Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

Văn học Miền Nam 54-75 (709): Trần Doãn Nho (kỳ 4)

Đàm thoại với nhà văn Trần Doãn Nho

Lương Thư Trung (LTT):

Anh Trần Doãn Nho thân mến,

Nhớ lần đầu gặp anh cách nay 13 năm, nhơn tôi đi dự buổi ra mắt thi tập Thơ Tuyển của thi sĩ Tô Thùy Yên tổ chức tại Boston (Massachusetts), năm1998, lúc bấy giờ nhà văn Trần Hoài Thư giới thiệu anh, trước năm 1975 có viết trên tạp chí Văn ở Sài Gòn. Vậy xin anh có thể chia sẻ một chút là anh có bài đăng trên Văn từ lúc nào và ngoài tạp chí Văn, lúc bấy giờ anh còn cộng tác thêm với tạp chí văn học nào nữa không, thưa anh?

Trần Doãn Nho (TDN):

Mến chào anh Lương Thư Trung,

Bài đầu tiên đăng trên Văn là một bài thơ, vào mùa hè năm 1967, trong một số chuyên về Thơ, đặc biệt giới thiệu nhà thơ Nga Eugène Evtouchenko. Truyện ngắn đầu tiên đăng trên Văn là vào đầu năm 1969 và sau đó thêm vài truyện nữa. Ngoài truyện, tôi cũng có viết tiểu luận văn chương và điểm sách cho Văn và Tân Văn (cũng do Trần Phong Giao chủ trương). Ngoài ra, tôi có truyện in trên Vấn Đề (Mai Thảo chủ bút), Bách Khoa, tiểu luận và thơ trên Khởi Hành (Viên Linh chủ bút) và một số bài thơ và truyện trên Đối Diện.

LTT:

Tôi có đọc truyện ngắn Con mắt thủy tinh trên Văn số 132 ngày 15-6-1969 có chủ đề "Phượng trong thành nội" với nhân vật chính là Trang với đoạn văn mở đầu: "Khi lật đến bản nhạc "Tình Khúc Thứ Nhất", Trang bỗng đột ngột nhớ đến Quyền, cô nữ y tá Tổng-Y-Viện Cộng Hoà. Dáng cô bé nhỏ nhắn như quá lỏng lẻo đàng sau cái "blouse" rộng thùng thình. Trang gọi đùa cô bé là con mèo. Cô bé cười, mắt nhấp nháy nửa muốn cười nửa trông thật buồn…" ; để rồi anh kết sau hơn 12 trang báo in với những dòng cuối quả là buồn: "Trang hoảng hốt. Chưa bao giờ Trang thấy khuôn mặt mình quái đản như vậy. Đột nhiên, Trang có cảm tưởng nó không phải của mình, nó xa lạ, kỳ dị. Trang hấp tấp gắn mảnh thủy tinh vào lỗ hổng con mắt, rồi đi nằm. Suốt đêm, Trang bị ám ảnh bởi khuôn mặt của mình, không ngủ được."
Thưa anh, anh có còn nhớ anh viết truyện này trong hoàn cảnh nào không?

TDN:

Nhân vật trong truyện là một người ở chung phòng trọ hồi tôi vào học ở Sài Gòn. Anh ấy là một thương binh, được giải ngũ. Trong hoàn cảnh chiến tranh vào thời kỳ cao điểm (1968,1969), trở thành thương binh, được giải ngũ và được lãnh tiền lương hàng tháng, trong điều kiện toàn thân lành lặn, chỉ có mất một con mắt, anh ấy, theo tôi, là quá may mắn. Tuy nhiên, theo như lời anh ta tâm sự, anh không cảm thấy may mắn như tôi nghĩ. Đó là bối cảnh của câu truyện. Anh bạn này, sau khi đọc xong truyện, kết luận một câu (mà tôi còn nhớ mãi): Mấy nhà văn thường hay khai thác nỗi đau khổ của người khác để nổi tiếng!

LTT:

Là một tác giả viết văn lâu năm, anh nghĩ sao về lời kết luận của anh bạn này? Có phải nhà văn muốn khai thác nỗi đau của người khác hay chỉ vì cảm thông với nỗi đau của người khác mà viết nên những dòng chữ chan chứa nỗi đau?

TDN:

Anh hỏi, mà thực ra là anh đã trả lời thay cho người viết. "Nỗi đau" riêng của người khác, cũng như nỗi đau của chính mình, nói cho cùng, đều là là chất liệu, là kinh nghiệm nhân sinh mà người viết cần có để chế biến thành tác phẩm. Sáng tác, hiểu theo một nghĩa nào đó, là một nỗ lực biến nỗi đau riêng thành nỗi đau chung. Nói cho cùng, nếu không có những nỗi đau, có lẽ cũng không có văn chương. Tuy nhiên, riêng tôi, tôi cảm thông được tâm trạng của anh bạn chung phòng. “Con mắt thủy tinh”, dù chỉ sử dụng một số chi tiết điển hình từ anh ấy, cũng chạm đến nỗi đau riêng của anh. Chạm đến nỗi đau riêng đôi khi tạo ra một nỗi đau khác.

clip_image001

LTT:

Như anh viết: "Chạm đến nỗi đau riêng đôi khi tạo ra một nỗi đau khác", anh làm tôi nhớ tới phần tiểu thuyết tâm lý với tiểu thuyết gia Marivaux (1688-1763) thuộc thế kỷ XVIII, qua hai tác phẩm La vie de MarianneLe Paysan parvenu, mặc dù ông không thoát được ảnh hưởng các tiểu thuyết gia thế kỷ trước, nhưng ông đã đưa ra được khía cạnh mới là đi sâu vào việc tìm hiểu tâm lý nhân vật với các khía cạnh phức tạp trong tâm tình của mỗi nhân vật ấy; tất cả nó có liên đới với nhau giống như khi người ta ném một hòn đá xuống một hồ nước, gây nên những gợn nước làm thành vô số vòng tròn đồng tâm, và tâm lý nhân vật khi gặp một sự thể nào đó thì nó cũng phản ứng liên tục vào tâm trạng của họ như vậy. Anh có thể nói thêm một chút về "những nỗi đau khác" ấy được không, thưa anh?

TDN:

Nỗi đau khác đây không phải ở nhân vật tiểu thuyết. Tôi đề cập đến tâm lý thông thường của người đời. Từa tựa như "khơi lại vết thương lòng". Khơi lại một nỗi đau có thể không làm người ta đau lại cùng một nỗi đau, nhưng tạo nên một nỗi đau mới, "nỗi đau của nỗi đau". Cách hiểu của tôi có lẽ không khác lắm với hiệu ứng vòng tròn đồng tâm trên mặt nước khi có một vật thể chạm vào, của Marivaux. Trở lại với trường hợp người bạn chung phòng. Anh ta tên Trang và tôi đã sử dụng tên thật của anh trong truyện. Anh ta có hỏi tôi, giọng tỏ ra bực bội: Sao không dùng một tên khác mà lại dùng ngay tên tôi? Tôi đáp cho qua chuyện: Tôi thích tên Trang. Thực ra, dùng ngay chính tên của anh giúp tôi dễ tưởng tượng hơn. Nghĩa là tạo ra một liên hệ giữa nhân vật thực và nhân vật ảo. Đây là một kinh nghiệm riêng: khi sử dụng chất liệu của một ai đó ngoài đời, nếu ta dùng ngay tên người đó, tôi cảm thấy dễ viết hơn. Có lẽ do ta có một "cái gì đó" để bám víu trong khi đầu óc mình đang phiêu diêu vào cõi hư cấu chăng?

LTT:

Đó là chuyện văn, bây giờ thử đề cập đến chuyện thơ. Tình cờ tôi đọc được bài thơ “Lịch sửcủa anh trên tạp chí Đối Diện (1968) với hai đoạn cuối, anh viết:

……

nhưng lỡ tim em bị thủng
em hãy cố mở mắt ra nhìn ánh mặt trời
hay nhìn một vì sao
hãy nhớ đến vài người thân yêu nhất
hãy nhớ nụ cười thần thánh của tình nhân
nếu còn sức thì nhớ thêm vài thằng bạn
rồi nhắm mắt ngủ yên như cỏ như cây

em cứ yên trí đi
vì những người còn lại sẽ ghi lên giấy
em là một anh hùng
một anh hùng vô danh trong những anh hùng vô danh
của lịch sử đó em”.

(Đối Diện, 1968)

Và một bài nữa, cũng trên Đối Diện cùng năm, “Những đứa con của Chúa” mà anh dùng ba câu mở đầu bài thơ làm ba câu kết bài thơ:

lạy Chúa, nếu quả thật có Chúa trên trần gian
xin Chúa hãy ban cho loài người một nụ cười
và đừng bao giờ thêm một lời phán xét

……..

lạy Chúa, nếu quả thật có Chúa trên trần gian
xin Chúa hãy ban cho loài người một nụ cười
và đừng bao giờ phán xét.

(Đối Diện, 1968)

Nhưng có lẽ bài thơ “Cuồng ngâm” (ký tên Trần Hữu Thục) trên tạp chí Văn năm 1967, kỷ niệm Đệ Tứ Chu Niên xin ghi lại dưới đây; ở đó có chút gì khơi gợi lại lớp thanh niên trai trẻ nơi thành thị lúc bấy giờ luôn băn khoăn trăn trở về thân phận của chính họ giữa những mùa chinh chiến ngập tràn:
Cuồng ngâm

Có một lần ta nhìn sao rụng xuống
Ta ngỡ ngàng nghe thân thể vỡ tan
Ta cúi xuống và không tìm ra ta nữa
Không có ta không có ta cả đến nghìn năm

Ôi lịch sử, ta đã là lịch sử
lịch sử trên tay ta lịch sử trên tóc ta
nghìn năm sau và một nghìn năm trước
có ta rồi và cũng chẳng có ta

cho ta làm tất cả những người đã chết
cho ta làm bóng tối cho ta làm cây xanh
cho ta chết để không bao giờ chết nữa
chỉ có ta một mình chỉ có ta một mình

cho đập vỡ muôn ngàn ngôi cổ mộ
đập vỡ đền đài đập vỡ cả trời mây
để ta nghe một mình con dế mèn ca hát
một mình con chim đập cánh tung bay

có một lần nhìn trời sao ta khóc
ta thẩn thờ đi tìm một khoảng không gian
một khoảng không gian không buồn không tủi
không đau thương không giận không hờn

cho ta đừng bao giờ còn bộ óc
đừng giận đừng vui đừng khóc đừng cười
cho ta ngủ yên dù ở một nơi nào trên mặt đất
ta ru cây cỏ ta ru loài người

đừng nhắc ta về một dòng sông sầu thảm
đừng nhắc ta một lần lập quốc một thuở xâm lăng
đừng nhắc ta một lần thua một lần chiến thăng
gì là nhục nhã gì là oai hùng!

lịch sử ơi lịch sử buồn như bóng tối
nào có gì để bớt có gì để thêm
lịch sử ơi ta đã là lịch sử
lịch sử buồn ôi lịch sử không tim.

(VĂN, 1967)

 

 

 

 

 

image

Vào những năm tháng ấy, dường như học sinh, sinh viên phần lớn đều có đọc cuốn “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học của Phạm Công Thiện, cũng như quyển “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” của Krishnamurti do Phạm Công Thiện dịch mà nội dung cuốn sách thứ hai này bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến kiến thức, nỗi cô đơn, nỗi đau khổ, về chiến tranh, về tín ngưỡng nơi Thượng Đế, về Thượng Đế, về tình yêu, về thời gian, về sự chết và nhiều lắm những chủ đề có liên quan đến con người cùng hoàn cảnh chung quanh vây bọc lấy con người… Xin anh vui lòng cho hỏi thêm một chút là các bài thơ vừa trích của anh đuợc anh sáng tác trong hoàn cảnh nào? Và anh có chịu ảnh hưởng phần nào bởi các tác phẩm vừa nêu của Phạm Công Thiện, của Krishnamurti hoặc của các triết gia nào khác vào những năm 1960-1970 không, thưa anh?

clip_image004

TDN:

Chắc chắn là có anh Trung à. Nhưng không phải chỉ Phạm Công Thiện hay Krishnamurti, mà của nhiều luồng tư tưởng khác nhau: hiện sinh, thiền, phân tâm, tính dục… Không những đọc sách báo ở ngoài mà còn được học qua trong trường. Lúc đó, tôi đang học triết.

Nhưng tác động lớn nhất là hiện thực chiến tranh. Anh biết, năm 1967 là năm cao điểm của cuộc chiến Việt Nam với sự hiện diện của gần nửa triệu quân Mỹ. Nhiều và rất nhiều trận đánh ác liệt diễn ra trên khắp miền đất nước để rồi đầu năm 1968, chiến tranh diễn ra ngay ở thành phố với trận Mậu Thân. Suốt 26 ngày ở Huế đầu năm Mậu Thân, tôi sống trong và sống với chiến tranh. Bom đạn và chết chóc diễn ra ngay trước mắt, ở quanh nhà, trên đường phố… Nếu không may mắn, có lẽ tôi cũng đã trở thành nạn nhân chiến tranh. Tuy được hoãn dịch (học vấn) nhưng chung quanh tôi, bạn bè, bà con, hàng xóm láng giềng đều lần lượt đi vào quân đội. Cuộc tử sinh không còn là vấn nạn triết lý và là vấn nạn của đời sống.

Nếu “Cuồng ngâm” chứa đựng một thứ tuyệt vọng siêu hình (và có vẻ làm dáng) thì hai bài kia làm sau Mậu Thân, là tâm trạng thảng thốt thực sự. Mọi lạc quan về một đất nước hòa bình gần như đổ vỡ. Không chỉ thơ mà hầu hết các truyện ngắn tôi viết trong thời gian này đâu đó trên các tạp chí đều phảng phất tâm trạng đó. Và không phải chỉ mình tôi, mà hầu hết sáng tác của “những cây bút trẻ” (cụm từ mà tờ Văn gọi những người viết mới chúng tôi) đều như thế. Nhất là những cây bút vừa cầm súng vừa viết như Y Uyên, Trần Hoài Thư, Lê Bá Lăng, Lê Văn Thiện… Khác với tôi là dân thành phố nhìn chiến tranh với cái nhìn (y như) của một kẻ đứng ngoài, truyện của họ hừng hực khói lửa, đầy máu và nước mắt. Họ viết về hiện thực và chẳng cần bất cứ một triết lý nào, anh Trung ạ. Đọc lại thơ và truyện sáng tác thời đó (qua mấy tập thơ, văn miền Nam do Thư Ấn Quán tái bản gần đây), ta thấy rõ điều này.

Theo tôi, đó thực sự là một nền văn học chiến tranh với tất cả những hiện thực sống động của nó. Bi thảm nhưng tràn đầy nhân bản. Hoàn toàn khác hẳn với nền văn học tuyên truyền của miền Bắc.

LTT:

Với nhà thơ Âu Thị Phục An, trong bài trò chuyện vừa qua trên Da Màu chị cho biết, chị có truyện đăng trên Văn lần đầu nhưng sau này chị lại làm thơ nhiều; còn anh thì ngược lại, có thơ đăng lần đầu trên Văn nhưng sau này anh lại chuyên viết truyện. Theo anh, đây chỉ vì sở thích hay cái nghiệp của mỗi người?

TDN:

Nói “nghiệp” nghe nặng nề quá. Viết lách nói chung, theo tôi, chỉ là một cái thú, thú bịa chuyện. Viết văn thì có nhiều điều để bịa hơn thơ. Thành thử, tôi thích viết văn hơn làm thơ. Nói thiệt với anh, tôi đã gửi năm, ba truyện ngắn cho Văn trước đó, nhưng không được chọn đăng. Không những ở Văn, tôi còn gửi cho vài ba tạp chí văn học khác như Văn Học hay Nghệ Thuật nhưng cũng đều bị từ chối. Chán nản quá, tôi gửi thử bài thơ. Và được chọn đăng. Một thời gian sau đó, ước ao của tôi mới được thỏa: truyện ngắn “Ngày tháng cằn” được đăng ở Văn số 121, kỷ niệm Đệ Ngũ Chu Niên. Cũng phải trải qua đôi chút “gian nan”, như tôi đã có dịp ghi lại trong “Một chút Trần Phong Giao” trên Da Màu. Mà nghĩ cũng lạ, hồi đó, chỉ khi nào có bài được in ở Văn, thì mới cảm thấy mình là… nhà văn!

Nhân tiện, tôi cũng khoe với anh, trước khi có bài in ở Văn, tôi đã từng có một bài thơ (lục bát cua gái) được đăng ở… Phụ Nữ Diễn Đàn và hai truyện ngắn và vài bài thơ được đăng ở tạp chí Xây Dựng do Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Quốc Gia Vũng Tàu, vào khoảng những năm 1960, 1961, với một bút hiệu nghe rất học trò: Hạnh Băng.

LTT:

Mà sao lại là “Hạnh Băng” thưa anh? Anh có còn nhớ bài thơ ấy không?

TDN:

Hạnh là một cô bé tên Hạnh. Còn Băng là… Băng.

Bài thơ có 18 hay 20 câu có tựa đề là “Nhớ mong”, nói về một cô gái học lớp Đệ Lục (bây giờ là lớp 7), ngày nào cũng đạp xe đi học ngang qua nhà tôi (tôi học Đệ Tứ). Sáng nào, tôi cũng đứng ở góc vườn đợi nhìn cô đạp xe đi ngang trước khi đi học. Có lúc cũng đạp theo sau lưng cô, nhưng vừa đạp vừa run. Tôi còn nhớ bài thơ được đăng ở một góc nhỏ xíu, bên cạnh một ô quảng cáo dầu Nhị Thiên Đường chiếm gần cả trang. Lâu quá, tôi chỉ nhớ lỏm bỏm ít câu, xin ghi lại cho vui:

Em đi xe đạp ngang nhà
Góc vườn tôi đứng trông ra bồi hồi

Buổi chiều nhìn áng mây trôi
Nhớ em tôi viết mấy lời vu vơ

… Sáng nay không thấy em qua
Góc vuờn tôi đứng rất là nhớ mong ….

Trời ơi, mới đó mà 50 chục năm đã trôi qua rồi, anh Trung à.

LTT:

Thời gian lúc nào cũng vậy, thưa anh, có dừng lại bao giờ! Mới đó mà cũng đã năm mươi năm rồi những “nhớ mong” ngày nào! Nhơn những ngày đầu năm âm lịch, anh có thể chia sẻ một chút về việc tác giả giải thích về tác phẩm của mình, nó có mang một giá trị nào về mặt xác định tính chất hay hoặc dở của tác phẩm không, thưa anh?

TDN:

Như tôi có trình bày trong bài viết về cái gọi là “tác giả” (chắc anh cũng đã đọc qua trên Da Màu hay ở Hợp Lưu, bài “Tác giả, cuộc thăng trầm”), một khi tác phẩm đã ra đời rồi, ý kiến của tác giả giải thích về tác phẩm của mình cũng chỉ là ý kiến như bao ý kiến khác, không có một ưu tiên nào và không chắc đã đúng và có giá trị. Trước đây, ta thường cho rằng tác phẩm chính là tác giả, hay nếu không thì tác phẩm cũng mang nặng dấu ấn của tác giả. Hiểu được ý tác giả nói gì qua tác phẩm là xem như xong. Thực ra, sau này, người ta cho rằng không chỉ có tác giả, mà độc giả cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành ý nghĩa của tác phẩm. Ý nghĩa của tác phẩm là một liên kết tác giả-tác phẩm-độc giả. Ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm là một chuyện; ý nghĩa mà độc giả tìm ra khi đọc là một chuyện khác, có khi hoàn toàn khác. Chẳng lạ gì, có trường hợp, trong lúc tác giả tự cho rằng mình đã mang hết tinh túy của đời sống trải ra trên trang giấy thì độc giả lại không tìm thấy gì trên đó cả. Thậm chí, ngược lại. Dở và hay, theo tôi, không nằm trong thẩm quyền của tác giả.

LTT:

Như anh biết, khuynh hướng tả chân cổ điển diễn tả sự thật đúng như thật, nó luôn luôn chú trọng đến những phần xấu xa và hèn kém của con người. Nhơn nhắc đến khuynh hướng tả chân, tôi còn nhớ dường như người ta cần nhận định rõ là nên tả chân đến giới hạn nào? Chú trọng đến hạng người nào trong xã hội và cần nói lên những điều gì và bỏ qua những điểm nào không nên nói; rồi hướng về đâu trong kết cấu câu truyện và cách giải quyết câu truyện như thế nào… Từ những phân chia ra các khác biệt như vậy mà khuynh hướng tả chân ngày xưa thường được phân chia ra cá thảy chín, hoặc mười loại khác nhau…

Dường như trong các tác phẩm của anh mà tôi đã đọc như “Vết xước đầu đời”, “Căn phòng thao thức” và truyện dài “Dặm trường”, chúng nặng về tả chân, mà nhất là tả chân theo khuynh hướng cổ điển vừa nêu. Anh nghĩ sao về nhận xét này, thưa anh?

TDN:

Thú thật với anh, khi viết là viết, chứ tôi không hề tự buộc mình một khuynh hướng nào hết. Tuy nhiên, ám ảnh lớn nhất của tôi là phản ảnh được một phần nào đó diện mạo của hiện thực, của những gì mình đã từng trải nghiệm trong cuộc sống. Thì là tả chân đó thôi. Thú thật, tôi không rạch ròi chọn cách tả chân nào trong số những loại mà anh đã đề cập. Khác với một số truyện ngắn, dù là tả chân, nhưng chỉ là những nét chấm phá, trong “Dặm trường”, tôi đẩy tả chân đến độ đậm đặc. Thay vì khái quát hóa, tôi sự-kiện-hóa, chi tiết hóa hiện thực. Trong một lá thư gửi riêng, ông Võ Phiến bảo là “Dặm trường” “chật ních” sự kiện.

Chọn cách viết này một phần nào là do cách nhìn của tôi về diện mạo của cái xã hội lạ lùng sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Theo tôi, đó là xã hội của những sự kiện. Sự kiện tiếp nối sự kiện và bản thân con người cũng trở thành sự kiện. Nhìn quanh cuộc sống, ta chỉ thấy toàn là nhu cầu và những nhu cầu. Không có siêu hình, không triết lý, không lãng mạn… (Anh đọc lại một trích đoạn từ “Dặm trường” có tựa đề “Quen” đã đi trên Da Màu vào dịp 30/4/2010). Chỉ có con người và nhu cầu, con người và sự vật. Mọi người chấp nhận mọi thứ chỉ để được tồn tại. Giành giật, láo lường, phản bội. Mọi giá trị lộn tùng phèo. Những nhân vật trong “Dặm trường” sống trong một thế giới của sự kiện. Cách hay nhất là để cho sự kiện tự chúng nói lên ý nghĩa (facts speak for themselves). Do đó, thay vì đưa vào những cảm nghĩ và lý luận hay quan điểm (qua miệng của nhân vật hay ý nghĩ), tôi diễn tả sự kiện, dùng cử chỉ và những đối thoại thông thường. Nhân vật của tôi thường rất ít triêt lý mà chỉ “hành động”. Thay vì bày tỏ trực tiếp một thái độ, một nhận định, tôi đi lòng vòng quanh các sự kiện, mô tả chúng, vừa để dẫn người đọc hòa nhập được vào tình huống và tự tìm ra một “điều gì đó” trong cái mớ bề bộn các sự kiện.

LTT:

Về cái nét trong các nhân vật của anh, như trong bài viết “Thử đọc lại vài trang sách của Trần Doãn Nho”trên Da Màu, tôi có ghi nhận là nhân vật của anh dù nam hay nữ, dù hèn hay sang, họ có chung cái nét là khá thông minh. Thông minh trong ý tưởng, trong suy nghĩ, trong đối đáp và nhật là thông minh trong cách giải quyết những khúc quanh của cuộc đời. Họ không buông xuôi theo một định mệnh mang tính tắc trách nào. Họ lao vào đời và chấp nhận thân phận mình bằng tất cả trách nhiệm của một người trong cuộc. Phải chăng đó là tính cách đáng trân quý của những nhân vật tiểu thuyết hay là của những con người có thật trong dòng đời với biết bao biến thiên dâu bể một thời kỳ mà đất nước và con người bị xô đẩy vào con đường không còn một tia sáng le lói nào! Xin anh chia sẻ thêm một chút về cách tạo nhân vật cùng tính cách của các nhân vật ấy trong các truyện của anh được không, thưa anh?

TDN:

Anh cho rằng các nhân vật của tôi “Thông minh trong ý tưởng, trong suy nghĩ, trong đối đáp và nhất là thông minh trong cách giải quyết những khúc quanh của cuộc đời. Họ không buông xuôi theo một định mệnh mang tính tắc trách nào. Họ lao vào đời và chấp nhận thân phận mình bằng tất cả trách nhiệm của một người trong cuộc.”
Thực ra, nhân vật của tôi hầu hết đều là những nhân vật “lai”, anh Trung ạ. Tôi không hề có ý định tạo ra những nhân vật “chính diện” – hiểu như là cái gì đối nghịch với “phản diện”, với cái “không tà”. Nhân vật của tôi thường chênh vênh, tiêu cực, nửa chính nửa tà, luôn luôn tưởng mình làm chủ được các hành động của mình và các biến cố, trong lúc thực ra, họ bị cuộc sống lôi kéo đi… ngoài ý muốn. Đó là những con người thất bại, không những trong cuộc sống mà ngay trong chính ý định của mình mà không biết, vẫn cứ tưởng mình vẫn là mình, thậm chí vẫn tưởng mình... thành công. Trong các hành động của họ và ngay trong tâm tưởng của họ, biên giới giữa cái đúng và cái sai rất nhập nhòe, mờ nhạt. Đó là ý tưởng chủ đạo khi xây dựng nên các nhân vật trong các truyện ngắn, và đặc biệt là nhân vật Hạnh trong “Dặm trường”.

LTT:

Về “tính dục” trong truyện anh là một hiển nhiên. Cũng như trong các trang sách của Lâm Chương, trong văn anh lác đác những cảnh mật thiết giữa hai nhân vật nam và nữ là một cái gì đó nếu mà thiếu nó thì Trần Doãn Nho và Lâm Chương sẽ là hai nhà tu, không còn là hai nhà văn nữa rồi. Tôi thấy trong Dặm trường, cảnh hai nhân vật nam và nữ, họ gặp nhau sau những tháng ngày xa cách giữa cảnh rừng trầm mặc và những chiếc lá rụng thành một lớp dày rung chuyển dưới thân thể nóng bỏng của hai người đã làm cho Dặm trường mang đầy cái hương liệu tiểu thuyết của nó…

TDN:

Như anh nhận xét, yếu tố tình dục trong các sáng tác của tôi khá đậm.

Tình dục trong văn chương không phải là điều gì mới mẻ. Nó đã có mặt trong nhiều tác phẩm văn chương cổ điển Trung Hoa. Ở Việt Nam, truyện Kiều cũng phảng phất tình dục. Thơ Hồ Xuân Hương cũng thế. Ở miền Nam trước 1975, tình dục cũng đã có mặt trang văn chương, dù không được phổ biến. Chẳng hạn như “Tình cao thượng” của Nguyễn Mạnh Côn, một vài truyện ngắn khác của Võ Phiến hay trong truyện của Thế Uyên, Túy Hồng hay Nguyễn Thị Thụy Vũ… Nhưng nói chung trong một hoàn cảnh xã hội như xã hội miền Nam thời đó, tình dục trong văn chương vẫn còn là thứ tình dục “ấp úng”, chưa nhà văn nào can đảm khai thác đến nơi đến chốn. Sau 1975, ra nước ngoài, với một môi trường mới mẻ, cởi mở và được tiếp cận với văn chương thế giới, nơi mà chuyện tình dục chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”, tình dục trong văn chương Việt Nam Hải Ngoại dần dần cũng đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện.” Ở trong nước cũng thế. Không những trong văn mà còn ở trong thơ. Thực tình mà nói, đối với người sáng tác, tình dục là cuộc sống, là một chất liệu như các chất liệu khác cho sáng tác văn chương. Dẫu vậy, do nhiều nguyên nhân tâm lý cũng như xã hội, sử dụng yếu tố tình dục đòi hỏi sự đắn đo, thận trọng.

Với tôi, tình dục trong sáng tác cần phải có. Nó như một thứ gia vị, hay nói như anh, “một thứ hương liệu tiểu thuyết”. Văn chương, ngoài cái thơ mộng, dí dỏm, nhân bản…cũng phải có thêm cái gì đăng đắng, cay cay, mằn mặn, bùi bùi… để có thể vượt qua. Nói hơi quá, theo tôi, khuớc từ (hay lên án) đưa tình dục vào văn chương cũng là một… sự kỳ thị, kỳ thị với cuộc sống (cuộc sống vốn đâu có tội tình gì!), anh Trung à. Riêng cá nhân tôi, đưa tình dục vào một số sáng tác cũng có phần “méo mó nghề nghiệp”. Trước 1975, tôi có dịp nghiên cứu ít nhiều về phân tâm học, nên chịu ảnh hưởng. Với phân tâm học, như anh biết, tình dục đóng một vai trò khá quan trọng trong việc hình thành cá tính, quan điểm sống cũng như quan hệ với xã hội. Nó là một sức mạnh vô thức, phần nào chi phối các hành vi, cử chỉ và thái độ của con người.

LTT:

Như anh vừa nêu: “Với phân tâm học, tính dục đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành cá tính, quan điểm sống cũng như quan hệ với xã hội”. Xin anh nói rõ thêm một chút về quan điểm này và có gì làm bằng chứng cụ thể không, thưa anh?

TDN:

Phân tâm học là một lý thuyết tâm lý đưa đến nhiều thay đổi về tư tưởng trong thế kỷ 20, khó có thể giải thích qua chỉ vài dòng hay một bài viết ngắn, anh Trung à. Như tôi đã nói, tôi bị “méo mó nghề nghiệp”, nghĩa là bị ảnh hưởng, nên tìm cách xây dựng nhân vật dựa trên một vài quan điểm mà thực sự đến nay vẫn còn là đề tài tranh cãi. Thành thử nếu anh hỏi bằng chứng thì tôi… đành chịu.

LTT:

Theo ý tôi, khi sáng tác, có thể người ta dựa trên sự thật, có thể hoàn toàn là hư cấu; nhưng hư cấu hay sự thật, cả hai đều không quan trọng bằng những tiếng động, những lời thì thầm, những gì đã xảy ra có hợp với tâm trạng và cảnh ngộ của hai nhân vật vào một khoảnh khắc ngàn vàng đó hay không mới là điều quan trọng. Và sự việc xảy ra mà không làm trục trặc dòng suy nghĩ của người đọc, không phải đặt lại những câu hỏi tại sao họ gặp nhau ở giữa rừng và tại sao họ lại hiến thân cho nhau, vân vân và vân vân. Điều đó cho thấy dù là hư cấu hay có thật, tác giả đã làm xong phần viết truyện của mình một cách hoàn bị rồi. Còn truyện có được khen hay chê, nhân vật có còn được ai nhớ và nhắc hay không, lại là phần khác, không phải do nơi tác giả nữa. Anh nghĩ sao về nhận xét thiển cận này?

TDN:

Chắc là anh đề cập đến đoạn cuối của “Dặm trường”, là đoạn mô tả cảnh gặp gỡ bất ngờ giữa rừng trong trại cải tạo giữa nhân vật chồng và nhân vật vợ, hai người ân ái với nhau sau đó mới nhận ra nhau. Phải không anh Trung?

LTT:

Phải, anh Nho à.

TDN:

Cũng như anh, nhiều độc giả thắc mắc, không phải vì cảnh ân ái, mà cảnh vợ chồng gặp nhau mà không nhận ra nhau. Cảnh đó hoàn toàn phi lý và nói như anh, có gì “trục trặc”. Vâng, không những trục trặc mà hoàn toàn trục trặc. Thực ra, đó là một trục trặc cố ý. Thay vì để cho độc giả khép sách lại và… đi chơi, tôi muốn để lại trong đầu độc giả một dấu hỏi, nghĩa là một trục trặc. Kể ra như thế là có phần “gian”.

Thông thường thì dù là chấp nhận hư cấu, người ta thích mọi sự đều diễn ra hợp tình, hợp lý và không quá xa sự thật. Kết thúc của “Dặm trường”, nếu có thể gọi là một “kết thúc”, đều nằm ngoài cả ba cái đó. Tôi chọn kiểu kết thúc này như một giả thiết. Anh để ý mà xem, trong suốt truyện, tôi đã đưa vào bao nhiều điều vô lý tưởng chừng như không thể nào có trong cuộc sống, ấy thế mà chúng lại là sự thật, chẳng hạn như cả chuyến tàu đều bị tuôn hết hàng hóa, hoặc chuyện đổi tiền năm 1985 hay chuyện “xây dựng xã hội chủ nghĩa”… Hay gần đây hơn, biến cố 11/9 ở Hoa Kỳ. Thực mà như ảo và còn hơn cả ảo. Ảo mà lại như thực. Biên giới giữa thực và ảo không lúc nào mỏng manh như lúc này. Có điều, nếu độc giả lưu ý cách đối thoại và khung cảnh mà tôi cố ý tạo ra, thì đó một cảnh giả. Tất cả chỉ là do lòng “tơ tưởng” đi đến độ hoang tưởng của anh chàng tù nhân Lục vắng đàn bà lâu ngày mà sinh ra (cảnh trong rừng này là cảnh tôi đã kinh qua vô số lần khi ở trong trại tù khi đi tìm bổi, giang, lồ ô…). Khi viết chương này, tôi nghĩ đến cái thời hồng hoang, thời của Adam và Eva. Tôi cũng nghĩ đến Hạnh như một bóng ma, có thể lúc đó đang bị chìm tàu trong một chuyến vượt biên nào đó ngoài khơi Thái Bình Dương. Tóm lại, là giả thiết. Bằng cách bắt chước cái gọi là “hiện thực thần kỳ”, từ chỗ rất hiện thực, tôi đột ngột đẩy tất cả vào hoang đường. Từ thực, tôi đẩy đến ảo. Như là một lối thoát ra khỏi không khí chất chứa toàn là sự kiện trong suốt truyện.

Nhà văn Phạm Xuân Đài (trong bài “Đọc Dặm trường”, Thế Kỷ 21, số 150, tháng 10/2001) phần nào chia xẻ tâm tư của tác giả, khi ông nhận xét: “Chương cuối là một chương mang không khí siêu thực. Sự việc diễn ra như một tượng trưng, một cô kết thoát khỏi mọi thực tế tàn nhẫn của cả một bi kịch dài (…) Ngay đối thoại của họ sau đó cũng như những lời vang vọng từ đâu đó của hoang dã”.

Nhiều độc giả khác không chia xẻ cái nhìn đó.

Riêng anh, anh nhận xét: “Điều đó cho thấy dù là hư cấu hay có thật, tác giả đã làm xong phần viết truyện của mình một cách hoàn bị rồi. Còn truyện có được khen hay chê, nhân vật có còn được ai nhớ và nhắc hay không, lại là phần khác, không phải do nơi tác giả nữa.”

Đúng như thế, anh Trung à. Công việc của tác giả là: hoàn tất tác phẩm. Và chỉ như thế mà thôi. Theo tôi, thái độ hay nhất của tác giả là: đừng nên hoang tưởng về tác phẩm đã ra đời của mình.

Riêng tôi, khi viết xong mấy trăm trang chữ của “Dặm trường”, đọc đi đọc lại, sửa lên sửa xuống, thêm đoạn này bỏ đoạn kia, lòng phân vân không biết số phận nó như thế nào, tôi nghĩ đến người phụ nữ mang nặng đẻ đau, bèn viết ở trang cuối cùng: “Viết rồi, đọc lại, muốn viết lại từ đầu, nhưng quá muộn. Nó đã chào đời.” Và tôi quyết định cho nó ra đời, lòng bỗng dưng nhẹ nhõm.

Hơn mười năm sau, đọc lại, cảm giác cũng không mấy khác. Vâng, với tôi, “Dặm trường” chứa đựng nhiều nhược điểm điển hình của một truyện dài đầu tay. Không những chỉ “Dặm trường”, mà đọc lại những gì mình viết, bao giờ tôi cũng có cảm giác thất vọng. Nếu xem mỗi tác phẩm là một đứa con thì đứa con nào dường như đều có khuyết tật. Thế mà lạ, tôi vẫn tiếp tục viết. Và rồi lại thất vọng. Tôi nhận ra một điều, anh Trung à: cái lạ của văn chương là không phải cứ thích viết hay là nó hay và thích… viết dở là nó dở. Văn chương cũng không hẳn là sở học. Không hẳn là tay nghề. Văn chương không phải là thứ người ta có thể cưỡng cầu. Văn chương hình như chỉ là… văn chương. Thích viết ư, mời cầm bút lên mà viết. Bằng tấm lòng. Hay ư, dở ư…

Nhưng tôi vẫn có cảm giác tự hào: sự có mặt. Đối với những gì tôi đã viết ra, tôi không “cưng” chúng, nhưng thành thật quý chúng. Văn chương, nghĩ cho cùng, là sự có mặt. Với tôi, viết là một cách thế hiện diện. Hơn thế, một thách đố với những thất vọng về chính mình. Trong một hy vọng vượt qua khỏi mình. Chừng đó là đã quá lớn cho một giấc mơ rồi, anh Trung à!

LTT:

Lâu này, tôi thấy anh cũng viết lai rai, nhưng không đều đặn như thời gian đầu khi mới qua định cư. Lâu quá mới đọc được tùy bút “T(uy)ết trắng” của anh trên Da Màu vào ngày mùng một Tết Tân Mão này. Thời gian sau này, hình như cách viết của anh có khác. Anh có còn viết thêm truyện nào mang đậm chất tính dục nữa không? Và với anh nhơn Tết này, ở khía cạnh viết lách, anh mê gì nhứt trong những ngày sắp tới, thưa anh?

TDN:

Hiện nay, đề tài tính dục không còn (hay ít) ám ảnh tôi nữa. Sau một số thử nghiệm, tôi có cảm giác mình vượt qua được nó rồi. Có lẽ vì trong xã hội Mỹ (và xã hội Việt Nam hiện nay), yếu tố tính dục không còn bị húy kỵ như xưa, nên vấn đề chuyển sang phía khác. Tôi lại bị ám ảnh bởi một yếu tố khác: chữ. Chữ/ nghĩa là động lực gây ra vô vàn điều xấu trên thế gian. Chữ và nghĩa, hai vấn nạn lớn của con người trong thời đại truyền thông. Chung quanh ta toàn là chữ và chữ. Số chữ thì giới hạn mà nghĩa thì vô cùng. Chúng ta bị chữ vây bủa và uốn nắn mà vẫn cứ tưởng mình làm chủ được mình. Tôi đang tìm hiểu về “Ký hiệu học” (Semiotics) là môn nghiên cứu về các ký hiệu (signs), đặc biệt là chữ và vấn đề ẩn dụ (cũng liên quan đến chữ) và dự định viết một tiểu luận về vấn đề này. Và cũng đang sáng tác một truyện ngắn liên quan đến “chữ”. Ngoài ra, trong năm này, tôi sẽ in tiếp một tập truyện ngắn gồm có những truyện và tùy bút tôi đã viết trong thời gian trước đây.

LTT:

Ngoài ra, được biết anh còn ký bút hiệu Thế Quân trong mục "Tin Văn" trên tạp chí Văn Học ở California do nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm chủ bút. Với công việc này chắc anh phải đọc báo văn học ngoại quốc nhiều, dĩ nhiên mất nhiều thì giờ. Anh có thể chia sẻ một chút về công việc đúc kết các trang tin văn này và những trở ngại cùng lợi ích của công việc đúc kết này trong sáng tác của anh có nhiều lắm không, thưa anh?

TDN:

Cám ơn anh nhắc đến Thế Quân. Vâng, với bút hiệu này, tôi đã phụ trách phần “Tin Văn” cho tờ Văn Học trong gần 4 năm, từ số 179 (tháng 3/2001) cho đến số 222 (tháng 11&12 /2004, khi Văn Học được chuyển giao cho nhà văn Cao Xuân Huy. Trong những lần ghé quận Cam (California), thăm anh Nguyễn Mộng Giác, chứng kiến anh một mình một chợ dành rất nhiều thời gian để chăm lo cho tờ Văn Học, với tấm lòng muốn duy trì tiếng nói văn chương của người Việt hải ngoại, thấy anh Giác gần như hy sinh công việc sáng tác, tôi nhận lời tiếp tay anh bằng cách phụ trách hẳn phần Tin Văn. Một mặt, để phổ biến tin tức và văn học thế giới đến độc giả Việt Nam, mặt khác, để lấp đầy một số trang, đỡ đi một phần nào nỗi lo lắng bài vở mà người chủ biên nào cũng đêm ngày lo lắng. Với trung bình khoảng 10 trang tin văn cho một số báo, tôi cũng khá bận bịu. Ngày nào cũng phải đọc nhiều tờ báo văn học khác nhau, tìm tin, lựa tin rồi tra cứu về tác giả và tác phẩm. Đọc và dịch. Với ý định để cho độc giả nắm vững ngọn nguồn, nói là tin, thực ra, không chỉ là đưa tin, bản tin nào tôi cũng cố gắng viết như một bài viết và có khi viết hẳn thành một tiểu luận.

Lúc đầu là do muốn đóng góp, đến khi quen, tôi đâm ra thích thú với công việc. Vì nhờ đó, mà tôi có dịp đi sâu vào sinh hoạt văn chương thế giới, có dịp tiếp cận được cái phong phú, cái đa dạng của văn chương nhiều nước. Càng biết, càng học hỏi mới càng thấy mình nhỏ bé và càng thấy cái cộng hòa văn chương Việt Nam mình còn chật chội, còn thiếu thốn, còn khiêm tốn quá.

Tôi xem thời gian phụ trách Tin Văn cho tờ Văn Học là thời gian nghiên cứu và học hỏi. Cuốn “Tác giả, tác phẩm và sự kiện” là thành quả của thời gian làm Tin Văn.

LTT:

Xin chân thành cảm ơn anh đã chia sẻ vài chi tiết về cách viết truyện của anh, giúp tôi lãnh hội thêm phần nào tâm lý các nhân vật mà anh dựng nên với nhiều dụng ý. Nhơn dịp đầu năm mới Tân Mão, kính chúc anh và gia đình nhiều sức khoẻ, vạn an. Và lúc nào tôi cũng hy vọng đọc được thêm nhiều các sáng tác mới của anh trong những ngày sắp tới.

TDN:

Anh Lương Thư Trung thân mến,

Vai hàng chia xẻ cùng anh. Như là một kỷ niệm. Rất bạn bè và rất văn chương. Cho tôi gửi lời thăm chị và các cháu cùng cháu ngoại và cháu nội.

LTT:

Anh Trần Doãn Nho,

Một lần nữa xin cảm ơn anh rất nhiều.
Trân trọng kính chào anh.

(Thực hiện qua điện thư.

Houston, Ngày Mùng Sáu Tết Tân Mão, nhằm ngày 09-02-2011)