Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

Bạo hành giáo viên nghiêm trọng hơn ta tưởng

Nguyễn Phương Mai

Khi cô giáo Andrews đang giảng bài, một học sinh lớp 6 giở trò phá quấy. Cô đi xuống chỗ cậu ta ngồi và cúi xuống để nói chuyện. Bất ngờ, cậu học sinh vung tay đấm thẳng vào mặt Andrews. Học sinh đó bị đuổi học 6 ngày.

Khi cậu ta quay lại lớp học, Andrews cảm thấy không an toàn và chia sẻ với hiệu trưởng. Tuy nhiên, hiệu trưởng nói rằng cô cần phải tự xốc lại tinh thần và đối mặt với sự thật. Andews không chịu thua và quyết định khởi kiện cậu học sinh vì đã tấn công bạo lực, và cô cũng kiện luôn nhà trường vì đã không có các chế tài hỗ trợ cô thoả đáng sau khi bị tấn công (1).

Những trường hợp khởi kiện và thắng kiện như Andrews là hiếm, nhưng những vụ tấn công giáo viên thì nhiều đến mức báo động. Ở Mỹ, cứ 10 giáo viên thì có một người từng bị học sinh đe doạ, và một nửa trong số bị đe doạ thực sự bị tấn công bạo lực – điều này dẫn đến việc tổn thất gần 1 triệu ngày công và 2 tỷ đô la mỗi năm (2).

Con số này ở Anh còn cao hơn, cứ 4 giáo viên thì có 1 giáo viên bị tấn công bạo lực hàng tuần, từ việc cố tình va chạm mạnh hoặc xô đẩy vào người, cho đến những hành động nghiêm trọng hơn như đấm hoặc đá vào thân thể. 9/10 giáo viên bị học sinh chửi mắng hoặc tấn công trong vòng một năm trở lại đây (3).

Tại Úc nơi tôi đang tạm trú trong dịp đại dịch này, tình trạng không kém phần thê thảm, nhất là ở lớp tiểu học. 68% giáo viên phải chịu đựng bạo lực trong lớp (4).

Ở Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo có thể làm hiện tượng này ít hơn nhiều các quốc gia phương Tây, tuy nhiên, bạo lực với giáo viên là điều chắc chắn xảy ra. Điển hình là trường hợp gần đây, dân mạng lan toả clip một em học sinh vì bị thu tai nghe mà bước lên bục giảng tát giáo viên trước toàn thể lớp học.

Việt Nam giống các nước phương Tây là đều có bạo hành với giáo viên, và đây đều là những chủ đề thiếu sự quan tâm đúng mức. Việt Nam thậm chí còn không tìm ra số liệu thống kê. Ở Tây, lý do quan trọng nhất khiến cho hình thức bạo hành này bị dễ bị phớt lờ là vì chính giáo viên cảm thấy uy tín của mình bị đe doạ. Vì thế chỉ có 1/5 giáo viên sau khi bị bạo hành dám báo cáo với nhà trường. Họ có thể bị nhìn nhận là yếu kém, thậm chí mất việc. Lý do thứ hai là giáo viên hoàn toàn thiếu một hệ thống trợ giúp hiệu quả. Chỉ 12% trong số người bị bạo hành tìm gặp chuyên gia tâm lý để hồi phục thương tổn tinh thần (5). Nhà trường cũng ngại ngần không muốn động đến vấn đề bạo hành. Suy cho cùng, đến thầy cô giáo mà còn bị đánh đập thì trên đời này hỏi còn chỗ nào an toàn?

Vậy giải pháp là như thế nào? Nhiều quốc gia bắt đầu chú trọng hơn trong việc đào tạo giáo viên các kỹ năng tâm lý như quản trị cảm xúc (emotional/ anger management), giải quyết xung đột (conflict management) và phòng tránh bạo lực (violence prevention). Hỏi bao nhiêu giáo viên ở VN được học cách điều tiết cảm xúc cho trẻ con, học cách điều phối cảm cảm xúc của chính mình, học cách không dùng bạo lực, học cách không kích động học sinh bằng la mắng và trừng phạt, học cách tôn trọng học sinh mà không mất đi sự uy nghiêm, học cách cân bằng giữa sự tôn vinh nghề nghiệp và sự thật trần trụi của cuộc sống?

Giải pháp lâu dài thứ hai là xây dựng một hệ thống trợ giúp cho giáo viên khi đối mặt với bạo hành. Tôi muốn hỏi xem cô giáo bị đánh ở Việt Nam có được gặp chuyên gia tâm lý không? Có ai giúp cô vưọt qua sang chấn tinh thần? Nhà trường đã nói gì với các học sinh trong lớp của cô? Sự việc được xử lý ra sao để cô lấy lại danh dự và uy tín khi trở lại bục giảng? Có ai nói chuyện với các học sinh để các em chung tay động viên cô giáo? Trong trường có tồn tại những tư liệu, khoá học, nguồn chuyên gia để giúp cô giáo lẫn các em học sinh lấy lại thăng bằng?

Giải pháp thứ ba là nhìn nhận lại cách trừng phạt học sinh, nhất là việc cho thôi học. Ở Tây, học sinh hư thường bị yêu cầu ngồi trong một căn phòng riêng để suy nghĩ, hoặc gửi về nhà một hoặc vài ngày (suspenssion/ detention). Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy đây là phương pháp không hiệu quả, thậm chí hiệu quả ngược. Các em bị trừng phạt kiểu này càng có xu hướng bỏ học, mắc lỗi, hoặc thậm chí phạm tội nghiêm trọng khi lớn lên (6)

Về bản chất, hình thức tống cổ ra ngoài lớp học như vậy là cách trừng phạt dễ nhất nên nó xảy ra thường xuyên nhất. Trẻ con khi bị phạt mà không được lắng nghe, hỗ trợ, khuyên bảo, động viên, giúp đỡ và có kế hoạch theo dõi sự tiến bộ thì chỉ khiến chúng trở nên phẫn nộ hơn mà không lớn khôn hơn.

Trong trường hợp của em học sinh tát cô giáo ở Việt Nam, việc em bị đuổi học hẳn một năm là một sự thất bại của hệ thống giáo dục, tương tự với việc phủi tay với một đứa trẻ con phạm lỗi. Cũng giống như cha mẹ không dạy được con thì đuổi nó ra đường để trừng phạt mà quên rằng đứa bé ấy chỉ hư thêm khi bị tống ra đường. Bị thôi học một năm rất ít có khả năng khiến đứa trẻ kia trở thành một kẻ khôn lớn hơn, mà đôi khi còn khiến nó hư đi. Cũng giống như nhà tù vậy, bao kẻ ác ít sau khi ra tù trở thành ác nhiều. Sự trừng phạt không đúng cách cũng giống như sự phủi tay một cách lười biếng, và hậu quả là có khi lợn lành hoá lợn què.

Và nói thật, còn gì tréo ngoe hơn khi tước bỏ quyền được dạy dỗ của một trẻ con đang cần được dạy dỗ?

---

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người

Photo credit: Courier Mail

(1) https://www.edweek.org/.../when-students-assault.../2018/02

(2) https://www.apa.org/education/k12/teacher-victimization

(3) https://www.theguardian.com/.../one-in-four-teachers...

(4) https://www.iier.org.au/iier30/lowe.pdf

(5) https://theconversation.com/violence-and-other-forms-of...

(6) https://slate.com/.../why-do-we-suspend-children-from...

Nguồn: FB Nguyễn Phương Mai