Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 285): Bờ dâu – Nam Dao (4)

BỜ DÂU

Từ lúc chiếm được Huế, dân miền Bắc bắt đầu xôn xao. Sau Huế, tiến xuống Ðà Nẵng, một căn cứ vững chãi của miền Nam, tất cả có trên dưới trăm ngàn lính, chủ lực là binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tinh nhuệ. Nơi Dân ở nội trú của trường Tổng Hợp, không khí trở nên khẩn trương. Sinh viên áp tai vào nghe đài, kháo nhau mũi này tấn công, mũi kia yểm trợ, anh nào cũng thành tướng cầm quân chỉ trỏ chỗ lùi chỗ đánh một cách nghiêm trọng. Thường trẻ tuổi hơn Dân và chưa hề biết chiến trận, họ bàn tán rồi quay sang hỏi ‘‘Anh Dân, chiến thuật bọn em vừa bàn, có đúng không? ’’. Dân lắc đầu, lẻn ra khuôn viên vắng vẻ. Ngồi dựa người vào một gốc bàng, Dân cố không để tâm trí mình quay trở lại thời bom trên trời, đạn dưới đất.

Vào xuân, cây cỏ hừng hực sức sống. Trên những bãi cỏ xanh mướt, những bông hoa dại màu vàng lơ thơ điểm nét chấm phá của một bàn tay nghệ sĩ. Châu chấu ma màu nâu mun lách tách nhảy cẫng lên khi đàn sẻ tìm mồi sà xuống. Dân nhón một hòn sỏi, giơ tay ném. Ðàn sẻ túa lên, chiếm chiếp kêu, lượn một vòng, rồi lại chúc đầu đâm vào bờ cỏ. Hình ảnh này gợi Dân nhớ đến đám lính ‘‘tơ’’ vào chiến trường lần đầu khi đơn vị mình rút về cố thủ Cổ Thành Quảng Trị. Chúng nó có khác gì những con châu chấu ma này? Dân vốc một vốc sỏi quăng ra. Ðàn sẻ nhốn nháo. Chúng cất cánh bay cao, nhưng chỉ một lát sau, chúng lại tìm ăn nhào xuống mổ lia lịa.

Ðêm hôm đó, những cơn ác mộng quay về. Dân báo cáo, đơn vị tổn thất lớn, xin Chính Ủy bổ xung thêm lính. Tiếng đầu dây bên kia ‘‘ Ðược! Sẽ gọi ngay bọn trừ bị!’’. Lát sau, một đoàn châu chấu ma bò vào. Dân quát ‘‘ Ðịt mẹ, thế này thì đánh đấm thế đéo nào?’’. Trung đội phó Tạ cười hềnh hệch ‘‘ Giơ càng ra búng lại, Thủ trưởng yên tâm’’. Chưa dứt lời, pháo 155 ly ‘‘ngụy’’ trùm xuống trận địa. Ngay đó tiếng xích xe thiết giáp kèn kẹt phụ họa vào tiếng đại liên M-60. Dân thét lên ‘’ Ðợi đấy! Vào tầm thì chơi B-40, đừng phí đạn!’’. Ầm. Trúng rồi, Tạ reo. Thình lình tiếng rít xé lụa trên không. Lại F-4 rồi. Làm sao không nghe tiếng súng phòng không! ‘‘Địt mẹ chúng nó, toi hết rồi à? Tạ, gọi bọn lính tơ xuống ngay công sự’’. Ầm, ầm. Châu chấu ma lách tách nhảy vào những vũng máu có chỗ ngập đến đầu gối. Dân thét lên khi có kẻ đập vào vai, gọi ‘‘...tỉnh lại’’. Mở mắt, người bạn cùng phòng ngủ giường bên cạnh lay vai Dân, nói ‘‘ Mê gì mà anh cứ kêu ừng ực trong cổ, ghê quá! ’’. Cố ngồi lên, Dân giụi mắt. Người bạn tiếp ‘‘Ta vừa giải phóng Ðà Nẵng!’’. Dân hỏi ‘‘ Chắc đánh lớn lắm’’. ‘‘ Không, Ngụy đầu hàng, không chống cự’’. Dân thở ra khoan khoái. Như vậy, tất không cần bọn châu chấu ma vào trận!

*

Chủ nhật, Dân lên nhà Cự. Cưới Xuân vào dịp Tết, Cự về ‘‘ở rể’’ Phúc Xá, hiện đang xin vào biên chế bộ Thương Binh-Xã Hội. Ðám cưới hai người làm ở Nghi Dương, quê Cự, nên Dân không đi dự được. Khi họ về, Dân mới tới Phúc Xá liên hoan. Cự tươi cười:  ‘’ Thời chiến ...hôn nhân cũng kiểu đánh nhanh rút nhanh’’. Chỉ có hai bao thuốc Thăng Long, mươi cái kẹo lạc, hai chai rượu Lúa Mới và một mâm xôi. Xuân ‘‘phục vụ’’ bạn bè, véo von ‘‘ không có hôm nào đẹp như hôm nay...’’ như thuở hát cho bộ đội trên chiến trường.

Dân gọi cửa. Cự vừa ra vừa reo ‘‘Quân ta từ Ðà Nẵng vào nay phối hợp với cánh quân từ Pleiku-Komtum xuống. Chỉ huy ‘’ngụy’’ chạy, lực lượng như rắn không đầu! Hiện, ta đang làm áp lực trên An Lộc-Xuân Lộc. Chiến dịch này chắc ăn to đấy! ’’. Cười lớn, Cự nói:

- Mình phải đưa xe đạp xuống ‘’thồ’’ lá dâu về, cậu xuống bãi được không?

Dân gật đầu. Chống nạng, Dân nhìn ra sông Hồng. Xa xa, cầu Long Biên cong mình trườn qua như một con rắn màu sắt rỉ. Ven bờ, dâu xanh ngắt mọc chặn đất bồi, vẽ thành một vòng đai như ngọc đeo trên yếm cổ thiếu nữ. Xuân quay lại nghề trồng dâu nuôi tằm từ ngày rời nông trường Hòa Bình về Phúc Xá. Mẻ này là mẻ đầu, và Cự lăng xăng giúp vợ trong lúc còn rỗi rảnh. Chầm chậm đẩy xe cạnh Dân, Cự bị kích động ra mặt, hồ hởi:

- Mình nghe ‘‘ngụy’’ định lập một phòng tuyến án ngữ Sài Gòn, rồi củng cố bảo vệ vùng Ðồng Bằng sông Cửu Long. Chỉ chưa đầy một tháng, ta đã giải phóng được cả miền Trung lẫn Tây Nguyên. Nay chắc địch hoàn hồn, chẳng phải dễ nữa...

- Lực lượng địch còn bao nhiêu!

- Độ hai phần ba hay một nửa. Phần lớn lính ‘‘ngụy’’ bỏ chạy hay đầu hàng, con số đâu lên đến trên dưới hai trăm ngàn.

Ðột nhiên, Dân nhớ đến mẹ và Nhân. Nếu trận chiến trở nên ác liệt, chắc số thương phế cả lính lẫn dân sẽ rất lớn, nhất là trong những thành phố. Dân rùng mình nhớ lại Ðại Lộ Kinh Hoàng với Ngã Ba Long Hưng, nơi cứ mỗi một hai bước là một xác chết trương phình dưới ánh mặt trời. Nhất chiến công thành, với bao nhiêu nấm mồ, bao nhiêu què cụt đây?

Cuối dốc, Xuân cất tiếng gọi. Thấy Dân, Xuân tươi cười:

- A, anh Dân. Anh mới đến?

Dân cười, khẽ gật. Cự vào sâu trong bãi xách những bó lá mơ ra bỏ lên cái thồ buộc sau xe đạp. Ven sông, nước sắc đỏ sóng sánh đập nhẹ vào bờ, hiền hòa như vỗ về. Trên đường về, Xuân khập khiễng bước, hỏi chồng tin chiến sự. Cự được dịp lại kể, và chép miệng:

- Tiếc thật, mình lại không có ở đó!

Xuân cười, giọng nửa đùa nửa thật:

- Thôi đi ông tướng, bom đạn thì tiếc làm gì? Lại định bỏ vợ góa hả! Lấy nhau mới có dăm tuần trăng mà đã nổi máu giang hồ rồi?

Nhìn xuống cái chân cụt, Dân buột miệng:

- Ðổi mạng lấy huân chương à...

Chạnh nghĩ đến tật nguyền của Xuân, Dân nói lảng:

- Chị Xuân lần này kể cho tôi nghe về cái nghề nuôi tằm nhé. Tôi chưa hình dung làm thế nào mà kéo ra tơ rồi dệt thành lụa được?

Xuân nhìn Dân giọng bỡn cợt:

- Anh đừng kén thì em giới thiệu cho một cô bạn thôn em. Cô ấy mà kể thì rồi anh cũng lại đến xin ‘’ở rể’’ Phúc Xá như anh Cự nhà em thôi!

*

Như một trái ung ruột đã nẫu ra, Sài Gòn rụng xuống khi mỏ con chim bay đến rỉa nhẹ lớp vỏ ngoài thâm tím. Hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Ðộc Lập, cờ Giải Phóng miền Nam cắm lên đỉnh dinh, và giọng rè rè của Dương Văn Minh qua radio bàn giao chính quyền cho Cách Mạng báo cả thế giới một đất nước sau ba mươi năm kiên trì đấu tranh nay đã toàn vẹn lãnh thổ. Mọi người Việt Nam đều thắng, chỉ có Ðế Quốc Mỹ thua! Lời tuyên bố của những người lãnh đạo cuộc chiến mở ra một trang sử mới. Hòa hợp hòa giải dân tộc là cơ sở của sự thống nhất Bắc-Nam người người mơ ước. Ở miền Bắc, kẻ có thân nhân trong Nam tấp tểnh một chuyến đi. Nhưng không dễ. Phải có tiền, và phải có ly do chính đáng khai báo với các cấp chính quyền để xin phép. Dân nóng ruột, chẳng biết mẹ và Nhân sống chết thế nào. Nhưng ngay cả địa chỉ, Dân chỉ biết qua bức bưu thiếp hai mươi năm về trước, vỏn vẹn có hai chữ Hố Nai, nơi cách đâu Sài Gòn chừng hai mươi cây số. Hỏi bè bạn đồng học có gia đình đi Nam, Dân nhờ tìm giúp. Cho đến cuối năm 75, Dân vẫn bặt tin. Người trong Nam ra Bắc có, nhưng rất ít. Cái hy vọng mẹ ra tìm được mình đối với Dân dần dà là chuyện mò kim đáy bể. Năm 76, chuyển biến chính trị dồn dập, quan trọng nhất là thống nhất hai miền Nam - Bắc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa với những thay đổi cơ bản trong Hiến Pháp. Ở đại học, gần như tối nào cũng học tập chính sách quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Là lớp trưởng, Dân hết việc này qua việc nọ. Khẩu hiệu « Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa » bên cạnh ảnh Bác Hồ dưới có hàng chữ đỏ « Bác sống mãi trong sự nhiệp quang vinh của chúng ta » đâu đâu cũng chăng. Chỉ qua một tối, hôm sau không người nào ở miền Nam còn nhìn thấy cờ Mặt Trận. Tất cả đều « thu về một mối ». Nhưng xá gì, hạnh phúc là không còn chiến tranh.

Sáng sớm một ngày chủ nhật, sinh viên đang ngủ bù thì một cậu ở phòng trực réo ‘’ Anh Dân có khách’’. Lồm cồm bò dậy, Dân mặc quần áo. Chống nạng đi ra, Dân chưa thấy người nhưng nghe tiếng ồm ồm ‘‘Thủ trưởng! Thủ trưởng!’’. Thôi, đúng là Tạ. Dân vừa sấn tới vừa hỏi:

- Tạ phải không?

Người đàn ông kềnh càng quá khổ xô đến, tay giang rộng:

- Tạ chứ còn thằng nào nữa! Ối giời ơi, thủ trưởng mất bố nó một cái «càng » hả?

Dân ôm lấy Tạ, đầu gật, miệng nói:

- May quá, an lành thế này là may quá!

Vừa kéo nhau ngồi xuống, Tạ nhìn quanh:

- Thủ trưởng! Ở đây có cái điếu cày nào không để làm một phát thuốc lào? Thèm quá...

- Ra ngoài đầu ngõ, có cái quán! Nào, ta đi!

Tiếng lộc cộc đều đặn gõ trên lối đi lát xi-măng. Ðến cổng, thường trực đeo băng đỏ chào hai người, vui vẻ ‘‘Hai anh bộ đội «du xuân » nhé’’. Tạ giở nón cối, hềnh hệch:

- Tớ từ âm phủ về, lên xem mặt thế gian đây!

Chuyện trò, Tạ kể, sau khi bỏ Cổ Thành Quảng Trị thì tiểu đoàn rút chạy sang Lào. Nằm ẹp gần ba tháng để bổ xung quân số, tiểu đoàn vào sâu vùng Cao Nguyên, nhiệm vụ là khi thời cơ đến sẽ cắt đôi tách miền Trung ra khỏi miền Nam. Chính đơn vị Tạ thuộc một trong ba sư đoàn tấn công Ban Mê Thuộc tháng ba năm 75, thắng chớp nhoáng và hầu như không có tổn thất gì đáng kể.

- Nhưng đến khi vào Xuân Lộc thì khác. Sư đoàn mình mặt Tây bị pháo đến không ngóc cổ lên ba ngày liền, chỉ sư đoàn phía Ðông Nam là xáp gần phòng tuyến địch. Ngày thứ tư, địch thả bom hút dưỡng khí. Thủ trưởng không biết chứ ghê lắm...

Mặt Tạ căng ra, gân thái dương gồ lên giật như sắp động kinh. Nuốt nước bọt, Tạ tiếp:

- Thế là sư đoàn mình được lệnh rút về phía sau. Chiến trường bỗng nhiên im tiếng bom tiếng súng. Chẳng hiểu thế nào mà địch rút. Ðến ngày thứ tám, đơn vị mình tiến vào nhặt xác. Hai trung đoàn, thằng chết đứng, thằng chết ngồi. Có thằng cười, răng nhe ra trắng nhởn. Cứ ở chỗ nào chết chỗ đó, thằng nào máu cũng từ mắt, từ miệng, từ mũi ứa ra, đông lại, kiến rừng bu quanh. Có thằng bị kiến ăn hết cả hai tròng mắt, có thằng kiến chui vào hai lỗ tai đục lên óc!

Nhìn nét mặt kinh hoàng của Tạ, Dân nhăn mặt. Tạ xin bà bán hàng thêm một cốc nước chè. Rít thuốc lào sòng sọc, Tạ lim dim ngả người ra sau. Nhấp một ngụm nước, Tạ im lặng.

- Này, trung đội mình ở Quảng Trị còn thằng nào? Dân hỏi.

- Ngoài hai đứa chúng mình, còn thằng Hạ bị thương ở ngực và thằng Kinh sau chết ở Pleiku. Tạ chép miệng - chính tớ đưa cả thủ trưởng lẫn thằng Hạ đến bờ sông Thạch Hãn giao cho đội tải thương. Thủ trưởng bị mảnh bom, mất máu nhiều nên hôn mê. Khi đó, lính mình cố thủ Cổ Thành, bị pháo, bị bom đến độ thành cổ không còn lấy một viên đá lành lặn. Chỉ tối mới cựa quậy được, việc chính là đưa thương binh đến nơi an toàn. Khi bác sĩ bảo không có máu truyền thì thủ trưởng sẽ theo ông bà ông vải, lúc đó tớ mới xếp được thủ trưởng vào loại phải cấp cứu. Gớm, thủ trưởng mê, cứ gào...À, Thủ Trưởng biết mình gào thế nào không? Cứ ‘’Thắm, Thắm ơi!’’. Cái cô Thắm trong đội bồi dưỡng ở Vĩnh Mốc chứ gì. Gớm, ai mà biết Thủ Trưởng đa tình đến thế. Nay, Thủ Truởng có tin gì của cô ấy không?

Dân lặng người, lắc đầu. Tạ tiếp:

- Giải phóng xong, ai về nhà nấy. Sống chết thế nào nay biết cả! Thủ Trưởng có biết làng quán cô Thắm không?

Không đáp, Dân nhìn về cuối con đường dẫn ra Ngã Tư Sở. Bấy giờ, đất trời mới vào thu. Lác đác, dăm chiếc lá trở vàng trên tàn cây bàng che quán nước đung đưa trong gió sớm. Lòng quặn đau, Dân nhìn lên trời. Một đàn nhạn bay ngang, cánh chao óng ánh màu nắng nhạt. Như chợt nhớ ra, Tạ vỗ vai Dân, bảo:

- Anh Cự chính ủy cho tớ mượn cái xe đạp, dặn hôm nay ngày nghỉ đến tìm Thủ Trưởng rồi đèo về nhà anh ấy cơm nước trưa nay!

*

Ðể mặc Tạ hỏi Cự về chuyện công ăn việc làm ở Hà Nội mong kiếm cách xoay sở vì dưới quê Tạ chẳng tìm được gì làm để sinh sống từ ngày giải ngũ, Dân ra sau bếp. Xuân ngửng lên:

- Sao anh không ở trên nhà với nhà em?

Dân kể Tạ đang xoay quanh chuyện làm gì để sinh nhai và mỉm cười:

- Chuyện ấy thì tôi mù tịt. Ði học, được mười tám đồng là tôi đủ sống, có biết xoay sở là thế nào đâu!

- Nhà em chắc cũng thế! Cứ loay hoay đợi chỗ Bộ Thương binh-Xã hội gọi, hết đứng lại ngồi. May có mấy mẻ kén, cũng còn cái ăn!

Nhìn Xuân gạt kén vào những cái mẹt, Dân hỏi làm thế để làm gì. Xuân tủm tỉm:

- À... Ðấy là em chọn nhộng làm giống. Nhộng lớn lên sẽ cắn kén nở thành ngài. Ngài đẻ trứng thành tằm, nuôi bằng lá dâu thái nhỏ. Ðây này, anh xem! Tay chỉ vào cái mẹt ở bên, Xuân tiếp - đám này là tằm đã lớn, màu trắng, hoặc vàng. Tằm nhỏ như lăng quăng, sậm màu hơn.

- Thế rồi làm sao mà thành tơ thành lụa được?

- Tằm hóa nhộng, nhả tơ trong bọc kén. Kén phải luộc lên, lấy tơ mang quay thành sợi để dệt lụa. Còn bọc kén, có thể dùng để làm đoạn, thô hơn lụa. Chỉ vào mẹt, Xuân tiếp - giống em giữ để nó thành ngài, ngài lại đẻ ra tằm, cứ thế cho những lứa sau.

Ngồi xuống nhặt rổ rau muống cho Xuân, Dân bâng khuâng, mặt thẫn thờ. Kín đáo nhìn, Xuân hỏi:

- Dạo này anh Dân thế nào?

- Thì cũng như thường, chẳng có gì đáng nói...

Xuân ngần ngừ:

- Anh Cự nhà em có nói về chuyện chị Thắm. Anh cho phép em hỏi một câu nhé!

Dân buồn buồn nhìn lên. Xuân nhỏ nhẻ:

- ...anh còn gắn bó với chuyện ấy không?

Dân đáp, lòng bỗng tan nát như bong bóng nổi đầy sân trong một trận mưa rào. Giọng tâm tình, Xuân thì thào:

- Những ngày anh Cự chưa đến tìm em, hôm nào em cũng đợi, mặc dầu em chẳng thực sự hy vọng được gì. Chờ đợi như thế, còn khổ hơn là chết đi. Biết đâu nếu chị Thắm trở về, chị lại chẳng cũng như em? Anh có tin chị yêu anh không?

Dân cúi đầu. Lúc sau, chàng chặc lưỡi:

- Có. Nhưng là khi tôi ở Quảng Trị, chân tay lành lặn. Vù một cái, thế mà đã gần bốn năm rồi. Bốn năm dằng dặc, biết đổi thay thế nào mà chắc được! Thôi, ta nói chuyện khác nhé...

Xuân cười, đổi giọng vui vẻ:

- Vâng. Anh lên nhà, em dọn cơm bây giờ!

Cơm dọn ra, Tạ reo:

- Ối giời ơi, lâu lắm mới lại thấy món nhộng rang này. Bà Chính Ủy muôn năm!

Xuân cười:

- Nhà nuôi tằm mà anh. Anh thích tằm nhả tơ dệt lụa, tằm hóa bướm hay tằm thành nhộng rang lên?

Tạ đáp ‘’ rang lên, bà chị ạ!’’ rồi cười hềnh hệch. Cự hỏi:

- Cậu vào Sài Gòn thấy thế nào?

- Ờ... Ðể kể nhé. Sau khi chiếm An Lộc, đại đội tớ trực chỉ Sài Gòn. Lệnh là đi thật nhanh, chỉ đem theo súng đạn để tác chiến. Thế là đói. Gặp lính ‘‘ ngụy’’, lính ta hô bỏ ba-lô xuống, kiếm cái ăn, rồi để cho họ chạy. Ðịnh kiếm ăn nhưng mở ba-lô cướp được thì toàn dây chuyền, đồng hồ... mấy anh ‘‘ ngụy’’ hôi được của dân. Tớ dại ơi là dại, bắt Ðại Ðội thu lại để nộp. Tiền ‘‘ngụy’’ cũng vậy, đem bó lại. Vào đến Sài Gòn, hai ngày không ăn, nhưng Chính Ủy gom tiền chẳng cho mua bán gì, lính đói lả ra.

Quay nhìn Cự, Tạ trầm giọng, tiếp:

- Rồi sau là hoa mắt lên thấy dân Sài Gòn chẳng đói khổ như bộ đội nghe các vị Chính Ủy ‘‘giảng’’ chuyện phồn vinh giả tạo! Không, dân Sài Gòn giàu hơn Hà Nội ta nhiều, phồn vinh thật đấy! Lập tức, lính bị cấm trại và không được ‘‘đến’’ với quần chúng...

- Có lẽ là ở Sài Gòn thì thế, còn nông dân vùng quê chắc khổ!

Tạ chém tay vào khoảng không, giọng cao lên:

- Ấy khổ thì thưa với Chính Ủy, em chẳng thấy ai khổ hơn nông dân làng em! Tạ chép miệng - Khi về, nghe mì chính có giá, bao nhiêu tiền dành dụm em bỏ ra mua được hai cân. Và một cân đường để mẹ đĩ làm bánh trôi bánh chay, với lại hai thước vải may áo cho con. Ở làng ở xã, dân nghèo không ai mua mì chính. Mẹ đĩ nó hớt hai lạng lên chợ Huyện bán thì công an tóm được, tịch thu mất. Vụ Ðông Xuân, người thay trâu kéo cày, đến lúc tính công thì thóc lúa chia ít đến ăn không dính răng...

Thở ra, Tạ kết luận:

- Tóm lại, những điều Chính Ủy giảng cho lính, em xin nói thật, đều láo toét hết!

Cự bần thần một lúc rồi nhẹ giọng:

- Ðám người quen mình vào Nam cũng nói thế! Nhìn Tạ, Cự tiếp - nhưng cậu có nói thì chỉ nói với người thân thích thôi, đừng có dại phát biểu linh tinh mà vạ miệng. Mình biết cậu có cái tật ấy từ ngày cùng đơn vị, nhắc cho cậu giữ gìn!

Tạ khà một tiếng, rồi ngửng lên:

- Nghe nói vùng Tây Nam Sài Gòn, quân Campuchia nó đánh mình. Ðịnh hỏi Chính Ủy, công việc không đào đâu ra nên bây giờ xin nhập ngũ trở lại có được không? Lính như em chín năm chiến trận nên thằng nào sống được cũng là hiếm, có kinh nghiệm, chắc là cần!

Cự nhìn Tạ, lòng bâng khuâng. Sau hơn một năm ăn không ngồi rồi, Cự cũng đã nghĩ đến điều này nhưng không dám nói cho Xuân nghe. Lảng cho xong chuyện, Cự nhìn Dân, gượng gạo:

- Chỉ cậu là sướng. Con đường trước mặt còn thấy sẽ đi về đâu. Hết năm nay, cậu còn hai năm là xong đại học nhỉ?

Câu Cự nói tuột đi như gió bay. Xuân dè dặt:

- Mới có chút yên ổn, không lẽ nay lại chiến tranh nữa ư? Em chắc các anh phải kiên trì sửa soạn sống trong hòa bình. Em hiểu là khó, nhưng chắc chỉ ban đầu, rồi ra thì cũng sẽ xếp đặt đâu vào đấy...

Tạ ngắt:

- Vợ tôi nó cũng nó thế chị ạ! Nhưng với tám đồng phát cho phục viên, lấy gì mà sống? Cứ bảo giời sinh voi giời sinh cỏ nhưng mình có cạp cỏ mà ăn được đâu!

Cự nhìn Tạ, giọng trầm ngâm:

- Tôi có hỏi chuyện nhập ngũ...

Vừa nghe đến đấy, Xuân vùng đứng dậy, nước mắt ứa ra:

- Các anh lại tính chuyện bán máu lấy ăn à!

Nhìn theo bước chân Xuân khập khễnh đi vội xuống bếp, Cự nghĩ đến bóng dáng hòa bình, buột miệng thở dài thườn thượt