Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

Nhà văn Đỗ Đức Thu là thành viên không hợp lệ của Tự Lực Văn Đoàn

Cao Quang Nghiệp

Việc áp dụng dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn”[1] như là một tiêu chí tiên quyết để xác định ai là thành viên của TLVĐ rất hợp lý và bắt buộc, vì điều này đã được Văn đoàn chính thức tuyên bố trong điều lệ của mình: “Người trong Văn Đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực Văn Đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn Đoàn nhận và đặt dấu hiệu.”[2] Tuy nhiên trong thực tế có hai trường hợp “có khúc mắc” trong việc áp dụng tiêu chí này, cần được khảo cứu và xem xét kỹ hơn.

Tiếp nối bài viết lần trước về trường hợp nhà văn Đỗ Tốn[3], lần này chúng tôi bàn kỹ hơn về nhà văn Đỗ Đức Thu mà trong một bài viết đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21[4], chúng tôi đã đề cập đến. Bài viết này là một chỉnh sửa và bổ sung cho bài viết đó, sau khi chúng tôi tìm thấy thêm một số tư liệu có liên quan và nhất là sau khi đọc bài “Đỗ Tốn và Chúc thư văn học của Nhất Linh” của nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê đăng trên Văn Việt, trong đó tác giả bài viết cho rằng “Đỗ Đức Thu không phải là thành viên của Tự Lực văn đoàn”.[5]

Sự gắn bó giữa nhà văn Đỗ Đức Thu (1909-1979) với Tự Lực Văn Đoàn, và nhất là giữa ông với nhà văn Nhất Linh (1906-1963) bắt đầu rất sớm và rất lâu dài. Cái tên Đỗ Đức Thu xuất hiện lần đầu tiên trong tuyên bố “Kết quả cuộc thi sách của T.L.V.Đ. năm 1935”. Theo đó tác phẩm Ba của Đỗ Đức Thu là một trong bốn tác phẩm được TLVĐ tặng giải khuyến khích. Ba tác phẩm khác là Bóng mây chiều của Hán Văn Lãng, Bóng ba người của Trịnh Huy Tiến và Cô Thuỷ của Nguyễn Khắc Mẫn[6], nhưng không có Diễm Dương Trang của Phan Văn Dật như nhà báo Nguiễn Ngu Í đã nhầm.[7] Sau đó một phần của tiểu thuyết Ba bắt đầu được đăng từng kỳ trên Ngày Nay, số 16 ngày 12.7.1936.[8] Từ đó Đỗ Đức Thu thường có bài đăng trên tờ báo này.[9] Anh Thuỳ là truyện ngắn sau cùng của ông đăng trên Ngày Nay, số 219 ngày 8.8.1940[10], nghĩa là đúng một tháng trước khi tờ Ngày Nay đình bản (7.9.1940).[11]

Câu hỏi “Có phải nhà văn Đỗ Đức Thu là thành viên Tự Lực Văn Đoàn hay không?” thật sự là một vấn đề nan giải. Có tác giả nói có,[12] có tác giả nói không,[13] đến giờ vẫn chưa ngã ngũ. Vậy đâu là sự thật? Thiết nghĩ, để trả lời câu hỏi này không gì hơn là truy tìm những tư liệu gốc và đánh giá lại những tư liệu đó một cách có hệ thống.

Đỗ Đức Thu trong bức hoạ “Thất tinh hội bên bàn làm việc”[14] (5.2.1940)

clip_image002[4]

Hình 1: Bức hoạ “Thất tinh hội bên bàn làm việc” của Tô Ngọc Vân trên Ngày Nay[15]

Như trong bài viết đăng trên Thế Kỷ 21[16] chúng tôi đã đưa ra cứ liệu lấy ở báo Ngày Nay, đó là bức hoạ “Thất tinh bên bàn làm việc” đăng trên Ngày Nay, số 198 là số báo Xuân 1940, ra ngày 5.2.1940, trong đó vẽ cảnh bảy người đang ngồi xung quanh bàn làm việc. Qua nét kí hoạ tài tình của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân độc giả nào tinh mắt sẽ nhận ra bảy thành viên Tự Lực Văn Đoàn, đó là Tú Mỡ, Xuân Diệu, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng và Thạch Lam (theo thứ tự từ trái sang phải). Thiết nghĩ, không phải ngẫu nhiên mà hoạ sĩ Tô Ngọc Vân chỉ vẽ đúng bảy người mà không nhiều hoặc ít hơn. Như vậy có thể suy luận rằng đến này 5.2.1940, Tự Lực Văn Đoàn chỉ có bảy thành viên, đó là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thạch Lam, Thế Lữ và Xuân Diệu – không có Đỗ Đức Thu.

Đỗ Đức Thu qua ấn bản Vỡ lòng của nhà Đời Nay (1940)

Tác phẩm thứ nhất của nhà văn Đỗ Đức Thu được nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn cho in là tập truyện ngắn Vỡ lòng.[17] Như chúng ta có thể nhìn thấy được, trên trang bìa (hình 2) của ấn bản đầu tiên của tác phẩm Vỡ lòng do nhà Đời Nay in xong ngày 21.7.1940 (hình 3) không có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” dưới tên tác giả Đỗ Đức Thu. Cứ liệu này cho phép chúng ta kết luận rằng đến ngày 21.7.1940 nhà văn Đỗ Đức Thu không phải là thành viên Tự Lực Văn Đoàn.

clip_image004[4] Hình 2. Trang bìa tác phẩm Vỡ lòng (1940)[18]

clip_image006[4]

Hình 3. Thông tin xuất bản tác phẩm Vỡ lòng[19]

Đỗ Đức Thu qua ấn bản Đứa con của Đời Nay (1945) và của nhà Minh Đức (1957)

Tác phẩm thứ hai của nhà văn Đỗ Đức Thu được nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn cho in năm 1945 là cuốn tiểu thuyết Đứa con. Hiện giờ ở Thư viện Quốc gia Hà Nội có tác phẩm này ở dạng microfilm.[20] Nhưng rất tiếc, vì chế độ bảo dưỡng thiết bị không tốt, nên máy rọi phim và cả microfilm đều đã hỏng, không thể tiếp cận được. Nhưng cũng may thư viện này còn có hai ấn bản khác nhau của tác phẩm này ở dạng sách, một ấn bản năm 1953 của nhà xuất bản Phượng Giang và một ấn bản năm 1957 của nhà xuất bản Minh Đức.[21]

clip_image008[4] Hình 4: Trang bìa tác phẩm Đứa con (1957)[22]

clip_image010[4]

Hình 5: Bìa lót của tác phẩm Đứa con (1957)[23]

Trên trang bìa (hình 4) lẫn trang bìa lót (hình 5) của ấn bản do Đức Minh tái bản năm 1957 không có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” dưới tên tác giả Đỗ Đức Thu. Nhưng có một điều đặc biệt là trong ấn bản này, ở cuối sách, sau chữ “HẾT”, có một mẩu ghi chú của nhà xuất bản như sau: “Tiểu thuyết này, trong bản in lần đầu tiên của nhà xuất bản Đời Nay năm 1945 dưới tên tác giả KHÔNG thấy ghi “trong Tự Lực Văn Đoàn.” (xem hình 8).[24] Như vậy mãi đến năm 1945, khi nhà Đời Nay cho xuất bản tác phẩm Đứa con nhà văn Đỗ Đức Thu cũng chưa được công nhận là thành viên Tự Lực Văn Đoàn.

Đỗ Đức Thu trong hồi ký Đời làm báo của Nhất Linh (sau 21.7.1948 - cuối 1950)

clip_image012[4]

Hình 6: Trang thứ nhất của thủ bút Ký ức về đời làm báo[25]

clip_image014[4]

Hình 7: Trang thứ hai của thủ bút Ký ức về đời làm báo [26]

Tài liệu hồi ký Đời làm báo gồm hai trang giấy A4, được viết tay với tiểu tựa là “Mấy lời nói đầu”, không ghi ngày tháng, là di cảo của nhà văn Nhất Linh để lại. Tài liệu này lần đầu tiên được công bố trên nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật, số 3, phát hành tháng 7 năm 1985, tại California, do Võ Phiến làm chủ nhiệm.[27] Trước kia, trong bài viết “Người thứ bảy trong Tự Lực Văn Đoàn là ai?” khi thử thẩm định thời gian ra đời của cuốn ký ức này, chúng tôi cho rằng ra rằng nó có lẽ được viết trong khoảng thời gian sau ngày 5.2.1940 đến đầu năm 1951.[28] Mới đây trong bài viết “Tự Lực Văn Đoàn có những ai” nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê nhận định rằng ký ức này được viết trong khoảng thời gian sau cái chết của nhà văn Hoàng Đạo (21.7.1948)[29] và trước khi Nhất Linh về lại Hà Nội (cuối năm 1950), một nhận định mà chúng tôi cho rằng hợp lý và gần với sự thật hơn. Đây là thời gian chính trị gia Nguyễn Tường Tam sống lưu vong ở Hồng Kông (sau 9.9.1947 – cuối 1950).[30]

Trong hồi ký Đời làm báo này Nhất Linh cho biết rằng có bảy người có “có chân trong Tự Lực Văn Đoàn”, đó là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ và Xuân Diệu. Mặc dù Nhất Linh cũng có nhắc đến nhà văn Đỗ Đức Thu dưới mục “những người không ở trong tòa soạn nhưng thường có bài đăng ở hai tờ báo”, nhưng sau tên Đỗ Đức Thu Nhất Linh không đề dòng chữ “có chân trong Tự Lực Văn Đoàn” (dòng A trong hình 7) như trong trường hợp bảy thành viên nêu trên. Như vậy đến thời điểm Nhất Linh viết hồi ký Đời làm báo (21.7.1948 – cuối năm 1950) này nhà văn Đỗ Đức Thu cũng chưa được xem là thành viên Tự Lực Văn Đoàn.

Đỗ Đức Thu qua ấn bản Đứa con do Phượng Giang xuất bản (1953)

clip_image016[4] Hình 8: Trang cuối tác phẩm Đứa con[31]

clip_image018[4]

Hình 9: Trang bìa tác phẩm Đứa con[32]

Như ở phần trên đã trình bày, trong phần ghi chú về sự khác biệt giữa những ấn phẩn của tiểu thuyết Đứa con (ông) Minh Đức có cho biết “Tiểu thuyết này [Đứa con], trong bản in lần đầu tiên của nhà xuất bản Đời Nay năm 1945 dưới tên tác giả KHÔNG thấy ghi “trong Tự Lực Văn Đoàn”[33]. Liền sau đó ông viết thêm: “Nhưng trong bản in lần thứ hai của nhà xuất bản Phương Giang năm 1953 thì CÓ”[34] (hình 8). Điều này trùng khớp với thông tin mà nhà văn Duy Lam đã mách cho nhà nghiên cứu Đặng Trần Huân. Nhưng rất tiếc khi đó (1998) ở Mỹ ông không có trong tay ấn phẩm này, nên nhà nghiên cứu Đặng Trần Huân không tin,[35] như nhà văn Nhật Tiến đã kể lại trong bài viết Sinh hoạt văn hóa của Nhất Linh - Giai Đoạn Cuối Đời Với Hội Bút Việt và Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay”. Cũng trong bài viết này, tuy nhà văn Nhật Tiến có tìm ra một trang bìa của tác phẩm Đứa con mà ông cho là được nhà xuất bản Phượng Giang in năm 1953, nhưng ngoài dòng chữ “Đứa con của Đỗ-Đức-Thu trong Tự Lực Văn Đoàn” trên trang bìa thì không có thêm thông tin nào khác nữa, chẳng hạn như nơi, năm và tên nhà xuất bản, vì dòng chữ “PHƯỢNG GIANG XUẤT BẢN” đã bị cắt bỏ (hình 9)[36]. Hơn nữa, trang mạng sachxua.net, nơi ông đã tìm thấy trang bìa kia, sau đó không thể truy cập được, nên bằng chứng này không thể thuyết phục độc giả hoàn toàn được. Chắc vì lẽ này vừa mới đây (1.2.2021) nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê trong bài viết “Đỗ Tốn và Chúc thư văn học của Nhất Linh” cũng đã khẳng định rằng “Đỗ Đức Thu không phải là thành viên của Tự Lực văn đoàn, vì không thấy nơi nào nói đến điều đó cả, và ông cũng không có sách in dưới tên Đỗ Đức Thu, ghi năm chữ ‘Trong Tự Lực văn đoàn’”[37]. Cả hai nhà nghiên cứu Đặng Trần Huân và Thuỵ Khuê đều đã nhầm. Thật vậy! Chúng tôi đã tìm được tác phẩm Đứa con do nhà xuất bản Phượng Giang in lại năm 1953. Trên cả trang bìa (hình 10) lẫn bìa lót (hình 11) của ấn bản này dưới trên tác giả Đỗ Đức Thu đều có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn”.

clip_image020[4] Hình 10: Trang bìa tác phẩm Đứa con (Phượng Giang)[38]

clip_image022[4]

Hình 11: Trang lót tác phẩm Đứa con (Phượng Giang)[39]

Dựa vào bằng chứng này chúng ta có thể suy luận rằng, nhà văn Đỗ Đức Thu chỉ được xem là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn trong khoảng thời gian sớm nhất từ đầu năm 1951 (sau khi Nhất Linh về đến Hà Nội) và trễ nhất là từ năm 1953 (khi tác phẩm Đứa con được Phượng Giang in lại).

Sau khi rời Hà Nội (4.1951)[40], Nhất Linh vào Sài Gòn. Ở đây ông gặp lại Đỗ Đức Thu và hai ông đã trở thành bạn thân. Đỗ Đức Thu cộng tác với Nhất Linh trong giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay (17.6.1958 – 21.4.1959) và cùng hoạt động trong Nhóm Bút Việt, là tiền thân của Trung Tâm Văn Bút Việt sau này, mà Đỗ Đức Thu làm chủ tịch từ 1957 đến 1961, sau đó Nhất Linh thay ông đảm nhiệm chức vụ này trong niên khoá 1961-1962.[41] Trong thời gian ở miền Nam Nhất Linh đã viết bức chúc thư Giao thừa năm Quý Tỵ 1953.

Vai trò của Đỗ Đức Thu trong Chúc thư Giao thừa năm Quý Tỵ 1953 (24.2.1953)

Bức chúc thư Giao thừa năm Quý Tỵ 1953 do Nhất Linh viết vào lúc 2 giờ sáng, ngày 14.2.1953. Chúc thư này được “Nhất Linh tự chép tay 5 bản: 2 bản do Đỗ Đức Thu và Nhất Linh giữ; 3 bản gửi 3 thành viên tương lai”, như ông đã cẩn thận ghi chú ở bên góc trái, cuối bức chúc thư. Lần đầu Nhất Linh cho đăng văn bản chúc thư này trên trên giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay, tập 8, số Xuân 1959, trang 12. Nhưng trong đó sót vài chữ và không có ghi chú dưới góc bên trái về việc lưu giữ các phiên bản. Bản thủ bút này là một tài liệu quý và hiếm, nhưng vì chữ viết trong bản thủ bút khó đọc nên chúng tôi xin đăng lại văn bản này theo phiên bản đã đăng trên Văn Hoá Ngày Nay, có đính chính và kiểm chứng và với thủ bút bản số 1 do Nhất Linh giữ (hình 10).

clip_image024[4]

Hình 10: Thủ bút chúc thư Giao thừa năm Quý Tỵ 1953 của Nhất Linh[42]

Giao thừa năm Quý Tỵ 1953

Trong hương trầm của đêm 30 tết và mắt mờ đi vì thương cảm những người cũ đã khuất hoặc mất tích, lại nghĩ tới những nhân tài mới khả dĩ đem lại một nguồn sinh lực rồi rào hơn làm cho Tự Lực thay đổi luôn và mới trẻ mãi, tôi có mấy lời cảm xúc này – và cũng là chúc thư luôn thể – với một bài thơ để gửi các anh em cũ (bất cứ ở khu nào) và mấy nhân viên tương lai của Tự Lực Văn Đoàn. Trong bảy tám nhà văn mới chọn lọc được trong hai năm nay, tôi thấy có ba nhà văn chắc chắn sứng đáng là nhân viên Tự Lực Văn Đoàn và tôi tin anh Đỗ Đức Thu cũng như mấy anh mất tích sau này trở về, cũng như tôi sẽ bỏ phiếu bầu một khi ba nhà văn đó có đủ một số sáng tác để sự quyết định có căn cứ. Ba người đó là Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng và Duy Lam.

Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm, tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác. Nhưng Tự Lực văn đoàn không thể để ngưng lại ở số người cũ và đứng yên; người qua, nhưng đoàn phải mới và tiến mãi. Ngoài sự cố gắng của anh em cũ còn lại, tôi mong những nhà văn tương lai, trước và sau khi gia nhập cùng đem hết tâm hồn và tài năng để làm rạng rỡ tên tuổi của đoàn mình, coi mình với đoàn là một, giữ được tinh thần cố hữu trước kia đã sáng tỏ giữa mấy anh em quá cố: giúp đỡ nhau, đùm bọc lấy nhau, cùng nhau xát cánh để phụng sự văn nghiệp và đoàn mình, nghiệp văn đã chung một kiếp người, đoàn văn cùng chung tiếng để đời mãi kiếp sau.

Đã 7 năm tôi mới lại có dịp làm thơ và thơ tôi vốn không hay nhưng lòng và ý thành thực là đủ rồi:

TỰ LỰC, vườn văn mới trội tên,

Bỗng dưng thời thế đảo huyên thiên.

Thương dăm lá cũ vèo rơi xuống,

Mừng mấy mầm tươi vụt nhú lên.

Mạch cũ, nhựa non rồn rập chảy,

Vườn xưa, xuân mới điểm tô thêm.

NGƯỜI QUA, SÁCH MỌT, ĐỜI THAY ĐỔI

TỰ LỰC, DANH CHUNG, TIẾNG VẪN TRUYỀN.

Nhất Linh

2 giờ sáng, mồng 1 tết năm Quý Tỵ

14 - 2 – 53

[chữ ký]

Nhất Linh tự chép tay 5 bản:

2 bản do Đỗ Đức Thu và Nhất Linh

giữ; 3 bản gửi 3 nhân viên tương lai

Bản số 1

Nhất Linh

Qua bản chúc thư này chúng ta nhận thấy được vai trò của Đỗ Đức Thu trong Tự Lực Văn Đoàn như thế nào, khi Nhất Linh viết: “tôi tin là anh Đỗ Đức Thu cùng mấy anh mất tích sau này trở về; cũng như tôi sẽ bỏ phiếu bầu một khi ba nhà văn đó có đủ số sáng tác để sự quyết định có căn cứ.” Ngoài ra, với tánh cẩn thận của mình, Nhất Linh đã không quên viết vào bản chúc thư rằng “2 bản do Đỗ Đức Thu và Nhất Linh giữ”. Khi đề cập đến quyền được bỏ phiếu bầu các thành viên tương lai của Đỗ Đức Thu và trao cho ông một bản chúc thư này thì đồng nghĩa là Nhất Linh mặc nhiên thừa nhận Đỗ Đức Thu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn. Điều này mới giải thích được tại sao trong lần ấn bản tác phẩm Đứa con do nhà in Phượng Giang xuất bản năm 1953 dưới tên tác giả Đỗ Đức Thu có đề dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” như đã trình bày ở trên. Không những vậy, tư cách thành viên của Đỗ Đức Thu sau đó còn được khẳng định thêm một lần nữa khi truyện ngắn Cúng cơm của ông cho đăng trên giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay.

Đỗ Đức Thu qua truyện ngắn Cúng cơm đăng trên Văn Hoá Ngày Nay (17.6.1958)

clip_image026[4]

Hình 11: Đoạn giới thiệu về Đỗ Đức Thu trong Cúng cơm trên Văn Hóa Ngày Nay[43]

Trong số đầu tiên (tập I) của giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay, phát hành ngày 17 tháng 6 năm 1958 do Nhất Linh chủ trương, có đăng truyện ngắn Cúng cơm của Đỗ Đức Thu, mà dưới tên tác giả có ghi dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” (hình 11). Ngoài ra trong đoạn giới thiệu về Đỗ Đức Thu có viết như sau: “Sau hơn mười lăm năm nhà văn lão thành Đỗ-đức-Thu trong Tự Lực Văn Đoàn mới lại có truyện đăng trên báo. Truyện này ông viết cách đây bốn tháng và chúng tôi đăng vào Văn-Hoá Ngày-Nay để đánh dấu sự bắt đầu tiếp-tục sáng-tác của ông. Ông vẫn giữ được cái giọng hài hước kín đáo và điềm tĩnh của ông trong những tập truyện “Nhà bên kia” và “Vỡ lòng” hồi năm 1940 với một vẻ già dặn hơn.”[44] Theo nhà văn Đặng Trần Huân thì “lời giới thiệu này có thể do một người trong tòa soạn viết và Nhất Linh không coi lại kỹ trước khi cho in.”[45] Nhưng theo thiển ý thì lời phỏng đoán này không chính xác. Chúng tôi cho rằng, không phải “Nhất Linh không coi lại kỹ trước khi cho in” mà chính Nhất Linh là người viết lời giới thiệu này. Vì trong đó người viết có nhắc đến Nhà bên kia, là truyện ngắn của Đỗ Đức Thu đăng trên Ngày Nay, số 210, ngày 1.6.1940[46] và cuốn tiểu thuyết Vỡ lòng được nhà in Đời Nay xuất bản năm 1940.[47] Vì vậy nên đoạn trên ông mới viết “Truyện này ông viết cách đây bốn tháng và chúng tôi đăng vào Văn-Hoá Ngày-Nay để đánh dấu sự bắt đầu tiếp-tục sáng-tác của ông.” Theo đó, Nhất Linh muốn nói là Đỗ Đức Thu đã cộng tác với Tự Lực Văn Đoàn đến tận những số cuối cùng của Ngày Nay, khoảng chừng một tháng trước khi tờ báo này ngừng hoạt động và Đỗ Đức Thu ngưng sáng tác. Bây giờ ông lại sáng tác, tiếp tục đăng trên giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay cũng của Tự Lực Văn Đoàn. Thử hỏi, ai trong toà soạn của giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay lúc bấy giờ có thể biết được chính xác những chi tiết về báo Ngày Nay và nhà xuất bản Đời Nay 18 năm trước, nếu đó không phải là Nhất Linh. Dĩ nhiên, lúc này trong toà soạn còn có Đỗ Đức Thu và cũng có khả năng là ông tự viết lời giới thiệu về mình. Nhưng đọc kỹ từ ngữ trong lời giới thiệu thì chắc không phải do ông viết, vì nếu nhà văn Đỗ Đức Thu tự viết thì chắc ông không thể dùng từ “nhà văn lão thành” để nói về mình, vì ông kém hơn Nhất Linh ba tuổi. Và thật ra ông không cần làm như thế để “tự nhận” mình là thành viên Tự Lực Văn Đoàn. Điều này đã được chính người sáng lập văn đoàn Nhất Linh làm trước đó hơn 5 năm, qua bức chúc thư Giao thừa năm Quý Tỵ 1953, như đã trình bày ở trên.

Đến đây chúng tôi tạm đúc kết những thông tin có liên quan đến vấn đề tư cách thành viên Tự Lực Văn Đoàn của nhà văn Đỗ Đức Thu qua các tư liệu như sau: Trong bức tranh “Thất tinh hội bên bàn làm việc” đăng 3.2.1940 trên Ngày Nay không có Đỗ Đức Thu. Trong ấn bản đầu tiên của tác phẩm Đứa con do nhà Đời Nay xuất bản năm 1945 không có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” dưới tên Đỗ Đức Thu. Trong hồi ký Đời làm báo do Nhất Linh viết trong khoảng thời gian từ 21.7.1948 đến cuối năm 1950 Đỗ Đức Thu không “có chân trong Tự Lực Văn Đoàn”. Nhưng trễ nhất là từ 2 giờ sáng, ngày 14.2.1953 Nhất Linh đã ngầm công nhận Đỗ Đức Thu là thành viên Tự Lực Văn Đoàn qua sự nhấn mạnh vai trò của Đỗ Đức Thu trong chúc thư Giao thừa năm Quý Tỵ 1953. Điều này sau đó được khẳng định qua dòng chữ “Đứa con của Đỗ Đức Thu trong Tự Lực Văn Đoàn” trên trang bìa và trang lót của ấn bản Đứa con do Phượng Giang in lại năm 1953 dưới sự điều hành của Nhất Linh. Và tư cách thành viên Tự Lực Văn Đoàn của Đỗ Đức Thu một lần nữa được tái khẳng định hiển ngôn bằng dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” dưới tên Đỗ Đức Thu và trong lời giới thiệu có thể do chính Nhất Linh viết trong truyện ngắn Cúng cơm đăng trên Văn Hoá Ngày Nay, ngày 17.06.1958.

Đứng trước ba bằng chứng rành rành, không thể chối cãi như đã trình bày ở trên thì chúng ta không thể phủ nhận một sự thật là nhà văn Đỗ Đức Thu đã được người sáng lập văn đoàn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chính thức công nhận là thành viên Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng liệu sự công nhận này có hợp lệ với “cái tinh thần cố hữu” của Tự Lực Văn Đoàn, mà chính Nhất Linh đã nhấn mạnh trong chúc thư Giao thừa năm Quý Tỵ 1953 và trước đó nữa, hay không?

Trong bài viết “Thời gian hoạt động của Tự Lực Văn Đoàn” đăng trên tạp chí Hamburger Vietnamistik, số 4 & 5, năm 2010[48] chúng tôi đã nhìn ra tầm quan trọng của cái tinh thần này, khi chúng tôi viết: “Như vậy, trong việc này [xác định thời gian hoạt động của Tự Lực Văn Đoàn] chúng ta bắt buộc phải lấy cái tinh thần của TLVĐ để làm tiêu chí trong việc xác định thời điểm ra đời của TLVĐ. Tầm quan trọng của cái tinh thần này đã được văn đoàn đưa lên hàng đầu, như điều thứ nhất trong bản tuyên ngôn của TLVĐ đề ra như sau: ‘Tự Lực Văn Đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương’”[49].

Một trong những nội hàm của quan niệm về cái tinh thần này là sự bình đẳng và tính dân chủ giữa các thành viên văn đoàn. Điều này được thể hiện rất rõ qua thể lệ chấm giải thưởng, những tiêu chí của các thành viên khi xem xét và chọn trao giải thưởng, như trong thông báo về giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn năm 1936 có viết: “Hội đồng chấm thi sẽ toàn là những người trong Tự-Lực Văn-Đoàn”[50]. Vì vậy, cho dù là sáng lập viên từ ban đầu hay là thành viên vào sau, nhưng mỗi người trong số các thành viên của văn đoàn đều có quyền hạn giống như nhau. Và trong các cuộc thi chấm giải các thành viên ban giám khảo đã bàn cãi “kịch liệt” có khi đến hai ngày rồi sau đó họ “bèn bỏ phiếu kín để định hơn kém”[51] mà không áp đặt. Cái tinh thần dân chủ, bình đẳng này được Nhất Linh thể hiện rất rõ nhất trong bức chúc thư Giao thừa năm Quý Tỵ 1953, khi ông viết: “Trong bảy tám nhà văn mới chọn lựa được trong hai năm nay, tôi thấy có ba nhà văn chắc chắn sứng đáng là nhân viên Tự Lực văn đoàn và tôi tin anh Đỗ Đức Thu cũng như mấy anh mất tích sau này trở về, cũng như tôi sẽ bỏ phiếu bầu một khi ba nhà văn đó có đủ số sáng tác để sự quyết định có căn cứ.”[52] Như vậy ông đã nói rất rõ là ông “mới chọn lựa” được ba nhà văn và đợi các thành viên cũ trở về để “quyết định” kết nạp họ làm thành viên văn đoàn qua việc “bỏ phiếu bầu”.

Xét theo tinh thần bình đẳng và dân chủ của văn đoàn thì việc một mình Nhất Linh tự ý quyết định “công nhận” nhà văn Đỗ Đức Thu là thành viên Tự Lực Văn Đoàn mà không qua việc “bỏ phiếu bầu” bởi những thành viên của văn đoàn, như chính ông đã nói trong trường hợp “bầu chọn” các thành viên tương lai do ông đề cử, là một việc làm đi ngược lại tinh thần và thông lệ của văn đoàn. Việc làm này có thể xem là một hành động cá nhân, của riêng ông, chứ không thể xem là quyết định chung của văn đoàn.

Hơn nữa, từ trước đến nay, khi nói về những thành viên Tự Lực Văn Đoàn thì chúng ta đều ngầm hiểu với nhau rằng, đó là những thành viên chính thức được cả Văn đoàn thừa nhận, trước khi Văn đoàn tan rã sau số 224, ra ngày 7.9.1940 – là thời điểm tuần báo Ngày Nay (bị) đình chỉ vĩnh viễn và vì vậy không còn khả năng truyền bá cái tư tưởng của mình đến độc giả nữa.[53]

Cân nhắc kỹ giữa bằng chứng và lý lẽ đã trình bày trên chúng tôi cho rằng nhà văn Đỗ Đức Thu là thành viên không hợp lệ của Tự Lực Văn Đoàn. Chúng ta có thể xem ông là “thành viên bắc cầu” giữa Tự Lực Văn Đoàn trước 1945 và nhóm “thành viên tương lai” gồm Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng và Duy Lam sau 1945. Đây có lẽ là một dự án văn chương đầy tham vọng cuối cùng – nhưng tiếc thay đã không thực hiện được – của Nhất Linh nhằm tiếp tục duy trì di sản mà ông và các thành viên trước kia của Tự Lực Văn Đoàn đã tâm huyết gầy dựng từ 20 năm trước (22.9.1932 – 24.2.1953), để “TỰ LỰC, DANH CHUNG, TIẾNG VẪN TRUYỀN”.

Hamburg, ngày 28.2.2021

Tài liệu tham khảo

Cao Quang Nghiệp: “Thời gian hoạt động của Tự Lực Văn Đoàn”, đăng trên tạp chí Việt Học Niên San/Annalen der Hamburger Vietnamistik; số 4 & 5 – 2010, trang 147 - 165.

Cao Quang Nghiệp. “Người thứ bảy trong Tự Lực Văn Đoàn là ai?”. Thế Kỷ 21, số 207, 7. 2006, trang 62 – 76.

Cao Quang Nghiệp. “Những ngộ nhận và nhầm lẫn trong việc căn cứ vào dòng chữ ”trong Tự Lực Văn Đoàn” để xác nhận thành viên Tự Lực văn đoàn – trường hợp nhà văn Đỗ Tốn”. Trên Văn Việt. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/dnh-chnh-v-bo-sung/ [8.2.2021].

Đặng Trần Huân. “Viết thêm về Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn”. Đại Chúng, số 105, ngày 1.9.2002. http://www.daichung.com/105/07_tulucvandoan.shtm [20.2.2021].

Đỗ Đức Thu. Đứa con. Hà Nội: Đời Nay, 1945. http://opac.nlv.gov.vn/pages/opac/wpid-detailbib-id-205918.html [22.2.2021]

Đỗ Đức Thu. Đứa con. Hà Nội: Minh Đức, 1957.

Đỗ Đức Thu. Đứa con. Saigon: Phượng Giang, 1953

Đỗ Đức Thu. Vỡ lòng. Hà Nội: Đời Nay, 1940.

Khái Hưng và Nhất Linh. Anh phải sống. Hà nội. Annam xuất bản cục, 1934

Khái Hưng và Nhất Linh. Gánh hàng hoa. Hà nội. Annam xuất bản cục, 1934

Khái Hưng và Nhất Linh. Ghánh hàng hoa. Hà Nội: Đời Nay, 1936

Khái Hưng. Hồn bướm mơ tiên. Hà Nội. Annam xuất bản cục, 1933

Mai Hương (tuyển chọn và biên soạn). Trong Tự Lực Văn Đoàn trong tiến trình văn học dân tộc do. Hà Nội: Nxb Văn Hoá – Thông Tin, 2000

Mai Hương (tuyển chọn và biên soạn). Tiếng cười Tú Mỡ. Hà Nội: Nxb Văn Hoá Thông Tin, 2000

Ngày Nay. Số 16, ngày 12.7.1936

Ngày Nay. Số 196, ngày 13.1.1940

Ngày Nay. số 198, ngày 3.2.1940

Ngày Nay. Số 208, ngày 18.5.1940

Ngày Nay. Số 210, ngày 1.6.1940

Ngày Nay. Số 219, ngày 8.8.1940

Ngày Nay. số 224, ngày 7.9.1940

Ngày Nay. Số 30, 18.10.1936

Ngày Nay. Số 44, ngày 24. 1.1937

Ngày Nay. Số 63, ngày 13.6.1937

Nguyễn Tường Thiết. Nhất Linh cha tôi (hồi ký). Carlifornia. Văn Mới, 2006

Nhất Linh. Giao thừa năm Quý Tỵ 1953 (chúc thư). Thủ bút. Tư liệu riêng của nhà văn Nguyễn Tường Thiết.

Nhất Linh. Ký ức đời làm báo. Thủ bút. Tư liệu riêng của nhà văn Nguyễn Tường Thiết.

Nhất Linh. Viết và đọc tiểu thuyết. Saigon: Đời Nay, 1961

Nhật Tiến.Sinh hoạt văn hóa của Nhất Linh - Giai Đoạn Cuối Đời Với Hội Bút Việt và Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay”. https://nhavannhattien.wordpress.com/sinh-hoat-van-hoa-cua-nhat-linh-giai-doan-cuoi-doi-voi-hoi-but-viet-va-giai-pham-van-hoa-ngay-nay/ [22.2.2021].

Nhật Tiến. Từ nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút Việt nam (1957–1975). Carlifornia: Huyền Trân, 2016. https://nhavannhattien.wordpress.com/1chuong-iv-hoi-hop-o-trung-tam-van-but/ [20.2.2021].

Nhiều tác giả. Người nghệ sĩ – Người chiến sĩ. Carlifornia: Thế Kỷ, 2004

Phong Hoá, số 138, ngày 1.3.1935

Phong Hóa. Số 87, ngày 02.03.1934

Thế Lữ. Vàng và máu. Hà Nội. Annam xuất bản cục, 1934

Thuỵ Khuê. “Đỗ Tốn và Chúc thư văn học của Nhất Linh”. Trên Văn Việt. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-13/ [20.2.2021].

Thuỵ Khuê. “Tự Lực Văn Đoàn có những ai?” Văn Việt. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-12/ [20.2.2021].

Văn Hóa Ngày Nay. Tập 1, ngày 17.06.1958

Văn Hoá Ngày Nay. Tập 8, số Xuân, 7.1.1959

Chú thích:

[1] Trong hồi ký Đời làm báo của Nhất Linh thì ông viết là “có chân trong Tự Lực Văn Đoàn”. Thủ bút Đời làm báo.

[2] Phong Hóa. Số 87, ngày 2.3.1934, trang 2.

[3] Cao Quang Nghiệp. “Những ngộ nhận và nhầm lẫn trong việc căn cứ vào dòng chữ ”trong Tự Lực Văn Đoàn” để xác nhận thành viên Tự Lực văn đoàn – trường hợp nhà văn Đỗ Tốn“. Trên Văn Việt. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/dnh-chnh-v-bo-sung/ [8.2.2021].

[4] Cao Quang Nghiệp. “Người thứ bảy trong Tự Lực Văn Đoàn là ai?”. Thế Kỷ 21, số 207, 7. 2006, trang 62 – 76.

[5] Thuỵ Khuê. “Đỗ Tốn và Chúc thư văn học của Nhất Linh”. Trên Văn Việt. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-13/ [20.2.2021].

[6] Chúng tôi đã hoàn tất [24.2.2021] bài viết “Một số phát hiện mới về Giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn”, trong đó đề cập đến những sai sót và nhầm lẫn liên quan đến các tác giả và tác phẩm được tặng giải khuyến khích trong lần tuyên bố kết quả Giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn năm 1935”. Bài viết này chúng tôi sẽ công bố sau.

[7] Nguiễn Ngu Í. “Giải Tự Lực Văn Đoàn”. Trên Bách Khoa, số 140, ngày 1.11.1962, trang 39 – 52; trang trích dẫn 40.

[8] Ba, trên Ngày Nay, số 16, ngày 12.7.1936

[9] Nước, ba ông (Ngày Nay, số 30, 18.10.1936, tr. 355), Một người ốm (Ngày Nay, số 44, ngày 24. 1. 1937, tr. 694), Đám ma Lý Toét (Ngày Nay, số 63, 13.6.1937, tr. 436), Gác cho thuê (Ngày Nay, số 196, ngày 13.1.1940, tr. 8), Đi chơi Tết (Ngày Nay, số 198, ngày 3.2.1940, tr. 20) và Nhà bên kia (Ngày Nay, số 210, ngày 1.6.1940, tr. 8).

[10] Đỗ Đức Thu. Anh Thuỳ, Ngày Nay, số 219, ngày 8.8.1940, tr. 8.

[11] Tuần báo Ngày Nay ngưng hoạt động sau số 224, ngày 7.9.1940.

[12] Nhật Tiến.Sinh hoạt văn hóa của Nhất Linh - Giai Đoạn Cuối Đời Với Hội Bút Việt và Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay”. https://nhavannhattien.wordpress.com/sinh-hoat-van-hoa-cua-nhat-linh-giai-doan-cuoi-doi-voi-hoi-but-viet-va-giai-pham-van-hoa-ngay-nay/ [22.2.2021].

[13] Đặng Trần Huân. “Viết thêm về Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn” đăng trên Đại Chúng, số 105, ngày 1.9.2002. Đại Chúng. http://www.daichung.com/105/07_tulucvandoan.shtm [20.2.2021]. Thuỵ Khuê. “Đỗ Tốn và Chúc thư văn học của Nhất Linh”. Trên Văn Việt. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-13/ [20.2.2021].

[14] Vì hoạ sĩ Tô Ngọc Vân không đặt tên cho bức tranh nên chúng tôi mạo muội đặt nó là “Thất tinh hội bên bàn làm việc” theo cách gọi của Tú Mỡ – thành viên chính thức của Tự Lực văn đoàn – đã dùng khi nói về con số thành viên của văn đoàn mình (xem Mai Hương. Tiếng cười Tú Mỡ. Hà Nội: Nxb Văn Hoá Thông Tin, 2000, trang 351 -390). Và tên gọi này cũng trùng khớp với bảy thành viên của TLVĐ được Nhất Linh cho biết trong hồi ký Đời làm báo của ông (xem Ký ức về đời làm báo).

[15] Ngày Nay, số 198, ngày 5.2.1940, tr. 6.

[16] Cao Quang Nghiệp. “Người thứ bảy trong Tự Lực Văn Đoàn là ai?”. Thế Kỷ 21, số 207, 7. 2006, trang 62-76.

[17] Tác phẩm này có tám truyện ngắn, gồm Vỡ lòng, Một người ốm, gặp gỡ, Nỗi buốn của cô Lê, Tình xưa, gác cho thuê, Số đông con Đám ma Lý Toát. Xem Đỗ Đức Thu. Vỡ lòng. Hà Nội: Đời Nay, 1940, [trang 7]. Cảm ơn Ts. Phùng Ngọc Kiên (Viện Văn Học) đã giúp tìm tài liệu này.

[18] Đỗ Đức Thu. Vỡ lòng. Hà Nội: Đời Nay, 1940, trang bìa.

[19] Đỗ Đức Thu. Vỡ lòng. Hà Nội: Đời Nay, 1940, [trang cuối]. Cảm ơn Ts. Phùng Ngọc Kiên (Viện Văn Học) đã giúp tìm tài liệu này.

[20] Đỗ Đức Thu. Đứa con. Hà Nội: Đời Nay, 1945. http://opac.nlv.gov.vn/pages/opac/wpid-detailbib-id-205918.html [1.3.2021].

[21] Cảm ơn Ts. Trương Thuỳ Dung (Viện Sử học) đã giúp tìm tài liệu này.

[22] Đỗ Đức Thu. Đứa con. Hà Nội: Minh Đức, 1957.

[23] Đỗ Đức Thu. Đứa con. Hà Nội: Minh Đức, 1957.

[24] Đỗ Đức Thu. Đứa con. Hà Nội: Minh Đức, 1957, trang 217.

[25] Trang thứ nhất của thủ bút hồi ký Đời làm báo. Tư liệu này do nhà văn Nguyễn Tường Thiết, là con trai, đồng thời cũng là người được nhà văn Nhất Linh phó thác di sản văn chương của mình, cung cấp. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Tường Thiết đã hết lòng góp ý và cung cấp nhiều tư liệu quý hiếm về nhà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và Tự Lực Văn Đoàn.

[26] Trang thứ hai của thủ bút hồi ký Đời làm báo. Tư liệu riêng, do nhà văn Nguyễn Tường Thiết cung cấp.

[27] Tư liệu này do nhà văn Nguyễn Tường Thiết, cung cấp.

[28] Cao Quang Nghiệp. “Người thứ bảy trong Tự Lực Văn Đoàn là ai?”. Thế Kỷ 21, số 207, 7. 2006, trang 62-76, trang trích dẫn 66.

[29] Thuỵ Khuê. “Tự Lực Văn Đoàn có những ai”, Văn Việt. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-12/ [20.2.2021].

[30] Trương Bảo Sơn. “Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”. Trong Nhất Linh: Người nghệ sĩ – Người chiến sĩ (nhiều tác giả). Carlifornia: 2004; trang 69-82, trang trích dẫn 74.

[31] Đỗ Đức Thu. Đứa con. Hà Nội: Minh Đức, 1957, tr. 217.

[32] Nguồn: sachxua.net, [không còn truy cập được].

[33] Đỗ Đức Thu. Đứa con. Hà Nội: Minh Đức, 1957, trang 217.

[34] Đỗ Đức Thu. Đứa con. Hà Nội: Minh Đức, 1957, trang 217. Như vậy, lúc bấy giờ nhà xuất bản Minh Đức rất ý thức về ý nghĩa của dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn”. Trước khi cho in lại tiểu thuyết Đứa con Minh Đức đã so sánh các ấn bản đang lưu hành lúc bấy giờ, rồi cẩn thận ghi chú rõ ràng sự khác biệt giữa các ấn bản ấy. Sau cùng Minh Đức cân nhắc chọn ấn bản đầu tiên do Đời Nay xuất bản năm 1945, chứ không phải là ấn bản năm 1953 do Phượng Giang in lại ở Sài Gòn. Quý hoá thay một việc làm rất chuyên nghiệp của một nhà xuất bản dày dặn kinh nghiệm của một con người đam mê, sống chết – theo nghĩa đen – cho sách vở và văn chương! Chủ của nhà nhà xuất bản Minh Đức là ông Trần Thiếu Bảo. Vì có liên quan đến Nhân Văn - Gia Phẩm nên năm 1957 ông bị tuyên án 10 năm tù giam và 5 năm quản thúc. Nhưng trong thực tế mãi đến 4.1973 ông mới được thả tự do. Lê Hoài Nguyên. “Người thứ ba trong phiên toà Nhân Văn – Giai Phẩm”. https://trieuxuan.info/tran-thieu-bao-nguoi-thu-3-trong-phien-toa-nhan-van-giai-pham/ [22..2.2021].

[35] Nhật Tiến. Sinh hoạt văn hóa của Nhất Linh - Giai Đoạn Cuối Đời Với Hội Bút Việt và Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay”. https://nhavannhattien.wordpress.com/sinh-hoat-van-hoa-cua-nhat-linh-giai-doan-cuoi-doi-voi-hoi-but-viet-va-giai-pham-van-hoa-ngay-nay/ [22.2.2021].

[36] Nhật Tiến.Sinh hoạt văn hóa của Nhất Linh - Giai Đoạn Cuối Đời Với Hội Bút Việt và Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay”. https://nhavannhattien.wordpress.com/sinh-hoat-van-hoa-cua-nhat-linh-giai-doan-cuoi-doi-voi-hoi-but-viet-va-giai-pham-van-hoa-ngay-nay/ [22.2.2021].

[37] Thuỵ Khuê. “Đỗ Tốn và Chúc thư văn học của Nhất Linh”. Trên Văn Việt. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-luc-van-don-van-hoc-v-cch-mang-13/ [20.2.2021].

[38] Đỗ Đức Thu. Đứa con. Saigon: Phượng Giang, 1953, trang bìa.

[39] Đỗ Đức Thu. Đứa con. Saigon: Phượng Giang, 1953, trang bìa lót.

[40] Nguyễn Tường Thiết. Nhất Linh cha tôi (hồi ký). Carlifornia. Văn Mới, 2006, tr. 16.

[41] Nhật Tiến. Từ nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam (1957–1975). Carlifornia: Huyền Trân, 2016. https://nhavannhattien.wordpress.com/1chuong-iv-hoi-hop-o-trung-tam-van-but/ [15.2.2021].

[42] Nhất Linh. Chúc thư Giao thừa năm Quý Tỵ 1953. Thủ bút. Tài liệu do nhà văn Nguyễn Tường Thiết cung cấp.

[43] Văn Hóa Ngày Nay, tập 1, ngày 17.06.1958, tr. 67.

[44] Văn Hóa Ngày Nay, tập 1, ngày 17.06.1958, tr. 67.

[45] Đặng Trần Huân. “Viết thêm về Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn” đăng trên Đại Chúng, số 105, ngày 1.9.2002. Đại Chúng. http://www.daichung.com/105/07_tulucvandoan.shtm [20.2.2021].

[46] Nhà bên kia là truyện ngắn áp chót Đỗ Đức Thu cho đăng trên Ngày Nay (xem Đỗ Đức Thu. Nhà bên kia. Ngày Nay, số 210, ngày 1.6.1940, tr. 8). Truyện ngắn cuối cùng của Đỗ Đức Thu trên Ngày NayAnh Thuỳ (xem Đỗ Đức Thu. Anh Thuỳ, Ngày Nay, số 219, ngày 8.8.1940, tr. 8).

[47] Đỗ Đức Thu. Vỡ lòng. Hà Nội: Đời Nay, 1940.

[48] Cao Quang Nghiệp. “Thời gian hoạt động của Tự Lực Văn Đoàn” đăng trên tạp chí Việt Học Niên San/Annalen der Hamburger Vietnamistik; số 4 & 5 – 2010, tr. 163-165, trang trích dẫn 156.

[49] Phong Hóa, số 87, ngày 02.03.1934, tr. 2.

[50] Thông báo Giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn năm 1936. Phong Hoá, số 138, ngày 1.3.1935, tr. 2.

[51] Ngày Nay, số 208, ngày 18.5.1940, tr. 15.; Nhất Linh. Viết và đọc tiểu thuyết. Saigon: Đời Nay, 1961, tr. 81 - 82.

[52] Nhất Linh. Chúc thư Giao thừa năm quý tỵ 1953. Thủ bút.

[53] Thao khảo thêm Cao Quang Nghiệp: “Thời gian hoạt động của Tự Lực Văn Đoàn”, đăng trên tạp chí Việt Học Niên San/Annalen der Hamburger Vietnamistik; số 4 & 5 – 2010, trang 147-165.