Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

Trả lời bạn Nguyễn Văn Tuệ

Vũ Thư Hiên

Tuệ Nguyễn Văn: "Có một câu hỏi vẫn luôn ám ảnh trong đầu cháu, rất mong bác Vũ Thư Hiên có thể trả lời giúp cháu đó là: "Sau tất cả những điều kinh khủng mà bác phải qua trong suốt 9 năm trời như vậy, mà sao bác không có chút hận thù, căm ghét gì với những kẻ đã hành hạ bác trong suốt những ngày tháng tù đày dã man đến vậy ạ? Đọc Đêm giữa ban ngày cháu có cảm tưởng như bác đang nói về chuyện của ai đó chứ không phải của mình vậy. Rất mong bác có thể trả lời giúp cháu ạ".

Gửi bạn Nguyễn Văn Tuệ, và các bạn: Chau Nhi, Kiều Mỵ, Phan Thuý Hà, Hong Ngoc Trinh, Vương Quốc Toàn, Tran Thang, Hoài Thu Nguyễn...

Nhân bạn Nguyễn Văn Tuệ nêu câu hỏi, lần này tôi sẽ kể dài dòng một chút để bạn và các bạn khác cũng từng đặt câu hỏi tương tự biết thêm về chuyện cuốn Đêm giữa ban ngày đã hình thành như thế nào. Trong câu chuyện kể này, biết đâu đấy, các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi trên.

1

Năm 1994, tôi ở Moskva (Liên Xô cũ).

Việc khởi đầu cuốn Đêm giữa ban ngày liên quan tới một hiện tượng mà tôi không thể giải thích.

Một buổi sáng, vừa mắt nhắm mắt mở bước vào phòng tắm, tôi đứng sững – trước mặt tôi, trong tấm gương lớn tôi thấy không phải tôi mà cha tôi. Ông bất động, nhìn tôi bằng cặp mắt nghiêm khắc, có phần giận dữ. Hình ảnh ấy chỉ xuất hiện trong một thoáng, rất nhanh, rồi tôi lại nhìn thấy tôi trong gương như bình thường. Cảnh tượng cha tôi thoáng hiện ấy đưa tôi về một thời gian đã xa.

- Bố thấy trong người yếu lắm rồi – cha tôi thở dài – Chà, nếu bố còn khỏe! Có nhiều điều bố thấy cần phải viết ra cho đồng bào biết. Nhưng không còn sức nữa. Bố kỳ vọng ở con. Con phải viết. Đó là trách nhiệm, con ạ, là trách nhiệm.

Ông gắng gượng ngồi dậy, đặt tay lên vai tôi, nhìn vào mắt tôi:

- Không phải vì mục đích vạch tội ai mà con làm việc này, không phải vì mục đích ấy. Mục đích lớn hơn: qua vụ án này con phải để nói lên điều khác, điều rất quan trọng đối với dân tộc ta. Nhân dân ta cần phải hiểu để tránh xa vết xe đổ. Nước mà không có dân chủ, không có luật pháp, hoặc luật pháp chỉ là xảo ngôn, là mảnh đất màu mỡ cho thể chế độc tài, cho sự lộng hành tùy tiện của những tên độc tài...

Tôi hiểu tâm trạng cha tôi.

Ông khoan thứ cho kẻ thù.

Nhưng ông không ngơi lo lắng cho đất nước trước viễn cảnh xám xịt của nền chuyên chế.

Tôi quyết định bỏ mọi việc để thực hiện lời cha tôi dặn trước khi qua đời.

Ngay hôm ấy tôi đến công ty, nói lời từ biệt.

Mọi người bàng hoàng vì sự bỏ đi đột ngột của tôi. Trong công ty thuần Nga tôi là người Việt duy nhất, nhưng lại là bộ óc điều khiển hoạt động của nó. Cả chục năm ở Sài Gòn để kiếm sống tôi đã học được ít nhiều cách điều hành một xí nghiệp tư nhân, trong khi đó thì những người bạn Nga vừa thoát ra khỏi nền kinh tế kế hoạch hoá lại rất bỡ ngỡ. Chẳng cứ dân thường, ngay chính quyền mới cũng rất vụng về trong việc chuyển sang kinh tế thị trường. Một thí dụ: công ty chúng tôi gửi ngân hàng tiền dollar Mỹ và Deutch Mark thì lập tức được ngân hàng tính thành rúp, coi như gửi rúp chứ không phải ngoại tệ. Ít lâu sau chúng tôi đến lấy ra thì tỷ suất hối đoái đã khác do lạm phát phi mã. Số tiền tính bằng rúp tăng lên chóng mặt, khoản chênh lệch giữa hai thời điểm bị ngân hàng coi như lãi và công ty phải nộp thuế cho số tiền mà người ta gọi là “lãi bất ngờ”. Kỳ quặc thế đấy, vừa buồn cười vừa xót ruột, nhưng là sự thật. Những chuyện tương tự thời chuyển đổi chế độ ở Liên Xô kể không hết.

2

Những trang đầu tiên của Đêm giữa ban ngày được bắt đầu như thế nào?.

Cái sườn đầu tiên cho cuốn sách chỉ là mấy trang phác thảo nằm lại ở Sài Gòn, được cất giấu ở nhà bè bạn. Tôi không cần đến chúng nữa vì đã thuộc nằm lòng. Tôi gặp may – vào thời gian đó tôi có nhu liệu Vietbit viết tiếng Việt rất tiện lợi của tác giả Bùi Quang Minh hồi ấy cũng ở Moskva. Cái Amstrad cổ lỗ không có ổ cứng, cứ viết thẳng vào đĩa mềm, không có cách trình bày như mình muốn. Tôi mổ cò từng chữ, ngày nối ngày, miễn sao nói được điều cần nói.

Như tôi viết trong phần Tự Bạch “Văn học không có chỗ nơi đây”, tôi tránh hết sức thói quen viết văn để cuốn sách chỉ chứa đụng những gì cần phải nói. Chậm chạp, từng dòng một, ngày lại ngày kỳ cạch nối tiếp, những trang bản thảo theo nhau làm đầy dần từng đĩa. Những cái đĩa mềm ngày ấy đúng như tên gọi – chúng mềm thật và to thật, đựng trong những bao giấy có thể chứa cả kí lô usb ngày nay.

Tai họa đến bất ngờ.

Nghĩ mình giờ đã ở Moskva, một nơi an toàn cách xa Việt Nam nhiều ngàn cây số, tôi hoàn toàn yên tâm, không chút cảnh giác. Một người nào đó trong số khách đến thăm tôi tình cờ đọc được vài dòng trên màn hình Amstrad đã biết tôi đang viết gì.

Tin bay về Hà Nội. Một toán đặc nhiệm được cử sang. Lợi dụng một hôm tôi về nhà một mình, những tên đột nhập tấn công tôi ngay khi tôi vừa bước vào thang máy. Một tên trẻ măng theo chân tôi xông vào lấy tay bịt miệng tôi, đâm tôi một nhát, rồi khi thang máy lên đến tầng, những tên khác chờ sẵn xô tới, nhanh nhẹn lục túi tôi lấy chìa khoá, đưa tôi vào phòng. Ở đó chúng không nói một lời vật tôi xuống sàn, trói nghiến, bịt mắt bịt miệng tôi bằng băng dính. Sau đó, không vội vã chúng lục lọi cả giờ mọi xó xỉnh, lấy đi tất cả những gì tôi có – tiền nong, vật dụng, không từ thứ gì, kể cả quần áo. Nằm trên sàn, tôi bất lực, chú ý nghe từng câu cụt lủn chúng trao đổi với nhau, tôi hiểu – mục đích của cuộc đột nhập được tạo ra theo cách của kẻ cướp là lấy bản thảo cuốn sách

Tin nội bộ từ Hà Nội cho tôi biết không đầy nửa tháng sau vụ đột nhập, việc tôi viết Đêm giữa ban ngày đã được thông báo ngắn gọn với những trích dẫn trong một cuộc họp trung ương đảng (cộng sản). Điều này cho tôi thêm chứng cớ để khẳng định kẻ nào là tác giả vụ tấn công. Tôi cũng hiểu thêm vì sao những tên đột nhập chỉ đâm tôi một nhát cảnh cáo vào đùi chứ không định đâm chết. Có thể hiểu được: chúng chỉ làm đến thế do có chỉ đạo. Ở Moskva tôi có quan hệ rộng với nhiều nhà văn nhà báo Liên Xô, kể cả với giới quan chức, tất yếu sẽ gây ra một sự ồn ào không cần thiết và không có lợi nếu bị phanh phui. Vết đâm vào phần mềm không nặng, máu chảy ra nhiều làm ướt sũng quần và lõng bõng trong giày. Điện thoại bị chúng lấy mất, tôi phải nhờ điện thoại của hàng xóm gọi cho bạn bè và họ lập tức phóng tới để đưa tôi đi bệnh viện.

Mấy hôm sau, một trong những tên đột nhập gọi điện cho tôi vào nửa đêm, thì thào bằng giọng hấp tấp: “Hay, chú ạ, cháu đọc rồi, chú cứ viết tiếp đi nhé!”. Rồi không thì thào nữa mà cho tôi biết tôi có thể nhận lại những vật bị mất ở đâu – số điện thoại mà tên cướp cung cấp không khó khăn để tra ra là số nhà riêng của một nhân viên lãnh sự quán Việt Nam. Câu sau là quan trọng, rõ ràng được mớm lời. Chúng mới ngây thơ làm sao – đời nào tôi dại dột đâm đầu vào rọ.

Về chuyện này tôi đã kể lại với đầy đủ chi tiết trong một bài báo “Những tên cướp dễ mến” được đăng trên tờ Việt Nam Dân chủ ở Paris. Nhiều bạn đã đọc hỏi tôi có giữ lại được bài báo đó không, nhưng mặc dầu cố gắng nhờ vả nhiều người tôi không sao tìm được. Tôi không có thói quen cất giữ những gì mình viết, cho rằng nếu chúng có giá trị thì chúng sẽ tồn tại không cần đến mình.

Một tuần sau, tôi được mời tới ngôi nhà rất lớn chạy dài cả một phố Lubianka nổi tiếng mà người dân Liên Xô nào cũng biết – trụ sở của KGB (Komitet Gosudarstvennoy Bezopasnosti – Bộ An ninh). Lúc ấy cơ quan quyền lực khủng khiếp một thời đã đổi tên là FSK (Federalnaya Sluzhba Kontrrazvedki – Cục Phản gián Liên bang). Viên đại tá tầm thước, với gương mặt thật thà của người nông dân vùng Trung Nga, tiếp tôi trong một căn phòng hẹp dưới tầng hầm. Lấy ra chai vodka và con cá khô vobla đặt lên bàn, ông ta bắt đầu câu chuyện không vui. Chúng tôi vừa trò chuyện vừa uống rượu và nhai cá khô. Cuối cùng, trước khi chia tay, viên đại tá buồn rầu bảo tôi: “Chẳng cần nói ông cũng thừa biết ai làm vụ này. Tôi xấu hổ phải nói với ông rằng FSK không thể bảo vệ ông khi người ta chỉ cần bỏ ra vài ngàn dollars là đã thuê được lũ mafia đang đói rạc giết ông ngay trên đường phố Moskva. Tôi khuyên ông hãy chạy

sang phương Tây, ở đó ông mới có thể giữ được tính mạng”.

Tôi không chạy sang phương Tây mà bỏ sang Warszawa, thủ đô Ba Lan. Ở đó tôi cặm cụi viết lại những chương bị lấy mất (khoảng một phần ba cuốn sách) và vài chương tiếp theo. Công việc rồi cũng lại bị bỏ dở vì tôi được những người tốt báo cho biết công an từ Hà Nội đã sang Warszawa để lùng tôi, không thể biết lần này họ sẽ làm gì.

Tôi lập tức lấy chuyến bay đi Paris, ở đó tôi xin tị nạn. Tôi viết nốt những chương cuối cùng ở một căn phòng hẹp, lầu áp mái. Mùa hẻ căn phòng nóng như lò than. Mùa Đông thì lạnh cóng.

Nói tóm lại, cuốn sách được viết ra với rất nhiều cực nhọc. Nếu có nói nó được viết cả bằng máu cũng không ngoa.

3

Tính từ khởi đầu cuộc trấn áp cái gọi là "nhóm xét lại chống Đảng" (1967) cho tới khi tôi đặt bút viết Đêm giữa ban ngày thì đã qua gần 30 năm. Khoảng cách về thời gian ấy là một độ lùi cần thiết cho người viết hồi ký. Những trang viết sẽ tách khỏi những cảm xúc tại chỗ, nóng hổi, nhất thời, gắn với những sự việc đang hoặc vừa xảy ra. Độ lùi này làm cho sự nhìn lại và miêu tả những sự kiện xảy ra trong quá khứ khách quan hơn.

Đêm giữa ban ngày đã được thực hiện đúng như ý cha tôi muốn. Nó không phải là cuốn sách về một vụ án. Tôi không có định viết về vụ "nhóm xét lại chống Đảng" như một bản buộc tội những kẻ gây ra nó, cũng là thủ phạm của vô vàn oan trái khác tràn lan trong xã hội thời ấy, hay như sự chiêu tuyết cho những nạn nhân.

Vụ án chỉ là cái nền cho sự miêu tả một xã hội, trong đó tôi đã sống, với trải nghiệm của một thành viên bất đắc dĩ. Tôi vui khi thấy nhiều bạn đọc hiểu đúng mục đích của cuốn sách. Không có gì vô duyên hơn những hồi ký kể lể danh vị của cha ông hoặc sự khoe khoang những thành đạt trong cuộc đời tác giả. Người ta đọc hồi ký là để biết một cái gì lớn hơn cuộc đời của một cá nhân – ấy là diện mạo của một xã hội trong đó tác giả nằm khuất dưới những hàng chữ với tư cách nhân chứng.

Khi viết Đêm giữa ban ngày tôi không hề muốn nói về “cái tôi” trong sự kiện, mà dùng sự kiện (vụ án) như cái nền trên đó hình ảnh của một xã hội mà tôi coi là không xứng đáng với con người được lộ ra nhiều nhất có thể. Chính vì thế mà bạn đọc mới được biết về những số phận người như ông già ba chục năm tù “Jean Valjean gọi bằng Cụ”, thằng bé Hán Còi, ông nông dân hiền lành Nguyễn Thái Bút hoặc tên “gián điệp quốc tế” Dịp Pún Mằn… Nếu tôi có đưa vào cuốn sách những văn nghệ sĩ như nhà văn Nguyễn Tuân, hoạ sĩ Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… thì đó là để nói về cách đối xử của chính quyền cộng sản với lớp công dân ưu tú mà chính quyền ở các quốc gia bình thường coi trọng.

Chính vì để miêu tả những số phận bị chà đạp, bị dày xéo ấy mà bạn thấy tôi không nói gì nhiều về thân phận của tôi trong chín năm qua nhiều trại giam và những gì tôi đã nếm trải, như thể tôi “đang nói về chuyện của ai đó chứ không phải của mình vậy”. Những nhà tù (được gọi là “trại cải tạo”) có rất nhiều chuyện đáng được nói đến, được kể ra, nhưng những cái đó nằm ngoài mục đích của cuốn Đêm giữa ban ngày. Chỉ tính những gì được nói đến đã làm cho nó dày cộp rồi. Hơn nữa, tôi không có ý định viết một cuốn sách thuộc dòng văn học “tố khổ”. Những tác phẩm loại này đã có nhiều đến nỗi sự thêm vào một cuốn nữa là thừa.

Jean Fréville (Eugène Schklaff, 1895-1971) có một lời khuyên đáng giá cho người cầm bút bất kể anh ta dùng thể loại văn học nào: “Hãy để sự vật nói lên”. Sức mạnh của sự vật, cũng là sức mạnh của sự thật, lớn hơn mọi thủ pháp văn chương. Tôi đã cố gắng theo đúng lời khuyên này, nhưng không chắc mình đã làm được.

Bạn hỏi: “Sau tất cả những điều kinh khủng mà bác phải qua trong suốt 9 năm trời như vậy, mà sao bác không có chút hận thù, căm ghét gì với những kẻ đã hành hạ bác trong suốt những ngày tháng tù đày dã man đến vậy ạ?”. Bảo rằng tôi không có chút hận thù hay căm ghét nào với những kẻ hành hạ tôi thì tôi nghĩ không được đúng lắm đâu. Có đấy, nó nằm trong sự thật mà bạn thấy qua những dữ kiện được trình bày bằng cái nhìn lạnh lùng. Sự thật đã được phơi bày thì mọi bình luận về nó là thừa, làm hỏng điều mình muốn nói.

Khi nhìn lại sự việc trong quá khứ cái nhìn nào cũng chứa đựng sự bao dung trong vô thức, không nhiều thì ít, với người nào cũng vậy. Không ai có thể mãi mãi khư khư ôm thù hận trong lòng trong suốt cuộc đời. Tôi nhớ có đọc đâu đó một nghiên cứu khoa học về một đặc tính của não bộ con người – nó bao giờ cũng giữ lại những kỷ niệm tốt đẹp và quên đi những việc xấu.

Tôi hiển nhiên là nạn nhân của hai tên độc tài Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, như nhiều bạn cùng thời tôi biết rõ, hay ít ra thì cũng biết nhiều hơn những người chỉ đọc những bài tụng ca các lãnh tụ anh minh. Nhưng khi đã lùi xa khỏi sự kiện, tôi mới thấy cả hai người (hay quỷ) này xét cho cùng cũng là một thứ nạn nhân – nạn nhân của sự ham hố quyền lực và danh vọng. Chúng hoàn toàn không hiểu được rằng chúng là nô lệ của sự ham hố ấy. Vô vàn tội ác của chúng cũng từ sự ham hố ấy mà ra. Chửi bới chúng là tự hạ mình xuống chỗ của chúng.

Khi “quân dữ” (tôi mượn từ Thiên Chúa giáo) hùng hổ xông vào tôi khi tôi đang đi giữa đường, quẳng tôi lên xe, đưa tôi vào thẳng Hoả Lò, nhà tù nằm giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục cuộc hành hạ tôi chín năm, tôi thấy lòng mình hoàn toàn yên tĩnh nhờ sự biết trước rằng chúng không thể hành xử theo cách nào khác với bản chất của chúng.

Khi ấy, tôi chợt nhớ tới mấy vần thơ của Puskhin:

Đừng cười nhé nỗi buồn anh thấy trước

Anh biết đòn số mệnh chẳng buông tha

Mái đầu xanh em vẫn hằng ve vuốt

Từ ngực em sẽ tới pháp trường xa…

Tôi không biết làm thơ, nhưng trong những ngày tù đằng đẵng của mình, tức cảnh sinh tình, tôi cũng ghi lại mấy dòng giống như thơ:

Kiệt lực qua thập điện khổ đau

Tôi lử lả tiến công vào cái Ác

Trong đêm giữa ban ngày

Với vũ khí trong tay

Chỉ một ngọn bút cùn thay lưỡi mác

Tôi ngã xuống trong lốc bụi chiến trường,

Phút hấp hối còn mang mang nghe tiếng nhạc.

Thì ra máu của tim mình

nhỏ xuống

đất cằn

Và đất lên giọng hát

Bài hát của niềm tin

Từ trái tim tôi rách nát.

Nguồn: FB Vũ Thư Hiên