Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Quê hương ngày trở lại (kỳ 6)

Thụy Khuê

Dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An

Hội An nay đã khác xa hơn hai mươi năm về trước, khi tôi đến lần đầu. Lúc đó, Hội An chỉ là một phố thị nhỏ, bên bờ sông Thu Bồn, với một con phố chính, lác đác nhà cổ và dăm ba cửa hàng bán đồ tơ lụa, kỷ niệm, nhưng rất thơ mộng vì những chiếc đèn lồng Nhật Bản treo trước cửa hàng, dư âm của một thời xa xưa còn đọng lại.

01-HoiAnHội An

Hội An nay đã trở thành nơi đô hội mà khách lịch phải “đắm say”, nhờ sự pha trộn khéo léo giữa cảnh quan và văn hoá: những “phố cổ mới” (mới được trùng tu hay mới xây dựng thêm) phát triển khá nghệ thuật. Hội An bây giờ chen lẫn những quán cà-phê mô-đéc vận áo tứ thân lồng trong khung cảnh tân cổ giao duyên cùng những hàng quán thơ mộng, lạc lõng giấu mình trong những ngõ quanh co bên bờ nước.

Hội An là thành phố của du khách, người Nhật đa số, về đây như đi trẩy hội. Người Nhật có văn hoá cao, họ biết rõ lịch sử, họ về đây, không chỉ để du lịch mà còn để tìm lại dĩ vãng ngày xưa, thế kỷ XVII, tổ tiên họ, một số sang đây buôn bán, một số khác là giáo dân hay giáo sĩ tránh sự thanh trừng của Mạc Phủ. Người Nhật thích đi xích lô. Đến chiều, tối, bao nhiêu xích lô của phố cổ Hội An đều chở Nhật.

02-ChuaCau-HoiAn

Chùa Cầu

Ban quản trị phố cổ Hội An tổ chức những buổi nghe nhạc cổ truyền, xem múa hát cung đình không tốn tiền cho khách du lịch. Tóm lại những hình thức quyến rũ khách du lịch ở Hội An đều ít nhiều có bề dày văn hoá. Đêm dần xuống, Hội An rơi vào một khung cảnh khác hẳn: những đèn lồng Nhật Bản bật lên như hội hoa đăng, tạo không khí ấm cúng, thơ mộng đến gần như sensuel của những đêm màu hồng, màu tím năm xưa ở các vũ trường Sài Gòn, vang tiếng hát Thái Thanh, Thanh Thúy; lại có vẻ cao sang quyền quý của những đêm hội ở kinh kỳ thời chúa Trịnh say mê Đặng Thị Huệ được Nguyễn Huy Tưởng mô tả trong Đêm hội Long Trì và sau này các giáo sĩ Tây phương đến vẫn còn say mê khâm phục.

Hội An bây giờ cũng thanh lịch nhưng bình dân và “quốc tế” hơn, rộng mở ra sông, rồi sang sông qua cầu, sang cồn cát bên kia, xa hơn... như thể tất cả đã trở thành một đô thị xưa của đời mới, mở ra tận biển cả. Đó là cách riêng của dân ta làm cho một mảnh đất cách đây hai mươi năm còn hoang dại nay đã biến thành một thành phố nhỏ bé, xinh đẹp mà người ngoại quốc đên đây không những thích thú mà còn yêu mến vô cùng.

Người dân Hội An sống trong những phố bên trong, không liên quan gì đến thành phố của du khách bên ngoài, một số người âm thầm chìm khuất trong rừng du khách để phục vụ khách hàng và như thế cũng là một nghề. Đi dạo mỏi chân bạn nên dừng ở những quán cà phê phố cổ, trần thiết khéo, không khí đặc biệt, âm u gợi lại những thế kỷ trước. Nhưng để ăn trưa hoặc tối, nếu có thì giờ, bạn nên vào bên trong thành phố Hội An, mới có những quán ăn ngon, vì ở Hội An, đã bắt đầu thấy các món ăn Huế.

Từ đường Nguyễn Tường nằm trong một ngõ khuất, bạn phải chú ý lắm mới nhìn thấy chiếc bảng nhỏ có kèm mũi tên. Nếu bạn yêu văn chương, thì nơi này quả là điểm quý giá nhất của Hội An. Ngôi từ đường này, thờ quan Binh Bộ Thượng Thư Nguyễn Tường Vân và cũng là nhân vật nổi tiếng đầu tiên của dòng họ Nguyễn Tường, dòng họ phát sinh ra Tự Lực Văn Đoàn. Tôi đến đây, cũng chỉ vì muốn tìm lại gốc gác gia đình Nguyễn Tường cho cuốn sách đang soạn về Tự Lực Văn Đoàn, và đầu tiên hết là Nguyễn Tường Vân.

03-TuDuongNguyenTuong

Từ đường Nguyễn Tường

Liệt Truyện ghi về Nguyễn Tường Vân như sau: “Người huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, trước ngụ ở Gia Định”, câu này không rõ nghiã, trước là lúc nào, chưa biết, nhưng chắc chắn gia đình ông đã vào Gia Định sinh sống. (Nhiều chỗ ghi, theo gia phả, họ Nguyễn Tường gốc Thanh Hoá, Nguyễn Văn Xuân lại nói họ Nguyễn Tường gốc Bình Định).

Nhưng Liệt Truyện viết rất kỹ về đời ông: “Năm Bính Thìn (1796) đi thi, trúng cách nhị trường, được bổ lễ sinh ở phủ, nhắc lên viện thị thư”.

Năm Bính Thìn 1796: Nguyễn Huệ mất đã ba năm; Nguyễn Ánh đã tạm yên ở Gia Định, và chính năm này ông tổ chức lại việc học hành thi cử, theo Thực Lục, tháng 12 năm Ất Mão (tháng 1-2/1796) lập [thêm] Hàn Lâm Viện Thị Học, tháng 3 năm Bính Thìn (4-5/1796), mở khoa thi, lấy 273 người đỗ. Nguyễn Tường Vân đỗ năm 1796, tức là đỗ khoá này. Vậy đỗ theo quy luật nào?

Nhân dịp này, chúng ta cũng nên dò lại việc thi cử, vì gia phả họ Nguyễn Tường ghi Nguyễn Tường Vân đỗ tiến sĩ, chắc là không đúng.

04-BanThoNguyenTuongVan

Bàn thờ Nguyễn Tường Vân

Như ta đã biết, việc thi cử ở nước ta cho đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, vẫn theo khuôn mẫu của nhà Lê: thi Hương, thi Hội, thi Đình.

Ngoài Bắc, năm 1664, chúa Trịnh Tạc có định lại quy tắc thi Hội, và năm 1678 sửa quy tắc thi Hương. Trong Nam, năm 1674, chúa Hiền Nguyễn Phước Tần quy định lại việc thi cử, lấy tên mớiChính đồHoa văn (tương đương với thi Hươngthi Hội). Đến năm 1740, chúa Nguyễn Phước Khoát có thay đổi ít nhiều, nhưng không đáng kể.

Sau khi thống nhất đất nước, năm Gia Long thứ 6 (1807) mới mở lại kỳ thi Hương đầu tiên (sáu năm một lần) và đến Minh Mạng thứ 2 (1821), mới có kỳ thi Đình đầu tiên, do Trịnh Hoài Đức làm Chủ khảo (từ đây bắt đầu ba năm thi một lần, và thời Minh Mạng là thời mở rộng việc học, việc thi cử trên toàn thể đất nước chưa từng thấy).

Như vậy, ta có thể đoán: hiếm có những kỳ thi ở Gia Định thời kỳ 1777-1790, vì là thời kỳ loạn lạc, Nguyễn Ánh còn bôn ba chưa làm chủ hoàn toàn Gia Định. Cao Xuân Dục trong Quốc Triều Hương Khoa Lục cũng không ghi lại gì về thời kỳ này, chỉ nói đại khái thời trước, người tài được giới thiệu. Và Liệt Truyện cũng ghi Ngô Tòng Châu bước đầu được bổ vào Viện Hàn Lâm, rồi thăng Chế cáo (coi việc kiện tụng)... Ngô Tòng Châu là học trò giỏi nhất của Võ Trường Toản, thầy dạy hoàng tử Cảnh, và là một trong những vị đại thần uy tín nhất của Nguyễn Vương.

Liệt Truyện ghi việc ba học trò của Võ Trường Toản là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tĩnh đi thi sau khi vua lấy lại được Gia Định, tức là sau năm 1788, vậy có thể là năm 1789, hay1890 (kỳ thi này không thấy ghi trong Thực Lục).

Nguyễn Tường Vân đi thi năm 1796, vậy ông thi kỳ thi thứ hai, khoảng sáu năm sau kỳ thi tuyển Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tĩnh.

Hai kỳ thi này theo quy luật nào? Gần như chắc chắn là vẫn theo quy luật thi cử do chúa Nguyễn Phước Tần quy định năm 1674, tức là thi Chính đồHoa văn.

Chính đồ có ba kỳ: kỳ một, thi tứ lục (thể văn dùng câu có 6 chữ và 4 chữ đối nhau), kỳ hai thi thơ phú, kỳ ba thi văn sách. Quan tri phủ, tri huyện làm sơ khảo, quan cai bạ, ký lục, vệ úy làm giám khảo. Đậu chia làm ba hạng: hạng nhất là giám sinh, được bổ làm tri phủ, tri huyện; hạng nhì, sinh đồ được bổ làm huấn đạo, hạng ba cũng gọi là sinh đồ được bổ làm lễ sinh hoặc làm nhiêu học. Còn Hoa văn thi ba ngày, mỗi ngày làm một bài thơ, ai đậu được bổ vào làm ở Tam ti.

Nguyễn Tường Vân, gia phả ghi đỗ tiến sĩ, nhưng ông không thể đỗ tiến sĩ, vì lúc đó chưa có kỳ thi tiến sĩ. Có nơi lại nói chữ Tường do vua Gia Long ban, điều này cũng không thấy Liệt Truyện ghi (những việc quan trọng như đổi tên [từ Văn Vân sang Tường Vân, tên vua ban cho vì có công] đều được Thực Lục ghi rõ ràng), nên không thể biết hư thực thế nào.

Như trên đã nói năm Minh Mạng thứ 2 (1821), mới có kỳ thi Đình đầu tiên lựa Tiến sĩ. Liệt Truyện chỉ ghi: Năm Bính Thìn (1796) [Vân] đi thi, trúng cách nhị trường, được bổ lễ sinh ở phủ, nhắc lên viện thị thư. Như vậy, ông thi kỳ tháng 3 năm Bính Thìn (4-5/1796), tức là thi Chính đồ, mà theo Thực Lục, kỳ thi này có 273 người đỗ. Ông lại trúng cách nhị trường, ta tạm đoán là ông đỗ sinh đồ, tương đương với tú tài vì ông được bổ làm lễ sinh ở phủ [lễ sinh, thuộc trật chánh cửu phẩm, tức là ngạch thấp nhất trong quan trường] rồi ông được thăng chức, làm ở viện thị thư [tòng lục phẩm].

Như vậy, Nguyễn Tường Vân bắt đầu làm quan văn, từ trật nhỏ nhất là cửu phẩm, rồi lên lục phẩm, và sau này, ông tiến dần đến nhị phẩm, là hàng quan đại thần.

Năm Đinh Tỵ [1797] ông theo Nguyễn Vương đi đánh Quảng Nam, sau đó được chuyển vào làm ở viện thị thư trong cung nội [là chốn cơ yếu, giống như văn phòng bí thư của vua, sau Minh Mạng đổi tên là Nội các].

Năm Kỷ Mùi [1799], ông theo Nguyễn Vương đi đánh Qui Nhơn, được thăng Tham luận vệ Túc Trực [chỉ huy quân cảm tử], rồi chuyển về làm Tri bạ Chánh doanh [tòng ngũ phẩm] cai quản nội đồ gia [quản trị tài sản vật dụng cho nhà vua và hoàng gia tại nội cung]. Năm Tân Dậu [1801] ông theo vua đi đánh Phú Xuân. Rồi được cử đi theo sứ bộ Trịnh Hoài Đức sang Quảng Đông mua bán, trở về lại tiếp tục cai quản nội đồ gia. Sau thăng Cai bạ Quảng Nam.

Năm Gia Long thứ tám [1809] vì tự ý tha bọn cướp bị tù, bị giáng chức làm Thiêm sự bộ Hộ [phụ tá ở bộ Hộ], năm 1810, được thăng Ký lục Bình Thuận; năm 1812, thăng Hiệp trấn Nghệ An [chánh tam phẩm] và năm 1813, thăng Hữu Tham tri bộ Hộ [tòng nhị phẩm], nhưng vẫn làm Hiệp trấn Nghệ An. Đến năm Gia Long 18 [1819] sung làm Đề điệu [Chủ khảo] trường thi Nam Sơn Hạ, rồi lĩnh chức Hộ tào [Quan toà] ở Bắc thành.

Năm Minh mạng thứ nhất [1820] được triệu về kinh, nhưng tổng trấn Bắc thành Lê Chất xin lưu ông lại làm việc cùng với phó tổng trấn Lê Văn Phong. Khi Sơn Nam Thượng và Kinh Bắc bị nạn đói, Tường Vân và Văn Phong khẩn cấp phát thóc cho dân nghèo, rồi mới tâu vua sau, Minh Mạng ra dụ khiển trách chuyên quyền, nhưng lại triệu về kinh, thăng chức thự [quyền] Thượng thư bộ Binh [chánh nhị phẩm]. Vua giao cho việc tổ chức duyệt binh ở Bắc thành. Vừa lúc có bệnh dịch, ông tâu vua hoãn việc duyệt binh, nhưng chính ông bị lây bệnh, chết ở tuổi (ta) 49.

Ông để lại tờ biểu dâng vua nói đến chuyện mẹ già mong đợi ở quê nhà nhưng bị bệnh không về thăm được, và khuyên vua nên giữ đức, cẩn thận đề phòng nhà Thanh, còn đối với nước Tiêm La (Thái Lan), thì nên khoan dung, độ lượng, nếu họ có lỗi nhỏ nên bỏ qua để đáp ơn họ đã cho tiên đế đóng ở bên ấy mấy năm giời và cũng để khỏi phải bận tâm về việc biên giới. Vua truy tặng Thượng thư bộ Binh (đích thực), cho tên thụy là Cung Nguyên, ban cho bạc lạng; cấp phu coi mộ. Lại bảo các quan rằng: “Vân đủ cả tài chính sự, văn học, lo việc nước theo phép công, gặp việc nghĩ gắng sức, chưa ai có thể kịp được, tiếc rằng chí chưa thoả mà thân đã chết, lòng trung ái ấy tỏ rõ ở tờ biểu để lại; trẫm xem biểu, không ngờ nước mắt chứa chan. Vua ban cho mẹ Vân lạng bạc và tấm đoạn và lệnh cho địa phương trông nom bà, đến khi chết, vua ban cho hậu (được thờ cúng sau khi chết).

Từ đường Nguyễn Tường, theo lời ghi trên bia, được xây năm 1806 (trùng tu năm 1909 và 2005, ở số 8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hội An), thuộc thời kỳ Nguyễn Tường Vân làm Cai bạ Quảng Nam. Đây là tư dinh quan Cai bạ. Căn nhà này nay đã hơn 200 năm, giúp ta có thể hiểu được phần nào cảnh sống thanh đạm của một vị đại thần, có công lớn, thời Gia Long-Minh Mạng.

Nguyễn Tường Vân có hai con trai được ghi tên trong Liệt Truyện. Con trưởng là Tường Vĩnh, tự là Tử Tu, hiệu là Cẩm Giang, đỗ phó bảng năm Minh Mạng 19 [1838], làm quan tới chức Án sát Định Tường, rồi Khánh Hoà, sau thăng Tuần phủ Định Tường, và bị ốm chết ở đây.

Con thứ là Nguyễn Tường Phổ, tự Quảng Thúc và Hy Nhân, hiệu là Thứ Trai. Nguyễn Tường Phổ, đậu cử nhân năm Thiệu Trị thứ nhất [1841], đậu tiến sĩ khoá Nhâm Dần (1842), làm trong Hàn Lâm viện biên tu (quan viết sử) ở Nội Các, rồi thăng tri phủ Hoằng An [thuộc tỉnh Vĩnh Long], có tiếng là thanh liêm, nhưng tính tình cao thượng, nhiều người không thích. Khi nước Cao Miên “gây biến”, tỉnh cần 1000 dân binh, ông chỉ tuyển có 100 người, nên bị cách lưu. Rồi được khôi phục, làm tri phủ Tân An, nhưng vì chính sách thu thuế vụng về nên lại bị biếm chức. Sau bị bệnh nên xin về quê nghỉ.

Năm Tự Đức thứ sáu (1852), được bổ Giáo thụ Điện Bàn (Quảng Nam), ít lâu sau làm quản lý nhà in phủ Học Chính. Liệt Truyện viết về việc dạy học và nhân cách Nguyễn Tường Phổ như sau: “Về dạy người, cốt thực bỏ hủ, trước nghiã lý, sau văn nghệ, tính cương mà khí hào, tự mình giữ kỷ luật rất nghiêm nên trách người quá nặng. Ông thường nói “Ta bình sinh không hay khoan thứ cho người, nên đặt hiệu là Thứ Trai mà tự là Quảng Thúc đó là muốn châm biếm cái tính thiên lệch mà chưa được”. Khi giảng dạy nhàn hạ, rèm buông nơi tĩnh viện, có ý tưởng tượng như tiên ở ngoài hình vật, lại thích uống rượu mà uống phải say (...) Bình sinh ông chỉ làm thơ, có nói: “Ta không hay làm phú để cho rộng thêm, chỉ để lại quyển Thứ Trai thi tập” thôi. Được vài hôm ông ốm đau rồi chết. Thọ 50 tuổi.

Nguyễn Tường Phổ sinh Nguyễn Tường Tiếp (còn có tên là Trấp). Theo Liệt Truyện, Tường Trấp đỗ tú tài, làm đến Đồng Tri phủ. Theo gia phả họ Nguyễn Tường, ông làm tri huyện Thủy Nguyên.

Nguyễn Tường Tiếp có người con trai là Nguyễn Tường Chiếu (húy Nhu) làm thông phán, là cha của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam. Nguyễn Tường Nhu mất năm 1918 (37 tuổi).

Nguyễn Tường Tiếp là người đầu tiên đã đem gia đình ra Bắc khi ông làm Đồng tri phủ huyện Thủy Nguyên [huyện này ở gần Hải Phòng, ngày trước thuộc tỉnh Quảng Yên; năm 1950, thuộc tỉnh Kiến An; ngày nay thuộc thành phố Hải Phòng]. Ông đã chọn huyện Cẩm Giàng (gần Hải Dương) để lập trại, do đó con cháu ông, nhóm Nguyễn Tường ở Bắc, sẽ xây dựng nên Tự Lực Văn Đoàn.

Nhìn lại nguồn gốc dòng họ này, ta thấy rõ hai yếu tính: làm chính trị và làm văn. Nguyễn Tường Vân, xuất thân quan văn, nhưng lúc cần có thể trở thành quan võ (Tham luận vệ Túc Trực), giúp vua cai trị nước, coi việc hành chánh, thi cử, luật pháp và trước khi chết còn để lại chúc thư, dặn vua về việc nước, khiến vua phải rơi lệ.

Nguyễn Tường Phổ có những đặc điểm khác: văn chương, nghệ sĩ, và là người đẹp. Trong một dịp nói chuyện với anh Nguyễn Tường Thiết, con trai út Nhất Linh, chúng tôi có đề cập tới “nhan sắc” của gia đình Nguyễn Tường (phần lớn là con trai). Anh Thiết kể trong gia đình, anh và anh Nguyễn Tường Giang, con Thạch Lam thường nói với nhau: Hay nhà mình có dòng máu lai (vì mũi cao giống Tây).

Sau khi đọc tiểu sử Nguyễn Tường Phổ trong Liệt Truyện tôi đoán sự “xinh đẹp” của con trai nhà Nguyễn Tường chắc không phải do lai Tây, mà đến từ Nguyễn Tường Phổ: “Tường Phổ lúc nhỏ kháu khỉnh lạ lùng, khảng khái, có khí thức, học rộng nghe nhiều, ngoài chính Kinh ra, về kiếm thư cầm phả [văn, võ, đàn, nhạc] không nghề gì là không kiêm thông.

05-TuSachNhatlinh

Tủ sách Nhất Linh

Câu văn ngắn ngủi mà hàm súc, bao gồm cả những “tính chất chung” của anh em Nhất Linh: thông minh, thường học nhẩy, học lấy, và thi đỗ dễ dàng. Khá tài hoa, cầm kỳ thi họa đủ cả. Gia đình này có những lựa chọn:

Hoặc ra làm quan “thuần tuý” như Nguyễn Tường Thụy, anh cả, làm Giám Đốc Bưu Điện Sài Gòn, Nguyễn Tường Cẩm, anh hai, công chức, rồi làm Giám Đốc báo Ngày Nay trong một thời gian ngắn, nên sau này bị (thủ tiêu) mất tích.

Hoặc làm văn chương và chính trị như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, muốn đưa đất nước ra khỏi cảnh nô lệ, trở thành thủ lãnh hai chuyển động chính trị và văn chương cùng một lúc: Việt Nam Quốc Dân Đảng và Tự Lực Văn Đoàn. Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long với đầu óc cải tổ xã hội, luật pháp, vừa phò anh và vừa lập chính. Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, vì lý do sức khoẻ, hoàn toàn theo nghiệp văn.

Thành phố Hội An giữ gìn từ đường Nguyễn Tường khá tốt. Còn nguyên không khí cổ xưa với những văn bản cổ được gia đình giao phó, rất tiếc là chúng tôi không biết chữ nho để đọc. Điều đáng quý thứ hai là việc trưng bày những đầu sách của Tự Lực Văn Đoàn với nhiều bản in khác nhau, từ thời kỳ đổi mới (những năm 1987, 88) đến ngày nay. Lần đầu tiên nhìn thấy hình Thạch Lam rõ ràng trên bìa một cuốn sách (bởi vì hình Thạch Lam rất hiếm, sau nhiều lần tản cư, hình như đều đã thất lạc), Thạch Lam có lẽ “giống” Nguyễn Tường Phổ nhất, vì đúng là một thanh niên đẹp trai (nên mệnh yểu).

06-TusachThachLam

Tủ sách Thạch Lam

Công phu gìn giữ và trưng bày sách của Tự Lực Văn Đoàn ở đây, liên hệ với sự “mở cửa” về Tự Lực Văn Đoàn. Và sự mở cửa này đến từ đâu?

Ai cũng biết tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn bị xoá sổ trong một thời gian dài ở Bắc, kể cả sau khi thống nhất đất nước, không mấy ai dám dính vào “bọn Quốc Dân Đảng” làm gì. Khi đả động đến họ thì những tê-no phê bình và nhà văn cùng thời với Tự Lực Văn Đoàn, đều tìm đủ mọi chữ hiểm để phê phán thật nặng, càng nặng càng tốt. Xuân Diệu tồi tệ không nói làm gì, Tú Mỡ cũng viết nhảm nhí, bậy bạ.

Nhưng có một người không.

Người đó là nhà phê bình và nghiên cứu Trương Chính (1916-2004). Trong hơn nửa thế kỷ ông đã giữ được ngòi bút trong sạch. Và còn hơn nữa, ông cam đảm đi ngược lại tiếng hú của đám đông.

Ngay từ năm 1939, ông đã cho xuất bản cuốn Dưới mắt tôi phê bình 13 tác giả, trong số đó có Khái Hưng, Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... ông đã có những nhận định sâu sắc về những tác giả này, đặc biệt ông nhìn ra tính cách tranh đấu xã hội trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn và ông nhìn thấy cái hời hợt rất hề trong tiểu thuyết xã hội của Nguyễn Công Hoan.

Nhưng điều đáng chú ý là trong thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn bị phê phán nặng nề nhất, Trương Chính vẫn không thay đổi lập trường, ông cho in lại bài Nhất Linh, trong Dưới mắt tôi, viết năm 1939, trong tập Lược Thảo Lịch sử Văn Học Việt Nam tập III, (Xây Dựng, 1957). Đây là bộ sách tham khảo chính thống, in 1957 là năm gay gắt nhất về vấn đề Nhân Văn Giai Phẩm.

Đến thời kỳ đổi mới, ông viết thêm hai bài khác: Tự Lực Văn Đoàn (1989) và Nhìn lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Doàn (1990) sau này in lại trong Trương Chính Toàn Tập (Văn Học, 1997), vẫn với lập trường kiên định về Tự Lực Văn Đoàn. Và cũng trong năm 1997, ông cho in lại tất cả những bài ông viết về Tự Lực Văn Đoàn trong cuốn Dưới mắt tôi trong bộ Tổng Tập Văn Học Việt Nam (nxb Khoa Học xã Hội, 1997).

07-TuSachKhaiHungHoangDaoTheLu

Tủ sách Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu

Trương Chính đã viết gì về Tự Lực Văn Đoàn?

Trước sau như một, năm 1938, Trương Chính viết về Nhất Linh như sau:

Quan niệm giải phóng cá nhân, giải phóng phụ nữ khỏi vòng lễ giáo phong kiến, dứt khoát sống theo đời mới, Nhất Linh đã bầy tỏ được trong hai cuốn Đoạn Tuyệt và Lạnh Lùng (...) Mối tình ái vụng trộm giữa Nhung và Nghiã cùng hình ảnh tấm biển Tiết hạnh khả phong đã làm cho ta thấy nền đạo đức luân lý cũ trói buộc con người và khiến con người trở thành giả dối là cần phải phá bỏ (...) Trong Đôi Bạn, ngoài Dũng, tác giả còn sáng tạo một số nhân vật khác cũng hoạt động cách mạng, như Tạo, Thái, Cận, v.v. Người ta có thể nghĩ rằng tổ chức cách mạng Nhất Linh muốn ám chỉ đây là Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hoạt động thật sự thời kỳ 29-30. Cuối cùng, Dũng và Trúc bỏ nhà trốn lên Lạng Sơn để rồi sang Tàu sang Nga. Vì nhiều lý do Nhất Linh không tiện nói rõ chủ trương của họ như thế nào, nhưng ở đây ta đã gặp những con người có chí khí, có tâm hồn, đã biết thắc mắc về chế độ xã hội hiện tại và đã hành động để hòng thay đổi chế độ đó.

Năm 1989, Trương Chính viết bài Tự Lực Văn Đoàn, đưa ra nhiều thông tin quý giá khác về thời kỳ mới thành lập văn đoàn chung quanh năm 1930. Ông mở đầu bài viết bằng câu:

Có thể nói trong vòng tám năm, từ 1932 đến 1940, Tự Lực Văn Đoàn chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn công khai; sách báo của họ in đẹp nhất, bán chạy nhất, có một ảnh hưởng nhất định trong giới trí thức tiểu tư sản và tiểu tư sản thành thị. Điều đó không ai phủ nhận được. Người đứng đầu là Nhất Linh, tức Nguyễn Tường Tam, viết văn hay đã đành mà lại có óc tổ chức, có nhiều sáng kiến: những người ghét ông cũng phải phục, muốn bắt chước cũng không bắt chước được. Nói gì thì nói, nhóm Tự Lưc Văn Đoàn của ông có một vai trò rất lớn trong sự phát triển văn học của ta những năm Ba mươi”.

Sau khi kể lại tiểu sử của Nhất Linh và việc thành lập Phong Hoá và Ngày Nay... Trương Chính công phá những lập luận chống Tự Lực Văn Đoàn (khủng hoảng tư tưởng, vô luân, chống lại nhân dân, chủ nghiã cá nhân tư sản, cực đoan, ích kỷ, bệnh hoạn, cải lương, phù phiếm, giả dối, trưởng giả, phản động, sa đọa, trụy lạc, phi luân, độc ác... Nguyễn Hoành Khung, trong ba mục từ: Khái Hưng, Nhất LinhTự Lực Văn Đoàn, Từ Điển Văn Học, 1984), bằng những luận điểm sau đây (xin tóm tắt):

- Văn chương lãng mạn trước 1930, tức là trước khi Tự Lực Văn Đoàn ra đời, là một thứ lãng mạn đầy giọng bi quan, giận đời, chán đời, của những người thất bại, những người yếu hèn trước thời cuộc. Đa sầu đa cảm trở thành cái mốt. Người ta không ốm mà rên. Hoàng Ngọc Phách trong bài Văn chương và nữ giới kể lại: vào những năm 1920, các nữ sinh trường Nữ Lưu học sinh, sáng tác toàn một giọng văn thơ sầu thảm rồi dán lên tường ở khắp các phòng, vậy mà khi viết Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách cũng rơi vào loại văn chương ấy nốt.

- Tự Lực Văn Đoàn đề ra mục đích, tôn chỉ: “Lúc nào cũng trẻ, yêu đời” là muốn phá tan cái không khí u uất, sầu thảm kia. Tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn cũng lãng mạn, cũng nói về tình yêu dang dở (Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đôi bạn, Đoạn tuyệt,...) nhưng không ai khóc, không ai ốm tương tư, không ai đâm đầu xuống hồ Hoàn Kiếm tự tử.

- Trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, thanh niên chưa dám đứng lên cứu nước, đang tìm mọi cách thoát ly thực tế đời sống. Vui cũng để mà quên. Đối với họ, than vãn cũng là lạc hậu.

- Văn chương Tự Lực Văn Đoàn “không có tính cách trưởng giả. Nhân vật chính trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, từ buổi đầu đã là những người thuộc thành phần trung lưu: Mai, Loan, đều là những cô gái “bình dân”. Chính Tự Lực Văn Đoàn là những người đầu tiên viết những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn bình dân: Gánh hàng hoa, Tối tăm, Anh phải sống, Hai vẻ đẹp...

- Tự Lực Văn Đoàn “tôn trọng tự do cá nhân, làm cho người ta biết đạo Khổng không còn hợp thời nữa”. Tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn đều chiã mũi nhọn đả kích lễ giáo và nếp sống đại gia đình phong kiến: Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Gia đình, Thoát ly, Thừa tự. Họ hô hào giải phóng cảnh mẹ chồng nàng dâu, mẹ ghẻ con chổng, cảnh thủ tiết của những người đàn bà trẻ goá bụa. Họ đòi cho nam nữ có quyền được hưởng hạnh phúc riêng.

- Ở đây cần nói thêm về cái “chủ nghiã cá nhân tư sản” mà người ta phê phán. Nên nhớ rằng chủ nghiã cá nhân tư sản là một bước tiến bộ, trong quá trình con người giành quyền sống. Xã hội Việt Nam thời phong kiến chưa hề có quan niệm về cá nhân.

Trong bài Nhìn lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, ông phân tích năm tác phẩm: Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng Đời mưa gió. Về cuốn Đời mưa gió, ông viết: “Đứng trên quan điểm của chúng ta mà nhìn, thì đó là chủ nghiã cá nhân cực đoan nhiễm thêm chất độc của sự trụy lạc, nhưng ở phương Tây, từ lâu đã có nhiều người phụ nữ sống như Tuyết, quan niệm như Tuyết, và tình trạng ấy dần dần càng ngày càng phổ biến. Ông kết luận bài viết bằng câu: “Việc các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn làm hồi đó đúng theo chiều hướng của chúng ta ngày nay. Làm ngơ không nói đến là không công bằng. Nói đến mà cố hạ thấp đi cũng là không phải. Còn như vấn đề giải phóng phụ nữ một cách triệt để, như họ đặt ra trong Đời Mưa Gió, hiện nay là một vấn đề ngỏ, và chưa ai bàn đến.

Trương Chính là nhà phê bình duy nhất ở miền Bắc đã viết những điều trung thực về Tự Lực Văn Đoàn trong suốt giai đoạn khó khăn nhất. Tôi nghĩ đó là động lực chính khiến cho sách của Tự Lực Văn Đoàn được in lại ở trong nước, ngay từ thời kỳ đổi mới thập niên 1990: Công đầu là Trương Chính, ngòi bút can đảm và chính trực của nhà phê bình Trương Chính.

Đã hơn bốn mươi năm qua, sau 1975, người Việt vẫn tiếp tục chia đôi vĩ tuyến: sách anh, anh đọc, sách tôi, tôi đọc, hai bên chưa muốn nhìn nhau và đọc nhau. Đôi khi, có nói đến nhau cũng chỉ là để chê bai, gièm bỉ, hạ thấp. Tệ nhất là cả hai bên đều tự vỗ ngực khen mình: chỉ có ta mới hay, bên kia là đồ bỏ. Người Việt di tản rất tự hào về Văn học miền Nam, còn các vị viết phê bình ở trong nước, cho đến nay, phần lớn vẫn chỉ khoanh tròn trong những tác giả miền Bắc, làm ngơ, coi như “bên kia” không có. Việc mèo khen mèo dài đuôi hay việc làm ngơ không nói đến, hình như đều thiếu văn hoá cả.

Nếu chịu đọc nhau, thì ta sẽ thấy, cả hai miền Nam, Bắc đều có chỗ hay chỗ dở và đều có thể bổ khuyết cho nhau để trở thành một nền văn học Việt Nam toàn diện:

Miền Nam, được tương đối tự do, đã phát triển sáng tác thơ, văn cùng các trào lưu của thế giới và tạo được một nền văn học rực rỡ trong hai mươi năm chia cắt đất nước.

Miền Bắc, sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, các nhà văn không còn tự do để sáng tác, nhưng những học giả, dịch giả đã nỗ lực làm việc. Việc dịch thuật những bộ sách nghiên cứu, lịch sử vĩ đại, từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ chính là thành công lớn của các dịch giả miền Bắc. Những bộ sách đồ sộ như Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt Truyện, Đại Nam Nhất Thống Chí, Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí... và nhiều tác phẩm khác tàng trữ trong Viện Hán Nôm và Viện Sử học, đều là công lao của các dịch giả miền Bắc. Việc dịch thuật đã giúp chúng ta có thể hiểu được quá khứ, ít ra là về phần sử liệu, xem tổ tiên ta viết gì, mà so sánh với những điều người ngoại quốc viết, bởi vì từ khi ta chỉ học chữ quốc ngữ không thôi, chúng ta đã mù chữ đối với quá khứ 10 thế kỷ văn hoá của nước mình, vì thế mới phát sinh cái tính vọng ngoại, ỷ lại vào người Tây phương, nhất là người Pháp: Họ viết gì là tin như thật.

Sự trì trệ trong việc nghiên cứu lịch sử ở cả hai miền Nam Bắc, thoát thai từ sự mù chữ đối với quá khứ dân tộc.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)