Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Đĩ thúi & phần còn lại ở đời sau (kỳ 3)

Nguyễn Viện

8.

Nhà tù vốn là một chung cư cho nhân viên Mỹ trước 1975, được cải tạo thành trại giam. Nguyễn và Mã Kiều Nhi bị tống vào đây sau một đêm nằm trong đồn công an phường. Họ ở hai phòng khác nhau.

Chuyện kể của Nguyễn:

Tôi bị còng tay và ép ngồi giữa chiếc xe gắn máy. Nhìn phố phường nhấp nhô, tôi biết không còn mấy phút nữa những hình ảnh này sẽ thành xa ngái. Qua cổng trại giam, tôi được bàn giao cho một công an quản giáo, rồi được tháo còng. Thủ tục nhận người cũng đơn giản, tôi khai sơ qua lý lịch, nhưng đến phần lý do bị bắt thì tôi phân vân. Làm tình là một tội? Tôi viết: “Làm tình trong phòng trọ”. Mã Kiều Nhi có thể là đĩ với tất cả mọi người, nhưng với tôi thì không. Quản giáo dẫn tôi lên lầu ba. Đi hết một hành lang dài, những người tù trong phòng nhìn ra, tôi muốn mỉm cười với họ thay cho một lời chào, nhưng không nhếch mép nổi. Trước phòng cuối dãy, người quản giáo đứng lại mở cửa. Tôi bị đẩy vào. Cánh cửa nhà tù khép lại.

Tôi cúi chào mọi người. Chưa biết phải như thế nào, may mắn tôi nhìn thấy một người lớn tuổi nhất vẫy tay. Tôi bước đến và ngồi xuống bên cạnh ông ta. Mọi người nhìn tôi chăm chú. Tôi e ngại một thủ tục nhập phòng của giới giang hồ.

Tôi nói: “Xin chào mọi người”.

Ông già hỏi: “Tội gì?”

Trong cách hỏi của ông ta, tôi cảm thấy thân thiện. Tôi ngập ngừng. Nếu tôi nói đi chơi gái, chắc chắn tôi sẽ nhận được một tràng cười cùng lúc tôi sẽ bị đánh. Tôi nhớ đến tấm bảng treo trước ngực khi bị dẫn đi diễu hành, tôi trả lời: “Dạ, tàn dư Mỹ-Ngụy”.

Thời đó, tàn dư Mỹ - Ngụy bị bắt không phải ít và với những tội danh khác nhau, trốn tránh trình diện cải tạo, hoặc bị tố cáo làm gì đó trong chế độ cũ.

Ông ta hỏi tiếp: “Làm gì?”

Tôi nói: “Viết văn”.

Ông ta mỉm cười. Tôi cũng thở ra nhẹ nhõm. Ông ta giới thiệu người trưởng phòng. Một thanh niên trẻ, tên A, không có vẻ gì khỏe mạnh nhưng khôn lanh.

Anh ta hỏi tôi: “Tình hình bên ngoài thế nào?”

Tôi nói: “Rất nhiều nhà văn, nhà báo bị bắt”.

Anh ta hỏi: “Có thăm nuôi không?”

Tôi bảo chắc có nếu gia đình biết tin. Anh ta nói sẽ giúp tôi báo tin cho gia đình.

9 giờ tối, tôi được gọi đi làm việc.

Quản giáo dẫn tôi ra khỏi phòng giam. Tôi đi lơ lửng chênh vênh trên mặt đất. Một cảm giác giống như ảo cảnh. Đầu óc lơ mơ. Phòng làm việc chỉ có một cán bộ chấp pháp.

Anh ta nói: “Ngồi đi”.

Tôi ngồi xuống.

Cán bộ hỏi: “Anh làm gì trong phòng trọ?”

Tôi nói: “Tôi ngủ với bạn gái”.

Cán bộ hỏi: “Có hôn thú không?”

Tôi nói: “Thưa, không”.

Hắn hỏi: “Nghề nghiệp?”

Tôi nói: “Dạ, đang thất nghiệp”.

Cán bộ hỏi: “Không thất nghiệp thì làm gì?”

Tôi đáp: “Có thể làm một số nghề như viết thuê hoặc làm văn phòng”.

Cán bộ hỏi: “Có được thuê viết truyền đơn không?”

Tôi toát mồ hôi: “Da, không”.

Cán bộ hỏi: “Vậy thường viết cái gì?”

Tôi đáp: “Dạ, viết cái người ta thuê”.

Cán bộ hỏi: “Người ta thuê viết cái gì?”

Tôi đáp: “Dạ, viết về một cuốn sách, hoặc một tiếng hát, hay một cuốn phim”.

Cán bộ hỏi: “Anh là nhà văn hay nhà báo?”

Tôi đáp: “Có khi là nhà văn, có khi là nhà báo. Hiện nay thì không là nhà gì cả”.

Cán bộ hỏi: “Anh thích ở nhà thổ hay nhà tù?”

Tôi lại toát mồ hôi, không thể đùa trong trường hợp này, tôi không biết nói sao. Im lặng. Cán bộ hỏi: “Sao anh im lặng?”

Tôi đáp: “Vì tôi không biết nói sao”.

Hắn đưa cho tôi mấy tờ giấy, bảo: “Anh viết tự khai”.

Xong, hắn đi ra

Tôi ngồi một mình. Tôi không biết khai cái gì. Kể chuyện tình của tôi với Mã Kiều Nhi à? Tôi đang thất nghiệp, ăn bám Kiều Nhi. Tôi nói về những giấc mơ của mình chăng? Tôi chẳng có giấc mơ nào ngoài ước mong được yên ổn. Cách mạng đang đùng đùng ngoài kia. Tôi sợ cách mạng. Cách mạng là chấm dứt mọi mơ mộng. Cách mạng chỉ là lao động sản xuất, là kinh tế mới. Và cách mạng là trấn áp. Tôi không thể nói những suy nghĩ của mình. Tôi để tờ giấy trắng.

Cán bộ chấp pháp quay trở lại. Anh ta nhìn tờ giấy trắng. Anh ta bỏ đi. Người quản giáo đến đưa tôi về phòng giam.

Tôi được nhường chỗ bên cạnh ông già, một người tù chính trị. Ba viên gạch bông, mỗi viên hai tấc. Tôi lấy đôi dép làm gối. Cố ngủ.

Giữ đúng lời hứa, sáng hôm sau trưởng phòng đưa tôi một miếng giấy bao thuốc lá và cây bút chì. Tôi viết cho Vương viên ngoại: “Con và Mã Kiều Nhi bị bắt. Đang ở trại giam TB. Phòng 315”, bên dưới tôi ghi địa chỉ nơi đến. Lá thư được quấn quanh miếng gạch nhỏ bằng một sợi thun, rồi được bắn qua hàng rào cũng bằng mấy sợi thun.

Qua lối truyền thông tin bằng miệng từ phòng này qua phòng khác, tôi cũng biết được tin của Mã Kiều Nhi.

Hai tuần sau tôi có quà thăm nuôi.

Việc nấu nướng trong tù là một kỳ công có thể sánh ngang với việc con người leo lên mặt trăng. Và một ngụm cà phê nóng có thể ví như vào thiên đàng.

Nhưng đường đến thiên đàng lại chính là những phút giây ngắn ngủi đi gặp người thân và nhận quà tiếp tế. Mặc dù vẫn là trong nhà tù, nhưng thoát ra khỏi bốn bức tường và đi trong một khoảng sân rộng hơn đã là một phần của tự do.

Con người trở nên hèn mọn vì một vài nhu cầu nhỏ nhặt. Trong tù, phạm vi suy tưởng dường như cũng co hẹp lại trong bốn bức tường. Làm thế nào để giữ gìn sức khỏe và tồn tại là điều quan trọng nhất. Tôi thường tập thể dục sát ngay song sắt để có thêm khí trời.

Cả phòng bị ghẻ. Tôi đã nhìn thấy những con cái ghẻ trong suốt dưới làn da của mình. Và tôi cũng nhìn thấy con người chỉ là những con cái ghẻ trong cuộc sống của nhau. Cũng như tôi không thấy có sự khác biệt nào giữa những con người bị coi là cặn bã như móc túi, cướp giật, lừa đảo, ma cô, đĩ điếm... trong nhà tù với những kẻ được coi là đáng kính ngoài xã hội, bởi trong trại giam cũng không thiếu những người vốn từng được kính trọng. Tôi không nhìn thấy có ranh giới nào giữa kẻ phạm tội và người chưa phạm tội.

Đêm giao thừa, cả phòng đã đón chào năm mới bằng bài quốc ca của chế độ cũ. Tôi thấy điều này thật tự nhiên, không phải vì họ có lập trường chống Cộng hay chế độ, mà đó chỉ là một biểu hiện của trạng thái đối nghịch trong hoàn cảnh. Kẻ bị tù và chế độ bỏ tù họ.

Đại diện chế độ đáp trả bằng một món quà xuân đặc trưng, cùm chân tập thể cả phòng nguyên một ngày đầu năm.

Nếu như không có niềm tin rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, tôi không thể tưởng tượng mình có thể sống. Nhưng cuộc sống tốt đẹp là như thế nào, tìm kiếm ở đâu lại là những câu hỏi không có lời giải đáp. Tôi không có tham vọng trở thành một cái gì. Nhưng tôi vẫn cứ hy vọng vào cuộc sống. Tôi không tin chế độ này sẽ đem lại điều gì có ý nghĩa, nhưng tôi vẫn cứ phải ngụp lặn trong nó. Sống là một nhu cầu tự thân, một bản năng nằm ngoài những toan tính. Tôi không có ý nghĩ trả thù. Tôi cũng không có ước muốn cống hiến cuộc đời mình cho một lý tưởng nào đó. Tôi cần tự do. Và tự do tự nó là một ý nghĩa không cần biện minh hay lý giải.

Sau gần một năm, tôi và Mã Kiều Nhi được đi lao động cải tạo.

Bầu trời lúc nào cũng bao la, nhưng kỷ luật và nội qui làm cho con người bị biến thành con vật. Công việc hàng ngày là đào đất lên liếp rửa phèn theo chỉ tiêu. Sức khỏe của tôi không đủ khả năng đáp ứng với sự nặng nhọc này. Tuy nhiên, những người trong đội đã chia sẻ, họ để cho tôi làm được đến đâu thì làm. Không thể trông cậy mãi vào lòng thương hại của người khác, tôi chủ động đề nghị với ban quản giáo cho tôi được dạy học cho những trại viên chưa biết chữ.

Lớp học được hơn chục người, đa phần là dân móc túi vô gia cư. Họ không cần chữ. Vì thế, lớp học rơi rụng dần trước khi họ có thể đọc hay viết được một lá thư.

Tôi cũng nhận ra, việc bắt bớ và trừng phạt mình chẳng theo một thứ pháp luật nào. Vậy thì tại sao tôi phải tôn trọng nó?

Tôi bắt đầu có ý nghĩ trốn trại, mặc dù trước đó tôi đã lạnh người chứng kiến cảnh các quản giáo đánh đập tàn nhẫn một người trốn trại vào ban đêm bằng cây tre. Tôi đã cảm nhận cây tre khi bị dập sẽ trở nên ghê rợn như thế nào khi nó quất vào da thịt.

Cho dù thế nào, con người vẫn cần phải tin vào nhau. Nhưng đặt niềm tin vào người khác lại là chuyện rất may rủi. Tôi đã có may mắn khi ngỏ ý muốn trốn trại với người bạn nằm bên cạnh. Anh vốn là một thày giáo và là một cựu đảng viên Quốc Dân Đảng, bị bắt vì tội vượt biên. Anh bảo tôi: “Nếu không thật sự cần thiết thì quên chuyện ấy đi”.

Tôi không có điều gì cấp thiết hay quan trọng để phải trốn trại, nhưng ý nghĩ bị trói buộc làm tôi cùng quẩn, khó thở. Đêm không ngủ được, sáng dậy vật vờ như con ma. Rồi tôi ăn uống cũng không được. Tôi đổ quỵ. Y tá trại cho tôi uống thuốc. Tôi vất thuốc đi. Càng lúc tôi càng suy sụp. Tôi không muốn sống nữa, bởi tôi không biết sống để làm gì. Mặc dù khi ấy, câu nói phổ biến nhất làm căn bản đạo đức cho một xã hội nghèo đói và nô dịch lạc hậu là “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, không phải không làm cho tôi cần nhìn lại cuộc sống của chính mình theo lý tính thuần túy. Nhưng tôi cũng đủ trải nghiệm để biết thực chất của nó chỉ là sự sáo rỗng của tuyên giáo trong một xã hội hoàn toàn giả dối và tàn ác. Những chính sách mù quáng và khắc nghiệt không mang lại cho bất cứ ai biết suy nghĩ độc lập một niềm hy vọng nào. Nhưng cái kinh tởm nhất đối với tôi không phải ở những sai lầm có tính điên rồ như thế của nhà cầm quyền, mà chính là cái thái độ của bọn nịnh thần bợ đỡ khắp mọi nơi, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ, trí thức. Một tình trạng vô liêm sỉ phổ quát. Tôi không muốn sống chung với dòi bọ.

Y tá trại đưa tôi về thành phố cấp cứu.

May mắn, tôi không bị còng tay vào giường và tôi đã ra khỏi nhà thương ngay khi có thể bước đi được.

Chuyện kể của Mã Kiều Nhi:

Tôi lúc nào cũng chỉ muốn sướng. Vì thế, chẳng có lý do gì tôi lại phải chịu khổ khi ở trong tù.

Khi chấp pháp kêu tôi lên làm việc, tôi đã rất nghiêm chỉnh khai báo tất cả những gì cán bộ muốn tôi khai báo. Tôi chẳng có gì phải che giấu, nhưng tôi cũng không dành cho cán bộ cái quyền giáo dục tôi.

Tôi nói với cán bộ: “Sự thật về em rất đơn giản, khi bị bắt em không làm đĩ, mặc dù em có làm tình. Còn lý do vì sao em làm tình cũng rất đơn giản, vì em thích. Anh có muốn làm tình với em không?” Rồi tôi cởi nút áo khoe vú. Tôi nói: “Vú em đẹp. Cho anh nhìn miễn phí”.

Cán bộ hét lên: “Cô kia! Đây là phòng làm việc”.

Tôi bảo: “Phòng làm việc thì làm tình cũng đâu có sao”. Rồi tôi cười: “Em không tố cáo anh đâu. Em thích vui. Anh cứ vui đi, chẳng việc gì phải tự làm khó mình. Nếu anh không dám làm thì cứ nhìn cũng không sao. Em đẹp mà phải không?”

Anh cán bộ hỏi: “Cô muốn gì?”

Tôi nói: “Em nói rồi. Em muốn vui”. Rồi tôi nựng vú tôi, nói: “Anh cứ tự nhiên, em không la làng đâu”.

Cán bộ nói: “Thôi, cô mặc áo lại cho tử tế rồi về phòng”.

Tôi nói: “Nếu có thể được thì anh tiếp tế đồ ăn cho em, mai mốt ra tù em sẽ trả ơn”.

Tuy không được thả, nhưng tôi vẫn nhận được quà thăm nuôi của Đạm Tiên do quản giáo mang đến tận phòng.

Khi bị đưa đi lao động cưỡng bức, tôi cũng tìm được cách cho quản giáo biết tài năng của một phụ nữ tiết hạnh khả phong công dung ngôn hạnh. Tôi nấu ăn giỏi và hát hay, vì thế tôi được chọn làm phụ bếp và tham gia ban văn nghệ của trại. Tôi chỉ thiếu mỗi danh hiệu áp trại phu nhân thôi, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi cũng cho các anh cai tù bóp vú một cách kín đáo.

9.

Không ai nghĩ tôi là ma, Đạm Tiên nói, bởi những cảm giác thật tôi mang đến cho người khác. Không một ai biết tôi chỉ là sự ngưng tụ của một ảo ảnh, ảo tưởng và những gì người khác thấy và cảm nhận chỉ là một ảo tượng. Vương Thúy Kiều hay Mã Kiều Nhi tưởng tôi là một người bất tử như họ. Tôi hiện hữu như một sinh linh và như một khát vọng, tôi có thật trong cuộc đời này với những tác động hiển nhiên vào cuộc sống những người liên hệ với tôi. Nhưng thật ra tôi chỉ là ma. Bởi là ma, tôi sống trong bóng tối của con người. Tôi biết tường tận mọi sâu kín. Và tôi đến để những sâu kín được hiển lộ. Vì tôi là đàn bà, tôi cũng là ham muốn của trần gian, nhưng đừng vội bảo tôi là tội lỗi, bởi thật ra tôi là cái đẹp, hạnh phúc và viên mãn. Tôi là đầu tiên và cuối cùng của một hành trình trong đời của mỗi một đàn ông. Tôi không phải bất tử nhưng tôi hằng có. Tôi là động lực của sự sống vì thế không một đàn ông nào có thể từ chối tôi khi tôi muốn. Tôi biết cách làm thỏa mãn bất cứ người đàn ông nào bởi vì tôi biết họ cần gì. Cái kinh nghiệm mang tính nhân loại đã nâng tôi lên thành thần. Dân gian gọi là “Thần Lồn”. Tôi dâng hiến và ban phát. Tôi phục vụ và được tôn thờ. Thật ra, ma hay thần cũng không khác gì nhau. Cũng không phải vấn đề đẳng cấp. Thế giới của sự thật hay chân lý chỉ là một. Rồng hay rắn cũng chỉ là một. Sự sướng tuyệt đỉnh không phân biệt giả hay thật, già hay trẻ, thơm hay thối. Tôi có mùi của sự chết. Và đến với tôi không một ai mà không chết. Chỉ có cái chết con người mới đạt được sự toàn mãn. Bởi vì đụ là một quá trình của cái chết. Ai không biết điều ấy chẳng bao giờ đạt được cái sướng tuyệt đỉnh. Tiếc thay cho những kẻ thay vì phiêu dật vào cái vô cùng lại biến nó thành lầm than và tủi nhục của sự giới hạn.

Nguyễn nói với Đạm Tiên: “Em có khả năng biến đổi một người đàn ông tầm thường trở thành vĩ đại”.

Đạm Tiên cười: “Không dám. Anh đã đụ em cả ngàn lần mà anh có khá lên được tí nào đâu”.

Nguyễn nói: “Vì thật sự em chưa bao giờ yêu anh”.

Đạm Tiên bảo: “Cũng có thể vì anh chưa bao giờ buông thả mình thật sự”.

Nguyễn tự đặt cho mình một loạt câu hỏi: Thế nào là dấn thân? Thế nào là hết mình? Đâu là những trở ngại và cách vượt qua trở ngại? Để làm gì? Rồi thế nào là cân bằng? Có cần thiết phải cân bằng không? Cái tối hậu là gì? Nhưng Nguyễn không bao giờ muốn có câu trả lời, bởi vì chàng biết mình không đủ sức để sống với câu trả lời, đích thực.

Nguyễn bất ngờ thấy mình đang ở trên đỉnh núi. Nhìn xa về phía đông là biển. Sau lưng chập chùng những ngọn núi khác. Nguyễn bảo: “Anh không tưởng tượng được mình có thể leo lên được tới đây”.

Đạm Tiên cười: “Bởi vì anh không tin vào chính mình. Nhưng bây giờ thì anh đã ở trên đỉnh núi”.

Nguyễn hỏi: “Có thể giải thích điều này thế nào? Mộng du hay ma giấu?”

Đạm Tiên bảo: “Anh hiểu sao cũng được”.

Nguyễn hỏi: “Đây là đâu?”

Đạm Tiên đáp: “Núi Chà Bang. Anh nghe đến nó rồi phải không?”

Nguyễn xao xuyến: “Ừ. Ninh Thuận”.

Đạm Tiên hỏi: “Anh thấy thế nào?”

Nguyễn nói: “Anh thấy tiền kiếp”.

Đạm Tiên bảo: “Đừng xạo nhé”.

Nguyễn nói tiếp: “Anh thấy cả vị lai”.

Đạm Tiên bảo: “Anh đừng phét lác kiểu văn chương triết học thế. Em là ma đấy”.

Nguyễn nói: “Ngày xưa anh đã chăn dê dưới chân núi này”.

Đạm Tiên bảo: “Coi chừng em quăng anh xuống núi cho chăn dê tiếp”.

Nguyễn nói: “Có vài lần anh đã thử leo lên núi”.

Đạm Tiên hỏi: “Để làm gì?”

Nguyễn đáp: “Xem có gì linh thiêng”.

Đạm Tiên hỏi: “Anh thấy gì?”

Nguyễn nói: “Anh thấy tiền kiếp”.

Đạm Tiên hỏi: “Lần khác anh thấy gì?”

Nguyễn nói: “Cũng chỉ thấy tiền kiếp”.

Đạm Tiên hỏi: “Tiền kiếp anh là gì?”

Nguyễn nói: “Một thằng bé chăn dê”.

Đạm Tiên hỏi: “Còn vị lai của anh?”

Nguyễn nói: “Một nhà văn”.

Đạm Tiên hỏi: “Cảm giác của anh bây giờ ?”

Nguyễn bảo: “Anh sợ mình không thể xuống núi được”.

Đạm Tiên cười: “Em sẽ giúp anh bay xuống. Nhưng quên chuyện ấy đi. Hãy sống với cái mình đang có”.

Nguyễn nói: “Khí trời, mây, gió, độ cao và gái?”

Đạm Tiên nói: “Chỉ có gái”.

Gái là một thực tại nhãn tiền. Và Đạm Tiên phô bày một thực thể huy hoàng tiên nữ. Không phải cung đình diễm lệ kiểu phim Tàu, mà porno Hollywood siêu thực. Gió làm cho thực thể ấy sóng. Cây cỏ làm cho thực thể ấy đa dạng mông lung. Chim hót làm cho thực thể ấy dậm dật mê cuồng. Nhưng mây và thanh khí lại làm cho thực thể ấy trở nên hư ảo. Nguyễn thấy mình căng phồng như một quả bóng. Nhục dục và siêu thoát. Chàng kêu lên đáo bỉ ngạn sa tràng thọ tiễn. Úm ba la mật. Trong một chớp lóe sáng lòa của ý thức, Nguyễn thấu cảm ngẫu tượng tôn giáo của Linga và Yoni.

Sau này, Nguyễn nhất định cho rằng mình là người gốc Chăm.

Những cuộc tấn công của Chiêm Thành vào Đại Việt trong khoảng từ năm 1360 đến 1390 hẳn đã để lại nhiều hậu duệ hung hãn và lãng mạn.

N.V.