Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 91): Đinh Hùng & Nguyễn Hiền: Mái Tóc Dạ Hương

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2020)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Mái Tóc Dạ Hương – Thơ: Đinh Hùng; Nhạc: Nguyễn Hiền

Trình bày: Lệ Thu


Xem thêm:

Nguyễn Hiền  Ngàn Năm Mây bay

Đọc thêm:

Nguyễn Hiền, người tình thủy chung của thi ca miền Nam, 20 năm

Du Tử Lê

(Nguồn: Người Việt)

Nói tới nhạc sĩ Nguyễn Hiền, đa số thường đề cập tới sự kiện ông có một trí nhớ siêu việt và, một kiến thức sâu rộng nhờ khả năng thông thạo nhiều sinh ngữ.

Cũng không ít người đề cập tới bản chất nhẹ nhàng, lịch lãm của ông trong những giao tiếp đời thường.

Tuy nhiên, dường như có ít người ghi nhận rằng, nếu theo tỷ lệ, trong số hàng trăm sáng tác của họ Nguyễn (chỉ tính tới tháng 4, 1975,) số lượng ca khúc của ông phổ từ thơ của các thi sĩ; đã đạt tới một con số đáng kể.

Căn cứ theo tài liệu của trang nhà Ðặc Trưng, một trang nhà sưu tập tương đối đầy đủ các sáng tác âm nhạc, thi ca, văn xuôi… của người Việt trong nước cũng như hải ngoại thì, trong số 18 ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, được khán thính giả yêu thích nhất mà trang nhà này sưu tầm được, thì hết 9 ca khúc nổi tiếng ấy, vốn là thơ, hoặc lời do các thi, văn sĩ viết.

Ðiểm theo danh sách những ca khúc của họ Nguyễn do trang nhà Ðặc Trưng phổ biến theo thứ tự, chúng ta có: “Anh Cho Em Mùa Xuân,” thơ Kim Tuấn; “Mười Hai Câu Của Tuổi Trẻ,” thơ Song Hồ; “Hồ Than Thở,” thơ Hà Dzũng; “Hoa Bướm Ngày Xưa,” lời Thanh Nam; “Hương Thề,” thơ Hoàng Ngọc Liên; “Lá Thư Gửi Mẹ,” thơ Thái Thủy; “Mái Tóc Dạ Hương,” thơ Ðinh Hùng; “Người Em Nhỏ,” thơ Thiệu Giang; “Thanh Bình Ca,” lời Thanh Nam.

Tôi không biết sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Hiền có làm thơ không? Nhưng hiển nhiên với số lượng thơ phổ nhạc chiếm tới một nửa tổng số ca khúc của mình, họ Nguyễn nếu không phải là thi sĩ thì ông cũng là một người yêu thơ và, có một trình độ thưởng ngoạn thi ca đặc biệt, hơn người.

Vì thế, tôi không chút ngạc nhiên khi tình cờ tìm được bài viết của tác giả Lê Hữu, nhan đề “Nguyễn Hiền, nhạc, thơ tràn muôn lối” đăng tải trên Diễn Ðàn Mẫu Tâm.

Lê Hữu viết bài vừa kể “nhân kỷ niệm ba năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Hiền” tháng 12 năm 2008.

Trong bài viết công phu của mình, tác giả Lê Hữu đã chỉ ra nhiều điều mang đầy tính thi sĩ của cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Ðó là những phân tích, tôi nghĩ có thể ít người thấy được, nếu Lê Hữu không viết ra.

Tác giả Lê Hữu đặc biệt ghi nhận nhiều về những đổi mới cũng như phần sáng tạo của Nguyễn Hiền qua ca khúc “Anh Cho Em Mùa Xuân,” thơ Kim Tuấn. Một trong những ca khúc gắn liền với mùa Xuân của người Việt Nam dù ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này.

“Anh Cho Em Mùa Xuân” một trong vài ca khúc của nền tân nhạc Việt mà, tôi từng trộm nghĩ, mùa Xuân sẽ giảm đi hương xuân và, vị xuân rất nhiều…; nếu cùng với sự cựa mình, thức dậy của thiên nhiên mà chúng ta không được nghe những nốt nhạc, những ca từ náo nức, rạo rực thương yêu, cùng hy vọng lấp lánh ứa ra từ nốt nhạc đầu tiên, tới cuối cùng của ca khúc ấy.

Trong bài viết chứa đựng nhiều phát hiện mới mẻ của mình, tác giả Lê Hữu viết nguyên văn như sau:

“‘Bầy chim lùa vạt nắng… ’ câu hát tôi thích nhất. ‘Lùa vạt nắng’, tôi chưa nghe ai nói thế bao giờ. Chữ ‘lùa’ ấy rất mới, rất đẹp, rất thơ. Làm sao mà ông lại có thể nghĩ ra được cái chữ tài tình đến như vậy? Làm sao mà ông lại dùng chữ ấy chứ không phải là một chữ nào khác? (‘Bầy chim… đùa vạt nắng’ chẳng hạn, như thế cũng là hay, nhưng không thể hay bằng ‘…lùa vạt nắng’). Ngày ấy chưa ai viết những lời như thế trong thơ, trong nhạc. Mãi về sau này ta mới nghe ‘lùa nắng cho buồn vào tóc em’ (Nắng Thủy Tinh, Trịnh Công Sơn).

“Ðiều thú vị, câu ấy không phải là câu thơ Kim Tuấn trong ‘Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân,’ mà là thơ… Nguyễn Hiền.

“‘Con chim mừng ríu rít’ trong bài thơ được ông đổi ra thành ‘bày chim lùa vạt nắng’, để tương ứng với những nốt nhạc thấp cao, trầm bổng, vừa giữ được ý thơ (vẫn ‘nghe’ được tiếng chim ríu rít mừng vui), vừa thơ hơn và giàu hình ảnh hơn. (……)

“‘Nhạc chan hòa đây đó’, câu hát ấy không thấy trong thơ Kim Tuấn. Hơn thế nữa ‘nhạc, thơ tràn muôn lối’, câu hát cuối của bài hát ấy cũng không thấy trong thơ Kim Tuấn. Trong ‘Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân’ không có câu nào nói đến ‘nhạc’ cả. Vậy thì những câu ấy ở đâu ra, nếu không phải là thơ của Nguyễn Hiền. Trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc. Nhạc quyện vào thơ, thơ quấn lấy nhạc. Nhạc thơ, thơ nhạc đã hòa làm một.” (Lê Hữu)

Tiếng Việt vốn được ghi nhận là giàu có nhạc tính và hình ảnh. Vì thế mà biên giới hay khoảng cách giữa thơ và nhạc Việt là một biên giới, một khoảng cách rất mong manh, nếu không muốn nói là đã bị san bằng. Ðã hòa lẫn.

Nhìn lại, người ta thấy những ca khúc nào của nền tân nhạc miền Nam, 20 năm, hôm nay còn tồn tại, còn vang âm trong tâm hồn người thưởng ngoạn, đều là những ca khúc mà cuộc hôn phối giữa thơ và nhạc, đã đạt tới mức bất hoại trước bản chất vùi dập, xóa bỏ của thời gian.

Nhưng chọn lựa để đi tới cuộc hợp hôn vĩnh cửu lại hoàn toàn tùy thuộc nơi cảm quan, bản chất của mỗi nhạc sĩ.

Có những nhạc sĩ chỉ rung động với những bài thơ mà chia lìa hay khổ đau là đỉnh điểm.

Cũng có những nhạc sĩ chỉ có thể “thành gia thất” với những nàng thơ mà niềm vui và tiếng cười là chọn lựa thứ nhất.

Giữa hai cực này, tân nhạc Việt Nam, nghiêng hẳn về phía tuyệt vọng, nát tan, như là một khía cạnh đặc thù, tương tác, song sinh với dòng thi ca Việt Nam khởi từ thời tiền chiến…

Sự “lấn sân” của những cảm thức sướt mướt tình phụ, đọa lạc thân, tâm của nền thơ nhạc Việt, tôi cho cũng là điều dễ hiểu.

Ngoài ảnh hưởng của phong trào văn chương lãng mạn khởi tự Pháp, du nhập vào Việt Nam khoảng giữa thập niên 1930, chúng ta cũng đừng quên lịch sử của dân tộc Việt Nam là một chuỗi dài chiến tranh, tang tóc… Trong ký ức của người Việt Nam nào, cũng có ít nhiều khăn tang, tử biệt.

Do đó, sự chấn thương tình cảm phản ảnh trong sinh hoạt văn học, nghệ thuật 20 năm miền Nam Việt Nam, đã như một thuộc tính của dòng sinh mệnh ấy.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa tất cả các thi sĩ, nhạc sĩ đều bước về phía của cùng quẫn chia ly mà nhạc sĩ Nguyễn Hiền, là một biểu tượng rõ ràng nhất.

Không biết có phải, như đã nói, bản chất hay cá tính họ Nguyễn vốn dịu dàng, êm đềm, nên âm điệu và những ca từ ông chọn cho các sáng tác của mình, đều ít tính áo não, thê thiết, như cõi nhạc của khá nhiều nhạc sĩ cùng thời với ông.

Nói cách khác, trong kho tàng thi ca Việt Nam nói chung, miền Nam Việt Nam, 20 năm nói riêng, họ Nguyễn vẫn có thể tìm đến với những tình yêu tuyệt vọng, hay những kết cuộc bi thảm hơn kiểu mối tình Trương Chi, lúc chết đi trái tim của kẻ bị phụ tình không tiêu tan mà thành khối ngọc nối tiếp tương tư…

Nhưng Nguyễn Hiền đã chọn cho đời nhạc của mình, một cõi giới khác. Cõi giới của những tỏ tình tha thiết ân cần, đằm thắm nhắn nhủ…

Thí dụ, như những ca từ trong ca khúc “Người Em Nhỏ” (thơ Thiệu Giang); sáng tác đầu tay này, họ Nguyễn viết khi ông mới bước vào tuổi 18:

“Tôi có người em nhỏ

“xanh xanh đôi hàng mi

“Môi hồng vừa đương độ

“Chưa biết sầu chia ly.

“Ngày tôi đi vàng nắng

“Nghiêng nghiêng một hàng cau

“Mai ta nhìn mây trắng

“Gửi lời về thương nhau”

Ở phần coda, trước khi kết thúc, tuy nói tới “biệt ly” – Nhưng đó lại là cái “biệt ly” xác tín về một tình yêu đã hình thành, một hứa hẹn tái hợp lấp lánh đâu đó:

“Tôi có người em nhỏ

“Xanh xanh đôi hàng mi

“Môi hồng vừa đương độ

“Ðã biết sầu biệt ly.”

Trong ca khúc “Lá Thư Gửi Mẹ” (thơ Thái Thủy), dù nội dung nói một cuộc lên đường đi vào lửa đạn, nhưng nốt nhạc của ông vẫn chan chứa một niềm tin; như thể ra đi cũng đồng nghĩa với trở về một cách nào khác:

“Mẹ ơi! thôi đừng khóc nữa

“Cho lòng con nặng sầu thương

“Con đi say tình viễn xứ

“Ðâu có quên tình cố hương”…

Ngay trong bài “Mái Tóc Dạ Hương” (thơ Ðinh Hùng,) tuy cũng nói về một chia tay. Nhưng đó là một chia tay chia tay làm thành kỷ niệm trăm năm. Kỷ niệm trăm năm là những hạt ngọc gắn trên vương miện quá khứ. Quá khứ của một tình yêu một thời và do đó, một đời:

“Từng bước lần theo trăng viễn khơi

“Trong đêm còn mơ dáng ai cười

“Tiếng cười như cõi thiên thu lại

“Tiền kiếp xưa nào em hé môi.

“Rồi đây trên những lối đi này

“Ta sẽ cùng ai tay nắm tay

“Nhịp chân lưu luyến mãi cung đàn

“Buông lắng chìm tâm tư đắm say.

“Dĩ vãng nào xanh hơn mắt em?

“Chao ôi! màu suối tóc buông mềm

“nét buồn khuê các hoen sương phủ

“Nhạt ánh sao mờ bên dáng xiêm.”

Chọn đường đi riêng, một đường đi không cùng hướng với những người đồng thời, nhưng phù hợp với cá tính, bản chất của mình, phải chăng nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã vô tình cho những thế hệ sau ông, biết rằng:

– Nền thi ca miền Nam hai mươi năm, không chỉ có nước mắt.

Nền thi ca ấy, qua ca khúc của ông, còn có tiếng cười hân hoan của lục lạc thương yêu; tiếng reo ngân thánh thót của chuông khánh những mùa Xuân đã qua và, những mùa Xuân sẽ tới, nữa.

Du Tử Lê

(15 tháng 6, 2010)