Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Quy hoạch báo chí và Tự do báo chí (phần 3, cuối)

Nguyễn Thông
Cái gọi là quy hoạch báo chí mà nhà nước (cụ thể là Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin – Truyền thông, còn gọi là bộ 4T) đang thực hiện thực ra không phải mới mẻ gì. Nó đã được thai nghén, chuẩn bị từ những năm 2010 – 2012 và bản đề án cứ lằng nhằng thò thụt mãi trên bàn thủ tướng lúc bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng. Những tai to mặt lớn có “công” khai sinh đề án tới thời điểm này hầu hết thân tàn ma dại, cụ thể nhất là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Ngay cả Nguyễn Tấn Dũng, dù không phê duyệt đề án trong nhiệm kỳ của mình, có thể vì lý do nào đó mà sau này những bí mật hậu trường cần được bạch hóa, cũng là kẻ chịu trách nhiệm chính trong việc để cho tình hình báo chí nước nhà lộn xộn, lụn bại, ngột ngạt, mất tự do. Còn nhớ, vào khoảng năm 2012, khi trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, Ba Dũng đã xưng xưng tuyên bố “Việt Nam không bao giờ chấp nhận báo chí tư nhân”, có thể hiểu là không chấp nhận quyền tự do báo chí kiểu ở nhiều nước trên thế giới, báo chí truyền thông đều phải do nhà nước nắm, điều khiển, chi phối, quyết định. Một tờ, một bài, một chữ cũng phải thông qua nhà nước. Đó là tự do báo chí ở Việt Nam.


Cũng dễ hiểu, lúc Nguyễn Tấn Dũng mạnh mồm như vậy, ông ta đang đắc chí, coi mình như trời, thậm chí lấn át cả trời. Lại được đám Giave an ninh phò tá, làm quân sư tham mưu, đương sự cứ tưởng mình vững như bàn thạch, “anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”, nên trói báo chí, chứ trói cả trời cũng dám làm. Chợt liên tưởng tới một “anh hùng làng” khác là Đinh Thế Huynh. Năm 2011, khi mới chỉ ủy viên trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, tức là cũng dạng làng nhàng, nhưng có lẽ biết mình đã được cơ cấu vào Bộ Chính trị nên Huynh rất mạnh mồm. Cũng giả nhời báo chí, Huynh tuyên bố (cái điều mà nhẽ ra phải chí ít là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng mới được phát ngôn), rằng “Việt Nam chúng tôi không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng”. Nghe rất khiếp, nhất lại từ miệng một anh hơi quèn quèn, chỉ đóng chức tổng biên tập một tờ báo. Nhưng có nhẽ ai đó đã mớm cho Huynh, rồi Huynh gặp thời phất lên như diều, và thất thế… lặn một hơi mất tăm. Xin hãy nhớ cho, tới thời điểm này (tháng 3.2020) đương sự Huynh vẫn còn là ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu quốc hội, chưa hề có bất cứ quyết định phế truất, kỷ luật, sa thải nào. Hú ba hồn bảy vía Đinh Thế Huynh lang thang vất vưởng ở đâu thì về cho bàn dân thiên hạ biết là còn sống nhá. Cả Dũng và Huynh, không biết giờ này có muốn đính chính những điều mình đã hùng hổ nói văng mạng không. Biết đâu lại tiếc, giá “hồi xưa” mình đừng cấm báo chí tư nhân, đừng cấm đa nguyên đa đảng thì bây giờ có cái mà dùng…
Lại nhớ khi người ta rập rình quy hoạch báo chí, năm 2013, khi ấy tôi còn đang tòng sự báo Thanh Niên, một trong hai tờ báo “lớn” nhất nước (cùng với tờ Tuổi Trẻ), thấy các vị lãnh đạo họp hành căng lắm. Chả biết số phận tờ báo rồi thế nào. Nếu báo chí do bạn đọc quyết thì đã đi một nhẽ (phát hành hơn 300 nghìn bản/kỳ, quảng cáo đăng đầy), đằng này do cái tư tưởng thống soái quyết, chết đến nơi rồi. Hình như đã có những cuộc lobby, vận động hành lang, chạy này chạy nọ. Lọ mọ một thời gian, một hôm họp, sếp thở phào thông báo xong rồi, ngon rồi, cứ yên tâm mà thẳng tiến. Tôi chợt hiểu, quy hoạch thì quy hoạch nhưng vẫn có những ngóc ngách, con đường, lối thoát nằm ngoài mà chỉ người trong cuộc mới biết.
Vừa rồi hồi tháng 2, theo bước 1 (giai đoạn 1) tính tới năm 2020, người ta xoa tay thông báo đã làm xong chặng này, đã gộp hoặc chuyển thành tạp chí 19 tờ báo. Chẳng hạn gộp tờ Thời Trang Trẻ vào báo Thanh Niên, nhập tờ Hoa Học Trò vào báo Tiền Phong, chuyển những tờ báo điện tử của đoàn thể, tổ chức hội này nọ như Năng Lượng Mới, Đời Sống Pháp Luật, Một Thế Giới… thành tạp chí. Thực ra, phần lớn sự đổi thay ấy họ (nhà nước) chỉ làm cho có, đánh bùn sang ao, rốt cục cũng chỉ như cuộc cách mạng ở làng Mùi bên Tàu. Tôi cam đoan, cứ kiểu cách rình rang này, rồi vẫn thế thôi. Nếu đã muốn thực sự làm cuộc cách mạng với báo chí nước nhà, đâu cần phải ra rả “cuộc kháng chiến của ta có ba giai đoạn, giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự, giai đoạn tổng phản công”. Cái quyết định 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký đã vẽ ra bức tranh rất rườm rà, cải lương, chẳng hạn “Riêng Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa ba cơ quan báo; đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp còn một cơ quan báo”. Rồi các vị chống mắt lên mà xem, có nhập tờ Tiền Phong và Thanh Niên làm một được, tôi cứ đi bằng đầu. Dẹp được tờ Tuổi Trẻ (do cấp địa phương quản lý), có mà tới mục thất…
Vì sao? Nói thẳng ra, nếu họ quy hoạch để nhằm mục đích triệt bớt những tờ báo ăn bám, tiêu tốn ngân sách, những báo lá cải, vô bổ làm băng hoại xã hội, những báo địa phương (cơ quan của đảng bộ…) chỉ vài trăm người đọc, những báo chống lại đất nước, dân tộc, nhân dân… thì việc dẹp, quy hoạch thắt chặt là phải. Chả cần tồn tại những thứ ấy, lại càng không cần chi tiền thuế của dân nuôi những thứ ấy. Quy hoạch vậy rất đáng hoan nghênh, ủng hộ. Nhưng không, căn vào bản quy hoạch và từng bước thực hiện quy hoạch thì chỉ thấy họ làm cải lương, nửa vời, làm để chứng tỏ quyền lực, ra vẻ ta đây. Mà quy hoạch làm gì, khi gần 900 tờ báo, tạp chí, cơ quan báo đài, truyền thông chỉ răm rắp làm theo cái gậy đe nẹt của trung ương tập quyền. Đã buộc và chấp nhận định hướng, đã tuân chỉ thì đừng nói tới tự do. Có quy hoạch giời cũng vẫn thừa. Chỉ cần một tờ đã là nhiều. Còn đối với nhu cầu, khao khát thông tin đa chiều của dân chúng thì vạn tờ vẫn thiếu. Một khi còn độc quyền thông tin, cấm cản tự do báo chí, có tổ chức quy hoạch trăm lần cũng chả giải quyết được gì. Thừa vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu.
Không cần quy hoạch. Chỉ cần quản lý báo chí bằng pháp luật. Ai muốn ra báo cứ ra, báo in hoặc báo điện tử đều được. Muốn báo cho báo, muốn tạp chí cho tạp chí, tùy vào khả năng và ý nguyện. Thông tin không hạn chế. Báo của hội nuôi ong nhưng muốn phản ánh tình hình chiến sự Syria hoặc chuyện cách ly ngăn dịch Cô Vít, cứ tha hồ, miễn là tôn trọng sự thật khách quan. Lấy pháp luật mà điều chỉnh mọi hoạt động của báo chí. Vi phạm thì phạt, đình bản, tước giấy phép. Xây dựng một nền báo chí đa dạng, sinh động, tự do khoe sắc, không có vòng kim cô, chỉ thượng tôn pháp luật. Lẽ dĩ nhiên phải là thứ pháp luật đàng hoàng, tử tế, văn minh, chứ không phải kiểu “mày nói xấu đảng thì tao phạt mày”.
Và điều quan trong là mỗi cơ quan báo chí truyền thông phải tự nuôi sống mình, kể cả báo lẫn đài phát thanh, đài truyền hình. Tuyệt đối không dùng ngân sách nuôi những tờ giấy gói xôi.
Thế thì cần chi quy hoạch. Rởm.
Nguyễn Thông

Ảnh: Nguồn báo Thanh Niên