Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

Những mảnh đời sau song sắt (kỳ 1)

Hồi ký của Phạm Thanh Nghiên

Để giữ quyền cai trị lâu dài, những nhà nước độc tài toàn trị luôn sử dụng bạo lực kết hợp với hệ thống tuyên truyền dối trá tạo ra nỗi sợ hãi thường trực với mỗi người dân. Đó là một nhà nước công an trị, luật pháp mơ hồ, các điều khoản (kể cả hiến pháp) luôn được diễn giải theo hướng có lợi cho nhà cầm quyền. Nói chính xác, loại nhà nước này không thể đối thoại. Họ tự nhận mình là chân lý, là đỉnh cao trí tuệ, là duy nhất đúng, vì thế, đối thoại có nghĩa là phê phán đường lối của Đảng, cho dù đó là những chủ trường đường lối sai lầm, gây tổn hại nghiêm trọng cho đất nước, dân tộc. Mấy chục năm cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam mắc rất nhiều sai lầm, trong đó có những sai lầm chiến lược nhưng họ đều vô can bởi mọi tiếng nói đối lập đều bị vô hiệu hóa bằng hệ thống luật pháp kiểu băng đảng tội phạm của nhà nước Mafia Đỏ.

Trường hợp của nữ tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên không phải là cá biệt. Văn Việt xin giới thiệu toàn văn tập hồi ký Những mảnh đời sau song sắt của chị do NXB Tiếng quê hương, Virginia, Hoa Kỳ ấn hành vào năm 2017, để bạn đọc thấy rõ tinh thần bất khuất của một nhà đấu tranh dân chủ cũng như sự dã man, tàn bạo của chế độ nhà tù Việt Nam.

Văn Việt

Vài nét về

Phạm Thanh Nghiên

Phạm Thanh Nghiên, sinh ngày 24/11/1977 tại Hải Phòng. Là con út trong một gia đình có 7 anh chị em và bố mẹ đều là đảng viên cộng sản. Mẹ cô vì đông con, phải vật lộn với cuộc mưu sinh nên đã bỏ đảng. Riêng cha cô từng sùng bái Hồ Chí Minh, nhưng cuối cùng đã nhận ra sự thực nên chán ngán chế độ và khinh ghét Hồ Chí Minh cho tới khi qua đời tháng 12/2004.

Năm 18 tuổi vì lý do sức khỏe, Phạm Thanh Nghiên phải bỏ ngang việc học. Sau đó, để giúp cuộc sống gia đình, cô làm nhiều nghề lao động vất vả như bán hàng nước, dệt len, dọn vệ sinh v.v…Năm 2006, cô bắt đầu nhận thức về tình trạng xã hội và thấy cần “phải làm một điều gì đó góp phần thay đổi vận mệnh đất nước.” Thời gian đầu, cô viết một số bài liên quan đến vấn đề nhân quyền dưới các bút hiệu ẩn danh. Giữa năm 2007, Phạm Thanh Nghiên ký tên thật dưới các bài viết, đồng thời tham gia và khởi xướng nhiều hoạt động đấu tranh cho nhân quyền.

Ngày 18/9/2008, Phạm Thanh Nghiên bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bắt giữ với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” và bị kết án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế trong một phiên toà diễn ra chóng vánh vào tháng 1/2010. Ngày 18/9/2012, Phạm Thanh Nghiên mãn án tù nhưng tiếp tục bị quản chế tại địa phương. Do đó, cô thường xuyên bị theo dõi, nhà riêng liên tục bị canh gác, thậm chí bị khóa trái cổng để nhốt trong nhà. Thời gian này cô bị công an bắt cóc giữa đường 2 lần đưa đi câu lưu và thẩm vấn nhiều giờ. Ngoài ra, cô bị gửi “giấy triệu tập” gần 30 lần, bị phạt tiền 2 lần, bị cấm đi chữa bệnh… Công an còn tổ chức hành hung cô và các chị gái của cô cùng một số bạn bè tới thăm viếng cô ngay trước cổng nhà để không cho mọi người được gặp nhau.

Dù vậy, Phạm Thanh Nghiên vẫn tiếp tục các công việc đáp ứng yêu cầu đấu tranh và là một thành viên trong nhóm sáng lập Mạng Lưới Blogger Việt Nam, một tổ chức Xã Hội Dân Sự độc lập được công luận trong nước và quốc tế biết đến.

Tháng 4/2016, cô kết hôn với Huỳnh Anh Tú, một cựu tù nhân chính trị từng bị kết án 14 năm tù giam. Hiện họ đang sống tại Sài Gòn và tiếp tục các hoạt động vận động nhân quyền cho Việt Nam.

Ngày 30/3/2017 vừa qua, tổ chức nhân quyền quốc tế Front Line Defenders tại Ái Nhĩ Lan đã chọn Phạm Thanh Nghiên cùng 4 nhà hoạt động đấu tranh là Emil Kurbedinov (Ukraine), Francisca Ramírez Torres (Nicaragua), Nonhle Mbuthuma (Nam Phi) và Abdulhakim Al Fadhli (Kuwait) vào chung kết giải thưởng “Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền Bị Đàn Áp Năm 2017.”

⬤⬤⬤

HỒI KÝ CỦA MỘT NỮ TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM

✶ ĐÀO TRƯỜNG PHÚC

Những Mảnh Đời Sau Song Sắt, nhan đề mà Tủ Sách Tiếng Quê Hương chọn cho tác phẩm của Phạm Thanh Nghiên, có thể được hiểu là “cuốn hồi ký đầu tiên viết bởi một nữ tù nhân lương tâm về kinh nghiệm lao tù dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam.”

Nói thế phải chăng phản lại bản chất tác giả qua lời tự thuật rất nhẹ nhàng khiêm tốn của cô trong suốt tác phẩm? Với cương vị xuất bản, chúng tôi không thể làm khác để nhấn mạnh vài điểm liên quan đến nội dung cuốn sách:

— Thứ nhất, chế độ cộng sản Việt Nam không bao giờ thừa nhận trước dư luận về sự hiện hữu của “tù nhân lương tâm” hoặc “tù chính trị.” Tất cả những người lên tiếng phản đối các chính sách hay hành vi bất nhân, bạo ngược, man trá của chế độ đều bị gọi là “tù hình sự”, bởi họ đã bị áp đặt các bản án hình sự — chiếu theo vài điều luật quái gở nhằm hình sự hóa mọi hoạt động đối kháng — và bị tống vào trại giam để ở tù chung với những tội phạm hình sự như giết người, buôn bán ma túy v.v...

— Thứ hai, riêng về trường hợp Phạm Thanh Nghiên, cô bị bắt ngày 18/9/2008 trong lúc đang tọa kháng tại nhà của mình với biểu ngữ “Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam” và “Phản đối công hàm bán nước ngày 14/9/1958 của Phạm Văn Đồng.”

Trước đó một tuần, cô đã bị cơ quan an ninh điều tra “triệu tập” đi “làm việc” liên tục mỗi ngày để hạch hỏi, đe dọa về các hoạt động đối kháng. Trước đó nữa, cô bị giam lỏng bởi một hàng rào công an ngày đêm đóng chốt quanh nhà, khiến cô không thể đi từ Hải Phòng về Hà Nội để dự cuộc biểu tình chống Trung Cộng ngày 14-9-2008. Chính vì vậy mà cô quyết định phổ biến trên mạng “Lời Tuyên Bố Tọa Kháng” và thực hiện việc tọa kháng.

Cô bị “tạm giam để điều tra” suốt 18 tháng, rồi ra tòa ngày 29/1/2010 lãnh bản án hình sự 4 năm tù giam, 3 năm quản chế. Phiên tòa không đề cập gì đến hành động tọa kháng mà buộc tội Phạm Thanh Nghiên về một bài viết của cô hồi tháng 3/2008. Đó là bài “Uất ức biển ta ơi”, một phóng sự về hoàn cảnh các thân nhân của 8 ngư dân Thanh Hóa đang đánh cá trong lãnh hải Việt Nam bị hải quân Trung Cộng bắn chết ngày 8/1/2005. Vì trước sau, đảng và nhà nước CSVN vẫn giấu nhẹm vụ tàn sát thảm khốc này, do đó đã dàn dựng phiên tòa với hai nhân chứng bị cưỡng bức phản cung, nhằm áp đặt tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” cho người cầm bút dám vạch trần sự thật qua bài phóng sự.

– Thứ ba, các sự kiện nêu trên cho thấy Phạm Thanh Nghiên chính là một tù nhân lương tâm tiêu biểu, nhưng bị giam giữ chung với tù hình sự, ngay từ giai đoạn tạm giam trong trại Trần Phú ở Hải Phòng cho đến khi cô bị chuyển đến trại tù số 5 của Bộ Công An ở Thanh Hóa.

Xin mở dấu ngoặc để nói thêm về ý niệm “tù nhân lương tâm.” Ngày 28 tháng 5 năm 1961 được ghi nhận là ngày xuất hiện lần đầu tiên ba chữ “prisoner of conscience” trong bài viết của cố luật sư Peter Benenson, người sáng lập tổ chức Ân Xá Quốc Tế – Amnesty International, với tựa đề “Những Tù Nhân Bị Bỏ Quên – The Forgotten Prisoners” đăng trên tuần báo Người Quan Sát – The Observer tại Anh Quốc, nhân dịp phát động chiến dịch đòi ân xá cho những tù nhân lương tâm mà Ân Xá Quốc Tế định nghĩa là: “Bất cứ người nào bị giam cầm thân xác (trong nhà tù hoặc ở một nơi khác) chỉ vì đã bày tỏ (bằng chữ nghĩa hoặc biểu tượng) một quan điểm mà người đó thành thật tin tưởng và quan điểm đó không cổ xúy hoặc tán trợ bạo lực.”

Chẳng những cuốn hồi ký của Phạm Thanh Nghiên đưa ra ánh sáng các thủ đoạn quỷ quyệt của bộ máy cầm quyền cộng sản — từ lực lượng công an đến hệ thống tòa án — nhằm tròng bản án “tù hình sự” lên đầu những người tranh đấu bất bạo động, mà cuốn hồi ký còn cho thấy những lời tuyên bố theo kiểu “ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm hay tù chính trị” chỉ là trò dối trá để gạt gẫm dư luận, còn trên thực tế thì các trại tù đều nhận chỉ thị thi hành triệt để chính sách “cô lập hóa” các tù nhân chính trị bằng cách dụ dỗ hoặc đe dọa những người tù hình sự ở chung với họ.

Thực tế này nói lên bất cứ tình huống nguy hiểm nào cũng có thể xảy ra khi nhà cầm quyền cần mượn tay tù hình sự để trả thù và trù dập các tù nhân lương tâm đối kháng chế độ.

Thế nhưng, cũng qua những trang hồi ký của Phạm Thanh Nghiên, người đọc lại nhận ra một điều thú vị khác. Đó là “chính sách cô lập hóa” kể cả bằng thủ đoạn chiêu dụ hoặc bạo lực, vẫn không thể ngăn được các tù nhân hình sự và tù nhân chính trị tìm đến với nhau trong sự chia sẻ tình người đồng cảnh ngộ, nghĩa là giữa những người cùng chung thân phận tù đày và cùng hứng chịu vô vàn oan ức, đắng cay, dưới một guồng máy cai trị bất công, thối nát, tàn bạo, phi nhân tính.

Những cảm xúc tích tụ qua kinh nghiệm bản thân cộng với nhiều điều mắt thấy tai nghe đã trở thành động lực để Phạm Thanh Nghiên viết về “những mảnh đời sau song sắt”, và viết với tất cả sự thành thật để nói lên tiếng nói đúng nghĩa của một tù nhân lương tâm:

“Con người luôn có xu hướng “nói tốt về mình” và cảm thấy dễ dàng kể về những thành công hơn là thất bại. Người ta hay lảng tránh hoặc giấu kín sai lầm của bản thân, nhất lại là những sai lầm “ngoài mình không ai biết.” Nhưng, thành thật với chính mình phải được xem là điều kiện bắt buộc để trở thành một con người chính trực. Để thấy mục đích chính không phải trở thành người hùng mà là cách đối mặt và vượt qua những khoảnh khắc sợ hãi, mềm yếu của mình trước những thử thách đầy cam go, khốc liệt.

“Tôi không định cất giữ những “bí mật” của riêng mình trong thời gian bị cầm tù mặc dù tôi hoàn toàn có thể và có quyền làm như thế. Nhưng, tôi sẽ kể cho bạn một cách trung thực nhất không chỉ những câu chuyện của chiến thắng, của khí phách và lòng quả cảm mà cả những câu chuyện về thất bại, về phút giây hèn yếu của tôi, một tù nhân lương tâm dưới thời cộng sản.

“Đơn giản vì sự thật cần phải được biết tới và tôn trọng. Nếu bạn không may trở thành một tù nhân lương tâm thì hy vọng, những trải nghiệm này sẽ giúp bạn có thêm vài kinh nghiệm. Nhất định bạn sẽ chiến thắng, một chiến thắng trọn vẹn vì bạn giỏi hơn tôi, dũng cảm và thông minh hơn tôi nhiều...

“….Nhắc đến hai chữ “nhà tù”, người ta liên tưởng ngay đến sự trừng phạt và khốn cùng.

“ Cuốn sách nhỏ này, không có tham vọng làm thỏa mãn mọi hình dung hay đáp ứng những tìm hiểu cần thiết của độc giả về nhà tù cộng sản.

“ Song, hy vọng người đọc sẽ nhìn thấy một góc nho nhỏ trong nhà tù với những chuyện còn chưa kể hết trong thời gian bốn năm tù của tôi. Tất nhiên, tùy từng vùng miền cụ thể, hay mỗi giai đoạn lịch sử, chuyện tù của mỗi người mỗi khác.

“ Dù thế, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng nhà tù cộng sản là hiện hữu của mọi khổ đau cùng cực, mọi nỗi uất hận nghẹn ngào. Là đau thương, rệu rã, là mệt mỏi, tăm tối và cả chết chóc. Là sự tàn bạo và bất lực, là nhẫn tâm, thù oán, là trông đợi, tuyệt vọng, là nỗi chết. Và là “địa ngục.” Địa ngục của những con người vẫn còn đang hít thở, đi lại và cười khóc.”

Cuốn hồi ký của Phạm Thanh Nghiên chứa đựng những ghi nhận và cảm nghĩ khác hẳn với các tác phẩm thuộc thể loại “hồi ký tù” mà chúng ta từng đọc, không phải chỉ do văn phong độc đáo của cô, mà chính vì cô là một tù nhân lương tâm, là một phụ nữ dấn thân tranh đấu cho quyền làm người giữa một xã hội mà mọi giá trị nhân bản đều đảo lộn, là một người cầm bút dấn thân tranh đấu kêu gọi lòng yêu nước trong khi những kẻ cai trị đất nước luôn luôn sẵn sàng bán nước để bảo vệ quyền lợi và quyền lực cá nhân.

Khi bị ném vào chốn “địa ngục trần gian” để chia sẻ thân phận khốn cùng của các tù nhân hình sự, ý thức của một tù nhân lương tâm đã giúp Phạm Thanh Nghiên bắc được nhịp cầu cảm thông với nhiều bạn tù đến từ những góc đời tối tăm nhất của một xã hội băng hoại. Và ý thức ấy đã mang lại cho chúng ta những đoạn hồi ký đáng suy ngẫm:

“Người tù xa lánh tôi không phải vì ghét, mà vì sợ bị liên lụy. Song vẫn có những mối quan hệ, giao tiếp rất khéo léo, đủ để không bị phạt hay lọt vào tầm ngắm của cai tù.

“... Mấy hôm trước cả Phân Trại đã xôn xao vụ chị Chanh ở đội 29 bị cai tù gọi lên dằn mặt, đe dọa vì “tội” dám bán cho tôi chiếc hòm đựng đồ dùng cá nhân. Kết quả là sáng qua, chị Chanh bị bêu mặt giữa sân chung, trước sự chứng kiến của hơn một ngàn người tù và tất cả các cai tù của Phân Trại. Tuy chưa đến mức phải vào “nhà chó”, nhưng chị Chanh bị chuyển đội, và mất giảm án năm ấy sau khi bị đấu tố. Không khí sợ hãi bao trùm cả Phân Trại. Người ta bảo nhau phải dè chừng và tránh xa “con phản động” nếu không muốn gặp tai họa.

“...Không riêng gì Mai, nhiều người tù khác cũng từng phải đi “uống cà phê” để nghe cai tù đe nẹt, cấm đoán về tội chơi hoặc ngồi chơi với tôi. Có người phải làm cam kết từ nay xin chừa không bén mảng đến “con phản động” nữa. Sau mỗi chầu cà phê như thế, chị nào cũng nhận được lời nhắc “đừng nói lại với cái Nghiên.” Nhưng chả mấy cái miệng tù giữ được lời hứa. Không nói ngay thì cũng nói eo, không nói trực tiếp thì cũng nhờ đứa tù khác mách lại. Lúc mới lên trại, tôi cũng hơi buồn. Tính tôi hay chạnh lòng, tủi thân. Sau quen dần, kệ.

“Những người dám công khai gần gũi với tôi thường là thành phần cứng đầu, không còn gì để mất. Tức là họ không được giảm án hoặc sắp mãn hạn tù. Không được giảm án vì vi phạm nội quy trại giam. Có nhiều kiểu vi phạm: buôn bán, tiêu tiền mặt, đánh cãi chửi nhau, làm không đủ mức khoán, thiếu lễ tiết với cán bộ — không chào chẳng hạn —, giúp đỡ bạn tù không xin phép v.v...

“Người bị Aids, bệnh nặng hay những người sắp chết cũng thích chơi với tôi. Thời gian là thứ không thể sờ mó được. Nhưng người tù sắp chết, hình như họ chạm được bằng tay và thấy được bằng mắt những ngày tháng đời người đang ngắn lại trong khoảng thời gian lao tù dài đằng đẵng. Nhìn thấy, và sờ thấy màu tím tái, cái khô rát trên môi miệng. Trên thân người trơ trụi với da bọc xương. Trong bước đi chậm dần, chậm dần và những cơn đau hành hạ mỗi ngày. Việc cai tù lấy giảm án ra để uy hiếp hay mặc cả với những người không còn gì để mất, thành thừa...”

Năm 2010, sau 18 tháng “tạm giam để điều tra” trong đó có 4 tháng bị biệt giam, cộng thêm hơn 2 tháng chờ đợi sau khi đã ra tòa để lãnh án 4 năm tù, 3 năm quản chế, Phạm Thanh Nghiên bị chuyển đến Trại số 5 Thanh Hóa để tiếp tục ở tù cho đến ngày mãn án.

Cũng như những tù nhân khác, cô bị cắt lìa với đời sống bên ngoài, và tất nhiên mọi tin tức đều bị bưng bít bởi hai lớp màn sắt chồng lên nhau — nhà tù nhỏ nơi cô đang bị giam giữ và nhà tù lớn là đất nước của cô.

Khi bất ngờ nghe được một tin “bên ngoài” qua một bạn tù mới nhập trại, nhưng lại là tin chẳng lành về hai người bạn tranh đấu vừa bị bắt, cô viết:

“Một điều đáng sợ nhất là nhận được tin anh em của mình bị bắt. Trong suốt thời gian bốn năm ở tù, tôi nhẩm tính có hàng chục người bị bắt vì đấu tranh cho Nhân Quyền, Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo.

“Không ít người trong số đó là người tôi thân quen hoặc từng may mắn được gặp mặt. Tổng cộng số năm tù cho những người đấu tranh ôn hòa này lên tới hàng trăm năm (...)

“Tôi không khỏi lo lắng và nghĩ tới những ngày tồi tệ của phong trào tranh đấu bên ngoài. Đếm trên đầu ngón tay, chỉ còn lại dăm ba người là... chưa bị bắt hoặc mới về hết án nhưng còn bị giam lỏng tại nhà

“Sự kiện bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân bị bắt sau hàng loạt vụ bắt bớ khác ít nhiều khiến tôi xuống tinh thần. Chị Hương, một người bạn tù khác buồng nói với tôi: “Phải nghĩ tích cực lên chứ. Em chả bảo chị là nhiều người trong số những người bị bắt, em còn chưa từng nghe đến tên của họ là gì. Chứng tỏ đang có thêm nhiều người cùng đấu tranh như em. Thế thì cần mừng chứ sao lại ủ rũ vậy.”

Quả không sai chút nào: ngay từ lúc Phạm Thanh Nghiên đang ở tù và liên tục đến nay, lời khích lệ của người bạn tù đã được chứng minh bằng thực tế. Suốt 10 năm trở lại đây, số người dấn thân vào cuộc đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền tại Việt Nam chỉ ngày càng tăng chứ không giảm.

Những tiến bộ không ngừng của kỹ thuật tin học, nhất là sự lan tỏa vượt bực của mạng xã hội Facebook từ 2011 – 2012, đã tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh dân chủ thực hiện việc liên lạc và nối kết rộng rãi đến mức nhà cầm quyền cộng sản không ngăn chận nổi; đồng thời mở đường phổ biến mau lẹ những tin tức xác thực từ trong nước ra hải ngoại và ngược lại, khiến hệ thống kiểm duyệt tin tức của chế độ lâm tình trạng bất lực, và cả một cơ chế truyền thông “lề đảng” cũng lung lay bị buộc phải tìm phương cách mới để thích ứng.

1. Thất bại trong việc bưng bít tin tức để che giấu sự thật, lại phải lúng túng đối phó với mọi vấn đề từ nội bộ — đấu đá quyền lực, cạn kiệt ngân sách...— đến đối ngoại bị áp lực nặng nề của Trung Cộng trên Biển Đông, rắc rối ngoại giao với Đức và Liên Hiệp Âu Châu, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam bèn trở lại thủ đoạn dùng bạo lực để trấn áp dư luận.

2. Mấy năm liên tiếp, gần đây nhất là từ tháng 6 đến tháng 8/2017, đã diễn ra hàng loạt vụ hành hung, khủng bố, bắt bớ và xử án tù, nhắm vào giới đấu tranh ôn hòa và các cựu tù nhân lương tâm, đến độ các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền phải lên tiếng báo động, như Human Rights Watch qua bản phúc trình 65 trang “No Country for Human Rights Activists: Assaults on Bloggers and Democracy Campaigners in Vietnam” và thông cáo báo chí “Vietnam: End Attacks on Activists and Bloggers”, cũng như Amnesty International qua bản phúc trình “Detained for Defending Human Rights”, báo động về các vi phạm mới nhất và nhắc lại trường hợp cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài bị bắt lại từ ngày 16/12/2015 đến nay chưa biết số phận ra sao.

Dư luận thế giới kinh hãi trước hình ảnh những người tay không vũ khí — kể cả phụ nữ — bị đàn áp bằng bạo lực, nhưng đó là phản ứng đương nhiên của tập đoàn lãnh đạo cộng sản mỗi khi cảm thấy bị đe dọa bởi bất kỳ tiếng nói nào khác biệt với lý luận một chiều của chế độ.

Những người dấn thân vào cuộc đấu tranh dân chủ hiểu rất rõ điều đó, và họ giúp nhau trang bị tinh thần để đối đầu với tình huống xấu nhất, như Phạm Thanh Nghiên viết trong một đoạn hồi ký:

“Tôi xin tặng chuyện này cho bạn, những tù nhân lương tâm “dự bị” dưới chế độ cộng sản, để thấy được những khoảnh khắc của một người tù.

“Tôi luôn hy vọng, trong tương lai gần sẽ không còn nhiều người Việt Nam phải trải nghiệm cuộc đời mình trong chốn ngục tù đầy đau thương và mất mát như một cái giá để trả cho Khát Vọng Tự Do.”

Nhờ mạng lưới thông tin toàn cầu giúp phá vỡ bức tường bưng bít sự thật, dư luận thế giới hiện nay có thể biết tường tận cái giá mà các tù nhân lương tâm tại Việt Nam phải trả cho sự lựa chọn con đường đấu tranh không chỉ dừng lại ở những năm tháng tù đày mà còn tiếp tục đeo đuổi cuộc sống hàng ngày của họ.

Khi Phạm Thanh Nghiên được Human Rights Watch chọn vào danh sách nhận Giải Thưởng Nhân Quyền Hellman/Hemmett tháng 10/2009, cô đang ở trại tạm giam, chờ ngày ra tòa lãnh án 4 năm tù.

Bảy năm sau đó, cô mãn án tù và trên nguyên tắc đã hết hạn 3 năm quản chế, thế nhưng cô và thân nhân vẫn bị theo dõi, bị sách nhiễu, thậm chí bị hành hung một cách dã man.

Ngày 30/3/2017, tổ chức nhân quyền quốc tế Front Line Defenders — www.frontlinedefenders.org, trụ sở tại Dublin, Ái Nhĩ Lan, chọn Phạm Thanh Nghiên vào chung kết giải thưởng “Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền Bị Đàn Áp Năm 2017” cùng với 4 người ở các châu lục khác nhau.

Theo thông cáo báo chí của tổ chức này, “Front Line Defenders Award for Human Rights Defenders at Risk là giải thưởng hàng năm, khởi từ năm 2005, nhằm công nhận thành tích của các nhà hoạt động bênh vực quyền con người, bất chấp rủi ro và thường xuyên bị đe dọa mạng sống, vẫn có các đóng góp đặc biệt bảo vệ và quảng bá nhân quyền tại đất nước mình.”

Năm nay ban giám khảo cứu xét các phiếu đề cử 142 nhà hoạt động nhân quyền từ 56 quốc gia. Cuối cùng 5 nhà hoạt động tại Ukraine (Emil Kurbedinov), Nicaragua (Francisca Ramírez Torres), Nam Phi (Nonhle Mbuthuma), Kuwait (Abdulhakim Al Fadhli) và Việt Nam (Phạm Thanh Nghiên) được chọn vào chung kết.

Thông cáo viết:

“... Phạm Thanh Nghiên, một blogger người Việt, trải qua bốn năm tù giam vì đã công khai viết ra những vi phạm nhân quyền đối với gia đình các ngư dân bị tuần duyên Trung Cộng giết hại.

“Sau khi ra tù, cô bị quản chế tại gia, trong thời gian đó cô đã thực hiện nhiều chiến dịch bảo vệ nhân quyền và là đồng sáng lập Mạng Lưới Blogger Việt Nam.

“Nhà cô bị đột nhập, cô bị cản trở khi đi khám bệnh, chữa bệnh, cửa nhà bị khóa trái nên cô không ra ngoài được, và khi làm giấy đăng ký kết hôn, cô cũng bị chính quyền bác.

“Cô là nạn nhân của nhiều vụ tấn công gây thương tích nhằm ngăn chận những hoạt động tranh đấu mạnh mẽ nhưng ôn hòa của cô trong nỗ lực phơi bày các vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.”

Thông cáo trích phát biểu của Andrew Anderson, giám đốc điều hành Front Line Defenders:

“5 nhà bảo vệ nhân quyền nằm trong danh sách chung kết giải thưởng năm 2017 đã chứng tỏ sự kiên cường, ý chí bền bỉ khi đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng, thường là những đe dọa đối với mạng sống của họ.

“Những nhà hoạt động nhân quyền này cũng như gia đình của họ đều phải chịu đựng các cuộc tấn công, các chiến dịch phỉ báng, quấy rối bằng pháp luật, hăm dọa an ninh cá nhân kể cả đe dọa tính mạng, và án tù.

“Họ cho biết rất cần được dư luận thế giới biết việc họ làm, nhất là vì họ thường xuyên bị chính quyền nước họ phỉ báng và xuyên tạc cuộc tranh đấu bất bạo động của họ. Việc Front Line Defenders đề cử giải thưởng nhằm giới thiệu trước công luận và bảo vệ 5 nhà hoạt động này, những người đóng vai trò quan trọng đối với các phong trào nhân quyền tại đất nước và cộng đồng của họ.”

Ngày 22/5/2017, qua loạt video do Front Line Defenders đưa lên YouTube để giới thiệu 5 ứng viên được chọn vào chung kết, một số nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam đã trình bày cảm nghĩ về nhân cách của Phạm Thanh Nghiên, song song với những lời Phạm Thanh Nghiên phát biểu về tình trạng đàn áp nhân quyền đang tiếp tục diễn ra tại Việt Nam mà chính cô là một nạn nhân:

“Có lẽ rất khó hình dung và khó mà liệt kê hết những rủi ro, những hiểm nguy, những sự đàn áp mà những người đấu tranh phổ biến các vấn đề nhân quyền như tôi gặp phải.

“Nếu nói đến rủi ro thì tôi nghĩ không riêng gì cá nhân tôi mà tất cả những người dân Việt Nam lên tiếng chỉ trích các chính sách sai lầm của nhà nước hiện hành, đặc biệt là lên tiếng bày tỏ quan điểm một cách mạnh mẽ về các vấn đề nhân quyền, dân chủ, đều là mục tiêu bị nhà cầm quyền đàn áp, thậm chí bắt bỏ tù.

“Tôi đã bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm tù nhà.

“Khi bị quản chế thì bản thân tôi không được ra khỏi địa phương cư trú, thậm chí là tôi bị nhốt ở trong nhà, không được đi ra khỏi nhà, không được đi khám, chữa bệnh.

“Cách đây chừng 1 năm, vào ngày 11 tháng 5 năm 2016, khi nổ ra cuộc biểu tình chống Formosa, bảo vệ môi trường thì trên đường đi đến điểm biểu tình, chúng tôi bị bắt. Trong nhóm gồm có vợ chồng tôi và vài người bạn — những người đấu tranh nhân quyền khác — đã bị rất đông công an mật vụ dùng vũ lực bắt ngay giữa đường, thậm chí tôi còn bị một tên an ninh dí giầy vào mặt khi hắn quật ngã tôi xuống đất. Vào đồn công an, chúng tôi đã bị giam trái phép và đánh đập suốt 14 tiếng đồng hồ. Bản thân tôi đã bị đánh 3 lần trong đồn công an ngày hôm đó. Riêng cá nhân tôi thì những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như tinh thần của tôi. Suốt 4 năm kể từ khi ra tù đến bây giờ, tôi hầu như lúc nào cũng phải dùng thuốc, lúc nào cũng phải phụ thuộc vào thuốc, và không ít lần tôi phải nằm điều trị ở bệnh viện trong sự rình rập canh gác của công an mật vụ.

“Chúng tôi coi những điều như đánh đập, bắt bớ, sách nhiễu, khủng bố, tù đầy là những điều đương nhiên phải gặp trên con đường tìm kiếm tự do và đòi hỏi nhân quyền. Ở các quốc gia khác, những người hoạt động nhân quyền thường có một mạng lưới để hỗ trợ lẫn nhau, nhưng tại Việt Nam thì hoàn toàn khác.

“Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Thậm chí chúng tôi chỉ cần liên kết các cá nhân với nhau, gặp nhau, kể cả sự gặp gỡ thường xuyên đã khó khăn, chứ nói gì đến mong ước có được một mạng lưới để bảo vệ mình. Khi lên tiếng về một vấn đề tiêu cực trong xã hội thì ngay lập tức, mình sẽ bị đối mặt với, ngoài những rủi ro, còn có thể là án tù.

“Và những điều luật mơ hồ sẽ được nhà nước dùng để trả thù, trừng trị chúng tôi, như “lật đổ chính quyền”,“chống nhà nước”, hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để chống nhà nước...” ()

Dưới một chế độ tàn bạo và trong điều kiện hoạt động đầy bắt trắc như vậy, câu hỏi đặt ra là, động lực nào giúp cho những người đấu tranh dân chủ giữ vững được tinh thần bất khuất để nắm tay nhau đi tiếp con đường đầy chông gai thử thách mà họ đã lựa chọn?

Đây là câu trả lời của Phạm Thanh Nghiên trên video của Front Line Defenders:

“Chúng tôi không thể sống và thức dậy mỗi sáng để đón nhận sự sợ hãi. Không còn cách nào khác. Chúng tôi phải bước qua. Và chính khát vọng tự do, khát vọng được sống với đầy đủ quyền con người của mình, đã thúc đẩy chúng tôi tiếp tục đi lên phía trước.”

Đọc hồi ký Những Mảnh Đời Sau Song Sắt của Phạm Thanh Nghiên, do vậy, không phải chỉ để thu lượm thêm một số dữ kiện về nhà tù Cộng Sản mà còn là dịp ghi nhận thêm nhiều yếu tố giúp chúng ta theo dõi những chuyển biến chắc chắn sẽ tới từ cuộc đấu tranh kiên cường, quyết liệt của những con người tự nguyện dấn thân để đòi lại nhân quyền căn bản cho 90 triệu đồng bào, giành lại chủ quyền lãnh thổ cho tổ quốc, và trồng lại cây trái tình người trên những mảnh đất chết khô vì một chủ thuyết vô nhân tính.

⬤ ĐÀO TRƯỜNG PHÚC

(8-2017)

Vài Kỷ Niệm

Sau Song Sắt

✶ VŨ THƯ HIÊN

Tôi có chút do dự khi đặt bút viết mấy dòng phi lộ cho cuốn sách. Viết ngắn e không đủ ý. Viết dài thì ai đọc làm gì — sách có, hà tất phải nhiều lời về nó. Phi lộ không phải quảng cáo.

Chẳng ai đọc phi lộ để mua sách. Người ta chỉ đọc nó để biết thêm về tác giả, về ý nghĩa của cuốn sách sau khi đã đọc xong, mà cũng chỉ hãn hữu.

“Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” không phải hồi ký về đời tù. Người Việt Nam ở tù nhiều lắm, và thường ở tù lâu. Đã có khá nhiều hồi ký của những bậc trưởng lão tù có thâm niên cả chục năm trở lên. Cuốn này không phải là cái thêm vào những mẫu đã có.

Như tên gọi, cuốn sách bạn cầm trong tay là những mảnh đời hay kỷ niệm vặt về những cuộc đấu trí vừa dài hơi vừa căng thẳng, vừa bi hài nữa, giữa những người cầm quyền không còn yêu nước với một người yêu nước, và chỉ có thế. Những kỷ niệm nhỏ nhoi, nhưng xúc động tâm can.

Tôi biết Phạm Thanh Nghiên đã lâu, từ khi được đọc bút ký “Uất Ức Biển Ta Ơi!” cách đây đã chục năm.

Mọi người đều đã biết về những cuộc bắn giết, cầm tù dân chài Việt Nam trên biển của mình do bọn người mất hết nhân tính nảy nòi từ đủ thứ cách mạng mà đỉnh cao chói lọi của nó là “đại cách mạng văn hoá vô sản” bên Tàu. Trước nỗi đau tột cùng của đồng loại, những người cầm quyền và những nhà báo vô cảm đã không có lấy một tiếng thét phản kháng, một bài báo phẫn nộ.

Không như họ, tiếng gọi của lòng yêu nước, yêu đồng bào đã đưa cô gái mảnh mai, yếu đuối đến với đồng bào, ghi lại những mất mát tang thương đẫm máu và nước mắt ấy, để mọi người được biết bộ mặt của kẻ thù và lũ tay sai. Bắt đầu từ bài báo ấy và sự biểu thị lòng yêu nước, chống xâm lược, bằng cách hiền hoà, tác giả cuốn sách đã “được” vào tù. Nhà tù không phải chỉ là sự giam cầm. Nó còn là huân chương cho người tranh đấu cho một xã hội tốt đẹp, cho tương lai đất nước. Nhờ bài viết ấy mà tôi và tác giả Phạm Thanh Nghiên trở thành bạn bè.

Với cuốn sách này, người đọc được biết tác giả như một nhà đấu tranh bền bỉ, không khoan nhượng, cho quyền lợi của nhân dân và dân tộc. Điều này là rõ ràng.

Nhưng còn một điều chưa rõ ràng mà tôi muốn nói đến: ấy là bút pháp của tác giả trong bài “Uất ức – biển ta ơi!”, và trong những bài báo khác, tôi thấy bóng dáng một văn tài. Nước ta đã có vài nhà văn đi vào nghiệp cầm bút từ giới cần lao. Phạm Thanh Nghiên là một công nhân lao động chân tay, trong đó có nghề quét rác.

Cô có thể trở thành một Nguyên Hồng lắm chứ.

Nhưng tôi nghĩ, tôi tiếc nữa, rằng Phạm Thanh Nghiên sẽ không chọn nghề văn. Cô chọn cho mình công việc khác — người quét rác xã hội.

Nhà văn đã có nhiều, thừa chứ không thiếu.

Xã hội thiếu người quét rác.

Và tác giả cuốn sách này đã chọn cho mình cái mà xã hội thiếu. Chắc chắn cô sẽ hoàn thành tốt công việc của mình.

⬤ VŨ THƯ HIÊN

Tháng 5 năm 2017

Lời bộc bạch

của

tác giả

✶ PHẠM THANH NGHIÊN

Lúc còn trong tù, tôi đã hứa hẹn với mình rằng khi về sẽ dành khoảng vài năm để viết một cuốn tự truyện hoặc hồi ký ra trò. Tức là tôi sẽ không làm gì hết ngoài việc đóng cửa ngồi nhà và viết về quãng thời gian bị đày đọa trong nhà tù cộng sản.

Nhưng tôi nhận ra rằng việc phá tan xiềng xích của cái nhà tù khổng lồ này cấp bách và cần thiết hơn là ngồi kể lể về nhà tù nhỏ, nơi đã giam cầm tôi bốn năm trời.

Các hoạt động tranh đấu là công việc chính tôi lựa chọn, song tôi vẫn dành chút thời gian dù ít ỏi để kể một vài chuyện tù của mình. Cho dù không có được một cuốn hồi ký hay tự truyện như dự kiến ban đầu, tôi cũng không hoàn toàn bội ước với mình. Và quan trọng hơn, để nói lên phần nào cuộc sống khốn khổ của người tù trong cái “thiên đường xã hội chủ nghĩa” này.

Cuốn sách nhỏ bạn đang cầm trên tay chỉ chứa đựng một số rất ít những chuyện vụn vặt, chắp vá mà thôi. Những chuyện tôi muốn viết, muốn kể vẫn còn nằm trong ký ức, chưa hiện diện trên trang giấy.

Những cái tên tôi nhắc đến chỉ là vài gương mặt trong vô số thân phận tù đã đi qua đời tôi.

Nhưng tôi muốn bạn biết rằng, cuốn sách nhỏ này tôi đã viết bằng cả tấm lòng và sự chân thành của mình.

Ở mức độ nào đó, tôi viết nó không chỉ với vị trí của một cựu tù nhân lương tâm, mà với tâm thế của một tù nhân dự khuyết. Chừng nào tự do chưa đơm hoa kết trái trên quê hương Việt Nam, những chuyện tù của tôi mãi mãi còn dang dở.

Đọc xong cuốn sách này, xin bạn hãy dành một khoảnh khắc của lòng mình để tưởng nhớ những người đồng bào đã bỏ mình trong các nhà tù trên khắp mọi miền đất nước.

Và nhớ đến những người vì khát vọng tự do mà chấp nhận bị đọa đày trong lao ngục.

Cuối cùng tôi muốn nói với bạn rằng, khi bạn cầm trên tay cuốn Những Mảnh Đời Sau Song Sắt của tôi, hay “sách tù” của bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, bạn thật sự là người can đảm.

⬤ PHẠM THANH NGHIÊN

— Xin dành tặng cuốn sách này cho những người tự nguyện hy sinh và đã gánh chịu mọi thách thức trong thầm lặng.

✶ PHẠM THANH NGHIÊN

MỤC LỤC

---------------------------------------------------------

• ĐÀO TRƯỜNG PHÚC

Hồi ký của một nữ tù nhân lương tâm — 11

• VŨ THƯ HIÊN

Vài kỷ niệm sau song sắt — 24

• PHẠM THANH NGHIÊN

Lời bộc bạch của tác giả — 26

⬤ PHẦN MỘT

NHỮNG CHUYỆN Ở TRẦN PHÚ

01)- Mười một tháng chín ..35

02)- Ngày đầu tiên ở tù ..49

03)- Câu chuyện nhỏ của tôi ..61

04)- Đêm đầu tiên ở buồng biệt giam ..68

05)- Người bạn buồng biệt giam ..74

06)- Luân Ba Bánh …………………………………………….79

07)- Những viên đá nhỏ dưới chân tôi ..87

08)-“Nhớ rừng” – Tôi đáp, khách đành lơ ………………..94

09)- Chuyển trại . 101

⬤ PHẦN HAI

NHỮNG CHUYỆN Ở TRẠI 5 - THANH HÓA

01)- Mẹ con thằng Khoai Tây 111

02)- “Anh Thìn” 118

03)- May mà không bị phạt 126

04)- Gái yêu của mẹ 131

05)- Giếng tù 1 138

06)- Giếng tù 2 142

07)- Khó chết 146

08)- Ăn, mặc, ở 151

09)- Mua chỗ 159

10)- Bạn tù 163

⬤ PHẦN BỔ SUNG

NGOÀI CHUYỆN TÙ

01)- Uất ức - biển ta ơi! 175

02)- Tâm thư của Phạm Thanh Nghiên 188

03)- Chút kỷ niệm nhân ngày giỗ bố 193

04)- Mẹ tôi, những ngày mẹ sống và …. 197

05)- Ơi người mẹ điên ơi!

06)- Ba Sao chi mộ

07)- Chúng ta cần thủ lĩnh?

08)- Chuyện của Quyên

⬤ BẠT

• NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Về Blogger Phạm Thanh Nghiên — 231

• VŨ ĐÔNG HÀ

Về cuốn hồi ký của Phạm Thanh Nghiên — 234

• TRẦN PHONG VŨ

Khoảnh khắc đời người — 236

⬤ PHỤ BẢN

Hình ảnh — 245

P.T.N.

(Còn tiếp)