimedia Nguyen Anh Vu với 1 chiếc xe tải nhỏ có thể cơ động mang theo loa, ánh sáng gọn nhẹ và bàn mixer ngay trên xe tải… nhóm mình lên đường đi “chinh chiến”… Thời gian được các bệnh viện “đặt hàng” lần này là buổi tối, là lúc các y bác sĩ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Trong khi Team cắt tóc chia thành 2 nhóm đi cắt tóc cho các y bác sĩ của 2 bệnh viện dã chiến số 6 và số 7 thì nhóm ca sĩ đứng dưới công viên trung tâm, bao xung quanh là hàng loạt các Block nhà của 3 bệnh viện dã chiến thu dung số 6,7,8 nơi bệnh nhân đang điều trị! Mọi người đứng trên các ban công theo dõi chương trình và hò reo theo từng bài hát! Các y bác sĩ và lực lượng y tế thì đứng dưới sân đung đưa cánh tay theo từng nhịp nhạc… dường như bao căng thẳng, mệt mỏi, âu lo thoáng chốc tan biến!

Mong một lần nữa, việc mang tiếng hát đến bệnh viện sẽ là món quà tinh thần giúp nhau vượt qua giai đoạn căng thẳng này

P/s. Cảm ơn Photo Nguyễn Á, người trực chiến mấy hôm nay ở các bệnh viện đã chụp hình và gửi tặng , cảm ơn anh Trinh Ha và Team vận chuyển tình nguyện đã hỗ trợ tụi em ạ.

#nhà_văn_hoá_thanh_niên_TPHCM

#Tiếp_sức_Bệnh_viện

#Tình_nguyện_viên_Thành_Đoàn

#Team_Tình_nguyện_viên_nghệ_sĩ_NVHTN

#LoveSaiGon #LoveHCMC #ThanhPhoYeuThuong #ChienThangDaiDich

* Tiêu đề do Văn Việt đặt

clip_image045

Bạn Bông mở màn chương trình

clip_image047

Đạo diễn Trần Thành Trung - Gd Gala Nhạc Việt nè

clip_image049

Có ai nhận ra ca sỹ Quốc Đại không nhỉ? Hehe

clip_image051

clip_image053

clip_image055

clip_image057

Ca sĩ Ái Phương cũng lần đầu tham gia cùng Team mình

clip_image059

Hoa hậu H Hen Niê vẫy chào khán giả

clip_image061

Team cắt tóc làm việc chăm chỉ

clip_image063

Đạo diễn Trần Minh Tuấn cắt tóc rất siêu

clip_image065

MC Lý Ngô nè, đi tông-đơ là nghề của nàng

clip_image067

Ca sỹ Phương Thành cũng tranh thủ cạo được 4 đầu

clip_image069

Các Y bác sĩ hôm qua hào hứng lắm nè

BÀI HÁT “SÀI GÒN ƠI”

FB Thuy Le

Tất cả những điều tôi muốn gửi gắm tình cảm của tôi cho một Sài Gòn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức đều được tôi thể hiện trong bài SÀI GÒN ƠI do tôi sáng tác bằng cả sự yêu thương, trân trọng của mình.

Mong các anh chị và các bạn đồng cảm và chia sẻ.

Xin cảm ơn thày Nguyen Manh Hung đã đệm ghi ta và hoà bè cho bài hát.

VIDEO à https://www.facebook.com/100007906007739/videos/240597194342237/

SÀI GÒN NHÌN LÂU CÀNG ĐẸP

FB Chanh Tam

Sài Gòn dù trong cơ cực nghiệt ngã vẫn cứ rộn ràng hơi ấm tình người.

Thấy ông thầy thuốc dáng vẻ phờ phạc mà mắt vẫn tinh nghịch: dịch bệnh mà, hễ thầy thuốc khoẻ thì xã hội mệt, thành ra tụi tui chịu mệt.

Thấy quán cơm thiện nguyện lo lắng bữa cơm nóng có đủ ngon, có đủ dưỡng chất mang tới các nhà thương.

Thấy vợ chồng bán cháo gà ở Gò Vấp xin từng phần đồ ăn, từng bịt mì, bịt gạo chạy cả 20km qua Thủ Đức tới một phường bị phong toả để nhờ một người bạn ất ơ tăng bo cung cấp cho người trong hẽm sâu.

Thấy những dì phước, tu sĩ, tăng ni tất tả chăm sóc người bệnh.

Thấy những diễn viên trẻ nửa đêm đi xe máy mặc đồ phòng dịch cẩn thận, nem nép để cạnh người vô gia cư đang ngủ từng gói quà nhỏ là bịt mì, đồ hộp, bịt nước rửa tay, chai dầu gió.

Sài Gòn vậy đó, càng nhìn lâu càng thấy đẹp!

Đẹp nên hỏng có thấy cháu ông ngoại, bà nội lãng vãng.

"ƠN NGẠI" *

FB Nguyễn Thành Trung

Mấy hôm vô Lộc Tân, Bảo Lâm làm nhà cho K' Brôn tôi đã nghe Cha Pet. K'Cheoh (Linh mục phụ trách gx B'sumrăc ở đây) nói bà con đang gom tặng những nông sản mình có, để gửi về Saigon biếu những người khó khăn trong cơn dịch này. Tôi đã thấy từng nhóm, cá nhân gùi bí, bầu, từng bó rau măng... hướng về nhà cộng đồng Caritas.

Ở đây đã đón nhận những cơn mưa, nhưng cũng không làm cản trở tấm lòng bà con nơi này. Chẳng ai nhăn nhó, than vãn cực nhọc. Hình ảnh những em bé hái bầu, hái bí, đôi mắt xoe tròn vô tư thấy mà thương... trên những khuôn mặt chân chất, hiền hòa ấy... thể hiện tình yêu thương, sẻ chia.

Cũng xin nhắc thêm, căn nhà tôi đang làm cho K'Brôn ở đây cũng được nhiều bà con trong buôn đến giúp công và không ít người còn góp tiền. Không nhiều nhưng cả một tấm lòng rộng lớn, người hai chục, năm chục gửi qua Cha Pet. K'Cheoh để cùng với Quý Ân Nhân làm nhà cho K' Brôn.

Những đồng bào Cau Mạ tuyệt vời! B'Sumrăc dễ thương! Lộc Tân đầy lòng nhân ái!

Tôi học được hai tiếng của bà con: "Ơn ngại" có nghĩa là Cảm ơn!

(Hình ảnh trong Stt này của cháu Têrêsa Riệp)

clip_image073

clip_image075

clip_image077

clip_image079

clip_image081

[Văn Việt: Xem thêm hình ảnh tại: https://www.facebook.com/trungblao/posts/10220125983248221]

NGƯỜI ĐẸP

FB Nguyễn Thị Bích Hậu

clip_image083

Cô gái còn rất trẻ, chỉ 26 tuổi. Hình của cô trên trang cá nhân cho thấy cô rất xinh xắn. Cô có vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh tao của người con gái độ xuân thì.

Cô hỏng phải người SG, mà là dân gốc miền Trung. Học xong lớp trung cấp y tá, cô ở lại SG làm việc tại 1 bệnh viện lớn, rồi chuyển qua phòng mạch tư.

Dịch ào tới, phòng mạch đóng cửa, gia đình của cô kêu cô trở về lánh dịch. Nhưng cô nấn ná không về. Là một Phật tử thuần thành, cổ dấn thân vào hiểm nguy không từ nan khi đăng ký làm việc tại bệnh viện chống covid.

Không phải cô không sợ hãi, không phải cô không lo cho gia đình mà thân nhân đều là những người già... Nhưng cô muốn làm một chút gì đó cho SG yêu thương khi SG đang bệnh. Và cổ đành tạm chưa nói với gia đình những gì mình đang làm.

Một em gái thân thương là bạn của mình ở Phú Nhuận, ngày ngày nhận lời kêu cứu của bà con trong các vùng phong tỏa cứng. Mà cổ quyên tiền, mua đồ, lái xe chở hàng tới tận nơi và tìm cách phân phát cho các khu hẻm hóc sâu nhứt. Những nơi sâu hút đó mới là các xóm trọ, xóm dân nghèo, họ đang thiếu đói. Những nơi sâu hút đó có vài ba lớp rào phong tỏa, tùy phường. Nhưng cổ sẽ gởi hàng vô tận tay bà con.

Một chàng du sinh từ Anh về, quê Hải Phòng nhưng gắn bó với SG, nay đi phát bánh mì 0 đồng đặc biệt iu thương cho dân nghèo. Một chàng kỹ sư gốc quận 4, dù đã qua Mỹ sống nhưng vẫn lo quyên tiền về mua lương thực thực phẩm thiết yếu gởi cho bà con miệt Hóc Môn, Bình Tân, nơi các vùng dịch nặng nề nhứt. Nhiều bạn trẻ đang ngày đêm đi nấu cơm, phát cơm, hỗ trợ chuyển bịnh nhân nghèo miễn phí, chạy vạy cả ngày bất chấp những nguy hiểm mùa dịch.

Cũng như 430 tu sĩ Thiên chúa Giáo và hơn 600 tăng ni Phật tử đã đồng lòng vào các cơ sở y tế chăm sóc bịnh nhân. Họ lo từ miếng cơm, từ nhu cầu của bịnh nhân mùa dịch cho tới hỗ trợ y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu. Họ cũng sẽ là những người có thể chia sẻ để giảm gánh nặng đau đớn dằn vặt cho những ai bệnh nặng, hay đuối sức trong mùa dịch này.

Ngoài ra còn có biết bao nhiêu người dân đang làm việc thiện, đang dấn thân, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người khác. Họ chỉ là những người yêu SG tự trong sâu thẳm hồn mình, và tự nhiên làm mọi thứ, không vì ai, không vì cái gì, cũng không hô khẩu hiệu.

SG của chúng ta khi nào cũng đầy ắp năng lượng thiện tâm, với tình người ấm áp. Chính những người dân SG này dù quê gốc ở mọi phương khác nhau đã giúp nhiều người đau khổ mùa dịch giảm đi nỗi sợ hãi và đau buồn.

Những người thật đẹp, vào thời khắc lịch sử của thành SG như hiện nay.

Xin được tri ân và cầu nguyện cho họ cùng gia đình vạn sự bình yên và khỏe mạnh.