Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 184): Phạm Thị Ngọc – Bạn

clip_image001Phạm Thị Ngọc tên thật Phạm Thị Ngọc Quyên, sinh 1963 và sang Hoa Kỳ trong biến cố tháng 4-1975. Truyện ngắn đầu tay đăng trên tạp chí Văn của Mai Thảo năm 1983. Cộng tác với các tạp chí Văn học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21. Hiện sống tại Houston, Texas.

Truyện “Bạn” dưới đây đã, thêm một lần, chứng tỏ ngòi viết của Phạm Thị Ngọc chẳng những thông minh và còn thật nhạy bén, không chỉ với các vấn đề của di dân mà đã chính xác nhắm vào tuổi trẻ: “Vừa đến Mỹ, những đứa trẻ bỗng nhiên phải giải thích rất nhiều. Giải thích sự có mặt của họ tại đây, giải thích về cuộc chiến, về những hình ảnh chiến tranh thảm khốc. Lớn lên, nhìn lại thảm kịch và đổ nát của chính cuộc đời mình, những đứa trẻ khi xưa bây giờ đứng tuổi nhận ra rằng giải thích gia đình mình vẫn là điều khó khăn nhất.”; đồng thời mở rộng hơn nữa khi đây là các thanh thiếu niên Âu Mỹ, bất kể màu da hay quốc tịch gốc: “Judith đốt những điếu thuốc lá đầu đời năm mười lăm tuổi, lén lút trong nhà cầu trường, vào giờ ra chơi. Yến quan sát nét dịu khoái trên nét mặt Judith khi nó kéo hơi thuốc dài, nuốt khói. Chất nicotine ngấm nhanh chóng vào máu, lan lên óc làm dịu xuống những bứt rứt, bực dọc.

Mai Ninh

Phm Th Ngc

Bn

Gần một thập niên sau ngày họ gặp lần chót, Yến lại nhận được điện thoại của Judith vào một tối cuối tuần. Giọng nói Judith vẫn vang vang như thuở xưa, để Yến mường tượng ra một con người chưa chịu để thời gian ảnh hưởng. Yến mừng, nhưng không ngạc ẩhiên, vì đây chẳng phải là lần đầu Judith lại đột ngột lên tiếng sau nhiều năm im bặt. Judith kể lể chị đã mất sáu năm trời tìm Yến. Yến cười, thì những thay đổi đã xảy ra trong bốn năm Judith không tìm, và thật sự thì Yến đã chưa hề đi đâu trong suốt thời gian họ mất liên lạc, đã gọi tìm Judith khắp nơi kể từ ngày Judith ngang nhiên bỏ việc về ở với mẹ. Yến nhớ, lần cuối cùng họ gặp nhau là lúc Judith đang tơi bời trong một cuộc ly dị không êm thắm. Lọt vào đâu đó chính giữa là lần Judith gọi cho Yến ở sở làm, kể mẹ chị đang phải chữa trị ung thư vú, còn Yến thì kể bố chị vừa trở thành một con số tử vong cho chứng ung thư phổi. Judith yên lặng, như không tìm ra lời, rồi ngập ngừng chia buồn, rồi từ đó bặt tin. Gần thập niên sau, đôi bạn lại tìm ra nhau, để ôn lại từng dấu mốc thời gian, dù họ không chính xác lắm.

     Giọng nói Judith vẫn không thay đổi, trong vắt như thuở mười ba, rõ mồn một, chói và lạnh, giữa giờ khuya. Yến hỏi thăm về bà Lemoine, mẹ Judith, dù rất sợ mình phải nghe một tin buồn. Nhưng Judith trả lời mẹ chị vẫn thường.

     "Mẹ muốn tao về nhà," Judith nói, rồi thở dài, như có điều ray rứt trong lương tâm. "Bả nghĩ tao có bổn phận phải lẩn quẩn bên bả mãi."

     "Vậy bây giờ mày đang ở đâu?"

     "Utah."

     "Utah? Tại sao lại tận Utah?"

     Judith trả lời tại việc làm đưa đẩy. Chị không chọn ở Utah, nhưng cuối cùng cũng đã ở đó nhiều năm rồi.  Judith nói Utah buồn, nhưng không khí chưa bị ô nhiễm, và ở đó chị vẫn có thể đạp xe đạp đi làm.

     "Nhưng Utah là một trong những con voi béo nhất trong bản đồ chính trị cho bọn trắng cực đoan." Yến trêu.

     "Đúng đó Yến, trắng thì ở đây thật là trắng. Còn chính trị thì tao đã đăng ký vào đảng Cộng Hòa từ năm mười bảy."

     Yến phì cười, "điều đó tao chưa hề được biết, bận rộn như mày thuở xưa. Cho tao hỏi, vậy bây giờ mày là vợ thứ mấy trong cộng đồng Utah đa thê?"

     "Thứ bảy, Yến ạ.  Số bảy là số hên."

     Họ cười với nhau, giọng cười Judith hề hề, cười từ bụng.  Giọng cười ấy ngày xưa cũng khanh khách mỗi lần đứa con gái đó trêu Yến, túm và ôm lấy đầu Yến và bảo nó đang nặn mụn blackhead. Judith bảo giọng nói Yến vẫn vậy, có điều không còn ngọng như ngày xưa.

     "Cám ơn mày đã so sánh tao với ba mươi năm trước."

     "Mày nói sheet cake một lần nữa đi."  Judith nói.

      Yến nói "shit cake."

     "Giỏi. Nhưng giọng mày nói chuyện sao giống Emily Dickinson quá."

     "Đó là nãy giờ tao chưa nói gì hết?" Nhưng Yến cũng xin lỗi, rồi hướng câu chuyện về những cái tên thuở trước, những mối dan díu qua đêm của Judith với những Richard, Bobby, Douglas, vân vân. Judith gợi ý cho Yến về vài người bạn Việt của họ ngày xưa.

     "Mày còn liên lạc với Trúc không?"

     "Trúc dường như không muốn liên lạc. Những người không muốn góp mặt thì đừng tìm họ."

     "Còn Tuấn?"

     Tuấn. Yến biết trước Judith sẽ nhắc đến Tuấn. Không lần nào Judith gọi, dù mỗi lần gọi cách nhau ngần ấy năm, mà Judith không nhắc đến Tuấn, như chỉ để khiêu khích. Mấy mươi năm rồi khiêu khích thì có thay đổi được gì. Yến cảm thấy muốn trả lời một câu khó chịu, hoặc gác ngay điện thoại.

     Yến không khỏi cảm thấy bị khiêu khích vì đây dường như đã là tính bẩm sinh của Judith, chọc vào nhược điểm của người khác chỉ mục đích mời sự chú ý về mình. Judith lần đầu tiên Yến để ý đã bước vào lớp vạn vật năm mười bốn tuổi bằng câu chào "heil Hitler" với bà giáo viên già gốc Ukraine nổi tiếng khó tính. Lần ấy Judith lãnh giấy vào gặp hiệu trưởng lần thứ nhất, và lần thứ nhì là khi nó hiên ngang gọi thầy toán bằng tên cúng cơm, Ralphie, một điều thầy tối kỵ. Năm mười bốn là năm để những đứa học trò mới mẻ xác nhận vị trí của mình trong một cộng đồng học sinh trung học độc ác. Bước vào lớp có Judith là trước tiên bước vào một chiến trường trong đó sẽ có những sỉ vả vèo vèo bay giữa Judith và bọn con trai, không tục tĩu nhưng dữ dằn đến nỗi mất đi hết nét hài hước. Độc ác và dữ dằn để tồn tại, Yến đã nghĩ về Judith như thế khi mười bốn tuổi Judith nhại Yến phát âm Taco Bell bằng âm A dài, giữa phòng ăn đông học trò đồng lứa. Đứa thì cười đứa thì nhìn Yến thương hại, nhưng Yến đã không nghĩ mình sai như thế, và cũng không giận, không cải chính, tỉnh bơ như Judith chỉ là kẻ muốn sự chú ý, dù nhiều khi với giá một tình bạn. Judith ví xe của Arnette là chiếc bat mobile, và khi gọi luôn Arnette da đen bằng chữ nigger sỉ nhục thì họ trở nên thù hận. Yến không giận, vì bất cứ bất mãn nào Judith mang trong lòng, bộc phát qua hành động khiêu khích người khác, thì thật ra cũng chẳng có ai để ý mà tìm hiểu.

     Thật ra, Yến không có vị thế nào để giận. Trong một thế giới trung học được chia thành những thái cực của kẻ đẹp và kẻ xấu, của kẻ được chú ý và kẻ bị lãng quên ngay từ ngày đầu, Yến hoàn toàn lạc lõng, bơ vơ giữa một thế giới học đường mới mẻ, trong một đất nước mới mẻ. Nếu thuở trung học là một giai đoạn cực kỳ khó khăn cho những đứa trẻ mới lớn bình thường, thì đối với riêng Yến đó là một giai đoạn chỉ có thể nổi hoặc chìm đắm. Mỗi buổi sáng, khi bước ra từ chiếc bus học đường, bước vào khuôn viên trường, Yến chỉ có một lựa chọn là chạy trốn vào thư viện để trốn đám đông, trốn vị trí không mấy khả quan của mình trong thế giới đó để đừng chìm đắm. Ý nghĩ trốn học đến thường trực, nhưng ngay cả một người bạn để cùng lang thang Yến cũng không tìm ra. Ngồi một mình trong thư viện những buổi sáng sớm, nhìn ra cửa sổ đón bóng dáng những khuôn mặt quen thuộc hơn, Yến dần cảm thấy nỗi lạc lõng ngày càng lớn ra ngoài khả năng khỏa lấp của sách vở. Judith có mẹ đưa đến tận trường, nhưng thường là đến muộn. Những hôm đến sớm, Judith chỉ vào thư viện tìm Yến khi nó cần bài vở của ngày hôm trước nó đã thiếu vì vắng mặt. Từ chỗ đang ngồi Yến quan sát dáng Judith bước đi, từng bước nhịp nhàng thoăn thoắt, mái tóc dài gờn gợn xỏa xuống ngang vai, trông từa tựa như một nữ nhân trong thi ca cổ kính thời Lãng Mạn. Judith thoăn thoắt bước vào thư viện, mái tóc nhún nhảy theo từng nhịp bước, để Yến sẽ chào:

     "Hello, Snoopy."

     Để Judith sẽ cười, rồi chỉ ra ngoài khung cửa, nói, "coi kìa, the brain cũng vừa đến."

     Trúc mặc jeans, Yến còn thấy loáng thoáng từ xa hai bên đùi bạc thếch. Tóc Trúc cũng dài, nhưng thẳng mượt, dắt vào bên trong chiếc áo lạnh bồm xồm bông chính bố Trúc đã may. Một tay ôm sách, tay kia Trúc nắm mớ giấy mùi-xoa lúc nào cũng ướt nước mắt nước mũi của cơn dị ứng kinh niên. Cũ kỹ và kỳ dị như thế, Trúc xem ra vẫn hợp thời hơn Yến. Con gái mười bốn, cũ kỹ và kỳ dị như họ có muốn quên đi thân phận cũng khó hơn giải đáp một phương trình toán học. Nhưng Yến tự nghĩ mình nhạy cảm với thân phận hơn Trúc. Trúc đầy đủ hơn, nên tự tin hơn. Đối với Yến, có một người bạn để nói tiếng Việt đã là điều sung sướng lắm.

     Trúc thong thả bước đều qua sân cỏ, đôi vai co ro làm cho sống lưng trông như gù. Nét mặt Trúc bao giờ cũng ưu tư về một điều gì ngoài thế giới. Những phương trình toán học, những câu hỏi vật lý. Trúc vào thư viện gặp Yến, thường mở sách tự học tiếng La Tinh, sửa soạn trước cho một tương lai hàn lâm. Trúc nói, tiếng La Tinh là nguồn gốc của các ngôn ngữ Âu Mỹ.

     Judith nói có lẽ vì vậy mà nhiều khi nó nghe như Trúc đang nói tiếng La Tinh.

      Năm đầu trung học, cô giáo Anh văn ra đề tiểu luận: viết về kinh nghiệm đau buồn nhất đời của em. Yến đoán cô giáo đang muốn tìm hiểu tâm lý học trò, đặc biệt là những khuôn mặt lạ vừa đến đây từ nửa vòng bên kia trái đất. Cô Naomi trẻ đẹp nhất trong đoàn giáo viên, con gái của một ông chủ tiệm vàng nổi tiếng thành phố, phục sức cầu kỳ, lúc lắc đầy vòng vàng tay và tai khiến người nhìn cô rất thích mắt. Trúc viết về kinh nghiệm di tản, còn Yến thì dù đã đủ giàu nhưng chưa sẵn sàng để chia xẻ nỗi đau.

     Kinh nghiệm đau buồn nhất đời? Khi John Travolta từ giã tiết mục tivi hàng tuần Welcome Back, Kotter.

     "Gia đình Tuấn không thích Vinnie Barbarino," Tuấn nói. Năm ấy, Tuấn mười ba, Yến mười hai, và họ vừa đến Mỹ. Trời bên ngoài hội trường lạnh căm, nhưng những đứa trẻ háo hức với những câu chuyện thì không bao giờ biết lạnh.

     "Ừ, khó quen như hamburger vậy đó. Nhưng quen rồi thì thấy ngon. Xem Travolta hoài sẽ thích."

     "Không phải vậy," Tuấn lắc đầu. Mái tóc Tuấn bù xù, cằm chẻ, miệng cười dễ dãi. Yến thích nghĩ Tuấn hao hao giống John Travolta. Nếu Tuấn mặc áo lạnh bằng da thì chắc trông cũng du côn lắm. "Yến không hiểu đâu. Khó giải thích."

     Vừa đến Mỹ, những đứa trẻ bỗng nhiên phải giải thích rất nhiều. Giải thích sự có mặt của họ tại đây, giải thích về cuộc chiến, về những hình ảnh chiến tranh thảm khốc. Lớn lên, nhìn lại thảm kịch và đổ nát của chính cuộc đời mình, những đứa trẻ khi xưa bây giờ đứng tuổi nhận ra rằng giải thích gia đình mình vẫn là điều khó khăn nhất.

     Gần một chục đứa trẻ đồng tuổi rủ nhau chạy lên đỉnh đồi bên cạnh hội trường nhà thờ, để người lớn ở lại với những ưu tư của họ. Người bản xứ đã đem đến đó những thùng quần áo cũ to lớn. Lũ trẻ đổ quần áo ra đất, lôi những chiếc thùng không ra ngoài. Từ trên đỉnh đồi, chúng sẽ trượt xuống trong những chiếc thùng giấy. Từ trên đỉnh đồi, Tuấn đẩy Yến xuống. Yến trượt xuống vùn vụt, gió lạnh tạt ngược như cắt da mặt. Những trận cười chữa trị đã vang lên ở đấy.

     Mỗi cuộc gặp mặt của cộng đồng tha hương diễn ra cách tuần. Sang xuân, trò chơi cũ thưa dần. Có hôm Yến nói:

     "Lớn lên, Trúc muốn làm một physician."

     "Để khỏi hoài công bố mẹ đem sang đây? Physician là gì?" Tuấn hỏi.

     "Là y sĩ đó."

"Sao Trúc không nói doctor cho rồi."

     "Có lẽ Trúc không hiểu doctor là gì."

     "Yến muốn làm gì?"

     "Yến muốn làm cô giáo. Còn Tuấn?"

     "Tuấn muốn đi bụi đời."

     Tuấn trả lời không đắn đo suy nghĩ. Tuấn hay đùa nhưng Yến chợt chùng lòng. Như nghe điệu nhạc đệm Welcome Back, Kotter chỉ làm Yến thấy nỗi hoang vu.

     "Đứa con trai nào cũng muốn đi bụi đời. Mẹ Tuấn sẽ buồn chết."

     Mẹ Tuấn, một người đàn bà nhỏ người, phấn son, giọng nói lanh lảnh điều khiển. Có hôm cả hội trường chứng kiến bà mắng một người đàn bà đồng hương, "Đừng bốc tay vào thức ăn! Có người Mỹ ở đây bà đừng làm chúng tôi xấu hổ!"

     "Mẹ Tuấn sẽ mắng: mày đừng làm tao xấu hổ," Yến nhại giọng người đàn bà mẹ Tuấn.

     Chiều Chủ Nhật đầu xuân nắng muộn hơn. Yến lướt mắt lên da thịt Tuấn mịn màng, vàng dòn trong nắng như vỏ mơ.

     Những cuộc gặp gỡ cách tuần rồi cũng dần thưa. Rồi Yến không thấy Tuấn ở nhà thờ. Thứ hai đầu tuần đi học Yến cảm thấy hình như mình nhớ bạn. Sáng thứ hai ngồi từ ghế thư viện nhìn ra ngoài ngắm gió thổi tung những hạt bụi đời, Yến mệt mỏi ngóng chờ Trúc và Judith, có nhiều lúc ngồi ngủ bù chờ đợi những kẻ thất thường cũng chẳng khác gì chờ chuông reo.

      Cũng có nhiều khi Yến lấy giấy bút viết thư cho bố còn ở lại Việt Nam.

     "Con ở đây đến bao giờ," Yến viết. "Bao giờ thì hồi hương. Bao giờ thì đoàn tụ một gia đình không còn nguyên vẹn nữa." 

     Judith đốt những điếu thuốc lá đầu đời năm mười lăm tuổi, lén lút trong nhà cầu trường, vào giờ ra chơi. Yến quan sát nét dịu khoái trên nét mặt Judith khi nó kéo hơi thuốc dài, nuốt khói. Chất nicotine ngấm nhanh chóng vào máu, lan lên óc làm dịu xuống những bứt rứt, bực dọc.

     "Bố tao mới bỏ đi rồi," Judith kể với Yến năm họ mười lăm tuổi, trong nhà cầu, khi Judith kéo những ngụm thuốc vội vã rồi vứt mẩu đầu lọc vào cầu tiêu, cứ như màn khói lãng đãng và mùi thuốc lá sặc sụa ấy sẽ không đủ làm bằng chứng cho giám thị rằng nó đang lén hút thuốc. Yến đứng tựa bồn rửa mặt, nhìn Judith vặn nước súc miệng. Không hiểu vì điếu thuốc hút vội vàng, hay vì sự xúc động mà đôi môi và những ngón tay của nó run lẩy bẩy, đôi chân dặm những bước không yên qua lại trong khu vệ sinh.

     "Đi như thế nào?" Yến hỏi.

     "Không biết. Chắc đi ban đêm. Tao chỉ biết ông đã vắng mặt vào bữa sáng."

     "Mẹ mày giải thích thế nào?"

     "Bả giải thích, lớn lên tao sẽ hiểu, rằng đến một lúc nào đó họ không thể kéo dài hơn những ngày tháng không hạnh phúc."

     Hai đứa rơi vào sự lặng thinh. Một thoáng sau, Judith vỏn vẹn buông thõng, "fuck them," rồi chúng chạy nhón gót ra khỏi khu nhà cầu, chạy ngoặt vào các nẻo hành lang, chạy trước tiếng giầy của hiệu trưởng đang gõ đều trên nền gạch .

     Bố Judith sau khi bước sang nẽo ngoặt đời ông đã gửi đơn ly dị về sau đó không lâu. Ông trở về quê quán ngày chưa lập gia đình, bổn phận với những đứa con, ít nhất là qua sự hiện diện của mình, đến đó đã đủ. Mỗi tháng một lần ông về thăm vợ cũ, đem bốn người anh của Judith đi săn. Judith thì Giáng Sinh ở với mẹ, tân niên ở với bố, những ngày lễ quanh năm chia đồng đều giữa hai bên. Khi hai anh lớn của Judith cũng theo nhau ra đi để tự lập, trong căn nhà gạch trắng rộng trải đó chỉ còn lại bà Lemoine và ba đứa con còn vị thành niên, Patrick, Nathan, và Judith. Mấy lần Yến đến rủ Judith đi ciné, Patrick đầu óc chậm chạp nói năng ú ớ tay chân quờ quạng nhảy ra ôm chầm lấy Yến, còn Nathan ẩn vào phòng riêng. Bà Lemoine, thân hình nặng nề phục phịch trong chiếc áo thung rộng khổ, hút thuốc lá liên tục. Làn khói phủ quanh khuôn mặt hằn nếp gấp của tuổi tác, bay lên chậm rãi rồi đậu xuống trên mái tóc hung đỏ khô và thưa, lấm chấm trên đó những mảng hở chân tóc đã bạc trắng.

     Mẹ Judith luôn niềm nở với Yến. Bao giờ cũng thế, khi hai đứa đã ra xe bà còn chạy theo căn dặn đủ điều, và cuối cùng là một lời xin xỏ.

     "Judith, để lại cho mẹ một vài đồng mua thuốc lá."

     Judith đưa tiền cho mẹ nhưng không nén được sự bực dọc, đóng mạnh cửa xe rồi nhấn chân ga.

     "Từ ngày lấy chồng bả chỉ ở nhà nuôi con. Bây giờ chồng bỏ bả không biết làm gì ra tiền. Tao hận bố tao."

     Để kiếm tiền một cách dễ dàng nhất, bà Lemoine cho thuê phòng trong căn nhà thừa chỗ đó. Keith, người đàn ông ngoài hai mươi, đã trả lời rao vặt phòng cho thuê của bà Lemoine. Có một người đàn ông đáng tuổi anh trai quanh quẩn để thấy an toàn, tối ngủ không phập phồng lo âu, Judith nói. Yến không thể tả với Judith rằng trong cảnh sống của Yến, hoàn cảnh của Yến, nhiều lần trong mơ Yến thấy một người đàn ông đội mũ lên đầu, mở cửa, và bước ra đi. Như thế, lập đi lập lại, một người đàn ông đội mũ lên đầu, mở cửa, rồi bước ra đi. Rất nhẹ nhàng, trong mơ.

     Yến không đến chơi với Judith nữa từ lúc có Keith bước vào bối cảnh này. Và cũng từ lúc có Keith bước vào bối cảnh này, Judith cũng vắng mặt trường lớp thường xuyên hơn, tận dụng tối đa số ngày được vắng mặt mà không rớt năm học. Ngày nào Judith đi học ngày đó nó mệt mỏi, mượn chép lại của Yến bài giảng ngày hôm trước. Những khi thi cử, Judith dặn Yến giúp nó thi gian để thi đậu. Một hôm, thò tay vào xách tay Judith mượn bút, Yến khám phá vỉ thuốc ngừa thai.

     Năm lớp mười một, Judith đi prom với Keith. Dẫn một người đàn ông nhiều tuổi hơn mình đi prom là một chuyện lớn để khoe. Nhưng đến năm Judith ra trường trung học, Keith đã biến mất. Mùa hè, vài hôm sau ngày ra trường, Judith gọi cho Yến để báo tin về Nathan. Nathan, người chưa hề hoàn tất trung học như em gái, tinh thần thường xuyên chòng chành từ đỉnh cao xuống vực sâu, cuối cùng rồi không còn muốn có liên can gì với thế giới nữa, đã dùng súng thường đi săn với bố tự sát bằng phát súng bắn xuyên qua cổ họng.

     Trong bọn họ thì Trúc có lẽ đến từ một gia đình lành lặn nhất. Gia đình Trúc đông chị em gái, những thiếu nữ xinh đẹp hát hay và hay hát đã thu hút nhiều nam nhân đến nhà thờ. Vào những năm tháng xa xôi ấy họ chưa chồng, quy tụ vào dưới căn nhà nhỏ đơn giản thẳng đuội mà về sau bố Trúc đã xây thêm một gian ngoài làm phòng tiếp khách, một thứ tiền sảnh, để tăng góc cạnh cho kiến trúc thêm tí cầu kỳ. Những lần Yến đến nhà Trúc, gia đình đông con gái ấy vắng bặt âm thanh, một không khí cô đọng ngột ngạt bao trùm gian tiền sảnh. Yến đứng vài bước từ ngưỡng cửa nhìn qua bên kia tấm rèm, nói câu chào bác ạ với bố của Trúc đang ở trong phòng ăn, lúi húi với một công trình may vá, hoặc một công trình máy móc nào đó của ông. Bao giờ cũng thế, hình như chỉ bằng một sự hiện diện của ông ở nhà ngoài, vợ con sẽ biến đi đâu hết. Ông mặc may-ô ba lỗ, dắt vào chiếc quần tây cạp kéo lên cao quá bụng, thắt lưng cẩn thận. Trên cổ ông đeo dây áo Đức Bà. Ông ngước lên, ánh mắt qua cặp kính treo trễ trên sống mũi xác nhận sự có mặt của Yến, nhưng không nói với Yến lời nào ngoài câu gọi Trúc ơi khàn đục. Và Trúc sẽ sàng bước ra từ dãy hành lang bên trong, mặt ngái ngủ, chưa hề sửa soạn cho công việc giữa họ đã hẹn trước.

     Mẹ Trúc cũng từ một nơi nào đó vén màn bước ra, đôi bàn tay ánh lên lớp ướt át của bếp núc. Tóc bà búi tó. Cần cổ nơi tuyến giáp trạng hơi sưng ở chỗ cúc cổ áo bà ba. Mẹ Trúc cũng mặc dây áo Đức Bà, để Yến nhận ra sự hao hao đồng dạng, đồng hóa của đôi vợ chồng lâu năm. Những chiếc áo Đức Bà ấy, trong những giây phút gần nhau họ có cởi ra không. Yến lúng túng xua đuổi ý nghĩ hỗn láo, để mẹ Trúc cười, xoa tay vào nhau, hỏi Yến đấy à, mẹ cháu có khoẻ không. Yến trả lời, dạ khoẻ ạ. Bà lại hỏi, thế mẹ cháu có cần bác trai đến giúp điều gì không. Yến trả lời, dạ cháu không biết ạ. Không còn gì hỏi thêm, bà bảo, nhắc mẹ cháu cuối tuần hai bác sẽ đến đi họp cộng đồng nhé, cho vui.

     Trên bốn vách tường, những văn bằng ban khen công trạng học hành trí tuệ của chị em Trúc che kín. Yến có thể đứng ngắm hàng giờ vẫn chưa hết. Bố Trúc hẳn phải hãnh diện vì đàn con. So sánh vào đấy thì nhà Yến chỉ vỏn vẹn trên tường một tấm khung duy nhất lồng hình của bố Yến, như họ không thiết tha đến điều gì khác ngoài người vắng mặt.

     Trong sự lượng định của nhiều người, Trúc không đồng lứa với những kẻ đồng tuổi. Cùng lớp nhưng Trúc thuộc về một trình độ cao hơn, với những câu hỏi về những vấn đề chứng tỏ sự suy nghĩ đã đi trước người khác nhiều bước. Những câu hỏi ít khi Trúc xung phong, chỉ được nêu lên khi giáo viên mời, và thỉnh thoảng khi có giáo viên nào đó thay vì trả lời thì lại phê bình Trúc đã đi trước lớp thì Trúc chỉ cười trừ nhút nhát rồi lặng yên. 

     Nhưng trên bốn bức tường gia đình tuyên dương công trạng đã không có cái gì mang tên Trúc. Có lần Yến hỏi, Trúc cũng chỉ cười trừ.

     "Đó chỉ là bố Trúc thôi. Trúc đâu có gì. Mười lăm tuổi những thứ đó chẳng có ý nghĩa gì."

     Cuối năm học mười lăm tuổi, giải học sinh khoa học xuất sắc nhất lại về một học sinh Mỹ tầm thường nhưng được giáo viên ưa chuộng. Vẫn một thái độ xem nhẹ khoa bảng, Trúc không khiếu nại. Yến thấy tự thẹn về giải thưởng của chính mình. Đi với Judith ra về ngày cuối năm, Yến vứt nó vào thùng rác.

     Mười bảy tuổi Trúc trả lời lại sự tầm thường thiển cận của nhà trường bằng thư nhận Trúc vào năm đầu của đại học. Nhưng cũng trong năm ấy một sự việc nhỏ đã xảy ra gây ngạc nhiên cho những ai đã biết. Mười bảy tuổi Trúc lên đại học, thoát được phần nào sự gò bó của giờ giấc và sự kiểm soát của người lớn. Một hôm mẹ Trúc điện thoại cho Yến tìm Trúc, và Yến trong lúc bất ngờ không biết nhanh trí để nói dối, ấp úng mập mờ không ra câu, rồi đẩy ngay điện thoại sang cho mẹ. Về sau, qua những câu chuyện giữa hai người mẹ, Yến biết mẹ Trúc qua những hơi mùi lạ lùng trong giỏ quần áo của con gái, qua những thay đổi áo quần thất thường giữa những lúc đi lúc về, qua những chiếc xiêm y kỳ lạ, đã tra hỏi con gái để rồi cuối cùng thì Trúc vỡ khóc, thú nhận những lần hẹn hò với bạn trai. Những buổi chiều Trúc nói đón xe buýt thành phố đi học là những buổi chiều bước vào xe bạn trai đã chờ đầu đường.  

     Như thế, Trúc đã đến trước Yến, đã trưởng thành hơn Yến về một khía cạnh rất người. Mối tình đầu luôn làm trưởng thành con người, dù đã bị công khai hóa ngoài ý muốn. Những buổi chiều mười bảy tuổi, khi Trúc đã biết hẹn hò với bạn trai, Yến vẫn chỉ biết rơi vào giấc ngủ ngắn sau ngày học, rồi tỉnh dậy bắt gặp một màu trời tím, không rõ màu của buổi chiều đang chết hay là màu buổi sáng sớm hôm sau. Tính hủy diệt của thời gian như muốn dìm Yến chìm đắm, trong một khoảnh khắc không có cơ hội nào cho hạnh phúc.

     Ngày Yến bước vào đại học, một lần đi ngang thư viện, Yến thấy Trúc và bạn trai ngồi giữa sân cỏ ngập nắng. Thế giới của họ là thế giới thu hẹp của đôi tình nhân chỉ nhìn thấy nhau giữa muôn người. Đức cắt móng tay cho Trúc, đôi bàn tay đã thôi không nắm giấy mùi-xoa chùi mũi. Tình yêu đã chữa lành cơn dị ứng của Trúc. Tình quá, Yến trêu Trúc như thế, và bắt được nét ngượng ngùng trong nụ cười của Trúc.  

     Cuối khóa học, mùa đông, Yến hẹn Trúc giữa một chiều trong mùa thi cử. Trong một góc quán cà phê vắng, nhìn ra một con đường vắng, Yến ngồi với Trúc, không biết rằng lần ấy sẽ là lần sau cùng. Chân tóc Trúc vẫn còn rịn mồ hôi đổ ra từ lớp học khiêu vũ trước đó. Hẹn Trúc để Yến nói từ giã.

     "Yến sẽ đổi trường, Trúc ạ."

     "Yến đi chuyển thành mộng lớn?”

     Yến cười.

     “Ai bảo Trúc thế. Không phải. Trúc chỉ bỏ một nơi chốn khi đã thất bại ở đó. Yến rối tinh thần, không giữ gì được lâu trong tay, không tha thiết vào đâu để bám víu.”

     "Trúc không hiểu."

     "Bởi vậy Trúc không thấy mỗi lần Yến nói gì Đức cũng cười lăn."

     "Đức giản dị, như  Trúc vậy.”

     "Sang năm, Yến không còn ở đây. Yến chỉ muốn Trúc biết lúc nào Yến cũng nghĩ về Trúc như một mẫu người cho Yến bắt chước. Bao giờ vào trường y Trúc phải cho Yến biết để Yến khao tiệc ăn mừng.”

     "Yến ơi, Yến đã nhìn sai mẫu người. Y khoa không còn kêu gọi Trúc nữa."

     "Vậy à. Vậy giờ đây điều gì đang kêu gọi Trúc?”

     Trúc không nói. Một lúc, hiểu lời Yến theo ý riêng, Trúc có câu trả lời rất thích hợp:

     "Những gì kêu gọi Trúc thì không xứng đáng với Yến đâu."
     Họ đánh mất tình bạn từ đấy. Nhiều năm sau, Yến đau lòng mà kết luận rằng cả hai đều đã nhìn quá sai con người của nhau. Nhiều năm sau, cũng vẫn qua câu chuyện giữa hai người mẹ, Yến biết Trúc đã tốt nghiệp, và cũng đi xa, như thể đoạn tuyệt, ngay sau ngày đó. Nhưng ngày xưa theo đuổi kiến thức miệt mài thế nào thì giờ đây cũng cùng mức miệt mài đó Trúc theo đuổi khiêu vũ. Một con người tự do và độc lập miệt mài theo đuổi đam mê để giữa những đam mê Trúc đã tìm thấy tình yêu thật. Một hôm Trúc đưa về người đàn ông mình yêu để bố chấp thuận hôn nhân nhưng ông đã từ chối. Trúc chọn nghe lời bố, nhưng thề suốt đời sẽ không lấy chồng. Qua nhiều năm, Trúc giữ lời thề đó.

     Khi bố Trúc qua đời sau một thời gian hôn mê, người ta đồn rằng không có Trúc trong đám tang.

     Năm Yến bốn mươi tuổi chị được gặp lại mẹ Trúc. Bà khỏe mạnh hơn mẹ Yến. Cái chết của người chồng vào khi bà còn đủ sức để chống lại sầu khổ không làm bà xuống dốc nhanh như mẹ Yến. Bà nói Trúc cũng vừa kết hôn, năm bốn mươi tuổi, với một người đàn ông da trắng. Hôn lễ xong, họ đã lánh đi rất xa.

     Một lần Yến đi chơi khuya với Judith, mười bảy tuổi đi mừng buổi liên hoan liên trường vào một ngày tất niên, Tuấn đã xuất hiện để một nỗi ước mơ nhỏ nào của Yến đã thỏa. Thằng bé mười ba lớn vào tuổi mười tám với nét phong trần non nớt. Tuấn vẫn cười dễ dãi, như trí nhớ vừa trở về triền đồi của thuở mười ba. Judith hỏi ai vậy, rồi cười cười bỏ đi. Yến cũng chen chân với Tuấn vào giữa vòng học trò vây quanh lửa bonfire liên hoan bừng cháy. Họ nói với nhau những gì Yến không nhớ rõ, nhưng Yến biết những lần gặp Tuấn thời gian bao giờ cũng mang ý nghĩa riêng, và năm nay không còn như năm xưa. Chẳng biết nói gì, Yến nói một câu đại khái.

     "Mình lớn rồi, người ta gọi là trưởng thành. Sự trưởng thành của Tuấn và sự thành công của gia đình Tuấn có làm Tuấn quên mất niềm vui trong những điều giản dị? Tuấn ra trường rồi sẽ làm gì."

     "Trưởng thành thì không bao giờ. Thành công thì là của gia đình. Tuấn không thành công. Tuấn là một dị thai."

     Tuấn nắm tay Yến tự nhiên. Bàn tay Tuấn mười tám tuổi có những đường gân nổi hằn vất vả.

     "Thấy không, Tuấn không có gì trong tay. Tuấn chỉ thở để sống thôi cũng là quá sức."

     Tuấn lớn lên nói chuyện như một kẻ thất lạc. Những kẻ thất lạc trong hiện tại, mù tịt về tương lai, thương tiếc một báu vật nào đó đã đánh mất để mãi mãi đi tìm.

     Gió cận hè thổi hất khí nóng bừng bừng của mùa và của lửa. Qua gió, Yến nhận ra từ Tuấn một mùi ngòn ngọt, chay cháy của cần sa.

     Không lâu sau đó, một buổi sáng mẹ Yến gọi cô dậy.

     "Yến ơi, mẹ con Trúc vừa gọi. Thằng Tuấn bị cảnh sát bắt tối hôm qua. Nó đi ăn cướp cây xăng."

     Trong một cộng đồng thiểu số gương mẫu tin xấu lan nhanh. Gia đình Tuấn lập tức rao lời từ con.

     Judith thì xem đó như một chuyện cười, hỏi sao Yến đã không thể nhìn ra một con người. Tại sao thông minh như Tuấn lại có thể vứt cả cuộc đời đi như thế.

     Yến chống đỡ, mày chỉ gặp Tuấn một lần thôi, làm sao biết nó thông minh, làm sao biết nó ngu si, làm sao để có thể đánh giá về một cuộc đời là hoang phí.

     Trải qua vài thập niên, họ chia tay rồi tái ngộ vài lần, những lúc mất liên lạc do sự luân chuyển liên miên của Judith theo quân đội, và theo việc làm bấp bênh sau ngày giải ngũ. Dù cách xa, Yến vẫn được Judith kể về những cuộc phiêu lưu ái tình tạm bợ, những cuộc tình không vững bền, những đam mê biến thành thất vọng. Lần giải ngũ, Judith kể về một sĩ quan Việt Nam Judith đã quen, tên Nguyễn Huy. Huy thích Judith, thư từ quà cáp thường xuyên.

     "Huy đẹp trai lắm Yến, và đối xử với tao có trước có sau, khác với đàn ông Mỹ."

     "Vậy à," Yến nói, "thế thì đàn ông Việt Nam nhất rồi."

     "Huy gửi quà cho tao hoài. Gấu bông và thiệp Valentine. Nhưng..."

     Yến chờ Judith ngập ngừng diễn tả điều đi theo chữ nhưng.

     "Nhưng Huy..."

     "Nhưng Huy là người Việt." Yến nói đỡ cho Judith, và sự im lặng của Judith sau đó là một thú nhận.

     "Để tao giới thiệu Huy cho mày."

     "Cám ơn mày, nhưng...tao không hợp với Huy.”

     Ngoài ba mươi tuổi Judith rồi cuối cùng cũng lấy chồng, như nó đã bất ngờ gọi và báo tin Yến như thế. Chồng Judith là một người đàn ông buôn bán đổi chác tiền tệ đi xa thường xuyên và khi về nhà thì nói chuyện liên tục với những đứa con đã có với người vợ trước còn không thì uống hết chai rượu này đến chai rượu kia rồi nằm bất tỉnh trên giường. Brian Utey là một cái tên Yến bao giờ cũng phát âm sai khiến Judith phải vất vả chữa lại. Nhiều lúc Yến muốn hỏi họ Utey ở đâu đến, nghe không gốc gác bằng họ Nguyễn.

     Judith lấy chồng hơn một năm thì một tối chị gọi cho Yến và nói vừa mới cãi nhau với Brian ở rạp hát và hắn đã bỏ chị lại ở đó. Yến đến đón, rồi đưa Judith đi ăn, nhưng rồi Judith cũng vẫn phải về với chồng. Ngày hôm sau, Judith dọn về với mẹ, và Yến mất liên lạc với chị từ đó.

     Hiện giờ, gần mười năm sau, Judith vẫn là người tìm ra Yến, vẫn là người với những câu hỏi khiêu khích.

     "Tuấn bây giờ ra sao?"

     Yến biết Judith đã chẳng hỏi nếu đã chẳng hiểu Tuấn giữ một chỗ rất đặc biệt trong lòng Yến. Bất chợt Yến hiểu rằng, bao nhiêu lâu nay Judith tiếp tục khiêu khích vì Yến luôn trốn tránh không trả lời. Hiện giờ, Yến có thể giận dữ trả lời, hoặc có thể gác ngay điện thoại. Nhưng trải qua ngần ấy thời gian, trong bao nhiêu người vẫn chỉ có một mình Judith tìm kiếm Yến, và điều này khiến Yến không thể kết luận rằng Judith chỉ muốn khiêu khích. Có một điều gì thôi thúc, bảo Yến hãy trút bỏ đi những gánh nặng trong lòng, bỏ xuống những gươm đao trong lời nói, bỏ xuống những phòng thủ, bỏ xuống gánh nặng dĩ vãng. Judith, cũng như Yến, chỉ là kẻ đi tìm trong cuộc sống một ý nghĩa nào đó, thì hãy nói lên điều ý nghĩa, cho nhau. Lần đầu tiên Yến trả lời, với cả khả năng tưởng tượng, và một lòng tôn trọng tuyệt đối dành cho Tuấn, cũng như cho Judith.

     "Tuấn có vợ, có con, có nhà cửa. Nơi đó chiều chiều hắn ngồi ngắm mặt trời lặn với vợ con," Yến nói, lặng nghe xúc động khuấy lên bên trong, chỉ vì tự nghe mình nhắc đến một cái tên đã từ lâu cất kín. "Còn mày, Judith, bao giờ thì mày trở về với thế giới văn minh."

     "Ừ, Utah quả là một thế giới lạc hậu giữa lòng nước Mỹ, Yến ạ. Phụ nữ ra đường vẫn phải mặc váy dài che mắt cá."

     "Nhưng toàn trắng mà, phải không?"

     "Ừ, nhưng sao tao vẫn cảm thấy lạc lõng như đang ở một đất nước khác."

     Yến mường tượng đến những triền núi Utah, và nỗi cô độc lớn hơn núi của Judith. Giọng nói Judith vang vang giữa một không khí hoàn toàn vắng bặt âm thanh ở đầu dây bên kia. Judith kể chị vừa đi bác sĩ hôm qua, nhận giấy chuẩn bệnh tiểu đường. Chị phải bắt đầu tập làm quen với cách ăn uống mới, một chương trình thể thao mới.

     Yến biết họ đang đứng trước một chặng đời trong đó họ không còn nhiều cơ hội để đi tìm điều đã mất. Họ chỉ có thể mất, mất nhiều. Chính vì thế Yến sẽ không dễ dàng vứt qua cửa sổ những gì đã được trao cho mình, như ngày trẻ. Yến hẹn Judith một lần tái ngộ, ở thành phố quê quán của Judith khi xưa.

     Về đấy, Yến sẽ một mình thăm lại triền đồi bé nhỏ, ngồi đó để nghe dĩ vãng sống lại trong mình, ngồi đó để sửng sốt làm sao mình đã sống, và có sức nào để sống lại từng giai đoạn đó không. Biết đâu, Yến sẽ được khóc, vì dù sao đi nữa, nơi đó đã là nơi dung túng một thời Yến đã từng yêu.

Nguồn: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/PhamThiNgoc/BanPTNgoc.htm