Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

Tình họ hàng, bạn hữu, đồng nghiệp thời Phan Khôi dính Nhân văn Giai phẩm

Phan Nam Sinh

(I)

Mới rồi, đọc bài nhà nghiên cứu Đỗ Trọng Hiệp trả lời phỏng vấn của nhà báo Thụy Khuê trên Tập san Hợp lưu, thấy nhắc tới chuyện một nhà văn đã không dám một lần nhắc đến tên bố vợ trong hồi ký dày 4, 5 trăm trang do ông này là chủ bút, giữ phần Hán văn của Nam Phong vì thế bị cho gần như là một người phản cách mạng (nhưng tôi đồ rằng còn do ông bố vợ là em rể một người thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm), làm tôi nhớ lại chuyện tình cảm họ hàng vào cái hồi đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm tại Hà Nội.

Họ hàng Phan Khôi hồi đó ở Hà Nội không phải là ít. Thế mà đám tang ông chỉ có duy nhất một nữ nhà thơ, kêu Phan Khôi bằng cậu ruột tới đưa tang. Còn cái ông chồng là nhà văn nổi tiếng và đám con sáu bảy đứa, toàn là Giáo sư, Tiến sĩ thì trốn biệt. Hai đứa cháu gọi Phan Khôi là bác họ, mà cha mẹ họ được Phan Khôi tác thành cho cũng trốn đi đâu mất tăm. Giờ thì họ hàng nhà tôi ai chơi với họ thì chơi, còn tôi thì cho dù họ có làm to đến cỡ nào, thành đạt tới bao nhiêu, tiền có chất cao như núi cũng... mặc kệ.

Nhưng nếu chẳng may mà họ qua đời, tôi sẵn sàng tiễn đưa họ đến nghĩa trang!

(II)

Năm 1962, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, về dạy cùng trường với con nhà văn không dám nhắc tới tên bố vợ như đã nói bên trên. Theo thông lệ, cô này phải gọi tôi bằng cậu, xưng là cháu mới phải nhưng cô ta lại chỉ gọi tôi bằng anh và xưng là tôi.

Nhưng thôi, chuyện đấy chẳng đáng nói làm chi vì so về tuổi tác, cô ấy còn lớn hơn tôi một tuổi. Vả lại, chồng cô ta là đảng viên, là phó hiệu trưởng, lại có chân trong Chi ủy nhà trường. Còn tôi chỉ là chân giáo viên trắng, lại chưa vào Đoàn vì có cha là phần tử Nhân văn Giai phẩm nữa. Nhưng có điều này thì tôi phải nói.

Cách đây chừng 10 năm cô ấy có xuất bản một cuốn hồi ký (lại hồi ký) dài tới hơn 300 trang và có gửi tặng tôi một quyển. Lần này, trong lời đề tặng, cô ấy mới gọi tôi bằng cậu.

Tôi đọc cả hai ngày mới xong nhưng không một lần tìm thấy tên tôi và tên cậu em ruột cũng học trường ấy, trong khi tên người dưng nước lã thì lại đầy dẫy từ đầu tới cuối cuốn sách.

Vậy là cha con họ giống nhau như đúc. Phải giải thích thế nào đây nếu không phải là cuộc đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm giết chết cả tình bà con, họ hàng?

(III)

Gọi là tình bằng hữu, đồng nghiệp có thể là không đúng lắm vì những người nhắc đến tên sau này chỉ tầm tuổi con Phan Khôi là cùng, nhưng chưa biết gọi thế nào cho thích hợp hơn nên đành phải gọi như thế!

Nhớ quãng bốn năm sống tại Hà Nội, từ cuối 1954 tới đầu 1959, Phan Khôi sống tại ba địa điểm, theo thứ tự thời gian là 51 Trần Hưng Đạo, 10 Nguyễn Thượng Hiền và cuối cùng, cũng là nơi ông qua đời là 73 phố Thuốc Bắc.

Điều kiện sinh hoạt ở các nơi đó có khác nhau nhưng tất cả đều là sở hữu của nhà nước. Ai bảo Phan Khôi qua đời tại nhà riêng là nói sai. Phan Khôi có nhà riêng nhưng là từ hồi ở quê làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, lúc ông chưa đi với kháng chiến kia!

Nhớ hồi ở 51, thi thoảng, chỉ thi thoảng thôi, Phan Khôi từng tiếp các ông Đào Duy Anh, Đoàn Phú Tứ, Phan Ngọc... đến thăm hay đàm đạo chuyện gì đó. Đôi khi là các sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, trong số đó hình như là có cả Phan Kế Hoành là con trai của cụ Phan Kế Toại.

Nhưng từ khi Phan Khôi vì liên quan tới vụ Nhân văn Giai phẩm, bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, về ở tại Nguyễn Thượng Hiền, rồi 73 phố Thuốc Bắc thì đâu như là... thôi hẳn, chẳng còn thấy ai nữa cả!

Hồi ở 73 phố Thuốc Bắc, nhớ phòng ngoài cùng sát với đường là phòng Trần Hữu Thung, tiếp hình như phòng Hoàng Huế, có cửa sổ nhìn ra bể nước, rồi tới phòng gia đình Yến Lan. Phòng Phan Khôi cuối cùng, kề với phòng gia đình Yến Lan, chỉ cách nhau một bức vách bằng gỗ dán, phía trên đan mắt cáo; bên này nói gì bên kia nghe rõ mồn một, và có lẽ đó là cái phòng tệ nhất trong các phòng đã kể,

Sau này nghe có người nói, người ta xếp Trần Hữu Thung ngoài cùng là để “canh chừng” Phan Khôi và những ai đến thăm ông. Tôi không tin. Tôi biết Trần Hữu Thung từ khi anh còn ở trên cái “chuồng cu” cao chót vót của 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Anh hiền lắm, đôi khi đâu như là còn tâm sự với mẹ tôi về chuyện gia đình nữa. Người như thế thì rất ít có khả năng làm mật thám, chỉ điểm lắm!

Trần Hữu Thung, Hoàng Huế, Yến Lan là nhà thơ và cùng ở trong Hội Nhà văn với Phan Khôi nhưng tôi chưa từng lần nào thấy họ trao đổi với nhau vài câu chứ chưa nói là tới nhà thăm hỏi nhau nữa. Về sau, thấy có ai đó viết là Yến Lan có dự đám tang Phan Khôi, tôi hoàn toàn không tin.

Thỉnh thoảng có trao đổi với Phan Khôi vài câu tiếng Pháp chỉ là một ông giáo sư Toán, sống độc thân, dạy Albert Sarraut, mỗi khi đi dạy về, ngang qua phòng Phan Khôi để lên gác. Ông này, sau đó hình như là tìm cách vượt vĩ tuyến 17 vào Nam nhưng không thoát, bị bắt, về sau mất dạng, chẳng còn thấy tăm hơi đâu nữa.

Tất cả đều vì lo sợ liên lụy. Còn tìm đâu ra tình bằng hữu, tình đồng nghiệp nữa?

29-1-2021