Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

Labo sinh học tế bào và đề tài nghiên cứu

Lê Học Lãnh Vân

Paris trong thế kỷ XIX và XX được xem như kinh đô ánh sáng, không chỉ về văn hóa, chính trị mà cũng về khoa học tự nhiên nữa. Nhiều trường đại học hiện nay của Paris có lịch sử xuất xứ từ một hệ thống đại học hợp nhất, rồi sau đó được tách rời khoảng nửa thế kỷ trước.

Trường đại học Paris-Sud được tách ra từ trường đại học Sorbonne, là trường đại học rất lớn, không chỉ của Pháp mà cả của châu Âu và thế giới. Hai vợ chồng nhà khoa học lừng danh Juliot Curie và Irène Curie là những người tiên phong đặt nền móng cho trường tại miền Nam Paris. Hiện nay, trường có nhiều cơ sở tại nơi này, tổng diện tích gần 300 ha với nhiều giáo sư tài năng, danh tiếng. Toán học và khoa học tự nhiên là hai ngành có thế mạnh của trường. Trong số các nhân vật xuất thân từ trường, những tài năng người Việt có giáo sư vật lý Trần Thanh Vân, giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, những cái tên không xa lạ với các nhà khoa học Việt Nam. Faculté des sciences của Trường nằm tại Orsay, cho nên có người còn gọi là trường đại học Orsay.

Phòng thí nghiệm Sinh Học Tế Bào, nơi Vương sẽ làm việc, được đặt tại tòa nhà 444, thuộc faculté des sciences nằm trong khuôn viên tại thành phố Orsay cách Paris khoảng hai mươi cây số về phía Nam, trên tuyến đường xe lửa nhanh RER B đi ngang qua vùng Sceaux mà trước kia gọi là tuyến Sceaux (ligne de Sceaux). Đây là vùng nông nghiệp trù phú, có nhiều viện nghiên cứu về hóa học, sinh vật và nông nghiệp, là địa bàn chính của trường đại học Paris-Sud, khác với vùng Bắc Paris nghiêng về công nghiệp.

Bước ra khỏi toa xe lửa, Vương nghe ai khều vai mình. Một cô đầm cao lớn tóc đen hỏi anh, “Vương, phải bạn không?” Cô chìa tấm ảnh Vương chụp chung với phái đoàn Pháp trước cổng trường đại học Tổng Hợp thành phố HCM, nói tôi nhận ra bạn lúc bạn vừa bước ra khỏi toa. Anne, cô đầm tên Anne, quan sát Vương bằng cặp mắt đen có chút tò mò khiến anh bối rối, và cũng có phần mất tự nhiên nữa.

Anne dắt Vương đi bộ qua hầm chui phía dưới đường xe lửa, băng qua mấy con lộ tới một tòa nhà rất đẹp, một lâu đài đúng nghĩa với bãi cỏ phía trước có tượng hai đứa nhỏ lăn một quả cầu tròn. Đó là trung tâm hành chánh của trường. Cô đưa Vương vào làm vài thủ tục, rồi nói chúng ta mau về Labo, Roland đợi bạn ở đó.

Roland Perasso là giáo sư tại trường Orsay, cũng là thành viên rất tích cực của phái đoàn trường đại học Paris-Sud làm việc tại Việt Nam. Ban đầu, theo thói quen của học sinh thời trung học gọi các thầy, Vương gọi Roland bằng đại từ VOUS (có ý nghĩa kính trọng). Roland gạt đi: không, TU (có ý nghĩa thân mật, bạn hữu). Sau khóa lý thuyết về sinh học phân tử, Roland cùng với người bạn thân trong phái đoàn là Jean-Jaques Curgy đề nghị Vương giúp chuẩn bị các buổi thực tập sinh học phân tử đầu tiên tại khoa Sinh học trường đại học Tổng Hợp Tp HCM. Mấy tháng làm việc chung, Roland và Vương kết tình bạn thân thiết. Roland và Jean-Jacques là những người rất tích cực đưa tên Vương vào danh sách các nghiên cứu sinh, và cũng là người theo dõi rất sát hồ sơ du học của anh.

Đi vòng vèo một lúc, băng qua những bãi cỏ rộng và mấy con lộ xe hơi, Anne chỉ tòa nhà màu hồng có dây leo phía trước nói kia là tòa nhà 444 (Bâtiment 444).

Tòa nhà 444 có bốn tầng kể cả tầng trệt. Bước vào tầng trệt, bên trái sau cánh cửa là hành lang với hai bên hai dãy phòng liên tiếp, Anne vừa đi vừa kêu Roland, Roland, Roland…

Vẻ hơi lớn tuổi một chút so với vài năm trước, Roland xuất hiện từ một phòng khá rộng, kêu lên, cám ơn Anne, bạn Vương của tôi đây rồi! Dắt Vương vào bàn làm việc, Roland quay điện thoại rồi đưa ống nghe cho anh. Đầu kia là giọng ấm áp của Jean-Jaques Curgy, người vừa rời trường Paris-Sud để làm giáo sư tại trường đại học Lille.

Sau một hồi thăm hỏi chuyện nhau, Roland đưa Vương tới phòng làm việc của trưởng phòng thí nghiệm.

Giáo sư André Adoutte bước ra từ bàn làm việc mời Roland và Vương ngồi quanh chiếc bàn tròn, giữa bàn đặt sẵn một tập hồ sơ, ba xấp giấy ghi chép. Ông André và vợ, cũng là một nhà sinh học, đã qua Việt Nam nhưng lúc đó Vương không biết vì ông bà chỉ qua vài ngày trong nhóm người cao cấp để thảo luận và ký kết thỏa thuận hợp tác với phía đại học Việt Nam. André có vị trí rất quan trọng trong các nhà sinh vật học của trường Paris-Sud, được đánh giá là nhà tiến hóa học về sinh vật hàng đầu thế giới, sau này được bầu làm thành viên Hàn lâm viện Khoa học Pháp (membre de l'Académie des sciences) https://www.academie-sciences.fr/archivage_site/academie/membre/Adoutte_Andre.htm

Sau vài câu giới thiệu và thăm hỏi, buổi nói chuyện đi vào đề tài chính. Phòng thí nghiệm Sinh Học Tế Bào đặt tại tòa nhà 444, chuyên nghiên cứu các sinh vật đơn bào, nghĩa là sinh vật mà cơ thể cấu tạo bởi chỉ một tế bào. Phòng thí nghiệm cũng rất tập trung nghiên cứu các bào quan, nghĩa là các cơ quan rất nhỏ bên trong tế bào như ti thể, bộ Golgi, mạng lưới nội chất... André giới thiệu với Vương một số công trình nổi bật trên thế giới của phòng, vị trí của chúng trong lịch sử nghiên cứu tế bào hiện đại. Nghe nhưng Vương không hiểu hết tầm vóc những kết quả đó.

Rồi André nói về công việc sắp tới. Bây giờ phòng thí nghiệm muốn mở rộng nghiên cứu sang lãnh vực sinh học phân tử để hiểu rõ hơn các bào quan cùng sự tiến hóa của chúng và sự tiến hóa các sinh vật đơn bào. Phòng thí nghiệm đã công bố vài kết quả theo hướng này. Trong khi đi sâu vào hướng đó, phòng thí nghiệm cũng cần nghiên cứu về mối liên quan phả hệ của các động vật Có Xương Sống ở mức phân tử. Phòng thí nghiệm lập một nhóm nghiên cứu đặt tên là nhóm Sinh Học Phân Tử chuyên về hướng này, Vương được hy vong là một thành viên tích cực.

Đề tài nghiên cứu được giải thích rất rõ ràng. Thế giới muôn hình muôn dạng quanh ta do sự tiến hóa từ những hạt vật chất đơn giản mà thành. Các hạt đơn giản phối hợp nhau tạo nên khoảng một trăm nguyên tử khác nhau. Các nguyên tử khác nhau kết hợp tạo ra vô số phân tử, và các phân tử đó tạo nên thế giới này. Thế giới vật chất được chia làm hai giới là giới đất đá không có sự sống và giới sinh vật có sự sống. Hãy nhìn riêng giới sinh vật. Giới này bao gồm từ những sinh vật đơn giản một tế bào tới những sinh vật phức tạp do nhiều tế bào tạo thành.

Dù khái niệm về ranh giới các nhóm sinh vật đã khác nhau nhiều so với vài ba trăm năm trước, ta vẫn có thể bằng trực giác phân biệt động vật là các sinh vật di chuyển được so với các sinh vật khác không di chuyển được như cây cỏ có màu xanh, nấm…

Trong giới động vật, có nhóm động vật có xương sống, khác biệt với các động vật như côn trùng, tôm tép… Nhóm động vật có xương sống được chia thành bảy Lớp là Lớp Cá Không Hàm, Lớp Cá Sụn (cá mập, cá đuối), Lớp Cá Xương, Lớp Lưỡng Thê (ếch nhái), Lớp Bò Sát (rắn, thằn lằn), Lớp Chim, Lớp Thú (trong đó có Người).

Sự liên hệ phát sinh giữa các sinh vật được nghiên cứu dựa trên phương pháp so sánh. Hai nhóm sinh vật khác biệt nhau ít như Chó với Bò thì từ một tổ tiên chung chúng tách ra thành hai nhóm mới đây. Còn Chó và Cá Chép thì khác biệt nhiều lắm nên chúng tách thành hai nhóm từ lâu hơn nhiều.

clip_image001

Mối liên hệ giữa bảy Lớp động vật có xương sống nói trên đã được nghiên cứu bằng so sánh hình thể học, giải phẫu học, cụ thể là so sánh bộ xương cơ thể. Những kết quả vững chắc đã được thiết lập.

Nay phòng thí nghiệm muốn đi tiên phong trong việc nghiên cứu mối liên hệ phát sinh giữa bảy Lớp nói trên bằng cách so sánh phân tử RNA của ribosome thay vì so sánh bộ xương như trước kia (RNA là viết tắt của ribonucleic acid, cùng với deoxyribonucleic acid, DNA, là hai phân tử di truyền phổ quát của sinh giới). Vương được giao thực hiện đề tài này với sự hướng dẫn của André.

Đối chiếu phả hệ phát sinh (Phylogénie) dựa trên bộ xương và phả hệ phát sinh dựa trên phân tử RNA cho ta hiểu sâu hơn mối liên quan phả hệ các động vật Có Xương Sống, và mở một cái nhìn mới về tiến trình tiến hóa sinh vật nói chung ở mức độ phân tử di truyền. Khi đi sâu vào mức độ phân tử, người ta không còn phân biệt động vật hay thực vật, mà đã làm việc với những phân tử căn bản của sự sống.

Lộ trình làm việc cũng rất rõ ràng. Năm đầu Vương hoàn thành chứng chỉ DEA về sinh học phân tử. DEA (Diplôme d'Etudes Approfondies) được giới khoa học Miền Nam trước năm 1975 dịch là cao học thâm cứu, là điều kiện để ghi danh làm luận án tiến sĩ. Trong thời gian đó, Vương đọc tổng quan tài liệu về sự tiến hóa của thế giới vật chất nói chung, sự tiến hóa và phả hệ phát sinh (L’Évolution et La Phylogénie) của giới sinh vật và của các động vật có xương sống đã được xác lập cho tới lúc đó. Anh cũng sẽ nghiền ngẫm tài liệu về các phân tử di truyền DNA, RNA. Cùng lúc anh tiến hành thực tập những phương pháp mới nhất của sinh học phân tử. Và anh sẽ vạch ra kế hoạch, chương trình nghiên cứu cho ba năm kế tiếp.

Đứng lên khỏi bàn làm việc của André Adoutte, hít một hơi thở sâu, Vương nghe tinh thần phấn chấn. Buổi nói chuyện đặt cho anh một cái nhìn rộng hơn và xa hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học. Anh biết, mình đã được xô xuống biển khơi, phải chòi đạp, vùng vẫy để nổi, phải biết áp dụng các nguyên tắc lý thuyết về phương pháp luận khoa học từng đọc tới thuộc lòng nhưng vẫn còn thấy xa xôi…

Nguồn: Diễn Đàn, ngày 03/02/2021 (https://www.diendan.org/sang-tac/labo-sinh-hoc-te-bao-va-de-tai-nghien-cuu)