Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

Văn học Miền Nam 54-75 (574): Nguyễn Mộng Giác (kỳ 8)

clip_image002
Đường một chiều
Giải thưởng Trung tâm Văn bút Việt Nam, 1974
Đây là một vụ án xảy ra trong tưởng tượng. Cho nên tất cả nhân vật, sự kiện, tình tiết, cũng như thủ tục phiên tòa đều liên hệ quá ít với thực tại. Thành thực xin lỗi các luật gia cùng các bạn đọc giàu trí liên tưởng.
Nguyễn Mộng Giác

Chương 1
Tôi chờ hai ngày ở phi trường vẫn chưa có máy bay. Hôm qua có hai chuyến, một chuyến lúc chín giờ sáng và một chuyến lúc tám giờ tối. Nhưng chuyến sáng chỉ còn có vài chỗ, và tôi bị bốn sĩ quan cấp bậc cao hơn tranh mất. Chuyến tối do một thiếu tá Mỹ lái, tuy máy bay không chở gì nặng, viên phi công cứ lắc đầu quầy quậy với đám đông hành khách đang nóng nẩy chen chúc van xin một chỗ ngồi.
Nhiều người đã chờ đợi ở dưới mái tôn thấp nóng này hơn bốn ngày trời. Quần áo người nào cũng xốc xếch, mặt mày nhem nhuốc thiểu não. Cuối cùng người lính ngoại quốc cao lớn dềnh dàng lách được ra khỏi đám đông, đứng án ngữ trước phi cơ giơ hai ngón tay lên. Chỉ có hai người được quá giang. Và dĩ nhiên luôn luôn có hai sĩ quan cao cấp hơn tôi chờ sẵn.
Sáng nay, chuyến phi cơ tới lúc mười giờ. Máy bay vừa đáp xuống thì ở quầy hành khách, người ta đã bu lại làm tình làm tội anh trung sĩ. Người nào cũng có lý do chính đáng. Kẻ có cha bị đau nặng mong về sớm để nghe lời trối trăn. Kẻ có con mới chết. Tôi không thể giữ thể diện hão được nữa, cũng chen vào đám đông, cố nhoai ra phía trước, giơ cái điện tín trước mặt anh trung sĩ, hét lớn:
- Cho tôi ưu tiên. Vợ tôi chết. Có điện tín đây.
Anh trung sĩ định sừng sộ với tôi, nhưng chợt thấy cấp bậc sĩ quan trên cổ áo, anh ta hạ giọng phân trần:
- Xin lỗi thiếu tá. Nhưng biết tụi nó có cho đi không mà lập danh sách.
Tôi hỏi:
- Tụi nó là ai?
- Chuyến đi này của Đại hàn.
Tôi cố nài nỉ:
- Anh thử liên lạc với phi hành đoàn xem.
Nhiều người quanh tôi cũng nhao nhao góp ý kiến. Tay người nào cũng chìa ra một chứng minh thư nêu rõ lý do khẩn cấp chính đáng. Anh trung sĩ qua phòng trực một lúc, rồi trở lại dáng điệu thiểu não:
- Tụi nó không chịu. Với lại chưa chắc họ đi thẳng. Họ còn chở chở đoàn nghệ sĩ của họ về.
Mọi người ra chiều thất vọng, trở lại ghế chờ. Tôi buồn rầu định quay đi, nhưng anh trung sĩ nháy mắt ra dấu về phía cầu tiêu. Tôi đoán có điều gì anh không tiện nói ra cho tất cả mọi người, xách đồ về phía nhà cầu ở phía bên phải. Tôi đoán không lầm. Anh trung sĩ chờ tôi ở đó. Anh nói nhỏ:
- Chuyến này đi thẳng chứ không ghé đâu hết. Nhưng tụi nó chỉ cho hai người. Thiếu tá đi theo cửa này ra đợi ở cửa hông chốc nữa tôi dẫn ra phi cơ.
Việc đi lại vất vả như vậy, nên kể từ lúc nhận được điện tín cho đến lúc chiếc cyclo đậu trước con hẻm đường Phan Đình Phùng, tôi đã sống khắc khoải nôn nao suốt ba ngày liền. Tôi không thể tin được những dòng chữ trên điện tín. Thúy mà chét được ư? Không thể được. Nàng vẫn luôn luôn mạnh khỏe, tuy có nhiều đêm thao thức săn sóc cho thằng Nô hay con Mimi. Sức chịu đựng của Thúy còn bền hơn cả tôi nữa. Vả lại, việc bếp núc đã có con Gái. Việc gì nặng nhọc đã có Ninh. Thúy ít thích giao thiệp, ít thích bảo Ninh lấy chiếc Jeep chở đi dạo phố. Không có lý do nào, không có sự nguy hiểm nào trong thời gian ba tháng tôi phải xa nhà, để Thúy phải chết. Hay có thằng bạn nào chơi nghịch, đánh ẩu một cái điện tín để lôi tôi ra khỏi mặt trận máu lửa, về uống bia bốc gặm cánh gà Tám Lọ vài hôm trước khi trở lên tiếp tục chiến đấu.
Hoặc chính Thúy đã tự khai tử để bắt buộc chồng nghỉ phép. Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu băn khoăn trong đầu. Tôi lấy xắc nhảy xuống xe, quên cả trả tiền.
Tôi vội vàng quá, nhiều lần xô ngã lũ trẻ con đang đùa giỡn trên lối đi. Mọi sự bình yên. Qua khỏi một đoạn đường lầy lội đầy rác rưới, đến gốc dừa mọc cạnh đường, tôi đi về phía trái. Khu vực này yên tĩnh hơn chút ít, tiếng máy phát thanh từng nhà tiếp nối giúp tôi nghe loáng thoáng một đoạn cải lương. Hình như cái giọng lè nhè của anh hề Thanh Hoài thì phải. Thính giả cười ồ lên từng hồi, cười xong lại huyên náo bàn tán. Cuộc đời quanh đây vui vẻ, không lý ở số nhà 42 có một người vừa nằm xuống, xa chồng con xa họ hàng làng xóm. Ông già chủ nhà 30 đang ngồi trước hiên uống nước trà. Số nhà 36 đóng cửa, bên trong tối om. Chắc cả nhà rủ nhau chất lên chiếc Citroen 2 CV dạo một vòng phố. Chính chiếc xe thổ tả này đã là nguyên nhân gây ra cuộc cãi vả to tiếng giữa gia đình số 36 với gia đình số 38. À đây là nhà số 38. Cửa chính khép, cửa sổ mở... Tôi hồi hộp. Cửa nhà tôi đóng. Nhưng qua khe cửa lá sách, bên trong có ánh sáng. Thúy vẫn có cái tính cẩn thận đó. Mỗi tối nàng đóng kín cửa, sợ gió bấc thổi lạnh mấy đứa nhỏ ho, và sợ con Ty qua nhà số 40 xem ti vi không chịu học bài. Cửa đóng, tức là Thúy vẫn còn. Tôi vui, lòng rộn rã, rủa thầm thằng bạn quái ác nào đó đã chơi quá lố. Tấm cửa gỗ có đan giây thép gai vẫn khép cẩn thận. Tôi lòn tay vào trong gỡ cái chốt. Ờ, cẩn thận khóa cửa trong, và gài luôn chốt cửa ngoài cũng là thói quen của Thúy. Tôi bước vào cái sân hẹp. Bên trong có tiếng con Ty cãi với đầy tớ. Con Ty cằn nhằn gì đó sau bếp, rồi tiếng con Gái gắt:
- Không mặc thì thôi. Có nhớ má dặn khi trời lạnh phải mặc thêm áo ấm không?
Con Ty cố cãi lý:
- Bữa nay đâu có lạnh. Mặc cái áo quỉ này chảy mồ hôi, em không mặc đâu.
Tiếng con Ly can thiệp vào:
- Ty, có mặc không? Tao đánh bây giờ.
Tôi không thể chờ thêm được nữa. Tôi cầm hột xoài xoay cửa chính. Giọng con Ly có vẻ hốt hoảng:
- Ai đó?
Tôi đáp lớn:
- Ba đây. Mớ cửa cho ba vào.
Bên trong, có nhiều tiếng thì thào. Có lẽ bọn trẻ không tin, bàn tán xem nên mở hay không nên mở cửa. Một lúc sau, có tiếng chìa khóa lách cách, rồi cửa mở từ từ. Ly đứng ngay chỗ cánh cửa hé, và vì bên ngoài trời tối, vẫn chưa nhận ra tôi. Tôi nói nhỏ:
- Ba về đây Ly. Má đâu rồi? Các con...
Tôi chỉ nói được đến đó, rồi nghẹn lại. Vì tôi vừa nhìn thấy ngay giữa nhà, chỗ đặt cái bàn nước lúc trước, có một cái bàn thờ.
Ly và Ty vẫn chưa dám tin ở sự thực, đứng há hốc mồm nhìn tôi. Con Gái ở dưới bếp lên thấy tôi kêu to:
- Nô ơi Nô. Ba về rồi kìa.
Đến lúc đó, Ly và Ty như chợt tỉnh giấc, tranh nhau nói:
- Ba ơi ba. Má chết rồi. Ba nhận được tin hồi nào?
Tôi chết đứng giữa nhà, đầu óc quay cuồng bàng hoàng không hiểu mình phải làm gì. Hai đứa con gái chạy đến ôm lấy tôi, khóc lên nức nở. Cổ tôi nghẹn. Mắt tôi hoa. Ôm hai con vào lòng, tôi cảm thấy vững chãi, an toàn... Khi bắt đầu ý thức được thực tại, nghe tiếng chúng khóc, thấy đôi vai chúng run rẩy, tôi mới thấy hết cả cái đau đớn của cuộc phân ly, mãi mãi, ngàn năm. Tôi khóc òa theo lũ trẻ. Mặt dụi vào mái tóc thơm của chúng.
Mãi một lúc sau, Ly mới lấy lại được bình tĩnh, trước tiên. Ly nói khẽ:
- Mấy hôm nay, chú Tín đem lũ nhỏ qua bên nhà, con mới dẫn về hôm qua. Chú nói để cho thấy cảnh liệm má, sợ bị ám ảnh không tốt. Ở nhà này chỉ còn có con với con Gái nhưng các chú bên căn cứ qua lo liệu hết mọi chuyện. Con lo không ai cho ba biết. Có một chú trẻ trẻ nào đó, tóc để dài và mang kính cận, bảo để chú đánh điện tín cho ba về kịp đám tang. Nhưng ở nhà chờ mãi chưa thấy ba về.
Tôi nhìn ảnh Thúy trên bàn thờ, nước mắt cứ trào ra, làm nhòe hết cảnh vật. Ánh đèn nến lung lay. Ảnh Thúy như phủ một lớp sương mai. Ly và Ty đang thút thít khóc. Tôi hỏi Ly:
- Mộ của má ở đâu con?
- Ở ngoài nghĩa địa, chỗ chôn bà ngoại đó ba.
Tôi định hỏi câu muốn hỏi, nhưng tự nhiên thấy sợ hãi một cái gì. Tôi hỏi câu khác:
- Đám tang hôm nào?
Ly đáp nhỏ:
- Hồi chín giờ sáng hôm qua. Chỗ đất đó hơi thấp. Mới đào được vài tấc, nước đã trào lên đầy cả huyệt. Người ta phải lấy cây lấy đá dìm cái hòm xuống.
Con Ty nói chen vào:
- Chú Tín bảo má ngủ trong cái thùng gỗ. Con không tin. Ai lại đem giam má trong đó, bỏ xuống nước rồi lấp đất lại. Ở ngoài đó gió bấc lạnh lắm. Lại có nhiều mưa nữa. Má bị ho cho coi. Ai lại lấp má, tội!
Tôi đưa tay xoa đầu đứa con gái đầu lòng. Tóc Ty khá dài, nhưng hơi rít vì bẩn. Tôi xót xa cả cõi lòng nhớ rằng lúc Thúy còn sống, không bao giờ nàng để đầu tóc đứa con gái cưng không mướt láng mịn màng. Tôi hỏi Ty:
- Má chết con có buồn không?
Ty chưa kịp trả lời, tôi đã chú ý đến chú Nô đang đứng khuất trong bóng tối. Nô mới ở nhà dưới lên, và một phần do cái tính trầm tĩnh hiếm có ở một đứa bé lên năm, một phần hờn dỗi vì không được tôi chú ý đến, nên đứng riêng rẽ một góc, không nói năng. Tôi biết chú bé đang giận, giải hòa:
- Kìa Nô, lại với ba, con. Ba về gấp quá, không kịp mua cái máy bay như đã hứa kỳ trước. Nhưng chắc chắn mai ba sẽ mua.
Thằng bé hết dỗi, đến sà vào lòng tôi. Nó đề nghị:
- Con không thích máy bay nữa. Ba mua cho con chiếc xe hơi có con rồng đi.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Xe hơi gì lại có con rồng?
Con Ty góp lời:
- Xe hơi rồng đẹp lắm nghe ba. Nó chạy chậm nhưng hai cái đuôi ngo ngoe vui lắm. Nô không biết là con gì, con bảo là con rồng nó không tin. Đến khi hỏi chị Gái, chị cũng bảo là con rồng, nó mới chịu. Nó còn xin chị Ly cho đổi tuổi con rồng nữa. Nói tuổi con khỉ xấu lắm.
Tôi mù mờ không hiểu bọn trẻ đang nói gì. Ly cười rồi giải thích:
- Tụi nó đang nói cái xe nhà táng đó ba. Chú Tín thuê cái xe nhà táng đưa má ra nghĩa trang. Tụi nhỏ thấy cái xe lạ, đi đưa tang má mà cười nói bi bô thích thú lắm.
Thằng Nô khoe thêm:
- Con có cái mũ mới nữa ba.
Con Ty cũng khoe:
- Con được mặc áo dài rồi nghe ba. Hồi trước con xin má may áo dài má nói con còn con nít mà bày đặt. Bữa nay con có cái áo dài trắng, với cái mũ giống cái mũ em Nô.
Thấy lũ nhỏ thích thú khoe bộ đồ tang, tim tôi đau nhói. Tuổi thơ chưa biết gì đến tử biệt sinh ly. Chúng đâu có biết Thúy mất đi. Tôi cảm thấy ngộp, mất hẳn niềm tự tin, hoang mang không biết rồi mình sẽ thế nào. Ty lay tôi hỏi:
- Để con lấy áo dài mới của con ra cho ba coi nghe ba.
Tôi giữ tay con bé lại, bảo không cần. Thằng Nô thấy Con chị xum xoe, sợ mất phần quan trọng, cố nhoai lên cao nói:
- Con thấy chú Ninh bị còng tay nghe ba. Lính dẫn chú Ninh về nhà. Chị Gái bảo chú Ninh bị còng tay vì làm tướng cướp nghe ba.
Tôi kinh ngạc đến lạnh xương sống. Tại sao vậy? Tôi vẫn đinh ninh Thúy chết vì một căn bệnh bất thường. Một cơn gió độc. Quá lắm là một tai nạn, đột ngột và bi thảm như định mệnh. Nhưng nếu Ninh bị còng tay như lời Nô nói, thì mọi sự sẽ diễn ra khác. Phải, đến lúc này tôi mới chú ý đến sự vắng mặt của anh hạ sĩ. Tôi hỏi Ly:
- Chú Ninh đâu?
Nét mặt Ly có vẻ khác thường. Hình như Ly không muốn nhắc đến cái chết của má. Tôi không thể giữ im lặng hoặc né tránh được nữa. Tôi phải hỏi Ly tại sao Thúy chết. Dù con bé có một tâm hồn mong manh như sợi tơ mành, như sợ hãi ôn lại những tang tóc, những bạo sát, những chia lìa. Chính vì cái mong manh ấy của tâm hồn, vì đôi mắt lúc nào cũng buồn buồn cam chịu trong khi tia nhìn long lanh nỗi đam mê mà tôi thương Ly, có lẽ còn thương hơn cả ba đứa con ruột của tôi nữa. Tôi cầm tay Ly hỏi nhỏ:
- Tại sao má chết, Ly?
Con Gái mách lẻo nói chen vào:
- Anh hạ sĩ giết bà đó ông.
Con Ly định cãi lại, nhưng không biết nghĩ thế nào, mím môi làm thinh. Nét mặt của Ly càng thất thần. Tôi bảo con ở và lũ nhỏ:
- Thôi các con theo chị ở vào thay quần áo rồi đi ngủ. Đã chín giờ rưỡi rồi. Gái đem cái xách này vào trong đó đi. Và khỏi cần mua gì nữa. Ăn cơm rồi.
Thằng Nô không chịu đi, căn dặn:
- Nhưng mai ba phải mua cho con cái xe rồng.
Con Ty thì khiếu nại:
- Trời nóng mà chị Gái bắt con mặc áo ấm. Con không mặc đâu.
Tôi phải giảng giải:
- Bây giờ trời nóng, nhưng một chốc nữa sẽ lạnh. Con mặc áo vào trước rồi đi ngủ. Không để khuya ho cho xem. Có nhớ lời má dặn không?
Lũ nhỏ nghe có lý, líu ríu vâng lời. Chỉ còn lại một mình tôi với Ly ở nhà trước. Tôi để mặc Ly ngồi trên ghế, đến đứng gần bàn thờ Thúy. Cái ảnh tôi chụp cho Thúy hôm Tết, lúc nàng mặc cái áo xanh màu lơ có thêu hình lập thể lồng kính đặt trên bàn thờ. Thúy đang cười với tôi, vì hôm ấy tôi đã làm trò hề thật khác thường cho bức hình màu ghi nhận đúng nụ cười rạng rỡ tự nhiên của Thúy. Tôi lấy nhang đốt, thắp luôn hai ngọn nến. Đứng trước hương án, lòng tôi đau đớn xót xa, không biết phải khấn điều gì. Đứng một lúc, tôi đem nhang cắm vào lư hương. Đưa tay lên gạt nước mắt, tôi lặng lẽ đến ngồi trước mặt Ly. Không hiểu sao Ly vẫn có vẻ bối rối như lúc nãy. Vẻ thảng thốt của Ly làm tôi e ngại. Tuy Ly còn nhỏ, mới 14 tuổi đầu, nhưng đã từ lâu, từ ngày lấy Thúy, tôi cứ có cảm giác nhột nhạt, áy náy rằng mình đã cướp mất của Ly cái trìu mến thiêng liêng nhất là tình mẫu tử. Ly là con của Thúy, có với người chồng trước, nên dù con bé không có nét mặt xanh xao lạc loài tôi vẫn e dè xem Ly như một khách lạ trong gia đình. Ít khi tôi la rầy con bé. Ngược lại tôi còn tìm mọi cơ hội chứng tỏ lòng thương yêu chân thành của mình đối với Ly, để chuộc một phần nào tội lỗi của mình. Có lẽ Ly cũng hiểu ý tôi, nên dù không nói ra, cả tôi lẫn Ly cũng chung một nỗi lo lắng là gượng nhẹ, sẽ sàng cho khỏi làm phiền nhau. Vì thế vẻ mặt hớt hải của Ly khiến tôi thấy khó khăn nói cho ra lời. Tôi ngồi lặng một lúc, rồi mới nhắc câu hỏi cũ:
- Tại sao thằng Ninh giết má, kể lại cho ba nghe đi.
Câu hỏi của tôi làm Ly ngửng dậy, nhưng có lẽ sự xót xa làm cho nó băn khoăn, không biết bắt đầu từ đâu. Tôi hỏi:
- Má chết hôm nào?
Giọng của Ly nhỏ và run:
- Dạ hôm thứ năm. Đêm hôm thứ năm.
- Có phải Ninh giết má không?
Ly ngập ngừng một lúc, rồi gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
- Lúc đó có con ở nhà hay đi qua nhà con Thương học bài?
- Con ở nhà. Đã khuya rồi mà. Chừng mười giờ rưỡi hoặc mười một giờ gì đó. Má bị giết rồi, thì con nghe còi hụ giới nghiêm.
- Vì sao thằng Ninh giết má?
Ly nghĩ ngợi một lúc, rồi đành trả lời:
- Con cũng không biết. Không hiểu sao đêm hôm đó ảnh hung dữ lạ thường. Mắt trợn, tóc bù xù, mặt đỏ gay, giọng nói nồng nặc mùi rượu.
Tôi kinh ngạc. Ninh là người lính tôi thương nhất trong tiểu đoàn, và vì thông cảm hoàn cảnh con út mẹ già của anh hạ sĩ, tôi đã tìm cớ cho Ninh ở lại hậu cứ. Tính anh ta ít nói, hiền lành và chất phác. Chính vì vậy mà khi phải đem tiểu đoàn lên cao nguyên, tôi giao cho Ninh phận sự coi sóc giùm gia đình của tôi. Nhà chỉ toàn đàn bà con nít, nên cần một người đàn ông trong những hoàn cảnh đặc biệt hiểm nguy. Không cờ bạc, không rượu chè, không lăng nhăng trai gái, Ninh đủ tin cậy để giữ vai trò quản gia trung thành... Nhưng Ly vừa bảo Ninh uống rượu say mèm rồi gây án mạng. Tôi hỏi:
- Ninh có thường hay uống rượu không?
- Dạ không. Đêm đó lần đầu con thấy ảnh say sưa.
- Lúc má bị giết con đã ngủ hay còn thức?
Ly ngập ngừng một chút rồi nói:
- Con đã ngủ. Không hiểu sao đêm đó con ngủ sớm vậy. Mấy hôm trước tới 12 giờ con mới ngủ được. Đêm thứ năm, lối 10 giờ con đá ríu mắt, cố nhướng học cho xong bài Anh văn cũng không được. Má thấy con gục lên gục xuống, thương hại, bảo cứ đi ngủ đi, sáng mai sớm má thức dậy học bài. Con ngủ trong phòng với em Mimi. Từ hôm ba đi, Ty với thằng Nô không chịu ngủ phòng bên này, cứ đòi ngủ chung với má. Con đang ngủ, chợt giật mình thức dậy, khi nghe Ty với thằng Nô khóc thét lên. Con nghe cả tiếng má la và tiếng vật lộn bên kia vách. Rồi con nghe giọng một người đàn ông quát lớn: "Nín". Rồi hai em Ty, Nô không khóc nữa. Chắc tụi nó sợ. Còn má thì vẫn la kêu cứu, nhưng hình như bị bụm miệng nên la không lớn.
Tôi nóng ruột hỏi:
- Sao con không chạy vào?
Ly đáp nhỏ:
- Tại con sợ. Con nghĩ ăn cướp vào nhà giết hết mọi người để lấy tiền bạc. Con trùm mền kín cả đầu, nằm ép vào góc tối cho tụi nó khỏi thấy. Rồi con nghe cửa thông mở mạnh. Chắc có người đạp nên cánh cửa mới bật khuy, đập mạnh vào khung giường. Con càng sợ hơn, nghĩ tên cướp sắp giết mình. Nhưng ngay lúc đó, má lấy hết sức la lớn. Con nghe rõ má hét lên: "Ninh, làm cái gì vậy. Chú say rồi Ninh". Con quên cả sợ, vùng mền ngồi dậy. Con thấy bộ dạng anh Ninh hung dữ như người điên. Anh ấy nhìn con trừng trừng, tiếp tục nắm tóc má lôi ra ngoài phòng khách.
- Rồi sao nữa?
Giọng Ly mơ màng, chắc không hiểu mình đang nói gì:
- Rồi má chết. Con không nghe má la hét gì nữa. Tưởng anh Ninh đã giã rượu bỏ trốn, nhưng con lầm. Lúc con rón rén ra phòng khách, má nằm sóng soài trên nền nhà, ngay chỗ trước bàn nước. Cửa trước mở. Anh Ninh đã bỏ trốn mất. Con thấy má như vậy, sợ quá, ra cửa trước la cầu cứu. Mấy bác bên nhà số 38, 40 với ông chủ xe hơi con cóc chạy qua. Má đã chết rồi. Người ta đóng cửa ngăn không cho các em đến gần xác má, sợ tụi nó sợ.
- Nhưng vì sao má chết?
- Bác chủ xe con cóc xem xét kỹ lắm, bảo má bị bóp cổ, vì ở đó còn in dấu tay anh Ninh. Về sau nhà thương họ cũng bảo như vậy.
- Thế đêm đó con Gái không có nhà à?
- Chị ấy xin về quê hai hôm trước.
Rồi giọng nói của Ly run run, vỡ ra như sắp khóc:
- Đêm đó con sợ quá. Người ta bu đến đầy nhà, chỉ còn có con, một mình con là lớn. Mấy em nó ngơ ngác, không hiểu tại sao người ta không cho lên phòng trước. Rồi tụi nó đua nhau khóc, từ con Ty cho đến con Mimi. Con không biết làm gì chỉ biết khóc theo. May bác ở nhà số 38 biết ba quen chú Tín nên qua bảo cho chú hay. Chú Tín qua, lo mọi việc chôn cất.
Ly không nói gì nữa. Tôi cũng không nói gì, ngồi gục đầu lắng nghe lòng mình hoang mang. Lúc ấy, đầu tôi nặng, đôi vai mỏi nhừ, và tự nhiên, một luồng khí lạnh chạy chậm, thật chậm, từ dưới theo lên xương sống. Càng ngày tôi càng cảm thấy ngầy ngật như sắp mê đi vì chìm vào thế giới ma quái khác thường. Tôi hoang mang không hiểu vì sao Ninh trở thành kẻ sát nhân, và nếu không có bàn thờ Thúy ngay trước mặt, chắc tôi không thể nào tin được Thúy đã chết. Tôi mệt mỏi, chán nản đến rã rời. Ly thì ngồi bất động, rồi chắc tủi thân, nghĩ đến nỗi khổ cực trong mấy ngày tang tóc bơ vơ, nghĩ đến người mẹ qua đời và cuộc sống côi cút từ đây, nó thút thít khóc. Tôi thấy thương Ly trán trề. Tôi nói:
- Thôi, đừng khóc nữa con. Má mất, ba cũng khổ như Ly vậy. Nhưng Ly còn có ba trên đời. Ba quên hỏi điều nữa: Người ta bắt được Ninh khi nào?
- Anh ấy bị bắt ngay sáng hôm sau. Người ta còng tay dẫn ảnh trở lại, bảo diễn lại mọi sự. Lúc quân cảnh định giở cái drap phủ xác má lên cho ảnh nhìn, ảnh sợ hãi vùng vẫy quay mặt đi. Ông quân cảnh giận quá, chửi thề trong khi giữ chặt hai thái dương bắt ảnh nhìn xác má: "Mày có gan giết người, bây giờ mày không có gan nhìn xác chết há!" Nhưng ảnh nhắm mắt lại. Người ta chịu thua, dẫn trở lại xe bít bùng đem đi.
Tôi vội hỏi:
- Lúc đó có chú Tín không?
Ly ngước mắt nhìn lên, có lẽ không hiểu vì sao đột nhiên giọng nói của tôi đầy ắp phẫn nộ, hối hả. Ly đáp nhỏ:
- Dạ có. Chú Tín đi cùng xe với mấy anh quân cảnh.
Tôi đứng bật dậy. Ly lo lắng:
- Ba đi đâu? Khuya rồi mà ba.
Tôi vừa đáp vừa bước ra khỏi cửa:
- Để ba lại đằng chú Tín. Chắc chú ấy biết vì sao thằng Ninh dám giết người.