Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 295): Bể dâu – Nam Dao (14)

Bí thư Ðảng quát tháo ‘‘Không đại diện đại diếc gì cả Thế là trái nguyên tắc’’. Anh em tù bàn nhau, tuyệt thực một vài ngày làm áp lực. Dũng lại bô bô ‘‘Ăn thì ăn đói, không ăn vài lát sắn nhưng không đi lao động, chẳng sao cả’’. Sáng hôm sau, đa số tù nghe tiếng kẻng đánh sáng, nhưng không dậy, nằm ì ra. Thiếu tá Cát đến tận nơi, Sư huynh kê ra những yêu cầu của tù. Ðến ngày thứ hai, tù hình sự cũng biểu dương đoàn kết, không ăn, không đi sản xuất. Bí thư ra lệnh biệt giam bọn phá thối, trong đó có Sư huynh và Dũng. Ba ngày sau, thình lình bọn biệt giam được thả. Bí thư nói với Sư huynh, ‘‘Ðảng vẫn lãnh đạo, đồng chí trại trưởng quản lý! Còn anh, đại diện cũng được. Như công đoàn thôi, có sai nguyên tắc đâu!’’. Sư huynh mỉm cười, đã định hỏi ‘‘Nhưng ai làm chủ?’’ nhưng kìm lại, chỉ lễ phép cám ơn.

Tối hôm đó, Dự gấu đến thăm Sư huynh, nói lại việc đại diện cả cho ‘‘bên chúng em hình sự’’. Dự kể, ‘‘Thưa bác, để góp vào khí thế đấu tranh, em thưa với đồng chí Bí thư là cứ thế này thì hai ngày nữa em sẽ cho ‘‘đọp’’ con nái xề nhà ông cụ thân sinh ra Bí thư đấy!’’. Ðồng chí Bí thư bỏ Dự vào khu biệt giam nhưng quả là con nái xề bị bắn chết. Sợ quá, ông ta thả Dự. Dự lại bảo, ‘‘Sau con nái mà không giải quyết thì sẽ đến cụ ông ‘‘nhà ta’’, rồi cụ bà ‘‘nhà ta’’. Thằng này có cả một đội ‘‘gấu’’ hoạt động bên ngoài, muốn làm thì dễ lắm!’’. Ðồng chí Bí thư tái mặt, nhưng biết Dự không đùa, đành thay đổi chính sách.

Sư huynh tò mò, hỏi đội ‘‘gấu’’ là cái gì? Dự hềnh hệch ‘‘Thì cái đám đầu quân cho em ấy mà’’. Dự kể, mười bảy tuổi Dự tình nguyện vào bộ đội đi chống Mỹ cứu nước, để lại mẹ một mình ở quê. Bảy năm sau, giải phóng xong thì Dự về. Tìm mẹ, ra đồng Dự thấy mẹ thay trâu kéo cày. Dự ứa nước mắt, thề là sẽ không để mẹ mình khổ như súc vật. Tiền lương phục viên một mình chỉ ăn cũng không đủ, ruộng thì ruộng cằn, công điểm Hợp Tác xã gộp cả hai mẹ con lại mà vẫn đói. Bạn bè rủ rê, Dự quyết định đi buôn. Tuy lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng vẫn còn hơn trước, Dự chỉ định lợp cho mẹ cái mái nhà đã dột gần chục năm rồi thôi, nhưng công an xã một hôm ập đến bắt, đưa Dụ về giam ở Huyện. Vì được phong anh hùng và sau được kết nạp vào Ðảng, Dự chỉ bị hai tháng ‘‘quản lý’’ rồi tha. Dự ức, bảo với mẹ là con lên vặn cổ thằng xã đội. Mẹ Dự khóc, quì xuống níu chân Dự, kêu ‘‘Mẹ chỉ còn mình con, chớ có liều mạng!’’. Thế là Dự đành thôi, lại đi, nhưng sau về đưa cho mẹ cả cuộn tiền, xây nhà gạch và tung tiền ra quà cáp cho các vị ‘‘lãnh đạo’’ xã, lại còn giúp xây dựng hạ tầng cơ sở bằng cách mua máy bơm và đào giếng cho cả làng.

Sư huynh ngạc nhiên:

- Cậu làm gì mà ra tiền đến như vậy?

- Thì em vẫn ‘‘ba lô lộn ngược xuôi đường Bắc – Nam’’ chứ còn làm gì nữa. Nhưng lần này, em buôn ‘‘trôn’’ bác ạ...

- Buôn trôn?

- Vâng, bác đừng cười! Em bán cho bọn chuyên gia Thụy Ðiển ở nhà máy giấy Bãi Bằng bác ạ!

-???

- Ðơn giản thôi, các bác trí thức cả, hiểu ngay...

Thấy Sư huynh đờ người ra, Dự đập đập tay như diễn thuyết, tiếp:

- Này nhé, có hai mặt: vật chất và tinh thần. Nhưng qui luật vận động, vật chất trước, tinh thần sau. Cho nên cái chuyện vật chất nó quan trọng lắm. Thế thì em hỏi bác, bọn chuyên gia nó thiếu cái gì, nó thừa cái gì?

- ...

- Này nhé, nó là tư bản nhưng loại tốt sang giúp ta. Giúp được, tức nó thừa tiền. Nhưng nó thiếu cái ‘’ấy...’’ ấy mà. Bác hiểu chưa? Mình có cái ‘‘ấy’’ cho nó, nó có tiền cho mình. Thế là em móc nối tài xế xe tải, công an và đi ‘‘vận động’’ phụ nữ, hà hà...

- Ðâu đơn giản, ngoài Bắc chặt chẽ lắm chứ, Sư huynh ngắt.

- Chặt đánh kiểu chặt, bác ạ. Ta đánh Mỹ mà còn thắng cơ mà! Phải tổ chức. Em học sách Lê-nin, có ba điều quan trọng, là tổ chức, tổ chức và tổ chức. Vả lại, mình nắm qui luật vật chất là yếu tố quyết định mọi vận động. Vấn đề là đừng tham. Phải biết chia, và phần em, em chỉ có một phần năm thu nhập, còn lại một phần năm là chị em phụ nữ, một phần năm là tài xế, và còn lại chia cho công an giao thông, công an gác nhà máy, liên lạc đường dây... Thế mà chỉ ba tháng ‘‘thu hoạch’’, em xây nhà gạch cho mẹ em. Bà cụ sợ lắm, hỏi mày làm gì lắm tiền thế này. Em đáp, đánh bạc, bu ạ! Nhưng em mắc phải một cái sai lầm cơ bản...

- Sai lầm thế nào? Sư huynh vừa ngạc nhiên vừa buồn cười, thắc mắc đưa mắt lên nhìn.

- Em không kín đáo. Xây nhà, đào giếng... lộ liễu quá. Em ‘‘mua’’, chỉ mua được xã. Bọn công an Huyện rình rập. Thế là toi, ‘‘phi vụ’’ bị chúng nó đánh tơi tả. Em thì bị một ‘‘lệnh’’ ba năm, trong khi đó dịch vụ bán trôn của em thì công an Tỉnh nó vào nó nắm, vẫn làm ăn như xưa...

Dự thở dài:

- Thế là chỉ ‘‘hoạt động’’ được hơn một năm, tiếc thật! Bác không biết, em ân hận lắm cơ. Cũng chỉ vì cái bệnh mẽ, sĩ diện và lại trả thù kiểu cho chúng mày biết tay ông nên mới ra cơ sự. Xưa, em suýt chết mấy lần là vì muốn thành anh hùng diệt Mỹ đấy, bác ạ!

- ...

- Cha tiên sư chúng nó, có đứa nào biết là em cắn răng làm anh hùng đâu. Sợ lắm, sợ ơi là sợ. Sợ quá hóa liều. Liều xong lại sợ. Những thằng anh hùng đa phần chết cả, có bao nhiêu sống để mà được phong anh hùng. Khốn nạn nhất là những thằng được ‘‘tổ chức’’ cho đi phong anh hùng những thằng khác. Chúng nó thúc cho có anh hùng thật đông để chúng mũ áo xênh xang, nhân danh cuộc chiến đấu thần thánh, ban phát huy chương, xướng ‘‘quyết tâm’’, vỗ tay hát Ðảng ca, Quốc ca và nhắc lời Bác Hồ...

Dự đang nói, bỗng im bặt, khuôn mặt chìm vào bóng tối trừ cặp mắt cứ long lanh như có nước mắt. Một lát sau, Sư huynh hỏi:

- Thật tình... Tại làm sao bên hình sự muốn chúng tôi làm đại diện?

Không đáp ngay, Dự hỏi xin một điếu thuốc lào. Rít điếu cày khành khạch, Dự nhả khói, mắt lim dim một lát. Ngồi lên, Dự nhẩn nha:

- Nói thật với bác, bị bắt như em có vốn còn giấu được. Ở trại Tân Lập trước khi có chiến tranh biên giới, em ‘‘sinh hoạt’’ với một đường dây buôn lậu từ Vân Nam, có trách nhiệm phân phối về vùng đồng bằng và nhất là những thành phố lớn. Chiến tranh xảy ra, dịch vụ ngừng nhưng nay đã bắt đầu ‘‘hoạt động’’ trở lại. Nhìn thẳng vào mắt Sư huynh, Dự tiếp - Em định dùng cái trại Vĩnh Quang này như một điểm ‘‘dừng’’ hàng, vì vậy, với các bác, yêu cầu sắp tới là thúc đẩy quan hệ dịch vụ với ‘‘cánh’’ chợ thị xã. Nhưng em đảm thêm chuyện thuốc tây để ‘‘ngụy trang’’, mà làm thì phải có các bác ‘‘gia công’’. Mọi nơi, ai cũng bảo đường dây là ‘‘thuốc’’ từ miền Nam vào, sẽ lời, lời to...

Sư huynh à một tiếng. Thì là vậy. Nhưng với Dự gấu, Sư huynh thừa hiểu muốn hay không muốn mình cũng lên ngồi lưng cọp rồi. Sư huynh ôn tồn:

- Cậu biết, anh em tù chính trị chỉ mong về với gia đình thôi, có ai muốn buôn bán gì đâu!

Nhảy nhổm lên, Dự reo:

- Em cũng biết thế. Em bảo đảm công việc không những không cản trở, mà còn làm ngày về các bác sớm hơn. Tất cả là tổ chức, tổ chức và cuối cùng vẫn là tổ chức. Dự chép miệng, em mà được sống ở nước tư bản thì phải biết, em sẽ cho thế giới biết tay! Vấn đề, hãy nắm vững qui luật vận động... Ðấy, châm ngôn của em chỉ có vậy. Nhưng bác cứ yên tâm. Sáng mai, Trại sẽ trả dụng cụ chuyên môn của bác sĩ Nhân. Sau đó, cả trại sẽ vật một con trâu liên hoan với nhau, quên mấy ngày tuyệt thực, cùng nhau... hướng tới tương lai.

Xòe tay ra, Dự huỵch toẹt:

Lãnh đạo trại chúng nó ở hết trong này, sau cần gì bác cứ thông báo cho em biết...

Sư huynh lắc đầu, thầm nhủ, ghê thật, một xã hội ra ngõ cũng gặp anh hùng. Kiểu Dự, thứ anh hùng đặc biệt vỡ đất chui lên, không ý thức bất cứ gì ngoài sự tồn tại trước mắt của chính mình. Nhưng với cái qui luật vật chất là yếu tố vận động tất yếu, kiểu anh hùng bất chấp đạo lý và phó mặc mọi tương lai không phải là loại anh hùng đáng sợ nhất. Bọn đáng kinh đáng gờm, Sư huynh thầm nghĩ, là bọn đi phát tước vị anh hùng. Và biết đâu mai mốt, kẻ đi phát tước vị anh hùng kiểu này lại cũng sẽ là Dự, người nắm được ‘‘qui luật’’.

*

Sinh hoạt thường nhật ở trại Vĩnh Quang bề ngoài không thay đổi, nhưng thật ra cuộc sống đã có những xáo trộn đáng kể. Tiếp tế cho tù, nay người nhà chỉ cần gửi thuốc tây, vừa nhẹ, vừa có thể đổi ra tiền và mua bán bất cứ cái gì ở chợ Vĩnh Yên. Bệnh xá không ở tình trạng chỉ chữa bệnh bằng Xuyên Tâm Liên, nay có những loại thuốc thông dụng và một ít trụ sinh. Nhân không còn đi trồng sắn. Tiếng là đến Bệnh Xá làm công tác trợ y, nhưng thực chất Nhân trở thành ‘‘ông thầy’’. Ðồng chí y sĩ được đào tạo theo hệ miền Bắc không nắm cách sử dụng thuốc mua ở miền Nam, phần lớn là thuốc Pháp hoặc Mỹ.

Người lo trong bụng nhưng không dám nói ra là Sư huynh. Thuốc tây chỉ là cái bình phong để trại Vĩnh Quang có cớ ‘‘thông thương’’ với con ‘’phe’’. Thật ra thuốc phiện mới là mặt hàng chính. Dự móc lại đường dây Vân Nam, dần dần chiếm một vị trí khá quan trọng, cung cấp cho thị trường một số tỉnh miền Bắc. Nhưng kẻ ra mặt chống lại chính sách ‘‘hòa hợp hòa giải’’ với ban lãnh đạo Trại cải tạo Vĩnh Quang là Thưởng. Vốn nhăn nhó, nay Thưởng càng nhăn nhó, gần như không nói chuyện với ai khác ngoài Nhân, lao động xong là tìm một góc ngồi quay mặt vào vách, tu theo cách thiền diện bích.

Thưởng xuất thân từ một dòng họ có tiếng tăm gốc gác, tốt nghiệp khóa đầu Chính trị - Kinh doanh Ðà Lạt, qua Mỹ học một khóa bồi dưỡng rồi được bổ nhiệm làm giảng viên tại trường Quốc gia - Hành chánh, nơi đào tạo cán bộ chuyên viên trung cấp của chế độ Sài Gòn từ thời Ngô Ðình Diệm. Lấy vợ sớm, Thưởng có hai đứa con trai, thằng anh, mười tám tuổi, thằng em năm nay mười sáu. Vợ Thưởng là con một, ở với mẹ, cha nghe nói thất lạc từ khi nàng sinh ra, không biết sống hay chết. Mẹ vợ Thưởng ở vậy nuôi con, và khi con lấy chồng thì xin để Thưởng ở rể. Sau đó ít lâu, cha mẹ và các em Thưởng đều có quốc tịch Pháp quyết định sang sống ở Paris. Thưởng không đi, tiếp tục giảng dạy cho đến ngày giải phóng.

Ngay quí đầu năm 76, Thưởng ra học tập cải tạo với những Bộ trưởng, Thứ trưởng và đám Tướng, Tá cao cấp của ‘‘ngụy’’ quyền. Thời gian đó, bố vợ Thưởng liên lạc được với vợ con. Ông ta gốc Huế, hiện là Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao, nhưng nay đã có gia đình mới. Vợ Thưởng nắm tay ông khóc, xin ông thương hai đứa cháu ngoại, làm thế nào để Thưởng về đoàn tụ với gia đình. Không biết bàn tính ra sao, gia đình hiến căn nhà ở Sài Gòn cho Cách Mạng, kéo nhau lên vùng kinh tế mới vùng Bảo Lộc. Vào đầu năm 79, đứa con trai lớn của Thưởng bỗng biệt tích, sau mới biết nó vượt biên đường bộ, qua đến Campuchia thì bị bắn chết. Ông Thứ Trưởng vào đến tận Bảo Lộc, đề nghị đưa cả nhà về Hà Nội. Vợ cũ ông thấy không ổn, quay lại Sài Gòn. Vợ Thưởng chẳng nỡ để mẹ một mình nên cuối cùng chỉ để đứa con út của Thưởng về ở với ông ngoại, có thế may ra mới tránh được cái chuyện phải đi nghĩa vụ nếu chiến tranh kéo dài.

Phần gia đình Thưởng, ông chú xưa từng đi Nam Tiến, tham gia Chiến Dịch Biên Giới, sau là một trong những vị tướng chỉ huy mặt trận Ðiện Biên Phủ và hiện còn công tác ở Bộ Quốc Phòng. Cha Thưởng ở Paris thư về, gửi tiền và nhờ chú thăm nom cháu. Chú Thưởng dĩ nhiên nhận, nhưng quà thăm nuôi Thưởng chỉ có một cái ca làm bằng nhôm, và mấy chữ ‘‘Nhôm là nhôm cánh máy bay B-52, cháu mỗi lần uống nước thì nhớ nguồn để đừng quên tội ác của Ðế Quốc’’. Thưởng cười nhạt, khoe bạn bè, rồi lấy đinh đục đáy ca, nước cứ đổ vào là chảy ra có vòi. Thưởng tuyên bố ‘‘Tình nghĩa vô gia đình nó thế!’’. Khi ông chú Thưởng đi xe Volga lên thăm, Thưởng nhất định không gặp. Vị Hoà Thượng suýt chết vì nếm trái trẩu ôn tồn: ‘‘Ông không nên thế, chắc đằng sau có gì khúc mắc đấy. Hãy xả lòng thương, từ đó mới xóa được những đường ranh chia cắt chỉ làm khổ mọi người’’. Thưởng không nghe.

Có lẽ Đức cha Thuận, nghe nói là cháu Ngô Đình Diệm, là người độc nhất Thưởng chịu chuyện trò bàn luận dẫu Thưởng không phải là người công giáo. Cha Thuận từ tốn, không đòi hỏi gì, tự nguyện lao động như tất cả anh em tù. Khi tù người đạo Công giáo chết, cha rửa tội cho họ vào giờ lâm tử, mặc dù quản giáo cấm đoán. Cha nói với Thưởng ‘‘Ông ạ, theo như tôi hiểu, thì ‘‘họ’’ cũng mang ước vọng của Thiên Chúa chúng tôi. Nhưng họ cuồng tín, tin vào ý chí và nhất là tin vào tư duy khoa học thời Thế kỷ Ánh Sáng, cho rằng có thể thay Thiên Ðàng của chúng tôi bằng Ðịa Ðàng - tức là cái thế giới Ðại Ðồng - của họ! Vì thế, chúng tôi cho rằng ‘‘họ’’ là cuồng đồ của Thiên Chúa giáo!’’. Thưởng phụ họa ‘’Họ tin thế nào chẳng biết nhưng cái họ gọi là ‘‘tổ chức’’ Ðệ Tam Quốc Tế, sao mà nó giống cách tổ chức của Giáo Hội Roma đến thế!’’. Cha Thuận cười ‘‘Thì sau Lê-nin là Stalin, mà Stalin vốn là tu xuất, thế cũng dễ hiểu!’’. Lại nghiêm nghị, cha Thuận ôn tồn ‘‘Chúa chúng tôi dạy, có một điều tối quan trọng là lòng thương... compassion ấy mà! Ðó là chiều kích con người mà u mê quên đi thì chỉ có Ðịa Ngục trên thế gian này chứ làm gì có Ðịa Ðàng!’’.

Thưởng không chịu được cái Thưởng cho là khoan nhượng về nguyên tắc để đổi lấy quyền lợi chia chác tiền lời từ buôn thuốc tây, nên chỉ có mỗi Nhân là Thưởng còn nói chuyện khi cha Thuận chuyển trại về Hà Đông. Một hôm, Thiếu Tá Cát báo Thưởng là ông Thứ Trưởng Ngoại Giao, mẹ và vợ Thưởng cùng đứa con đã lên thăm nuôi nhưng Thưởng nhất định từ chối không gặp. Ngày sau, ông Thứ Trưởng về Hà Nội. Số người kia ở lại, đã ba ngày, đợi Thưởng đổi ý. Quà thăm nuôi, Thưởng trả lại. Thư vợ Thưởng nhờ đưa vào, Thưởng xé trước mặt quản giáo, không đọc. Cát đến nhờ Nhân thuyết phục Thưởng. Chưa kịp nói gì, Thưởng choảng ngay ‘‘Sứ giả hả?’’. Nhân gật, quạt lại ‘‘Chẳng phải tôi được gì, mà vì cái độc đoán bất cập nhân tình của anh. Anh mà là cộng sản thì bỏ mẹ chúng tôi! Anh còn ‘‘ghê’’ hơn họ nhiều...’’. Chẳng ai ngờ là Nhân nói kiểu thuốc đắng dã tật mà lại có tác dụng. Thưởng đồng ý, nhưng chịu gặp một mình thằng con út, và không cho quản giáo đến dòm ngó. Gặp con, Thưởng ôm lấy, chỉ biết khóc. Cuối cùng, Thưởng bảo nó ‘‘Con đi đi, đừng ở với ‘‘chúng nó’’’’. Thằng bé ngỡ ngàng, hỏi ‘‘Ði đâu hở bố?’’ Thưởng nghiến răng ‘’...qua Lào, vào sứ quán Pháp khai ông bà nội ở bên Pháp’’, rồi đẩy con ra khỏi phòng đón tiếp của trại.

*

Sóng lớn thường đến từ những cơn dông rất nhỏ. Cơn dông trong trại Vĩnh Quang thuộc loại gió vụng trộm. Nhưng cũng chính vì thế mà nó còn tác dụng cánh bướm, tạo ra một cơn bão suýt đánh sập những niềm tự hãnh cao ngạo nhất của tập đoàn chiến sĩ công an, một ngành có khẩu hiệu là bạn dân, sống với dân như cá với nước.

Sóng đến từ giọng ca của Dũng, tức Chế Linh của trại tù, được lên trình diễn văn nghệ Tết năm Dậu. Dũng cầm micro, nhưng không hát nhạc Cách Mạng kiểu ôpêra Liên-xô mà hạ giọng nghẹt mũi miền Nam, mùi mẫn rên rỉ ‘‘Em, cô gái ơi... Súng trên vai sao vuông cài mũ, em đi về đâu mà mắt em tươi sáng’’. Tiếng hát lọt qua cửa lòng một chiến sĩ ‘‘gái’’ tên Mai ôm ghi-ta đệm. Mai hiện làm nhiệm vụ an ninh của Bệnh Xá, chồng là một Trung Úy công an đang công tác hình sự ở thành phố Vĩnh Yên. Vốn con một cặp đồng chí tập kết, Mai học và tốt nghiệp cùng khóa đào tạo công an với chồng, nhưng ở lại miền Bắc chứ không theo ba má vào tiếp quản Sài Gòn. Nàng đậm người, tính hồn nhiên và từ khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn thì mê, không có ai bên cạnh là lẩm nhẩm một mình ‘‘vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xăm’’. Nghe Dũng hát, Mai bỗng có cái ý ngồ ngộ, là nếu Dũng mà hát nhạc Trịnh Công Sơn thì chắc ‘‘cực kỳ’’. Ông Trời khéo chiều Mai. Dũng bị đau ruột thừa, phải vào nằm Bệnh Xá. ‘‘Ông thầy’’ nói không cần mổ, chỉ tiêm trụ sinh, sau cần mới chuyển Dũng đi bệnh viện Vĩnh Yên. Quả thế, chỉ ba ngày sau thì Dũng đi lại được, và Mai đã học xong ba bốn bản nhạc vàng, nay thôi ‘‘như cánh vạc về chốn xa xăm’’ mà bắt đầu ‘‘ta xô biển lại sóng về đâu?’’. Câu hỏi không dễ trả lời, nhưng Mai bị sóng đẩy chui tọt vào lòng Dũng, ngay tại Bệnh Xá, đêm trước hôm Dũng phải quay về lán tù. Dũng thì thào kể, Sư huynh mắng ‘‘Trò nguy hiểm, ‘‘công đoàn’’ chúng tớ không biết. Ngày nào mà Ðảng và Chính Phủ khám phá ra vụ hủ hóa cán bộ thì chúng nó thiến cậu’’. Dũng nhăn nhó ‘‘Nhưng mà, không nhịn được Sư huynh ạ!’’.

Nếu chỉ là chuyện qua đường, chắc không còn gì đáng để kể. Nhưng lại ông Trời, lần này ông trớ trêu, khiến Mai như bị Dũng hớp hồn, ngày này qua tháng kia chỉ chờ cho Dũng bệnh lại. Nhưng Trời lần này không chiều lòng. Mai tự nhủ, xưa nay ‘‘nhân định thắng thiên’’ không phải là ít. Khều được Dũng, hai người đến cạnh con suối ngập đầu gối phía dưới trại, cứ năm bảy bữa có dịp là lén lút ân ái một lần. Sư huynh lại mắng ‘‘Chồng nó không ở đây, bụng nó mà ễnh lên thì chết cậu’’. Dũng lại nhăn nhó ‘‘... Nhưng mà, nhưng mà không nhịn được Sư huynh ạ!’’. Sư huynh nhắc Dũng đã một vợ, hai con. Vợ Dũng vốn là một ca sĩ hạng hai ở Sài Gòn, lấy Dũng năm năm thì giải phóng. Dũng bực bội ‘‘Từ ngày đi tù ở đây, Sư huynh biết đấy, vợ con có thăm hỏi gì nữa đâu. Thư gửi về, nó cũng chẳng thèm hồi âm’’. Nói xong, Dũng vùng vằng bỏ đi.

Hai tháng sau, nếu ông Trời có mắt thì công an chẳng những không mù mà còn có cả tai. Than ôi, tai lại tai vách, và mạch chẳng mạch rừng mà còn ăng-ten toòng teng chỗ này chỗ nọ. Trại trưởng Cát gọi Mai, bắt kiểm điểm. Dĩ nhiên, Mai chối hết. Nhưng cũng vì thế cặp uyên ương hết dám mò đến con suối Mai gọi là con suối Thiên Thai. Ô, cái kiếp con người! Ðánh mất Ðịa Ðàng, và đáng lẽ phải quên, sao lại nhớ đường về Ðịa Ngục để tìm lối đoạn trưòng mà đi? Nhưng vốn được trui rèn, Mai không chịu thua. Phải sáng tạo. Còn Dũng, sức trai thế này, Dũng kêu, không nhịn được! Thế là Dũng than lại đau, chỗ bụng dưới, phía tay phải. Dũng bảo Nhân, cậu chẩn cho tớ cái bệnh ruột tái phát, tớ đổi một bao thuốc Thăng Long. Nhân lắc. Y sĩ Bệnh xá dễ dãi ‘‘Ruột thừa ấy mà, lần trước biết rồi...’’. Nhưng lần này bệnh phát triển bất thường, không theo một qui luật nào, biến chứng khiến Dũng không đi được, phải nằm miết cả ngày. Ðến đêm, khả năng Dũng thế nào thì chỉ một mình Mai biết, nhưng nàng vui vẻ hẳn ra, yêu đời, nhí nhảnh, còn tặng y sĩ trách nhiệm Bệnh Xá một cái quần bò miền Nam nàng mới nhận được.

Bất ngờ, một đêm chồng Mai ập vào Bệnh Xá với bốn công an tỉnh. Khi đó, cả Bí thư lẫn Trại trưởng lên Vĩnh Yên họp. Chồng Mai rút súng, lên đạn, quát ‘‘Thằng nào là thằng Dũng?’’. Nằm mọp, Dũng không động đậy. ‘‘Mày giả vờ, ngồi dậy!’’. Mai chạy lại, hớt hải ‘‘Anh điên hả? Bệnh nhân liệt...’’. Chồng Mai trừng mắt, tay tát vào mặt vợ, chửi ‘‘Con mẹ mày, xê ra. Lang chạ với một thằng ngụy mà không biết dơ! Thằng ngụy, ngồi dậy!’’. Dũng biết, vẫn nằm yên. ‘‘Ðược, liệt hay không, sẽ biết!’’. Khoác tay, chồng Mai ra lệnh cho bốn công an tháp tùng cáng Dũng ra suối. Mai báo động cho lán tù. Cả Nhân lẫn Sư huynh đều hối hả đi theo. Ðến bờ suối, chồng Mai quát ‘‘Ðem thằng ngụy bỏ xuống nước, xem nó có động đậy được không? ’’. Dũng lạnh người, tính toán rất nhanh. Ðộng đậy, tất nhiên lộ, phần chết hẳn nhiều hơn sống. Dũng hít hơi cho đến khi không hít thêm được, mặc cho người rơi vào lòng suối, chìm xuống đáy như một viên đá cuội. Một, hai... Dũng đếm trong đầu. Không biết đếm đến bao nhiêu nhưng Dũng tiết kiệm từng giọt oxy, đầu lịm dần... cho đến khi được kéo lên, Dũng vẫn cứng đơ, nhưng ngắc ngoải. Chồng Mai vẫy tay, công an khiêng Dũng trở lại Bệnh xá. Đi theo Sư huynh và Nhân về đến lán, lúc đó Mai mới bật lên khóc òa, tay chìa hai trái lựu đạn ra. Nàng nức nở ‘‘Nếu nó giết anh Dũng thì em ném cho chết hết, không chừa mạng nào cả!’’. Nhân nổi gai ốc, người lạnh toát. Chàng vừa thoát chết, và lần này, chàng tự nhủ mình, còn may mắn hơn hồi ở mặt trận Quảng Trị.