Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

“Tiếng Việt từ thế kỉ 17 – Tản mạn về hát xẩm xoan” (phần 28)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về "hát xẩm xoan" trong tiếng Việt từ thời bình minh của chữ quốc ngữ đến nay, đặc biệt là chữ xoan trong cách dùng trên. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

Số là anh Ngô Thanh Nhàn (Temple University, Philadelphia, Mỹ) vào tháng 7 năm 2020 có hỏi về chữ rŏan rất lạ và đáng chú ý, từng xuất hiện một lần trong cụm từ rŏan xẩm - VBL trang 882 - xem hình chụp bên dưới. Bài này bàn về các vấn đề liên hệ đến dạng rŏan này cũng như dạng xẩm hi vọng giải đáp phần nào câu hỏi đặt ra.

clip_image002VBL trang 882

1. Hát xẩm - trích Việt Nam Phong Tục

Hát xẩm là loại nhạc hát rong, hát dạo của đường phố[2], được cụ Phan Kế Bính (1875-1921) tóm tắt trong cuốn Việt Nam Phong Tục (1915) như sau "Những người đui mù lòa mắt học nghề đàn hát, rồi rủ nhau một tụi độ năm, sáu người, vừa đàn ông vừa đàn bà, dắt nhau đến các nơi thành thị, kiếm chỗ đông người, trải chiếu ngay các nơi vệ đường mà hát. Bọn xẩm, kẻ thì đánh trống gõ phách, kẻ thì kéo nhị, kẻ thì gảy đàn bầu, rồi đồng thanh mà hát, hoặc đi giọng nam, hoặc đi giọng bắc, ăn theo tiếng nhị tiếng đàn, nghe cũng vui tai. Đàn bà trẻ con người lớn xúm xít vào xem, kẻ thưởng dăm ba đồng kẽm, người cho một vài xu. Hễ người xem vãn rồi thì lại dắt nhau đi chỗ khác. Hát xẩm cũng là một nghề sinh nhai của bọn mù lòa, nghề ấy chính là một kế cứu kẻ tàn tật".

Từ cách diễn tả trên của cụ Phan Kế Bính, hát xẩm gồm nhiều người và nhiều nhạc cụ, tuy nhiên không thấy tài liệu Hán Nôm nào ghi lại chi tiết về loại hát này. Thời VBL chắc là đã có hoạt động này vì đã xuất hiện các từ liên hệ như xẩm, đàn cò ke, rŏan (xoan), sênh, trống.

2. Cách dùng ‘đàn cò ke, xẩm, xoan, tối mặt’ trong VBL

2.1 Đàn cò ke

clip_image004 VBL trang 125

Định nghĩa của đàn cò kelyra rustica mendici (L) hàm ý cây đàn đơn giản (rustica) của người ăn mày (mendici). Định nghĩa này được chép lại y hệt trong tự điển của các LM Béhaine (1772/1773), sau đó là Taberd (1838) và Theurel (1877). Điều này cho thấy loại đàn này không đổi trong vòng hơn hai trăm năm từ thời VBL, ngoài ra đàn (tiếng Đàng Ngoài) còn thêm một dạng nữa là đờn ở Đàng Trong (tự điển Béhaine/Taberd). Tiếng La Tinh lyra có nghĩa là đàn hồ (~ hồ cầm - xem hình chụp bên dưới) và điều đáng chú ý là đàn cò ke[3] còn bảo lưu trong văn hóa người Mường, người VN gọi là đàn nhị[4] hay đàn cò.

clip_image006VBL trang 197

Hai trăm năm chục năm sau, đàn cò ke xuất hiện trong các tranh vẽ sưu tầm bởi Henri Oger (1908-1909) “Technique du peuple annamite” – một công trình nghiên cứu văn minh vật chất (nghệ nhân Việt vẽ/viết chữ Nôm). Tuy nhiên, tên của loại đàn này là nhị (~ đàn nhị) có thể vì do hai dây có âm vực thấp - cao (cách nhau ba nốt nhạc cũng như hai thanh điệu cò và ke).

clip_image008

clip_image010

Bà và Ba ghi bằng nốt nhạc bởi LM de Pina (theo các tác giả Gonçalo Fernandes/Carlos Assunção, sđd).

Không phải ngẫu nhiên mà tiếng Việt lại ghi hai âm ngang và huyền trong các cách nói hát tò te, ca ầu ơ (dân ca miền Nam), ò e, kéo nhị cò cưa - đều tương ứng với tên gọi (đàn) cò ke và đều mang tính cách tượng thanh (sound symbolism) dùng hai âm vực thấp và cao.

clip_image012

Hai thanh điệu macách nhau một nốt nhạc - theo LM Taberd (sđd, 1838) - phản ánh phần nào giọng nói ở Đàng Trong.

clip_image014Kéo nhị (chữ Nôm) ~ đờn cò, đờn nhị - A

clip_image016Khách mù kéo nhị (chữ Nôm) - B

Khách mù kéo nhị: khách chỉ người Tàu (Đàng Ngoài). Tranh này cho thấy người TQ cũng có mặt trong các hoạt động âm nhạc đường phố như hát xẩm. Hiện nay (2021), ở Melbourne (Úc) thỉnh thoảng cũng có vài người TQ kéo đàn nhị với sắc phục truyền thống đi xin ăn trong các trung tâm thương mại có dân Á Châu ở - td. như Springvale, Footscray, v.v. Thường thì người mù, dù ở xã hội nào, kết hợp thành từng nhóm (phường) để dễ di chuyển và sinh sống - xem thêm mục 2.2. Điều đáng chú ý từ các bức tranh này là bức "phường xẩm đánh nhau" mà không thấy bức nào ghi lại "hát xẩm" - xem hình chụp bên dưới.

clip_image018Phường xẩm đánh nhau (chữ Nôm) - C

A, B, C trích từ các tranh vẽ sưu tầm bởi Henri Oger (1908-1909) “Technique du peuple annamite” – một công trình nghiên cứu văn minh vật chất (nghệ nhân Việt vẽ/viết chữ Nôm).

2.2 Xẩm, rŏan xẩm

Xẩm là mù nói một cách miệt thị, cũng như cách nói rŏan xẩm nghĩa là một phường mù (một đoàn người mù) - xem hình chụp trang 882 bên trên. Người viết/NCT dịch rŏan xẩm là phường mù vì dựa vào định nghĩa của adunatio/L là sự hợp lại thành một nhóm, một đoàn. Ngoài ra, cách diễn dịch này dựa vào định nghĩa của tiếng Bồ Đào Nha rancho là phường - xem hình chụp tự điển Việt Bồ chép tay từ VBL (cuối TK 18):

clip_image020

clip_image022VBL trang 611

VBL định nghĩa phường là một đoàn thể/nhóm người (societas sodalium/L), không dùng lại danh từ adunatio/L trong mục rŏan xẩm, khác với định nghĩa bằng tiếng Bồ thống nhất dùng rancho. Điều này có thể là do LM de Rhodes thêm tiếng La Tinh vào sau một tài liệu Việt Bồ đã có sẵn (td. tự điển của các LM người Bồ António Barbosa và Gaspar do Amaral).

Chữ rŏan rất lạ, chỉ xuất hiện trong VBL (không thấy trong PGTN và các tài liệu bằng chữ quốc ngữ sau này). Theo người viết/NCT, rŏan hay xoan cũng có nghĩa là mù và cách dùng rŏan xẩm hay xẩm xoan - loại từ ghép đẳng lập như tối xẩm hay xẩm tối, đui mù hay mù đui (để ý thứ tự chữ có thể hoán chuyển) - thường chỉ một tập hợp hay số nhiều cũng như các cách dùng bạn hữu, sách vở, núi non, v.v. Trong các bản chép tay của VBL, LM Philiphê Bỉnh hay đồng sự đã cho thấy khả năng roan là xoan (cuối TK 18) - xem hình chụp trang tự điển Việt Bồ bên dưới, đây cũng là lần đầu tiên chữ xoan (chữ quốc ngữ) xuất hiện qua dạng rŏan, trích lại từ tài liệu còn lưu trữ tại thư viện Tòa Thánh La Mã (Borg.tonch.23 trang 298).

clip_image024

Tương quan của hai phụ âm r- và s- hay x- (phụ âm xát/đầu lưỡi/vô thanh) khá rõ nét[5] vào thời VBL, so sánh các liên hệ sau đây trích từ VBL

Rét - dao rét (là dao sét trong tiếng Việt hiện đại)

Rịch - sịch (rình rịch ~ sình sịch)

Rỡ - sỡ (răn rỡ ~ sặc sỡ)

Rộ - sộ (răn rộ ~ sưng sộ/cả tiếng)

Rởn tóc - sởn tóc

Rẽ - xẽ (rẽ ra ~ xẽ ra)

Rột - sột (rôn rột ~ sôn sột)

Rỉ rỉ - sẽ sẽ

Rầu - sầu não (để ý rầu - sầu HV 愁) … Do đó ta có cơ sở để đưa ra đẳng thức sau

Roan = xoan (theo người viết/NCT).

v.v.

Xoan có nghĩa là mù (Béhaine/Taberd/Theurel/Hue) và là một trong nhiều từ dùng để chỉ tình trạng bệnh/tật không nhìn thấy được như mù, đui, xẩm ... Để thấy rõ vấn đề hơn, hãy xem qua các cách dùng tương đương này vào thời VBL ra đời.

2.3 Mù là tối tăm - một hiện tượng thiên nhiên

Mù vào thời VBL có nghĩa là sương mù, mù mịt (tối mù). TVGT ghi vụ 霧 là 天氣下, 地不應 thiên khí hạ, địa bất ứng: tạm dịch/NCT hơi nước trên trời ở dưới mặt đất (sương xuống). Một số tài liệu cũng ghi lại định nghĩa từ Nhĩ Nhã, chương Thích Thiên (爾雅·釋天) rằng 地氣發,天不應 địa khí phát, thiên bất ứng - tạm dịch/NCT hơi (sương) ở đất ra, không thấy trên trời. Hai cách nói trên đều cùng một ý là vụ (~ mù, sương mù) xẩy ra ở trên mặt đất chứ không phải ở trên trời (có mây so với sương mù là một dạng ‘mây thấp’). Tương ứng với mù là từ HV vụ 霧 霧 雺 霚 (thanh mẫu 明 minh vận mẫu 虞 ngu, khứ thanh/bình thanh, hợp khẩu tam đẳng):

亡遇切,音務 vong ngộ thiết, âm vụ (TVGT, QV, LT, VH) TVGT ghi 从雨。瞀聲 tòng vũ, mậu thanh - cho thấy phụ âm đầu môi môi (bilabial) là một dạng âm cổ của vụ/xem bên dưới.

亡遇反 vong ngộ phản (LKTG)

兦遇切 vong ngộ thiết (LTCN 六書正譌)

武賦切 vũ phú thiết (NT, TTTH)

莫侯反 mạc hầu phản (NKVT 五經文字)

莫侯切 mạc hầu thiết (LT)

武公切 vũ công thiết (NT, TTTH)

莫紅切 mạc công thiết (QV) QV/TV ghi khứ thanh và bình thanh

謨蓬切,音蒙 mô bồng thiết, âm mông (TV, LT)

蒙弄切,音幪 mông lộng thiết, âm mông (TV, LT, KH)

莫鳳切,音夢 mạc phụng thiết, âm mộng (TV, LT, KH)

莫宋切 mạc tống thiết (LT)

TNAV ghi cùng vần/khứ thanh 魚模 ngư mô

CV ghi cùng vần/khứ thanh 務 鶩 婺 瞀 霧 騖 (vụ mậu)

亡暮切 vong mộ thiết (CV)

無暮切 vô mộ thiết (TVi), v.v.

Giọng BK bây giờ là wù so với giọng Quảng Đông mou6 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] wu6 [梅县腔] wu5 [客语拼音字汇] vu4 [陆丰腔] mu5 [东莞腔] mu5 [宝安腔] mu5 [客英字典] vu5 [台湾四县腔] wu5, giọng Mân Nam/Đài Loan bū, tiếng Nhật mu bu và tiếng Hàn mu. Dựa vào các cách phiên thiết và phương ngữ/âm HV, một dạng âm cổ phục nguyên của vụ*mɨo mà tiếng Việt còn bảo lưu qua dạng mù. Một dạng biến âm[6] của mờ, như VBL trang 475 đã ghi nhận mờ mờmù mù (visus debilis/L ~ nhìn thấy không rõ) - đây là một kết quả trực tiếp khi có sương mù là mắt người không nhìn thấy rõ - kết quả của một hiện tượng thiên nhiên chứ không phải là hiện tượng sinh học (bẩm sinh)

clip_image026VBL trang 484

Tuy nhiên, từ TK 18 mù đã mở rộng nghĩa để chỉ trạng thái mắt người không nhìn thấy được (hiện tượng sinh học) cũng như sương mù (hiện tượng thiên nhiên). Hai nét nghĩa này đều đã hiện diện trong từ điển của LM Béhaine (1772/1773), đặc biệt trong bản chép tay VBL của LM philiphê Bỉnh, ông đã thêm nét nghĩa mù vào mục xẩm (nghĩa là mù vào thời VBL):

clip_image028 Các tài liệu chép tay VBL cho thấy dạng roan

Bảng chép tay VBL của LM Philiphê Bỉnh và nguyên bản VBL trang 882 - để ý LM Bỉnh thêm "mù, idem" trong mục xẩm (cego/Bồ) tuy mục mù lại không có ghi nét nghĩa này.

clip_image030

Mù có một dạng chữ Nôm là (bộ vũ 雨 hợp với chữ 戊 hài thanh) chỉ hiện tượng thiên nhiên như trong các tác phẩm Nôm cổ như trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập có câu

鐄鋪 菊欺霜 泊點岸課雪

Vàng phô luống (lảnh) cúc khi sương rụng. Bạc điểm ngàn lau thuở tuyết mù.

Hay trong Truyền Kỳ Mạn Lục

花棠雙牟覩羣淡

Khói mù tỏa cuống hoa đường, song màu đỏ còn đượm.

Tới thời Lục Vân Tiên (giữa TK 19) thì mù cũng chỉ trạng thái mắt không nhìn được

堛名 泊分世尼

Mình này sánh bực danh nhu (nho). Duyên chưa bạc phận đui mù thế ni.

Mù còn mở rộng nghĩa từ nghĩa nguyên thủy là bị che (sương mù) để cho ra các nghĩa khác:

Không thấy rõ - không thấy được (mù, đui mù) > không biết (mù chữ ~ không biết chữ)

Tam Thiên Tự và Ngũ Thiên Tự đều ghi vụ - mù, điều này hỗ trợ cho tương quan vụ và mù như đã ghi nhận ở trên. Tuy nhiên, Ngũ Thiên Tự còn ghi thêm liên hệ cổ mù cho thấy tài liệu này xuất hiện sau Tam Thiên Tự với nét nghĩa mở rộng của mù vào khoảng cuối TK 18 - so với cách dùng xẩm trong hình chụp bảng từ vựng của LM Morrone bên dưới.

2.4 Tối mặt/tối mắt (VBL)

VBL ghi tối mặt là mù (đui mù), tương tự như cách dùng này thường gặp trong PGTN: thí dụ như trang 196 chụp lại bên dưới với ‘tối mặt’ dùng 7 lần, ‘người tối mặt khŏở đẻ’ ~ người bị mù thuở đẻ ~ người bị mù bẩm sinh, ‘bây giờ sáng’ ~ bây giờ nhìn/thấy được. Tối mặt xuất hiện hai lần ở mục mặt và tối, so với tối mắt xuất hiện một lần ở mục mắt (VBL).

clip_image032VBL trang 822

clip_image034PGTN trang 196

Có lẽ nên nhắc ở đây là vào thời VBL, để chỉ trạng thái mù (bệnh mù) thì có các cách dùng (a) tối mặt/tối mắt (b) tối tăm mặt mũi (c) thông manh (d) quáng mắt (e) đui (f) xẩm. Hai cách dùng e và f hàm ý khinh miệt. Tối mắt (a) có một dạng chữ Nôm là 最末 (tối mạt[7] HV) thường gặp vào thời VBL:"Khi ấy có người nào tối mặt (mạt) khuở đẻ ra" PGTN 195, "hiện xuống mà xua mù ấy đi" PGTN trang 158, "kẻ câm nói được, kẻ què thì đã, kẻ tối mắt xem được" KNLMPS trang 76, "mướn một người như kẻ tối mắt thật" ĐCGS quyển chi cửu/chi thập trang 69, "Ví bằng có ai tối mắt, què chân hay ra người lùn, khi sống lại chẳng còn tối mắt, cùng chẳng có tật gì" TCTGKM trang 87-88, "Nó phải tối mắt được hai năm... kẻ khác tối mắt ra sáng" trang 39, CTTr tháng giêng - tháng mười hai, v.v. Cho tới thời Trương Vĩnh Ký, tối mắt vẫn còn nghĩa là đui/mù (aveugle/P - 1866), tuy nhiên đến thời Huỳnh Tịnh Của thì tối mắt đã thay đổi nghĩa, hàm ý ‘choáng con mắt, con mắt không thấy đàng’ ĐNQATV/1895, thời Gustav Hue thì cũng vậy (mauvais vue/P - 1937). 'Tối tăm mặt mũi' cũng chỉ tình trạng không thấy rõ, khác với nghĩa mù (đui) vào thời VBL. Cách viết mặt hay mắt dùng chữ mạt HV đánh dấu giai đoạn đầu thường là kí âm (gần đúng) của cấu trúc chữ Nôm (cũng như chữ Hán), sau đó mới thêm bộ mục 目 hay bộ diện 面 cho rõ nghĩa hơn.

Nhìn rộng ra vào TK 17, tỉ số các cụm từ dùng mặt so với mắt là 14/2 (VBL) so với 50/20 = 5/2 vào thời Béhaine/Taberd hay khoảng hai TK sau. Điều này cho thấy mắt được dùng nhiều hơn so với mặt, giải thích được phần nào dạng tối mắt và dạng tối mặt. Một trường hợp thú vị khác là cách dùng "rắn mặt" (hay "rắn mày rắn mặt[8]") xuất hiện hai lần trong mục rắn và mặt (VBL), tuy nhiên đến cuối TK 18 và TK 19 thì đã đổi thành "rắn mắt" (Đàng Trong, theo Béhaine/Taberd, sđd). Đây là hiện tượng đồng hóa thanh điệu trong tiếng Việt, cũng như dạng "tối mắt", sự khác biệt trong ngôn ngữ của Đàng TrongĐàng Ngoài cũng đáng quan tâm nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

3. Xẩm/xoan trong tục ngữ ca dao và chữ Nôm

3.1 Các cách gọi xẩm và xoan từng hiện diện trong tục ngữ ca dao VN như "Xẩm vào cuội ra, xẩm vớ được gậy, xẩm dắt thầy bói, trơ như xẩm cầm gậy" hay

Thà rằng lấy chú xẩm xoan

Công nợ chẳng có hát tràn cung mây

...

Tối trời bắt xẩm trông mây

Xẩm rằng có thấy sao nào xẩm đui, v.v.

Tục ngữ ca dao cũng cho biết xẩm là người bị đui và xẩm xoan liên hệ đến hoạt động văn nghệ như hát xướng. Kí ức tập thể trên cũng phù hợp với các dữ kiện từ VBL. Cho đến đầu TK 19, xẩm vẫn có nghĩa là mù (cœcus/L) - xem bảng từ vựng của LM Morrone bên dưới

clip_image036cæcus La Tinh nghĩa là đui (mù)

Trích từ bảng từ vựng “Lexicon Cochin-sinense Latinum” của LM Josepho Maria Morrone đăng trong cuốn “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing” tác giả Peter Stephen Du Ponceau (1838).

3.2 Xẩm có một dạng chữ Nôm là bộ mục 目 hợp với chữ thẩm 審, hay bộ mục hợp với chữ thẩm viết tắt (Béhaine 1772/1773, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị 1895) hàm ý tình trạng không thấy rõ (mù) của con mắt (bộ mục). Xẩm có các dạng chữ Nôm khác như là sấm/đam[9] HV 眈 (theo Taberd 1838) hay bộ nhân亻hợp với chữ thẩm 審 trích từ “Nam Giao Kim Lý Hạng Ca Dao Chú Giải”/1946-1956 chỉ người (bộ nhân) có tật mù - xem hình chụp[10] bên dưới

clip_image038

Cách đọc xẩm xoan của tài liệu viết tay trên cũng giống như cách ghi nhận trong Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, 1931). "Tự Điển Chữ Nôm Dẫn Giải" (Nguyễn Quang Hồng, sđd) thì đọc hơi khác "Sao bằng lấy chú xẩm xoang. Công nợ chẳng có, hát tràn cung mây" (Lý hạng B, 159b), xoang viết là khang/xoang HV 腔.

Xoan có một dạng chữ Nôm là xuân HV 春 (Béhaine/Taberd, Lý hạng ca dao 36b, Nhật dụng thường đàm 49a) nhưng chỉ có Béhaine/Taberd (1772/1773-1838) ghi nét nghĩa mù (đui) so với các nét nghĩa khác như trẻ trung, loại cây, loại gạo (tám xoan). Tuy nhiên, từ bản chép tay "Nam Giao Kim Lý Hạng Ca Dao Chú Giải" thì xoan có một dạng chữ Nôm là bộ nhân 亻hợp với chữ xuân 春 hàm ý người có tật mù/người mù.

Tóm lại, tự điển VBL đã cho những cách dùng như đàn cò ke của người mù, xẩm là mù dùng với tính cách miệt thị cũng như đui, xoan (rŏan) hay xoan xẩm là phường xẩm, đánh sênh, đánh trống. Điều này cho thấy khả năng rất lớn là hát xẩm từng hiện diện vào TK 17 ở Việt Nam[1]. Đọc kỹ VBL cho ta các thông tin đặc biệt về phong tục VN vào TK 17 như bẻ tiền bẻ đũa (li hôn), cúng tế khi có nhật hay nguyệt thực (cứu mặt trời, mặt trăng) và đàn cò ke của người mù (hát xẩm)… Ngoài ra, mù là một hiện tượng thiên nhiên và đã mở rộng nghĩa để chỉ đui (hiện tượng sinh học) cho đến ngày nay, thí dụ như mù chữ là thấy chữ nhưng không đọc được chứ không phải là bị mù mà không đọc được. Ngược lại với tối mặt/mắt (đui vào thời VBL) là sáng, cũng mở rộng nghĩa từ hiện tượng thiên nhiên/cụ thể đến con người và trừu tượng: sáng dạ, sáng trí... Quá trình thay đổi nghĩa này còn thấy cho các chữ xẩm và tối mắt (tối mày tối mặt), nghĩa là đui vào TK 17 nhưng chỉ có nghĩa là không thấy rõ một cách tạm thời trong tiếng Việt hiện đại. Một trường hợp khác là mực tàu[2] chỉ dụng cụ kẻ đường thẳng (theo VBL) chứ không phải là mực của TQ (người Tàu) theo cách hiểu hiện đại. Hi vọng người đọc thấy thích thú với bài viết nhỏ này và tìm hiểu sâu xa hơn về tiếng Việt cùng những khám phá thú vị hơn nữa [12].

5. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

2) Phan Kế Bính (1915) "Việt Nam phong tục" tái bản nhiều lần - NXB Văn Học (2005) - có thể đọc trên mạng như trang http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoSachCu/Viet%20Nam%20Phong%20Tuc%20(Phan%20Ke%20Binh).pdf, v.v.

3) Philiphê Bỉnh (1822) "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(1822) "Phép Giảng Tám Ngày", "Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị" … Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

4) Đoàn Trung Còn (1959) "Tam Thiên Tự" Trí Đức Tòng Thư in kỳ đầu (hai quyển), NXB Văn Hóa Thông Tin tái bản lần thứ năm có sửa chữa và bổ sung (Thành Phố HCM, 2003).

5) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

6) Gonçalo Fernandes/Carlos Assunção (2017) "First codification of Vietnamese by 17th-century missionaries: the description of tones and the influence of Portuguese on Vietnamese orthography" đăng trong tạp chí Histoire Épistémologie Langage/2017: 39-1 pp. 155-176.

7) Ngũ Thiên Tự (2016) Vũ Văn Kính/Khổng Đức biên soạn - tái bản nhiều lần - NXB Đà Nẵng, trình bày theo dạng Việt – Hán - Nôm. Có thể xem tài liệu này (NXB Văn Hóa Thông Tin, 2008) trên trang mạng như https://nhatbook.com/2018/02/13/ngu-thien-tu/, v.v.

8) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

9) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập" (ĐCGS), "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (TCTGKM), "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện” (CTTr) từ tháng giêng đến tháng mười hai. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

10) Henri Oger (1908/1909) “Technique du peuple annamite” có thể xem trên mạng như trang này chẳng hạn http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoSachCu/Technique%20du%20Peuple%20Annamite%20(Henri%20Oger)%201909.pdf, v.v.

11) Vũ Ngọc Phan (1971) "Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam" tái bản nhiều lần, NXB Văn Học (2005) -có thể xem trên mạng như trang http://vannghiep.vn/wp-content/uploads/2016/02/T%E1%BB%A5c-ng%E1%BB%AF-ca-dao-d%C3%A2n-ca-Vi%E1%BB%87t-Nam-V%C5%A9-Ng%E1%BB%8Dc-Phan-bi%C3%AAn-so%E1%BA%A1n.pdf, v.v.

12) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

13) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

14) J. S. Theurel (1877) "Dictionarum Anamitico-Latinum" LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) - Ninh Phú (Đàng Ngoài).

15) Nguyễn Cung Thông (2018) "Hiện tượng đồng hoá âm thanh" có thể xem loạt bài này trên trang này chẳng hạn http://chimvie3.free.fr/81/ncthong_DongHoaAmThanh81.htm

16) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội). Cùng tác giả (1905) "Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin" Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.

Phụ Trương

A. Mù là âm cổ của vụ: tương tự như mùi là âm cổ của vị 未. Tham khảo bài "Nguồn gốc Việt Nam của tên gọi 12 con giáp - mùi vị *mjei dê (phần 15)" trong loạt bài "Nguồn gốc Việt Nam của tên gọi 12 con giáp" cùng tác giả/NCT. Thí dụ như đọc bài trên trên mạng này chẳng hạn http://www.dunglac.info/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=81&ia=7352

Có thể phục nguyên dạng âm cổ phần nào dựa vào các tài liệu Hán cổ như Thuyết Văn Giải Tự, Thích Danh... Thí dụ như chữ vụ 霿 thì TVGT ghi 从雨瞀聲 tòng vũ mậu thanh (âm mậu), chữ vị 未 thì Thích Danh viết 未, 昧也 vị, muội dã, v.v.

B. Thanh ngang và huyền cách nhau hai nốt nhạc - trích từ “Lexicon Cochin-sinense Latinum” của LM Josepho Maria Morrone - có thể đọc tài liệu này trên mạng như https://archive.org/details/dissertationnatu00duporich/page/109/mode/2up, v.v.

clip_image043

Một điều đáng nhắc ở đây là bảng từ vựng/BTV của LM Morrone phản ánh ngôn ngữ Đàng Ngoài, khác với tựa đề của tài liệu này là "Lexicon Cochin-sinense Latinum" (từ vựng tiếng Đàng Trong - La Tinh). Có lẽ là người chép lại BTV đã nhầm lẫn hay vì tài liệu dùng ở Đàng Trong và giao cho trung úy hải quân Mỹ John White ở Đàng Trong (Sài Gòn) trước khi ông trở về Mỹ năm 1820. Trong BTV có 18 loại từ chỉ động vật dùng cái như cái ếch, cái sóc, cái nhím, cái dế, cái cò, cái gián ... BTV cũng ghi một số cách dùng ở Đàng Ngoài như bu (lồng tre làm chuồng gà), chóp bu, chín mọng (rất chín), gianh (tranh, nhà tranh), nẫm rượu, địt (đánh rắm), v.v.


[1] Nguyễn Cung Thông nghiên cứu tiếng Việt độc lập (Melbourne, Úc) - liên lạc nguyencungthong@yahoo.com

[2] Không thấy học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898) viết về hát xẩm trong bút kí "Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi (1879)" so với nhiều buổi hát ả đào mà ông từng tham dự và ghi lại khá nhiều chi tiết. Điều này cho thấy khoảng cuối TK 19, hát xẩm không phổ thông so với hát ả đào - xem thêm phê bình trong phụ chú 11.

[3] Xem thêm chi tiết trong các bài báo viết về đàn cò ke và văn hóa người Mường như trên trang http://baophutho.vn/van-hoa/201509/co-ke-sau-lang-hon-rung-130465 hay http://www.baohoabinh.com.vn/246/90073/Nhac-cu-dan-toc-la-cuoc-song-cua-toi.htm, v.v.

[4] Nhị là từ HV 二 nghĩa là hai, đàn nhị hàm ý đàn có hai dây so với đàn tam (tam HV là ba) chỉ loại đàn có ba dây (hay tam huyền cầm), đàn thập lục (16 dây), đàn tam thập lục (36 dây) ~ đàn tranh. Một biến âm của nhị là nhì (hạng nhì, thứ nhì...), điều này cho thấy tiếng Mường bảo lưu một số âm (dạng) cổ so với tiếng Việt.

[5] So sánh với các cách dùng tương đương như rành - sành, rờ - sờ trong tiếng Việt hiện đại.

[6] Vụ HV 霧 có khả năng liên hệ đến mậu 瞀 nghĩa là mù mờ, hoa mắt (để ý bộ mục > mắt không thấy rõ - mục bất minh mạo/NT) và cũng có nghĩa mở rộng là không biết (vô thức/CV, vô tri, ngu/KH).

[7] Có thể vì dùng chữ mạt HV nên ta có thể đọc tối mắt hay tối mặt (chữ mạt 末 có thể đọc là mắt hay mặt - phạm trù nghĩa có liên hệ), để ý là VBL ghi rõ là tối mắt trong mục mắt và tối mặt trong mục mặt đều có nghĩa là mù (đui) ~ cego/cæcus - tuy nhiên trong mục tối lại chỉ ghi tối mặt. Đây là một khuyết điểm của chữ Nôm so với chữ quốc ngữ. Tương tự như các trường hợp đọc Nôm như đọc chữ 時 là thì hay thời, 梵 phạn hay phạm, 肯 khẳng hay khứng/khấng ... Nhờ vào các tài liệu như VBL/PGTN mà ta có thể đọc chữ Nôm chính xác hơn.

[8] VBL còn ghi một cách dùng tương đương của rắn mặtrắn gan (trang 636).

[9] Chữ đam/sấm 眈 躭 妉 (thanh mẫu định 定 vận mẫu đàm 覃 hay đoan 端 bình/thượng thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

丁含切 đinh hàm thiết (TVGT, ĐV, QV, TVi)

都含切,音酖 đô hàm thiết, âm đam (NT, TV, LT, VH, CV, TTTH, TVi)

徒含切 đồ hàm thiết (QV)

當含切 đang hàm thiết (NT, TTTH)

徒南切,音潭 đồ nam thiết, âm đàm (TV, LT)

徒感切, 潭上聲 đồ cảm thiết, đàm thượng thanh (TV, LT) đàm thượng thanh ~ đảm (NCT)

大感反 đại cảm phản (NKVT 五經文字)

丑甚切,音踸 sửu thậm thiết, âm sấm (TV) TV ghi thượng thanh

丑甚都感二乀 sửu thậm đô cảm nhị phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

陟甚切 trắc thậm thiết (TV, LT) TV ghi thượng thanh

充針切 sung châm thiết (TV) TV ghi bình thanh

TNAV ghi dương bình (bình thanh)

CV ghi cùng vần/bình thanh 耽 妉 耼 眈 (đam)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 紞 黕 眈 (*đảm)

都感切 đô cảm thiết (LT, CV, TVi) 通作闖 thông tác sấm (KH)

持林切,音沈 trì lâm thiết, âm trầm (KH)

都干切 , 音丹 đô can thiết, âm đan (CTT) vào thời CTT phụ âm cuối -m và -n đã nhập thành một…

Giọng BK bây giờ là dān so với giọng Quảng Đông daam1 và các giọng Mân Nam 客家话:[台湾四县腔] dam1 dang1 [客英字典] dam1 [海陆丰腔] dam1 dang1 [宝安腔] dam1 [客语拼音字汇] cim4 dam1, giọng Mân Nam/Đài Loan tam, tiếng Nhật tan và tiếng Hàn tam. Một dạng âm cổ phục nguyên là *l'uːm mà tiếng Việt còn bảo lưu qua dạng lườm. Ngoài ra, (nhìn) đam đam 眈眈 > chăm chăm > chằm chặp > chầm chập, chầm chập còn mở rộng nghĩa hàm ý không thay đổi và tiêu cực (bênh con chầm chập). Chằm chặp/chầm chập còn có thể liên hệ đến tròng trọc (nhìn tròng trọc) dựa vào sư liên tưởng (association) đến tròng mắt.

[10] Có thể đọc tài liệu này trên mạng Yale University https://findit.library.yale.edu/catalog/digcoll:39690

[11] Theo bài báo (2/10/2016) của Vietnamplus "Le hat xâm, un art qui revient de loin" thì hát xẩm cực thịnh vào thập niên 1920 - xem toàn bài trang này https://fr.vietnamplus.vn/le-hat-xam-un-art-qui-revient-de-loin/80607.vnp. Trong một bài báo khác (11/12/2019) "Bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm - loại hình diễn xướng dân gian độc đáo" thì thời gian cực thịnh của hát Xẩm là cuối TK 19 và đầu TK 20, xem toàn bài trang này https://www.vietnamplus.vn/bao-ton-nghe-thuat-hat-xam-loai-hinh-dien-xuong-dan-gian-doc-dao/612405.vnp ...

[12] Để chỉ mù (đui) trong vốn từ HV có tẩu 瞍 (~ người mù), hạt 瞎, muội 昧 (mắt mờ), manh 盲 (manh nhân 盲人 ~ người mù), mông 矇 (cũng chỉ quan chức coi âm nhạc trong cung vua thời cổ đại), cổ 瞽 (cũng chỉ quan chức coi âm nhạc trong cung vua thời cổ đại), mậu 瞀 (mắt mờ), miễu 眇 (mù một mắt, chột), quý 瞶, mưu/vô 瞴 ... Trong các từ HV trên, liên hệ của người mù và triều đình về âm nhạc đáng chú ý như mông và cổ (bộ mục 目 'mắt mù' hợp với cổ 鼓 là cái trống, có thể là loại chữ hài thanh hay hội ý ở đây/NCT) - so sánh với truyền thuyết ở VN (TK 14) về hoàng tử Trần Quốc Đĩnh (triều đình nhà Trần) được suy tôn là ông tổ của nghề hát xẩm. Đây là một chủ đề thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài này.